tự truyện
Chương 9

Năm 70 tuổi bỗng dưng hắn được rất nhiều. Ðầu năm hắn có nhà mới (do hắn bán nửa căn nhà cấp bốn phía sau để có tiền xây nửa căn nhà phía trước thành nhà cấp hai, một trệt hai lầu), cả đời chưa bao giờ hắn nghĩ có thể được ở một toà nhà khang trang đến thế. Cả tuần lẽ hắn không ngủ được trọn đêm, ngủ được một giấc dài là hắn vùng dậy ngồi chồm hỗm trên tấm nệm trải ngay trên nền nhà, ngắm nghía căn phòng từ nay là thế giới của riêng hắn, muốn bày biện ra sao cũng được, muốn thức muốn ngủ lúc nào cũng được, và cái bàn nhỏ hắn có thể viết cả ngày lẫn đêm chả ai dám quấy nhiễu, mà cái việc thất thường của hắn cũng không quấy nhiễu một ai. Trong nhiều chục năm cái bàn viết của hắn là bàn công cộng, đang viết có khách tới chơi thì gạt bản thảo sang một bên, rót trà mời khách, nhiều trang không thể đọc lại vì đã vàng ố nước cặn trà. Ðang viết lại chạy vụt ra ngoài để mua một bao thuốc Ðiện Biên hay Tam Ðảo, lại đứng nói chuyện với bạn cùng khu tập thể một lát, về ngồi lại vào bàn tìm mãi không thấy trang bản thảo viết dở, hỏi con lớn năm nó đã lên tám, con trả lời vừa lấy giấy trên bàn đi chùi đít rồi. Ăn cơm gia đình thì vợ con ngồi ăn dưới đất, còn chủ và khách thì dọn cơm trên bàn vì cũng chỉ có hai cái ghế. Một cái bàn, hai cái ghế, hai cái giường, một cái tủ nhỏ, kê vừa chật mười lăm mét vuông của căn hộ một gia đình cấp uý, cấp tá thì được thêm nửa gian nữa, rồi cơi một gian phía trước, vẩy một gian phía sau, vẫn sống rất thoải mái gần hai chục năm trời, lúc chiến tranh lúc hoà bình, lúc mới một con, lúc đã ba con, ba con chết mất đứa đầu ở sông Hồng còn lại hai, hai năm sau đẻ bù một thằng út lại thành ba, lúc khóc lúc cười, lúc buồn lúc vui, có lúc là cây bút trẻ đầy triển vọng, có lúc lại là tên phản trắc viết lách xỏ xiên, bao nhiêu chuyện thăng trầm của một đời người đều diễn ra trên mười mấy mét vuông nền xi măng ấy cả, cái gian nhà tiều tuỵ ấy mãi mãi là thiên đường của một thời đối với hắn, hắn thành danh từ đấy, thành người bố của một bầy con từ đấy, vợ chồng gắn bó với nhau trong bấy nhiêu năm cũng bắt đầu từ đấy, nơi ấy là đất lành, đất ra hoa ra trái, ra văn chương ra sự nghiệp chứ còn nơi nào khác nữa. Hà Nội với hắn thu gọn lại chỉ là một rẻo đất bãi sát sông Hồng, mùa nước lũ một màu trắng đục ngầu bọt, ngầu rác che phủ tất cả, nước rút lại đến mùi tanh khắm của bùn khô, rác thối, chuột chết, mèo chết, chó chết, hết mùi tanh là đến mùa ruồi, ruồi bay đen như mây từng mảng lớn mảng nhỏ bâu kín mâm cơm, đình màn, dây phơi quần áo, cười to nói lớn là ruồi bay vào tận trong cuống họng. Ðêm đến, nhất là những đêm cuối chạp, đầu xuân, đi họp về đứng trên bờ đê nhìn xuống cái vực đen thăm thẳm, le lói những chấm đèn vàng sẫm mà ghê quá, ngại quá, như sắp bước chân xuống cõi âm ty địa ngục nào. Nhưng trong cái địa ngục hun hút ấy là một đống thịt nồng nặc mùi khai đang ủ trong chăn ấm, là tiếng nói mê của trẻ con, tiếng ngáy nhỏ của người vợ sau một ngày chạy vạy mệt nhọc, địa ngục mà cũng là thiên đường chứ hắn còn có thiên đường nào khác! Có lần hắn đi họp ở nước ngoài, đoàn Việt Nam có hai người và đoàn Ba Lan cũng có hai người, có bốn người mà được ở hẳn một toà lâu đài giữa thành phố Praha, một đoàn ở tầng trên, một đoàn ở tầng dưới. Mỗi tầng có tới mười mấy phòng ở sao cho hết! Những đêm ấy hắn không ngủ, cứ đi lang thang từ phòng này sang phòng nọ, vì cả ngày sau hắn đều ở hội nghị, ăn