tự truyện
Chương 7

Trong cuộc sống thường nhật không mấy khi hắn phạm phải lầm lỗi lớn vì hắn luôn biết tự giới hạn trong cái có thể. Một đời người mà không có đôi ba lần dám mạo hiểm vào cái không có thể cũng xem như chưa từng sống, một kẻ đã chết khi còn sống, một kẻ vô tích sự. Hắn quả là một kẻ vô tích sự, chả thế bố đẻ hắn khi ngắm nhìn hắn ngồi ngẩn ngơ ở một góc nhà đã phải thốt lên đầy thất vọng: "Thằng mán tiền!" Một thằng mán tiền mà dám phiêu lưu vào địa hạt văn chương, là cái lãnh vực hoàn toàn không có thể với thân phận hắn, với tính cách hắn. Vậy hắn đã có phép thuật gì để tồn tại được, tồn tại trong suốt mấy chục năm? Cuộc biến hoá ở trong hắn xét cho cùng lại hết sức đơn giản và hoàn toàn không tự giác. Vì hắn không có tính cách mạnh, không có bản sắc rõ ràng, chỉ là cái rỗng không, nhưng cái rỗng không ấy lại có sức mạnh hút vào nó mọi màu sắc của cuộc sống mà chỉ một kẻ nhút nhát, yếu đuối, có nhiều khát vọng dang dở mới cảm nhận được. Hắn tự biến hoá thành đối tượng được quan sát một cách rất dễ dàng. Là anh hùng hoặc một tên tội phạm chỉ qua vài lần tiếp xúc hắn đã có thể lặn vào tận đáy sâu để tìm ra cái then máy bí mật đã chi phối mọi tính toán và hành động của người đối thoại. Cũng có lúc lầm nhưng thường là không lầm. Hắn chỉ sợ có hành động, bất kể hành động gì, là tốt hay là xấu, là lớn hay nhỏ, hắn đều không bịa được, vì hắn chưa từng làm, cũng chưa bao giờ dám thử làm. Hắn nghĩ như triết nhân, làm như con trẻ. Ðã làm là hỏng, dầu là một việc rất nhỏ hắn vẫn không thể biết nên bắt đầu từ đâu nên kết thúc như thế nào! Nhưng nghĩ thì khác, nghĩ ngợi nông sâu, xa gần là thánh địa của hắn. Năm viết Xung đột hắn mới 27 tuổi nhưng chỉ ngồi trò chuyện dăm buổi với chủ tịch xã Nghĩa Hoà hơn hắn gần hai chục tuổi hắn đã có thể biến hoá thành ông ta hết sức tự nhiên. Rồi hắn nghĩ theo nhân vật, nói theo nhân vật và hành động bằng tưởng tượng đúng với tính cách của nhân vật. Nhân vật văn học đã hình thành cùng hắn đi suốt cuộc hành trình gần ba năm là khoảng thời gian đi về xã Nghĩa Hoà, cũng là khoảng thời gian của cuốn tiểu thuyết.
