tự truyện
Chương 26

Những năm 70 cũng là những năm hết sức quan trọng đối với một đời văn cũng như một đời người của hắn. Ông Trời đã chiều hắn một nửa, ít người được chiều đến thế. Nhưng ông cũng trừng phạt hắn một nửa, cái sự trừng phạt vừa bất thần vừa tàn nhẫn. Từ những năm này hắn mới hiểu ra lời khuyên của các cụ từ những ngày xửa ngày xưa: "Mất nhiều cũng chớ vội buồn, được nhiều cũng chớ vội vui". Trong mất có được, trong được có mất, nhất là được nhiều là tai hoạ sẽ tới liền nếu không biết giữ cái ngấn chừng mực. Khi vợ hắn sinh đứa con gái út vào năm 1970 liền được bạn bè bình luận: "Cái số thằng ấy đến là may mắn, muốn sao được vậy". Lại có người nói: "Nó có biết buồn là gì, một đời người không có buồn, không có thất bại làm sao viết được văn!" Thế là hắn bắt đầu sợ, vì đã linh cảm được một tai hoạ rất lớn đang tìm đường đến hắn, đến vào lúc nào, bằng cách nào thì hắn không thể biết, nhưng chắc chắn sẽ xuất hiện vào lúc hắn bất ngờ nhất. Cũng trong năm 1970 hắn đưa in một lúc hai cuốn tiểu thuyết: Ra đảo Chủ tịch huyện. Cuốn Ra đảo viết rất công phu nhưng bị chê vì tác giả đã lạm dụng tiếng địa phương quá nhiều. Quả thật cái giọng Quảng Trị, ngôn ngữ Quảng Trị là hết sức thích hợp với một vùng đất sóng gió, cát đá, bão tố. Con người cũng như được tạc bằng đá, cây cối của vùng đất này cũng gân guốc, nhọn sắc, đất và người đều đã quen với biến động, với chinh chiến từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, đất không hiền, người cũng không hiền và tiếng nói càng không hiền. Hắn là người hiền lành, thích nhân nhượng, thích rút lui nên rất ngưỡng mộ những tính cách đối nghịch: cái dũng mãnh, cái không khoan nhượng, cái quyết liệt. Và hắn đã tìm thấy những cái hắn thiếu ở những con người dọc ven biển Quảng Trị. Nhưng sự sùng mộ thiếu tỉnh táo ấy đã làm hỏng cuốn sách về phương diện nghệ thuật. Còn ở Chủ tịch huyện hắn và các nguyên mẫu bao giờ cũng có một khoảng cách, cái khoảng cách về tầm nhìn, tầm nghĩ, cái khoảng cách về tư tưởng. Tức là các nhân vật văn học đều cao hơn, đẹp hơn, lý tưởng hơn những mẫu người có thật, kể cả nguyên mẫu là một ông bí thư tỉnh uỷ nào đó. Vì cảm nhận của nghệ sĩ do đọc nhiều, biết nhiều, lại làm nghề nghệ thuật nên bao giờ cũng tinh tế, nhạy bén hơn các nguyên mẫu mà họ chọn lựa. Với hắn chỉ cần nghe một tiếng cười, nhìn một ánh mắt, nắm một bàn tay là đã biết được phần nào người nói chuyện với mình là đáng tin hay không đáng tin, là người có thể cộng tác được hay chỉ nên quen biết qua loa rồi quên đi. Và hắn đã truyền những kinh nghiệm của hắn cho các nhân vật của mình. Nói cho đúng các nhân vật văn học của hắn chỉ mượn các nguyên mẫu có cái vỏ ngoài, cài phần xác, còn cái phần hồn, cái phần tư tưởng của nhân vật thì vẫn là hắn, bất kể họ là bí thư tỉnh uỷ hay chỉ là chủ tịch một xã, là một nhà báo hay một lãng tử, một ông già đã gần kề cái chết hay một chàng trẻ tuổi đng háo hức bước những bước đầu tiên trên đường đời. Chủ tịch huyện được bạn bè khen, bạn đọc khen, còn ông Nguyên Hồng gặp hắn ở quán bia đường Trần Hưng Ðạo liền giơ một bàn tay lên và bảo: "Này, Chủ tịch huyện viết tốt đấy!"
