tự truyện
Chương 28

Sáng ngày 2 tháng 5 năm 1975, hắn và các bạn đồng nghiệp của nhiều cơ quan báo chí của Hà Nội và Ðà Nẵng theo đường số 1 vào thẳng thành phố Sài Gòn vừa được giải phóng trưa ngày 30 tháng 4. Trong khoảng hai chục năm hắn đã được bước vào hai thành phố lớn sau ngày được giải phóng. Một lần vào Hà Nội sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, và lần sau vào Sài Gòn sau chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Ngày vào Hà Nội hắn tìm mẹ và em theo địa chỉ cũ hắn được biết nhưng không gặp, chủ nhà mới dọn đến cũng không biết họ đã đi đâu. Hắn đến thị xã Hà Ðông lấy một số tài liệu rồi trở lại quân khu đóng ở thị xã Phủ Lý lòng tràn ngập buồn bã, thất vọng. Phải một tháng sau hắn mới nhận được tin chính thức qua người bạn cùng toà báo là hoạ sĩ Phan Bá Thọ, lúc này đã về Tổng cục Chính trị để chuẩn bị cho cuộc triển lãm lớn nhân ngày thành lập quân đội vào tháng 12 năm 1954. Lần này vào Sài Gòn hắn vẫn chưa biết rõ bố hắn và bà mẹ già còn sống hay đã mất, còn ở Sài Gòn hay đã theo con cháu chạy ra nước ngoài trong những ngày hỗn loạn vào giữa tháng Tư. Nhưng hắn vẫn tìm vì vẫn có một chút hy vọng mơ hồ rằng họ vẫn còn sống, còn ở lại Sài Gòn và bố con hắn sẽ được gặp lại nhau.
Trong một buổi tối gặp gỡ tình cờ giữa mấy anh em viết văn ngoài Hà Nội với mấy anh viết văn của Sài Gòn, theo hắn nhớ có vợ chồng nhà văn Vũ Hạnh, nhà văn Mai Thảo tới tìm gặp nhà thơ Xuân Thiêm, hình như họ có thời cùng học ở trường Ðỗ Hữu Vị, nhà văn Lưu Nghi tới tìm gặp nhà văn Nguyễn Văn Bổng... hắn có hỏi dò địa chỉ những người thuộc giới quan lại miền Bắc di tản vào miền Nam cuối năm 1964. Nhà văn thời bây giờ có thể có quan hệ xa gần với những người làm nghề tự do, hoặc giới doanh nhân, giới sĩ quan chứ ít ai biết tới giới quan lại. Các ông quan của chính phủ Nam triều do Pháp bảo hộ đã thuộc về một thời xa xưa lắm rồi. Hắn đã thất vọng, bỗng dưng một hôm nhạc sĩ Huy Du rủ hắn cùng đi thăm một ông bác họ cũng thuộc giới quan lại ngoài Bắc thời trước gọi là cụ phủ Trước. Thế là hắn đi ngay, hắn rất tin là ông cụ Trước có biết bố hắn nhưng lại sợ ông ấy thốt ra: "À, tôi biết, nhưng ông ấy mất rồi, mới mất..." Hắn mong mỏi được gặp lại bố và mẹ già còn khoẻ mạnh, còn tỉnh táo chỉ để thoả mãn một khao khát rất tầm thường, rất xoàng xĩnh là "được mặc áo gấm về làng". Áo mặc cũng chưa phải gấm võ gì, chỉ là áo lính thôi nhưng là người tử tế, có vợ con, có nghề nghiệp đàng hoàng, không đến nỗi mẹ đã là phường "mèo mả gà đồng" (như mẹ già đã mắng thẳng mặt mẹ hắn như thế) thì con cái không là quân lưu manh cũng phường trộm cướp chứ làm sao có số phận khác được! Không ngờ ông cụ Trước vừa nghe hắn nói xong liền cười ngay: "Còn sống, cả hai ông bà đều còn sống, chắc là chưa đi đâu đâu, đã già rồi còn đi đâu nữa. Nhưng tôi không nhớ phố, cũng không biết số nhà, để xem nào, anh nên đến nhả bà Ðại, bà này là cháu gọi ông cụ nhà anh là cậu. Nhà bà này ở..." Hắn ngồi nhờ xe hơi của nhà văn Nguyễn Chí Trung đến ngay nhà cái bà Ðại nào đó. Nhưng bà ấy không có nhà, chỉ có một ông chồng đã ngoài bảy chục tuổi với hai cô