Dịch giả : Cao Ngân Hà & Bạch Liên
Chương 12
TÌNH BÁC ÁI VÀ SỰ SỐNG THIÊNG LIÊNG

Phải phân biện điều ích kỷ với điều không ích kỷ, bởi vì  ích kỷ có thiên hình vạn trạng. Khi con tưởng trừ được tật ích kỷ trong một hình trạng nào rồi, thì nó lại tái sinh trong một hình trạng khác cũng mạnh mẽ như trước vậy. Nhưng lần lần, con mãi lo giúp đỡ kẻ khác cho đến đổi trong trí con không còn chỗ nào và giờ phút nào nghĩ đến con nữa.
A. B.  Ở đây Ðức Thầy mô tả các điều mà tôi tưởng là cách  duy nhất để đi đến tánh hoàn toàn vị tha. Chắc chắn là có thể diệt được một hình thức đặc biệt của tánh ích kỷ khi chúng ta đem tất cả sức cố gắng đặng trừ tận gốc rễ nó, nhưng theo lời Ðức Thầy nói, nó sẽ tái sinh dưới một hình thức khác. Như thế bạn sẽ mất nhiều thì giờ để tiêu diệt một loại ích kỷ nào đó, rồi bạn ở vào  tình thế của Hercule khi giết con rắn chín đầu (Hydre); hễ đầu này bị chặt đứt thì đầu khác lại mọc lên. Nhưng phương thức dặn dò ở đây trừ được tận gốc.
Một trong những kết quả quý nhất mà lòng sùng tín hiến cho chúng ta ở đây, tôi tưởng nó đẹp hơn hết, ấy là tư tưởng mà ta hiến cho một người khác để làm mục đích của sự sùng đạo; tư tưởng này chiếm trọn cả trí óc của chúng ta và chúng ta quên mình  mà không có sự cố gắng đặc biệt nào cả. Ðó là cách phát triển thật sự:... cũng như đóa hoa tăng trưởng một cách vô tâm nhưng tha thiết muốn mở rộng tâm hồn dưới ánh dương quang" [32].
Tất cả mọi  cố gắng  là một  dấu hiệu của sự  yếu  đuối, nếu  bạn tìm được những phương thức khéo léo để thuyết dụ được bạn bằng cách nào đó, thì đó quả là một sự thắng lợi lớn lao. Bạn sửa đổi dòng tư tưởng, bạn tập trung năng lực vào chiều hướng tốt lành rồi tánh xấu sẽ chết lần mòn. Ðó chính là cách hay hơn hết để chế ngự các tánh xấu của mình, bởi vì nghĩ đến tánh xấu, dù là hối hận, cũng gia tăng sức mạnh của nó.
Bạn chỉ nghĩ đến kẻ khác thôi, rồi Ðức Thầy đã nói, bạn sẽ không còn thì giờ cũng như không còn chỗ trống nào trong tâm trí để nghĩ đến chính mình nữa. Và điều này sẽ là hạnh phúc của bạn. Riêng tôi, tôi nhận thấy quả đúng như vậy. Khi tôi muốn phiền  muộn và có hơi luyến tiếc một chuyện  riêng tư (Tôi tưởng hiện giờ không còn như  thế nữa, trước kia tôi đã bị điều đó rồi) thì tôi đem hết tâm trí tôi lo giúp  đỡ kẻ khác và làm việc cho họ. Buồn bực về những trường hợp chỉ làm cho một mình chúng ta xúc động là ích kỷ vậy. Ðiều đó chỉ đem lại sự đau khổ cho chúng ta thôi. Tuy nhiên nhiều người vẫn làm như thế. Họ ngồi xuống và nói: "Ôi buồn quá! Khổ quá! Thật đau đớn cho tôi. Người ấy không cần đến tôi, không lo lắng gì đến tôi, không thương yêu tôi". Rồi cứ than van mãi như thế không thôi.