Nhân vật Thuỵ là một nửa khác của chính hắn, là cuộc đấu tranh dai dẳng giữa một niềm tin trong trẻo với những ham muốn nhơ nhớp của đời thường. Khi nghe một cán bộ của huyện nhận định về Nhàn, phó chủ tịch xã, là một cán bộ có uy tín trong dân nhưng lập trường không kiên định, hắn nhận ra ngay cuộc giằng co khi thắng khi thua giữa niềm tin cũ thuộc về thiêng liêng với niềm tin mới của một Ðảng viên cộng sản. Cuộc đấu tranh này chính hắn đã từng trải qua, cho đến tận hôm nay, khi gặp một chuyện rắc rối không thể tìm ra lối thoát, hắn vẫn lẩm nhẩm khấn khứa: "Lạy trời, cho con qua khỏi được chuyện này, con xin tình nguyện giảm thọ mười năm để thoát ra khỏi chuyện này." Nhưng nhân vật Tam (cũng trong Xung đột) mới thật là mảnh đất hắn có thể tung hoành ngang dọc. Tam là một cán bộ rất trong sạch, rất thẳng thắn, chỉ một chút thiếu tỉnh táo mà thành kẻ phạm tội. Cái đau đớn của một kẻ có phạm tội thật nhưng chưa mất hết lương tri chả thấm vào đâu với một người không bao giờ nghĩ rằng mình có thể phạm tội mà lại hoá ra đã phạm tội, một cái tội vô tình đụng phải nó, rồi nhập làm một với nó, nằm trong danh sách những kẻ đã phạm tội, không có cách gì để thanh minh, để tách khỏi mình ra, để trở lại trong trắng như trước đó. Không có cách nào cả. Phải cúi đầu chịu một cái tội oan chả biết kêu với ai, chính mình kêu cứu với mình cũng thấy khó nghe khó cứu huống là với người khác. Vả lại với người đời, ngay cả với vợ con, với bạn thân tuy lắng nghe những lời bộc bạch với cái vẻ thông cảm nhưng dứt khoát không có một ai tin anh cả, không có một ai tin được anh là một kẻ hoàn toàn không có tội. Hạnh phúc không thể chia bớt với ai khác, bất hạnh cũng thế, phúc ai nấy hưởng, tội ai nấy chịu, mỗi người là một nắm mồ với niềm vui và nỗi đau của riêng họ. Hắn nhận ra điều đó khi đứa con trai đầu của hắn bị chết đuối ở sông Hồng. Bạn bè kéo đến nhìn hắn vật vã than khóc với những ánh mắt rất buồn bã, rất thông cảm. Nhưng khi hắn nằm vật ra giường vì quá mệt chợt nghe tiếng các bạn hắn ở đầu hè bàn nhau chỗ hẹn để đưa các con lên xe ra Ðồ Sơn nhân chúng được nghỉ hè. Là những giọng nói khác hẳn, rất nhẹ, rất vui của các ông bố hạnh phúc đang nghĩ đến một chuyến đi rất thú vị của bọn trẻ sau một năm ăn học vất vả ở những nơi sơ tán. Có thể hắn là một nhà văn có khả năng bẩm sinh thông cảm tức thời với mọi cảnh ngộ, nhưng đúng hơn, hắn đã từng là một đứa trẻ rất trong trắng chưa hề phạm tội nhưng lại bị những người thân, rất thân, buộc tội là thằng ăn cắp, và đã đối xử với hắn như một thằng ăn cắp thực sự đang sống lẫn lộn trong đám con cái rất nết na của họ. Những kẻ lương thiện bị những tình huống trớ trêu đẩy họ thành kẻ phạm tội một cách oan uổng luôn luôn làm hắn cảm động, làm hắn tò mò muốn được hiểu thêm nữa, nhiều thêm nữa, để thêm một lần được sống lại những ngày tháng bi đát đã thuộc về quá khứ. Ðược sống lại với cái buồn cái nhục tuổi thơ cũng là dịp để hắn được dùng những giọt nước mắt của tuổi già tưới lên một vùng kỷ niệm mãi mãi là nơi ủ ấm những đốm lửa sáng tạo trong sự nghiệp văn chương của hắn. Hắn tin rằng không ai có thể viết hay hơn hắn về hai ông cháu Vũ Hồng Khanh. Người ông vì không có những quyết