gái giúp việc, nhìn thấy hai ông lính Việt Cộng sầm sầm bước vào căn hộ thì sợ lắm, sợ đến không nói được. Mãi một lúc sau ông già mới bảo: "Bà nhà tôi không có nhà, có chuyện gì cần xin mời hai ông khoảng gần trưa quay lại". Hắn phải nói ngay hắn là ai, tới nhờ bà nhà giúp việc gì, toàn việc vui cả, việc trong nhà cả, không có gì khiến ông bà phải lo lắng. Nét mặt ông lão như giãn ra, ông đã hơi cười: "Ông cụ bên nhà mấy bữa nay người gày rộc hẳn vì có bao nhiêu tin đồn, nghe hãi lắm. Vậy ông là... sao không nghe ông cụ nói bao giờ...". Rồi ông nói nhà bố hắn chỉ cách chung cư này có một dãy phố, đường Quý Cáp, số nhà xanh căng xanh (55). Xuống các bậc thang của toà nhà chung cư đầu gối hắn như nhũn ra, hắn xúc động thật sự, giận thì vẫn giận nhưng vẫn thương, vẫn là cha con xa cách nhau còn kém một năm là vừa tròn ba chục năm mới được gặp lại. Lần gặp sau cùng vào tháng 6 năm 1946, ngày ấy mẹ con hắn đang ở nhờ nhà ông chú họ bên bố, trong cái ngõ cụt gọi là ngõ Yên Bái bây giờ, qua dãy tường chắn ngang trước nhà là khu nghĩa địa Tây, nay là khu nhà tập thể Nguyễn Công Trứ. Hắn nằm quay mặt vào tường, đắp cái vỏ chăn mỏng, tiếng người bố thầm thì những gì dài dòng lắm, có vẻ khó nói lắm, còn mẹ hắn không nói gì cả, chỉ khóc thôi, khóc cũng rất nhỏ. Rồi nghe bố hắn nói: "Tôi bây giờ cũng gặp nhiều khó khăn lắm. Chả giúp gì được mấy mẹ con đâu. Người ta sống được thì mình cũng sống được". Rồi nghe tiếng giày của ông bước ra cửa, hắn quay người lại còn thoáng nhìn thấy bố đã bước ra đến giữa vuông sân, lưng rất thẳng, tóc rất đen, mảng gáy rất trắng, vẫn là một người đàn ông còn trẻ, mới 46 tuổi chứ mấy. Hắn nhìn mẹ hắn, bà vẫn ngồi lặng lẽ một chỗ, cũng không ngoái đầu nhìn theo người đàn ông đã từng làm bà vui, bà buồn, đã cùng bà chống đỡ những cơn ghen tuông của người vợ cả gần hai chục năm, nay đã biến đổi tâm tính, vứt bỏ ba mẹ con bà một cách lạnh lùng vì thời cuộc đổi thay, từ nay họ sống hay họ chết ông không cần quan tâm tới nữa. Cái gia đình thêm này chỉ là kết quả của những năm tháng dại dột, dư thừa của thời trai trẻ, bỏ đi cũng chả có gì phải ân hận, phải hối tiếc. Và bây giờ, sau ba chục năm cách mạng, chiến tranh, đất nước chia dôi, gia đình phân ly nay tiếng súng đã tắt, khói lửa chiến tranh cũng đã tắt, tất cả lại hợp dần lại làm một, Nam Bắc, cha con, anh em, cả vợ chồng nữa, như một chuyện thần tiên, một chuyện trong mơ mộng, một chuyện không thể có thật mà hoá ra lại là thật, thật đến từng ngày, thật ngay lúc này, hắn vẫn còn sống và sắp gặp lại những người đã đuổi hắn đi. Hắn trở lại không phải là một kẻ khố rách áo ôm dẫn một lũ người rách rưới là vợ con hắn đến gõ cửa một gia đình quyền quý xin tiền, xin ăn, xin ân huệ mà là một nhà báo, một nhà văn của phe cách mạng, phe chiến thắng, của đội quân chiến thắng tới gặp một gia đình hắn đã từng là một thành viên bất đắc dĩ. Nhà của bố hắn là nhà trệt, mặt nhà hẹp, có một vuông sân nhỏ làm vườn, nhà của giới viên chức nhỏ được nhà nước cho thuê, hẳn thế. Hắn kéo chuông, cửa nhà trong mở và bà mẹ già của hắn mang kính râm như người đang đau mắt bước ra. Vẫn