Dịch giả : Cao Ngân Hà & Bạch Liên
Chương 18
HẠNH KIỂM TỐT
TỰ CHỦ TRONG LÚC TƯ TƯỞNG

Ðức Thầy kể sáu điểm về hạnh kiểm đặc biệt, bắt buộc phải có là:
 
Tự chủ trong lúc tư tưởng.
II. Tự chủ trong lúc hành động.
III. Khoan dung.
IV. An phận.
V. Ði thẳng  đến mục đích cũng có thể dịch  là tư tưởng cố định [55].
VI. Lòng tin cậy.
 
(Tôi biết vài điểm trên đây thường được dịch khác, chẳng hạn như những danh từ về các đức tánh cần thiết, nhưng tôi luôn luôn dùng những danh từ của Ðức Thầy đã dùng khi giảng giải cho tôi).
 
A. B.  Theo lời Alcyone, vài danh từ  đã được Ðức Thầy dịch có hơi khác với những danh từ mà chúng ta đã quen dùng. Ðối với  ba đức tánh đầu, chúng được dịch gần giống như những danh từ mà tôi đã dùng trong nhiều năm qua. Ba đức tánh sau cùng dịch có hơi khác, dù nghĩa chính của chúng vẫn là một. Tôi luôn luôn dịch đức tánh thứ ba của các điểm thuộc về Hạnh Kiểm Tốt là "Khoan dung", như Ðức Thầy dịch ở đây, nhưng tôi biết nhiều người không đồng ý về sự chọn lựa danh từ này. Danh từ do tiếng Phạn là  Ouparati, nguyên nghĩa của nó là "Ngừng lại", "Ðình chỉ" (chúng tôi nghĩ rằng danh từ ngừng lại liên hệ đến những tình cảm như tinh thần chỉ trích và sự bất mãn. Vậy trạng thái tích cực của đức tánh này là sự khoan dung).
Tôi luôn gọi điểm thứ tư là "Sự  chịu đựng" hay Titiksha. Thật ra, ý nghĩa An phận vẫn không thay đổi, vì chịu đựng ắt phải kèm theo sự An phận. Trong trường hợp này, Ðức Thầy vui vẻ một cách đặc biệt - nếu tôi  dám mạo muội dùng chữ này - Ngài phiên  dịch bằng cách làm nổi bật đặc tánh ấy. Mỗi người lấy nó làm đề tài tham thiền thì rất tốt. Kế đó là đức tánh "Ði thẳng đến mục đích". Chính do chữ Phạn là Samadhana mà tôi dịch là "Thăng bằng". Ở đây ý nghĩa cũng giống như nhau vì người mà đường hướng không thay đổi, cố định thì thăng bằng và ngược lại người được thăng bằng thì đường hướng không thay đổi. Sau cùng, đến chữ Shraddha mà tôi luôn luôn gọi là "Ðức tin". Ở đây Shraddha được dịch là "Lòng tin cậy", nhưng một lần nữa ý nghĩa ở đây vẫn in  như nhau, vì tôi luôn luôn định nghĩa Ðức tin  là Lòng tin tưởng sâu xa ở Thượng Ðế bên trong chúng ta [56] và ở nơi Ðức Thầy. Ðiều tốt hơn hết là ghi nhận những điểm dị biệt và những điểm tương đồng,  chúng  giúp chúng  ta hiểu  rõ ý nghĩa.
I. Tự chủ trong tư tưởng: Ðức tánh cần thiết, được mệnh danh là đoạn tuyệt, chỉ cho chúng ta biết rằng phải làm chủ  Cái Vía. Tuy nhiên cũng phải làm chủ Cái Trí nữa. Ðiều này có nghĩa là chế phục tánh khí làm sao cho không thể giận hờn hay nóng nảy. Cũng phải chế phục Cái Trí thế nào cho tư tưởng luôn luôn được yên lặng và thanh tỉnh; và nhờ Cái Trí trấn áp bộ thần kinh cho nó ít căng thẳng được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
C. W. L.  Trấn an bộ thần kinh quả là một trong những điều khó khăn đối với chúng ta, vì chúng ta đang cố gắng thực hiện một kinh nghiệm mới lạ tức là hối thúc sự tiến hóa của mình (do đó chúng ta cần tinh lọc những thể thấp và làm cho chúng trở nên càng ngày càng nhạy cảm), trong lúc phải lo cuộc sinh sống giữa thế tục. Vấn đề này càng khó khăn thì cuộc chiến thắng của chúng  ta càng vinh quang. Khi chế phục được chúng rồi thì chứng tỏ rằng nhờ ý chí chúng ta đã tiến bộ hơn vị tu sĩ hay vị ẩn sĩ.
Ðôi khi người ta trừ được tánh nóng nảy, nhưng sự kiểm soát trọn vẹn các thể  thấp còn khó khăn. Có thể còn có lúc bực tức, nổi nóng, trong khi thực sự tánh nết nóng nảy khi xưa đã hoàn toàn biến mất. Như  thế  ít nguy hại hơn là còn tánh nóng nảy mà che đậy nó, nhưng chúng ta cũng phải trừ tuyệt tánh đó đặng những người ở chung quanh chúng ta đừng lầm lạc. Nếu bạn có Thần Nhãn bạn nhìn vào Thể Vía của một người đi đường nào đó, bạn sẽ thấy nó là một khối quay cuồng. Thay vì có những đường vạch rõ rệt, những màu sắc phân minh vận chuyển điều hòa, thì bạn lại thấy hiện trên mặt năm mươi hoặc sáu mươi lòng chảo nhỏ, hay là những  xoáy ốc  quay cuồng mãnh liệt đến đỗi mỗi sự xoáy nhanh ấy tạo thành một cái gút cứng ngắt giống như một mục cóc. Bạn hãy quan sát những mục cóc này, tất cả đều sinh ra bởi hàng loạt những cử chỉ nóng nảy, những sự lo lắng nhỏ mọn, những tình cảm như hờn mát, ganh ghét, đố kỵ, cũng có thể là sự hận thù đã nổi dậy trong người này, trong vòng bốn mươi tám giờ qua. Những trốt xoáy lớn hơn và lưu lại lâu dài hơn, nếu y cứ lập lại nhiều lần  cùng trong một tư tưởng như thế đối với một người khác.
Ngày nào  con  người  còn ở  trong tình trạng này thì ngày đó y không thể nào suy tư một cách sáng suốt và chính xác như  y có thể làm được. Nếu y muốn suy nghĩ hay viết về một đề tài nào đó thì những luồng trốt xoáy này nhuộm màu và làm biến đổi lối nhìn của y, dù y có quên đi những cảm xúc đã làm nảy sinh ra chúng. Người ta quên  cơn xúc động của sự bất mãn, không biết rằng hiệu quả của nó vẫn tồn tại và thường thường những luồng trốt xoáy này vẫn không thay đổi.
Các nhà có Thần Nhãn hay có Thiên Nhãn nhận biết những thành kiến, những tiên kiến một cách rõ ràng. Chất Trí Tuệ phải di chuyển mau lẹ, chẳng phải trên mặt nhưng trong vài vùng hay khu vực. Nói một cách  tổng quát, chất khí có khuynh hướng tự sắp xếp  theo mật độ của nó. Chất khí thô kệch di chuyển trong một mức  độ nào đó khắp châu  thân, nó có khuynh hướng qui tụ ở phần dưới hình bầu dục. Do đó những người bị chi phối bởi những tư tưởng, những tình cảm ích kỷ, thì hình bầu dục ấy giống như quả trứng được thăng bằng theo đầu lớn của nó. Ðối với những người thật sự  vị tha hoặc tiến  hóa trên  phương diện Huyền Bí Học, thì hình bầu dục giống như quả trứng đứng sửng trên đầu nhỏ. Thể trí có bốn khu vực hay bốn vùng riêng biệt chấp chứa những loại tư  tưởng khác nhau.
lực - nói theo nghĩa từng chữ thì như thế - chứng bệnh của Thể  Trí đến ghép vào điểm này. Những thiên kiến của y làm sự phán đoán  của y không thể tránh khỏi sai lạc cho đến khi nào y bắt đầu tự chữa trị cho mình  lành mạnh bằng cách kiểm soát và thanh  lọc  Cái Trí có phương pháp. Chỉ tới chừng đó, y mới có thể nhận thức đúng, nghĩa là thấy mọi vật như Ðức Thượng Ðế đã thấy, đã hiểu  biết toàn thể hệ thống của Ngài một cách chính xác như nó đang hiện hữu.
Những thành kiến không cần phải nghịch hẳn với người hay vật, mà thường lắm khi chúng lại trợ giúp cho người và vật nữa. Dù ở trong trường hợp này thành kiến cũng là một chân lý bị biến đổi, mà sự sai dị ấy cũng hiện ra trong hào quang. Một trong những  trường hợp thường xảy ra là một bà mẹ không hề tin rằng từ tạo thiên lập địa đến giờ không có một hài nhi nào phi thường như con bà. Một thí dụ khác: một nghệ sĩ không thể thấy cái gì tốt đẹp trong bất cứ trường Mỹ thuật nào khác hơn trường Mỹ thuật của y.
Tất cả những điều này, xét về phương diện tâm linh giống như  một vết thương hở miệng, xuyên qua đó sức mạnh ý chí con người thoát ra ngoài không ngừng. Ðó là trường hợp của một người bực trung. Nếu y tánh tình buồn bực, thì dĩ nhiên tình trạng còn tệ hơn nữa, con người chỉ là một vết thương. Y không còn sức lực nữa, tất cả đã bị tiêu hao. Nếu chúng ta muốn giữ thần lực để dùng vào việc  hữu ích - và phải như vậy nếu muốn trở  thành nhà Huyền Bí Học - thì công  việc  đầu  tiên  của chúng ta là diệt trừ tất cả những nguyên nhân gây ra những hao tổn này. Muốn dập tắt một đám cháy phải cần một vòi nước. Nước phải được phun ra dưới một áp lực mạnh mẽ và vòi hoặc ống nước phải không có một lỗ trống nào. Ðối với chúng ta điều này tiêu biểu sự yên tĩnh và kỷ luật về tư  tưởng.
Người bực trung dường như có chút ít hoặc không có sức mạnh của ý chí. Dưới áp lực của những sự khó khăn, y chán nản, rên siết và than vãn thay vì phải dùng ý chí để giải quyết chúng. Có hai lý do để giải thích sự nhu nhược này. Mức độ sức mạnh trong mỗi người tùy thuộc ở cách hiểu biết Chơn Ngã của y, và tùy thuộc ở sự phát triển của y do cái Ngã Duy Nhất, tức là Ðức Thượng Ðế ở trong y. Theo nguyên tắc, sức lực  của chúng ta đều bằng nhau, nhưng sở dĩ con người khác nhau là do sự phát triển của tinh thần trong mỗi người. Nơi người thường có rất ít năng lực, mà y còn phung phí cái y đã có nữa.
Ða số những người trong chúng ta muốn có ý thức rõ rệt hơn  về sự hiện diện của Ðức Thầy và về việc đem từ cõi cao xuống óc xác thịt nhiều thứ ảnh hưởng tốt lành khác. Những ảnh hưởng này phải xuống bằng cách mượn những thể khác nhau và sự phản chiếu  của chúng xuyên qua từ thể này đến thể kia. Bạn hãy nhìn mặt nước hồ hay mặt nước sông phản chiếu hình ảnh một bụi cây. Nếu mặt nước tuyệt đối yên lặng, bức tranh thật hết sức đẹp. Mỗi lá cây đều được trông thấy rõ ràng. Nhưng một gợn sóng nhỏ cũng đủ xáo  trộn trọn  cả hình ảnh, hoặc một cơn gió bão thổi đến, thì toàn thể hình ảnh ấy phải biến mất. Ðiều  này thật đúng đối với những gì đã xảy ra trong Thể Vía và Thể Trí. Phải bắt chúng nó yên lặng và bất động, nếu chúng ta muốn  cho chúng  nó truyền đạt những ảnh hưởng thật sự và quí báu từ cõi cao đưa xuống. Người ta luôn luôn hỏi rằng: "Tại sao chúng ta không nhớ lại những hành động của chúng ta trong giấc ngủ"? Và đây là lý do của sự kiện ấy: Vì những thể thấp chưa được yên tịnh cho lắm. Thỉnh thoảng, chúng trở nên khá yên tịnh để truyền đến cái óc xác thịt một điều gì, tuy nhiên trong trường hợp này, thường thường cũng bị biến dạng một ít, vì các thể trung gian không hoàn toàn trong sáng. Sự kiện này cũng  giống như khi ta nhìn một  vật xuyên qua một ve chai thay vì nhìn qua một tấm kiếng, những  kích thước, những khuôn khổ của vật ấy sẽ bị biến đổi.
