Dịch giả : Cao Ngân Hà & Bạch Liên
Chương 27
SỰ HUNG ÁC

Còn về sự hung ác, thì có thể có hai thứ: cố ý và vô tình. Cố ý ác là làm cho sinh vật đau đớn. Tội này lớn hơn tất cả những tội ác khác, đó là việc làm của một con quỷ chứ không phải của con người. Con sẽ nói con người không thể làm như vậy được, nhưng nhiều người đã thường làm điều đó và mỗi ngày mỗi làm nữa. Những vị pháp quan của tòa án tôn giáo xưa làm ác. Nhiều  tín đồ nhân danh tôn giáo mình mà làm ác.
C. W. L.  Sự hung ác là việc làm của bọn quỷ hơn là của con người. Ðó là quan điểm của Ðức Thầy. Trong đời sống hằng ngày,  lắm khi người ta nói hay làm một việc nào đó để gây khổ cho kẻ khác. Sự kết tội ấy phải qui về y. Y hành động giống như ma quỷ hơn là con người. Ðó là điều dường như khó tin, nhưng có nhiều người đã làm.
Nhiều tội ghê tởm đã phạm nhân danh tôn giáo. Chúng ta hãy đọc đoạn văn tối cổ, như Kinh Phệ Ðà (Védas), sẽ thấy nó làm cho ta suy gẫm thật nhiều về điều đó - những người Aryen [103] xâm chiếm đồng bằng Ấn Ðộ và chém giết dân xứ ấy. Ðối với dân bổn xứ không có gì làm cho họ ghê sợ hơn. Phải tiêu diệt họ không còn một người nào trên mặt đất! Tại sao những người Aryen hành động như thế? Chỉ vì một lý do cũng đủ lắm rồi, bởi vì những lễ bái của họ không giống với lễ bái của người Aryen. Những người Hồi Giáo rải rác trên một phần lớn quả địa cầu buộc những dân tộc bị họ chinh phục phải chọn hoặc quyển Kinh Coran hoặc lưỡi gươm. Những người Thiên  Chúa Giáo cũng làm như vậy. Một tinh thần như thế gây nên  sự quyết định của những vị pháp quan tòa án tôn giáo thời Trung Cổ, những sự đối xử tàn nhẫn với người Ấn Ðộ ở Nam Mỹ Châu, và còn nữa. Bây giờ đây chúng ta tưởng rằng chúng ta văn minh hơn, nhưng hiện nay lòng sùng đạo ở vài vùng vẫn còn rất hung bạo và khắc nghiệt. Người ta thích  nói rằng nếu luật pháp cho phép ngược đãi như thế, nền văn minh  của chúng ta đã tiến xa quá nên không cho chúng ta tái diễn những sự ghê tởm thuở xưa. Tôi không chắc điều đó đâu. Tôi biết nhiều vùng ở Anh Quốc nơi đó những người có những tín ngưỡng không chính thống bị loại ra khỏi những chức vị xã hội và bị nghi ngờ mọi điều xấu xa. Chúng ta không đánh họ nhừ tử và không bẻ răng họ như  tổ tiên chúng ta đã làm. Thời đại nào, phong tục nấy! Tôi không thích thấy uy quyền tuyệt đối ở trong tay giáo phái độc đoán nào.
Những người giải phẫu sinh thể để thí nghiệm học hỏi, cũng đã làm ác.
C. W. L.  Không thể nào có thể bàu chữa lỗi mình trong việc hành hạ thú vật có phương pháp. Chúng là những huynh đệ còn non trẻ của chúng ta, dù chúng chưa tiến đến bậc làm người, nhưng chúng sẽ được làm người, sau khi trải qua một số kiếp luân  hồi dài hay ngắn. Dùng thú vật thí nghiệm gây ra sự hung ác thật ghê tởm và thật ra không bao giờ phục vụ cho nhân loại, bởi vì luật nhân  quả không thay đổi, và con người gieo cái gì y  phải gặt cái đó. Tôi có nghe Bà Bác sĩ Besant tuyên bố rằng không có sự sống nào nên cứu bằng những phương pháp như thế. Chúng ta biết rằng bản năng sinh tồn ăn sâu vào lòng mỗi người và mỗi con thú, đặng cho xác  thân có thể thành ra dụng cụ để phục vụ lâu dài đời sống bên trong, xác thân do lắm công  phu và khổ nhọc mới tạo ra được. Do đó cần phải cứu mạng con người bằng những phương tiện chính đáng. Nhưng cứu cánh  không thể  biện minh  cho mọi phương tiện. Chúng ta rất có lý và khâm phục những người thà chết hơn chịu ô nhục. Chắc chắn đó là mọi sự ô nhục lớn lao đối với những kẻ dùng những phương tiện quái đản như thế để bảo tồn sự sống của mình. Bà Hội Trưởng của chúng ta nói rằng bà thà chịu chết hơn là được cứu sống theo cách ấy.
Về vấn đề này, chúng ta gặp trong Hội Thông Thiên Học những ý kiến khác biệt nhau, mỗi người đều có quyền tự do tin  tưởng  theo ý riêng của mình, nhưng ý kiến của Ðức Thầy đưa ra trên đây thật minh bạch. Dù sự ghê tởm của chúng ta trước sự hung  ác trong sự giải phẫu hình thể có thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải nhìn nhận  rằng nhiều  vị y sĩ và những người cùng chí hướng đã hối tiếc khi làm việc ấy. Sự hung ác không làm cho họ vui một chút nào (dù việc làm ấy khuyến khích vài tinh quái mang lớp  người giữa xã hội chúng ta), nhưng họ nghĩ rằng đó là phương cách duy nhất để bảo vệ xác thân  con người khỏi đau đớn và chết chóc. Họ đã thành thật tin tưởng rằng trong trường hợp này cứu cánh sẽ biện minh cho phương tiện. Do đó, dù chúng ta bất đồng với họ, chúng ta chớ nên lên án kẻ phạm tội mà hãy lên án sự tội lỗi.  Chắc chắn Luật Nhân Quả sẽ mang đến cho những người giải phẫu sinh thể nhiều sự đau đớn. Nhiều người tỏ ra tức giận và gần như oán ghét đối với những người giải phẫu sinh thể, nhưng nếu biết  được sự thật này, thì mấy người ấy sẽ xót thương cho họ.
