tự truyện
Chương 25

Sau chuyến đi vào Vĩnh Linh hắn thương vợ hơn, tôn trọng vợ hơn, và tự nhận vợ hắn quả đã có công lao rất lớn trong cái sự nghiệp văn chương của hắn, là một nửa sự nghiệp của hắn. Hắn vốn lười, lại kém tháo vát ở những việc không tên, lại sống trong cái thời nửa chiến tranh nửa hoà bình mọi thứ đều thiếu thốn. Trong gần hai chục năm gia đình hắn chỉ có mỗi cái quạt tai voi dùng trong mùa hè, cái quạt về sau lại hỏng một bộ phận nào đó không quay được, cứ chĩa thẳng về một phía mà thổi gió nên trẻ con nằm vài ngày là ho sốt ngay, nên vợ hắn phải dùng quạt nan quạt suốt đêm. Nghĩ lại cái cảnh tượng ngủ trưa mùa hè ở Hà Nội vừa thương vừa nhớ, ba con nằm ba góc chiếu, chồng nằm trên nền đất, còn vợ nằm ghé nửa chiếu nửa đất, cái quạt nan trên tay phe phẩy không lúc nào ngưng, lắm lúc buồn ngủ quá vợ hắn vật cánh tay cầm quạt lên người chồng, là hắn đã cằn nhằn: "Em ngủ rồi à, không quạt nữa à?" thế là cánh tay cầm quạt lại nhấc lên, hơi gió lại thoang thoảng bay qua người và hắn lại tiếp tục ngủ. Nói cho cùng vợ hắn lấy hắn, rồi về sống ở Hà Nội, lại làm cái nghề liên quan đến nghệ thuật là sự lựa chọn nông nổi. Lầm lẫn tai hại. Ðất Hà Nội và đất nghệ thuật cần cái giả dối hơn là cái chân thật, vui buồn giả dối, nhan sắc giả dối, học vấn cũng giả dối, mọi sự giả dối ấy đều rực rỡ, loé sáng dưới các lớp đèn mầu của thành phố và cái thật thà, cái hồn nhiên, cái mộc mạc của những vừng quê hoá ra thô lỗ, hoá ra vênh váo, không thể ăn khớp trong cái guồng máy nịnh người, lừa người của cuộc sống thành phố. Vợ chồng hắn sống với nhau đã 45 năm, vợ hắn cũng đã là người của thành phố từng ấy năm mà vẫn không bỏ được thói quen mời khách ăn cơm là cầm cả bát cơm lẫn đôi đũa ấn vào tận tay khách, cứ như vẫn bày cơm trên nia trên mẹt đặt dưới đất của cái thuở xa xưa nào. Mới lấy nhau chồng đã dặn vợ ăn cơm ở thành phố khi nhai không nên há to miệng, không nên nhai cơm, húp canh, cắn cà thành tiếng vừa khó nghe vừa khó nhìn. Lại cãi người ăn chứ có phải ma ăn đâu mà không có tiếng động, với lại có đi ăn cơm khách bao giờ mà phải quá giữ ý, còn khách đã mời đến nhà là khách thân cả, chồng thành phố vợ gái quê ai chả biết. Người già lục phủ ngũ tạng tanh bành hết duy hàm răng vẫn trắng đều, vẫn khoẻ, cắn miếng cà nghe cứ giòn tan, các con nhìn nhau cười, còn chồng thì nhăn mặt, gần năm mươi năm ngồi ăn cơm với nhau mỗi lần nghe vợ cắn quả cà anh chồng vẫn cứ phải nhăn mặt. Ðã bảo vợ sống ở thành phố phải biết che đậy, biết giả dối, chả hại ai cả chỉ để giữ mình khỏi thành trò cười thôi. Dạ vâng một hồi lúc tối, sáng hôm sau vẫn sống nguyên như cũ, bảo không thể sống khác được, ăn khác đi ăn không ngon, nói khác đi nói không xuôi, vậy biết làm sao hở trời! Ði lĩnh gạo ở bếp ăn của chồng, thấy bạn chồng đứng chơi ở cổng Tạp chí Văn nghệ Quân đội là xuống xe ngay để vào chào. Một người hỏi: "Cái thằng ấy không lấy gạo giúp vợ lại bắt vợ tới lấy à?" Thế là nói một thôi một hồi, nào