tự truyện
Chương 30

Năm 1990, hắn vừa tròn sáu mươi tuổi, là cái tuổi đã hoàn thành mọi việc lớn để chuẩn bị cho cái chết. Nhưng nhìn vào đâu hắn cũng thấy buồn. Buồn nhất và lạ nhất là sự tan vỡ của Liên bang Xô Viết và một loạt các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu. Các thiết chế về chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội của một quốc gia hùng mạnh vào bậc nhất của hành tinh chỉ một sớm một chiều sụm hẳn xuống, nằm thẳng đơ và rã ra như đã mỏi mệt đến cùng cực. Các chính khách nổi tiếng một thời khi ánh hào quang của một siêu cường vừa tắt, lập tức hiện ra như một đám viên chức già nua cũ kỹ, hoàn toàn bất lực trước tình thế mới. Thế giới mất thế quân bình trở nên hỗn loạn với các cuộc chiến tranh vô lý và kéo dài về sắc tộc về tôn giáo. Bao nhiêu niềm tin cao đẹp của những năm đầu thế kỷ bỗng chốc hoá ra vô nghĩa. Văn chương, học thuyết, kinh sách chỉ là những trò chơi trí tuệ phù phiếm vì đã chả làm gì được để ngăn chặn hai cuộc thế chiến, và cũng chả làm gì được trước những la hét, hành động rồ dại của một nhân loại đã mất hết những kinh nghiệm lịch sử trở nên nông nổi, hung bạo. Hắn rất buồn nhưng không hoang mang vì chất viết của hắn luôn lấy xung đột, lấy sự phát triển biện chứng làm nền của mọi câu chuyện. Xưa nay hắn vốn đã không tin câu chuyện thần tiên về một thiên đường dưới hạ giới. Con người vốn có nhiều khiếm khuyết lại muốn tạo dựng một xã hội thật hoàn hảo, không có khiếm khuyết là chuyện không thể có, là chuyện không thật. Xã hội Nga và con người Nga hiện giờ là rất chân thật, thật hơn thời còn là Liên Xô nhiều, vì họ đã phơi bày cái mạnh cái yếu của một dân tộc, một thể chế hết sức tự nhiên, không che giấu. Hắn rất ngưỡng mộ ông Putin, tổng thống Liên bang Nga hiện giờ, ở ông hắn nhận ra một chính khách kiểu mới, có phong cách một nhà lãnh đạo quốc gia ở thế kỷ 21. Hắn thường so sánh hai nhân vật kiệt xuất của nền chính trị Nga trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, đó là Lê nin và Putin. Cả hai ông đều lên cầm quyền trong một bối cảnh xã hội hết sức rối ren, Lê nin phải nói rất nhiều và viết cũng rất nhiều. Còn Putin không nói gì cả, cũng không viết gì cả cứ lặng lẽ làm, cắm cúi làm, cũng không hứa hẹn gì nhiều, lại còn nói với cử tri xin đừng trông đợi quá nhiều ở ông, ông làm gì có phép lạ để trong một thời gian ngắn có thể thay đổi được tất cả. Nói thế là một nhà chính trị rất chân thực, rất có lương tâm.