Không phải những người giải phẫu sinh thể đều hung ác như nhau. Tôi có biết một nhân viên trong Hội chúng ta là một nhà giải phẫu nổi tiếng, ông đã thực hiện  việc  giải phẫu sinh thể theo một phương cách đặc biệt. Trong thân thể con người có vài huyết quản đôi khi bị vỡ. Nó mảnh mai đến  nỗi nếu người ta thử ráp hai đầu ấy, luôn luôn không tránh khỏi sự kéo da non lành vết thương làm nghẹt huyết quản. Từ lâu, không thể chữa được trường hợp này. Sau cùng, vị Bác sĩ ấy nghĩ rằng nếu rạch một đường lớn hơn,  người ta có thể làm cho vết thương lành mà không nghẹt huyết quản. Ông thực hiện việc ấy bằng cách rạch một đường gần cuối đoạn đứt và một đường nữa bên cạnh khúc kia rồi đặt hai đường cắt ấy kế tiếp nhau. Muốn cho sự hiệu nghiệm của phương pháp đó chắc chắn ông đã thử trên một số chó. Ông nói với tôi rằng ông đã dùng lối nửa tá chó hoang trong cuộc thí nghiệm ấy. Những con chó này được nuôi đầy đủ và ở trong tình trạng hoàn mỹ trước khi giải phẫu. Chúng được dùng thuốc tê và săn sóc kỹ lưỡng cho đến khi chúng hoàn toàn bình phục. Việc làm đó chứng tỏ cuộc giải  phẫu thành công. Như thế sự chữa trị lành mạnh mà trước kia người ta cho là tuyệt vọng lại được công nhận dễ dàng. Hiện nay lối giải phẫu  đó được thực hiện trên toàn thế giới và đã mang tên vị y sĩ đã phát minh ra nó. Nguyên tắc thì bất chính tuy nhiên không mang tính cách hung ác đối với thú vật. Chẳng những  chúng  không chịu thiệt hại gì trong thời gian thí nghiệm mà số phần chúng còn được cải thiện. Vậy cuộc thí nghiệm này hoàn  toàn không giống như những cuộc thí nghiệm thông thường khác và tôi tưởng rằng công kích vị y sĩ này là điều rất sái quấy cũng  như những kẻ phản đối sự giải phẫu sinh thể luôn luôn công kích  những người giải phẫu.
Một vài cuộc thí nghiệm được mô tả trong sách vở thật hung ác và khốc liệt. Chẳng hạn như cuộc thí nghiệm để ghi nhận xem đến nhiệt độ nào con thú có thể được nướng chín trước khi vài cơ năng của nó biến mất, chưa kể đến những điều ghê tởm hãi hùng  khác và hiển nhiên là vô dụng. Hàng ngàn cuộc thí nghiệm khác được thực hiện một cách vô ích để sinh viên học hỏi một cách tổng  quát và để đạt những kết quả không có mục đích, vì  sự  cấu tạo  cơ thể con người về nhiều  phương diện khác xa so với sự  cấu tạo cơ thể của loài vật. Thí dụ một con dê cái có thể ăn cây kỳ nam ( jusquiame ) chung  với  nhiều  thức  ăn khác, mà không thấy phản ứng  gì; nhưng  nếu con người ăn như thế y sẽ bước sang cõi Trung Giới. Chúng ta phải nói thêm rằng, khi một con thú bị hành hạ và khiếp đảm thì những khí lực trong thân xác nó cũng biến đổi khiến cho sự quan sát chúng không còn chính xác nữa.
Dĩ nhiên là thần nhãn phải thay thế cho tất cả những sự hung ác này. Nếu vị y sĩ có thể quan sát tổ chức bên trong của người sống khi thân thể còn nguyên vẹn thì thật hữu ích hơn là giải phẫu sinh thể thú vật, mà sự cấu tạo khác biệt với con người rồi đưa ra suy luận về cơ thể con người. Những ai cảm thấy rằng sự giải phẫu  sinh thể  là vấn  đề quan trọng, thì họ nên thành lập một cái hội mà những nhân viên trong hội đồng thí nghiện lẫn nhau. Hội này sẽ cung cấp  cho họ những xác thân con người mà các phản  ứng chắc  chắn sẽ hữu ích hơn là những phản ứng vô dụng của thú vật. Rốt cuộc họ tránh được những cực hình ghê tởm đối với những sinh vật không có ai bảo vệ. Ðó là điều  mà  trong  thế  giới  do Thượng Ðế tạo ra, họ không có quyền làm. Nhưng tất cả những điều kiện này đều  vô ích, vì một phần mười sự cố gắng, nghiên  cứu và tìm tòi được hiến cho những cuộc thí nghiệm cũng đủ để tuyển mộ một đạo binh có thần nhãn đáng tin cậy. Tôi sẽ nói rằng ngay sự chuyên tâm học tập lâu dài của một sinh  viên trung bình, thường thường  cũng thừa đủ để  cho  y khai mở thần nhãn.
