tự truyện
Chương 11

Nếu không có cuộc cách mạng giải phóng dân tộc năm 1945 thì chắc hẳn mãi mãi hắn chỉ là đứa con thêm con thừa, đứa con bỏ đi của một dòng họ. Nhờ có cách mạng, rồi lại nhờ có kháng chiến hắn đã trút dần được cái hồn nô lệ để chập chững tập làm người tự do. Nhưng làm người nô lệ, làm người phụ thuộc, người thích dựa dẫm thì quen, còn làm người tự do, người dám chịu trách nhiệm về những quyết định của mình thì còn lạ còn sợ. Cũng là may hắn lại chọn được cái nghề làm báo, viết văn để dần dần tự cải tạo mình qua những tính cách mạnh mẽ, quyết liệt của những nhân vật hắn ái mộ. Hắn vốn ngưỡng mộ những người anh hùng, đặc biệt là những anh hùng trong thất bại. Người anh hùng trong thất bại bao giờ cũng tự toả sáng từ bên trong, gương mặt ưu tư của họ trở lên cao quý và thường gây được ấn tượng lâu dài trong tâm thức hắn. Hắn rất sợ những gương mặt mãn nguyện, tự bằng lòng với mình, nó nông và dung tục, kể cả cái bản mặt của chính hắn khi được đưa lên mặt báo sau ngày được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2. Một cái mặt hả hê đến thế còn hy vọng gì có thể viết được những trang văn hay hơn những cái đã viết.
Lại nói về những gương mặt, hắn rất mê những gương mặt của bạn bè lúc đã về già. Gương mặt của Nguyên Ngọc lúc già đẹp hơn lúc trẻ, đẹp hơn nhiều, tóc thưa đi nên vầng trán như rộng ra, gồ hẳn lên khiến cái đầu như lớn hơn với những nếp nhăn khắc khoải, ưu tư nhưng ánh mắt lại bình thản, lấp lánh trong đáy sâu như có một thoáng cười. Nguyên Ngọc kém hắn hai tuổi, vào bộ đội chống Pháp sau hắn vài năm, nhưng học vấn sâu rộng hơn hắn, sự từng trải ở chiến trường cũng nhiều hơn hắn, nhất là thời kỳ chống Mỹ, và tài năng viết lách cũng hơn hắn. Nguyên Ngọc còn là người say mê hành động, có kinh nghiệm trong hành động thực tiễn. Và còn là người rất quyết liệt trong niềm tin của mình. Tuy nhiên theo hắn, con người tư tưởng không cần biết tới sự nhân nhượng, không cần biết đến vùng đệm, những khoảng giữa, không cần cả đồng minh để giữ được sự trong sáng và trọn vẹn trong cách tư duy của mình. Anh ta có thể đúng mà cũng có thể sai nhưng vẫn là một cái mốc trên chặng đường tiến hoá về tư duy của đồng loại. Còn là người hành động thì lại hoàn toàn khác. Người hành động trước hết phải là người biết tổ chức sự cộng tác của nhiều người, có khả năng đoàn kết với nhiều loại người, biết nhân nhượng, biết nhẫn nhục, biết chờ đợi, biết biến hoá để cùng họ hành động cho tới ngày đạt được mục đích. Sự cô độc sẽ làm nhà tư tưởng lớn mạnh lên nhưng lại phá phách những điều kiện của người hành động. Nguyên Ngọc mãi mãi chỉ là người của tư tưởng, là nhà tư tưởng của thế hệ bọn hắn, với hắn thế là quá đủ, đủ để xem bạn như một hình mẫu lý tưởng để tự điều chỉnh cách sống và cách viết của hắn.