Những năm 90 cũng là những năm cuối của đời hắn, hắn hay nghĩ lại những năm tháng đã qua, những việc đã làm, những người đã gặp, rồi bằng sự từng trải của tuổi tác hắn đã nhận ra vẻ đẹp của đời thường và sự bất biến của những tính cách mới được xác lập trong nửa thế kỷ qua sẽ thành máu huyết của dân tộc, thành tính cách Việt Nam. Nói thì dễ nhưng hiểu được vẻ đẹp của đời thường với riêng hắn cũng phải mất nửa thế kỷ. Nhận ra vẻ đẹp một cách nên thơ, trong ánh sáng của bình minh thì hắn đã nhận ra từ Mùa lạc, Hãy đi xa hơn nữa từ những năm hắn mới 30 tuổi. Nhưng nhận ra vẻ đẹp của thất bại, của vất vả, trầm luân trong cái quầng sáng vàng úa của hoàng hôn thì phải từ năm hắn đã 50 tuổi khi hắn viết Hai ông già ở Ðồng Tháp Mười. Mãi mãi hắn không quên được ông già thư ký của một trạm máy kéo ở Ðồng Tháp Mười, người gày nhỏ, tóc bạc trắng, đứng đơn độc dưới tán cây gáo cổ thụ nhìn theo cái xuồng máy của bọn hắn rẽ nước rời xa một rẻo đất mà hắn nghĩ sẽ không bao giờ có dịp quay lại. Cũng năm 1990 hắn trở lại làng Tả Thanh Oai, tục gọi là làng Tó, nằm bên tả ngạn sông Nhuệ. Ðó là quê của nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao Ngô Thì Nhậm, đất phát tích của dòng họ Ngô Thì và được gặp hậu duệ của dòng đích tên là Trác, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Năm 1944, hắn mới 14 tuổi cùng mẹ và em tản cư về làng Tó, quê của một bà bạn của mẹ, tránh máy bay Mỹ. Mẹ hắn phải đến trình báo với lý trưởng làng và biếu quà, ông này cũng thuộc dòng Ngô Thì. Mấy mẹ con tới xin ở nhờ ngôi chùa làng gọi là chùa Thắm, cách mộ ông bà Ngô Thì Nhậm có một quãng đường ngắn. Một năm ở chùa, hắn thuộc lòng mọi cung cách trong sinh hoạt của các sư, mối quan hệ giữa sư cụ trụ trì với các sư đệ tử trông nom các chùa khác, rồi ngôn ngữ nhà chùa, ngôn ngữ của đám con nhang đệ tử, của các vãi. Trong kháng chiến chống Pháp mấy năm đầu mẹ và em hắn cũng ở nhờ chùa Phương Cái kề sát thị xã Hưng Yên. Hai mẹ con bán hàng xén ở chợ Bảo Châu, không đủ ăn lại làm nghề bóc vỏ hạt sen, chủ đầm sen không trả tiền mà trả công bằng các đấu hạt sen ăn thay cơm, vừa đói vừa thèm cơm lại ăn mày cơm nhà chùa. Rồi sư cụ cho em hắn làm tiểu chùa, mẹ làm vãi chùa quét dọn, hầu hạ sư cụ, chùa nuôi luôn cả hai mẹ con cho tới ngày cụ mất. Thời đi kháng chiến hắn đã làm y tá một trạm xá của tỉnh đội Hưng Yên cũng là một ngôi chùa làng, chùa Cốc thuộc huyện Kim Ðộng. Mãi mãi hắn không thể quên sư bác chùa Cốc hơn hắn vài bốn tuổi, đẹp và thanh mảnh như bông huệ, là chị cứu thương, chị nấu cơm, rồi giặt giũ, khâu vá quần áo cho các thương bệnh binh và bằng cái vẻ đẹp thoát tục chị đã làm ngôi chùa trạm xá thành nơi an ủi, tĩnh dưỡng về cả tinh thần. Những ngôi chùa làng với những nhà sư làm quần quật từ sáng sớm đến nửa đêm, làm ruộng làm vườn, gánh rau ra chợ bán, ủ tương, đóng oản mà mặt vẫn tươi, không than khổ bao giờ, không kêu khó bao giờ, từ bi hỉ xả là những kỷ niệm đầy yêu thương và rất đẹp của hắn những năm còn trẻ. Những tình cảm ấy, những nhớ nhung ấy hắn đều đưa vào truyện vừa Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu. Một nhà sư đã rời bỏ một môi trường vốn rất u tĩnh của kẻ xuất gia bỗng chốc nhốn nháo bởi những thói hư của thế tục, lại trở về ngôi chùa vô danh từ đó ông đã ra đi, để tìm lại chính mình. Một đại tá quân đội sau nhiều chục năm nam chinh bắc chiến nay trở về làm ông già bình thường sống với con gái và cháu ngoại. Mọi tham vọng đã thuộc về quá khứ, cái nghĩa vụ làm trai thời chiến đã hoàn thành, đôi bạn tưởng là rất xa nhau về lý tưởng về cách sống lại cảm thấy rất gần gũi nhau khi cùng ngắm cảnh hoàng hôn.