Một loại hung ác khác đã đe dọa chúng ta phát sinh từ sự lạm  chiếm quyền hạng của nghiệp đoàn y sĩ chính thống. Chúng ta không muốn trở nên nô lệ họ, cũng như tổ tiên chúng ta đã nô lệ giáo đường. Dù những y sĩ đã thực hiện một điều lành, một việc phước đức bằng nhiều phương cách, nhưng không vì thế  mà họ có quyền thiết lập những cuộc "thẩm xét khoa học" hoặc áp dụng sự  trừng  phạt đối với những ai không chịu khuất phục trước y lý hiện kim của họ. Chắc chắn  chỉ có luật dân sự mới có thể trừng phạt chúng ta. Những giáo đường cũng trừng phạt như thế: những người không chịu tin tưởng và vâng lời bị gởi qua tòa án dân sự với lời cầu khẩn giả dối là "đừng làm đổ máu". Do đó, nhà cầm quyền thay vì xử trảm nạn nhân, lại xử thiêu họ. Sự cưỡng bách chủng  đậu đã gây nên việc chống đối. Trong vài xứ chủng đậu còn bị cưỡng bách mà không minh chứng cho  người ta  thấy rằng phương thức không tệ hơn bịnh mà nó muốn diệt trừ [104]. Ý kiến về khoa  học rất thường thay đổi trong giới y học, nhưng lúc đương thời, mỗi lý thuyết đều được những người đồng quan niệm nhiệt liệt ủng hộ. Lịch sử đã cho thấy rằng quyền lợi của một nhóm người nắm giữ uy thế thường tạo những sự áp chế khủng khiếp và những nỗi khốn khổ vô bờ bến. Không, không nên có sự "thẩm xét khoa học".
Có vài người cố gắng  bàu chữa tất cả những sự hung ác đối với thú vật, theo  lý thuyết cổ của người Do Thái cho rằng  thú vật sinh ra chỉ để phục vụ con người. Chúng ta hiểu biết hơn điều đó. Thú vật sinh ra đây do ý muốn của Ðức Thượng Ðế. Chúng nó là biểu hiện  của những giai đoạn tiến hóa do sự sống của Ngài đã thâm nhập vào. Tuy nhiên chúng ta có quyền sử dụng thú vật với điều kiện là giúp cho sự tiến hóa của chúng. Nhờ tiếp xúc  với con người mà chúng nó được tiến bộ. Quả nhiên là chúng ta chiến đấu với con ngựa rừng khi chúng ta bắt nó, nhưng trên phương diện khác, nhất là trí não,  nó đã mở mang nhiều trong đời sống bị bó buộc.
Những người khác lại đem quan niệm xưa của người Do Thái áp dụng vào con cái. Nhiều người cha mẹ tin chắc rằng con cái  sinh ra chỉ vì họ, để phụng sự họ, làm cho họ vinh hạnh, săn sóc  họ trong lúc tuổi già, vân vân.... Ðó là nguồn  gốc của ý niệm  vô nhân đạo này: Phải bắt buộc trẻ con trở thành như  ý chúng ta muốn nó như thế nào, mà không để ý đến thiên tư và quyền lợi đặc biệt của nó thuộc về những tiền kiếp. Ðiều này đưa đến sự hung ác tế nhị.
Nhiều vị giáo chức thường làm ác. Tất cả những người ấy cố gắng bàu chữa sự tàn bạo của họ bằng cách nói rằng đó chính là tại tục lệ. Nhưng không phải vì lý do có nhiều người phạm mà một tội ác không còn là tội ác nữa.
Ðánh đập trẻ con là một tục lệ lan tràn. Nhưng không vì thế mà bàu chữa được lỗi mình. Tuy nhiên tục lệ đó không có tính  cách phổ quát. Tôi thật sung sướng mà thấy vài xứ đã đạt đến trình độ văn minh về phương diện này. Tôi tưởng nước Nhật Bản là một trong số đó. Theo kinh nghiệm riêng, tôi biết rằng ở Ý cũng thế. Tôi ở lâu ngày trong một  thành phố lớn ở Ý, tại một ngôi nhà mà cửa sổ hướng ra sân một trường Trung Học quan  trọng. Từ  nơi đó tôi theo dõi một cách rất thú vị những mối liên hệ giữa thầy và trò. Cho hay bản  chất của những trò này dễ bị kích thích và tự  do hơn, nên kỹ thuật áp dụng đối với chúng phải khác với kỷ luật của nước Anh. Học trò đang sắp hàng, bỗng một em trong  đám chạy đến vị giáo sư, cầm tay ông và  nói  một  cách  tha thiết. Vị  giáo sư  vuốt đầu  đứa bé và mỉm cười, chắc ông chấp thuận lời yêu cầu  của nó hoặc nói đến điều đó. Tất  cả mọi  người  đều sống trong tình tương thân tương ái. Còn  một nhận xét khác như sau: mỗi lần những em học sinh trai này gặp thầy chúng ngoài phố, chúng chạy tới túm lấy tay ông và cũng đối đãi với ông như một người bạn chí thân, ngoài giờ học. Ðó là dấu hiệu tốt đẹp, vì người được trẻ con thương mến luôn  luôn  đúng  là một người tử tế; bản năng của chúng không sai lầm. Bên Ý, không có một sự  hung ác nào có thể xảy ra như trong các trường học bên Anh Quốc, vì phong tục của hai nước khác nhau. Xâm phạm đến một cá nhân nào là một tội lỗi không thể dung tha trong xứ ấy. Ðiều  này gây ra việc sử dụng dao mác và những cuộc đấu gươm, vân vân.... Như thế, trẻ con được bảo vệ hoàn toàn.
Từ lâu,  sự  trừng phạt là một tục lệ. Nhưng tục lệ này không  làm giảm được tính cách của sự hành phạt, vừa là hung ác, vừa là vô ích một lượt. Trước hết, sự trừng  phạt không phải là công  việc của chúng ta. Luật Nhân Quả đảm trách tất cả những việc đó và nó không thể lầm lẫn như chúng ta thường lầm lẫn. Những sự bất công kinh nhủng của luật pháp đã xảy ra không biết bao nhiêu lần rồi; những hình phạt vô cùng nặng nề đã giáng xuống cho những người hoàn toàn vô tội. Kẻ phạm tội làm hại cho nó nhiều hơn là những kẻ khác, và người ta có thể để cho sự trả thù đi theo sự lưu hành tự nhiên của nó.
