Dịch giả : Cao Ngân Hà & Bạch Liên
Chương 29
PHỤNG SỰ

Nhưng không chỉ tránh việc ác thôi, mà còn phải tích cực làm lành. Lòng con phải tràn ngập ý muốn quyết liệt phụng sự cho đến nỗi con không hề quên giúp đỡ tất cả những loài ở chung quanh con, chẳng những con người mà còn đến cầm thú và thảo mộc nữa.
Con phải  giúp ích trong công  việc nhỏ mọn hằng ngày cho có thói quen, hầu gặp cơ hội phụng sự lớn lao đưa đến, con mới  không bỏ qua.
C. W. L.  Thông thường chúng ta có thể để cho dịp may giúp đỡ kẻ khác trôi qua; nếu chúng ta không có thói quen cẩn thận.  Trái lại nếu chúng ta đạt được thói quen này rồi thì chúng ta sẽ không bỏ qua nhiều dịp may, vì nó tự biểu lộ ngay ở giữa những hoàn cảnh ít xảy ra; ngay trong những trường hợp khẩn cấp nhất. Ðó là lý do duy nhất vì  sao các chiến sĩ bị bắt buộc phải luyện tập  dài lâu và khá gian khổ. Chẳng hạn họ biết thật đúng phải làm thế nào để tuân theo vài mệnh lệnh và vài thói quen cũng phải thành ra tự nhiên nữa. Ngày xưa, (nếu không phải là bây giờ) ngoài chiến trường người chiến sĩ gặp một tình cảnh hoàn toàn mới lạ. Như  thế tính  can đảm của y có thể được thử  thách một cách hữu hiệu, dù y có anh dũng thế nào, trong tình cảnh ấy, sự hốt hoảng cũng dễ được tha thứ. Tuy nhiên, ngay trong tình trạng giống như thế, thói quen lại mạnh hơn; người chiến sĩ tuân theo mệnh lệnh và thực hiện một sự cố gắng cần thiết.
Sự tuân thủ về vấn đề tích cực làm lành dầu sao cũng không nhằm chống lại những người hoạt động trên mấy cõi khác. Một sự  tuân thủ như thế có thể được dễ dàng áp dụng một cách sai lầm để  chống lại những nam, nữ tu sĩ thuộc về tông phái trầm tư mặc tưởng, hay là chống lại giai cấp Bà La Môn bên Ấn Ðộ. Thuở xưa trên phương diện lý thuyết, người Bà La Môn là nhà lãnh đạo tinh  thần của quốc gia. Họ được xem như hiến trọn đời để thi hành việc tế lễ và nghi thức, để học hỏi, giảng dạy và khuyên bảo hầu đem lại sự lợi ích cho toàn thể xã hội. Những kẻ khác chăm lo công việc bình thường với ý muốn để làm giàu, họ sẽ cung cấp nhu cầu cho vị Bà La Môn, vì người đang làm việc tinh thần thay thế cho họ. Trong những xứ Thiên Chúa Giáo những tu sĩ trong đạo viện vẫn có một ý niệm, họ luôn luôn cầu nguyện cho người chết. Trong thời gian vị tu sĩ ấy đảm trách công việc của họ, người ta nghĩ rằng kẻ chết và người sống làm ra một cộng đoàn duy nhất và cầu nguyện cho kẻ chết là một lối phụng sự cộng đoàn còn quan trọng hơn việc trồng lúa mì. Do  đó, những tu sĩ sống nhờ của bố thí mà không cảm thấy hổ thẹn chút nào và cả những thí chủ nhân từ tự thấy mình rất vinh hạnh. Tinh thần chung hoàn toàn khác biệt với tinh thần hiện tại. Sống nhờ của bố thí như thế không hề bị xem như là một sự xấu hổ. Thật ra, những người sống bằng cách ấy là hiện thân của những kẻ tiến hóa cao trên phương diện tinh thần.  Họ phát nguyện được sống nghèo nàn, trinh khiết và phục tòng. Kết án những người sống một cuộc đời như thế quả là phạm ngay lỗi lầm của những nhà cách mạng Pháp, họ nói rằng: "Một triết  gia hay  một nhà văn  là người biếng nhác và vô dụng; y phải đập đá ngoài đường".
Bởi vì nếu con khao khát được hợp nhất với Ðức Thượng Ðế, ấy chẳng phải để riêng cho con, mà để cho con thành một vận hà di chuyển đức từ bi bác ái của Ngài đến anh em con. Người đi trên đường đạo không hề sống riêng cho mình, mà chỉ sống cho những kẻ khác. Y phải quên mình mới có thể phụng sự được.