Một gương mặt nữa cũng có sức hấp dẫn hắn trong nhiều năm. Ðó là gương mặt của L.H.N. Anh ấy nguyên là bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phú, sau này còn là bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá. N. có gương mặt của người luôn luôn trăn trở, lo lắng vì cái trách nhiệm quá lớn của mình. Và anh rất thật thà, anh thuyết phục hắn ngay từ lần gặp đầu tiên vì sự chân thật. Phải là người tự tin, biết rõ giá trị của mình mới dám nói thật với người chỉ mới đọc văn chứ chưa biết người. Khi hắn hỏi về ông Kim Ngọc, cố bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phú dám làm khoán chui để dân bớt khổ, N. không tránh né gì cả, còn nói rất nhiều về mối quan hệ thân thiết của mình với người tiền nhiệm. Theo N. ông Kim Ngọc có hai điều đáng tiếc. Thứ nhất, ông ta dám làm một việc động trời mà chả có lý lẽ gì cả, chỉ nói là có lợi và nên làm. Còn các phái viên của trung ương về kiểm tra thì lại có quá nhiều lý lẽ để phản bác, cãi không được nên đành cúi đầu chịu tội, chịu tội nhưng vẫn ấm ức vì việc làm của họ đâu có giống với lý sự của trung ương. Thứ hai, ông Ngọc không biết dùng trí thức, ông dùng người bằng những quen biết trực tiếp nên anh trí thức đứng vòng ngoài. Phó chủ tịch tỉnh phụ trách văn xã là một bà nông dân, nhai trầu bỏm bẻm. Phó chủ tịch phụ trách công nghiệp là một ông thợ rèn. Một bà phó ban nông nghiệp cũng ăn trầu và chả biết gì về công việc của mình cả. Thủ lĩnh có chí lớn nhưng không có người cộng tác và trợ lý xứng đáng, không có một đội ngũ những trí thức trẻ làm hậu thuẫn phía sau. Biết là mình bị kết án oan và lý lẽ của cấp trên là giáo điều, tách khỏi sự vận động của đời sống, tách khỏi những mong muốn nóng bỏng của người nông dân, nhưng không có lý lẽđể bảo vệ, không biết cả cách bảo vệ. Khi nhận nhiệm vụ là bí thư tỉnh uỷ, anh N đã làm ba việc để tưởng niệm nhà cách mạng đơn độc. Một là, đưa khoán hộ vào nghị quyết của tỉnh uỷ vì lúc này trung ương đã nới tay rồi. Hai là, tư hữu hoá ngôi nhà của ông Kim Ngọc, định giá là hai trăm ngàn, lấy tiền trợ cấp của tỉnh bù vào. Ba là, xây mộ cho vị tiền nhiệm tại nghĩa trang của tỉnh. "Rồi anh N. hỏi hắn: "Làm thế có được không?" Hắn nói rất chân thành: "Lòng biết ơn đối với những người anh hùng đơn độc cũng là một hành vi đẹp của người cầm quyền". Mấy năm sau khi hắn về Thanh Hoá, cũng là quê gốc của hắn, thì anh N. lại là bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá. Hắn có hỏi anh: "anh đánh giá vị bí thư tiền nhiệm của tỉnh này như thế nào?"N. nói: "Trong nền kinh tế bao cấp ông H. rất giỏi, làm thâm canh giỏi, làm thuỷ lợi giỏi, huy động lương thực cho tiền tuyến rất quyết liệt, lại có năng lực tổng hợp. Nhưng khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường thì ông ấy không thoát được thân". Nhận xét về một người thất bại như thế là khách quan, vô tư và rất có tư cách. Anh N. cũng là một nhân vật lý tưởng để hắn nuôi dưỡng cái phẩm chất làm người của hắn.
Trần Kim Trắc cũng là một người hắn rất kính trọng về nhân phẩm cũng có một gương mặt tuyệt đẹp, nhàu nát những nếp nhăn, tóc bạc, râu bạc, lông mày, long mi đều bạc, trong cái nhìn cứ như ẩn giấu đâu đó một thoáng cười, không phải là cười giễu mà là cái cười khiêm nhường của người biết ơn, biết ơn cuộc đời đã rất tàn nhẫn với mình, biết ơn bạn bè đã từng gây nhiều khó khăn cho mình, như người đã vượt khỏi Sông Mê, đã tới bến bờ của sự Giác Ngộ. Hắn đã quan sát rất kỹ cuộc gặp mặt giữa nạn nhân với những người đã từng làm án nhân ngày kỷ niệm 40 năm tạp chí Văn nghệ Quân đội ra mắt bạn đọc. Những người "chân chính" như hơi ngượng, cười gượng, nói gượng, còn kẻ đã "phạm tội", đã mất nhiều chục năm sống khốn khổ khốn nạn thì cười nói nhỏ nhẻ, nhún nhường: "Dạ, thưa vẫn khoẻ", "Dạ, năm nay vừa tròn bảy mươi...". "Dạ, vẫn viết, tuổi già chỉ có hai việc, cõng chắt ngoại đi chơi, lúc chắt đi trẻ thì ngồi viết, viết cũng chậm lắm, nhưng vẫn có chút việc riêng để làm". Chả giận ai cả, chả oán ai cả, vẫn biết ơn đời, đời cho sống đến lúc tóc bạc để được gặp lại bạn cũ, một đời người mấy ai tránh được những rủi ro, những rủi ro đâu có sao, chả sao cả, nó vẫn là muối của đời... Gương mặt của Trần Kim Trắc mãi mãi ám ảnh hắn, cổ vũ hắn những lúc hắn vấp phải những chuyện buồn.