Ngoài điều đó ra, sự trừng phạt được áp dụng để gây sự sợ hãi trong lòng người phạm tội về sau này và cũng nhằm nhắc nhở chung cho tất cả những người khác. Ðánh đập trẻ con thật giống sự trừng phạt của luật pháp đối với tội nhân: luôn luôn đó là ý định trả thù. Dường như người ta nói rằng: "Anh làm điều này, điều kia rồi anh phải hối hận về điều đó". Thường thường một ông thầy nổi giận. Sự xúc động của ông là nguyên nhân của việc trừng phạt,  chứ chẳng phải sự suy xét hợp lý vì quyền lợi của đứa trẻ. Tôi  biết người ta nói rằng sự trừng phạt của luật pháp nhằm ngăn  ngừa tội lỗi; nhưng chúng hành động một cách khác hẳn. Trước đây một trăm năm, sự trừng phạt của luật pháp nước Anh rất nghiêm khắc. Chẳng hạn người ta treo cổ một người vì y đã ăn cắp một vật nào đó đáng giá một đồng "si-linh" (shilling) và sáu xu. Tôi nhớ đã đọc ở cửa khám đường Newgate (như người ta cũng đọc ở nơi khác) như sau: "Kẻ kia bị treo cổ vì đã ăn cắp đôi bao tay (găng) đáng giá hai hoặc ba đồng si-linh". Trong thời kỳ ban hành những hình phạt nghiêm khắc như thế, việc phạm tội lại còn nhiều hơn hiện nay. Hình phạt không ảnh hưởng bao nhiêu đến tội trạng. Ðó là vấn  đề giáo  dục tổng quát và văn minh.
Thường thường không có sự liên quan nào giữa tội trạng đã phạm với sự trừng phạt của pháp luật hay là nhà trường. Một  người ăn cắp, y bị tống giam một thời gian. Có sự tương quan nào giữa hai việc ấy? Muốn được hợp lý phải bắt kẻ phạm tội làm việc  để đền bù lại giá tiền của vật bị đánh cắp và hoàn nó lại cho người chủ bị trộm. Sự trừng phạt phải hết sức tương xứng với tội trạng. Bỏ tù một người chỉ vì y đã ăn cắp là một thứ ác mộng. Ðối với chúng ta cũng giống như thế, nếu một đứa trẻ không học bài thì nó bị đòn. Ðâu là sự  tương quan  của hai sự kiện  ấy? Người ta có thể nói một cách hợp lý một phần nào như sau: "Em không học bài, em sẽ bị chậm trễ hơn các bạn học của em. Vậy em phải ở lại đây học thay vì đi chơi". Nhưng phương pháp áp dụng hiện thời là vô lý và hoàn toàn sai lầm. Ý định trừng phạt luôn luôn bất hảo và tất cả những tục lệ trên đời cũng chẳng thay đổi được điều gì. Cả  ngàn chuyện vô cùng bất hảo và phi lý đều phát sinh theo tục lệ, như tục bó chân bên Tàu và vài kiểu cách thời thức của chúng ta, trong những thời đại khác nhau. Không nên tưởng rằng một sự thực hành phù hợp với phong tục, dù trong nhiều thế kỷ, đều tốt đẹp và cần thiết, vì thường thường không phải như thế, nó vẫn trái ngược lại.
Một công đoàn có thể nói một cách hợp lý với một kẻ tái phạm, như người ta đã làm điều đó tại xứ Pérou ngày xưa: "Chúng  tôi là những người văn minh. Chúng tôi đã trải qua không biết bao  nhiêu khổ nhọc mới lập quốc theo một công trình nhứt định, dành cho những người tuân giữ luật pháp quốc gia cư ngụ. Nếu anh không muốn tuân theo luật, anh hãy ra đi và đến sống với những kẻ  khác". Chỉ có sự trừng phạt trong xứ đó mà thôi; là đày đi qua xứ khác. Vả lại, sự  lưu cư  đến trong những bộ lạc dã man  là điều  ô nhục lớn nhất và còn kèm theo những sự thiếu thốn. Khi một người Mã Lai trở nên điên cuồng hung dữ, chúng ta phải ngăn cản  y lại, dù phải diệt trừ mạng sống của y. Nhưng trừ  những trường hợp nguy kịch và bất khả kháng, chúng ta không có quyền giết chết, không có quyền hành hạ ai bao giờ. Ðó là điều tuyệt đối  chắc chắn. Nếu sự xử trảm là nhằm trả thù, thì sự hung ác của chúng ta cũng không kém gì kẻ sát nhân, y đã gợi lên cái mà chúng ta gọi một cách êm tai là sự phẫn nộ chính đáng của chúng ta. Nếu nguyên tắc của chúng ta có mục đích trừ khử người đó, thì nó vẫn sai lầm, vì nhà nước có bổn phận đối với tất cả những công dân, chứ không phải đối với những người bình thường mà thôi.  Hơn  nữa phải nghĩ đến con người thật, chứ không phải nghĩ đến xác thân. Tìm giải pháp dễ dàng hơn hết bằng cách thủ tiêu kẻ phạm tội là thực sự sát nhân. Hơn nữa phương cách này rút cuộc vô  ích  vì nó khích động nhiều dục tình thấp hèn  và con người khi đầu thai lại sẽ liên hệ với chúng ta bằng những điều kiện nghiệp quả không có gì là tốt đẹp. Kẻ sát nhân thật là một trường hợp bệnh lý (rất hi hữu và phần nhiều những kẻ phạm tội chịu ảnh hưởng của môi trường bất lợi). Không nên hành hạ và tàn ác đối với kẻ phạm tội, vì xử sự như thế tức tăng cường khuynh hướng chống đối xã hội ở nơi y, nhưng với cách đối đãi và một kỷ luật thật sáng suốt, chúng ta sẽ đưa y trở lại hàng ngũ của những người công dân bình  thường về phương diện vật chất và tình cảm. Chính phủ chăm lo về vật chất và tinh thần của mỗi cá nhân bất toàn, nhưng đồng thời cũng phải săn sóc những tội nhân, nói chung là những người bất thường về tinh thần hoặc tình cảm. Ðó là thái độ bác ái, đó chính là quan điểm của Ðức Thầy.