Khoảng cuối năm 1970, hắn được đi dự Hội nghị các nhà văn Á Phi cùng với nhà văn lão thành Tô Hoài, họp ở New Delhi - Ấn Ðộ cùng với đoàn nhà văn miền Nam là Phan Tứ và Thu Bồn. Cả hai đoàn đều phải qua Mátxcơva, ở lại mấy hôm rồi cùng lên đường với các nhà văn Liên Xô trên một chuyến máy bay. Hắn đến Mátxcơva lần này là lần thứ hai cách lần thứ nhất mười ba năm. Lần trước hắn đi cùng đoàn Thanh niên Việt Nam tham dự Festival Thanh niên 1957, đi bằng xe lửa, qua Trung Quốc ở lại ít ngày rồi đi xe lửa tiếp qua vùng đất Viễn Ðông của Liên Xô rồi tới Mátxcơva. Chuyến đi cuối năm 1970 đi bằng máy bay IL.62, lần đầu tiên trong đời hắn được đi máy bay mỗi lần lên xuống muốn nôn thốc, rồi hắn lại nghĩ lẩn thẩn như một anh nhà quê, cái ống thép bọc kín chứa mấy trăm con người bay lơ lửng từ Á sang Âu lỡ nó rơi một cái thì sao nhỉ? Cho đến bây giờ mỗi lần đi máy bay hắn đều nghĩ nếu bất thần nó rơi xuống thì sao nhỉ? Thì chết cả nút chứ còn sao! Nên hắn sợ lắm, cứ bước chân lên máy bay là sợ. Hắn rong chơi nước ngoài khoảng nửa tháng rồi về, ở nhà được khoảng một tháng thì được lệnh đi chiến dịch Ðường 9 Nam Lào. Hắn đến nơi thì chiến dịch cũng đang hồi kết thúc. Bộ Tư lệnh chiến dịch giới thiệu hắn xuống một đơn vị xe tăng, rồi hắn đi la cà các đơn vị bộ binh khác, giữa các đợt đi ngắn ngày hắn lại về nằm khu lán của các phái viên thuộc nhiều Tổng cục của Bộ Tổng tư lệnh. Họ đã thay nhau đi xuống các binh chủng trong suốt chiến dịch để kiểm tra, đôn dốc những công việc của chuyên ngành nên mỗi người có cả một kho chuyện còn chưa nhạt mùi máu và mùi khói đạn của chiến trường, tối tối lại ngồi quây quần trên những tấm giát nứa thay giường, căng thêm một tấm vải dù lớn chắn gió, pha một bình nước trà đặc, hút thuốc cuốn, thuốc điếu, thuốc lào; bình luận, tranh cãi, tán róc đủ thứ chuyện, từ chuyện lính đến chuyện quan cho mãi tới nửa đêm. Chắc hẳn cái ông Vũ Trọng Phụng cũng đã được nghe vô khối chuyện buồn cười của cái thời ông ở những căn phòng chật chội, bẩn thỉu mà khách trọ mỗi đêm đều là dâng làng bẹp, dân nghiện lúc đã no thuốc thì thiếu gì chuyện để nói, toàn là những chuyện đã được chắt lọc, được ép nén thành biểu tượng, những điển hình cùng với những câu nói cửa miệng trong dân gian thời ấy, Xuân Tóc Ðỏ, bà Phó Ðoan, cụ Cố Hồng và cả một lũ lĩ người ngợm của một thời nhố nhăng chắc đã lần lượt xuất hiện trong những câu chuyện phiếm quanh những ngọn đèn dầu lạc của dân nghiện cả. Chính là các bạn hút có danh và vô danh đã cung cấp cho Vũ Trọng Phụng những mẩu chuyện quý giá, những điển hình quý giá để ông có thể xây dựng được cuốn tiểu thuyết hoạt kê bất hủ Số Ðỏ. Tất nhiên phải có cái thiên tài của Vũ Trọng Phụng nữa. Chính trong những ngày đi lang thang với nhiều đơn vị tham gia chiến dịch, gặp đủ mọi người cần gặp, nghe đủ mọi chuyện, toàn là những chuyện có thể vào thẳng văn chương được cả mà hắn đã nghĩ rất nhiều đến một tài năng tiểu thuyết rất mạnh mẽ mà hắn vô cùng ngưỡng mộ: Vũ Trọng Phụng.