C.W. L.  Mục đích  duy nhất của quyển sách này là giúp cho độc giả có được một thái độ nào đó. Cốt ý để sống hơn là hiểu biết, đây có nghĩa là sống một đời sống Thông Thiên Học, ban rải ra  tình thương  tràn ngập trong lòng cho tất cả chúng sinh với một ý muốn nhiệt thành trợ giúp sự tiến hóa đến nỗi trong khi phụng sự kẻ khác, chúng ta tự quên mình. Nếu  bạn được mục kích  một y sĩ thực hiện một cuộc giải phẫu quan trọng, bạn sẽ hiểu vì sao một người trong một tiếng đồng hồ chú tâm mãnh liệt, tận dụng tất cả năng lực trí óc và thủ thuật tinh xảo, hết sức chăm chú vào công việc, hầu như tất cả sự sống của y sĩ đều tập trung trên những đầu ngón tay. Trong khi đang tác chiến cũng thế, người chiến sĩ có thể hoàn toàn quên mình trong lúc y cố gắng cứu  một người đồng đội bị thương hoặc hoàn thành một công tác cần yếu song nguy hiểm.
Ðức Thượng Ðế toàn năng trong hệ thống của Ngài. Ngài ban thần lực khắp các cõi. Chúng ta không thể không tin rằng Ngài ban thần lực đó cho trọn cả hệ thống của Ngài, ở bất cứ cõi nào, và trong một phạm vi nào mà Ngài đã chọn lựa. Thật ra, Ngài không  làm thế; số lượng thần  lực ban  rải ở mỗi cõi dường như bị giới hạn rõ rệt và chỉ thuộc về một loại nhất định. Do đó, chúng ta là những tia sáng thuộc về Ngọn lửa của Ngài, chúng ta có thể hoàn thành vài việc do Ngài làm xuyên qua chúng ta là những thành phần của Ngài. Chúng ta không thể nói rằng Ngài không làm được, mà hình như Ngài không làm. Nhờ ở lòng sùng tín mãnh liệt, nhờ ý chí của chúng ta hòa hợp với ý chí của Ngài, chúng ta có thể thúc giục thần  lực từ  những cõi trên tuôn xuống, chúng ta biến chất nó, rồi phóng nó ra xa. Theo sự ước đoán của chúng ta, công việc này sẽ không thành tựu, nếu chúng ta không thực hiện nó. Người ta nói rằng Ðức Thượng Ðế trông cậy vào sự hợp tác của chúng ta. Nhưng công việc ấy cũng tùy thuộc Ngài, vì không có năng lực nào khác ngoài năng lực của Ngài. Tôi đã nhiều lần dùng danh từ để so sánh "vận hà (con  kinh)" hay là "ống dẫn" trong khi mô tả thần lực của Ðức Thầy ban rải xuống những cõi thấp xuyên qua một vị đệ tử. Người ta cũng có thể dùng danh từ biến điện để chỉ việc ấy. Có những số lượng rất lớn điện khí, điện thế cao, được chuyển đến trạm biến điện của một thành phố, có thể cách xa nơi phát điện hàng trăm dặm. Nơi đây những máy biến điện tiếp nhận điện khí, điện thế cao ấy và biến  đổi nó  ra nhiều dòng điện, điện thế thấp, có thể sử dụng trong việc thắp đèn hoặc nhiều việc khác. Cũng giống như thế, một vị đệ tử ở Sydney, chẳng hạn, có thể tiếp nhận thần lực của Ðức Thầy ở cõi cao từ Hy Mã Lạp Sơn đưa xuống và biến đổi nó thành thần lực có thể dùng cho những cõi thấp hơn, hầu phân phát nó ra chung quanh  y hoặc đưa nó đến những nơi được chỉ định thâu nhận nó.
Vậy mỗi vị được Ðiểm Ðạo là một cái máy biến đổi thần lực. Xuyên qua y, thần lực đó có thể tuôn xuống đến một chừng mực, tùy theo trình độ cấp bậc của y. Thần lực bao bọc chúng ta, như mặt trời luôn luôn chiếu sáng. Trừ phi lúc nhựt thực, nếu ánh sáng  mặt trời không xuống tới quả địa cầu, ấy tại quả địa cầu sinh ra những đám mây bay lên che khuất mặt trời. Cũng thế, con người sinh ra những đám mây ích kỷ và vô minh, chúng chồng chất lên ở chính giữa con người và Ðức  Thượng Ðế trong lúc Ngài  đang ban  rải nhiều thứ thần lực khác nhau cho mỗi cõi. Vị được Ðiểm Ðạo đã tiến tới một bước, nên có thể cung ứng cho những thần lực này một vận hà hữu hiệu nhất. Không phải chúng không ảnh hưởng đến  con người; chúng luôn luôn hiện diện, nhưng khi ta không sẵn sàng tiếp nhận chúng thì  ta để cho chúng đi mất.