Hắn ở lại Tó vài ngày và ở với gia đình Trác, vì Trác là chủ nhiệm hợp tác xã mà cũng vì muốn được quan sát kỹ hơn một giọt máu của cái dòng họ đã sinh ra nhiều nhân vật nổi tiếng về cả chính trị lẫn văn chương trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, xem thử có còn dấu tích gì lưu giữ được cho đến hôm nay. Càng trò chuyện với Trác hắn càng buồn cười vì ông cháu hôm nay chả giống chút nào vói các cụ tổ nổi tiếng thời xưa. Trác không đọc sách và cũng không thích đọc sách, chả biết một tí gì về công tích và văn chương của các cụ tổ nhà mình. Trác đã đi lính chiến đấu ở mặt trận Thừa Thiên, hết chiến tranh lại sống sót thì về nhà đi cày, gặp thời buôn bán dễ dãi thì đi buôn làm giầu như mọi người. Sáng chưa rõ mặt người vợ Trác đã đội thúng bánh cuốn tráng trong đêm ra đầu làng chờ xe buýt lên Hà Nội, khoảng trưa đã về lại ra đồng làm mầu hoặc bắc nồi rượu nấu. Chồng buổi sáng ra nhà để máy xay xát mới mua nhận thóc xay, chiều ra trụ sở hợp tác xã, sau bữa rượu tối hai vợ chồng lại chụm đầu tính toán tiền thu chi trong ngày. Mà vui lắm, ai cũng có việc làm, việc nào cũng kiếm ra tiền, tháng này vài triệu, tháng sau vài triệu, một năm là bao nhiêu triệu, hy vọng gần, tham vọng cũng nhỏ nhoi, còn việc thì làm hết việc đặt lưng xuống là ngáy bằng sấm, Trác nói thế. Còn nói: "Em bốn mươi tuổi rồi đấy nhưng ai cũng bảo chỉ ngoài ba chục là cùng, chả lo gì hết, việc nước có cấp trên lo, việc xã có xã lo, em chỉ lo mỗi việc của hợp tác xã, từ ngày khoán hộ làm chủ nhiệm cũng nhàn lắm". Nói rồi cười, lại tớp một ngụm rượu, nhai một miếng thịt, sướng thế mà bảo chưa sướng thì thế nào mới là sướng. Ờ, nghĩ thế cũng phải, làm người nổi tiếng mà làm gì, toàn chết bất đắc kỳ tử với chết yểu thôi. Ngô Thì Sĩ giận con là Ngô Thì Nhậm phải uống thuốc độc tự sát năm 54 tuổi. Ngô Thì Nhậm thì bị kẻ thù đánh gần chết ở Văn Miếu, thọ 57 tuổi; Ngô Thì Chí, em Ngô Thì Nhậm, tác giả Hoàng Lê nhất thống chí, hưởng dương có 35 năm. Làm anh chủ nhiệm hợp tác xã mãn nguyện, mặt phẳng lì như trẻ thơ, sáng làm đĩa bánh cuốn ăn với giò với chả, tối làm cút rượu nhắm với dồi lợn, với thịt chó. Mọi người đều sống như thế cả, suốt chiều dài của lịch sử người dân chỉ có mấy việc phải làm, đi lính khi nước có chiến tranh, rồi đi cày, lúc rảnh rỗi thì đi buôn, truyền từ đời này sang đời nọ, chả tiếng tăm gì cả, chả lưu danh gì cả nhưng bãi hoang, rừng rậm đã thành làng, thành ruộng, thành đường, thành các dòng họ, thành dân tộc, thành quốc gia, là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em, bè bạn, hàng xóm láng giềng của các danh nhân, danh tướng. Họ là những vật liệu nguyên sơ, luôn luôn có sẵn, chỉ đợi một nháng lửa, một trận gió là lập tức bùng cháy thành ánh sáng, thành hào quang làm rạng rỡ cả một thời. Viết về những số phận nhạt nhẽo, tầm thường với những vui buồn bé nhỏ là rất có lý. Vì không có cái nhạt nhẽo của một ngày, một đời, của nhiều đời thì lấy gì mà nuôi dưỡng những nhân vật xuất chúng, kỳ tài. Và... tất cả bỗng nhiên thay đổi trong con mắt của hắn. Nói một cách ngoa ngôn hắn có thể viết được tất cả những gì nằm trong tầm nhìn tầm nghĩ của hắn. Hắn đã bước vào một thời kỳ viết mới ở tuổi sáu mươi, bắt đầu từ cái truyện ngắn miêu tả cái thân phận buồn cười của