định đúng ở mỗi bước ngoặt của lịch sử, trở thành tội nhân của lịch sử, đứa cháu thì chả biết một tí gì về ông ngoại mà một đời phải lận đận vì những hoạt động chính trị trong quá khứ của người ông. Hắn đã phải chịu cái tội của tổ tông, là những cái tội hắn không thể biết chứ đừng nói có liên can. Lại một ông cựu đảng viên, vào đảng từ thời Nguyễn Thái Học mới lập đảng rồi cũng chạy trốn sang Vân Nam, rồi nhớ nước quá lại quay về, ra đầu thú với chính quyền kháng chiến, đi tù dăm năm, lúc được làm người tự do mới lấy vợ, mới sinh con, gian truân từ trẻ đến già. Cũng là một kiếp người mà sao đau đớn thế, khốn khổ thế. Nhưng tự mình tìm ra tội, rồi tự mình sống thấp thỏm với cái tội tưởng tượng ấy gần trọn một đời người mới thật là một cực hình. Anh ta là một người có học, thuở mới lớn có tham gia rào làng cùng các chú bác anh chị, nghĩ là rào làng kháng chiến chống Pháp, nào dè lại là rào làng chống Việt Minh, vì đây là làng của Nguyễn Thái Học, địa bàn hoạt động của Việt Nam quốc dân đảng từ những năm 30. Kháng chiến thành công, anh phải đi tù vì đã có hành động chống cách mạng từ năm 1946. Ði tù năm năm anh được tha trước thời hạn vì là một phạm nhân gương mẫu. Từ ngày được tha, anh mới thật sự là kẻ có tội, thật sự sống trong tù. Cái tội do chính anh tưởng tượng ra và cái nhà anh đang sống với vợ con đã biến thành nhà tù, tự anh là giám ngục. Anh luôn luôn tin rằng mình là kẻ đang bị công an theo dõi nhất cử nhất động của anh đều được ghi chép rất cẩn thận, chỉ cần một chuyện gì đó về chính trị xảy ra ở trong vùng, thậm chí ở trong tỉnh là anh sẽ bị bắt lại ngay lập tức. Anh cười nói, đi lại hệt như một kẻ có tội đang bị theo dõi, lấm lét, khúm núm, nịnh bợ. Là người đàng hoàng ai lại sống như thế, đó là cách sống của một kẻ có tội, cái tội còn được giấu kín, cái tội ấy chỉ có một anh biết, và một cơ quan có nhiệm vụ theo dõi anh chắc chắn là có biết. Và đêm ngày anh ta sống trong sự chờ đợi, phải nói là mong đợi, được bị bắt để chấm dứt một lần cho xong cái kiếp người có mặc cảm là đã phạm tội. Hầu hết các nhân vật trong Một cõi nhân gian bé tí đều có mang tội với ai đó, đều có khả năng phạm tội với ai đó. Người ông có tội với đứa cháu ngoại vì đã để lại một di sản chính trị không được tốt đẹp cho con cháu. Người đàn ông có tội với vợ con vì đã không biết tổ chức một gia đình vững chắc để vợ con có chỗ nương tựa lúc thời thế đổi thay. Người chỉ huy có tội trước cái chết của chiến sĩ vì đã lên một kế hoạch tác chiến thiếu chuẩn xác. Ðứa cháu có tội với bà cô vì đã để bà phải sống cô đơn lúc tuổi già sau nhiều chục năm hy sinh cho anh trai, cho các cháu. Ông uỷ viên của viện kiểm sát cũng phần nào có tội trước những lỗi lầm của các phạm nhân nguyên là chiến sĩ đã từng đánh Mỹ chỉ vì họ không tìm được việc làm thích hợp mà thành can phạm. Xét đến cùng mỗi chúng ta đều ít nhiều có tội trước những bất hạnh của vô số người mà ta đã nguyện một đời phục vụ cho sự no ấm và an toàn của họ. Và ông bố hắn cũng là người có tội khi đã sinh ra hắn mà không có một trách nhiệm gì về cái sinh mạng bé nhỏ mang dòng máu của ông, lại còn vu tội cho hắn để ông được thanh thản rũ sạch cái phần trách nhiệm phải có của mình.
Cái mặc cảm chính hắn cũng là kẻ ít nhiều có tội trước những bất hạnh của bè bạn, của đồng nghiệp, khiến hắn sẵn sàng giải hoà, sẵn sàng nhận lỗi khi có điều kiện, không hề sợ bị mất mặt trước bạn bè, hoặc sợ bị cấp trên hiểu lầm. Năm 1987, Ðảng và Nhà nước bắt đầu đổi mới hệ thống quản lý kinh tế, xã hội và chính trị cho phù hợp với sự phát triển của đất nước, Ban thư ký Hội Nhà văn có giao cho hắn và nhà văn Xuân Thiều đi mời các nhà văn bị kỷ luật trong vụ án Nhân văn Giai phẩm trở lại sinh hoạt với Hội Nhà văn. Hắn đã nhận nhiệm vụ như kẻ được dịp lập công để chuộc lại nhiều lỗi lầm của mình trong quá khứ. Nhưng những người bị kỷ luật, trong quyết định chính thức là ba năm mà hoá ra kéo dài ba mươi năm, cũng có quyền bất bình, hờn giận với những người đi mời, có anh còn không muốn trở lại Hội nữa, là nhà văn ngoài Hội thì đã sao, vì Hội đâu có bảo vệ được họ khi họ gặp tai nạn. Hắn là tên đao phủ (như có người bạn đã gọi hắn thế trong một lúc quá giận), nhưng lại có bộ mặt của kẻ chịu án, không phải trong lúc này mà suốt mấy chục năm qua, chưa bao giờ hắn có bộ mặt vênh váo của kẻ hãnh tiến, kẻ thắng cuộc cả, chính là cái bộ mặt biết hối lỗi ấy đã khiến mọi việc hoá ra dễ dãi, hoá ra vui vẻ. Một người nói rất gay gắt, người khác lại bảo: "Thằng K. nó đã nói thế thì cũng nên nghe nó, nó cũng là đứa biết phải trái" - "Nó vì anh em mà vất vả, giận dỗi với nó mà làm gì!". Thế là xong, cuộc dàn hoà đã hoàn tất. Ông Trần Dần muốn đi khám bệnh và ông sẽ đi bằng xích lô. Hắn và Xuân Thiều bảo sẽ đưa xe của Hội tới đón ông, Trần Dần gạt ngay: "Mình thích đi xe của dân chứ không thích đi xe của quan". Hắn nói: "Anh không thích nhưng vợ con anh thích, ông Trần Dần đi khám bệnh bằng xe hơi của Hội là người hàng phố sẽ nhìn gia đình anh bằng con mắt khác, nói năng với vợ con anh bằng cái giọng khác". Hắn còn nói đùa: "Thần tiên sống bằng khí trời thì không cần, nhưng người phàm tục sống bằng gạo bằng muối thì vẫn rất cần". Trần Dần cười, không phải vì hắn nói hay mà vì lòng dạ hắn còn ngay thật.
Suốt một đời hắn chỉ sợ nói oan cho ai một truyện gì đó, vậy mà hắn vẫn nói oan và cả viết oan cho hai người bạn mà hắn còn nhớ. Trường hợp thứ nhất là với nhà văn Trần Kim Trắc. Hắn thuộc tên Trần Kim Trắc trước mấy năm khi được gặp mặt. Ấy là cả hai đều có tác phẩm được giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1952. Trần Kim Trắc được giải nhì với truyện ngắn Cái lu, còn hắn được giải khuyến khích với truyện vừa Xây dựng. Năm 1956, hai người mới được gặp nhau, khi Trắc là một cán bộ của Tiểu đoàn Ba lẻ Bảy lừng danh tập kết ra Bắc và về Phòng Chính trị quân khu 3 làm công tác văn nghệ báo chí thế chân hắn vừa được điều động về Cục Tuyên huấn. Trong một lần về Hà Nội họp, Trắc có gợi ý hắn nên về xứ Quỹ Nhất thuộc huyện Nghĩa Hưng để tìm hiểu một vụ xô xát lớn giữa đám thanh niên công giáo với một đơn vị bộ đội đóng quân ở đó. Trắc nói: "Cũng lớn chuyện đấy, phức tạp hơn trong Nằm vạ nhiều". Một tháng sau hắn bắt tay vào viết