Khi được yên tịnh, chúng ta có thể làm việc mặc  dù có những sự xáo trộn và buồn phiền, nhưng hiển nhiên muốn duy trì sự yên lặng của các thể thấp trong những trường hợp đó, chúng ta luôn luôn phải cố gắng. Sự cố gắng khó nhọc  đến đỗi vài người không thể chịu nổi, nhưng họ phải dần dần thu hoạch sức mạnh cần thiết ấy.
Nhờ giữ kỷ luật đối với chính mình, nhà Huyền Bí Học tập làm việc một lượt trong hai cõi. Nói một cách khác trong khi làm việc tại cõi Trần, nhà Huyền Bí Học có thể xuất hồn ra. Trong lúc đang viết hay nói, ông có thể ở trong Cái Vía làm những việc khác. Chẳng hạn tôi nghe nói rằng trong khi tôi diễn thuyết có nhiều  thính giả thấy những người ở Trung Giới đứng trên bệ đến gần tôi và nói chuyện với tôi. Những quan sát viên ấy không lầm. Thường thường những người khuất mặt này đến gần như thế để hỏi một vấn  đề gì rồi chờ câu trả lời hoặc nhờ giúp đỡ một việc gì, trong khi cuộc diễn thuyết vẫn tiếp tục. Ðó là một thí dụ tạm thời tầm thường, nhưng có nhiều công việc quan trọng hơn, nhà Huyền Bí Học phải sử  dụng Tâm Thức mình  một cách phức tạp để hoàn tất.
Trong mức độ nào đó, lắm khi sự định trí song hành vẫn được thực hiện trong đời sống hằng ngày. Nhiều bà có thể vừa đan vừa nói chuyện vì công việc  đan  ấy đối với họ trở thành tự động. Tôi thường đến một trong những ngân hàng lớn ở Luân Ðôn. Nơi đây  tôi thấy nhiều nhân viên có thói quen vừa cộng những hàng số dài, vừa ca nho nhỏ đặng làm vui tai các đồng nghiệp  của họ. Tôi nhìn  nhận  tôi không thể làm như thế được, nhưng tôi đã thấy họ đã làm nhiều lần.
A. B.  Trong đoạn giải về Ðoạn Tuyệt, Ðức Thầy đã nói về  sự kiểm soát Thể Vía và dục vọng dưới mọi hình thức. Trong đoạn  đề cập đến sự Phân Biện, Ngài cũng nói nhiều về chân lý bao hàm về sự thanh lọc Thể Trí. Rồi Ngài nói qua sự kiểm soát tư tưởng  và những xúc động. Một sự xúc động là sự kết hợp giữa tư tưởng và dục vọng. Nói một cách khác những mối xúc động là sự ham muốn pha lẫn tư tưởng. Khi Ðức Thầy đề cập đến sự kiểm soát tánh khí của chúng ta, thì Ngài nói về sự xúc động, vì sự nóng nảy và những tình  cảm tương tợ khác đều phát sinh một phần do Thể Vía và một phần do Thể Trí. Người chí nguyện làm nhà Huyền Bí Học không được để cho tánh khí hăng hái lôi cuốn mình, vì ngày nào chưa chủ trị được nó để chế ngự những cảm xúc náo loạn, thì ngày đó y không thể thấy được một cách sáng sủa hoặc rõ ràng. Những làn rung động của sự cảm xúc làm nổi dậy trong chất khí thuần túy của Thể Trí một cách kích thích tương ứng, do đó tất cả những tư  tưởng của kẻ chí nguyện bị xáo trộn và biến thể, nên y không thể thấy một cách chính xác.
Ðức Thầy nói rằng chính tư tưởng phải yên lặng và trầm tĩnh. Ðó là điều cần thiết, vì chỉ trong các điều kiện này những ảnh hưởng trên cõi cao mới có thể tuôn xuống Hạ Trí. Chính vì thế nên trong quyển Thế giới huyền bí (Le Monde occulte) Ông Sinnett đã kể lại trong một bức thư cũng là của Ðức Thầy này nói với ông rằng nếu ông muốn  viết cho hữu ích, thì ông phải giữ  Cái Trí cho tĩnh lặng. Bây giờ những tư tưởng trên cõi cao sẽ phản chiếu xuống như núi non phản chiếu trên mặt hồ yên lặng.
Thật là chí lý, nếu  bạn muốn viết một bức thư về một đề tài quan trọng, như Thông Thiên Học chẳng hạn, hoặc viết một bài báo, bạn nên ngồi yên tĩnh tâm trong vài phút trước khi khởi công.  Như thế không phải là phí mất thì giờ, vì khi bạn bắt đầu viết, bạn sẽ thấy tư tưởng tuôn ra một cách thanh thản mà không cần cố gắng, và bạn không cần phải dừng lại để hỏi xem bạn sẽ tiếp tục  nói điều gì. Sở dĩ có sự kiện này vì Thượng Trí đã phản chiếu xuống tấm gương của Hạ Trí. Phương pháp thực hành này đặc biệt quan  trọng đối với những người còn chưa thể xóa bỏ được những ảnh hưởng ngoại giới.
Người ta có thể dùng sự xáo trộn gây ra bởi hoàn cảnh bên ngoài để thực hành sự định trí. Lúc tôi còn bé, tôi phải học bài trong một căn phòng mà nơi đó nhiều đứa trẻ đang thụ lãnh một môn học khác. Tình trạng này dần dần tạo cho tôi một khả năng làm những công việc riêng của tôi, trong khi mọi hoạt động khác đang diễn tiến chung quanh tôi. Do đó, ngày nay tôi có thể làm việc  mà không bị những gì xảy ra ở một bên  cạnh tôi quấy rầy tôi, dù trong những điều kiện đó, tôi cũng không thể làm những bài toán  một cách dễ dàng. Tôi luôn luôn  nhớ ơn  bà thầy dạy học tôi là cô Marryat. Sự thực tập tạo ra năng lực, và năng lực có thể dùng trong nhiều đường lối khác. Chẳng hạn tôi nhận thấy rằng tôi có thể dùng năng lực này khi tôi ở ngoài xác thân lúc tôi viết về một trong những tiền kiếp của Alcyone.
Trong nếp sống của những gia đình Ấn Ðộ, năng lực này phát triển một cách hoàn toàn tự nhiên, vì người Ấn Ðộ có thói quen  làm nhiều việc khác nhau trong cùng một căn phòng, không kể những đứa trẻ chạy khắp nơi và nhiều chuyện lặt vặt khác. Ở trường làng cũng như ở tại nhà, nhiều trẻ con học trong cùng một giờ những bài học khác nhau. Tất cả đều đọc lớn, mỗi em đều chăm chú vào bài của mình, dưới sự chăm nom chung của một ông thầy sẵn sàng sửa lại tức khắc những lỗi của chúng. Tôi tưởng rằng đây không phải là một lối dạy học lý tưởng đối với một môn học nào, nhưng trẻ con tập định trí, điều  này sẽ  rất hữu  ích cho chúng về sau này.
Nếu bạn đạt được khả năng đó thì càng tốt. Vậy, nếu bạn bị bắt buộc phải sống trong hoàn cảnh ồn ào, bạn chớ phàn nàn, mà  lợi dụng hoàn cảnh ấy. Ðó là lối làm việc của sinh viên Huyền Bí Học. Tôi nhấn mạnh đặc điểm này, vì chính nhờ những phương  tiện đặc biệt như thế mà người ta trở thành nhà Huyền Bí Học. Công việc được hoàn thành trong những hoàn cảnh khó khăn là cơ  hội giúp cho chúng ta tiến bộ. Ðó là một trong những lý do khiến cho vài người trong chúng  ta đã tiến triển, còn những kẻ khác thì  kém hơn. Riêng tôi, tôi luôn luôn cố gắng thích nghi với hoàn cảnh, chớ không phàn nàn. Bằng cách đó chúng ta sẽ không bỏ lỡ một cơ hội nào để tiến hóa.
Ðiểm sau chót này khó đạt được, vì khi con cố gắng chuẩn bị để bước vào Ðường Ðạo, thì con không thể nào ngăn cản thân con không cho nó nhạy cảm hơn trước, vì lẽ đó mà một tiếng hay một sự đụng chạm đều làm cho những dây thần kinh của con bị chấn động một cách dễ dàng, và dù bị chạm phớt nhẹ, chúng cũng nhức nhối vô cùng, nhưng con phải cố gắng hết sức con.
A. B.  Ðức Thầy nói khó mà chủ trị được những dây thần kinh. Vì lẽ xác thân là thể ít chịu tuân theo sự hành động của tư tưởng. Bạn có thể hành động một cách dễ dàng đối với Thể Vía và Thể Trí, vì chúng được cấu  tạo bằng chất khí thanh bai nên có thể thích ứng nhiều với tư tưởng. Nhưng vật chất Hồng Trần nặng nề hơn, nên  ít ứng đối hơn và khó chủ trị hơn. Tuy nhiên, chúng ta  phải đạt  được mục đích.
Người đệ tử phải nhạy cảm, đồng thời phải có một xác thân và bộ dây thần kinh hoàn toàn tuân theo kỷ luật. Một khi sự nhạy cảm càng tăng, thì nỗi khó nhọc càng lớn. Nhiều tiếng động đối với  người thường không có gì đáng kể, nhưng đối với người nhạy cảm lại là một sự hành hạ. Có vài chứng bệnh làm phát triển sự nhạy cảm quá độ của bộ  thần kinh, nên trong nhiều trường hợp có tiếng chó sủa cũng có thể gây ra những sự động kinh [57]. Thí dụ này đủ chứng tỏ rằng bộ thần kinh cảm xúc lẹ làng là chừng nào!
Những dây thần kinh của sinh viên Huyền Bí Học thì không  bệnh hoạn. Nếu chúng đau yếu, thì y không bị bắt buộc phải luyện tập. Nhưng y giống như một sợi dây căng thẳng, vừa đụng đến thì nó rung động liền. Những dây thần kinh của y trở nên nhạy cảm đến cực độ, nên muốn ngăn cản sự nóng nảy, y phải dùng đến sức mạnh vĩ đại của ý chí. Ở trong tình trạng đó, sự căng thẳng thể xác có thể lớn lao đến nỗi trong vài trường hợp, như trường hợp của Bà Blavatsky, đôi khi tốt hơn nên để cho xác thịt hành động tự do,  hầu ngăn chặn trước một sự đổ vỡ hoàn toàn. Bà phải giữ xác thân để hoàn thành  nhiệm vụ  được giao phó, nên bà không để cho sự căng thẳng đi đến chỗ gãy đổ. Nhưng đó là trường hợp ngoại lệ. Người chí nguyện nhất định nghe theo lời giáo huấn của Ðức Thầy, phải làm những điều Ngài dạy ở đây và phấn đấu hết sức mình để chế phục bộ thần kinh của y. Thường thường  y không đạt được ý muốn, nhưng  điều  đó không quan hệ lắm. Những lời cuối cùng của Ðức Thầy về việc ấy như sau: "Con phải cố gắng hết sức con". Ngài không đòi hỏi nhiều hơn: vậy bạn không nên để cho sự thất bại khiến cho bạn ngã lòng, mà hãy tiếp tục làm hết sức mình.
