Dịch giả : Cao Ngân Hà & Bạch Liên
Chương 4
LỜI CẦU NGUYỆN ÐẦU TIÊN

C. W. L.  Bà Tiến sĩ A. Besant đã kết thúc lời nói đầu của  quyển sách  này bằng những lời cầu nguyện cho chúng ta như sau:
Cầu xin tác phẩm này giúp ích cho kẻ khác, cũng như lời khẩu truyền đã giúp ích cho Alcyone. Chính vì cũng mong mỏi như thế, nên Alcyone mới đem truyền lại cho chúng ta. Nhưng mà những lời giáo huấn này chỉ có hiệu quả là khi nào người ta thật sự sống đúng theo nó, cũng như chính Alcyone từ khi được Thầy dạy đến giờ vẫn tuân theo luôn luôn. Nếu noi theo gương này, cũng như giữ vẹn lời giới răn thì độc giả sẽ bắt đầu bước vào Ðường Ðạo cũng như tác giả vậy.
Trong khi duyệt lại quyển sách, Tiến sĩ Besant nói rằng: "Thật ít khi thấy những lời lẽ tương tự, lời giáo huấn trực tiếp có tính cách triết lý như thế, và được diễn tả một cách tuyệt diệu lại đem giảng dạy cho đời". Vì vậy, thật đáng cho chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng từng lời.
Chỗ khởi đầu quyển sách, trước lời tựa của Alcyone, chúng ta gặp lời cầu nguyện xưa, do từ tiếng Phạn dịch ra. [3]
 
 
Xin dắt tôi từ cõi giả đến cõi chơn.
Xin dắt tôi từ chỗ tối tăm đến nơi sáng suốt.
Xin dắt tôi từ sự chết đến sự trường sinh bất tử.
Trong trường hợp hiện tại, chữ "Chơn" có thể bị hiểu lầm. Khi dùng chữ "Chơn" và chữ "Giả" chúng ta muốn nói rằng cái này có một sự hiện tồn xác thực, còn cái kia thì không có. Ðối với chúng ta chữ "Giả" chỉ có nghĩa hư ảo, tưởng tượng. Nhưng người Ấn Ðộ không bao giờ hiểu nghĩa chữ này như thế. Có thể chúng ta hiểu theo một ý nghĩa gần đúng ý nghĩa họ quan niệm, khi chúng ta nói rằng: "Xin dắt tôi từ cõi vô thường đến cõi Trường Tồn bất diệt."
Nói rằng các cõi thấp như cõi Hồng Trần, cõi Trung Giới và cõi Thượng Giới là giả, thường sẽ gây ra nhiều sự lầm lẫn lớn lao. Chúng nó không phải là giả khi mà chúng nó còn tồn tại ở mức độ của chúng nó. Những vật hữu hình dường như quả có thật, khi chúng ta ở cõi Hồng Trần, nhưng khi chúng ta ngủ, chúng ta dùng tâm thức của Cái Vía thay vì tâm thức của Xác Thân, chúng ta không thể thấy đồ vật này nữa, bởi vì chúng ta đã đi qua cõi cao hơn. Vì lẽ đó, đôi khi người ta gọi chúng nó là giả, nhưng người ta cũng có thể gọi cõi Trung Giới là giả vì khi ở cõi Trần, chúng ta không thấy đồ vật ở  cõi Trung Giới. Ðồ vật ở hai cõi luôn luôn vẫn hiện diện và thấy được đối với người mà tâm thức đã hoạt động trong cả hai cõi ấy.
Theo sự hiểu biết của chúng ta, mọi sự biểu hiện đều vô thường; chỉ có cái "Không Biểu Hiện" là tuyệt đối và thường hằng [4] mà thôi. Một ngày kia, mọi sự biểu hiện, ngay cả những sự biểu hiện ở những cõi cao, sẽ trở về với cõi vô thủy vô chung. Như thế sự khác biệt giữa cái mà chúng ta gọi là vô thường với những cõi cao siêu này chỉ là vấn đề thời gian thôi, và thời gian đó so với Trường Tồn Bất Diệt thì nó không có nghĩa gì hết. Vậy cõi Hồng Trần cũng vẫn thật như cõi Niết Bàn và cũng như cõi Niết Bàn nó vẫn là sự biểu hiện của Thượng Ðế. Do đó, chúng ta không nên tưởng rằng trong hai cõi ấy, có một cõi thật, còn cõi kia chỉ là ảo mộng hay là huyễn tưởng thôi.
Còn một lý thuyết khác vẫn thường cho rằng vật chất là xấu. Không phải xấu đâu. Vật chất cũng như Tinh thần, cả hai đều là biểu hiện của Ðức Thượng Ðế; cả hai đều thuộc về Ngài; chúng nó chính là hai trạng thái của Ngài mang. Vật chất thường gây chướng ngại trên đường tiến hóa của chúng ta, nhưng khi nào sử dụng nó làm chậm trễ bước tiến hóa của chúng ta. Cũng như việc người ta bị dao cắt mà cho rằng tất cả những dao đều xấu. Theo sự uyển chuyển của tiếng Phạn, chúng ta có thể dịch lời cầu nguyện thứ nhất như sau: "Xin dắt tôi từ cái giả đến cái Thật"."Chơn," "Thường","Thật" cái nghĩa dường như gồm cả mấy điều đó. Vậy thì lời cầu nguyện của chúng ta có nghĩa rõ hơn  như  thế này: Xin dắt tôi từ ngoại giới, là nơi ảo ảnh lớn lao hơn hết đến nội tâm, là nơi gần kề chân lý tuyệt đối.