Lý tưởng phải đạt được đó vốn là chân thật, hiển nhiên, và thực tế. Kẻ sát nhân và trẻ con phải được giúp đỡ bằng sự giáo hóa, chứ không phải bị sự sợ hãi thúc đẩy.  Hệ thống giáo dục làm cho trẻ con kinh sợ tạo ra những hậu quả hết sức tệ hại. Vì đưa vào đời sống chúng lo sợ, buồn phiền và độc ác, thường gây ra sự tai hại cho tánh tình và đức hạnh của người công dân. Dưới một hình thức khác, đó là ý niệm của giáo đường thuở xưa về hỏa ngục, nhưng chính nơi đây là hỏa ngục và trẻ con tinh ranh một chút có thể thoát được. Người ta tin rằng có thể cải thiện con người bằng cách làm cho nó sợ hãi: ý tưởng này tồn tại được thật là điều kỳ lạ. Một trong những tiểu thuyết gia danh tiếng đã viết thư cho tôi cách đây ít lâu và nói rằng ông có gặp một thanh niên tại một trạm nghỉ trên bờ biển, và ông đã trình bày vài ý niệm Thông Thiên Học với y, giải thích cho y nghe sự phi lý của lý thuyết về hỏa ngục. Sau đó, mẹ của thanh niên vô cùng phẫn nộ, đến viếng vị tiểu thuyết gia ấy. Bà nói: "Phương sách  duy nhất mà tôi đã thành công trong việc đem con tôi đi theo con đường chơn chánh là làm cho nó sợ hãi vì ý niệm hỏa ngục và đe dọa nó mỗi ngày từ sáng đến tối. Bây giờ ông làm cho nó tin chắc rằng không có địa ngục, tôi phải chịu bó tay". Nếu sáng suốt hơn một chút, ban đầu bà sẽ giải thích cho con bà hiểu biết thì việc dùng đến cách khủng bố không tốt đẹp này sẽ chẳng cần thiết.
Sự tự do và tình thương là hai yếu tố quan trọng trong sự phát  triển linh hồn con người. Nhiều người sẵn sàng để cho kẻ khác tự do, với điều kiện những người ấy theo đúng yêu sách của họ. Nhưng mà sự tự do thật sự là tự do cố gắng theo phương cách  riêng của mình. Thường thường người ta hay xen  vào sự tự do của người khác và sự điều khiển  từ bên ngoài quá nhiều làm giảm sút đời sống hoạt động mà nó muốn che chở hay giúp đỡ. Người ta nhận thấy điều này trong sinh hoạt học đường, nơi đây đã đặt ra nhiều điều lệ vô ích, trong khi sự tự do cá nhân đem lại nhiều cơ hội cho sự tiến bộ. Ðó là một trong những điều dị biệt căn bản giữa chính thể Anh Quốc và vài quốc gia khác. Tóm lại, nước Anh cố gắng để cho mọi người công dân có thể được tự do. Những nước khác muốn tránh sự xáo trộn và nguy hiểm nên giúp đỡ người dân bằng cách bắt họ chịu mọi hạn chế. Một ngày kia, một viên chức ngoại quốc nói với tôi rằng: "Này ông, trong một nước cai trị khôn khéo, thì tất cả đều bị cấm"! Trong những cuộc du lịch vòng quanh thế giới của tôi, những hình thức luật lệ khác nhau đều gây sự chú ý nhiều với tôi. Nước này đặt ra những sự nghiêm cấm, nước khác thì đó chỉ là sự yêu cầu. Vài nước theo phương pháp quân sự, nó chỉ thích hợp với linh hồn thật ấu trĩ. Những nước khác, kêu gọi lương tri và ý chí cao đẹp của con người. Chẳng hạn tôi nhớ đã đọc một yết thị phản đối vài thói quen  phiền toái bằng những lời lẽ sau đây: "Những người lịch sự không muốn và những kẻ khác không nên làm việc nào đó". Chính là lời yêu cầu này nêu lên tại Hoa Kỳ, một trong những quốc gia trẻ trung nhất. Theo cách thức ấy khá hay.
Có những trường hợp, vì quyền  lợi của đoàn thể sự cưỡng bức  trở nên cần thiết, nhưng tốt hơn luôn luôn nên có sự đồng ý của dân chúng hơn là sai khiến một cách hống hách, hay là cai trị một cách nghiêm khắc. Tôi e rằng điều này mới vừa hiểu được trên phương diện giáo dục. Luôn luôn là những qui luật: "Hãy làm điều  này; đừng làm điều kia". Ngay trong sự dạy dỗ, quyền lợi của đứa trẻ ít khi được đề cập. Người ta chỉ nói với nó: "Ðây là bài học  của  em, phải học thuộc đi".
Theo những phương pháp mới mẻ hơn, như phương pháp của  Bà Montessori, bài học trở nên thích thú, trí khôn của đứa trẻ con sẽ khai mở như một đóa hoa. Chỉ có một phương pháp dạy học hữu ích cho trẻ con là trước hết được chúng hết dạ thương yêu. Rồi bạn ảnh hưởng chúng bằng một việc làm có tính cách luân lý đạo đức, bởi vì bạn tỏ ra buồn bực, nếu chúng phạm lỗi. Ðiều này hoàn  toàn chính đáng, vì bạn cảm thấy buồn lòng thật sự. Nếu lúc đầu bạn điều khiển bằng tình thương, thì tình thương nảy nở nơi học trò và bạn sẽ đạt được sự cố gắng của đứa trẻ. Muốn dạy dỗ trẻ con, phải có một trí thông minh sắc bén, một tấm lòng tràn đầy tình thương và một sự kiên nhẫn rộng như biển cả: chúng ta phải hiểu những lỗi của chúng để có thể chỉ dẫn chúng cách làm việc cho tốt đẹp như chúng đã hiểu. Nếu bạn lập tức dùng sức mạnh và sự thô lỗ, cộc cằn, thì bạn chỉ gợi sự hiềm thù chống đối và bạn sẽ không đạt được điều gì thỏa mãn cả.
