Phần thứ chín
Bí mật về cái chết
Phần 9 - Chương 3
Trong quan tài của Tưởng Giới Thạch đặt những cuốn sách nào ?

11 giờ 50 phút ngày 5 tháng 4 năm 1975, Tưởng Giới Thạch đã qua đời sau khi ốm. Nhà đương cục Đài Loan quy định Quốc tang một tháng bắt đầu từ ngày 6 tháng 4. Ngày 9 tháng 4, linh cữu của Tưởng được chuyển vào Quốc phụ kỷ niệm quán, để cho dân chúng được chiêm ngưỡng dung nhan thi hài trước sau 5 ngày. 8 giờ 5 phút ngày 16 tiến hành nghi thức truy điệu và an táng. Sau nghi thức, linh cữu của ông được chuyển đến Từ Hồ. 12 giờ 50 phút an quàn tại Hành quán chính sảnh.Khi nhập liệm cho Tưởng Giới Thạch, ông mặc áo bào dài và áo ngắn cưỡi ngựa, trên thân phủ Đảng kỳ Quốc dân đảng và Quốc kỳ. Những thứ đem theo vào trong quan tài có 3 tấm huân chương cao nhất khi sinh thời ông được nhận: Huân chương Thái Ngọc, Huân chương Thanh thiên bạch nhật và Huân chương Quốc Quang. Còn có cả mấy cuốn sách mà sinh thời ông thích đọc. Đối với việc trong quan tài đặt mấy quyển sách, là những quyển sách nào, ai đặt những quyển sách ấy, từ ấy đến nay, cách nói không giống nhau. Tưởng Kinh Quốc trong bài ký Một tháng bên linh cữu cha đã viết: Khi phương Đông bừng sáng, tại Tổng y viện Vinh Dân, theo phong tục quê hương, tôi đã mặc quần áo cho cha rồi khoác áo bào dài, áo ngắn cưỡi ngựa, rồi gắn huân chương. Đúng 10 giờ, mẹ tôi đem 4 quyến sách mà cha tôi thích đọc là Tam dân chủ nghĩa, Thánh kinh, Hoang mục cam tuyền và Đường thi, tự tay để vào trong linh cữu, ngoài ra còn có một chiếc mũ dạ pha len và một chiếc ba toong.
Năm năm sau, tháng 4 năm 1980, trong cuốn sách Một năm khó quên, khi hồi ức lại tình hình lúc khâm liệm cho Tưởng Giới Thạch, Tưởng Kinh Quốc viết: Đến Tổng y viện Vinh Dân mặc quần áo cho cha, đây là một lần làm việc cuối cùng của người con có thể được bên cạnh cha. Theo tục lệ quê hương, phải mặc 7 chiếc quần, 7 chiếc áo, bao gồm cả áo bào dài và áo chẽn chăn ngựa. Trên người ông có quấn vải tơ, đi bít tất đen, giày da màu đen, đeo huân chương và còn kèm theo 4 bộ sách mà sinh thời cha tôi thích đọc. Đó là các quyển Tam dân chủ nghĩa, Thánh kinh, Hoang mạc cam tuyền và Thơ Đường đặt vào trong quan tài. Ngoài ra còn có mũ dạ, mũ nỉ mỗi thứ một cái, găng tay một đôi, khăn tay một chiếc, ba toong một chiếc. Đây là những vật mà thường ngày cha tôi thường dùng. Trong Một năm khó quên của Tưởng Kinh Quốc, những quyển sách được đặt vào trong quan tài vẫn là mấy quyển sách đó, thế nhưng người đặt sách lại từ Tống Mỹ Linh biến thành bản thân Tưởng Kinh Quốc.