anh ấy bận viết, nào anh ấy lười, mọi việc nhà đều đùn cho vợ, vợ đẻ cũng trốn, con đau cũng trốn, trốn đi tỉnh, trốn vào ngủ ở cơ quan, nhà em là sướng nhất đấy! Bạn của hắn đều là lính cả, lính đã đùa thì gái thành phố còn phải hãi nói gì gái quê. Nên họ mới nói rằng họ không bao giờ bắt vợ phải làm việc nhà, không bao giờ bắt vợ xếp hàng đi chợ hoặc tệ hơn bắt vợ đi lấy gạo ở bếp cơ quan. Vợ họ là những bà hoàng, chỉ có sinh con, nuôi con vì đàn ông không thể thay được nên đành chịu để vợ phải chịu cái đau, cái vất vả một mình. Ðể bù lại họ đã... Họ nói đùa nói giỡn nhưng vợ hắn lại nghĩ là thật cũng giận chồng mất mấy ngày vì chồng đã coi mình như con ở, không tôn trọng vợ, giúp đỡ vợ như các bạn của chồng. Nhưng khi hắn hỏi: "Vậy mấy bà ở quê em, là các bà chị của em, chồng đi đánh Pháp suốt tám, chín năm, ở nhà nuôi con một mình, vừa chạy giặc càn, vừa chạy bữa ăn thì trách ai?" Thế là cúi mặt, tủm tỉm cười: "Chuyện! Thời xưa khác thời nay khác". Hắn được thể lại nói: "Thế thời nay không phải là thời chiến tranh à? Một dãy nhà này đã có ba bà vợ nuôi con một mình để chồng đi B, các bà ấy than thở với ai?" Thế là im luôn, thì đã bảo vợ hắn vốn nhẹ dạ cả tin mà. Ở thành phố, lại sống trong giới nghệ thuật, đôi lúc cũng nên nói dối một tí cho bạn vui, mình cũng vui, như một thứ tra dầu, bôi mỡ cho cỗ máy sinh hoạt chạy êm hơn, nhẹ hơn. Chả hạn, bạn cho sách, gặp lại nhau nên nói dối một tí: "Mình mới đọc một lượt, có ấn tượng tốt lắm, để đọc thêm một lần nữa mới có ý kiến được" hoặc " Ðọc rồi, cuốn này viết được lắm; thích hơn cuốn trước". Nghe bạn bè nói thế mình nói theo một câu; chả mất gì mà bạn lại vui. Hoặc gặp một cô bạn làm nghề ngâm thơ, đọc truyện đêm khuya, cũng nên khen dối một câu là giọng vẫn truyền cảm lắm, giọng vẫn đẹp lắm, hoặc cô bằng tuổi vợ tôi, mỗi lần gặp cô về nhìn lại vợ thấy bà ấy già hẳn. Dẫu cô em có thét lên: "Ðừng có nịnh! Cái miệng ông nói ai mà tin!" Nói thế nhưng mà thích lắm đấy, vui lắm đấy. Ðó là nghệ thuật sống của những người ở thành phố. Hắn cũng đã bảo vợ chớ nên thật thà quá, thật quá là lạc điệu, thi thoảng cũng nên nói dối một tí cho giống với mọi người. Và vợ hắn đã tập nói dối, với ai, với ông Hữu Mai là một ông đùa không cười, một người hay nói dối như hắn cũng không dám nói dối với Hữu Mai. Ông Hữu Mai hỏi: "Anh ấy vừa có cuốn sách dầy lắm, chị tiêu làm sao cho hết tiền nhuận bút?" Nghĩ là bạn chồng nói thế để hỏi vay tiền, vợ hắn vội nói: "Chả được bao nhiêu đâu anh ạ, cầm về có ít lắm". Lại hỏi: " Ít lắm à, có được một ngàn không?" Chối ngay: "Làm gì được nhiều thế hả anh? Chỉ có mấy trăm thôi". Ông đùa không cười nhăn mặt đầy vẻ thông cảm: "Họ tính toán thế nào mà lạ thế nhỉ? Như chúng tôi một cuốn sách gần hai trăm trang phải được lĩnh chín trăm mấy chục đồng tiền nhuận bút. Anh ấy tính hiền quá nên họ dễ bắt nạt, chứ nhầm lẫn gì mà lại tính hụt tới quá nửa số tiền có thật. Anh ấy không dám nói thì để tôi nói cho, chiều nay tôi