chính hắn trong cái buổi giao thời, từ cái thời kinh tế được chỉ huy bằng các biện pháp hành chính, xã hội xếp hàng dọc đợi đến lượt mình mua hàng, in sách, đề bạt và cả đợi lượt được thi thố tài năng sang cái thời kỳ kinh tế theo cơ chế thị trường, theo luật cung cầu, đồng tiền chỉ huy tất cả, nó là bản vị mới của mọi giá trị, "là tiên là phật" như lời ca của một bài đồng dao thời hiện đại. Nhưng hắn sinh ra là để sống trong trật tự, trong xếp hàng chờ đến lượt mình, ngoan ngoãn, khiêm nhường, làm sao có đủ bản lãnh để nhảy vào một thế giới cạnh tranh. Có người khuyên, hãy viết truyện tình báo, gián điệp, truyện ái tình tay ba tay tư, truyện giám đốc ăn cắp tiền công và ngủ với các cô thư ký, và tên sách phải đặt cho kêu, gợi được sự tò mò, bìa sách phải có đàn bà đẹp, con gái đẹp, có súng và xác chết, hãy làm thử đi, làm được đấy, mấy cô thợ may ở Ðồng Nai còn viết được tiểu thuyết mỗi năm vài cuốn, huống hồ là một nhà văn chuyên nghiệp. Hắn đành cười xoà và nhận thua, cái thời này đâu còn là của hắn mà lại mong xuất đầu lộ diện. Hắn chỉ viết được những gì hắn muốn viết, hắn viết về cái nhạt nhẽo, cái tầm thường của mỗi ngày, của một đời vậy. Trước hết viết ngay chính hắn trong cái truyện Anh hùng bĩ vận. Bạn đọc tìm đọc và mủm mỉm cười, thế là thắng rồi. Rồi hắn viết ngay chính bà chị hàng xóm sống với nhau gần hai chục năm ở xóm lũ. Một người vợ tự nguyện làm nô lệ cho một ông chồng rất vô tích sự mà vẫn sợ người ta giận rồi người ta bỏ thì khổ. Với chị ông chồng đã là thần linh rồi, phải chiều chuộng, sớm tối nhang đèn chứ không nên trách, không nên oán và cũng không nên buộc ông chồng phải chú ý, phải nhúng tay vào những việc nhơ nhớp của cõi phàm, như lương đưa không đủ nên nợ chưa trả được, con không được bố dạy dỗ nên học kém, ham chơi thành đứa trẻ, như... Trong truyện vợ chồng chị Vách có nhiều chi tiết của chính vợ chồng hắn, vợ hắn là chị Vách, còn hắn cũng không đến nỗi tệ như ông chồng của chị, cũng là người có tiền và có danh nhưng cách đối xử với vợ thì chẳng sai chút nào. Viết về người lại được dịp tự cười với mình nên câu văn vừa hoạt vừa vui, viết rất nhanh, rất thoải mái, truyện Ðời khổ được bạn đọc hoan nghênh ngay. Khi tới thăm động Từ Thức ở Nga Sơn hắn chỉ chú ý có gia đình anh thương binh mù, còn bỏ ngoài tai cặp vợ chồng thần tiên Giáng Hương - Từ Thức. Chuyện thần tiên là chuyện để giải trí còn chuyện cặp vợ chồng anh thương binh là một biểu tượng của tính cách Việt Nam. Người chồng vì lòng kiêu hãnh dám chấp nhận thử thách, người vợ vì lòng kính trọng người đàn ông mà chị ngưỡng mộ tự nguyện bù đắp cho anh bằng một gia đình yên ấm mà chỉ riêng có một mình chị phải gánh chịu mọi nỗi nhọc nhằn. Ðó là truyện Cặp vợ chồng duới chân động Từ Thức. Rồi lại chuyện một bà hàng xóm, là người làm tương ngon nổi tiếng còn sót lại của đất Cự Ðà, đòi lên Hà Nội để ẵm cháu đích tôn, thành một bà vú già nửa quê nửa tỉnh, sống gượng gạo, giả dối, con dâu thì lườm, con trai thì gắt vì bà không được sống đúng với nghề nghiệp của mình, với môi trường của mình. Cũng như một người viết văn thì rất tồi nhưng làm công việc quản lý, quản trị thì tuyệt giỏi, trong nửa năm cầm quyền đã thay đổi hẳn bộ mặt cơ quan. Hãy múa võ trên mảnh đất của mình, chả ai dám tranh