Tình trạng rối loạn như thế đôi khi phát sinh từ một lý do bên trong của chúng ta, bởi quá cẩn thận và ý thức mà do đó những sinh viên hết sức nhiệt thành cũng có thể vấp ngã. Có  hai khuynh  hướng  phát hiện trong những sinh viên: khuynh hướng thứ nhất là lôi thôi, chểnh mảng; khuynh hướng thứ nhì là hành hạ mình.  Trong trường hợp thứ nhì, tâm thức có thể đi đến một tình trạng giống như trạng thái những dây thần kinh căng thẳng quá độ. Do đó những sinh viên ưu tú đã cho là quan trọng những sa ngã nhỏ  nhặt. Bạn đừng quá nhấn mạnh những điều ấy đến đỗi chúng trở thành những tội ác lớn lao. Bạn hãy đi theo con đường trung dung giữa hai cực đoan đó. Trước khi sự việc  xảy ra bạn không thể quá thận trọng, nhưng sau đó, rất dễ mà tự làm cho mình khổ sở. Ðừng  nhấn mạnh những lỗi lầm hay những thất bại của bạn. Bạn chỉ nên xem xét chúng để nhận thấy nguyên do, rồi cố gắng nữa. Khi hành động như thế, những khuynh hướng khiến cho bạn nóng giận sẽ tiêu tan. Còn nghĩ đến chúng, chỉ tăng cường sức mạnh cho chúng thôi.
C. W. L.  Xác thân là một thể mà ý chí ít ảnh hưởng được nhiều. Người ta thường nói: "Có thể sai khiến thể xác hoạt động  và chủ trị luôn tình cảm, nhưng điều khiển tư tưởng là điều thật khó khăn hơn  nhiều". Không có gì khó khăn hơn, đó chính là điều  mà mọi người tin  như  thế. Trên  vài  phương  diện, thật đúng vậy, vì chất khí làm ra Cái Trí ( Chất Trí Tuệ ) thanh bai và linh động hơn; có những sự vận chuyển, có nhiều sáng kiến phải kiểm soát. Một mặt khác, Thể Trí gần với Chơn Nhơn hơn; Chơn Nhơn có nhiều sức mạnh  để giữ lấy và sử dụng chất Trí Tuệ, điều đó hơn việc có sức mạnh  để sử  dụng nó tại cõi vật chất này; mà vật chất Hồng Trần  cũng ít nhạy cảm hơn. Những người tưởng rằng công việc ấy dễ hơn vì họ quen kiểm soát xác thân, chớ không quen chủ trị Cái Trí.
Người ta thường nghe nói rằng chúng ta có thể chế ngự sự đau khổ xác thân, mà không thể không biết sự đau khổ của Trí Tuệ. Nhưng sự thật thì trái ngược  lại! Sự đau đớn về Trí Tuệ hay thuộc  về tình cảm sẽ ngưng hẳn, nếu người ta cương quyết xua đuổi nó ra xa, nhưng thật khó quên một sự đau đớn mãnh liệt của thể xác, mặc dù người ta có thể làm dịu bớt nhiều bằng cách không tưởng  nhớ tới nó nữa. Nhà Khoa học Thiên Chúa Giáo đã đạt được điều đó bằng cách phủ nhận sự đau đớn. Y chỉ để  cho xác thân chịu  đau thôi. Cách này tương đối không được hay lắm.
Chúng ta phải tập chế ngự Cái Trí bằng cách loại ra khỏi nó những sự đau đớn của xác thân, vì là đệ tử  Chơn Sư, chúng ta phải làm cho mình trở nên hết sức nhạy cảm. Do đó, những vị đệ tử lấy làm khó chịu khi ngồi gần một người uống rượu, hút thuốc, ăn thịt. Thật là một sự khổ hình khi phải đi trong thành phố qua một con đường thương mãi với cả ngàn tiếng động chát tai, ghê rợn. Tất cả những tiếng động đó xuyên qua thể xác và làm cho ta rùng mình, nhưng nếu nghĩ đến nó thì càng tệ hơn nữa. Còn không chú ý thì ít biết hơn. Vị đệ tử cố gắng đạt đến những cảnh giới cao siêu thì phải tập loại ra khỏi thể trí những cảm giác khó chịu này, mà không thêm cho chúng nó một tư tưởng nào  có thể tăng cường sức mạnh của chúng.
Những ai có tập tham thiền sẽ nhận thấy mình nhạy cảm hơn  những người không luyện tập. Vì lẽ đó đôi khi xác thân không  ngớt bị căng thẳng một cách đặc biệt. Người ta thường nói rằng Bà Blavatsky vẫn nổi nóng. Dĩ nhiên điều này có một lý do rất giản  dị: chắc chắn vì tình trạng đáng thương hại của thể xác bà. Tôi tin chắc xác thân bà không ngớt đau nhức. Bà đã lớn tuổi, xác  thân bà suy nhược, mỏi mòn, nhưng chỉ có nó mới thích hợp với công việc đặc  biệt mà bà có bổn phận phải hoàn thành, vì vậy bà phải duy  trì nó chớ không thể vứt bỏ như nhiều người trong chúng ta. Tuy nhiên, một hôm dịp may đưa đến cho bà bỏ xác. Nhưng bà nói: "Không! Tôi sẽ giữ nó cho đến khi nào tôi hoàn thành bộ Giáo Lý Bí Truyền", đó là công việc của bà lúc ấy. Vì lẽ đó, thân xác của bà ở trong tình trạng căng thẳng khủng khiếp và đôi khi bà dịu bớt một phần nào sự đau đớn bằng cách để thể xác tự do muốn làm chi thì làm. Thật ra, nhiều người không hiểu cái chi về việc đó; nhưng chúng tôi sống gần bà, chúng tôi cho những cơn giận dũi như thế không mấy quan trọng. Chúng tôi có ghi nhớ nhiều trường hợp dị thường. chẳng hạn, trong lúc bà thốt ra những lời nói dường như biểu lộ một cơn giận dữ, vì một chuyện vụn vặt nào đó, khiến cho những người mới đến với bà, không hiểu chi cả, phải rút lui, chúng tôi nhận thấy rằng trong khi bị kích thích đó, nếu  có ai hỏi bà một câu Triết lý, thì tất cả đều tiêu tan, như  thể một sợi dây bị cái kéo cắt đứt; cơn thịnh nộ của bà sẽ biến mất tức khắc  và bà bắt đầu trả lời câu hỏi ấy. Một người thường trong cơn phẩn nộ không thể làm như vậy được. Nhiều người bỏ Bà Blavatsky, vì không hiểu bà, nhưng tôi biết chắc chắn rằng đôi khi bà buộc lòng phải chiều theo xác thân, nếu không thì nó sẽ tan vỡ.
Cái trí yên tịnh cũng bao hàm sự can đảm, như thế mới đương đầu với những sự thử thách và những nỗi khó khăn trên Ðường Ðạo mà không chút chi sợ sệt.
A. B.  Tánh can đảm là một đức tánh mà những bản kinh Ấn Ðộ đều cho là cực kỳ quan trọng: nguồn cội của nó là sự thừa nhận Chơn Ngã vẫn là một. Người ta hỏi: "Ðối với những người đã thấy được Chơn Ngã thì còn sợ gì nữa, còn gì là ảo ảnh nữa"? Và cũng đáng ghi nhớ câu sau này: "Người Bà-la-môn rất can đảm". Trong quyển sách nhan đề Trước Thềm Thánh Ðiện (Vers le Temple) của tôi, tôi khuyên các sinh viên tham thiền về đức tánh lý tưởng, theo bản kê các đức tánh của Ðức Krishna đã kể ra ở đầu chương thứ mười sáu của Kinh Gita. Ðức tánh đầu tiên là Abhayam, nghĩa là Vô úy hay Can đảm.
Tánh can đảm phát sinh ra từ sự tin chắc rằng bạn là Chơn Ngã thiêng liêng ẩn tàng bên trong, chớ không phải là những thể  bao bọc bên ngoài, chúng chỉ là thành phần của bạn có thể bị tổn thương. Sở dĩ quyền năng của người này khác với người kia vì chúng tùy thuộc vào trình độ của sức mạnh mà Chơn Ngã nội tại đã đạt được. Trên nguyên tắc, chúng ta đều có sức mạnh ngang nhau, nhưng sự tiến hóa phát triển theo nhiều thời kỳ phức tạp. Trong khi đạt đến sự tin chắc rằng  bạn  vốn thiêng liêng, bạn biết  sự yếu đuối hay sức mạnh của bạn đều tùy thuộc vào sự phát  triển Chơn Ngã ở nơi bạn. Vậy khi bạn kinh sợ, thì chỗ nương tựa của bạn là việc nhớ đến uy lực bên trong. Sự nhận thức rằng bạn  là Chơn Ngã, là một trong những ý niệm mà sự tham thiền phải mang đến cho bạn. Những ai tham thiền buổi sáng nên đồng thời cố gắng thực hiện việc tìm hiểu Chơn Ngã. Như  thế trọn  ngày nhờ  sự cố gắng đó họ sẽ dự bị được một phần tinh lực. Ðiều này giúp họ đạt được dễ dàng tánh can đảm cần thiết để tiến bước trên  Ðường Ðạo. Nơi đó người ta gặp nhiều khó khăn, bắt buộc phải có sức mạnh của Linh  Hồn và sức chịu đựng nếu muốn đương đầu với chúng nó và chiến thắng chúng nó. Những đặc tính này là những hình thái của tánh can đảm. Trên Ðường Ðạo sự vật mang một hình  dáng mới, chúng  cũng cần đến tánh can đảm. Muốn đạt được đức tánh này, tôi biết một phương thức duy nhất là hiểu biết Chơn Ngã.
C. W. L.  Tất cả những hệ thống huấn luyện Huyền Bí Học  đều nhấn  mạnh về sự cần thiết của tánh can đảm. Khi bước vào Ðường Ðạo, con người phải sẵn sàng chịu đựng những lời phán đoán sai lầm, những điều vu khống, những sự ngộ nhận. Những người kiếm thế vượt cao hơn những kẻ đồng loại của mình luôn luôn phải hiểu những sự thử thách đó. Phải có một sức mạnh tinh thần mới chịu đựng nổi những điều ấy, giữ vững lập trường và làm  điều gì mình cho là phải, dù cho những người chung quanh có tưởng, nói hoặc làm gì cũng được. Nó rất cần thiết đặng thực hành  những lời dạy trong quyển sách này, phải thêm vào đó tâm hồn  cao thượng  và sự cương quyết mạnh mẽ. Riêng sự can đảm thuộc về hành động cũng cần thiết. Trên Ðường Ðạo có nhiều sự nguy hiểm và những sự khó khăn. Chẳng phải là tượng trưng mà chúng không phải chỉ có ở những cảnh giới cao siêu mà thôi đâu. Trên bước tiến của chúng ta, chúng ta phải chịu nhiều thử thách về sự can đảm và sự kiên trì. Chúng ta nên chuẩn bị về điều ấy. Kẻ  nhát gan  không thể tiến bộ trên Ðường Ðạo. Nơi đây chẳng phải cần đức hạnh thôi, mà cần phải có sức mạnh của tính khí không thể lay chuyển  trước cảnh ngộ bất ngờ hay  khủng khiếp.
Tôi biết bên Anh có một Hội Huyền Bí Học đã cố gắng trong nhiều tuần lễ, hiệu triệu vài nhân vật bên Trung giới [58] bằng cách đọc nhiều thứ thần chú. Rốt cuộc người ta đạt được kết quả là một sự hiện hình, nhưng không ai muốn ở lại khá lâu để xem hình ấy  là ai. Cũng giống như thế, có nhiều người tìm cách đạt được kết  quả trên những cảnh giới cao siêu, nhưng khi vừa thành công thì  lại hoảng sợ. Một người lần đầu tiên xuất Vía mà tỉnh táo như lúc thức đây, có thể hơi cảm thấy lo sợ và tự hỏi: mình có thể trở về  nhập xác được hay không? Y phải biết rõ rằng cái này cũng không quan hệ hơn cái kia. Y đã quen thuộc trong nhiều giới hạn, và khi  chúng mất đi thình lình, rất có thể y cảm thấy mình bị mất chân đứng vững chải. Trên  bước  tiến, chúng ta thấy đức tánh can đảm, lòng dũng cảm chân thật và cương quyết là điều tối cần thiết. Phải đương  đầu với tất cả những thế lực, chẳng phải là một trò chơi trẻ con.