sẽ sang hỏi đám tài vụ của nhà xuất bản giúp chị". Cái số tiền ông Hữu Mai nói đúng cả số chẵn lẫn số lẻ nên mặt vợ hắn vừa đỏ vừa tái, vội thanh minh cho chồng: "Chắc là nhà em mới đưa cho em một ít, chưa đưa cả". Ông bạn chồng lại ra vẻ giận dữ: "Hắn giữ lại một nửa để làm gì, để cho gái hả, cái thằng ấy thế mà hỏng, ông Vũ Cao biết chuyện là kỷ luật nặng đấy!" Lại cuống quýt thanh minh một lần nữa: "Chắc không phải đâu, có khi nhà em đưa cho mẹ em giữ cũng nên". Vẫn chưa buông tha: "Chị cũng phải hỏi bà cụ cho biết chứ, hơn sáu trăm bạc đâu phải ít tiền. Chị không dám hỏi cứ để tôi hỏi". Hỏi mẹ chồng một số tiền mà cả vợ lẫn chồng đều chưa nói tức là muốn giấu, còn chết nữa! Chả lẽ vợ hắn phải oà khóc và thú nhận là đã nói dối. Thấy cô gái quê đến nói dối cũng không biết cách nên ông hay đùa nghĩ cũng thương tình: "Trong mấy ngày tới chị phải hỏi anh ấy xem đầu đuôi thế nào. Bọn tôi đã lĩnh tiền nhuận bút là phải đưa hết cho vợ, có cần tiêu gì lại xin vợ chi cho. Vợ là nội tướng mà lại!" Tối về nghe vợ kể lại câu chuyện đối đáp với ông Hữu Mai, hắn vừa giận vừa buồn cười. Khốn nạn ai bảo lấy vợ nhà quê đem lên thành phố làm gì, lại sống chung với những người làm văn làm báo làm nghệ thuật mới thành trò cười cho chúng bạn. Vợ hắn cũng là diễn viên đoàn kịch nói của quân đội được mấy năm, diễn vai nào cũng hỏng, giọng thì mượt mà nhưng không biết cách diễn, ra sân khấu đi lại cười nói cứ cứng đơ, đành phải vào vai ma, trùm một cái khăn xô trắng từ đầu tới gót, bước qua bước lại trong cái tranh tối tranh sáng, hoặc vào vai quần chúng hò hét, nói qua nói lại dăm ba câu trong đám người lố nhố ở một góc sân khấu. Thì vẫn cứ là người làm nghệ thuật, vẫn phải học nghề làm nghệ thuật, tối về lại hỏi chồng ông đạo diễn Nga này là người như thế nào, ông viết kịch Ðức kia là người như thế nào, và rất nhiều thuật ngữ của nghề diễn mà hắn cũng chỉ mới được nghe lần đầu. Hắn tuy là người viết văn nhưng lại rất sợ bàn chuyện văn chương và những lý luận này khác của văn chương. Hắn chủ trương chấp nhận mọi phong cách nghệ thuật, mọi cách nhìn, mọi quan điểm rồi tuỳ cái tạng của mình mà thâu nạp, biến hoá. Vợ hắn thấy chồng trả lời thờ ơ mọi câu hỏi cho rằng hắn là thằng ích kỷ, chỉ muốn tiến bộ một mình, không muốn dắt kéo vợ cùng tiến theo. "Anh sợ vợ anh đầu óc mở mang thì không dễ bắt nạt như trước chứ gì?", vợ hắn đã có lần đay nghiến hắn thế. Hắn liền hỏi lại, chị Sửu ở đoàn chèo có học hành gì đâu, đàn bà đã lớn tuổi mà say sưa tối ngày thì là cái giống loài gì? Vợ hắn nín thinh, hắn lại nói tiếp: "Chị ấy thuộc cái giống loài các nghệ sĩ rất có tài, tài bẩm sinh, em đã xem chị ấy diễn trích đoạn Suý Vân giả dại rồi đấy! Học thế nào được, bắt chước thế nào được mà cũng chả có phương pháp nào, lý luận nào giải nghĩa nổi. Nó là cái huyền bí muôn đời của nghệ thuật". Nhưng vợ hắn không thể nghe ra, không thể hiểu nổi và về già đã nói thẳng: "Anh đã coi khinh tôi, ruồng rẫy tôi từ ngày ấy".