Do sự loại suy, chúng ta hãy  xem xét sinh lực  hồng trần. Mỗi  người đều hấp thụ sinh lực. Nhưng đôi khi, trong lúc bệnh hoạn, con người không thể thu  dụng nó cho chính mình, nên chẳng bao lâu  y cảm thấy thiếu nhiều sinh lực. Dù không đủ khả năng biến đổi sinh lực cho chính mình dùng, song y có thể dùng sinh lực do kẻ khác biến đổi. Người này nhờ sinh lực dồi dào, có thể truyền sang sinh lực cho người bệnh và cho y sức mạnh cần thiết để  phục hồi tình trạng bình thường. Cũng giống như thế, vị được Ðiểm Ðạo  sử dụng rất nhiều thần lực ở mấy cõi trên, Ngài biến đổi chúng, đặng cho kẻ khác có thể  tiêu hóa chúng dễ dàng. Càng có nhiều người đạt đến trình độ có thể đảm trách công việc ấy, thì sự tiến hóa chung của nhân loại càng được gia tăng mau chóng. Nếu chắc chắn là thảo mộc chỉ có thể chịu đựng mỗi một số lượng ánh sáng có giới hạn, thì cũng đúng là không thể ban rải cho một người nào đó một số lượng ánh sáng tinh thần quá to tát.
Tuy nhiên bạn chớ tưởng rằng những vận hà đó là thuần túy thụ động. Chúng là những con kinh linh động. Vị đệ tử không hề  bất động và chỉ biết làm vận hà suông mà thôi. Có những thần lực được ban xuống như thế, và thường thường đệ tử Chơn Sư  ý thức  được đặc tính của luồng thần lực xuyên qua y và y cũng biết nó gởi đến cho ai. Nhưng một phần lớn thần lực còn lại vẫn để cho y phân phối bất cứ lúc nào. Y có thể chuyển đi nơi này hoặc nơi khác tùy theo nhu cầu mà y nhận định. Vậy vị đệ tử đã vận dụng tài thích  ứng, và sự thiệp thế của mình. Y đã tỏ ra có một sự hoạt động luôn luôn tích cực. Như thế đời sống của y không phải là một sự phục tòng mù quáng. Trái lại, y bận việc lo lắng, trong khi những kẻ khác ở không và chỉ nghĩ đến chính mình mà thôi.
Những người thường không thể dễ dàng sử dụng trong công việc này, vì họ ít phát triển trên những cõi cao, và nếu Chơn Nhơn  đã khá tiến hóa, thì sợi dây liên lạc giữa Chơn Nhơn và Phàm Nhơn cũng còn rất mảnh  mai. Chơn  Sư có thể dùng vị đệ tử bởi vì vận hà được khai thông. Cũng y như thế, Ðấng Duy Nhất Chí Tôn Cầm Quyền Ðiểm Ðạo [119] có thể truyền thần lực của Quần Tiên Hội xuyên qua những vị đã được Ðiểm Ðạo. Trong trường hợp đó, con  người là Chơn Ngã cao cả và dù y đang làm bổn phận dưới thế gian, song trong Trí y luôn luôn có tư tưởng này: "Tôi là Chơn Thần; Tôi là Tia Sáng Thiêng Liêng; Tôi phải xứng đáng với Thượng Ðế". Người ở ngôi vị cao, không nên khinh xuất. Phải hành động cho thích ứng, cho đúng với danh dự mình.
Vì sự quan trọng của công việc, cho nên sự liên quan giữa Chơn Sư và đệ tử  không bao giờ căn cứ trên tình cảm, dù cho sự liên quan này chan chứa tình thương sâu xa nhất mà người đời có thể hiểu được. Ðức Thầy không thu nhận một người nào làm đệ tử vì y có thân nhân đã được làm đệ tử hoặc vì Ngài đã biết y trong những tiền kiếp. Chơn Sư cũng như  đệ tử của Ngài chỉ nghĩ đến  công việc mà người Ai Cập gọi là "công việc bí ẩn", tức là việc  thu nhặt những mảnh vụn thân xác của Osiris bị xé ra rồi ráp lại thành hình Ngài. Chơn Sư và đệ tử đều biết được "Ánh  Sáng Ẩn Tàng" đang chiếu diệu trong con người, cũng như đã biết được: "Bửu Châu Trong Hoa Sen" [120], chúng luôn luôn giúp đỡ con người, nếu y biết cách kêu gọi chúng. Ðó là công việc của những vị  được Ðiểm Ðạo bên  Ai Cập thuở xưa và cũng là công việc của những người đời nay. Họ sử dụng quyền năng tạo lập vũ  trụ, lòng từ bi của Ðức Thượng Ðế, vốn là tình thương vô tư. Không ai bị bắt buộc phải vào con đường Huyền Bí Học, nhưng nếu có theo con đường ấy, thì nên chấp nhận câu châm ngôn và tôn chỉ của Quần Tiên Hội, tức là "không sống cho chính mình, mà sống cho kẻ khác. Không sống cho sự tiến hóa cá nhân của mình hoặc hưởng thụ những sự thỏa mãn riêng tư, mà sống cho công nghiệp thiêng liêng".
