Phần thứ nhất
Bí mật về gia thế
Phần 1 - Chương 5
Tưởng Giới Thạch đã biên soạn Tông phổ họ tưởng như thế nào ?

Tuy về sau này Tưởng Giới Thạch đã quy thuộc vào đạo cơ đốc, trở thành tín đồ tây, tựa hồ như chỉ tin vào Ki Tô. Kỳ thực trong nơi sâu thẳm linh hồn của Tưởng vẫn tồn giữ rất nhiều tư tưởng phong kiến. Bên trên từng nói, sau khi bắt buộc phải từ chức lần thứ nhất, Tưởng đã nhờ Hòa thượng chùa Tuyết Đậu bói mệnh cho, trong đoạn ghi hồi ký của Mật Hy còn ghi chép một sự việc xin quẻ trong một ngội miếu nhỏ. Tháng 11 năm 1926, quân bắc phạt đã bao vây Nam Xương, bộ tổng tư lệnh của Tưởng Giới Thạch đóng ở bến xe Ngưu Hành cách Nam Xương hơn ba chục cây số, gần một ngôi miếu nhỏ. Vào một buổi chiều, Tưởng Giới Thạch và Bạch Sùng Hi đi ra ngoài dạo chơi, rồi bước vào ngôi miếu nhỏ, rút quẻ rồi nhờ hỏi vị sư gia chỉ rõ cho biết tiền trình chiến sự, rồi sau đó đưa đến biếu nhà sư một khoản tiền để tu chỉnh miếu vũ. Nếu nói hai sự việc kể trên đều là sự việc trước khi Tưởng quy y đạo KiTô (Tưởng Giới Thạch chịu lễ rửa tội đạo KiTô năm 1930), thế thì việc Tưởng biên soạn Tông Phổ họ Tưởng chính là sau khi ông trở thành tín đồ của đạo KiTô, trong đó có rất nhiều sự việc không được ghi trong chính sử lí đáng để cho người ta suy ngẫm.Thời Trung Quốc xa xưa người ta coi trọng tông phổ. Nói chung lại thì, các tộc các họ cứ cách ba mươi năm lại được biên soạn một lần. Họ Tưởng là một họ lớn ở Khê Khẩu, trong ba bốn mươi đời, số người của hơn 900 hộ ở Khê Khẩu đã có tới 500 hộ họ Tưởng, một tộc to họ lớn như vậy đặc biệt rất coi trọng việc biên soạn tông phố. Cho nên trong thời kỳ chiến tranh, những người trong dòng họ Tưởng ở Khê Khẩu đã ấp ủ công việc biên soạn này. Bởi vì Tông phổ họ Tưởng đã từng được biên soạn một lần vào năm 1918. Thời gian đã trôi qua gần ba mươi năm, huống hồ lúc này họ Tưởng đã xuất hiện một nhân vật làm rạng rỡ tổ tông. Tưởng Giới Thạch nghe tin rất tán thưởng, liền cử người bí mật trở về Phụng Hóa lúc này đã bị quân Nhất chiếm đóng, kín đáo đưa tộc phổ cũ về Trùng Khánh. Sau khi được tộc phổ cũ này rồi, Tưởng đã nhiều lần tụng đọc theo, hầu như quên ăn quên ngủ. Sau đó ông đích thân tuyển chọn nhân viên biên soạn, mời Ngô Trí Huy làm thủ lĩnh, Trần Bố Lôi làm tổng biên soạn, Sa Mạnh Hải v.v... tất cả tám người biên soạn cụ thể. Trần Bố Lôi là Cách mạng Văn đảng của Tưởng Giới Thạch, thiên hạ đều biết. Ngô Trĩ Huy là nguyên lão Quốc dân đảng, bút pháp cổ văn tạo ý rất sâu rất được Tưởng Giới Thạch tôn sùng. Sở dĩ Tưởng Giới Thạch phải tổ chức một ban bệ đồ sộ như thế này để biên soạn gia phổ. Mục đích có hai: Một là làm sáng rõ lai lịch của mình. Điều này thực ra không phải là nói ông cũng hoài nghi chính mình có phải là Trịnh Tam Phát Tử hay không, mà là ông muốn làm sáng rõ họ Tưởng ở Khê Khẩu từ đâu tới. Hai là, khi Tưởng Giới Thạch bắt đầu biên soạn gia phổ, thì cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai đã sắp kết thúc, cuộc kháng chiến chống Nhất đã sắp sửa thắng lợi. Uy tín của