Trong  đời sống thường nhật cũng thế. Trong việc kinh doanh, nếu một người kia muốn thỏa hiệp với kẻ khác về một việc có lợi, thì y phải nói một cách dịu dàng, y phải cố gắng làm cho người kia tin rằng công việc mà y đề nghị là mối lợi chung cho cả hai. Y không có ý nghĩ lấn lướt người đối thoại với y, cách ấy chắc chắn sẽ làm cho người kia phật lòng và có thể chấm dứt tình thân hữu nữa. Trẻ con, trai lẫn gái cũng đều là con người cả và bạn sẽ được lợi khi có chúng bên cạnh bạn hơn là khêu gợi sự chống đối của chúng lúc ban đầu. Những nhà giáo đều biết điều này nhờ kinh nghiệm. Không có nhà giáo nào, dù tài giỏi và thông thái đến đâu đi nữa xứng đáng với danh hiệu thật cao quý ấy, trừ phi gợi được thiện cảm của trẻ con và được chúng thương yêu. Ðó là cách dạy dỗ của vị Chơn Sư: không bao giờ dùng uy lực, không bao giờ dùng nhưng qui tắc mà dùng lối chỉ vẽ con đường tốt lành và  khuyến khích  chúng ta bắt chước các Ngài.
Quả báo không hề kể đến tục lệ; và quả báo do sự hung ác gây ra thì ghê tởm hơn tất cả. Ít ra bên Ấn Ðộ, không thể nào  bàu chữa những tục lệ hung ác như thế được, bởi vì mọi người đều biết rõ bổn phận mình không được gây ra sự đau khổ.
C. W. L.  Người chọn nghề dạy học để mưu sinh cũng giống như y làm một nghề khác vậy. Tuy nhiên các Ðấng Nam Tào Bắc Ðẩu không xem xét vấn đề trên phương diện ấy. Khi các Ngài đặt để một người nào trong hoàn cảnh ấy, tức là các Ngài muốn ban cho y một cơ hội rất tốt đẹp. Nếu y nhận lấy, làm việc của y rất kỹ lưỡng, khéo léo và thương yêu, thì trong kiếp tương lai y có triển vọng làm một vị Ðạo Sư. Sứ mệnh ấy sẽ đưa y đến địa vị Ðại Thánh, một đại ân nhân của nhân loại. Nghề giáo dục dắt thẳng đến những phần thưởng cao quý nhất trên đời. Ðó là quan điểm của các  Ðấng Nam Tào Bắc Ðẩu.
Nhà giáo phải tự nói rằng mỗi đứa trẻ là một Chơn Nhơn (một  linh hồn) và phải hết lòng giúp đỡ nó mở mang tính  tình. Về điều ấy, dĩ nhiên có nhiều cơ hội, vì những đứa trẻ được giao phó cho  nhà giáo dạy dỗ, nói tóm lại, sự đào tạo chúng nó tùy thuộc nhà giáo. Còn về giá trị của ảnh hưởng giáo dục ấy, chúng ta hay lấy tư tưởng của một nhà tu dòng Gia Tô (Jésuite) nổi tiếng làm dẫn chứng như sau: "Hãy để tôi săn sóc một đứa trẻ đến mười một tuổi.  Sau đó nó có thể đi đâu tùy ý nó". Nhà giáo ảnh hưởng đến tuổi trẻ bằng giá trị cá nhân vàbằng cách hành động cũng như lời nói của mình. Nếu nhà giáo là người xứng đáng, thì tình thương chiếu ra chung quanh mình ông thành một ảnh hưởng mạnh mẽ và hữu hiệu. Sau cùng sứ mạng của ông bao gồm một trách nhiệm lớn lao, bởi nếu  thay vì làm nảy sinh trong lòng các học sinh tình thương và những tính tốt, ông  tạo ra sự sợ hãi và tính  gian trá, thì ông ngăn  trở sự tiến bộ của những linh hồn ấy và gây ra sự tai hại nghiêm trọng.
Lợi dụng cơ hội như thế để làm một việc bất chính là một sa ngã ghê gớm của kẻ phạm tội. Ví dụ như tính hung ác, gây nên những hậu quả khủng khiếp. Trong vài trường hợp chúng ta nhận thấy sự đau khổ thể xác cân xứng với việc làm mà thường thường  hậu quả là điên khùng hoặc ít ra là chứng loạn thần kinh và thần kinh suy nhược. Lại nữa, trong nhiều trường hợp và xét về mặt xã hội thì sự hung ác là một sự xuống dốc bi thảm đáng lưu  ý. Một người phạm tội hung ác trong khi y chiếm một địa vị xã hội khá cao, thì hậu quả của việc ấy là y bị rơi xuống lớp cặn bã của xã hội. Chẳng hạn, như tôi thấy những người Bà La Môn tái sinh làm người Thủ Ðà La (Paria) (thuộc gia cấp hạtiện) vì đã đối xử tàn ác với trẻ con. Vậy hiển nhiên là các Ðấng Nam Tào Bắc Ðẩu áp dụng những đại định luật của vũ trụ giống như quan điểm của Ðức Thầy.
Một cơ hội cũng khá giống với các nhà giáo dục được giao  cho vị giám đốc một cơ xưởng hoặc người cầm đầu một xí nghiệp quan trọng nào đó. Người ta xem một địa vị như thế đáng mơ ước vì có lương cao và cơ hội để vừa bảo đảm những mối lợi lẫn một vài thế lực nào đó. Nhưng một lần nữa ở đây, các Ðấng Nam Tào Bắc Ðẩu thấy một cơ hội giúp đỡ tất cả những người qui tụ trước  uy quyền của y. Thường thường một vị chủ nhân nhìn những công nhân của mình với một vẻ thù nghịch kín đáo, y cho rằng những người ấy muốn chiếm đoạt tiền bạc của y nhiều chừng nào hay  chừng nấy và lợi dụng y bằng nhiều cách. Về phía những người nhân công, họ tin rằng chủ nhân muốn bốc lột họ, lợi dụng họ tối đa, và trái lại, trả lương tối thiểu cho họ. Rủi thay, đó là sự thật, đôi khi cả hai bên nghĩ như thế đều có lý: Vài vị chủ nhân chắc chắn có tâm trạng ấy. Ða số nhân công cũng xét đoán chủ nhân như thế. Nhưng người hiểu biết không hề nhìn sự việc theo quan điểm ấy. Ðịa vị ban cho một người để y ảnh hưởng đến  những kẻ đồng loại của y một cách tốt đẹp, đó là khía cạnh duy nhất của vấn đề mà các Ðấng Nam Tào Bắc Ðẩu đã kể đến. Thường thường các Ngài  không nhìn nhận sự vật như chúng ta. Chẳng hạn nhân loại xem sự chết như là một việc ghê tởm và một hình phạt khủng khiếp, nhưng lắm khi cái chết được xem là một lối ban thưởng, một sự giải thoát đưa đến những cảnh ngộ tốt đẹp và thuận lợi hơn.