tài với anh cả (Người của nghề). Lại có một chuyện nếu không phải là hắn cũng khó có nhà văn nào nhận ra và viết được. Ấy là một người sống vì quá tôn trọng đồng loại lại bị chính đồng loại khinh lờn. Cũng là chuyện của chính hắn khi thằng con lớn bảo hắn sống bình dân quá, nói năng khiêm nhường quá, nói với ai, kể cả với đám trẻ con cũng vâng cũng dạ nên hàng xóm đâm coi thường. Hắn nói: "Sống tử tế, sống khiêm tốn người ta không thích à?" Nó cãi: "Ở đời người ta thích được làm bạn với người giầu người sang chứ ai thích đánh bạn với người hèn, người nghèo". Hắn cười: "Ai dám bảo tao hèn?" Nó cũng cười: "Không hèn nhưng dáng điệu của bố lắm lúc cứ khúm núm thế nào." Khoảng những năm 80 khi viết tiểu thuyết Ðiều tra về một cái chết, đoạn viết về đội Trấn, một người theo đạo Cao Ðài đăng lính sang Pháp tham dự thế chiến 2, được tặng huân chương, được thăng cấp đội, có lần qua Mã Ðảo liền vào thăm hộ pháp Phạm Công Tắc đang bị quản thúc ở đấy. Năm ở nhà ông Hộ pháp ngồi trên ngai rắn, giáo đồ quỳ dưới đại điện, cái khoảng cách ấy đã gây uy, gây nghiêm cho người cầm đầu mối đạo, tạo nên những ấn tượng thiêng liêng với giáo đồ. Ở nơi bị quản thúc ông hộ pháp cũng giống như mọi can phạm chính trị khác, còn đội Trấn lại là người có công với nước Pháp, được đặc cách tới thăm bạn tù thành thử ông giáo chủ hoá ra ông già bé nhỏ, tầm thường trong cách nói, cách cười, cách hỏi han. Vầng hào quang bao quanh vị giáo chủ đã biến mất thì lòng tin mê muội của giáo đồ cũng lập tức tàn lụi theo. Ðó là nguyên nhân sâu xa cái chết bí ẩn của đội Trấn khi anh trở về toà thánh và được đức hộ pháp cho trông nom cơ Thánh vệ. Ðội Trấn chỉ là một nhân vật hắn được nghe thoáng qua khi trò chuyện với mấy người trong đạo. Còn lại là hắn bịa hết, bạn đọc Cao Ðài viết thư hỏi hắn: "Ông viết rất đúng về Hai Trấn, ai kể cho ông biết được những chuyện đó thế?" Chính hắn cũng không tự biết tại sao hắn viết được thế, chẳng qua là đoạn trước mở lối cho đoạn sau, câu trước kéo theo câu sau, hình ảnh gọi hình ảnh, câu chữ gọi câu chữ mà thành chứ còn biết tại sao! Ðột nhiên lại nghe thằng con trách móc cách sống quá nhũn nhặn của hắn, liền nhớ ngay tới ông Bột và câu chuyện buồn cười về cách đánh giá của đám đông hình thành trong nháy mắt. Truyện ngắn Sống giữa đám đông đã được viết như thế. Rồi chuyện về một bà cô tài sắc vẹn toàn mà một đời vất vả, lúc trẻ thì vì chồng, về già thì vì con (Má hồng); chuyện về các bà chị tiểu thư, sống đài các và cô độc trở thành các cô cấp dưỡng cho Sở Liêm phóng năm cách mạng vừa thành công, và cái kết cuộc tầm thường chả nên thơ chút nào của mấy bà (Ðã từng có những ngày vui); chuyện một ông anh đẹp trai, một tiểu đoàn trưởng có tiếng thời Hưng Yên bị Pháp chiếm đóng vớ phải một bà vợ lắm mưu, hám quyền thành một ông già tàn tạ lúc cuối đời... Nhiều chuyện lắm, thì ra cái "thực tế" của đời hắn cũng đến là lắm chuyện và chuyện nào cũng có thể viết được cả. Nếu so vốn sống thì hắn sống nhiều hơn, biết nhiều hơn, từng trải cũng nhiều hơn và sống cũng lâu hơn, tuổi hắn gần gấp đôi tuổi các ông Nam Cao, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, hắn chỉ thua các ông ấy về văn thôi, vì đã không sinh được một nhân vật văn học nào có sức quyến rũ lâu dài như Xuân Tóc Ðỏ và Chí Phéo. Thua xa! Mà thua là phải vì chúng là những đứa con tinh thần của các thiên tài. Ðã nói tới cái tài trời cho là hết nói, hết lý lẽ, nó mãi mãi là một bí mật mà không có nhà lý luận văn học nào phân tích được cái cơ cấu huyền diệu của nó. Nó không có mẫu số chung, nó là muôn vàn cách, mỗi thiên tài một cách riêng, cái tài ấy chỉ nảy sinh ở riêng con người ấy, có một tiểu sử riêng như thế ấy. Ngưỡng mộ thì được, tò mò tìm hiểu thì vô vọng. Ðã bảo nó là một bí mật của tạo hoá mà. Khi viết truyện ngắn Nghệ nhân ở làng, người thì có thật, nghề phải học khoảng một buổi, chi tiết là của nhiều người ghép lại, nhưng cái hồn của truyện là của riêng hắn, là một mơ mộng táo bạo và vô vọng của chính hắn, ấy là lần tìm những bí mật trong sáng tạo của các thiên tài. Nhà văn Stéfan Zweig, một tác giả viết nhiều tiểu sử các danh nhân mà hắn rất mê đọc từ những năm hắn mới 30 tuổi, cũng có tham vọng y như hắn, tìm hiểu những cơ cấu sáng tạo của các thiên tài. Ông này rất giầu, lại có cái thú sưu tầm những bản thảo nổi tiếng của các nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ, giá đắt bao nhiêu cũng mua. Từ những trang bản nháp với những sửa chữa, những gạch xoá, những lấy lại, những thêm vào, ông lần mò những dấu vết dẫn đến những hình tượng nghệ thuật bất hủ của các thiên tài. Chính ông cũng là một tài năng văn chương lỗi lạc của châu Âu, có bạn bè là những tên tuổi sáng chói khắp các châu lục, lại có lòng ái tài, hắn đọc của ông cũng được biết thêm nhiều lắm, hoàn cảnh lịch sử, môi trường xã hội, tiểu sử cá nhân, những tình huống kỳ lạ mà các thiên tài ấy phải đối mặt, những bức xúc bất thần, những nỗi đau, những đối nghịch, những mơ mộng, những tuyệt vọng... tất cả đều được nghiên cứu tỉ mỉ, có văn bản rõ ràng. Chàng sĩ quan công binh của binh đoàn sông Rhin, Rouget de Lisle trong một đêm xuất thần của năm 1792 đã làm lời và nhạc bản quốc ca của nước Pháp Marseillaise trong hoàn cảnh nào, sau đó ông ta lại sống vô danh và nghèo khổ cho tới lúc mất. Ông là thiên tài của một đêm. Nhạc sĩ thiên tài Ðức Haendel đã sáng tác bản thánh ca Le Messie trong tâm trạng ra sao vào lúc cuối đời. Và Dickens với cuốn tiểu thuyết đăng nhiều kỳ trên báo Những cuộc phiêu lưu của ông Pickwick. Rồi cái thế giới đen tối đầy những đối nghịch của Fédor Dostoiewski. Một nhà quý tộc muốn được làm người bình dân, một đời khắc khoải vì sự tự hoàn thiện, Léon Tolstoi. Ông Zweig không chỉ tìm hiểu những giây phút ngây ngất của hân hoan, của tự do, làm bùng cháy ngọn lửa sáng tạo mà còn cả những giây phút đen tối nhất, ảm đạm nhất của tấn bi kịch tới hồi kết thúc của Marie Stuart, của Marie Antoinette, của Napoléon, của Fouché. Ðại để là những giây phút có sức nặng của một nhân loại, mãi mãi gây hứng thú tìm hiểu, ngõ hầu có thể nhận ra trong thoáng chốc cái huyền cơ của tạo hoá. Ðọc thì vui chứ cũng chả hiểu gì thêm cái mà mình muốn hiểu. Bởi vì từ ngày mới cầm bút cho tới tận hôm nay hắn vẫn thắc mắc những công việc có tính chuyên môn, tính kỹ thuật để tạo dựng các nhân vật bất tử Xuân Tóc Ðỏ, Chí Phèo. Hình như không có kỹ thuật gì, không có bí mật gì, vẫn là chuyện đời, chuyện tai nghe hàng ngày, mắt thấy hàng ngày, quen cả, rất quen của vô vàn tính cách Chí Phèo, Xuân Tóc Ðỏ khi