Cũng trong những năm ở đoàn kịch, vợ hắn chả có vai diễn nào khiến người xem phải nhớ, nhưng sau mỗi chuyến đi của đoàn vợ hắn vẫn có thêm rất nhiều bạn bè thuộc nhiều quân chủng mà đoàn kịch tới phục vụ. Có ông cán bộ cấp trung đoàn viết cho vợ hắn: "Trong những ngày được gần gũi đoàn anh chỉ để ý có mình em thôi, mọi lời nói của em đều đẹp, mọi cử chỉ của em đều đẹp, em là đại diện cho mọi vẻ đẹp của các cô gái quê vùng đồng bằng Bắc Bộ..." Cũng như các cô gái vùng đất lửa Vĩnh Linh, họ đều rất trẻ, rất đẹp nhưng là cái đẹp trong hy sinh, trong vô vàn những vất vả của mỗi ngày, cái đẹp trong khói lửa chiến tranh. Nếu kéo các cô ấy ra khỏi môi trường họ đã sống, theo chồng ra Hà Nội để làm một nhân viên cửa hàng mậu dịch hay một cơ quan nào đó thì họ lại trở thành các cô gái nửa quê nửa tỉnh rất khó chịu, rất vô duyên vì họ đã phải chối bỏ những cái vốn là phép mầu của mình để học đòi những cái vốn là khắc tính của mình.
Trong những năm 60 hắn viết rất khỏe, cái nào hắn viết cũng đọc được cả, các nhà phê bình đã nói về hắn khi kết bài là "một cây bút trẻ có triển vọng". Năm 1960 hắn được giải nhất truyện ngắn Một cặp vợ chồng của tuần báo Văn Nghệ. Rồi hắn viết truyện vừa Chuyện người tổ trưởng máy kéo đăng trên Tạp chí Văn nghệ. Năm 1961 hắn đưa in tập truyện ngắn đầu tiên Mùa lạc. Năm 1962 in tiếp tiểu thuyết Xung đột quyển 2. Năm 1963 ra tiếp tiểu thuyết Một chặng đường và các truyện Hãy đi xa hơn nữa, Tầm nhìn xa, Người trở về, Gia đình lớn. Năm 1968 in tiểu thuyết Ðường trong mây.