Mấy điều đó là ích kỷ: Phương thức chữa bệnh buồn bực lẫn bệnh ích kỷ là tức khắc làm việc đặng giúp đỡ một người khác. Trong  khi làm việc, trí của bạn không thể chứa một lượt hai mục tiêu và khi bạn không còn nghĩ đến bạn nữa thì bạn bắt đầu có hạnh phúc. Bạn tìm hạnh phúc từ khi bạn có thể nói rằng: "Tôi không đòi hỏi những ai ở chung quanh tôi một điều gì cả. Tôi yêu thương họ và không cần cái chi cả để bù đắp  lại". Thường thường người ta gọi là tình thương, một mảnh tình bị  lớp màn  ích kỷ  dày  đặc  bao bọc. Tình thương gây ra sự đau khổ ư; thì chính là sự  ích kỷ đã hiện diện trong đó.
Ðây là một bài học rất khó cho những kẻ thành tâm, và có tình thân ái, tôi vẫn biết như thế. Tuy nhiên chúng ta phải học lấy bài này vì nó sẽ mang đến hạnh phúc và sự bằng an cho chúng ta. Chính tôi đã kinh nghiệm điều đó rồi. Bạn hãy tập trung thương yêu  tất cả mọi người và đừng đòi hỏi một điều gì  để đền đáp lại và khi bạn đạt được mục đích, nhiều người sẽ thương yêu bạn,  nhưng ngày nào bạn còn tỏ ra thèm thuồng, thì bản năng tự nhiên của họ lại dè dặt, thận trọng. Bài học thật khó khăn thay, nhưng khi đã hoàn toàn lãnh hội được, thì nó sẽ mang lại một sự an tịnh không thể nào lay chuyển nổi, dù cho người mà chúng ta hết dạ yêu thương trở nên  khó chịu với chúng ta trong chốc lát. Không có gì đáng kể: bạn biết rằng một ngày kia người ấy sẽ đổi thái độ và  trong khi chờ đợi, bạn vẫn thương yêu y như trước. Ban đầu khó chăng? Hãy quyết định đừng lo đến điều đó. Bạn hãy thầm nói rằng: "Dù cho sự đau khổ của bản ngã thấp hèn của tôi đến thế nào  chăng nữa, điều đó đối với tôi không có nghĩa lý gì hết". Chúng ta là gì? Hay ít ra bản ngã thấp hèn của chúng ta là thế nào, mà chúng ta thương hại cho những sự đau khổ của chúng ta hay là đòi quyền được kẻ khác thương yêu? Nếu bạn giữ thái độ đó với những nỗi khổ đau của bạn thì bạn sẽ vượt lên trên nó được.
C. W. L.  Nghĩ đến một điều lầm lỗi là tăng thêm sức cho nó. Ðó là điều sai lầm mà hệ thống Cơ Ðốc giáo thường vướng phải về việc truyền lệnh cho con người phải ăn năn và hối hận những lỗi của mình. Khi con người càng hối hận, y càng nhấn mạnh tư tưởng của y về những tội lỗi của y đã làm thì chúng càng tăng thêm ảnh hưởng của chúng. Trái lại, nếu người ta tiếp tục theo đuổi con  đường của mình và làm việc cho kẻ khác, thì hình tư tưởng đó không được thêm sức, nên tự nhiên nó phải chết và tự tách rời ra rồi rơi vào sự lãng quên. Tự xét mình một cách yếu đuối, bệnh hoạn thường biến một lỗi nhẹ thành ra một lỗi nặng. Người ta thường nghĩ đến những đứa trẻ luôn luôn nhổ gốc cây coi nó có mọc không. Cũng như một người kia đầy nhiệt tâm đang làm một việc tốt đẹp và cao quý, rồi y bắt đầu tự nghi ngờ mình và thầm nói: "Tôi không chắc vì lý  do của tôi là trong sạch, tôi phải hành  động vì lòng kiêu hãnh của tôi", hoặc nếu người ấy làm giảm bớt những nỗi khổ đau của kẻ  khác rồi y lại  nghĩ: "Thật ra trong đó có sự ích kỷ; vì không thể chịu được việc mục kích những nỗi thống khổ này, tôi đã xoa dịu chúng". Trong Thánh Ðường Anh Quốc, người ta nói: "Lạy Chúa xin thương xót chúng tôi là kẻ tội lỗi rất khốn khổ". Chúng ta là kẻ tội lỗi, có thể đúng như vậy, nhưng làm cho tội lỗi chúng ta trầm trọng thêm do những sự đau khổ của chúng ta và làm cho những kẻ khác cũng khốn khổ như mình thì thật là vô ích. Ðừng bao giờ nhấn mạnh về quá khứ mà hãy quyết tâm làm cho tốt đẹp hơn trong tương lai. Rất vô ích mà cầu mong lúc bây giờ đừng làm việc này hay việc nọ. Tốt hơn nên nói: "Tôi  đã làm việc ấy, đó là điều đáng tiếc. Mặc kệ. Ðây là hoàn cảnh hiện tại của công việc. Tôi phải xem xét coi điều gì tôi có thể làm được để cho công việc tốt đẹp hơn". Tôi không muốn nói rằng tới một mức độ cao siêu chúng  ta không thể sửa chữa dĩ vãng được, nhưng điều đó kể ra đây là một việc  ít thực  tế đối với chúng ta vậy.
