tự truyện
Chương 14

Có lẽ trong các tiểu thuyết của hắn chỉ có một nhân vật dám đi đến tận cùng số phận của mình, dám kết thúc cuộc hành trình gian nan về niềm tin bằng cái chết chứ nhất quyết không chịu rời bỏ niềm tin ban đầu, cũng không muốn vì cứu cái thân mình mà phản lại những người cùng một đạo. Nhân vật văn học đó có tên là Tư Tốn, một chức sắc của đạo Cao Ðài, một người có niềm tin trong sáng, quyết liệt dám ôm cái mộng lớn: cải tạo lại hệ thống giáo lý và quản lý của các cơ quan quyền lực cao nhất của đạo. Mộng thì lớn nhưng không tìm được người cộng tác. Ông Năm Sạng một đời chuẩn bị cho một cuốn sách sẽ viết đầy đủ và chính xác mọi bước thăng trầm của đại đạo từ ngày lập đạo cho tới ngày cuộc chiến tranh ba mươi năm kết thúc, nhưng ông đã quá già lại đau ốm, biết đến bao giờ ông mới hoàn thành cái tác phẩm để đời ấy. Ông Bẩy Tiêu cũng là một người trong cuộc, có quan hệ thân thiết với những người sáng lập đạo, nhưng ông không muốn thay đổi, mọi thay đổi đều là tai hoạ, ông tình nguyện sống trong ngu tín, trong thói quen cho được an phận lúc tuổi già. Tư Tốn đã từng nói với ông trong một lúc phẫn nộ về sự thờ ơ của những người đi trước. Ðoạn đối thoại vắt kiệt tư tưởng của cuốn sách đã được hắn viết như sau:
- Nếu bọn con chết không được yên lành các chú phải chịu hết trách nhiệm!
Ông Bảy cười gượng gạo:
- Bọn mày đã lớn cả rồi, còn nhỏ dại gì nữa mà đòi phải luôn luôn được dạy bảo.
Giọng của Tư Tốn càng gay gắt:
- Nhưng một nửa cái đầu của bọn con đâu có được tự do, các chú đâu có giúp gì để con cháu được suy nghĩ một cách tự do. Rồi chú coi, cha sẽ chôn con, ông sẽ chôn cháu, người già sẽ phải cầm mai chôn hết đám trẻ vì chúng đã là cái tội cái nợ của hội thánh.
Nói rồi y quay người đi thẳng.
Ông Hai Gáo cũng là một nhân vật đi đến cùng tấn bi kịch của mình. Ông là thủ túc tin cẩn của các bậc khai đạo lập giáo. Ông thất học từ nhỏ nhưng là người có chí, chỉ bằng tự học và nhờ bạn bè chỉ dẫn trong mười lăm năm ông đọc được báo Pháp và tinh thông cả Hán Nôm. Ông trở thành người giúp việc không thể thiếu của hộ pháp Phạm Công Tắc, vì ông vừa có cái khôn ngoan, tháo vát của người lao động lại có cả cái trầm mặc, tinh tế của người có học thức. Ông không chỉ biết một chuyện mà là biết hầu hết mọi chuyện, từ ngoài vào trong vì ông lãnh nhiều nhiệm vụ cùng một lúc, đặc phái viên của giáo chủ, kiêm thư ký, kiêm quản gia, kiêm hầu phòng, là người thân tín, người tâm sự, là chân, là tay, là ghế ngồi, là gối dựa, là đồ vật quen thuộc nhất của giáo chủ, với tay là tới, gọi đến là có. Sau khi ông hộ pháp mất tại Kim Biên, ông Hai Gáo đã năm chục tuổi, đưa vợ con về định cư ở một vùng biển, sống như người không có đạo để quên đi hoàn toàn nhiều chục năm đã qua. Khi miền Nam được giải phóng, đất nước đã thống nhất, ông Hai đã gần bảy chục tuổi. Nào ngờ những năm cuối đời ông lại phải đối mặt với một cảnh ngộ đau đớn, đứa con trai út của ông, đứa con trai ông gắn bó nhất, thương yêu nhất đã bị bắt vì nhận làm tài công cho một đám chức sắc của đạo muốn vượt biển ra nước ngoài vận động dư luận quốc tế công nhận Tây Ninh là thánh địa của đạo Cao Ðài, là vùng đất trung lập, là một xứ tự trị, là Nước Trời. Ông già biết con ông đã phạm tội với chính quyền cách mạng vì nó đã nghĩ nó làm việc đó là vì cha nó, vì nguyện vọng sâu xa của cha nó, chắc là cha nó sẽ bằng lòng và hãnh diện. Vì ông không bao giờ nói thật về người thầy của mình, ông ta đã chết coi như là hết, nói không tốt về ông thời mình là cái gì lại dành một đời hầu hạ một người chả có gì là tốt. Nó xấu hổ lắm, tủi nhục lắm, con cái nó khinh cho. Chúng nó đã khinh người cha sống sao nổi. Chẳng những ông không nói thật mà cũng chẳng cải chính những điều chúng hiểu sai, vì ông còn là người có đạo. Cái đạo ấy chẳng đem lại lợi lộc gì cho ông nhưng nhờ nó ông đã dạy bảo được con cái. Giáo tổ đã lẫm liệt thế ắt cha mình không đến nỗi hèn. Làm con ông già là một kiêu hãnh, ông đã nói là nên nghe, vì lời nói ấy có thời đã được cả hội thánh trọng nể. Nó nghe ông, nó kính ông vì cái vầng hào quang giả, dẫu là giả nhưng vẫn hơn là không có. Người đời họ sống bằng cái thật từ nhỏ tới già nhưng con cái họ đâu có tệ. Còn ông lại dạy con bằng những kích thước giả, nó tiện hơn, đỡ mất công hơn, bỗng chốc lại bảo rằng không có gì hết thì sự tan rã chỉ trong chớp mắt. Ðứa trẻ nhận ra đã bị lừa chỉ có thể làm giặc chứ khó có thể làm người lương thiện. Nó đã được nuôi trong cái háo hức của mộng ảo làm sao có thể sống được trong cái tẻ nhạt của đời thường.