là gương mặt quen thuộc rất hiền của những người đàn bà xưa, tóc vấn khăn vẫn đen chỉ hơi lốm đốm bạc phía trước trán, dáng di chậm chạp, đứng trong cánh cửa phần trên có chấn song sắt, hỏi ra: "Ai hỏi gì thế?" Hắn nói nhỏ: "Thưa mợ con là K. đây!" Bà cụ như sững sờ khoảng vài giây rồi tươi ngay nét mặt: "K. hả? Cả nhà mong con mãi". Thế là bao nhiêu oán thù ti tiện của kẻ mới làm nên với bố mình, với mẹ già mình trong phút chốc mất sạch, chỉ còn thương thôi, còn mừng thôi, mừng bố mẹ vẫn còn sống, mình vẫn còn sống để có ngày được gặp lại nhau. Nhưng ông cụ đi vắng, bà cụ nói: "Cậu đi cắt tóc, tự dưng ông lão chống gậy bảo đi cắt tóc, đầu ngứa quá". Hàm răng đen của bà vẫn đều, chưa rụng cái nào, năm nay bà vừa tròn bảy mươi, mẹ hắn bảy mươi mốt, bà thứ nhất hơn bà chính thất một tuổi, lại xấu hơn, lại đã có một đời chồng mà sao ông già lại mê được nhỉ? Cũng là duyên số thế nào! Hắn ngồi chờ một lúc thấy mặt bà cụ tuy tươi tuy mừng nhưng vẫn thoáng có cái ngượng, cái lo, nó tuy là con cái trong nhà nhưng lại là một thằng Việt Cộng, tức là một thằng cộng sản, là cái quân thâm hiểm, đã nghĩ không bao giờ phải gặp lại mặt nó như âm dương đôi ngả, bỗng chốc nó lại lù lù hiện ra ngay ở cổng nhà! Hai mẹ con ngồi đối mặt nhau nhưng không phải là mẹ ruột với con ruột, ngoài vài lời thăm hỏi cũng chả biết nên nói với nhau những gì thêm nữa, vì một người muốn giấu và một người cũng chưa dám nói. Ví như phải hỏi các anh chị hiện giờ ở đâu, đã có gia đình riêng chưa, họ làm những nghề gì, còn ở Sài Gòn hay đã đi di tản. Cũng còn phải hỏi hiện nay bố mẹ ở với ai, các cụ sống bằng nguồn tiền nào. Thời thế thay đổi thì sẽ sống ra sao. Mẹ con không nói những chuyện cần nói ấy thì còn biết nói gì. Cái năm hắn về Hà Nội để tìm mẹ và em sau ngày giải phóng thủ đô, phải tìm đến lần thứ hai hắn mới biết mẹ đang sống với gia đình người cháu gọi bà là cô ruột. Anh ấy là y sĩ của chế độ cũ. Bà cũng không có nhà, cũng phải ngồi chờ vì bà hàng ngày phải đi bán trầu vỏ ở cùng một dãy phố. Ðã cho người đi gọi bà về nhưng hắn sốt ruột quá lại chạy ra ngoài ngóng, cũng lo lắng, hồi hộp không biết sau năm năm xa cách mẹ hắn có thay đổi gì nhiều không. Một lát sau hắn nhìn thấy bà cụ gánh đôi xảo từ xa đi lại, nhìn dáng người bước lểu đểu hắn nhận ngay ra mẹ, liền chạy ào lại, kêu to: "Mợ!" Bà cụ đứng sững lại, hất nón nhìn người gọi, nhận ra con, thế là nước mắt tràn ra chan chứa. Chả nói được câu nào cả. Hắn bước đi bên cạnh mẹ cũng chỉ hỏi được một câu: "Mợ vẫn khoẻ chứ? " - "Vẫn khoẻ, năm ngoái bị bệnh thương hàn đã tưởng chết". Mẹ con chỉ nói với nhau được có thế nhưng vẫn là nói rất nhiều bằng cái im lặng và những bước đi im lặng bên nhau. Về đến nhà mẹ hắn lại một câu thứ hai: "Thằng Toàn năm nay 19 rồi, nó cao cũng gần bằng anh mà gày lắm. làm sư bác ở chùa Hoè Nhai". Hắn nói: "Bán hàng thế này có đủ ăn không?" - "Ăn thì đủ nhưng lúc ốm đau thì lo lắm, cháu chứ có phải con đâu mà nhờ vả mãi được". Chả có câu nào mẹ nhớ con, mẹ mong đợi con, con về mẹ mừng lắm. Hắn cũng thế, chả nói được câu nào tình cảm như hắn vẫn nghĩ về mẹ trong năm năm xa mẹ.