trưa ở khách sạn, mãi tới khuya mới được về nơi ở như hoàng cung của mình. Rồi hắn về Hà Nội, lại chui đầu vào căn nhà hạnh phúc của hắn, cởi giày ra, áo ngoài áo trong cởi ra, lại quần áo bộ đội và cái áo bông bộ đội, lại ra nhà vệ sinh tập thể, cứt rải từ ngoài vào trong, lại ruồi, lại cái mùi tanh khẳm quen thuộc, đêm ngủ với các con nồng nặc một mùi khai nước đái trẻ con, mùi hôi của màn, mùi mốc của chiếu, trời thì mưa phùn, trong nhà nhớp nháp hơi nước của gió nồm, chỉ khó chịu có một đêm đầu, đêm sau ngày sau lại chả ngửi thấy mùi gì hết, ngửi đâu cũng chỉ thấy mùi da thịt của vợ của con, mùi hạnh phúc, mùi thanh bình, lòng dạ yên tĩnh hẳn lại và hắn lại xắp giấy bút, pha một ấm trà hương chuẩn bị viết tiếp những trang bản thảo đang bỏ dở. Thời trước, ba mươi lăm, bốn mươi tuổi là phải làm nhà, mua nhà, hoặc chỉ mua một căn hộ để sống tách khỏi cái đại gia đình. Thời bây giờ đám doanh nhân trẻ và các viên chức nhà nước tinh khôn lại thêm có cái đức lo xa đã có nhà riêng từ năm ba mươi, ba lăm tuổi. Còn hắn mãi tới năm bảy mươi tuổi mới làm được cái nhà tử tế để vợ con cùng ở. Làm xong nhà chả biết hắn còn được ở nhà mới thêm mấy năm rồi lại phải ra ở gò ở bãi. Vì biết không thể ở được lâu trong ngôi nhà của mình nên hắn không dám rút ngắn niềm vui bằng những giấc ngủ vặt vãnh của người già. Ngủ thì vẫn phải ngủ nhưng những lúc thức là hắn lại đi tha thẩn từ phòng này qua phòng nọ, đi chán lại ngồi xuống các bậc thang trắng bóng, hút vài hơi thuốc với một cảm giác cực kỳ khoan khoái. Vật ngoài thân cũng mới chỉ thuộc về mình có ít ngày còn quyến luyến không nỡ rời, rời ra thì nhớ lắm, tiếc lắm huống người đàn bà đã là phân nửa của hắn từ non nửa thế kỷ, ngày vui cũng nhiều, ngày buồn cũng lắm, con sống có con chết có mà cũng sắp kết thúc cả rồi, hoặc hắn hoặc vợ hắn cũng sẽ phải rũ áo ra đi, sẽ chia tay nhau mãi mãi mà hắn không quyến luyến ư, không đau đớn ư? Lại không sẵn sàng nhận mọi lỗi lầm cho dù chả có lỗi lầm nào, sẵn sàng làm tất cả những gì vợ hắn một đời mong mỏi, dầu việc làm ấy có ngược lại nếp cũ, ngược lại với thói tật gia trưởng của một thằng đàn ông châu Á cổ hủ!
Vợ hắn nói với hắn: "Trong những cái được của anh một đời có đến phần nửa là công của vợ anh nhưng trong con mắt anh, tôi không phải là vợ, chỉ là con tôi con đòi, có nợ với nhà anh từ kiếp nảo kiếp nào nay phải trả cho hết thì mới hoá sang kiếp khác được. Một đời ăn ở với nhau chả bao giờ anh hỏi tôi muốn gì, cần gì. anh cứ làm theo ý anh còn tôi là con ở con hầu không thích cũng không dám cãi lại. Tôi sinh cho anh năm đứa con, ba sống hai chết, chả có lần nào anh đưa tôi đi bệnh viện, tôi bị băng huyết, bị sát rau cũng phải sau đó anh mới biết. Sinh con xong khát khô cả cổ, người ta thì có sữa do chồng đưa vào còn tôi thì chỉ húp có nước rau muống luộc. Ðẻ xong có bao giờ tôi được kiêng cữ lấy vài tuần, sợ chồng bận, sợ chồng không viết được tôi lại tự đi nấu cơm, tự giặt giũ. Anh có người vợ dễ bảo đến thế còn chửa vừa lòng sao? Còn chửa bằng anh bằng em sao? Tôi chỉ trở thành gánh nặng cho anh có vài năm nay, vì tôi đã già rồi, lại mang nhiều bệnh. Nhưng anh đâu có vất vả thêm vì tôi, tất cả lại dồn lên đầu mấy đứa con, tiền là của chúng nó, đưa mẹ đi bệnh viện, chăm nuôi mẹ ở bệnh viện cũng là chúng nó, anh vẫn ngồi nhà mà, một tuần đến thăm vợ một lần mà cũng ngại, cũng thấy là khó nhọc. Người sướng đến thế mà không biết sướng...".