Khi hiểu biết, khi nhớ rằng chúng ta là một với Thượng Ðế, chúng ta sẽ không sợ sệt chi cả. Nhưng đôi khi trước cảnh ngộ nguy biến thình lình, người ta quên đi và lại lùi bước. Không một ảnh hưởng tạm thời nào có thể kích động, hoặc làm tổn hại được  chút nào Chơn Ngã nội tại. Vậy nếu chúng ta có thể tin chắc rằng, chúng ta là Chơn  Ngã, chớ không phải là những thể bên ngoài,  chúng ta sẽ không còn sợ hãi nữa. Nếu người ta còn cảm thấy sợ sệt một điều gì, thì phải tìm đến cái mãnh lực gia hộ bên trong, chớ không phải cầu cứu với sự trợ giúp bên ngoài. Về phương diện này, giáo  lý Cơ  Ðốc tầm thường đã gây ra những hiệu quả đáng tiếc. Họ bảo tín đồ phải luôn luôn nương cậy vào sự cầu nguyện. Và cầu nguyện có nghĩa là sự van xin, mà sự nài xin không thể áp dụng - nhưng người ta thường làm - cho trạng thái của sự khát vọng tối cao. Danh từ "cầu nguyện" do chữ La Tinh precari có nghĩa là xin, yêu cầu, không hơn không kém. Nếu chúng ta tin rằng Thượng Ðế  là Ðấng Toàn Thiện, chúng ta hãy theo lời khuyên của Ðức Phật: " Con chớ nên than, chớ nên khóc, chớ cầu xin, mà hãy mở mắt ra nhìn. Ánh sáng bao phủ con, nếu con chỉ chịu giở tấm băng bịt mắt ra xem. Quang cảnh  thật là kỳ diệu, xinh đẹp và cao cả hơn tất cả những gì mà con người có thể tưởng tượng hoặc xin xỏ bằng sự cầu nguyện; và nó sẽ không bao giờ chấm dứt. Không bao giờ".
Tôi biết nhiều người có thói quen cầu cứu với Ðức Thầy trợ giúp, khi họ gặp những khó khăn. Chúng ta có thể chắc rằng tư  tưởng Ðức Thầy luôn luôn gần chúng ta. Và chắc chắn rằng chúng ta có thể đến gần Ngài, nhưng tại sao chúng ta lại làm rộn Ngài vì một việc mà chúng ta có thể làm lấy. Lẽ tự nhiên, chúng ta có thể cầu cứu Ngài, nhưng thật ra, nếu chúng ta có khả năng kêu gọi đến  Ðức Thượng Ðế bên trong ta và nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn, như thế chúng ta sẽ gần  Ðức Thầy hơn là khi chúng ta thốt lời kêu cứu với Ngài một cách yếu ớt. Ðành rằng chúng ta có quyền cầu xin Ngài giúp đỡ, nhưng chúng ta biết rằng Ngài bận làm việc không ngừng cho nhân loại, sao chúng ta lại nghĩ đến việc  kêu gọi Ngài, trong khi chúng ta còn một phương tiện nào đó có thể tự làm một mình được? Chúng ta chớ nên dùng phương thức đó, vì nó biểu lộ một sự thiếu đức tin. Không những không tin tưởng ở chính mình, mà chúng ta còn không tin tưởng ở uy lực thiêng liêng nữa.
Sự tham thiền cũng phải chuẩn bị để chúng ta đối phó với những cảnh ngộ bất ngờ và giúp chúng ta khỏi bị rối loạn. Những người đã hiểu được định luật bên trong phải giữ điềm tĩnh và can đảm, dù có việc gì xảy ra, vì chúng ta biết rằng giữ một thái độ như thế là điều kiện cần thiết của một sự tiến bộ thật sự. Sự đụng chạm, đảo lộn do một sự đụng chạm dữ dội vì xúc động sinh ra sẽ lưu lại trên các thể nhạy cảm của người đệ tử những dấu vết lâu dài.
Ðức tánh ấy cũng bao hàm tánh kiên quyết, nó giúp con chịu đựng dễ dàng những nỗi phiền muộn hằng ngày và tránh được các sự lo âu không ngớt về những chuyện nhỏ nhặt, chúng đã làm mất một phần lớn thì  giờ của nhiều người.
A. B.  Tánh kiên quyết là đức tánh cần thiết kế đó mà Ðức Thầy đã đề cập đến. Người đệ tử cần phải có đức tánh này mới  khỏi bị lôi cuốn theo chiều gió. Chịu lệ thuộc vào những sự vật bên ngoài là nguyên nhân của mọi sự ưu phiền không ngớt. Người  không đủ sức điều khiển những công việc riêng của mình được, thì không  thể tận  tụy cho công việc chính chắn nào cả. Cái điều làm cho con người hao mòn, chẳng phải là sự làm việc, mà là những mối bận tâm, và sự lập đi lập lại một dọc tư tưởng đau buồn. Người sợ sệt, rụt rè khó tránh được thói quen ấy, dưới hình thức này hay hình thức khác.
Trong vài trường hợp Cái Trí có khuynh hướng bày ra một tấn kịch có lớp lang, rồi nó sống trong tấn kịch của nó đã tạo ra. Ðiều đó thường xảy đến  cho tôi. Tôi đề cập đến sự kiện này cũng như nhiều kinh nghiệm bản thân khác, vì tôi nghĩ rằng làm như thế lời nói của tôi sẽ sống động và hữu  ích hơn  là chỉ trình bày một cách  trừu tượng. Ða số những người chí nguyện có lẽ đã để cho Cái Trí tạo nên những tấn kịch như thế, vì chúng ta đều có bản tính tương tợ nhau. Tôi thường tưởng tượng rằng trong lời nói và việc làm tôi đã làm phật lòng một người bạn thân của tôi, rồi tôi nghĩ ra cuộc gặp gỡ đầu tiên  của chúng tôi, từ  lúc mở câu chuyện đến lúc cuối cùng. Vậy mà khi chúng tôi gặp nhau thật sự, không có điều chi xảy ra như tôi đã tiên đoán, vì những câu khơi mào của bạn tôi luôn luôn khác xa với điều mà tôi đã giả tưởng. Ðôi khi, như thế người ta đã gợi lên  một cảnh  tượng buồn thảm, rồi tưởng tượng sẽ  phải hành động như thế nào trong những trường  hợp cảm động giả tạo đó. Cuối cùng người ta đi đến trạng thái của Cái Trí bị khốn khổ, mà họ phải mất bao nhiêu tình cảm và xúc động. Trong tất cả mấy điều đó, không có cái chi xảy ra, và có lẽ không bao giờ xảy ra. Ðây chỉ là một sự phung phí năng lực mà thôi và không có cái chi khác.
Bày ra tấn kịch như thế chỉ tạo ra những sự ưu phiền vô ích. Ðó là làm suy nhược bản chất của trí tuệ và cảm xúc. Chỉ có phương thức duy nhất để diệt trừ  thói quen này là bạn hãy tự đặt mình ra ngoài bối cảnh và ghi nhận xem bạn có một ảnh hưởng nào đến tư tưởng đầu tiên trong cả loạt không. Nếu có, bạn hãy làm chủ nó, bằng không, thì nghĩ đến chuyện chưa xảy ra chẳng ích  gì và rốt cuộc, có lẽ nó chẳng bao giờ đến. Ðể cho Cái Trí mải miết tập trung tư tưởng vào những chuyện có thể xảy ra trong tương lai là việc làm vô ích. Cũng như suy nghĩ lẩn quẩn về những chuyện đã qua rồi cũng là điều  bất lợi. Bởi vì bạn không thể thay đổi  được quá khứ chút nào, thì lẽ tự  nhiên buồn phiền về việc đã qua chẳng ích lợi gì cả.
Nhiều người cương trực đã đầu độc đời sống của mình, vì cứ luôn luôn nghĩ đến việc đã qua rồi và thầm nói: "Nếu tôi đã làm hoặc tôi không làm điều  này hay điều khác, thì tôi chẳng bao giờ phiền muộn  như  vậy". Dù chúng ta nhìn nhận sự thật đúng như thế nào đi nữa, chuyện cũng đã qua rồi, không một tư tưởng nào sửa đổi được dĩ vãng. Vì mảng lo những chuyện đã xảy ra hoặc sắp xảy ra thình lình trong tương lai mà chúng  ta bị mất ngủ ban đêm, lo lắng suốt ngày. Cái Trí hoạt động theo cách đó chẳng khác một cái máy thả hết tốc lực hay quả tim lồng lên một cách dữ dội, khi sức chịu đựng bình thường của nó bị giảm đi, thì điều đó làm tổn hại cho  cái máy và trái tim nhiều hơn là làm việc. Bạn nên biết rằng Cái Trí sôi động như thế là vô ích và còn tai hại nữa. Bạn nên đưa nó vào nề nếp và tốt hơn nên tập dùng tinh lực của bạn vào công việc hữu ích. Hành động như trên là việc dại dột mà hầu hết mọi người đều thường mắc phải, nhưng người chí nguyện làm đệ  tử phải hết sức tránh sai lầm đó.
C. W. L.   Trong tất cả những sự khó khăn của Trí Tuệ, chỉ có những sự ưu sầu là hại hơn hết. Chúng chận đứng sự tiến bộ thực sự. Khi chúng ám ảnh bạn rồi thì chúng làm cho Cái Trí của bạn  không thể tham thiền được. Người thì ưu tư về dĩ vãng, kẻ lại lo lắng cho tương lai. Khi vừa thoát khỏi mối lo này, thì mối lo khác lại đến thay thế. Do đó họ không bao giờ được an tịnh, cho nên đối với họ không có một hy vọng nào có thể đạt được chút ít hiệu quả trong việc tham thiền.
Có một phương thức tuyệt diệu là dùng tư tưởng hướng về Ðức Thầy thay thế cho ưu tư, nhưng muốn thực hiện điều này cần có một năng lực khá phi thường. Thình lình bắt buộc Cái Vía hay Cái Trí luôn sôi động trở nên yên lặng thì chẳng khác nào trong cơn  giông tố sóng bủa ba đào mà thử dùng tấm ván đè bẹp chúng nó xuống. Thường thường, phương pháp có hiệu quả nhất là đứng dậy và kiếm một việc làm như giẫy cỏ hay đi dạo bằng xe đạp. Sự an tĩnh thường hằng không thể phát sinh ra trước khi các thể thấp đạt được sự rung động điều hòa chung. Lúc bấy giờ, những sự luyện  tập khác mới có cơ may thành công được.
Thường thường người ta hay lo lắng về những tật xấu của  mình. Thỉnh  thoảng  mỗi người đều nhận thấy những lỗi và những sự yếu đuối của mình. Tốt hơn là đừng làm điều đó. Mà còn hy vọng gì nữa? Nếu chúng ta không lỗi lầm và không yếu đuối, thì tất cả chúng ta đều thành Chơn Tiên hết rồi. Lãnh đạm trước những khuyết điểm này và cho rằng chúng không quan trọng mấy, dĩ nhiên là đáng trách, nhưng bận tâm về chúng một cách vô ích thì cũng đáng trách vậy. Trong khi bị xâu xé bởi những sự lo âu, Cái Trí xoay tròn, cuống cuồng một cách vô ích. Nếu bạn đã đi trên tàu thủy, lúc thời tiết xấu, bạn  có thể  nhớ lại đôi khi chân vịt vượt lên khỏi mặt nước và quay cuồng. Ðó là về cơ giới học, sự thả hết tốc lực này gây tổn hại cho máy móc hơn là sự làm việc có điều độ và lâu dài. Sự  kiện này cũng giống như  ở vấn đề lo âu vậy.
Trong Hội Thông Thiên Học chúng ta có xảy ra những cuộc khủng hoảng định kỳ. Tôi đã chứng kiến một số việc ấy rồi. Tôi nhớ rất rõ ràng sự tác động do Coulomb gây ra năm 1884. Nhiều nhà Thông Thiên Học đã băn khoăn và bối rối đến tột độ, đôi khi đi đến chỗ mất hẳn đức tin đối với Thông Thiên Học, vì họ cho rằng Bà Blavatsky đã lường gạt họ. Thật ra sự giả định này không liên hệ đến vấn đề đó. Ðức tin đối với Thông Thiên Học của  chúng ta không hề căn cứ trên những lời tuyên bố của Bà Blavatsky, cũng như một nhân vật nào khác, mà phải căn cứ trên sự kiện. Thông Thiên Học này là một hệ thống hoàn hảo và làm  cho thỏa mãn, đã được đem hiến cho chúng ta, và nó vẫn là chân lý, dù cho Bà Blavatsky đã phạm phải sự gian trá - nhưng trong trường hợp này hẳn nhiên là không có rồi. Một tín ngưỡng đặt nền tảng trên sự tôn kính cá nhân thì  ít khi vững chắc, nhưng nếu niềm tin của chúng ta có căn bản là những nguyên tắc mà chúng ta có thể hiểu thì nó sẽ không thể lay chuyển được, dù cho vị lãnh đạo được chúng  ta tín  nhiệm lại mất đi.