Tưởng Giới Thạch ở trong nước và quốc tế đều đã đát tới đỉnh cao. Biên soạn tộc phổ chính là một cơ hội tốt để ông dựng bia lập truyện về gia tộc và bản thân mình.Ban biên soạn đã trải qua một loạt kiểm tra đốc chứng khua chuông gióng trống, trước tiên đã làm ra một Hệ thống tiên tổ đã khuất. Nói rằng Tưởng Giới Thạch là con cháu của Chu Công đời Chu, lí do là trên Tả truyện nói: Phàm Tưởng, Hình, Mao, Tác, Tề đều là hậu tự của Chu Công cả. Tưởng lẽ dĩ nhiên là vô cùng sung sướng, bởi vì bản thân mình đã sinh ra tự nơi danh môn. Điều đó càng không thể nói đây là một loại nói năng xằng bậy được, cũng là một loại tra cứu. Bởi vì cho rằng sự ghi chép của Tả Truyện không sai, trong lịch sử hơn hai ngàn năm, sở dĩ đất nước đáng yêu của chúng ta liên tục xuất hiện những người anh hùng, là bởi vì tai họa chiến tranh dồn dập, hoạn nạn không ngừng, nó đã khiến cho Cộng đồng, gia tộc phát sinh ra những biến hóa khó có thể kể hết được. Đối với lai lịch của họ Tưởng ở Khê Khẩu mà Tưởng Giới Thạch quan tâm, cuối cùng cũng đã được điều tra rõ rệt, nó đã chứng minh được trong rất nhiều cách nói họ Tưởng ở Khê Khẩu là dòng họ di từ Ninh Ba tới là điều rất đáng tin. Tưởng Giới Thạch cũng rất coi trọng chứng cứ đã điều tra được này. Tức thì ngày mồng một tháng giêng nông lịch của năm 1949, Tưởng đã đích thân cử Tưởng Kinh Quốc tới cúng bái tế lễ ở đền thờ họ Tưởng Ninh Ba. Trung tuần tháng tư cùng năm, trước khi Tưởng Giới Thạch chạy trốn đi Đài Loan đã tới ly biệt Khê Khẩu, từng đích thân dẫn Trương Quần, Du Tế Thời, Tưởng Kinh Quốc v.v...tới Ninh Ba thăm viếng bái yết tông miếu, còn tới Liễu Đình am và Thiên Đồng Tiểu Bàn Sơn ở Ninh Ba tảo phần mộ Tưởng Ma Kha là tổ tông đầu tiên của họ Tưởng. Tưởng Giới Thạch cũng rất quan tâm tới những người gốc rễ họ Tưởng ở ngoài đất Phụng Hóa. Theo báo chí đăng tải, ngày 16 tháng 5 năm 1948, ngôi đền thờ của họ Tưởng ở Đô Sơn Hàn Dinh về phía tây bắc cách thị trấn Từ Xá huyện Nghi Hưng mười cây số được khánh thành, Tưởng đã đặc biệt ngồi xe từ Nam Kinh tới Từ Xá, rồi lại ngồi thuyền tới Hàm Đình chủ trì buổi lễ. Trong truyền thuyết nói họ Tưởng ở Nghi Sơn là nguồn gốc họ Tưởng ở Khê Khẩu, thế nhưng tới năm 1948 lúc này Tưởng Giới Thạch thông qua tộc phổ đã trùng tu đã biết rõ bản thân mình không thuộc về chi tộc họ Tưởng ở Nghi Sơn.Việc biên soạn tộc phổ họ Tưởng không phải là không có khó khăn. Một trong những khó khăn ở trong đó chính là phải viết như thế nào về Tưởng Giới Thạch, đặc biệt là nên thuật kể như thế nào ở trong tông phổ về người vợ đầu tiên của Tưởng Giới Thạch là Mao thị với bà Tống Mỹ Linh v.v...Về điểm này Tưởng Giới Thạch đã sớm nghĩ chu đáo từ lâu, ông đã viết vào một tờ giấy giao cho Sa Mạnh Hải để không khiến cho ho có nhiều vướng mắc. Chúng ta hãy cùng xem thử trong đoạn tự truyện này, Tưởng Giới Thạch đã xử lý mối quan hệ và địa vị giữa vợ cả, vợ lẽ, con trai, con gái như thế nào:
Chu Thái, vốn tên là Thụy Nguyên, còn có tên là Trung Chính, tự là Giới Thạch, là con thứ của cụ Triệu Thông. Học khóa đầu ở trường lục quân tốc hành toàn quốc, thi đỗ và tốt nghiệp trường Trấn Vũ (Nhật Bản), sĩ quan dự bị trung đoàn pháo binh dã chiến Cao Điền số 13. Tham mưu trưởng phủ đại nguyên soái, Tham mưu trưởng đại bản doanh, hiệu trưởng trường sĩ quan lục quân Hoàng Phố, Tổng tư lệnh quân cách mạng quốc dân, Viện trưởng Viện Hành chính, ủy viên trưởng ủy ban quân sự, thủ lĩnh Quốc dân đảng Trung Quốc, Chủ tịch Chính phủ quốc dân, Đại tổng thống nhiệm kỳ thứ nhất. Sinh giờ ngọ ngày 15 tháng 9 năm Đinh Hợi tức là năm thứ 13 Quang Tự đời Thanh. Năm 33 Quang Tự, gia nhập Đồng minh hội, tháng 10 năm 19 Dân quốc chịu lễ rửa tội đạo Kitô. Vợ cả là Mao thị, năm thứ 10 Dân quốc xuất ra làm nghĩa nữ của Từ Am Vương Thái phu nhân. Năm thứ 16 Dân quốc, lấy người vợ kế họ Tống là Mỹ Linh tiến sĩ khoa học trường đại học Wehrslai nước Mỹ, ủy viên Viện Lập pháp, ủy viên chấp hành trung ương Quốc dân đảng Trung Quốc; sinh ngày 12 tháng 2 năm Kỷ Hợi tức năm thứ 25 Quang Tự. Con trai là Kinh Quốc và Vĩ Quốc
Đoạn điều trần tự soạn này của Tưởng Giới Thạch đã giải trừ được rất nhiều khó khăn cho các nhân viên soạn thảo, thế nhưng đã lưu lại rất nhiều câu hỏi cho các nhân viên nghiên cứu lịch sử sau này. Thứ nhất người vợ cả Mao thị của ông Tưởng trở thành nghĩa nữ của Vương Thái phu nhân từ bao giờ? Vương Thái Ngọc mất ngày 14 tháng 6 năm 1921 (năm thứ 10 Dân quốc), tới ngày 28 tháng 11 cùng năm Tưởng Giới Thạch tuyên bố thoái ly quan hệ gia đình với Mao Phúc Mai và Diêu Di Thành. Chính là nói trước khi Vương Thái Ngọc qua đời Mao vẫn là vợ của Tưởng Giới Thạch con trai bà, chẳng có phép nào được nhận Mao làm nghĩa nữ cả. Về sau, Mao thị bị Tưởng xuất ra ngoài, thế nhưng Vương Thái Ngọc đã chết. Vấn đề là ở chỗ lúc đó phải chăng là đã được bàn bạc thỏa thuận sau khi Mao thị bị xuất đã lấy thân phận là nghĩa nữ của Tưởng mẫu vẫn được sống ở ngôi nhà cao của nhà họ Tưởng ở Phong Cảo? Từ tình hình người nhân viên vệ sĩ được cùng theo Tưởng Giới Thạch trở về Khê Khẩu gọi Mao thị là Đại sư mẫu mà xét, thì Mao thị vẫn là nhân vật phu nhân nguyên phối của Tưởng Giới Thạch, chứ không phải thân phận con nuôi. Chắc chắn là năm đó chẳng có được vấn đề bàn bạc này. Nếu đã như vậy về sau này khi trùng tu tông phổ Tưởng Giới Thạch mới nghĩ tới nên để cho Mao thị một thân phận thích đáng, tức thì Tưởng đã dốc túi đánh canh bạc cuối cùng. Mao Phúc Mai đã biến thành nghĩa nữ của Vương Thái Ngọc. Song có điều đáng buồn là bất kể là Vương Thái Ngọc hay là Mao Phúc Mai đều không được biết rằng giữa họ đã có một mối quan hệ như vậy.Thứ hai, Tưởng Kinh Quốc, Tưởng Vĩ Quốc là thuộc họ nào sinh ra đều chưa thấy đè cập tới. Mẹ đẻ của Tưởng Kinh Quốc là Mao thị đã được kết luận khẳng định, thế nhưng mẹ đẻ của Tưởng Vĩ Quốc thậm chí cả cha đẻ là ai thì mọi người còn xôn xao mỗi người một ý. Tưởng Giới Thạch không cho biết rõ thì người ngoài cũng đã đoán bừa. Có người nói Tưởng Vĩ Quốc là con trai của Đới Quý Đào, có người nói Vĩ Quốc là con trai của Tưởng