Người ấy là một ngòi bút trong tay Ðức Thượng Ðế, xuyên qua đó, tư  tưởng của Ngài mới có thể tuôn xuống và biểu hiện ra tại phàm trần; nếu không có người trung gian đó thì không thể thực hiện việc ấy được.
C. W. L.  Hình như Ðức Thượng Ðế đã dự tính rằng đến một giai đoạn tiến hóa nào đó, Ngài sẽ sử dụng nhiều ngòi viết như  thế để viết. Theo lời một thi sĩ thì chính Ðức Thượng Ðế "cần dùng bạn và  tôi". Thiên  Cơ đã qui định sự cộng tác của chúng ta; đó là ý tưởng vĩ đại và rất hợp lý. Chúng ta thấy ngay rằng nếu chúng ta có thể đạt đến một mức độ hiểu biết, thương yêu và quyền lực cao hơn bậc trung bình một chút, chính vì để chúng ta trở nên hữu dụng trong việc ban  rải chúng cho kẻ khác.
 
Nhưng đồng thời, y cũng là một bó lửa linh động tỏa ra  khắp cõi  trần tình  bác ái thiêng liêng tràn ngập lòng y.
C. W. L.  Người ta kể chuyện hai nhà sư kia ở Alexandrie muốn giữ  mình được hoàn toàn tinh khiết, một vị đạt được mục  đích bằng cách tự bao bọc mình với một tư tưởng bảo vệ, còn vị kia về điểm này thì tràn ngập tình thương của Ðức Thượng Ðế cho  đến đỗi tình thương này không ngớt chiếu diệu chung quanh y và giữ cho y được tinh khiết. Luôn luôn có hai con đường: con đường  của nhà Huyền Bí Học, vị này tiến hóa bằng sự  làm việc trên  thế gian và con đường của nhà Thần Bí, vị này sống với nội tâm. Trong nhiều trường hợp mục đích duy nhất của nhà Thần Bí là hợp nhất hoàn toàn với Ðức Thượng Ðế. Tuy nhiên, không nên cho rằng y ích kỷ, vì khi theo đuổi mục đích ấy, y đã thực sự ảnh hưởng đến những người chung quanh y một cách phi thường. Mục đích của chúng ta là mục đích của Huyền Bí Học. Chúng ta phải tiến lên từ bước một, từ giai đoạn này đến giai đoạn khác, cho đến lúc chúng ta đạt được vài trình độ cao của sự Ðiểm Ðạo, thì chúng ta mới có thể đem tâm thức nhập vào trạng thái Thứ Ba của Ðức Thượng Ðế ([121]), rồi đến trạng thái Thứ Nhì và sau cùng là trạng thái Thứ Nhất. Nhà Thần Bí đắm mình vào sự sống của Ðức Thượng Ðế ngay bây giờ, nhưng đó là sự biểu hiện thấp của đời sống thiêng liêng. Y còn phải phấn đấu để theo đuổi con đường tiến lên cao, hầu cảm biết một sự hiệp nhất với sự sống trên cõi cao.
Minh Triết làm cho có khả năng  giúp đỡ, Ý Chí hướng dẫn Minh Triết, Bác Ái linh cảm Ý Chí, đó là những đức tính mà con phải hoạch đắc. ÝChí, Minh Triết và Bác Ái là ba trạng thái của Ðức Thượng Ðế, và bạn là người muốn được trưng dụng vào công việc của Ngài, thì bổn phận của bạn là phải biểu lộ ba đức tính đó dưới thế gian.
C. W. L.  Hỡi các huynh đệ của tôi! Ðây chính là một cứu cánh đẹp đẽ tuyệt vời. Mong rằng huynh đệ đạt được cứu cánh ấy, cũng như Alcyone đã thực hiện rồi vậy.
HẾT