Trong Bát Chánh Ðạo của Ðấng Thế Tôn, Ðức Phật của chúng ta, con đường thứ bảy là Chánh Niệm. Ðức Phật nói với những người theo Ngài như sau: "Phải hết sức đề phòng trong việc khêu gợi những ký ức của các con. Nếu các con nói: không thể quên  được điều  gì, tức là các con chưa làm chủ được ký ức của các con, các con không chế ngự được trí tuệ của các con, nó vốn là một thành phần của các con. Cái đó cũng giống như khi các con đi  ngoài đường các con lượm tất cả những rác rến nhơ bẩn mà các con gặp. Các con chất chứa bừa bãi trong ký ức của các con tất cả những thứ vô ích và xấu xa. Các con  chỉ  nên  nhớ  những chuyện tốt lành và đặc biệt, hãy quên phức những chuyện khác". Rồi Ðức Phật kể một cách tỉ mỉ và rõ ràng những điều nào mà phải quên, như những lời xúc phạm làm phật ý, mếch lòng, sự khinh bỉ và những sự nhục mạ tưởng tượng. Chúng thuộc về những điều chúng ta phải triệt để quên mất đi. Trái lại, thuộc về những điều phải ghi nhớ là những lời nhân từ của kẻ khác đã nói với chúng ta, tất cả những ân nghĩa mà chúng ta đã thọ lãnh, tất cả những tánh tốt mà chúng ta đã nhận thấy  ở kẻ khác.
Chúng ta phải tập thương yêu những người mình gặp trong cuộc sống hằng ngày. Tôi không nói rằng phải thương tất cả đồng  bậc với nhau. Người ta không đòi hỏi điều đó. Chính Ðức Phật cũng có một đệ tử mà Ngài thương hơn hết là Ananda (Ác-nan) và Ðấng Christ cũng có một đệ tử mà Ngài yêu nhất là Thánh Gioan  (Saint Jean). Trong buổi ăn cuối cùng trước ngày mà Ngài chịu  khổ nạn, Thánh  Gioan nép mình vào lòng Ngài. Chúng ta không  bị bắt buộc phải thương yêu mọi người giống như nhau, hoặc phải thương yêu họ như thương cha, mẹ, vợ, con. Trái lại ta nên tỏ ra  rất tử  tế và có lòng thương yêu đối với tất cả mọi người, mà không hề oán ghét một ai. Chúng ta phải có thái độ này và không hề trông mong kẻ khác đền đáp lại. Mọi sự thỉnh cầu đều bao hàm một cao vọng; yếu tố ham muốn lại dự vào. Rồi chúng ta lại nghĩ đến mình chớ chẳng phải nhớ đến những người mà mình thương  yêu. Ban  rải sự yêu thương mà không có ý mong mỏi được đền đáp lại, chỉ như thế mới đáng gọi là tình thương. Không có lòng thương người (vị tha), thì con người sẽ nuôi tánh ghen ghét, tật đố cùng nhiều sự ham muốn khác. Tình thương của họ không phản chiếu  một màu  hồng đẹp đẽ và trong trẻo mà lại nhuộm màu đỏ nâu, ấy là một sự biểu hiện buồn bực mà hình dáng cũng xấu xa và thảm đạm; thay vì tỏa ra như  ánh sáng mặt trời, nó lại cong xuống và giữ  chặt lại, nó truyền ra theo đường cong khép kín, thường chỉ ảnh hưởng đến kẻ sinh ra nó mà thôi. Tình bác ái thiêng liêng triệt để làm cho các cõi chuyển động. Nó túa ra những đường cong rộng lớn vô cùng nhưng chúng không trở về trung tâm và cũng không muốn  quay lại con đường chúng đã đi. Tình bác ái đó ban rải ra theo những thứ nguyên khác nhau và trên  những cõi khác nhau để hoàn thành cơ tạo theo Thiên Ý. Ðó là bài học mà chúng ta phải học cho thật thuộc. Nó rất  khó bởi vì  muốn  thành  công chúng ta phải diệt trừ  bản  ngã thấp hèn, nhưng đó chính là con đường dắt đến sự an lạc vậy.