Giới Thạch với một người đàn bà Nhật Bản. Sa Mạnh Hải tiên sinh nhớ lại năm đó biên soạn tông phổ cho Tưởng Giới Thạch, ông nói, trong thời gian tu sửa tông phổ, Tưởng Vĩ Quốc dò hỏi ông, trong gia phổ có viết tới mẹ của mình không? Sa tiên sinh đã nói cho Vĩ Quốc biết, các vấn đề có liên quan đều phải dựa theo bản thảo chép tay của cụ Tưởng để sao lại. Tưởng Vĩ Quốc yên lặng, sau đó lại nói: Sau 30 năm sẽ nói tới! Từ trong khẩu khí của Tưởng Vĩ Quốc mà xét, ông ta tựa hồ như là con trai của Tưởng Giới Thạch, thế nhưng đa số học giả và chuyên gia thì lại cho rằng, ông ta là con trai của Đới Quý Đào. Nói tóm lại đây có thể là một nghi án mà bản thân Tưởng Giới Thạch đã để lại cho người sau.Thứ ba, trong lời điều trần của Tưởng Giới Thạch chỉ có mấy chữ cuối nhắc tới Diêu Di Thành và Trần Khiết Như, dường như các bà này căn bản đã không còn tồn tại nữa, bản thân mình căn bản cũng chẳng có quan hệ gì với họ nữa. Kỳ thực thì Tưởng Giới Thạch có rất nhiều điều bí ẩn khó nói thành lời. Một bà Mao Phúc Mai đã làm cho cụ Tưởng đau đầu buốt óc, giờ lại nhắc tới hai bà thì đâu có được. Tất nhiên không thể nói họ đều là nghĩa nữ của Vương Thái Ngọc được. Lại nói các bà là thê hay là thiếp đây? Là thê ư? trước đã có Mao thị, sau đã có Tống thị. Là thiếp ư? Tưởng Giới Thạch đã từng nói Lấy vợ lẽ là một việc làm bất đạo đức nhất của con người[1]. không thể tự mình vả vào mặt mình được, tức thì cụ Tưởng chẳng thể nêu một chữ nào. Còn đối với việc người nghiên cứu sử lập thuyết đời sau liệu có thể làm cho sáng tỏ được không thì cụ Tưởng đâu có dám đoán chắc? Tưởng Giới Thạch chủ trì việc biên soạn Tông phổ họ Tưởng, Tuy nêu ra việc này là vào hậu kỳ kháng chiến, nhưng nói một cách khách quan, thực sự bắt đầu biên soạn là vào năm 1946. Đến tháng 12 năm 1948, tạm được kể là đã hoàn tất công việc, thế nhưng thanh danh uy tín của Tưởng Giới Thạch đều khác xa với thời kỳ sau của cuộc kháng chiến. Lúc này, chiến dịch Liễu Thẩm đã kết thúc, tập đoàn Quốc dân đảng ở Đông bắc đã bị tiêu diệt. Chiến dịch Hoài Hải đang tiến hành, binh đoàn Hoàng Bá Thao bị tiêu diệt, binh đoàn Hoàng Duy bị tiêu vong, tập đoàn Đỗ Duật Minh bị khốn ở Trần Quan Trang, sự thất bại triệt để chỉ còn là vấn đề thời gian. Cho nên, khi bắt đầu biên soạn tông phổ năm đó Tưởng vô cùng nhiệt tâm hăng hái, trong quá trình biên soạn cũng đã từng nhiều lần qua lại thăm hỏi. Thế nhưng giữa lúc sắp sửa tiến hành lễ tiến phổ thì bản thân Tưởng Giới Thạch lại không thể tới được. Lúc này, miếu đường nhà họ Tưởng ở Khê Khẩu đã mở đại yến tiệc chúc mừng, đoàn tuồng kinh kịch, được mới từ Thượng Hải tới đã biểu diễn liền suốt ba ngày. Chỉ có điều không biết là trồng rung cờ mở lớn lao như thế này là để chúc mừng cho tông miếu họ tưởng ở Khê Khẩu của Tưởng Giới Thạch đựoc tăng thêm vinh hiển rạng rỡ hay là để hát lên một khúc nhạc truy điệu sự thất bại triệt để của vương triều nhà họ Tưởng ở đại lục?
---------------------------------
[1] Trích trong Mao Phúc Mai với cho con họ Tưởng trang 112