Nửa năm sau những năm 60 chiến tranh đã lan ra cả nước. Miền Bắc sau mười năm được sống trong hoà bình lại phải đối mặt với bom đạn của chiến tranh, không phải chỉ một vài năm mà sẽ kéo dài tới ngày cả nước đã giành được độc lập và thống nhất. Mình thì quyết tâm thế nhưng Mỹ cũng không thể chịu thua, một cuộc chiến tranh của Mỹ, không chỉ có tiền bạc, sinh mạng lính Mỹ mà có cả danh dự một siêu cường ký cược vào đó. Nên hắn lo lắm. Một đời người phải tham gia những hai cuộc chiến tranh lớn, là cuộc đọ sức dài ngày giữa một nước nghèo và yếu với những nước giầu và rất giầu, mạnh và rất mạnh, quả là ê ẩm. Chả có việc gì được hoàn thành trọn vẹn trong vòng mười năm hoà bình cả, gia đình dang dở, nghề nghiệp dang dở, thậm chí đến chỗ ở, chỗ làm cũng tạm bợ, cũng có thể đổi thay. Và không thể hình dung trong mười năm nữa mình sẽ như thế nào, vợ hắn đã tỏ rõ cái gan lì, cái tháo vát, cái tự lập và coi những vất vả của cuộc sống thời chiến chả đáng là cái gì. Vẫn cười đùa, vẫn làm đẹp theo sự chỉ dẫn của chúng bạn, tính toán mọi việc thản nhiên, bình tĩnh như có thể sống với những cái không bình thường, những cái tạm bợ đến hết đời. Một gia đình bỗng chốc phải chi tiêu những mấy nơi, mẹ và con trai lớn đi sơ tán ở trại trẻ quân đội, hắn có lúc làm việc ở Hà Nội có lúc làm việc ở nơi sơ tán, còn vợ và con nhỏ lại ở một nơi sơ tán khác cùng với cơ quan. Một tuần vợ hắn vẫn phải về Hà Nội một lần, ngủ lại một đêm để sáng sớm hôm sau đến của hàng nhà thờ mua hàng ở các ô phiếu, phiếu thịt, phiếu cá, phiếu nước chấm, cả phiếu đậu phụ cũng phải mua. Thịt lọc nạc làm ruốc hay kho mặn, mỡ rán lấy mỡ đổ vào các lon gigô, cá kho mặn hoặc rán, đậu phụ cũng rán, làm hì hụi cả buổi trong một khu nhà rộng mênh mông chỉ còn lưa thưa vài bóng người, lại là khu dân cư ngay dưới chân cầu Long Biên, cầu lại chưa bị sập nên máy bay quần đảo cả ngày, còi báo động cũng hú suốt ngày, và những tiếng loan báo trên đài máy bay tới gần, máy bay đã bay xa ra rả từ sáng đến tối như đã là một phần của cuộc sống thành phố. Khoảng 3 giờ chiều, vợ hắn buộc các làn túi vào xe đạp lên chỗ trại trẻ đưa thức ăn cho mẹ và thăm con, đi vào những giờ máy bay hoạt động mạnh nhất, cứ đạp xe lững thững, vừa đạp vừa tính toán những việc phải làm, số tiền phải chi tiêu và chương trình sẽ phải đến nơi này nơi kia trong tuần, tuyệt nhiên không để ý đến còi báo động, đến tiếng loa báo xa gần của máy bay, và cả tiếng bom nổ nếu không phải ngay trên đường mình đi, vợ hắn nói với hắn thế. Vợ hắn đến chỗ mẹ và con trời đã xâm xẩm tối, lại lăn vào nấu nướng một bữa ăn tươi, giặt giũ khâu vá quần áo, trò chuyện với gia đình cho bà cháu ở trọ, biếu quà, gửi tiền trọ mỗi tháng, sáng hôm sau lại đạp xe sang cơ quan của chồng, ra chợ mua thức ăn làm một bữa cơm thành phố để chồng và các bạn chồng được ăn ngon một bữa, khoảng gần tối mới trở về cơ quan của mình, tắm rửa và cho con nhỏ ăn, hỏi han công việc phải làm trong ngày mai và những ngày tới. Những công việc của vợ hắn trong năm năm sơ tán