Ðức Thầy dạy con người phải xem những việc bên ngoài xảy đến cho mình như buồn phiền, khốn khổ, bệnh tật, mất mát, không có chi là quan trọng cả. Phải xem chúng nó chẳng ra  gì  và đừng để chúng nó làm cho con rối trí. Chúng nó là kết quả của những  hành vi quá khứ, khi chúng nó đến, con phải vui lòng chịu đựng. Con hãy nhớ rằng mọi sự khổ não trên thế gian đều tạm thời và bổn phận của con là phải luôn luôn vui vẻ và thanh tịnh. Những việc đó thuộc về mấy kiếp trước của con, chứ không phải kiếp này. Con không thể thay đổi  gì  được. Vậy thì bận tâm vì nó là vô ích.
A. B.  Ở đây Ðức Thầy dạy rằng phải tránh những sự ưu phiền, một lý do mà tôi e cho nhiều độc giả không biết đến. Ngài  nói rằng cái chi đến từ bên ngoài chẳng quan hệ gì. Những gì xảy đến cho chúng ta như thế thì hoàn toàn vượt khỏi ảnh hưởng của chúng ta, vì thuở xưa chúng ta đã tạo ra chúng. Chúng là Nhân Quả của chúng ta.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không thể làm gì được cả. Trái lại, chúng ta có thể làm nhiều lắm. Chúng ta có thể đón nhận những biến sự một cách êm đẹp và như thế chúng ta biến đổi hiệu quả của chúng ta rất nhiều. Ấy cũng như chúng ta  đổi một quả đấùm trực tiếp, khá mãnh liệt để quật ngã chúng ta, thành một đòn phớt nhẹ, so với cái trước thì rất yếu. Vấn đề chỉ là thay đổi góc độ theo đó chúng ta chịu quả đấm. Nếu mỗi sự phiền não đến, bạn thầm nói: "Ðó là một món nợ phải trả; thanh toán được nó thật hay lắm". Bây giờ sự ưu phiền sẽ không còn đè nặng bạn nữa. Một người biết cách sống vẫn an phận và sung sướng giữa những nỗi khó khăn. Kẻ khác thiếu hiểu biết điều đó có thể bị đè nặng bởi những ưu tư, mà một phần lớn vốn là sự tưởng tượng.
Khi bạn bị đau ở thể xác, bạn có thể nhận thấy ở chính bạn, sự lo âu và đau đớn mà bạn cảm biết do Cái Trí sinh ra đến mức độ nào. Khi bạn tự tách ra khỏi tất cả, bạn sẽ thấy sự đau đớn bớt đi nhiều. Bạn có thể nhận thức sự thật này bằng một cách khác, khi quan sát thú vật. Một con thú bị gãy cẳng, kéo lết cái chân bị thương vẫn điềm nhiên ăn cỏ. Con người không làm được điều đó,  nhưng một con ngựa có thể làm được. Những nhà Sinh Lý Học cho chúng ta biết rằng con ngựa có bộ phận thần kinh mảnh mai hơn bộ  thần kinh  của con người. Vậy nó nhạy cảm đối với sự đau đớn hơn con người. Bạn hãy hiểu tôi và đừng cho tôi nói rằng thú vật không biết đau đớn, hoặc đau đớn của chúng không quan trọng. Sự thật hoàn toàn trái hẳn với điều đó. Chỉ tại con người tăng cường sự đau đớn của mình và kéo dài nó ra bằng cách cứ chú ý đến nó.
Nếu tập trấn an những hiệu quả do sự đau đớn tạo ra ở Cái Vía, bạn sẽ biết cách làm giảm đi một phần lớn sự đau đớn đó.  Những người tự cho mình là Khoa học gia Công Giáo đã làm dịu được nỗi đau đớn rất nhiều bằng cách xóa bỏ sự hoạt động Cái Trí, nó thường xen vào làm gia tăng sự đau khổ. Tôi có kinh nghiệm về điều đó. Khi tôi phải diễn thuyết mà bị đau nhói ở thân xác, tôi đạt  đến chỗ không cảm thấy đau đớn  nữa trong thời gian tôi đang nói. Tại sao thế? Chỉ vì Cái Trí của tôi hoàn toàn tập trung vào bài diễn văn của tôi. Nếu bạn có thể hoàn toàn không chú ý xác thân, như khi bạn diễn thuyết, thì tất cả sự đau đớn thể xác của bạn mất đi một phần lớn. Khi hoàn toàn làm chủ Thể Trí, người ta mới có thể đạt đến mức  độ nào  đó và để cho những cảm giác ngoại giới chỉ có ảnh hưởng đến cái thể ở ngoài. Ðó là điều thường xảy ra do ảnh hưởng của một sự kích thích khá mạnh. Trên chiến trường, người chiến sĩ không cảm biết mình bị thương trước  khi trận chiến đã tàn và sự yên lặng đã trở lại. Và chắc chắn vài nhà Tử Ðạo đã không nhận biết những ngọn lửa đang phừng cháy vây quanh họ, nhờ sự xuất thần trong đau khổ vì Chúa của họ. Cũng giống như thế, nếu một đứa trẻ lâm nạn, bà mẹ nó vì quên hết mọi sự đau  đớn có thể xảy đến cho bà, bà xông tới cứu nó và giúp đỡ nó.
Người ta có thể không nhờ sự kích thích trên, cũng đạt được sự tự chủ như thế.  Rồi người ta có thể Vô hiệu hóa (làm mất công hiệu) một phần lớn mọi đau khổ về tình cảm cũng như  tâm trí. Tôi không muốn nói rằng điều này dễ làm, nhưng nó có thể thực hành được. Riêng cá nhân tôi, tôi cho rằng không đáng phí nhiều tinh lực hoặc phải đặc biệt cố gắng để đạt đến một kết quả không có gì đáng kể như việc làm cho một sự đau đớn nhỏ mọn của thể xác tiêu đi. Thay vì dùng Cái Trí phục vụ xác thân, như người ta  thường làm, tốt hơn là đổi chiều hướng nó, và bắt nó làm việc hữu ích hơn. Nếu bạn có thái độ đúng đắn đối với đời sống, bạn sẽ thấy  rằng những sự vật bên ngoài đó ít quan trọng hơn và bạn chỉ cho chúng ảnh hưởng đến bề ngoài của bạn thôi. Ðiều đó nhất định phải như thế. Cái giá trị của chúng ở chỗ bạn dùng năng lực để khắc phục được chúng. Xem xét chúng cách ấy bạn sẽ thấy tinh thần được an tịnh rất nhiều.
Mọi điều xấu đều có tính cách tạm thời. Nếu bạn nhìn cuộc tuần hoàn rộng lớn  hơn đời sống của bạn và bạn xem xét quá khứ  của bạn, không phải trong từng chi tiết, vì những chi tiết đều vô ích, nhưng trong chiều hướng chung của nó, thì bạn sẽ nhận thấy  sự thật trên đây. Khi người ta nhớ lại được đã biết bao nhiêu lần mình phải chịu buồn phiền, rối ren - như nào người thân chết mất, nào bệnh tật, nào tổn thất, nào đau khổ đủ loại - thì sẽ thấy những nỗi khổ của mình giảm bớt và chúng gần  như mất  đi ý nghĩa thật  sự của chúng một cách  tương đối. Thử làm như  thế rất cần thiết vì hiện tại ràng buộc chúng ta với nỗi lo âu vụn vặt, làm cho chúng ta không thấy được những sự hiểu biết sâu xa nhứt. Khi hiểu được quá khứ xa xăm của bạn, bạn trở nên dũng mãnh hơn và lúc  ấy khi nghịch cảnh đến với bạn, bạn sẽ nghĩ rằng: "Tại sao tôi hốt hoảng vì chuyện này? Rồi nó cũng sẽ qua!"
Tôi cảm thấy rằng chắc chắn tôi sẽ không sống nổi, nếu tôi không xua đuổi được ưu phiền và chịu đựng những sự khó khăn của hoàn cảnh. Những nỗi buồn phiền đủ thứ dồn dập đến mỗi ngày, và nếu tôi để cho chúng chi phối, tôi sẽ  không thể nào sống được  tới tám ngày. Trong thời gian đã qua, tôi có tham dự nhiều cuộc vận động giống như việc tôi đang lo hiện giờ. Tôi nhận thấy rằng chúng luôn luôn mang theo sự xáo trộn. Tốt hơn đừng tiên liệu những sự khổ não, nhưng phải đương đầu với chúng, khi chúng đến, xong rồi dẹp chúng sang một bên và quên hết.
Ðức Thầy nói: "Con có bổn phận phải luôn luôn vui vẻ và  thanh tịnh". Một ngày kia chúng ta được Ngài cảnh giác chớ khá bỏ cặn sắt trong lò luyện kim [59] của vị đệ tử. Ðiều xấu, điều nguy hại đó lên cao độ ở  một nơi như Adyar. Tại đây, tất cả cặn sắt tức là các tật xấu - như mọi thứ phiền não, ngờ vực, lo âu, nghi kỵ, vân vân..., sẽ nhận  được sức mạnh nhiều hơn lúc chúng phát sinh từ người tạo ra chúng. Nếu đôi khi bạn không thể xua đuổi tức khắc được sự ngã lòng, sự  bất mãn hay tất cả tình cảm xấu xa khác, thì ít ra bạn cũng giữ chúng lại ở riêng bạn. Bạn chớ để chúng lan tràn ra, làm nhiễm độc không khí và làm cho đời sống của kẻ khác khó khăn hơn nhiều. Sau khi khép mình vào kỷ luật đó, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhìn lại tình trạng  cũ của bạn,  rồi  bạn sẽ tự hỏi tại sao trước kia những  chuyện chẳng  ra gì  có  thể  gây  xáo trộn cho bạn được?
A. B.  Người hiểu biết vẫn được bằng an và sung sướng giữa cảnh ngộ buồn phiền  mà kẻ khác cho là nghiêm trọng. Người con  vô minh không chống nổi nghịch cảnh, y vấp ngã, do cách y ứng đối với nó. Có biết bao nhiêu sự tưởng tượng ẩn sau sự đau khổ của chúng ta! Quả báo thực sự phải trả thường không đáng kể, nhưng  lắm khi vì lầm lỗi con người đã tăng gia gấp đôi hoặc thập bội sự đau khổ của mình. Cho rằng điều ấy thuộc về nghiệp cũ thật là bất công. Không, đó chỉ là kết quả do việc làm khờ dại hiện thời của chúng ta gây ra. Ông Sinnett gọi sự kiện đó là "Quả báo nhãn tiền".
Số nợ phải trả của chúng ta không thể sửa đổi được. Luật Nhân Quả bắt buộc chúng ta phải chịu đau đớn đến một mức độ  nào đó, nhưng nếu nó có thể gia tăng, thì nó cũng có thể giảm bớt được. Nhờ cố gắng, chúng ta có thể vận dụng một sức mạnh mới, và đổi được hiệu quả của một quả đấm trực tiếp thành một đòn phớt nhẹ, theo lối nói của Bà Chánh Hội Trưởng của chúng ta, nên chúng ta cảm thấy nhẹ hơn nhiều. Mỗi sự cố gắng như thế có nghĩa là có sự can thiệp của một yếu tố mới, như vậy thì không có gì là bất công, không có gì là can thiệp trong sự tác động của Luật Nhân Quả. Năng lực đã phung phí vào việc khác nay dùng để sửa đổi quả đấm.