Hắn ngồi chờ bố nghĩ ngợi mung lung một lúc lâu rồi xin phép về hẹn chiều sẽ quay lại. Bà mẹ già đứng lên tiễn, cũng không bảo ở lại ăn bữa cơm trưa đoàn tụ, không nói gì cả cứ như người cùng ở một thành phố lâu lâu lại thăm nhau để biết tin tức. Cũng có nhiều chuyện để nói nhưng không thể nói, đã biết hắn là người thế nào mà nói. Khoảng ba giờ chiều hắn quay lại, người ra mở cửa chính là bố hắn, vẫn nhận ra ngay nhưng đã lạ lắm, người gày tóp, tóc bạc trắng, bước di lom khom. Hai cha con cùng bước vào nhà lặng lẽ. Ông cụ nhìn hắn nói đi nói lại một câu như chả có chuyện gì quan trọng hơn để nói: "Không thể nào nhận ra anh, anh khác quá". Hắn cười mỉm: "Con năm nay bằng tuổi cậu lúc con về Nam Ðịnh". Bố hắn sinh năm Canh Tý, 1990, hắn sinh năm Canh Ngọ, 1930, năm 1945 bố hắn 45 tuổi, năm 1975 hắn cũng đã 45 tuỏi. Hai cha con, hai thời thế, hai số phận. Bố hắn lại nói: "Cái năm ấy chẳng qua là do hoàn cảnh...". Lời nói cứ nhẹ như không. Hắn nói liền: "Cậu mợ chả nên nhắc lại chuyện cũ làm gì. Ðược gặp lại cậu mợ là con rất mừng". Hắn đã nói rất thật lòng, cha con được gặp lại nhau sau mấy chục năm sóng gió đổi thay mới là chuyện lớn, chuyện quan trọng còn những oán giận một thời chỉ là chuyện nhỏ nhoi, vô nghĩa. Lúc chia tay bố hắn cũng không giữ lại ăn cơm, cũng không hẹn một bữa nào đó quay lại cùng ăn với gia đình một bữa cơm. Ðúng là họ đang có một chuyện gì đó rất khó nói, có thể nói với mọi người cùng cảnh ngộ nhưng không thể nói với đứa con đang ở phía bên kia. Và rất nhiều chuyện nửa vui nửa buồn sau đó mà hắn là nhân vật chính. Hắn đã rất chủ dộng và cũng biết điều trong mọi mối quan hệ, có nghĩa là người chiến thắng vẫn khiêm tốn, vẫn là đứa con của gia đình, đứa em của dòng họ, thưa gửi với mọi người kể cả với người làm ở các gia đình anh chị vì họ đều đã lớn tuổi. Hắn vừa trò chuyện vừa quan sát, và trong khi trò chuyện hắn luôn đặt mình là người đối thoại để không làm họ phật lòng, không làm họ buồn thêm và không giở giọng tuyên truyền chính trị bao giờ. Hắn quan niệm những việc đang diễn ra mỗi ngày, mọi người đều nhìn thấy, đều nghe thấy, là một thực tế có sức lay chuyển nhiều tín điều trước đây của họ. Một ông anh là thượng sĩ của chính quyền Sài Gòn, một người có những hai bằng tiến sĩ, hỏi hắn: "Tại sao lại có thể thế?", hắn trả lời rát nhũn nhặn: " Anh biết nhiều hơn em, nhưng nó đã là thế tất phải có những nguyên do rất xác đáng để nó trở thành như thế, phải tìm hiểu nó chứ không thể không chấp nhận nó". Chuyện nhà của hắn lại lồng trong chuyện nước ở vào một thời điểm lịch sử của dân tộc, mọi sự việc diễn ra trong tháng 5 năm 1975 đối với riêng hắn cứ như trong một kịch bản sân khấu theo cách viết cổ điển, lại thấm đẫm tính lãng mạn, hơi suớt mướt một chút, hơi "cải lương" một chút, cha con gặp nhau, Nam Bắc gặp nhau, quân xâm lược phải ra đi, dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập hoàn toàn, thống nhất được quốc gia sau hơn một thế kỷ nằm gai nếm mật. Quá đẹp như trong sự tưởng tượng của một tài năng văn chương hơi tầm thường, hơi đơn giản.