Con phải phân biện một cách khác nữa. Phải tập phân biện Ðức Thượng Ðế trong mọi loài và trong mọi vật, dù chúng có thật xấu xa hay dường như có vẻ xấu xa cũng vậy.
Con có thể giúp người huynh đệ của con luôn luôn là nhờ con với y đồng chung có sự sống thiêng liêng trong mình. Hãy học hỏi cách kêu gọi sự sống đó trong  người y. Như thế con mới ngăn ngừa nó khỏi bị tai hại.
A. B.  Ðây là bài học cuối cùng về sự phân biệt điều chân với điều giả. Dù chúng ta đứng trước sự xấu xa đến đâu đi nữa phải biết vẫn có Ðức Thượng Ðế trong đó, bởi vì nó không thể hiện hữu, nếu không có Ngài hiện diện bên trong. Trong những bản Kinh Thánh Ấn Ðộ không ngớt lập lại chân lý này: "Ta là cách chơi của kẻ gian lận" [33].  Ðó  là  lời nói của Ðức Thượng Ðế trong  quyển Thánh Ca - Bhagavad Gita -, câu cách ngôn này thường gây bực tức rất nhiều cho độc giả. Tuy nhiên đó là chân lý, kẻ gian phải học một bài học bằng cách ấy, vì không chịu học bằng  phương pháp tốt đẹp hơn. Người nào không thể tuân theo giới luật; thì phải học theo cách kinh nghiệm những luật tự nhiên. Những luật mà chúng ta gọi là luật tự nhiên như thế vốn là sự biểu lộ cụ thể hữu hình  nhất của trí tuệ thiêng liêng.
"Nếu ta ngủ dưới địa ngục,  thì ngươi cũng ở đó" [34].
Vậy  bạn nên  biết Trời ở trong tất cả những gì chung quanh bạn; cái khác còn lại không liên quan chi đến bạn. Ðó là một cách và cũng là một cách duy nhất để bạn giúp đỡ người huynh đệ của  bạn bởi vì cả hai đồng chung sự sống thiêng liêng. Ngoài điều đó ra, thì tất cả cái còn lại đều dị biệt. Nhưng về sự sống thiêng liêng thì cả hai chỉ là một. Ấy là một phương tiện, một đòn bẫy có thể dùng để giúp đỡ bằng mọi cách. Bạn muốn  giúp đỡ một người nào để trừ khử một tật xấu của y chăng? Bạn nên nhớ rằng ý muốn diệt trừ  tánh xấu của y cũng nhiệt thành như ý muốn của bạn. Y khổ sở  vì tật xấu của y và nếu gặp được "con người thật" trong mình y thì bạn sẽ thấy y khao khát được giải trừ tất xấu ấy là dường nào! Ðó mới thật là cách giúp đỡ. Con đường nội tâm không làm hại hoặc  sỉ nhục đến ai bao giờ.
