Dịch giả : Cao Ngân Hà & Bạch Liên
Chương 7
BỐN ÐỨC TÁNH CẦN THIẾT

Có bốn đức tánh cần thiết để bước vào Ðường Ðạo, ấy là:
° PHÂN BIỆN.
° ÐOẠN TUYỆT.
° HẠNH KIỂM TỐT.
° LÒNG TỪ ÁI.
C. W. L.  Mấy đức tánh cần thiết này luôn luôn được chỉ dẫn trong các Tôn giáo, nhưng sự phiên dịch ở đây có khác hơn chút ít với những sự phiên dịch trước.
a) Về đức tánh thứ nhứt sự thay đổi rất ít. Tôi đã giải thích những danh từ của người Ấn Ðộ và những người Phật giáo dùng: nó đồng nghĩa với chữ Hoán Cải của người Thiên Chúa giáo; người đệ tử phải hiệp nhất Chơn Nhơn với Phàm Nhơn. Trên Ðường Ðạo chính thức một sự hiệp nhất in như thế sẽ kết hợp lại Chơn Nhơn với Chơn Thần. Chơn Nhơn là một phần tử của Chơn Thần tách ra và ngự ở phía dưới Chơn Thần, tại phần trên cao của cõi Thượng Giới. Chơn Nhơn cũng xuống để thu thập những kinh nghiệm, để tập tiếp nhận và lập lại vài thứ rung động không cảm được Chơn Thần ở cảnh giới của Ngài. Ðến lượt Chơn Nhơn phải hiểu rằng nó là một phần tử của Chơn Thần, nó có ra đây chỉ vì Chơn Thần và khi đã đạt được mục đích, con người sẵn sàng được Ðiểm Ðạo lần thứ Năm và thành một vị Siêu Phàm.
Cái khả năng phải có để được hai lần điểm đạo được xác định  như sau đây: trong cuộc Ðiểm Ðạo lần thứ Nhứt, Chơn Nhơn hiệp với Phàm Nhơn, đến đỗi trong Phàm Nhơn chỉ có sự hoạt động của Chơn Nhơn thôi; trong cuộc Ðiểm Ðạo lần thứ Năm, thì những gì trong Chơn Nhơn mà không do Chơn Thần linh cảm hay tán thành đều biến mất. Mỗi khi Chơn Thần ảnh hưởng đến những kiếp sống dưới Trần gian thì Ngài xuống như một vị Thượng Ðế từ trên trời giáng thế vậy. Trong mỗi kỳ Ðiểm Ðạo, Chơn Thần xuống như một tia chớp nhoáng và trong phút chốc Ngài hiệp nhất với Chơn Nhơn, cũng như sự hiệp nhất này sẽ vĩnh viễn khi con người đắc quả Chơn Tiên. Trong vài trường hợp khác, Chơn Thần cũng xuống vậy, chẳng hạn như trường hợp đã được đề cập trong quyển Những kiếp sống của Alcyone, khi em phát nguyện với Ðức Thế Tôn (Ðức Phật). [10]
Trong những phương pháp đã kể ra, do phương pháp này hay  phương  pháp kia, con người đã biết phân biện hay nhận thức được công việc này đáng tìm kiếm, còn  công việc kia thì không đáng.
b) Kế đó con người thấy rằng nó phải hoạch đắc đức tánh thứ nhì, mà ở đây Ðức Thầy gọi là Dứt Bỏ hay Ðoạn Tuyệt. Bà Tiến  Sĩ  A. Besant  đã dịch  là "Không có Dục tình hay Lãnh đạm", nó chính là Vairagya của người Ấn Ðộ, có nghĩa là Lãnh đạm đối với kết quả của những hành vi của chúng ta. Ðức Thế Tôn diễn tả bằng những danh từ đó, Ngài dùng chữ Nam Phạn - Pâli - Parikamma. Karma hay kamma luôn luôn có nghĩa là làm hay hành động và Parikamma có nghĩa là chuẩn bị hành động; ấy là hành động theo đó một điều quan trọng đặc biệt chỉ định bổn phận làm lành là vì chưng yêu mến sự lành chớ không vì lợi lộc nào khác có thể đem đến cho chúng ta. Phải hiểu rõ điều này. Thường người ta hiểu rằng Lãnh đạm đối với kết quả của hành động có nghĩa là phải thi hành bổn phận không cần bận tâm đến sự phản ứng của nó đối với kẻ khác. Như trong quyển này có nói với chúng ta ở phía đàng sau như  vầy: "Con  phải làm điều  lành; con không được làm điều ác", dù những hiệu quả xảy ra như thế nào cũng vậy; như thế không có nghĩa là phải làm theo ý muốn chúng ta mà không cần lo nghĩ coi hành  vi của mình cảm đến kẻ khác cách nào. Thật ra, chính là cái kết quả đã tạo ra xác định một hành vi thiện hay ác. Ðệ tử Chơn Sư không nghĩ đến hậu quả đối với chính mình, nhưng y hết sức quan tâm đến hậu quả gây ra cho kẻ khác.