Số kiếp dành cho kẻ ác cũng giáng xuống cho tất cả những ai viện lẽ vì mục đích thể thao mà thích sát hại loài vật của trời sinh.
C. W. L.  Có một bài thơ trào phúng của Punch mô tả tình cảnh của miền đông quê Anh Quốc khá đúng như sau: "Trời đẹp,  chúng ta hãy đi ra ngoài và giết vài con vật". Làm mục sư ở Anh  Quốc trong một giáo khu thuộc miền quê, tôi đã giao thiệp mật thiết với một hạng người làm nghề săn bắn, lùng sụt con thịt và đánh cá. Họ làm tất cả mấy  điều đó như công việc hằng ngày của họ và như đề tài đàm thoại chính của họ. Nhưng trái với những điều người ta có thể nghĩ về họ, những người này đối xử với đồng bào của họ một cách dịu dàng và hoàn toàn tử tế. Họ là những người cha tốt, những người chồng tốt, những vị quan tòa nhân hậu và những người bạn chân thành, nhưng họ không thấy sự ác dính dấp với sự giải trí của họ. Một trong những người ấy bắn  nai và trĩ  rất nhiều và một cách hoàn toàn vô tâm, nhưng y thức suốt đêm săn sóc con chó của y đau; sự kiện này chứng tỏ y có một tấm lòng nhân từ, dù đối với thú vật, y cũng cảm thấy một thứ tình huynh đệ. Chung qui, việc hung ác phát sinh từ một sự  mù  quáng tinh thần, Nhiều người không kém thông  minh, nhưng họ không hề suy nghĩ đến  điểm đặc biệt ấy, họ nghĩ rằng thú vật sinh ra để riêng cho họ dùng và để vui mà giết chúng một cách khéo léo. Những người ăn thịt cũng suy xét như thế. Hồi còn thanh niên, tôi cũng ăn thịt và không bao giờ tôi nghĩ đó là sái quấy, cho đến ngày tôi đọc được một quyển sách luận giải về vấn đề này. Ðó là việc xảy ra rất lâu trước khi thành lập Hội Thông Thiên  Học.
Khi chúng ta tin chắc rằng môn "thể thao" theo lối đó là một  điều ghê  tởm và trong khi chúng ta săn bắn, chúng ta đã tham gia vào sự tàn sát những sinh vật của Trời; chúng ta cũng ngạc nhiên  sao chúng ta không thấy điều này sớm hơn. Hàng ngàn người chưa
mở mắt để nhận biết sự tai hại. Tục lệ kiềm tỏa họ trong ảo tưởng và họ không hề nghĩ đến tội hung ác ghê gớm mà họ đang làm. Ðối với vài món đồ trang sức cũng thế. Chẳng hạn như vài thứ lông, chỉ có thể tìm được bằng cách giết chết cả bầy chim và chẳng những gây đau đớn chết chóc cho những sinh vật bị sử dụng thôi mà thường thường cho con cái của chúng nữa. Những người mặc những bộ đồ lông ấy là những kẻ sát sinh vô tình. Chẳng phải họ là những người hung ác một cách chai đá. Sự thật khác hẳn, họ chỉ tuân theo tục lệ thôi. Tuy nhiên luật Nhân Quả vẫn cứ  hành  động. Một người đang chìm đắm trong sự suy tư có thể té xuống một vực thẳm. Sự kiện chẳng biết mình đi về đâu, không thay đổi được những hậu quả.
Ta biết con không làm như thế và vì thương Ðức Thượng Ðế, nên khi gặp cơ hội, con sẽ phản kháng ngay.
C. W. L.  Ở đây, chúng ta hãy chú ý đến những chữ: "Khi gặp cơ hội". Vì chúng ta không muốn bắt buộc kẻ khác nghe theo tư tưởng của mình, nên thường thường chúng ta chỉ đề cập đến vấn đề này nếu có người hỏi ý kiến chúng ta, hoặc khi cuộc đàm thoại của chúng ta tự nhiên rơi vào vấn đề ấy. Dùng uy quyền tỏ bày ý kiến riêng của chúng ta, có thể là tốt lắm nhưng thường thường  làm hại hơn là làm lợi. Những người hay kích bác mà làm việc ấy thì luôn luôn gây ra ác cảm. Một người làm quen với bạn ngoài đường và muốn biết coi bạn có gặp Ðức Chúa Jésus không, hoặc linh hồn bạn có được cứu rỗi chăng? Sẽ không gây cho bạn một cảm giác tốt đẹp và khiến cho đa số người nghĩ rằng y không  khéo léo; tôn giáo của y thiếu giá trị về mặt thực tế. Nếu có dịp thuận tiện, bạn có thể cho mượn một quyển sách hay một tập sách mỏng, hay đàm thoại một cách ôn hòa về vấn đề ấy. Nhưng bạn thấy mình ở giữa những nhà thể thao, tôi sẽ không khuyên bạn thốt ra những lời này: "Ðó là một việc ghê tởm", dù đây là sự thật. Nếu có ai hỏi tôi, tôi sẽ nói một cách bình thản như sau: "Tôi thiết  tưởng mọi sự sống đều thiêng liêng. Những con vật này quả là những đứa em non trẻ của chúng ta và bạn không có quyền giết chúng để mua vui cũng như bạn không có quyền giết một con người cũng vì một lý do ấy". Chắc chắn những người nghe tôi nói sẽ ngạc nhiên. Có thể họ sẽ cười thầm, chế nhạo, nhưng họ sẽ  không phản đối lại ý kiến ấy như họ sẽ làm, nếu họ bị tấn công.