Điều thú vị là, Báo cáo lễ tang chính thức của nhà đương cục Đài Loan ngày 9 tháng 4 lại hoàn toàn khác với những điều đã kể trên:Linh cữu của cụ Tưởng Tổng thống quyết định chuyển đến Quốc phụ kỷ niệm quán vào chính ngọ ngày hôm nay. 6 giờ sáng tại Tổng y viện Vinh Dân sẽ cử hành tiểu liệm. Tưởng Viện trưởng tuân theo cổ lễ đã mặc áo bào dài màu xanh và áo chăn ngựa chẽn màu đen cho Tổng thống, ngực đeo huân chương lớn Thái Ngọc, bên trái, bên phải là huân chương Quốc Quang và huân chương Thanh thiên bạch nhật. Phu nhân đích thân đem những quyển sách Kinh thánh, Tứ thư, Đường thi, Tam dân chủ nghĩa, Hoang mạc cam tuyền là những quyển sách thường nhật cụ Tưởng thích đọc, cùng với một số vật thường dùng như mũ lễ, ba toong đặt vào trong quan tài, những người trong gia quyến xếp hàng quì xuống vái lạy, khóc tế trước linh cữu. Trong báo cáo Quốc tang này, người mặc quần áo thọ là Tưởng Kinh Quốc, người đặt sách vào là Tống Mỹ Linh. Có người nói, đây là Dao thái đậu phụ - hai mặt sáng. Vấn đề là trong Báo cáo lễ tang chính thức có độ tin cậy rất cao này, 4 quyển sách đã biến thành 5 quyển sách, thêm lên một quyển Tứ thư, một trước tác tiêu biểu cho sự tinh tuý của nền văn hoá Trung hoa.Báo cáo lễ tang là sáng tác tập thể của các nhân sĩ hữu quan phía Nhà nước, đúng ra so với ghi chép cuả Tưởng Kinh Quốc lúc đó ngũ tạng suy tàn tê liệt phải có độ tin cậy cao hơn. Thế nhưng trong tường thuật của Báo cáo lễ tang ngày 16 tháng 4 lại phát sinh mâu thuẫn với tường thuật ngày 9 tháng 4, đó là: 8 giờ tiến hành lễ đại liệm, do Nghiêm Tổng thống chủ tế, các đại viên lễ tang bồi tế, những người dự tế đứng nghiêm tại chỗ, cử ai nhạc, mặc niệm (đồng bào trong toàn quốc thì đứng nghiêm tại chỗ mặc niệm một phút). Sau khi dâng hoa và kính cẩn đọc văn tế, phu nhân, Tưởng công tử Kinh Quốc, thứ công tử Vĩ Quốc và hai tôn công tử Hiếu Vũ, Hiếu Dũng trong đớn đau khổ sở đậy chặt nắp quan tài (khi đậy nắp quan tài, lại đặt thêm một bộ Tứ thư vào trong). 8 đại viên phủ cờ là Trương Quần, Hà ứng Khâm, Cốc Chính Cương, Hoàng Thiếu Cốc, Hoàng Kiệt, Tạ Đông Mẫn, Trần Lập Phu và Tiết Nhạc, cung kính đem cờ Đảng phủ lên trên quan tài. Lại do 8 đại viên phủ cờ là Nghiêm Tổng thống, Nghê Văn á, Điền Quýnh Cẩm, Dương Lượng Công, Dư Tuấn Hiền, Từ Khánh Chung, Vương Vân Ngũ và Vu Vân cung kính đem Quốc kỳ phủ lên trên Đảng kỳ. Toàn thể các nhân viên dự tế hành 3 lần cúc cung vái lễ, lại cử ai nhạc, lễ đại liệm chấm dứt.Trong đoạn tường thuật này, mấu chốt là ở chỗ Khi đậy nắp quan tài, lại đặt thêm một bộ Tứ thư vào trong. Đối chiếu với điều ghi ngày 9 tháng 4 đó, tựa hồ như vốn dĩ ở trong quan tài đã có một quyển Tứ thư rồi, mà nay đặt thêm vào một bộ nữa. Nếu quả thật như vậy thì tại sao lại đặt những 2 bộ Tứ thư vào trong quan tàI? Là một tín đồ của Thủ tướng, Tam dân chủ nghĩa của Thủ tướng chỉ đặt có một quyển; Là một Tín đồ Cơ đốc cuồng tín, Kinh thánh của Cơ đốc cũng chỉ đặt có một quyển, thế mà Tứ thư lại phải đặt hai quyển, lúc tiểu liệm đặt một quyển, khi đại liệm lại đặt một quyển? Có người từng chỉ trích nói rằng: Có lẽ nào lại đặt thừa một bộ, để cho cụ Tưởng ăn hay sao? Tình hình thực tế có khả năng là, lúc tiểu liệm ngày 9 tháng 4, sách đặt vào chỉ có 4 quyển, không có quyển Tứ thư, đến khi đại liệm ngày 16 tháng 4 đã đặt thêm quyển Tứ thư này. Sách ở trong quan tài của Tưởng Giới Thạch tới ngày 16 tháng 4 mới biến thành 5 quyển.Thế thì tại sao khi tiểu liệm ngày 9 tháng 4 trong quan tài không có Tứ thư mà lại viết là có Tứ thư. Tại sao lúc đại liệm ngày 16 tháng 4 lại đặt thêm một quyển Tứ thư vào trong quan tài? Có người bình luận nói: Tưởng Giới Thạch luôn luôn rùm beng bản thân mình là đại biểu của nền văn hoá Trung Hoa, suốt đời dốc sức cho việc phục hưng nền văn hoá dân tộc. Nếu như trong những quyển sách mà ông thích đọc lúc sinh thời, lại không có quyển Tứ thư đại biểu cho nền văn hoá chính thống Trung quốc, hoá chẳng phải là chuyện nực cười tày trời hay sao? Cho nên đem quyển Tứ thư liệt vào một trong những quyển sách mà Tưởng Giới Thạch thích đọc nhất lúc sinh thời, vội vội vàng vàng nhét vào trong quan tài, quả thật là muốn lừa dối công chúng, cũng là muốn bổ sung thêm hình tượng cho Tưởng Giới Thạch. Giả định đúng là khi đại liệm ngày 16 tháng 4 có đặt thêm một quyển Tứ thư vào, vậy thì ai đặt? Ai khi đậy nắp quan tài đã đem bộ trước tác quan trọng này đặt vào trong quan tài của Tưởng Giới Thạch?
Trong cuốn Ghi chép thực về nỗi đau buồn của cụ Tưởng Tổng thống do Trung ương nhật báo Đài Loan xuất bản có điều viết về ngáy 16 tháng 4 như sau: Hôm nay là một ngày đại lễ an táng thi thể cụ Tưởng Tổng thống.Sáng sớm, hai vị công tử của cụ Tưởng, Tưởng Kinh Quốc Viện trưởng và Tưởng Vĩ Quốc Tướng quân dẫn toàn thể gia thuộc là ái tôn Hiếu Vũ, Hiếu Dũng của cụ Tưởng, đem một bộ sách Tứ thư mà sinh thời cụ Tưởng rất thích đọc, yên lặng đặt ở bên cạnh cụ Tưởng, đồng thời còn mặc áo bào màu xanh, áo chẽn màu đen và đeo huân chương lên thi hài của cụ, lại phủ thêm vải liệm màu trắng cho cụ. Sau đó họ đều quì trước linh cữu, cung kính cử hành đại lễ 3 lần quì, 9 lần vái. Sau khi đứng dậy diễu quanh quan tài 3 vòng, những dòng nước mắt nóng hổi nhỏ xuống, cuối cùng đã phát thành tiếng khóc đau khổ, nức nở. Kể từ khi cụ Tưởng tạ thế, trong 10 ngày lại đây, trước linh cữu này đã tuôn trào những dòng lệ nóng hổi của hơn 2 triệu quần chúng tới chiêm ngưỡng cụ. Hiện tại, những giây phút trước khi cử hành đại lễ, hơn 2.800 vị nhân sĩ trong và ngoài nước lần lượt tiến vào linh đường, chỉ có sự tĩnh mặc của sự trầm lắng sâu xa...Đúng 8 giờ sáng, Tưởng phu nhân do Tưởng Viện trưởng và Tưởng Vĩ Quốc tướng quân dìu, chầm chậm từ phía đông tiến lên lễ đài. Lễ đại liệm chôn cất cụ Tưởng Tổng thống đã long trọng bắt đầu.