Lẽ tất nhiên tất cả những điều xấu xa, quấy quá đều là tạm thời. Một vị vua Ba Tư đã lấy câu này làm phương châm: "Rồi cái  này cũng sẽ qua". Câu châm ngôn ấy thật tuyệt diệu vì nó thích ứng với việc vui mừng cũng như việc phiền não, với điều may mắn cũng như rủi ro, dù tình trạng chi phối đời sống chúng ta hiện giờ thế nào chăng nữa. Chỉ có sự tiến hóa thực sự và sự vui vẻ phát xuất từ nội tâm, mới là điều tồn tại. Những điều này sẽ trường tồn mãi mãi. Dù sự đau khổ hiện tại của chúng ta như thế nào, nó chỉ có một thời gian thôi. Chúng ta đã từng đau khổ và từng chịu thử  thách trong những kiếp trước rồi. Hiểu rõ điều này nó giúp đỡ chúng ta rất nhiều. Những chuyện gây lắm rối rắm cho chúng ta trong tuổi thanh xuân ngày nay không còn là quan trọng  nữa. Chúng ta thầm  nói: "A, những việc này không quan trọng chi cả. Tại sao tôi lại lo lắng đến thế"? Người khôn ngoan học hỏi bằng cách nhìn về phía sau và nói rằng: "Những chuyện khác làm cho tôi lo lắng bây giờ đây, chắc chắn chúng sẽ không quan trọng gì hơn mấy việc trước". Ðúng vậy, nhưng chỉ có người khôn ngoan mới kết luận được như thế mà thôi.
Tốt hơn con nên nghĩ đến những việc hiện tại, chúng sẽ định phần số con kiếp sau, vì đối với những điều đó, con có thể  sửa đổi được.
C. W. L.  Kiếp sau của bạn sẽ tùy thuộc một phần lớn nghiệp quả của bạn tạo ra trong kiếp này. Nhưng  có một  điều quan trọng hơn nữa là: chẳng bao lâu Ðức Chưởng Giáo sẽ lâm phàm. Những biến cố sẽ dồn dập tới, Thần lực ban rải xuống thật phi thường, và  ảnh hưởng của nó có hiệu quả chung quanh chúng ta đến một mức độ nào đó, chúng ta là những người cố gắng chuẩn bị cho cuộc lâm phàm, không những chúng ta có thể sửa đổi được kiếp tới của mình, mà còn sửa đổi được những ngày còn lại trong kiếp này nữa.
Nghiệp quả của người đệ tử làm công việc này, thì mãnh liệt hơn phần đông những người khác. Người đời làm và có thể làm  nhiều việc mà không có gì là khổ cho họ. Nhưng nếu những việc này do những người bước gần  đến Ðường Ðạo làm thì chúng tạo ra  những điều  vô cùng tai hại. Ðối với người đệ tử, thì những gì xảy đến cho y tức là xảy đến cho Ðức Thầy, vì Ðức Thầy đã làm cho người đệ tử thành một phần tử của chính mình Ngài: "Không ai sống cho một mình mình và cũng không ai chết cho một mình  mình" [60]. Ðiều này vẫn đúng cho mỗi người, nhưng đối với ai muốn  phụng sự những Ðấng Chơn Sư Cao Cả thì phải thận trọng gấp đôi. Trong Huyền Bí Học tất cả những gì làm cho công việc  của bạn đồng Ðạo trở nên khó khăn, đều gây ra những nghiệp  quả nặng nề.
Con không nên buồn bực hay chán nản, sự chán nản là điều xấu xa, vì nó nhiễm kẻ khác và làm cho đời sống của họ trở nên  khó khăn hơn. Ðó là điều con không được phép làm. Vậy con phải xua đuổi nó đi xa, mỗi lần con biết nó đến.
C. W. L.  Những độc giả đã thực sự chán nản có thể sẽ lắc đầu và nói: "Ðó là lời khuyên tuyệt hảo, nếu có thể thực hiện". Nhưng tôi đã nói, một tư tưởng mạnh gây ra sự ngã lòng cho kẻ khác, tạo nên mãnh  lực vượt bực khi không còn cách nào khác để  tồn tại. Sự ngã lòng là một lỗi lầm vì nó  ảnh hưởng đến những bạn đồng môn của chúng ta. Những gì phát sinh từ chính chúng ta, từ những kiếp sống đã qua của chúng ta, do nghiệp quả của chính chúng ta, không thể khích động chúng ta; dó đó, ta phải giữ mình hết sức cẩn thận để không hại đến kẻ khác. Một việc xảy ra để gây nên điều nào đó không hay, bạn hãy tự nói với mình như sau: "Tôi  sẽ không nói lên điều đó; tôi sẽ không làm, cũng như không nói điều gì có thể làm cho những sự khó khăn của kẻ khác tăng lên". Chúng ta cũng có thể từ chối làm một công cụ để phục vụ cho quả xấu của kẻ khác. Nếu một người làm hại hay xúc phạm một người khác, thì chắc chắn  y là công cụ cho nghiệp quả của người ấy chứ không thể khác, nhưng đó là một vai trò của những người thiếu đại lượng. Chúng ta nên làm những công cụ cho quả lành trong việc giúp đỡ những người khác, mang đến những phước lành và nghĩa cử cho họ; quả xấu sẽ phải sử dụng những vận hà khác, thay vì  mượn vận  hà của chúng ta.
Con còn phải làm chủ tư tưởng con một cách khác nữa: Ðừng cho nó vởn vơ. Bất câu việc nào của con làm, con cũng phải chủ ý vào đó đặng làm cho được hoàn thiện.
C. W. L.  Rất dễ mà chủ ý vào công việc của chúng ta đang  lo đây và chúng  ta phải làm cho được hoàn toàn. Chẳng hạn như  viết một bức thư, chúng ta có thể chú ý vào đó và làm cho nó thành  một bức  thư  của một nhà Huyền Bí Học. Người ta thường viết thư  ít kỹ lưỡng và ít chính xác. Họ nói những điều cần nói, chớ không đặc biệt cố gắng để làm cho được hoàn hảo. Ðối với vài người, những điều nhỏ nhặt, tầm thường như thế mà lại phải làm cho được hoàn hảo thật là một điều mới mẻ. Tôi nhận được nhiều bức thư  và tôi phải nói rằng đa số không phải như những bức thư mà chính tôi muốn gởi đi.
Lắm khi danh  từ  dùng  sai và chữ viết thường xấu tệ đến nỗi tôi phải mất nhiều thì giờ mới đọc được. Sự  chẳng cẩn  thận đó có một  ý  nghĩa quan trọng lớn lao đối với nhà Huyền Bí Học hoặc  những ai muốn trở thành nhà Huyền Bí Học. Một bức thư của nhà  Huyền Bí Học phải khác biệt do sự đúng đắn và trong cách diễn đạt tư tưởng; nó phải viết một cách tử tế, hoặc đánh máy, tùy trường hợp. Nó phải có vẻ đẹp và làm vui lòng người nhận nó. Dù việc gì cũng vậy, chúng ta vẫn phải có bổn phận tuyệt đối thực hiện cho được đầy đủ rõ ràng. Tôi không có ý muốn nói rằng người ta luôn  luôn có thì giờ viết như  một người thợ khắc chữ, hoặc làm cho bức thư nào cũng thành một tác phẩm mỹ thuật tuyệt đẹp. Ngày nay làm như thế không được. Nhưng ngoài vấn đề Huyền Bí Học, muốn giữ phép lịch sự đối với người mà ta viết thư thì chữ viết của chúng ta cũng phải rõ ràng và dễ đọc. Nếu bạn muốn viết gấp và cẩu thả để khỏi mất một ít thì giờ, thì bạn nên nhớ rằng, vì lỗi của bạn, mà người nhận thư phải mất gấp bốn lần thì giờ để đọc. Chúng ta không có quyền làm như thế.
Mỗi bức thư mà chúng ta gởi đi phải là một vị sứ giả, một sứ giả của Ðức Thầy. Nếu đó là một bức thư nói chuyện làm ăn hay một đề tài thông thường nào, thì nó cũng phải chứa đầy những cảm tình tốt đẹp. Muốn được như thế, chỉ cần chốc lát cũng đủ. Trong khi viết cảm tình nhân hậu phải tràn ngập trong trí chúng ta. Nó phải thấm nhuần cả bức thư, rồi chúng ta không cần làm gì nữa; nhưng lúc ký tên, chúng ta phải dừng lại giây lát để truyền vào đó một nguồn thiện cảm. Bạn viết cho một người bạn ư, hãy rải tình  thương vào đó, để khi mở bức thư  ra, y sẽ nhận được một luồng tình cảm nhân ái đệ huynh. Nếu gởi cho một người bạn Thông  Thiên  Học, bạn hãy ban rải vào đó một tư tưởng liên quan đến các vấn đề cao thượng hơn, và cũng liên  quan đến Ðức Thầy. Như thế bức thư sẽ nhắc nhở người huynh đệ nhớ tới tư tưởng cao thượng mà những người Thông Thiên Học luôn luôn quí mến. Nếu chúng ta viết thư cho một người mà chúng ta biết y thiếu một đức tánh nào đó, thì chúng ta hãy cho đức tánh ấy thấm nhuần bức thư, nhân dịp đó chúng ta cho y cái gì mà y còn thiếu thốn. Vậy chúng ta hãy giữ gìn cho những bức thư của chúng ta được tốt đẹp và có một linh hồn.
Chúng ta cũng có thể  giúp người bằng cách đó khi chúng ta  trực tiếp với họ. Vài người trong chúng ta gặp nhiều người khác trong ngày. Chúng ta phải nói chuyện với họ, và đôi khi phải siết tay họ. Chúng ta có thể thừa dịp tiếp xúc trực tiếp này để truyền cho họ một luồng sinh lực hay một sức mạnh của tình thương, hay  là những tư tưởng cao thượng; nói tóm lại cái gì mà chúng ta tưởng rằng cần thiết cho họ. Ðừng bao giờ bắt tay một người nào mà không giúp họ như thế, vì đó chính là một cơ hội. Nếu chúng ta có chí nguyện được làm đệ tử Chơn Sư, thì chúng ta phải tìm cơ hội như thế để phụng sự. Một người không hữu dụng cho đồng bào  bằng cách này hay bằng cách khác, thì sẽ không được chấp nhận sớm đâu. Tôi giả sử rằng: không làm một việc bất công đối với một người trung bình khi nói rằng ý niệm của y trong việc kết thân mới sau đây: "Tôi sẽ nhận được gì của người ấy bằng phương cách này hay phương cách khác". Có thể không phải là một mối lợi tiền bạc. Có thể là sự vui chơi hoặc lợi lộc về phương diện xã hội. Nhưng dù trong trường hợp nào, ý tưởng lợi lộc cũng vẫn hiện diện. Thái độ của chúng ta phải hoàn toàn trái ngược lại: "Ðây là một cơ  hội mới đưa đến cho tôi. Vậy tôi phải cho ra cái gì"? Nếu người ta giới thiệu tôi cho một người lạ, tôi quan sát y và ban rải tư tưởng lành cho y. Tư tưởng đó sẽ bám vào và thâm nhập vào người y đúng lúc. Những vị đệ tử Chơn Sư đều làm như thế, khi họ đi bách bộ, đi tàu hỏa, hoặc đi đò ngang, họ chờ cơ hội nào họ cần phải có tư tưởng lành, thì họ liền rải ra. Có thể cả trăm lần như thế chỉ trong một buổi sáng hay một buổi chiều.
Một sự chào hỏi cũng phải là một sự thật hiển nhiên, chứ không phải là một hình thức suông mà thôi. Những lời chào khi  đọc danh hiệu của Thượng Ðế và cầu khẩn Ngài ban phước; chẳng hạn như lời chào hỏi thường lệ của những người Hồi Giáo - đôi khi biểu lộ một hình thức lễ độ suông, lắm khi chúng cũng biểu lộ một lời chúc thâm tình và có ý niệm về Thượng Ðế kèm theo thực sự. Chúng ta nói "Good bye" (giả từ). Ít người hiểu  biết rằng đó chính là câu: "Cầu xin Thượng Ðế ở với anh" (God be with you) thâu  ngắn lại. Chúng ta nên biết điều đó và thật tâm thốt ra những lời này. Những điều ấy dường như là tầm phào, phù phiếm, nhưng nhiều trường hợp nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày tạo thành sự dị biệt rõ rệt. Chúng là một bằng chứng của tánh tình và làm ra tánh tình vậy. Nếu mỗi ngày, chúng ta làm những việc nhỏ mọn này  một cách kỹ lưỡng và cẩn thận thì chẳng bao lâu chúng ta sẽ mở mang tính kỹ lưỡng, chúng ta tự chủ, chúng ta chính chắn trong mọi trường hợp, từ việc lớn đến việc nhỏ. Người ta không thể vừa kỹ lưỡng trong việc lớn lao mà lại cẩu thả trong việc nhỏ mọn được. Trong trường hợp đó, đôi khi chúng ta lại quên đi và cẩu thả trong khi chúng ta phải thận trọng. Nhưng chúng ta phải tập cho được tính kỹ lưỡng hoàn toàn. Rồi nhiều việc nhỏ hợp lại thành  một việc lớn, và với một chút thói quen, không phải người ta giúp đỡ chút đỉnh mà thật sự có thể giúp một cách mạnh mẽ trong việc siết tay hay là viết một lá thư.