Hắn viết kịch Cách mạng như chép lại vở kịch của chính đời hắn. Chỉ khác là hắn loại hết mọi cảnh sướt mướt gặp gỡ, thăm hỏi, kể lể mà đưa ngay ông bố vào một tình huống hết sức khó chịu: trong những thành đạt của đứa con ông đã có phần công lao nào trong đó; ông có dám viết thư xin lỗi mẹ hắn hiện vẫn còn sống và đang ở Hà Nội? Hắn đã buộc ông phải đối mặt với chính mình, tự vấn mình và thú lỗi với khán giả. Hắn đã buộc các chính khách khôn ngoan của Sài Gòn phải trả lời những câu hỏi của một đại uý đội quân thất trận về thời thế, về thắng bại và cả về nhân cách của những người cầm đầu một quốc gia khi phải lựa chọn giữa quyền lợi của cá nhân và tính cách mạng, tài sản của dân chúng mà họ có trách nhiệm phải bảo vệ. Các nhân vật trong vở kịch buộc phải tranh cãi nhau, tố cáo nhau và nói hết những điều đã lâu họ rất muốn nói nhưng chưa có dịp để nói. Những lời nó tự bào chữa mà lại hoá ra tự buộc tội, đã từ lâu chỉ là lời nói thầm, nói với chính mình chứ chưa dám nói với ai này buộc phải nói công khai, nói không úp mở mà không có mặt một thằng Việt Cộng nào đứng đó gây áp lực cả. Việt, nhân vật gây sóng gió trong một gia đình, một dòng họ không xuất hiện một lần nào trên sân khấu, hắn chỉ hiện diện qua lời đối thoại của những người khác, màn kéo lên lại nghe nói hắn mới ở đây và chỉ vừa đi khỏi. Và các cuộc tranh luận vắng mặt hắn mới thực sự bắt đầu. Tất nhiên sự thắng bại trong cuộc sống không dễ dàng, rành rọt như trên sân khấu. Sau những ngày lãng mạn (cũng chỉ có một chút thôi) của cuộc trùng phùng cha con (hoàn toàn không mong đợi), ấy là diễn giải một cách văn chương, chỉ còn là sự tính toán tầm thường, thì vào cái lúc hỗn loạn có được một đứa con ở phe chiến thắng cũng là điều hay. Nhưng khi thời thế đã phân định rõ ràng, những tin đồn nhảm thưa dần đi, những cái lo sợ vô lý cũng nhạt dần đi thì sự có mặt của hắn chẳng những không cần thiết mà còn gây phiền phức vì cứ buộc phải nghĩ lại nhiều chuyện không muốn nhớ. Hắn càng ăn ở tử tế lại càng khó chịu, hắn được họ hàng tiếp đón như một thành viên chính thức của họ tộc, một thành viên sang trọng, hắn có mặt ở đâu là họ chỉ ngồi quây quanh hắn, trò chuyện với hắn và quên luôn các người con của bà chính thất, thì có thể nói tức đến ứa máu, đến ngạt thở. Năm 1976 hắn ra vào Sài Gòn đến vài lượt, lần nào vào hắn cũng đều có quà biếu bố mẹ, nhưng cái nhìn của ông bố cứ gườm gườm, ông có thể ngồi trước mặt hắn cả giờ mà không hề mở miệng, còn bà mẹ già thì cười rất nhạt, cái cười ớn rợn như của thuở nào. Thì ra họ chẳng thay đổi tí gì, vẫn còn nguyên vẹn cái ghét cái căm của ngày xưa, còn hơn cả ngày xưa. Tại sao thế nhỉ? Về sau hắn mới hiểu, người ta có thể tha thứ cho kẻ đã làm nhục mình chứ không thể tha thứ cho kẻ đã làm mình phải xấu hổ. Tha thứ cho những người đã từng làm nhục mình cũng là một khoái cảm của người thành đạt. Còn với kẻ đã làm mình phải xấu hổ thì tự giải thoát bằng cách nào? Phải bỏ hẳn cái mặc cảm là mình đã bị thua! Người ta có thể nhận là đã thua với người ngoài (cũng khó đấy!) nhưng không bao giờ dám nhận là thua với người trong gia đình. Thua ngay ở chỗ trốn nấp cuối cùng là thua hoàn toàn, thua triệt để, dẫu là thua với một đứa con!
Vợ hắn cũng thế. Cô ta có thể nhẫn nhịn chồng lúc còn trẻ vì họ vẫn bình đẳng trong trách nhiệm, trong kiến tạo một gia đình, anh kiếm ra tiền, anh có danh vọng nhưng tôi lại sinh cho anh những đứa con và chăm sóc nuôi dạy chúng khôn lớn. Anh có công tôi cũng có công, chả ai sống bám vào ai cả. Lúc trẻ hắn cũng đã nói với vợ nhiều câu rất tệ nhưng vợ hắn không để ý, không có mặc cảm thua kém chồng nên không chấp những câu nói thiếu cân nhắc của chồng. Hắn là người đọc sách, lại làm nghề của chữ nghĩa nhưng sống với vợ con giống hệt một người lao động làm nghề nặng nhọc, ăn to nói lớn, cười đùa rổn rảng, cáu gắt om xòm, sống quá hồn nhiên gần như tự nhiên đã để lại nhiều di chứng xấu cho con cái. Và vợ chồng hắn cãi nhau cũng giống hệt những gia đình bình dân, cãi nhau lúc sáng đến chiều đã làm lành, cãi nhau lúc tối đêm đến lại lăn vào nhau như chẳng có chuyện gì đã xảy ra. Nhưng về già thì phải sống khác, phải sống bằng những lề luật dã thành nếp nhà mới giữ được sự tôn nghiêm trước con cháu. Phải có nghệ thuật sống già. Ví như người già không nên nói to, cười to, không nên cáu gắt, la lối, khuyên bảo nhẹ nhàng thì được nhưng ra lệnh một cách nghiêm khắc là rất không nên, giới thiệu kinh nghiệm thì tốt nhưng khẳng định kinh nghiệm thì nên tránh. Có nhiều việc nên im lặng, nên lờ đi thì tốt hơn là biết, còn đã biết thì phải chọn người, chọn lúc để nói, có việc nói với con trai nhưng có việc chỉ nên nói với con dâu, có việc nên để vợ nói, lại có việc phải chính mình nói. Có khi nhờ đứa cháu nói lại tốt hơn chính ông bà nói. Ðều có luật cả. Luật vẫn thay đổi theo thời nhưng sự tôn nghiêm của những người già trong một gia đình thì xưa là thế nay vẫn là thế. Tóm lại về già phải sống bằng văn hoá chứ không thể sống bằng bản năng. Hắn rất sợ lời tán tụng: "người già mà tính trẻ". Thế là ra quái rồi, là nên lo chứ còn mừng nỗi gì!