Đoạn tường thuật này đã chứng tỏ một cách rõ ràng, Tứ thư là do Tưởng Kinh Quốc và Tưởng Vĩ Quốc v.v...cùng bỏ vào trong quan tài. Vấn đề là ở chỗ, trong Ghi chép một tháng bên linh cữu cha và Một năm khó quên của Tưởng Kinh Quốc đều không thấy nêu ra việc đặt bộ Tứ thư vào, cho nên cuối cùng có đặtTứ thư vào hay không vẫn còn là một nghi án, một câu đố. Một vấn đề khác nữa là, trong bài báo tường thuật ở trên, người đặt sách tuy đã được ghi chép rõ ràng, thế nhưng thời gian đặt sách vào là ở buổi sớm, với thời gian đậy nắp quan tài mà Báo cáo tang lễ kể thì đã có sự thêm bớt không khớp rất lớn, bởi vì khi đậy nắp quan tài cần phải phủ đậy Đảng kỳ, phủ đậy Quốc kỳ, có rất nhiều đại viên bận rộn trước sau, có các vị tân khách trong và ngoài nước, vây trái, quây phải, Tống Mỹ Linh không thể không có mặt ở đó, mà trong bài tường thuật ở đoạn trên lại nói sáng sớm bỏ sách Tứ thư vào. Đúng 8 giờ sáng Tống Mỹ Linh mới tới trước linh cữu, có ý nói là lúc đặt sách vào, Tống Mỹ Linh thực tế đá không có mặt ở đó.
Nói tóm lại trong quan tài của Tưởng Giới Thạch, cuối cùng đặt 4 quyển sách hay là đặt 5 quyển sách? đặt vào ngày nào? ai đặt vào? là một mớ hồ đồ khó hiểu. Chẳng trách Hồ Thu Nguyên đã hoà nhã có lời khuyên: Mong các phía hữu quan từ nay về sau hãy nên thận trọng hơn để tránh cho ngoại giới cho rằng Trung Quốc tự do là vô nhân. Các học giả đại lục và các nhân viên nghiên cứu phần lớn đều sử dụng cách nói của Tưởng Kinh Quốc, tức là chỉ đặt vào trong quan tài có 4 quyển sách là Tam dân chủ nghĩa, 300 bài thơ Đường, Thánh kinh và Hoang mạc cam tuyền.Đối với các độc giả đại lục mà nói, trong các sách kể trên, tương đối xa lạ là Hoang mạc cam tuyền. Từ trong tên của cuốn sách có chút vị tản văn này, không ít người đã cho rằng nó là một cuốn sách kể lể như loại du ký mang tính chất khu vực, kỳ thực đó là một cuốn sách tuyên truyền giáo nghĩa đạo Cơ đốc, một cuốn sách mang tính triết lý tương đối mạnh, nó là một quyển sách được tổ thành do từng câu nói giàu tính triết lý bà ra la liệt, hành văn và cách thức đều rất giống như Luận ngữ. Nọi dung của nó phần lớn là động viên con người không ngừng phấn đấu, dũng cảm vươn lên trong mọi nghịch cảnh.Tháng 7 năm 1944 Tưởng Giới Thạch có được quyển sách Hoang mạc cam tuyền này, chuyên tâm miệt mài đọc nó, yêu thích không lúc nào rời tay. Sau khi tới Đài Loan càng đòi hỏi mình mỗi ngày đều phải đọc. Tưởng muốn dùng quyển sách này để tu dưỡng linh hồn và tính cách của mình, tận mọi khả năng để nâng cao năng động tính của con người, từ đó chiến thắng mọi cửa ải khó khăn gian khổ, trăm nghìn trắc trở cũng không sờn lòng. Ngày 3 tháng 1 năm 1945, trong lời phê và ghi chú khi đọc sách, Tưởng đã nói về ảnh hưởng của cuốn sách này đối với ông như sau: Cuối năm ngoái, chịu đựng đủ mọi nỗi gian nguy, mà vẫn kiên nhẫn không đổ ngã, vẫn bình tĩnh vượt qua, thực sự sức mạnh từ trong sách này không ít...Trong cuốn Tưởng Giới Thạch truyện, Vương Phủ Dân tiên sinh nói: Tưởng Giới Thạch không những hấp thụ được sức mạnh tinh thần từ trong Hoang mạc cam tuyền, mà năm 1965 đã đem cuốn sách này truyền cho Tưởng Kinh Quốc và còn bắt Tưởng Kinh Quốc sao chép toàn bộ tất cả những lời phê phán, bình chú của mình ở trong quyển sách này.