cũng là những công việc của chị Vách vợ ông thiếu tá hàng xóm, cũng là gái quê lên tỉnh, học vấn chỉ viết được một chữ ký, suốt những năm ở cùng một dãy nhà hắn chưa bao giờ nhìn thấy vợ chồng họ đi sóng đôi với nhau, cũng không thấy họ đi xem phim xem kịch cùng với con cái (giống hệt vợ chồng hắn). Ông chồng suốt ngày đọc sách, nghiên cứu, viết lách những gì gì, ăn cơm riêng, ngủ phòng riêng như ông chủ. Rồi ông ta phải nằm bệnh viện cả năm vì bị tai biến mạch máu não và chết ở bệnh viện. Hai con trai học hành dang dở, chả có nghề ngỗng gì, sau ngày bố chết thằng anh tự dưng mắc bệnh tâm thần, lúc đi trại, lúc ở nhà, hai đứa con gái xấu xí, lòng khòng, đã hăm mấy tuổi vẫn chưa có thằng con trai nào tới thăm hỏi, chọc ghẹo. Bà mẹ ngày một già đi, sáng sáng đội thúng xôi ra đầu đường ngồi bán cho những người đi làm sớm ăn vội. Bà vẫn cười nói suốt ngày, như đã lấy cái vui thay cho cái buồn, lấy cái cười để át đi tiếng khóc. Truyện ngắn Ðời khổ viết về bà Vách hai chục năm sau chính là chuyện của vợ chồng hắn, là sự tự nhận lỗi và bày tỏ lòng biết ơn đối với vợ theo cái cách của hắn, dẫu sao vợ hắn vẫn may mắn hơn bà Vách vì công sức một đời đã được chồng con đền bù. Nhưng vợ hắn lại không cần được đền bù bằng cái danh của chồng hay sự trưởng thành của con cái, vợ hắn vẫn nói: "Tôi không cần cái danh của anh, cũng không cần tiền bạc của chúng nó, tôi cần cái tình cảm kia, sống được một năm như vợ chồng bác Ðiềm rồi chết tôi cũng hả!" Bác Ðiềm là bà chị ruột của vợ hắn, hơn em gái gần hai chục tuổi, chị sinh con đầu thì mẹ sinh con út, em bú chị, cháu bú bà, mẹ chết sớm thì chị buôn bán nuôi em, coi em như con. Năm hắn lấy vợ thì ông anh rể của vợ đạp xe xích lô, còn bà chị thì buôn bán vặt vãnh ở cửa ga Hà Nội, con cái làm các nghề vất vả nhưng lương thiện và họ không hề hỏi vay tiền vợ chồng hắn bao giờ. Chính hắn cũng thích đến chơi nhà bà chị vợ và ông anh rể, nhà của họ ở trong ngõ sâu của phố Khâm Thiên, hơi lầy lội khi trời mưa và rất chật với một gia đình có những năm người. Mà lại hay bày cỗ bàn mỗi lần giỗ tết, khách mời ngồi chen nhau trên cái phản mộc, còn con cháu trải chiếu ngồi chen chúc dưới đất. Mâm mời khách có mọi đồ xào nấu của một bữa cỗ, còn mâm dưới chỉ có một đĩa thịt ba chỉ luộc, miến xào lòng và một nồi to canh bánh đa nấu với cua. Mà vui lắm, cười đùa rầm rầm, mặt ông lão đã đỏ ửng sau vài chén rượu, bắt đầu nói năng huyên thuyên, bà vợ cũng uống rượu rồi bước ra giữa nhà vừa hát vừa múa vì bà có máu đồng bóng. Con cháu ngồi xung quanh nhìn mẹ nhìn bà hò hét cổ vũ. Ðó là cảnh tượng một gia đình hạnh phúc, một cặp vợ chồng hạnh phúc như ước ao từ thời còn trẻ của vợ hắn. Những lúc giận dữ với chồng với con, vợ hắn lại gầm gào: "Thà tôi lấy một thằng phu hồ, một thằng đạp xe xích lô nhưng là vợ chồng thật, còn lấy một ông nhà văn vừa có danh vừa có tiền nhưng sống với nhau như khách trọ tôi cũng chả thiết đâu!" Vợ là của hắn, là tài sản của hắn, là một nửa của chính hắn lại có thể nghĩ về hắn lầm lẫn đến thế sao!