Dịch giả : Cao Ngân Hà & Bạch Liên
Chương 3
QUYỂN SÁCH ÐƯỢC VIẾT RA BẰNG CÁCH NÀO ?

C. W. L.  Lời tựa của Tiến sĩ Besant (hồi tháng 12 năm 1910), giải thích  kế  đó, cách Alcyone đã viết quyển sách.
Và em viết thuộc lòng lại mấy lời này một cách chậm chạp và khó khăn, vì năm trước em chưa giỏi tiếng Anh  như bây giờ.
Một phần lớn cuốn sách vốn lập lại y nguyên lời của Chơn Sư, còn câu nào không phải lời của Ngài thì cũng là tư tưởng của Ngài do em diễn tả lại. Có hai câu bỏ sót, Ngài chữa lại. Trong hai chỗ khác, em quên một chữ, Ngài thêm vô. Trừ ra mấy điều đó, tác phẩm này hoàn toàn của Alcyone, ấy là món quà đầu tiên của em hiến cho đời.
Riêng tôi, tôi có thuật lại câu chuyện xảy ra như thế nào trong  quyển Chơn Sư  và Thánh Ðạo.
Cũng khá dễ mà thuật lại quyển sách nhỏ ấy được viết trong trường hợp nào. Mỗi đêm tôi có bổn phận phải dắt đứa trẻ này ở trong Cái Vía của nó đến nhà Ðức Thầy, để Ngài giáo huấn nó. Mỗi lần, Ngài để ra trong khoảng mười lăm phút đặng giảng dạy nó rồi khi mỗi bài chấm dứt Ngài tóm tắt những điểm quan trọng mà Ngài đã giảng, hoặc bằng một câu, hoặc bằng nhiều câu. Như thế Ngài làm ra một toát yếu rất dễ để em học thuộc lòng. Sáng mai, em phải nhớ lại rồi chép ra. Quyển Dưới Chơn Thầy gồm những câu tóm tắt lời giảng dạy của Ðức Thầy bằng những từ ngữ riêng của Ngài dùng. Krishnamurti chép lại hơi khó khăn những lời này, vì hồi đó em chưa giỏi tiếng Anh. Em thuộc lòng tất cả những bài này nên không lo ngại về số phần của những chú thích mà em đã ghi chép. Nhưng sau đó ít lâu, Krishnamurti đi Bénarès với bà Hội Trưởng của chúng ta, ở đó, em viết thơ về Adyar cho tôi, yêu cầu tôi thu thập và gởi cho em tất cả những câu ghi chú những lời Ðức Thầy đã dạy em. Tôi cố gắng xếp đặt lại thật rõ ràng những lời ghi chú này và đánh máy ra.
Ðối với tôi, dường như một phần lớn những lời ghi chú đó chính là lời của Ðức Thầy. Tôi muốn thật chắc chắn không có sự sai lạc trong khi chép nên tôi đã đem dâng lên Ðức Thầy Kouthoumi những bản đánh máy và cầu xin Ngài vui lòng đọc lại tất cả. Ngài đọc và đổi một hoặc hai chữ ở chỗ này, chỗ kia, thêm vài chữ để liên kết và giải thích, và vài câu khác mà tôi nhớ có nghe Ngài đã nói. Rồi Ngài nói: "Phải, như vậy đúng; cái này được"; nhưng Ngài nói thêm: "Chúng ta hãy đem mấy tờ này trình lên Ðức Di Lạc". Và Ðức Thầy với tôi cùng đi, Ngài cầm bản thảo và trình lên Ðức Chưởng Giáo. Ðức Chưởng Giáo đọc và tán thành. Chính Ngài nói: "Huynh phải làm cho nó thành một quyển sách nhỏ xinh đẹp đặng giới thiệu Alcyone cho đời". Chúng tôi không hề có ý nghĩ giới thiệu Alcyone với Thế gian; và chúng tôi tưởng không đáng cho nhiều luồng tư tưởng tập trung vào một đứa bé mới mười ba tuổi đầu còn cần sự học hỏi và sự giáo hóa. Nhưng trong giới huyền bí, chúng tôi phải làm những gì người ta nói với chúng tôi, vì vậy quyển sách này được giao cho nhà in ngay buổi sáng hôm sau.
Tất cả những sự phiền phức mà chúng tôi đã tiên kiến khi quyển sách nhỏ này được xuất bản sớm, đã xảy ra. Tuy nhiên Ðức Chưởng Giáo hữu lý và chúng tôi đã lầm, vì cái tốt đẹp do quyển sách đó mang lại đã vượt xa vô hạn những nỗi ưu phiền do nó đã gây ra cho chúng tôi. Thật thế, có hàng ngàn người viết thư cho chúng tôi biết rằng đời sống của họ đã thay đổi hoàn toàn và họ thấy mọi vật đều khác hẳn, chỉ vì đã đọc quyển sách ấy. Quyển Dưới Chơn Thầy đã được dịch ra hai mươi bảy thứ tiếng, xuất bản khoảng bốn mươi lần, hoặc hơn nữa và có trên một trăm ngàn quyển đã in ra. Qua trung  gian của quyển sách này một công trình tuyệt diệu đã hoàn thành. Và trên tất cả, nó được Ðức Chưởng Giáo sắp lâm phàm đặc biệt cho phép ấn hành. Ðiều này đã tăng thêm giá trị của nó, bởi vì qua nội dung của quyển sách nhỏ này người ta có thể suy diễn được phần nào giáo lý của Ðức Chưởng Giáo.