Chúng ta là những người ăn chay, chúng ta thường cảm thấy mất hứng thú nếu phải ngồi chung bàn với những người ăn thịt, nhưng trong khi du lịch, thường không thể tránh được điều đó. Tuy nhiên biểu lộ những cảm giác ấy thật ra không tốt. Ðó không phải  là phương cách cải hoán con người. Nhưng nếu họ hỏi ý kiến bạn, bạn có thể bày tỏ lập trường của bạn bằng những lời được cân  nhắc, minh bạch và bình tĩnh. Nếu làm như thế, rất có thể người đối thoại với bạn bắt đầu suy nghĩ và sẽ thừa nhận quan điểm của bạn.
Nhưng có thể có sự hung ác trong lời nói cũng như trong việc làm và người thốt ra một lời nói cố ý nhục mạ, thì vẫn phạm tội ác. Ðiều ấy con cũng đừng làm. Nhưng đôi khi, một lời nói không suy nghĩ cũng  làm hại  như một lời hung ác. Vậy con phải tránh  sự vô ý ác.
C.W. L.   Vài người tự hào rằng mình luôn luôn nói lên những điều mình suy nghĩ, dù có làm tổn thương đến kẻ khác và dường như họ cho rằng sự thẳng thắng đó là một bản tính tốt. Ðức Thầy không bao giờ dùng những chữ một cách khinh suất. Ngài nói có thể sự thật là một tội ác nếu lời thốt ra rất hung dữ. Trong một cuộc tranh biện hay một cuộc thảo luận, chúng ta có thể mạnh dạn phát biểu ý kiến riêng của mình, nhưng phải nói một cách nhã nhặn và lịch sự. Vị sứ  đồ có nói rằng: "Mỗi người có một sự tin chắc trong trí mình"[105]. Ðiều này không có nghĩa là mỗi người phải tìm cách làm cho kẻ khác tin tưởng, mà chính y phải hiểu đâu là lý do của vài sự tin chắc riêng của y. Trong trường hợp này, khi cần, y có thể trình bày ý kiến của mình một cách dịu dàng và ôn hòa.
Có một sự kiện lạ kỳ: nhiều người không thể không nổi nóng ít nhiều, khi họ có những ý kiến bất đồng với kẻ khác. Tuy  nhiên, họ biết rằng trên thế gian này có vô số vấn đề thích ứng với nhiều ý kiến khác nhau, mà quan điểm này cũng không kém gì quan điểm kia. Một cuộc tranh luận giữa một người Công Giáo và một người phái Orange [106] kết thúc bằng những thoi đấm, chung cục sự kiện ấy không tạo được một luận cứ nào đưa đến sự tin chắc. Bất đồng ý kiến với kẻ khác bị xem dường như  là thiếu sự kính nể. Mỗi người đều chắc chắn mình rất có lý, nên kết án kẻ phản đối là có gian ý và suy tính trước. Vậy chúng ta phải thận trọng khi trình bày quan điểm của mình.
Về Thông Thiên Học, chúng ta cảm thấy một sự ước muốn  đặc biệt, vì chúng ta tin tưởng vào nền tảng duy lý của nó và  chúng ta chỉ muốn trình bày điều ấy cho kẻ khác biết, nhưng thường thường kẻ đàm thoại với chúng ta không thể hiểu. Lập luận dù hoàn toàn hợp lý, bất tất đã cảm kích được một người thường.  Y không sống bằng lý trí, nhưng lại sống bằng tình cảm. Nếu người  ấy bị cảm kích  bởi một chuyện gì, thì không có lý lẽ  nào có thể thuyết phục y được; chúng ta càng nói nhiều bao nhiêu, y càng thêm giận bấy nhiêu.
Sự hung ác này thường phát sinh do sự thiếu suy nghĩ. Một người tham lam và keo kiệt không hề nghĩ đến sự đau khổ do y gây ra cho kẻ khác bằng cách trả lương quá kém, hoặc y bỏ vợ con bữa đói bữa no. Một người khác chỉ nghĩ đến thú vui riêng của  mình, và muốn được mãn nguyện, y ít bận tâm đến những linh hồn và những thân xác bị y làm hư hại. Một kẻ khác nữa,  muốn tránh vài phút buồn phiền, nên đã đúng ngày mà không  phát lương cho nhân công, không đếm xỉa đến những nỗi khó khăn do y gây ra cho họ. Có  không biết bao nhiêu sự đau khổ  phát sinh do sự vô tư lự, sự quên lửng hậu quả việc làm của mình đối với kẻ khác! Nhưng nhân quả không bao giờ quên. Nó không quan tâm đến sự quên lảng của con người. Nếu con  muốn bước vào Ðường Ðạo, con phải nghĩ đến hậu quả của  những việc con làm, vì  e rằng con mang tội vô ý ác.
C. W. L.  Trả tiền công kém hơn sức lao động, người ta có thể gây ra đau khổ đối với nhân công và vợ con của họ. Một sự  giảm bớt vài đồng trong việc trả tiền công nhật có thể làm cho gia đình công nhân thiếu ăn. Tôi biết công việc là công việc, nhưng  nếu cần, thì tốt hơn nên lời ít hơn là mang tội lợi dụng người nghèo. Những vị chủ nhân khám phá rằng trả lương cao thì họ  được lợi. Ðó là kinh nghiệm của Ông Ford, người giàu nhất thế giới hiện nay. Như tôi làm mục sư, tôi thường thăm viếng những người nghèo và đặt mình vào quan điểm của họ. Tôi thường nhận thấy người ta lợi dụng nhược điểm của họ. Ngay cả ở bên Ấn Ðộ cũng vậy, ở đây đôi khi trẻ con trong những trường học Paria bị rơi vào tình trạng chết đói cho đến khi chúng  ta có thể nuôi dưỡng chúng.