các biểu tượng điển hình của nó chưa xuất hiện. Có điều trong đời thường thì nó nhạt nhoà, thô lậu, tản mát, có chất liệu nhưng chưa có hình thù, chưa có tên gọi, sống lẫn với mọi người hoặc ngay trong một người, khi nhận ra thì người ta chỉ buông một câu chửi: đồ lưu manh, quân mất dạy, thằng ăn vạ! Thế là xong. Nhưng bây giờ thì những tính cách ấy đã có tên gọi hẳn hoi, có hình thù hẳn hoi để thiên hạ có thể chỉ tay day mặt, có thể chế giễu, lên án và cũng nhận ra cả sự bất lực để loại bỏ cái nòi giống ấy ra khỏi cộng đồng. Hắn tin rằng ngay các cha đẻ của chúng cũng không thể ngờ mình đã sinh ra những đứa con quỉ quái bất tử, chỉ là viết trong một lúc hết sức sảng khoái, viết để đùa giỡn, viết để trả thù mọi sự bất công ở đời. Viết để chửi đời qua miệng một thằng lưu manh mới sướng, mới hả. Nó càng nói những câu ngây ngô, ấm ớ càng khoái. Dùng Xuân Tóc Ðỏ để chửi cái xã hội nhố nhăng là tuyệt nhất. Cũng như dùng Chí Phèo để chửi cái đám hương lý kỳ hào bẩn thỉu mà hống hách, chửi thẳng mặt, không cần che giấu cũng thật hết ý. Viết cho hả giận, cho bõ uất. Chính là cái giận cái uất lâu ngày lại nhân gặp một chuyện thương tâm, hoặc một chuyện vô lý rót thêm vào lập tức bùng cháy thành lửa xanh và cả một thế giới tưởng tượng với hình thù, câu chữ loé sáng, lung linh như hiện ra cho mà viết, như đọc lên cho mà viết, viết như mê đi, như nương theo một chỉ dẫn nào đó, người viết thành công cụ được điều khiển từ rất xa, từ rất sâu, viết mà cũng không biết mình đang viết những cái gì. Người ta thường gọi trạng thái khác thường ấy là xuất thần, vừa là mình vừa không phải là mình. Hắn chỉ tiếc Vũ Trọng Phụng mất năm còn quá trẻ, môi trường sống quá hẹp, cái biết về các tầng lớp phía trên còn quá ít nên không dám để Xuân Tóc Ðỏ dấn bước tiếp những cuộc phiêu lưu mới, mà cái thằng lưu manh ấy cũng đã đủ lông cánh để lao vào những trò chơi có tầm vóc lớn hơn rồi. Tức là hắn muốn Xuân Tóc Ðỏ phải được trúng cử vào nghị viện thành nghị sĩ, từ đó mà được giao tiếp với những "týp" người còn vô lý hơn nhiều, buồn cười hơn nhiều, là cái thế giới quan lại của một xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Chắc chắn sẽ lại là một cuốn sách rất hay (Số đỏ quyển 2 chẳng hạn), viết về cuộc phiêu lưu của một tên bất lương vào cái thế giới bất lương của các chính khách ở xứ này trước năm 1945 để bạn đọc có dịp được cười thật thoả thuê, cười đến nghẹn thở. Nếu viết được thế thì Số đỏ sẽ trở thành một kiệt tác của thế giới mất.
Hình như hắn đang dò tìm những lối đi đã bị xoá sạch của một tác phẩm nổi tiếng của văn chương Việt Nam thì phải. Cũng là bàn suông thôi, chứ tài cán như hắn làm sao dám mon men tới cái lãnh vực siêu nhiên ấy. Nhưng có một sự thật là hắn muốn có được cái công thức làm nên sự bất tử, cái công thức huyền bí của những người gọt tượng xưa có thể khiến các pho tượng gốc sống lại và trò chuyện rì rầm mỗi đêm, những pho tượng đã trở thành linh vật tại các đền, phủ, chùa, miếu của một thời. Ðó là cái ước ao kiêu ngạo của một anh thợ đục đẽo tượng gỗ ở làng, và cũng là một ao ước vô vọng của chính hắn. Truyện viết thì giản dị, khiêm tốn nhưng ý tưởng chứa đựng bên trong là sự day dứt khôn nguôi. Chả hiểu bạn đọc có cảm nhận được những điều không thể nói của hắn không?