Tất cả những tội lỗi của một thằng đàn ông tự xem là ông chủ tuyệt đối của gia đình thật ra đều xuất phát từ lòng yêu thương cả, hắn đã xem vợ là chính hắn, là một nửa của hắn, còn có việc làm nào ở đời này mà không phải vì vợ vì con. Hắn được danh, cái danh ấy là của cả chồng cả vợ, cái lợi cũng thế, một đời chưa bao giờ hắn cầm tiền hoặc có một khoản tiền để tiêu riêng. Vì đã nghĩ như thế là đủ, là đã làm tròn bổn phận làm chồng làm cha, nên hắn không cần có những chiều chuộng, nịnh bợ, những lời nói vuốt ve, hắn vốn rất sợ những lời nói của kịch, của sân khấu, những trò phường tuồng như hắn vẫn chế giễu trong mối quan hệ vợ chồng cha con. Ðến chơi nhà bạn bè hoặc các bậc huynh trưởng thấy vợ chồng họ dạ thưa với nhau nhiều quá, săn sóc âu yếm nhau lộ liễu quá hắn đều cảm thấy rất khó chịu, nói quấy quá dăm ba câu chuyện rồi tìm cớ cút thẳng. Hắn không thấy cần nhưng vợ hắn lại rất cần, hắn có thú vui được đi rồi được viết, niềm vui bất tận của người sáng tạo, còn vợ hắn ngoài những nghĩa vụ ở cơ quan và gia đình còn có niềm vui riêng nào nữa nhỉ? Nửa thế kỷ chung sống nhưng những lần được đi cùng với nhau tới nhà hát, tới rạp chiếu phim có thể đếm trên đầu ngón tay. Hoàn toàn không có chuyện vợ chồng con cái đi nghỉ dài ngày vào dịp hè hoặc đi chơi ngắn ngày vào những dịp lễ tết, lúc thì con còn nhỏ, lúc thì đang có chiến tranh, lúc thì đã quá già để có thể phơi cái khung xương khô ra bãi biển. Hắn không cần đi đâu cả, cũng không cần phải chơi bời với ai, trò chuyện với ai trong một thời gian dài mà không thấy buồn, không thấy trống vắng. Chính là cái khoảng thời gian ngồi một nơi, sống một mình lại là những ngày hắn khoan khoái nhất, mãn nguyện nhất vì cùng được phiêu lưu với các nhân vật của mình, được cùng trò chuyện với họ, tranh cãi với họ, mỗi ngày một chủ đề, có lần hắn thắng, có lần hắn thua nhưng bao giờ cũng bằng lòng về các cuộc trò chuyện tưởng tượng dông dài ấy. Sau chuyến đi Thái Bình lần thứ hai, suốt mấy tháng sau hắn sống như người mộng du, lúc là chàng "lãng tử"; lúc là anh thương binh đã bị bom Napal đốt cháy hết gương mặt và hai bàn tay; lúc lại nhà báo tỉnh với số phậm hẩm hiu của một thời thế đã thay đổi. Nhân vật nào hắn cũng ao ước, cũng gắn bó vì họ đều có tính cách mạnh dám vượt khỏi những trói buộc của hoàn cảnh để được trung thành với chính mình. Bạn bè hắn thường nói nửa đùa nửa thật rằng hắn có tài viết nhanh viết nhiều, gặp bất cứ ai, nghe bất cứ chuyện gì hắn đều có thể viết được. Thật ra hắn chỉ quan tâm và chỉ viết hay những gì có liên quan đến những mộng mơ lớn nhỏ của hắn, liên quan đến tiểu sử và cái thế giới thầm kín của hắn. Gặp một người thú vị đúng như hắn mong ước, hắn còn vần vò, nhào nặn họ đến chán chê trong cõi tưởng tượng của hắn, gần như hắn đã biến hoá thành chính họ, họ là cái mong muốn được là, là cái sẽ là, nhân vật văn học là con người khác của hắn chứ không bao giờ là hắn. Là giống con người mộng mơ chứ không thể giống với con người thật, con người hàng ngày của hắn nhạt nhẽo muốn chết làm sao thành nhân vật văn chương được. Trong những ngày hắn chuẩn bị viết và viết không ai muốn gần hắn cả, là con người đáng ghét nhất, khó chịu nhất, ăn như nuốt bã cám, nói như người dở hơi, đi lại trong nhà như cái bóng, động tí là gắt, rất dễ gắt, gần như một kẻ hoàn toàn vô tích sự khiến mọi sinh hoạt trong gia đình hoá ra nặng nề, hoá ra căng thẳng. Chính trong những ngày ấy vợ hắn bắt đầu có dấu hiệu của bệnh liệt rung, mãi sau này khi bệnh đã phát lộ hắn mới biết, dầu vợ hắn đâu như đã nói với các con, với cả hắn nhiều lần về sự cứng dần của các đốt ngón tay, sự thiếu chính xác khi gắp thức ăn, khi đánh răng, khi rửa mặt và hay có những cơn nhức đầu vặt. Hắn đã quên luôn là vợ hắn đang già dần, đứng lên ngồi xuống đã khó nhọc, và bước đi đã có cái dáng lom khom của một bà già sáu mươi tuổi.