Lời cầu nguyện thứ nhì là: "Xin dắt tôi từ chỗ tối tăm đến nơi  Sáng Suốt." Dĩ nhiên, đây là từ chỗ tối tăm của sự dốt nát đến ánh sáng của sự hiểu biết. Lời cầu nguyện này dâng lên Ðức Thầy. Chúng ta cầu xin Ðức Minh Triết của Ngài soi sáng chúng ta. Bên Ấn Ðộ, câu này còn có nghĩa thứ hai thêm vô nghĩa thứ nhất. Thiết tưởng chúng ta cầu xin Ðức Thầy dắt chúng ta đến sự hiểu biết các cõi cao siêu. Chúng ta cũng tìm thấy ở đó tư tưởng thật đẹp được diễn đạt trong vài quyển sách xưa rằng: Ánh sáng của cõi dưới là sự tối tăm của cõi cao kế đó. Ðó là một Chân lý tuyệt diệu. Cái mà chúng ta gọi là ánh sáng dưới Trần thế thì đục và mờ so với ánh sáng của cõi Trung Giới và đến lượt ánh sáng của cõi này lại yếu hơn ánh sáng của cõi Thượng Giới. Thật rất khó mà tìm những lời lẽ diễn tả sự dị biệt này, vì mỗi lần trong tâm thức quí bạn vượt lên một cõi cao, quí bạn lại cảm giác nhận thức được một cái gì cao siêu phi thường hơn tất cả những gì mà trước kia quí bạn chưa từng biết, quí bạn thấy uy lực tăng gia, ánh sáng tăng gia, phúc lạc tăng gia.
Một người tâm thức thật mở mang tự nhủ: "Hôm nay, lần đầu tiên, tôi mới hiểu Sự Sống thật sự là gì, và sự huy hoàng của mấy  điều đó". Vậy mỗi cõi đều cao hơn cõi dưới kế nó, điều này không thể so sánh được cho đến đổi từ cõi Trung Giới trở về cõi Trần thì dường như người ta đi từ ngoài ánh sáng mặt trời vào ngục tối vậy. Khi một người có thể hoạt động một cách có ý thức trên cõi Thượng Giới, y sẽ có thể phát triển trong nhiều phương hướng vô cùng cao hơn những điều y đã biết tại cõi Trung Giới. Khi y tiếp xúc Tâm Thức Bồ Ðề, lần đầu tiên y mới vừa cảm biết cách Thượng Ðế xem coi vạn vật. Ðó chính là sự tiếp xúc đầu tiên với Thượng Ðế, một ý niệm đầu tiên về cách thế của "Ðấng Vô Sở Bất Tại" cảm biết vũ trụ của Ngài tạo ra. Người ta nói về Ngài như vầy: "Sự sống của chúng ta, sự hoạt động của chúng ta, bản thể của chúng ta vốn ở trong lòng  Ngài" [5] và  một câu nữa: "Vạn vật đều do Ngài sinh ra và thuộc về Ngài". [6] Ðây không phải chỉ là một lời nói đẹp đẽ và có thi vị mà chính là sự biểu hiện của một sự việc. Có một Ðơn vị cực kỳ vinh quang, không phải chỉ là một nhóm Huynh Ðệ mà thật sự là một Ðơn vị; khi chạm phớt qua nó, người ta bắt đầu hiểu một cách mơ hồ điều mà Thượng Ðế cảm thấy khi Ngài nhìn xem Vũ Trụ của Ngài và nói: "Cái đó thật tốt". Như thế chúng ta cầu xin được dắt từ chốn tối tăm ngự trị ở các cõi thấp đến ánh sáng của Tâm Thức cao siêu là ánh sáng tương phản với sự tối tăm. Không có danh từ nào thích hợp hơn, không có tiếng nào đủ khả năng diễn đạt cảm nghĩ của chúng ta đúng hơn. Sau hết chúng ta lại nguyện rằng: "Xin dắt tôi từ sự chết đến sự Trường  Sinh Bất Tử ". Câu này không có nghĩa như người mới mộ Ðạo hiểu, vì người Thông Thiên Học không xem sự tử vong như một người chưa khảo cứu vấn đề này: thái độ của y phải thật trái hẳn. Sự chết không có gì đáng sợ; nó không phải là Bạo Chúa của những sự khiếp đãm, nhưng đúng hơn nó là một vị Thiên Thần mang chìa khóa vàng đến  mở cửa vào một đời sống cao cả hơn và nhiệt liệt hơn. Ðành rằng chúng ta luôn luôn luyến tiếc những người quá vãng, nhưng sự luyến tiếc này chỉ nhắm vào việc: "Nắm một bàn tay tan ra mây khói, nghe âm thanh của một tiếng nín lặng". Khi chúng ta cầu xin được dắt từ sự chết đến sự Trường Sinh Bất Tử, ý tưởng của chúng ta không phải như ý tưởng của một người Thiên Chúa Giáo sống mãi trong sự Trường Tồn với bản ngã hiện hữu của y, dưới hình thức này hay dưới hình thức khác. Tuy nhiên, chúng ta cầu mong thoát khỏi sự chết và người bạn keo sơn của nó là sự tái sinh. Cái điều chờ đợi con người, ấy là chu kỳ của sự tiến hóa, những người Phật Tử gọi là Sansâra, có nghĩa là Bánh xe của sự sống. Lời cầu nguyện ở đây có nghĩa là: "Xin dắt tôi từ vòng sinh tử đến sự Trường Sinh Bất Tử - đến đời sống vượt lên trên sự sinh và sự tử, nó không cần phải xuống những cõi thấp nữa, vì sự tiến hóa của nó trong con người đã chấm dứt và nó đã học hết  những gì mà vật chất đã dạy nó.