Ðức Thầy nói: "Dù làm việc gì con cũng phải chú ý vào đó  để làm cho được hoàn thiện". Ðiều này cũng áp dụng chẳng những cho những  việc ta làm mà còn áp dụng vào những việc giải trí như  đọc tiểu thuyết hay tạp chí. Ngoài sự nghỉ ngơi có qui củ và giấc ngủ, thì cách nghỉ ngơi tốt nhất thường là sự tập luyện nào đó, dưới hình thức khác nhau. Như thế trong khi đọc để mua vui hay giải trí, thì cái trí phải phục vụ chúng ta, chứ không phải chúng ta làm nô lệ cho nó. Bạn đọc tiểu thuyết ư, bạn hãy chú ý vào đó và cố gắng hiểu nó để tìm thấy được ý muốn của tác giả. Nhiều người thường đọc một cách sơ sài cho đến nỗi tới đoạn chót kết thúc câu chuyện, thì họ lại quên  đoạn đầu. Cái cảm tưởng của họ quá mơ hồ đến nỗi họ không tóm lược được câu chuyện; hoặc nói cho chúng ta biết nó phải dạy chúng ta điều gì. Nhưng nếu chúng ta muốn rèn luyện Cái Trí mình, thì khi đọc để mua vui hay giải trí, chúng ta phải đọc cho kỹ lưỡng. Khi nghỉ ngơi, chúng ta phải làm giống như vậy. Hiện giờ trên thế giới có hàng triệu người không biết xả hơi [61] và nghỉ ngơi cho đúng cách. Họ không biết rằng mười phút buông xả gân cốt  còn hơn  hai giờ nằm dài trong trạng thái căng thẳng và co rút. Kiểm soát Cái Trí một cách êm dịu cũng là điều cần thiết cho sự nghỉ ngơi. Khi tập kiểm soát như thế, cũng như làm mọi việc khác cho có thói quen, thì chẳng bao lâu người ta lại thấy rằng mình không thể làm việc một cách dở dang, có phân nửa như trước. Nếu đã nghỉ ngơi, thì người ta phải nghỉ ngơi cho đúng mức.
Chẳng nên để Cái Trí con ở không, con phải luôn luôn tích trữ những tư tưởng tốt lành, để chúng sẵn sàng hiện ra lúc trí con không tưởng cái chi cả.
A. B.  Việc này thật dễ dàng đối với người thường dân Ấn Ðộ, vì thuở nhỏ người ta đã dạy họ lập đi lập lại những câu châm ngôn rất hay, trong lúc rỗi rãnh. Ðó là thói quen ở Ấn Ðộ, đối với người không được giáo dục cũng vậy. Bạn thường nghe một người  thợ khi làm xong công việc, thình lình lập đi lập lại khá lâu: "Ram, Ram, Ram, Sitaram, Sitaram, Sitaram". Ðó là câu Thánh  Ngữ chớ không có chi cả. Vài người có thể cho rằng làm như thế vô lý, nhưng họ nhầm vậy. Những câu châm ngôn này có tác dụng thật sự với người đọc nó. Nó bắt Cái Trí trống không, chú định vào  một tư tưởng an tịnh và khuyến thiện. Làm như thế vô cùng hữu ích hơn là để Cái Trí của chúng ta vởn vơ, chắc chắn nó sẽ lo lắng công việc của người lân cận của chúng ta, do đó sinh ra sự nói hành và những tai hại bất ngờ. Dĩ nhiên, nếu bạn chủ trị được Cái Trí mà không cần lập đi lập lại một câu châm ngôn, thì càng tốt hơn nữa, nhưng nhiều người không chịu làm theo cách này hay cách kia.
Có việc làm rất hữu ích và nhiều tôn giáo đã khuyên bảo là: buổi sáng chọn  một câu nào đó rồi học thuộc lòng. Trong ngày câu ấy đột nhiên tái hiện ở ký ức và xua đuổi những tư tưởng kém tốt đẹp khác trong lúc Cái Trí trống không. Bạn có thể mượn  một câu văn hay một thành ngữ trong một quyển sách hay nào đó, rồi lập đi lập lại nhiều lần với sự chú tâm, vào buổi sáng (có thể trong lúc mặc y phục), chính câu ấy trở lại bạn trong ngày. Người ta có thể giải thích rõ ràng tại sao Cái Trí lập đi lập lại một cách tự động, nên nhớ rằng khi một bản nhạc, một giọng ca nào in vào Cái Trí rồi thì nó bắt Cái Trí lập đi lập lại mãi. Ðã nhiều  năm rồi, tôi  giữ  tư tưởng Ðức Thầy nơi hậu cảnh Cái Trí của tôi. Hiện giờ nó luôn luôn còn ở đó, nên khi Trí tôi rảnh rang, nó lại hướng về Ngài.
C. W. L.  Những tư tưởng về Ðức Thầy phải luôn luôn chiếm  hậu  cảnh Cái Trí của chúng ta, để nó hiện lên khi tâm trí chúng ta không bận việc chi khác. Khi đang đọc sách, viết thư hay làm công việc tay chân, chúng ta không cần thiết phải hướng về Ðức Thầy những tư tưởng tích cực, nhưng khi khởi sự, chúng ta nên quyết định như sau: "Tôi sẽ làm việc này tốt đẹp vì Ðức Thầy". Từ đó  chúng  ta nghĩ đến công việc của mình mà không nghĩ đến Ngài: nhưng khi công việc vừa hoàn tất,  thì tư tưởng về Ðức Thầy lại tái hiện trong Trí trước nhất. Một tư tưởng như thế, không những bảo đảm cho Cái Trí sẽ tiếp nhận được điều tốt lành mà còn khiến cho tư tưởng  của chúng ta về các vấn đề khác rõ ràng hơn và dũng mãnh hơn.
Ðôi khi người ta lập đi lập lại danh hiệu của Thượng Ðế để tạo một bối cảnh trong Cái Trí. Bên Ấn Ðộ, bạn thường thấy nhiều người chờ xe lửa hay đi bách bộ trên đường, nói lầm thầm với chính họ. Ðôi khi họ lập đi lập lại khá lâu một Thánh Ngữ. Những nhà truyền giáo luôn luôn đặc biệt chỉ trích những người "ngoại giáo" như sau: "Họ chuyên tâm lập đi lập lại những điều vô ích". Người Hồi Giáo đi tới đi lui vừa đọc  những đoạn Thánh Kinh, luôn luôn  trên môi y không rời danh từ Allah (Thượng Ðế). Có thể luôn luôn họ không nghĩ đến Ngài nhiều, nhưng thường thường họ đọc như thế không phải là vô hiệu quả đâu. Dĩ nhiên một người kia có thể đọc những câu ấy vì thói quen chớ không nghĩ đến nó; một người Công Giáo có thể  đọc Kinh trong lúc tư tưởng của y vởn vơ ở  nơi  khác. Thậm chí một vị Linh Mục  có thể  đọc  Kinh hằng giờ mà không chú  ý nhiều, vì  người đã thuộc lòng tất cả. Ông có thể đọc "Lạy Thánh Mẫu Maria" và "Lạy Ðức Chúa Cha của chúng tôi" mà không nghĩ đến  Ðức Thánh Mẫu Maria hoặc Ðức Chúa Cha của chúng ta trên trời. Trong tất cả các tôn giáo, người ta có  thể câu nệ về hình thức và chỉ giữ  cái vỏ bề ngoài, khi đã mất hầu hết tinh hoa của nó. Nhưng điều này thường xảy ra trong Thiên Chúa Giáo hơn là trong Ấn Giáo và Phật Giáo, tôi có khuynh hướng muốn nói gần như không có nhiều như thế. Hơn nữa chính là sự kiện lập đi lập lại những danh từ như: "Rama, Rama, Rama",  đã giúp cho tư  tưởng về Thượng Ðế được ghi chặt trong Trí, và như thế chắc chắn sẽ sinh ra một hiệu quả có ích. Nếu  chúng ta có thể nhớ đến Ðức Thầy một cách dễ dàng và hữu hiệu như thế mà khỏi lập lại  Danh Hiệu của Ngài thì điều đó vẫn  tốt lắm. Nhưng  sự lập đi lập lại còn hay hơn là không có ý nghĩ về Ngài.
Trong Thể Trí có một tốc độ rung động phù hợp với những tình cảm sùng tín này. Với thời gian, tốc độ đó thành thường lệ, do đó sự sùng tín phát triển và thành ra một thành phần của tánh nết. Thói quen này cũng dùng để trục xuất những tư tưởng xấu. Nếu  Cái Trí trống không thì mọi tư tưởng nào vởn vơ gần đó cũng có thể xâm nhập vào và chi  phối nó. Những tư tưởng đó có phần xấu hoặc là vô ích trong mọi trường hợp hơn là hữu  dụng. Nó thuộc về một loại tư tưởng hằng hà sa số, bay vởn vơ chung quanh chúng ta và biểu hiện cho mức độ tiến hóa trung bình của xứ sở. Nhưng chúng ta đang nhắm một mục đích cao thượng. Chúng ta muốn  nâng đỡ người huynh  đệ tầm thường của chúng ta lên và chúng ta không thể thành  công trước  khi chúng  ta đạt  tới một trình độ cao siêu.
Mỗi ngày con phải dùng trí lực của con để dự định làm những công việc tốt lành. Hãy trở thành một lực lượng hướng về sự tiến hóa.
C. W. L.  Chúng ta được giáo hóa theo namby-pamby [62] một quan niệm hơi dễ dàng cho rằng chỉ có điều cần thiết duy nhất là phải ăn ở hiền lành. Nhưng sùng tín và lánh  dữ thôi chưa đủ đâu,  chúng ta phải tiến tới, phải sử dụng đức hạnh và lòng sùng tín của mình. Tại sao chúng ta hiện diện trên quả địa cầu? Tại sao chúng ta sống cho chật đất nếu chúng ta không biết làm gì hết? Ngồi  xuống và hiền lành là một trạng thái hoàn toàn thụ động (dĩ nhiên là còn tốt hơn là ngồi xuống mà tánh tình hung dữ!). Chúng ta có  mặt dưới trần để làm vận hà cho Thiên Lực. Chúng ta là Chơn Thần do Trời sinh ra từ  lâu, như một tia lửa Thiêng sáng rỡ. Ðúng như bộ Giáo Lý Bí Truyền đã nói:"Tia lửa ấy cháy yếu ớt" - lắm khi nó chập chờn - nhưng chúng ta phải làm cho nó bừng cháy do lòng nhiệt thành của chúng ta, do đức tin và tình  thương, để cho tia sáng trở thành một ngọn lửa linh động sưởi ấm những người khác.
Mỗi ngày con hãy nghĩ đến một người nào mà con biết rằng đang buồn bực hay đau khổ, hoặc cần sự  giúp đỡ. Con hãy rải tư tưởng thương yêu cho y.
C. W. L.  Sức mạnh của tư tưởng là một điều có thật, cũng thật tế như tiền bạc, hoặc như nước đổ từ trong bình ra ly. Khi chúng ta đưa một luồng tư tưởng này đến một người nào, chúng ta có thể chắc chắn rằng nó sẽ đến với y, dù chúng thấy được điều đó hay không. Hầu như tất cả chúng ta đều biết rằng một người đang lâm vào cảnh buồn rầu hay khổ não sẽ tìm được một nguồn an ủi lớn lao trong luồng tư tưởng của chúng ta gởi đến  cho y. Dù trong lúc ấy chúng ta không biết một trường hợp như thế, chúng ta vẫn  có thể rải tư tưởng một cách bao quát hơn, nó sẽ biết tìm một người trong đám đông đang đau khổ để giúp đỡ.