tập 1 của bộ tiểu thuyết Xung đột (quyển 1 gồm bốn tập). Năm 1957, Trắc cũng được điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội mới được chuyển trụ sở ra nhà số 4 phố Lý Nam Ðế. Nửa năm sau thì Trắc gặp nạn, một lỗi lầm trong sinh hoạt, cũng nhỏ thôi, gặp người phụ trách có lòng độ lượng thì chả có chuyện gì xảy ra cả, có thể vừa cười vừa trách nhẹ một câu là xong. Ðằng này mỗi người có mặt trong cuộc họp nói hùn vào một câu, chuyện lúc đầu thì nhỏ, dần dần hoá ra to, hoá ra nghiêm trọng, cuối cùng bản án anh phải chịu là hết sức nặng nề. Sáu năm sau, năm 1963, hắn có việc phải về Hưng Yên, bất ngờ gặp lại người bạn văn thiếu may mắn là nhân viên phụ động của Ty Công nghiệp tỉnh. Trời đã chạng vạng tối, cùng ngồi với nhau trong ngôi nhà lợp gianh của một thị xã xơ xác, tiêu điều, tối om như cái làng mới lập, nhìn nét viền của gương mặt bạn trong tranh tối tranh sáng mà hắn muốn ứa nước mắt vì xấu hổ, vì ân hận. Trong sáu năm qua, hắn và các bạn ở cơ quan cũ đã có một ai gửi tới người đồng đội gặp nạn một lời thăm hỏi, một lời an ủi? Hoặc một lời giới thiệu với cơ quan mới để bạn được hiểu đúng hơn, để bạn đỡ khổ hơn? Hắn vẫn được viết văn còn bạn hắn đã bỏ nghề từ ngày rời khỏi tạp chí, bây giờ chỉ còn lo kiếm sống chứ tâm địa đâu nghĩ tới chuyện viết văn. Lại nhiều chục năm sau nữa, đôi bạn oan nghiệt lại chạm trán nhau tại thành phố Hồ Chí Minh, bạn hắn tóc đã bạc phơ, lông mày lông mi đều bạc trắng, nhưng gương mặt lại rạng rỡ như được chiếu sáng từ bên trong. Trong câu chuyện hàn huyên sau nhiều chục năm xa cách, bạn hắn không hề nhắc lại nửa lời chuyện cũ, cái chuyện rất buồn, rất tệ của một thời, thăm hỏi đủ mọi người, chả giận một ai, chả nghĩ xấu về một ai, chỉ khi chia tay mới bảo: "Mình rất biết ơn chín năm làm anh bộ đội Cụ Hồ thời đánh Pháp. Không có cốt cách của một thằng lính thì khó mà chống đỡ những sóng gió của cuộc đời. Ðời rất dài ai mà tránh mãi được những chuyện không may".
Năm hắn 69 tuổi, trong một năm hắn nhận được ba, bốn lá thư của Vũ Bão, một bạn văn quen biết nhau từ thuở thiếu thời. Trong các lá thư Vũ Bão có nhắc lại một bài phê bình của hắn nặng về chính trị, nhẹ về văn chương, gần như kết án cuốn tiểu thuyết Sắp cưới của anh, in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1958, cách đây đã 42 năm. Quả tình hắn đã quên biến mất bài báo đó, quên từ lâu rồi. Vả lại họ vẫn gặp nhau trong suốt mấy chục năm ở Hà Nội, cùng uống trà chén ở các quán dọc đường, nói chuyện trên trời dưới đất rất hồn nhiên, rất vui vẻ, có ai nhắc lại chuyện cũ đâu mà nhớ, một lời bóng gió hằn học cũng không có. Vậy mà nỗi đau của bạn vẫn còn đó, nguyên vẹn, tươi mới như chuyện mới xảy ra trong ngày hôm qua, trong tháng trước. Thì ra người cầm dao không thể có cùng một nỗi đau với người bị chém. Vết chém lành nhưng vẫn còn sẹo, còn bàn tay cầm dao buông dao ra đâu có để lại vết tích gì. Trước ngày họp đại hội nhà văn khoảng một tháng, hắn lại nhận được thư của Vũ Bão. Lần này anh ấy yêu cầu hắn phải có mặt