Thường thường người ta không ngờ đến điều này là ý niệm đó cũng chiếm một địa vị quan trọng trong những Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo. Thiên Chúa Giáo hiện đại phải chịu vài ám ảnh (tôi không nghĩ rằng người ta có thể gọi chúng bằng danh từ nào khác  hơn), mà một trong những ám ảnh đó là tư tưởng ghê tởm về một địa ngục đời đời kiếp  kiếp. Tín ngưỡng này đã rải một đám mây mù vô lý, vô nghĩa trên một loạt giáo lý khác. Trong toàn thể của nó, thuyết Cứu rỗi Linh Hồn xuất hiện có nghĩa là nhằm cứu vớt Linh Hồn ra khỏi cái địa ngục hão huyền đời đời đó. Ý nghĩa thật khác lắm. Thiết tưởng tất cả những đoạn sách nói về địa ngục đời đời kiếp kiếp dường như không thể hiểu được đã trở thành sáng tỏ và minh bạch, khi mà người ta hiểu được rằng thật ra con người  được cứu  rỗi vì Ðức Chúa sinh ra trong lòng nó.
Ðấng Christ thường nói về con đường rộng rãi đưa đến sự chết chóc hay là sự tàn phá mà nhiều người đã đi theo nó. Một hôm, người đệ tử của Ngài đến hỏi Ngài: "Bạch Chúa, phải chăng chỉ có một số ít người được cứu rỗi mà thôi"? Ngài đáp rằng: "Cánh cửa vẫn chật hẹp và con đường dắt đến sự sống vẫn eo hẹp, rất ít người tìm được nó". Những lời tuyệt diệu và hoàn toàn đúng này, người ta thường giải thích rằng nó có nghĩa là đa số nhân loại sẽ bị ném vào một địa ngục đời đời kiếp kiếp, còn một thiểu số sẽ được lên Trời. Thật là hết sức  kỳ cục  mà gán  cho Chúa ý tưởng này. Ý của Chúa hoàn toàn minh bạch. Các  đệ tử hỏi Ngài có bao nhiêu người theo con đường dẫn đến sự Ðiểm Ðạo? Ngài trả lời: "Ít lắm", lời Ngài vẫn đúng đối với ngày nay cũng như đối với thuở xa xưa đó. Khi Ngài nói rằng: "Con đường dắt đến cõi chết thì rộng rãi và nhiều người theo nó", là Ngài đã nói đến con đường dắt đến sự sinh tử luân hồi. Dĩ nhiên, quả thật đó là con  đường rộng rãi và dễ đi biết bao! Cách tiến hóa ấy không mệt nhọc chút nào và những người đi theo đường đó sẽ đạt được mục đích khá dễ dàng... có  lẽ hết cuộc Tuần Hoàn thứ bảy.
Nhưng cánh cửa chật hẹp và con đường eo hẹp, lại dẫn đến sự Ðiểm Ðạo và cõi Trời. Khi Ðấng Christ nói về Cõi này, Ngài không hề muốn nói đó là cõi Thiên Ðàng hay trạng thái sau khi chết hay dévakhane, mà luôn luôn Ngài đề cập đến một nhóm người đã được cứu rỗi hay một đoàn thể được tuyển chọn, tức Quần Tiên Hội vậy. Khi Ngài nói về điều kiện của kiếp sống giữa sự chết và sự  tái sinh, chúng ta thấy Ngài dùng những từ ngữ khác. Quí bạn hãy nhớ lại một đoạn văn của Thánh Jean như sau: "Và đây này, một đám đông người, không ai đếm được, thuộc mọi quốc gia, mọi bộ lạc, mọi chủng tộc, mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước Ngôi Chúa và trước con chiên con, mặc áo dài trắng và cầm trong tay những vòng chiến thắng". Khi tác giả đề cập đến bên kia cửa tử, Ngài nói với chúng ta về một đám người đông đảo, vô số, chớ không phải một nhóm ít người chịu khó khăn lắm mới tìm được con đường của họ.