Lần đầu tiên vợ hắn phải nằm bệnh viện vì bệnh sỏi mật, sau gần hai chục năm phải vào bệnh viện để sinh đứa con sau cùng. Vợ hắn nói với hắn trong hơi thở ngắt quãng: "Từ nay tôi phải sống dựa vào chồng con rồi, tôi không hầu được bố con ông như trước nữa. Rồi ông sẽ bận đấy chứ không rảnh rỗi ngồi viết như những năm tôi còn khoẻ đâu". Hắn nói thản nhiên: "Bà không giúp tôi được, con cái cũng không giúp được thì phải mượn người làm, nhà nào chẳng thế". Vợ hắn nghe xong có vẻ buồn, còn như rất buồn, thì ra người vợ già chả còn quan trọng bao nhiêu tới cuộc sống của gia đình, tới công việc viết lách của hắn. Không có vợ thì đã có người giúp việc, hắn vẫn có tiền mà, xưa kia phải nuôi con bằng tiền nhuận bút, bây giờ con không phải nuôi mà tiền nhuận bút vẫn có, hắn vẫn viết nhanh viết nhiều như những năm còn trẻ, các báo ngoài Hà Nội và của thành phố vẫn săn bài của hắn như thời xưa, hắn đâu có phải thay đổi gì cách sống cách viết nếu như bà vợ già bắt đầu đau yếu.
Hắn cũng đã nghĩ thế, vợ hắn đau bệnh đâu có ảnh hưởng gì nhiều tới đời văn của hắn, tới cả đời riêng nữa, vì ngoài người vợ mỗi năm một già đi hắn chưa từng để ý tới một người đàn bà nào khác.Thèm muốn thì vẫn có nhưng nghĩ tới những phiền phức buồn cười của mối tình vụng trộm lúc đã già là hắn lại sợ, hắn sợ trở thành một trò cười trước mắt con cái nhưng còn sợ hơn là mất sự yên tĩnh quen thuộc khi ngồi trước trang giấy trắng. Danh cũng không bằng được thảnh thơi ngồi viết, lợi đến mấy cũng không sướng bằng cái lúc được viết, vợ con cũng là nhỏ trước trang bản thảo, đời hắn chỉ là viết, là cái gông cái cùm hắn tự nguyện chui đầu vào, đưa tay vào, bỏ nó đi để trở thành người tự do thì thà chết quách còn hơn. Danh và lợi và gái là những cạm bẫy hiểm độc đến danh nhân anh hùng cũng khó thoát nhưng hắn lại chuồi được ra rất dễ dàng, với hắn chả có gì quyến rũ hơn là tờ giấy cây bút. Nhưng một đời văn mà không có những ham muốn, đau khổ, dằn vặt, thất bại của mọi đời thường thì lấy gì mà viết, đời không có đam mê, không có thất bại thì nhạt bằng nước ốc, nước đã trong sao quấy bột thành hồ! Hắn không sợ điều đó vì trời đã cho hắn cái khả năng thoát xác nhập hồn rất dễ dàng, với giá đồng nào hắn cũng đều nhập được trọn vẹn, thành thục, là đàn ông hay đàn bà, là tiện dân hay quý tộc, là cụ đạo hay ông sư, là thánh nhân hay tội phạm... Hắn có thể là tất cả mà cũng không là ai cả, là hình bóng của đối tượng hắn khai thác, là kẻ chỉ có thật trong tưởng tượng nên không có cái bẫy nào giữ được hắn lâu dài. Tưởng là thế mà hoá ra không phải thế. Về mấy năm cuối đời hắn lại bị sập bẫy do chính hắn thiết kế, tự hắn chui đầu vào và tự hắn đánh sập xuống và hiện nguyên hình là một thằng đàn ông khốn khổ mà bất cứ ai cũng có thể thoát ra rất dễ dàng, riêng hắn chẳng những không thể thoát ra mà còn tự chằng thêm dây trói, đêm ngày dãy dụa trong những vòng trói ấy. Và hắn đã nghĩ đến cái chết, đã nói ra miệng đến cái chết tự nguyện với con cái để vĩnh viễn thoát khỏi sự trừng phạt cay nghiệt nhất mà hắn đang được nếm trải.