tại đại hội, bằng mọi giá phải có mặt, không được lẩn trốn để nạn nhân có thể đứng trên diễn đàn đại hội vạch trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa của một "tên sát thủ", một "dũng sĩ diệt đồng đội" trước mặt bạn bè. Nếu hắn còn ở tuổi 40 có lẽ hắn sẽ có phản ứng khác, nhưng hắn đã bước sang tuổi 70, đang sống mấy năm cuối của một đời người, một đời viết, đã từng có nhiều cơ hội để nhìn lại từng chặng đường của mình, những cái phù phiếm, những ganh đua con trẻ, hiếu thắng con trẻ và cách tự toả sáng cũng rất con trẻ đã tàn lụi theo năm tháng từ lâu rồi, phần còn lại khiến hắn không được an tâm là những lầm lỗi của mình, những lời nói bài viết kiêu ngạo, độc đoán một thời của mình, áp đặt một cách nghĩ đang được người đương thời ủng hộ và loại bỏ mọi cách nghĩ mà lúc về già hắn vẫn thường phải đối mặt, chuyện đời có, chuyện nghề có, chuyện trong gia đình cũng có. Hắn đã sống đời hơn nhiều, thêm tuổi thì mọi cách nghĩ ngợi của hắn càng gần giống với một ông già lương thiện, một ông già biết cách ăn ở lui tới, một ông già từng trải. Xem ra về già bạn bè thương hắn hơn, bạn đọc cũng yêu hắn hơn, và con cái cũng dễ thông cảm với hắn hơn. Là người biết nghĩ thì đã làm việc lầm lỗi phải biết nói lời xin lỗi, phải biết xin những người bị hàm oan mở lòng tha thứ và sẵn sàng chịu nhận những lời mắng mỏ, chửi rủa không chút oán hận. Hắn đến Ðại hội nhà văn với tâm trạng thư thái nhẹ nhõm vì đã tự giải phóng ra khỏi cái ngục tù vị ngã của mình. Khi cái người đã chuẩn bị bản án tuyên đọc trước đại hội hỏi hắn: "Bây giờ ông tính sao?" Hắn đã trả lời rất thản nhiên: "Ông hãy nói hết về tôi như ông đã chuẩn bị, phản ứng của tôi sẽ là tích cực". Vũ Bão lại hỏi: "Ông có lời nói lại không?" - "Không nói lại gì cả, không thanh minh gì cả, tôi chỉ xin lỗi ông trước đại hội thôi". Vũ Bão nhìn hắn với ánh mắt nghi ngờ: "Là thật sao?" Hắn đưa bài phát biểu đã viết sẵn vẻn vẹn chỉ một trang đánh máy: "Tôi sẽ đọc nguyên văn, không thêm một chữ, anh đọc trước đi". Nhưng hắn nói thêm: "Tôi đã có lỗi với nhiều người chứ không phải chỉ với một mình ông. Tôi muốn nhân dịp này được xin lỗi tất cả các anh chị đã có lúc tôi xúc phạm tới niềm tin riêng về nghệ thuật của họ". Sáng hôm sau Vũ Bão lại gặp hắn với lời đề nghị khác, rằng anh không muốn đem chuyện riêng của hai người ra nói trước đại hội, nhưng anh sẽ in lại lời xin lỗi của hắn lên bìa sau của tuyển tập Vũ Bão sẽ in trong nay mai và anh hỏi hắn có bằng lòng không? Hắn nói, lời xin lỗi của hắn là công khai, tuỳ người được xin lỗi muốn dùng cách sao đều được cả. Hai người nhìn nhau một lúc cũng lâu rồi đều cười, cả hai đều đã già, cái thời đòi sự thắng bại đã qua, chỉ còn lại một cách sống hiền minh giữa những người già, lại là những người cùng làm một nghề. Lúc chia tay để vào họp, hắn nói với Vũ Bão: "Ông có gặp Bùi Ngọc Tấn nói giùm tôi rất muốn gặp anh ấy". Vũ Bão nói: "Hắn cũng mới hỏi ông xong, đến bữa cơm gặp lại nhau nhá!".
--------
Pittoresque: quá đẹp (nên thiếu cái thật)