Nếu bạn biết ai có liên lạc với một số đông người buồn thảm hoặc cần được giúp đỡ, như Tiến sĩ Besant chẳng hạn, thì bạn có thể gởi những tư tưởng sùng tín và mạnh bạo đến cho bà, để bà có  thể gia tăng thêm chút ít mãnh lực cứu trợ mà bà đang sử dụng.  Ðối với Ðức Thầy cũng thế. Ai gởi đến các Ngài một tư tưởng sùng tín sẽ nhận được một tư tưởng đáp ứng, nghĩa là một ân huệ. Hơn nữa kho thần lực của Ngài sẽ tăng thêm đôi chút và Ngài dùng tư tưởng chúng ta để giúp đỡ kẻ khác.
A. B.  Tôi phải nói rằng trước khi đọc những dòng này tôi không có ý định dùng tư tưởng để giúp đỡ kẻ khác một cách có phương pháp và thường xuyên như trên đây. Dĩ nhiên đây là điều rất tốt. Buổi sáng, bạn hãy chọn một người mà trong ngày bạn sẽ giúp đỡ khi bạn rỗi rãnh, bởi vì bao giờ cũng có người tội nghiệp cần được giúp  đỡ. Rồi mỗi khi Trí bạn thảnh thơi, thay vì biến nó thành một lữ quán bỏ ngõ để cho ai vào cũng được; bạn hãy bắt nó gởi đến người mà bạn lựa chọn những tư tưởng dũng mãnh, an ủi và phúc lạc hoặc những tư tưởng nào cần thiết nhất cho y. Thực  hành điều  này còn cao hơn một bậc việc lập đi lập lại một dụng ngữ nhân từ.
Bằng cách  này hay cách khác, bạn hãy đóng cửa Cái Trí của bạn trước những tư tưởng xấu xa, không chính đáng cho tới chừng nào nó có đủ sức mạnh mà không cần đến sự trợ giúp nữa. Tư tưởng về Ðức Thầy bao giờ cũng phải giữ lại luôn luôn trong Trí  chúng ta. Nó thuộc về một loại tư tưởng luôn luôn trợ giúp và không ngăn cản những sự hoạt động cao siêu nào của trí tuệ; nó  không loại bỏ những sự trợ giúp nào cả, mà lại còn tăng cường sức mạnh cho chúng nữa. Trong một giai đoạn, tư tưởng ấy sẽ chiếm  trọn vẹn  Thể Trí của bạn và nhờ đó mà những điều bạn thực hiện sẽ được tốt đẹp và mạnh mẽ hơn.
Hãy giữ cho tư tưởng của con không kiêu căng, vì sự kiêu căng luôn luôn do sự dốt nát mà ra.
C. W. L.  Ở những sinh viên Huyền Bí Học có nhiều sự kiêu hãnh tế nhị. Họ không thể ngăn cản việc thấy mình đã biết được những điều kiện cốt yếu thật sự của cuộc đời khá hơn những kẻ không học hỏi mấy điều  đó; không nhìn nhận mấy điều đó thật vô lý, nhưng không nên để nảy sinh trong lòng một tư tưởng khinh miệt nào đối với những người thường chưa hiểu biết gì về vấn đề  ấy. Trên phương diện đặc biệt này, những sinh viên Huyền Bí Học sẽ tiến hóa hơn những người thường, nhưng rất có thể, trên nhiều phương diện khác người thường lại tiến hóa hơn họ rất xa. Chẳng hạn như một người hiểu biết sâu xa về văn học, khoa học hoặc nghệ thuật đã gia công nghiên cứu lâu năm và cố gắng nhiều hơn đa số những người trong chúng ta đã nghiên cứu Thông Thiên Học. Chúng ta phải công bình mà ngợi khen những công trình họ đã hoàn thành, và những cố gắng bất vụ lợi của họ. Ðặc tính của người khôn ngoan, hiền triết không phải ở chỗ khinh thường công việc của kẻ khác, mà ở điểm nhận xét rằng mọi người đều tiến hóa.
Nhiều người nuôi dưỡng cái điều gọi là có quan niệm tốt về mình. Họ thích  cho rằng mình luôn luôn có lý, mình tài năng xuất chúng và cứ như thế mãi. Nhưng những điểm mà họ tự thán phục mình không phải là điều được Chơn Nhơn thừa nhận. Tất cả những đức tánh được phát triển trong Chơn Nhơn đều thuần túy, tinh khiết.  Nếu là tình thương chăng? Nó không bao giờ biểu hiện một dấu vết ganh ghét, đố kỵ hay ích kỷ nào. Ðó là tấm gương phản chiếu tình bác ái thiêng liêng trong khả năng có giới hạn của nó. Ðôi khi, chúng ta tự khen mình tiến triển khá mau chóng. Như thế chúng ta giống như một đứa trẻ lên bốn tự hào về nó. Với đứa trẻ ở tuổi ấy, nó có làm như thế là chính đáng, nhưng đối với một người hai mươi mốt tuổi thì khác hẳn. Sự thông minh, lòng sùng tín, tình thương, sự thiện cảm còn ít phát triển ở chúng ta so với sự mở mang của chúng trong tương lai.  Do đó, thay vì chúng ta dừng lại, quá thỏa thích với chính mình, chúng ta hãy  luôn luôn tiến lên và cố gắng gia tăng số đức tánh  của mình.
Về công việc này, tham thiền là một phương tiện trợ  giúp lớn  lao. Người kia chuyên tâm mở  rộng tình thương, y tham thiền về đức tánh đó và cố gắng cảm xúc nó, một thời gian ngắn sau đó, y  sẽ ngạc nhiên  thấy năng lực của đức tánh này mà y tưởng niệm bừng dậy trong lòng y.
Ðức Thầy nói tánh kiêu hãnh luôn luôn phát sinh từ sự dốt nát. Một người càng thông minh chừng nào thì càng ít kiêu hãnh chừng nấy, vì y thấy sự dốt nát của y. Ðiều ấy đặc biệt đúng hơn nữa,  nếu y có duyên may được giao tiếp với các vị Ðại Chơn Sư của chúng ta. Y sẽ không hề kiêu căng nữa khi được tiếp xúc với các Ngài, vì mỗi lần y nghĩ mình có thể làm được điều gì, hoặc có đức  tính đặc biệt nào, thì ý tưởng sau này chắc chắn sẽ đến với y: "Nhưng tôi đã thấy đức tánh ấy ở Sư Phụ của tôi rồi, và đức tánh của tôi so với đức tánh của Ngài thật chẳng ra gì".
Những đức tánh của các Ðấng Chơn Sư phát triển một cách tốt đẹp  phi thường, nên chỉ cần biết một trong các Ngài thì có thể tức khắc chữa trị một cách triệt để những gì giống như là sự kiêu hãnh. Tuy nhiên sự ngã lòng không bao giờ do Chơn Sư phát ra. Trong đời sống hằng ngày, bạn tự tin là mình có khả năng làm vài việc nhỏ mọn nào đó, nhưng nếu bạn đứng trước nhà chuyên môn, bạn  liền thấy khả năng của bạn hầu như tiêu tan khi đem nó so sánh với kinh nghiệm của vị tài ba lỗi lạc ấy. Rốt cuộc, bạn cảm thấy tủi nhục và ngã lòng. Nhưng đó không phải là sự cảm xúc khi được đứng trước mặt Ðức Thầy. Trước sự hiện diện của các Ngài, bạn sẽ thấy rõ sự bất tài không ra gì của bạn, nhưng đồng thời bạn  thực hiện được những khả năng còn tiềm tàng của bạn. Thay vì  cảm thấy có một vực thẳm không bao giờ vượt qua nổi, bạn sẽ thầm nói rằng: "Tôi có thể làm được những điều này, tôi sẽ cố gắng noi theo cái đó"; đó là sự khuyến khích luôn luôn được sự hiện diện của Ðức Thầy tạo ra. Rồi người ta sẽ hiểu được rất nhiều lời nói của sứ đồ Cơ Ðốc như sau: "Tôi có thể thực hiện được tất cả nhờ Ðấng Christ, Ngài ban sức mạnh cho tôi" [63]. Nhờ thần lực của Ðức Thầy, bấy giờ người ta có thể nói: "Tôi không bao giờ ngã lòng nữa. Tôi không bao giờ ân hận nữa. Tôi không bao giờ phẫn nộ nữa. Ðó là những lỗi kỳ cục mà tôi đã phạm hôm qua. Khi nhìn về quá khứ, tôi nhận thấy vài việc đã khiến cho tôi lo lắng thật phi lý. Tại sao tôi lại phiền muộn, dù chuyện gì có thể xảy đến"? Sau này, khi mà chúng ta không còn ở  trong ảnh hưởng trực tiếp của ánh sáng thiêng liêng nữa, có thể chúng ta sẽ sa ngã, vì quên rằng ảnh hưởng đó vẫn bao quanh chúng ta, dù chúng ta không trông thấy được những tia sáng một cách trực tiếp, nếu muốn, chúng ta có thể luôn luôn sống trong hào quang của Ðức Thầy.
Người chưa hiểu biết tưởng mình là cao cả, mình làm được những việc lớn lao. Người khôn ngoan biết rằng chỉ có Trời là cao cả và việc lành nào cũng do Trời làm ra.
A. B.  Ở đây quyển Thánh Ca Gita đã hiến cho chúng ta một bài học quan  trọng: Tất cả chúng ta đều là nhân viên của một ý chí duy nhất. Mọi công nghiệp đều do tập thể hoàn thành chứ không phải riêng những phần tử. Và cái hay hơn hết mà mọi  người trong chúng ta có thể làm được là trở nên một cơ quan hữu ích để cho sự hoạt động duy nhất và thiêng liêng sử dụng. Sự khoe  khoang của chúng ta cũng phi lý như sự kiêu căng của một trong những ngón tay của chúng ta vậy. Bạn hãy trở thành những cơ  quan lành mạnh của Thiên ý. Rồi bạn sẽ thấy Ðấng Tạo Hóa Duy nhất dùng bạn, vì bạn là công cụ thích hợp cho công việc của Ngài.
Bây giờ chúng ta trở lại chỗ khởi điểm. Sự hiểu biết Chơn  Ngã như  chúng ta đã hiểu biết, xóa bỏ được mọi sự sợ hãi; bây giờ đây chúng ta thấy rằng  nó cũng  hủy diệt  mọi sự kiêu căng. Ðó là chân lý căn  bản. Chúng ta nên nhận thấy rằng những thực trạng  phức tạp này đều đưa chúng ta đến  một  chân  lý duy nhất, một sự sống  duy nhất  đang hiện  lờ mờ trong vạn vật.
C. W. L.   Ðức Thượng  Ðế ở trong mỗi người. Tất cả những  gì nhân từ hay cao cả biểu hiện trong con người là ánh sáng vẫn có của Thượng Ðế chiếu nơi y. Tất cả những gì chúng ta thực hiện, chính là Ngài thực hiện xuyên qua chúng ta. Ðiều này dường như kỳ dị [64] và bạn có thể nói hình như nó hủy diệt cái cảm giác về cá tính. Nhưng đó chỉ là tại cái óc xác thịt của chúng ta không nhận thức nổi sự tương quan đích thực ấy. Không phải vô lý mà người Công Giáo thời trung cổ đã nói: "Sự vinh quang thuộc về Chúa Trời". Một người trong chúng ta kiêu hãnh về một hành vi nào đó, cũng như chúng ta chơi dương cầm, một trong mấy ngón tay chúng ta nói  rằng: "Tôi đánh điệu này hay quá! Chính nhờ tôi mà điệu nhạc trở nên tuyệt diệu". Thật ra mỗi ngón tay đều làm phận sự của nó, không phải theo ý chí cá nhân, mà như là những công cụ  của bộ óc. Tất cả chúng ta là những ngón tay của bàn tay Ngài, là những biểu hiện uy lực của Ngài. Tôi biết rất rõ ràng rằng chúng ta không  thể hiểu trọn vẹn về vấn đề này, nhưng nếu chúng ta càng phát triển tâm thức cao siêu bao nhiêu, chúng ta càng cảm thấy nó sâu xa bấy nhiêu và đôi khi, trong lúc tham thiền hoặc trong vài lúc phấn khởi tột độ, chúng ta tiếp xúc được với cái Nhất Thể nầy trong giây lát.