Sự kết thúc rất buồn của hai người tu đạo mỗi người mỗi cách. Người già thì không nỡ nói hết tâm sự của mình với con cái vì cuộc đời vốn đã buồn vì sự kiếm sống nay lại không còn cả đức tin và danh dự một gia đình đã có công lớn với hội thánh thì chúng sẽ lấy gì nuôi sống phần hồn nên sự dối trá vẫn được che đậy cho đến ngày tấn bi kịch không thể tránh khỏi xảy ra. Còn người trẻ tuổi thì dám đối mặt với sự thật bằng một chương trình cải tổ giáo hội, chấm dứt thời mạt pháp để bước hẳn sang một kỳ đạo mới, cùng với những người cộng sản xây dựng đất nước Việt Nam thành một vương quốc của An Lạc. Nhưng ngay trong buổi thuyết pháp thử giữa vị tân giáo chủ Tư Tốn với ông cựu tín đồ Hai Gáo, ông Hai đã hỏi thẳng:
- Anh có đủ bản lĩnh để lập nên một hội thánh mới như anh vừa nói không?
- Cháu chỉ có thiện chí thôi, chỉ có một tấm lòng sốt sắng vĩ đại thôi.
Ông Hai chép miệng:
- Không đủ, trên đời này có một việc nên làm mà không nên làm đó là cái thiện chí. Có một việc không nên làm mà lại nên làm, đó là cái tàn bạo. Ông hộ pháp vẫn thường nói thế.
Ông Hai lại hỏi:
- Anh có hám quyền không?
- Không bao giờ, cháu chỉ muốn làm một giáo chủ tinh thần, một giáo chủ bè bạn và anh em, không cần một quyền lực nào hết.
Ông Hai cười:
- Nói vậy là sai. Có làm hại được người mới làm lợi được người. Có giết chết được thời mới cứu sống được. Phải có quyền anh ạ. Mất quyền thì có ra cái quái gì. Yêu và ghét đều không được. Tha và giết đều không được. Những thứ ấy mà không làm được thì lập giáo làm sao?"
Ðó là một trong nhiều đoạn đối thoại rất lý thú trong tiểu thuyết Ðiều tra về một cái chết. Khi Tư Tốn nói trong thất vọng: Tôi chỉ muốn làm một việc có ích để cứu đạo cứu đời, để đạo với đời hoà hợp là một. Ông Hai đã nói thẳng: Vô ích, không được đâu, đừng có vọng tưởng, làm việc khác đi! Ông khuyên chàng tuổi trẻ có tham vọng cải giáo nên làm việc khác đi là ông nói rất thật. Một trí thức có thiện chí, có tầm nhìn tầm nghĩ xa rộng nhưng lại thiếu cái bản lĩnh làm thủ lĩnh, làm người đứng đầu một phe, một phái, ai không cùng chí hướng lập tức phải gạt bỏ, phải đánh đuổi, nếu cần thì giết đi, không có sự dứt khoát, sự tàn bạo ấy thì làm người đứng đầu thế nào dược, làm thủ lĩnh một giáo phái thế nào được. Rút cuộc cũng chỉ là một anh trí thức nhút nhát, yếu đuối, vô tích sự, thất bại ngay từ trong ý nghĩ. Cái anh trí thức nghĩ thì hay nói thì giỏi nhưng lại không dám làm, hoặc dám làm nhưng lúc thì cực hữu lúc thì cực tả, là một chủ đề hắn rất thích nhắc lại, đã từng viết một lần trong Thời gian của người. Ðoạn kết của cuốn sách, khi viết về cái chết của Tư Tốn, hắn viết vào buổi tối. Một gian nhà quá rộng, trống huơ trống hoác, kê mấy cái đồ gỗ cũ kỹ xin được của người này cái phản, người kia bộ ghế, còn hắn viết trên một cái bàn rất rộng nhưng tấm ván ép của mặt bàn đã gần trở lại mặt mộc, lùng nhùng, ọp ẹp, cũng tự thương cảm cho chính cái thân mình, đã ngoài năm chục tuổi đầu mà dám chuyển dịch chỗ ở từ Bắc vào Nam, từ căn nhà tồi tàn này đến căn nhà tồi tàn khác, vợ thì dại, con thì nhỏ, có nuôi nổi nhau vào những năm cả nước đang gặp khó khăn thời hậu chiến? Chí lớn tài hèn chỉ được cái miệng với cái bút, với cái vốn liếng vớ vẩn ấy thì làm được trò trống gì! Nói cho cùng, nhân vật Tư Tốn dám vứt bỏ tất cả để được sống trọn vẹn cho một niềm tin, còn hắn, hắn có dám buông bỏ tất cả để được sống trung thực với ngòi bút của mình không, để khỏi phải tủi hổ với nó, ân hận với nó lúc cuối đời? Nhân vật của hắn đang bước tiếp những dòng cuối cùng trong cái chập choạng nửa mê nửa tỉnh của cơn hấp hối, còn hắn, hắn phải sống những hai chục năm nữa nếu như sống được tới tuổi ngoài bảy mươi, liệu hắn có bị chết dần mỗi ngày một chút trong lòng bạn đọc đã theo dõi hắn từ buổi hắn mới chập chững bước vào nghề văn?