Vợ chồng hắn về già không phải lo tiền bạc, không phải lo con cái, thế là sướng lắm, mà lại hoá ra có nhiều phiền muộn, vì giữa họ chưa tìm ra được một cách sống hợp lý của tuổi già. Cả hai đều lớn lên trong thời cách mạng và chiến tranh, của các cuộc cải cách xã hội, của sự đối nghịch giữa cách sống phong kiến, tư sản và cách sống xã hội chủ nghĩa, nói cho thật, cũng chả ai biết cái xấu, xấu như thế nào, cái tốt, tốt như thế nào, và gia đình mình phải sống như thế nào. Ðại khái sống có quá nhiều phép tắc, nhiều lễ nghi là cách sống của phong kiến, tư sản, sống hồn nhiên, giản dị, dễ dãi, có phần tuỳ tiện là cách sống của người vô sản. Những tiêu chuẩn giá trị mới chưa thành phong cách sống của một quốc gia, là nếp sống của mỗi gia đình, ở nơi công cộng thì sống và nói một cách khác, ở nhà sống với vợ con lại sống và nói một cách khác. Trong lề lối làm việc ở các cơ quan nhà nước lúc họp bàn, ra nghị quyết thì rất đàng hoàng, rất dân chủ nhưng trong quan hệ với dân, với nhau thì lại thiếu dân chủ và rất phong kiến. Người sống ngay thẳng, thật thà ngày một hiếm, người sống mưu mẹo, dối trá ngày một nhiều, con dối cha, vợ dối chồng, trò dối thầy, cấp dưới dối cấp trên, dân chúng dối nhà nước và ngược lại. Trong chiến tranh mọi người đều sống vì nghĩa lớn, đức hy sinh trở thành tính cách bao trùm của một dân tộc, mọi tham vọng cá nhân nhất thời bị loại bỏ, sống nay chết mai thì lúc sống phải cho đàng hoàng, lúc chết phải cho oanh liệt. Vào những năm ấy đã có một vị lão thành cách mạng trong một lúc cảm khái đã phải thốt lên: "Con người thời cộng sản chủ nghĩa cũng chỉ mong được như thế này". Và một vị khác cũng nói: "Ra ngõ gặp anh hùng!" Thời sau người ta hay đem những câu nói rất chân thật của một thời thành chuyện khôi hài lúc trà dư tửu hậu là rất nhầm. Cũng như lấy cái thật của một thời khái quát thành cái thật của mọi thời lại càng nhầm.
Nhiều năm trước hắn đã nghĩ, thời trẻ vất vả, thiếu thốn vẫn chịu được chỉ mong về già đời sống dư dật, con cái trưởng thành, được an nhàn tí chút là đã có phúc lắm. Về già hắn được sống đầy đủ hơn thời trẻ nhiều, hầu như không có gì phải lo mà hoá ra cuộc sống gia đình lại ngột ngạt hơn cả những năm còn trẻ. Có lúc hắn đã nghĩ đến cái chết để thoát khỏi cảnh ngộ nửa khóc nửa cười này. Với hắn là một tai hoạ bất thần ập xuống, không thể tính trước, không thể ngờ tới nhưng nghĩ cho kỹ, một gia đình sống tuỳ tiện, sống không có kỷ cương làm sao tránh được bi kịch lúc đã về già. Lấy ngay cái gia tộc của hắn làm một ví dụ: Ông nội hắn có những bốn bà vợ, bốn dòng con mà những đứa con của các dòng thứ vẫn rất hiếu kính với mẹ già, anh em một đời chăm sóc lẫn nhau và cả con cháu của nhau. Ðó là cách sống của các danh gia vọng tộc nên sự hoà thuận của anh em con cháu còn giữ mãi cho đến tận bây giờ, sau gần một trăm năm. Bà mẹ già của hắn xuất thân tầm thường, gặp may mà vào được nhà quan, lấy được chồng quan nên không biết cách ứng xử cho đúng với sự tôn nghiêm của một dòng họ, sinh ra ghen tuông, sinh ra hận thù, không chỉ hại đời mình mà còn hại cả đời con đời cháu. Cũng là một gia đình không tạo được gia pháp gia phong, nên chưa được một đời mà cả phúc lẫn lộc đều cạn kiệt, con cháu ly tán không kết tụ thành một tộc hệ, vinh dự cùng hưởng, hoạn nạn cùng chia.