C. W. L.  Tất cả những gì hiện hữu trong cõi này, cũng như ở những cõi khác, đều là một biểu hiện của sự sống thiêng liêng; do đó, tất cả, điều lành cũng như điều dữ, đều là sự biểu hiện của Thượng Ðế. Không một vật gì hiện hữu được nếu không có Thượng  Ðế là trái tim và cội rễ của nó. Tất cả những bản Thánh Kinh đều nhấn mạnh đến sự kiện này. Chẳng hạn như trong  Thánh Kinh Cơ Ðốc: "Ta tạo ra ánh sáng và làm ra bóng  tối; Ta tạo ra sự bình an và gây ra tai hoạ; chính ta là Yaweh, Ðấng đã làm ra mấy điều  đó" [35]. Người ta rất khó hiểu được tại sao những gì mà con người cho là sự ác lại cũng là thiêng liêng, nhưng sự thật là như thế. Vẫn có những anh Bàng Môn Tả Ðạo và những kẻ đồi bại, bất chính đủ hạng, nhưng trong mình của họ đều có sự sống thiêng liêng, bởi vì  ngoài nó ra không có sự sống nào khác.
Nếu một người kia vì vô  minh và vô lý làm ác thì chung qui điều lành cũng sẽ do đó mà sinh ra. Người đó không thể tiến hóa bằng cách nào khác hơn được. Kẻ  gian  xảo sẽ lừa bịp, y đã quyết định như thế. Trong khi chờ đợi, y không thoát khỏi Luật Trời. Y  đã phạm tội, nhưng từ cái quấy y thu thập được một sự lợi ích là học được một bài học và sự thất bại sẽ dắt y vào con đường chánh. Chính  vì thế mà phải nói rằng đó là một phương thuốc cuối cùng, nhưng cũng là một phương thuốc vậy; chúng ta phải biết rằng nó  thuộc  về Thiên Cơ.
Theo một ý nghĩ nào đó, nhất định tất cả đều là Thượng Ðế; nhưng nói như  thế không đúng với ý nghĩa trong mấy câu  này: ấy  là tinh thần của Thượng Ðế trong mỗi cá nhân làm ra con người. Nếu bạn có thể thấy xuyên qua Phàm Nhơn quá biến dạng, quá đồi trụy này để đi đến sự sống thiêng liêng trong con người thì bạn mới có thể kêu gọi nó. Ðừng quên rằng kẻ dữ với tư cách là Linh Hồn vẫn khao khát sự tiến bộ như chúng ta vậy. Y muốn được giải trừ khỏi sự ác, nó đeo đuổi, nó ám ảnh và khuấy rối bản ngã y. Nếu ta đi đến  được tâm hồn của y bằng cách soi thấu lớp vỏ bề ngoài do sự cứng rắn và sự hung ác của y tạo thành, thì kẻ dữ sẽ vội vàng trợ lực chúng ta để giúp Phàm Nhơn.
Một phần lớn trong đời tôi, tôi làm Mục Sư và phụ tá ngoài Giáo Hội (người lương), tôi đã làm việc  trong những khu vực tồi tệ nhất ở Anh Quốc. Tôi đã thấy nhiều người mà thiên hạ cho là những kẻ sát nhân tàn nhẫn, đến đỗi tôi không mong gì cải hóa,  nhưng tôi không hề gặp một người nào mà không có trong tận đáy lòng một điểm lành; thí dụ như tình thương của y đối với một con  chó, dường như chỉ có điều này nhắc nhở chúng ta y là một con người mà thôi, nhược bằng không có điều này, thì y quả là một  con thú, một con thú nguy hiểm. Tuy nhiên, trong người y có sự sống duy nhất. Về phương diện chính xác này, nếu chúng ta giao thiệp được với y thì chúng ta còn hy vọng kêu gọi sự sống duy  nhất đó, chúng ta có thể giúp y tiến lên.
A. B.  Ðức Thầy chấm dứt bằng mấy lời nầy: "Như thế con  ngăn ngừa được người huynh đệ của con khỏi bị tai hại". Ở đây lời kêu gọi của Ngài mạnh mẽ hơn  hết. Thật ra, đối với vị đệ tử, công  việc đó là lý  do và mục tiêu của đời sống, bởi vì vị này  chỉ có một ước vọng duy nhất là trở thành một Ðấng Cứu Thế. Không có lời kêu gọi nào đem lại sự ích lợi cho cá nhân của người đệ tử có hiệu lực hơn là lời kêu gọi này. Ðức Thầy chỉ sống để giúp đời. Ðời sống chúng ta càng biểu hiện tinh thần phục vụ thì nó càng giống hệt đời sống của Ngài.