c) Ðức tánh cần thiết thứ ba gọi là Hạnh Kiểm Tốt, liên quan đến sáu qui tắc mà người Ấn Ðộ gọi là Shatsampatti. Theo danh từ Nam Phạn - Pâli - của Ðức Phật dùng, đức tánh này được gọi là  Upachâro, nó có nghĩa là "Chủ ý hơn là Hạnh Kiểm." Phải giữ gìn Hạnh Kiểm theo đường lối của sáu thứ bửu châu này đã qui định, như người ta đã gọi như thế. Trong khi tiếp tục nghiên cứu sách này, chúng ta sẽ gặp ở phía sau những danh từ của Ðức Thầy Kouthoumi dùng. Ðức Phật gọi những danh từ ấy là: Samo, "Yên tịnh," nghĩa là kỷ luật của Trí tuệ; Damo, "Khắc phục," nghĩa là kỷ luật của Xác thân; kế đó là Uparati, Titikkha, Samadhana và Saddha, theo nghĩa chữ là: "Ðình  chỉ, Chịu  đựng, Chuyên cần  và Ðức tin". Tôi đã ra công tìm kiếm ý nghĩa của những danh từ này trong những quyển Tự điển chính và cũng nhờ Ðại Ðức Hòa Thượng Hikkadu­we Sumangala Thero, Tăng Thống phái Phật giáo Nam Tông dịch giúp tôi. Những từ ngữ này cũng tiêu biểu đức tin đặc biệt của phái đó.
Chúng hơi khác chút ít với lối dịch trong quyển Dưới Chơn Thầy. Ðức tánh ở đây gọi là "Ðình chỉ" trong Dưới Chơn Thầy dịch là "Khoan dung" vì đây là vấn  đề từ  bỏ tư tưởng cạn hẹp của Tôn giáo, và thói Dị đoan mà cũng hoàn toàn cởi bỏ tất cả mọi ý tưởng cho rằng phương pháp của bạn hay hơn  tất cả những phương pháp khác, cũng như thấy rằng không có một nghi thức hoặc lễ bái nào là cần thiết. Sự chịu đựng, nhẫn nhục đó chỉ là một hình thức của sự yên tịnh. Sự chuyên tâm phát xuất từ sự định trí và sự thăng bằng, nó bắt ta phải tập trung trọn đời ta vào tiêu điểm của sự cố gắng và như thế nó cũng gồm sự cương quyết. Sau hết đức tin là sự tin cậy Ðức Thầy và cũng là sự tự tín nữa. Trong hai trường hợp, mấy đức tánh này không khác nhau, nhưng đức Phật nói đến chúng trên một quan điểm đặc biệt - sự cần thiết của đức Minh Triết. Còn Ðức Di Lạc và Ðức Thầy Kouthoumi thì nhấn mạnh sự cần thiết của tình thương hơn. Khi dạy Alcyone, Ðức Thầy cũng nhắm vào ý nghĩa thực tiễn hơn là dịch những danh từ xưa.
d) Ðức tánh cần thiết sau cùng là Lòng Từ Ái, tiếng Phạn là  Mumukshatva, nghĩa là "Sự nhiệt thành mong muốn được giải thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi và hợp nhất với Ðấng Tối Cao". Ðó là điều Ðức Phật đã gọi trong danh mục của Ngài là Anuloma, nghĩa là "Thứ tự trực tiếp" hay " Sự  liên tục". Ðiều này có nghĩa là sau khi khai mở các đức tánh khác con người phải ước mong được thoát khỏi những sự hạn chế của Thế gian và được hợp nhất với Ðấng Tối Cao  để trở  thành Cộng sự viên của Ngài.
Rồi Alcyone nói tiếp:
Tôi cố gắng nói cho bạn nghe những lời của Sư Phụ tôi dạy tôi về mỗi đức tánh ấy.
Ðến đây mới bắt đầu phần chính của tác phẩm Dưới Chơn Thầy.