Giữa năm 1971, không quân Mỹ lại bắn phá trở lại những tỉnh thuộc khu 4, thưa thớt hơn nhưng cuộc sống trong đó lập tức trở lại thời chiến như những năm 1965 đến 1968. Trong đợt bắn phá này, bên báo bạn mất hai người: anh Tô Ân và Tuấn. Hắn không thể nào quên được cái cảnh tượng đau đớn của gia đình Tuấn buổi chiều làm lễ truy điệu anh tại trụ sở báo Quân đội Nhân dân. Anh là con trai duy nhất của một dòng họ rất hiếm con trai. Bố mẹ sinh anh khi họ đã lớn tuổi, anh đã có vợ con nhưng đứa con đầu lại là con gái, nghe nói vợ anh đã mang thai, hy vọng đứa con sau là con trai thì cái mất của hôm nay chưa phải đã mất hoàn toàn. Cả hai cụ đều đã gần tám chục tuổi, tóc bạc phơ, bà dựa vào ông cứ run bần bật, ông cũng run, cả hai dúm xương da cứ dính vào nhau, đến một giọt nước mắt khóc con cũng không thể có, chỉ thấy hai tròng con mắt ngầu đỏ như đã bị đốt cháy. Hắn cùng bạn bè đến trước mặt hai cụ, đầu cúi xuống như kẻ có tội, là cái tội hắn đã có hai con trai nối dõi mà hắn vẫn còn sống, còn bạn hắn đến một giọt máu lưu lại cho bố mẹ dựa vào đó mà sống tiếp cũng không có. Ông trời cũng bất công, có gia đình ở Hà Nội, hắn đi lại từ năm còn học tiểu học, có năm con trai vừa là đàn anh của hắn vừa là bạn hắn đi đánh Pháp suốt tám năm, đến ngày hoà bình lần lượt trở về đủ năm người, không phải năm mà là tám người vì có thêm ba cô con dâu nữa, thêm hai đứa cháu nội là mười người, đi năm về mười là chuyện có thật. Còn một chuyện thương tâm nữa, là cái hồi sau của buổi lễ truy điệu, cũng là nghe nói chứ chưa hẳn đã là chuyện thật, cũng mong thế. Ấy là người vợ của Tuấn, y tá một bệnh viện, đã ngầm phá cái thai đã ba tháng. Vì chồng chết thì ai nuôi các con của cô, nuôi một đứa thì được chứ nuôi hai đứa chịu sao thấu. Bố mẹ chồng thì quá già, các bà chị chồng đều nghèo, xưa nay em trai vẫn giúp các chị chứ các chị giúp thế nào được em dâu. Cô ấy lại còn trẻ, mới ba mươi tuổi, gái goá hai con thằng đàn ông nào dám rước. Thương chồng và bố mẹ chồng thì vẫn thương, nhưng vì nhà chồng mà phải sống khốn khổ nhiều năm tháng còn lại thì không nên mà cũng không thể. Cái việc phá thai bảo là tàn nhẫn cũng được, mà bảo là nhân đạo cũng được, vì một người đã chết mà hành hạ những ba người còn sống, theo hắn mới thật là tàn nhẫn. Trong thâm tâm hắn ủng hộ việc làm của vợ bạn, hãy cứu lấy những người còn sống là việc quan trọng nhất, nên làm nhất. Hắn là nhà văn có tư tưởng tự do và cấp tiến mà lại. Nhưng vợ hắn về già lại nói với hắn trong nước mắt: "Anh đi rồi anh viết, hết cuốn này đến cuốn khác, người đưa kẻ đón, chả có lúc nào anh phải buồn cả, nhưng vợ anh một đời hầu hạ bố con anh mà không được một lời động viên, một câu nói âu yếm, chỉ có cau có với gắt gỏng thôi, sống như thế là khổ lắm nhưng tôi còn biết đi đâu bây giờ, ở với ai bây giờ. Chả lẽ lại về quê sống một mình chờ chết!" Lời nói ấy là lời nói từ đáy sâu địa ngục vọng lên, và cái người đã tạo ra cảnh địa ngục trần gian cho vợ mình lại chính là nhà văn tự do có tư tưởng cấp tiến. Trong một con người chả lẽ lại cùng tồn tại hai cách nghĩ hai cách sống trái ngược nhau đến thế sao!
Năm 1972 Mỹ ném bom trở lại thành phố Hải Phòng và rải mìn ở cảng, dữ dội hơn những năm trước. Các cơ quan của quân đội và dân sự lại rục rịch sơ tán lần thứ hai. Lần này mẹ hắn đi sơ tán với em trai hắn vì đã yếu nhiều. Còn hắn cho thằng lớn đi cùng với cơ quan của hắn vì nó đã lớn. Thằng bé mới 15 tuổi nhưng lực lưỡng, tháo vát như trai 18. Nó tự nguyện nhận làm những việc nặng phụ giúp chị nấu cơm người địa phương được cơ quan thuê đến nấu cơm cho bộ phận sơ tán. Lại nhận giúp các bạn đào hầm tại các gia đình đến trọ, tổ chức sinh hoạt văn nghệ mỗi tối để các bạn khỏi buồn, rồi viết cả đơn xin được tòng quân đánh Mỹ dẫu chưa đến tuổi. Những ngày nghỉ nó không đi chơi đâu cả, gánh phân ra ruộng giúp gia đình bố con hắn ở nhờ, giúp chị chủ nhà nấu cơm mỗi sáng sớm để chị có thì giờ chăm lo cho mấy đứa nhỏ trước khi đi làm. Và rất say mê nghe chuyện chiến trường của chú Ngô Thảo, vì chú là người của chiến trường mới được điều về tạp chí phụ trách phần phê bình, lý luận. Nó là đứa con có đầy đủ phẩm chất một công dân xã hội chủ nghĩa, là nhân vật tích cực trong các sáng tác văn học của bố nó. Nhưng thằng em nó, một đứa làm nghề kinh doanh gặp may mắn mấy năm gần đây đã bình luận về người anh cả nhân ngày giỗ của anh với bố: "Nếu ông H. còn sống thì cũng chỉ làm được một anh viên chức gương mẫu nhưng nghèo kiết là cùng, người tốt thế thì còn làm gì hơn được. Không chừng con lại phải cấp lương tháng như với ông K." Bố nó bảo: "Nếu còn anh H. thì làm gì có mày, tao đã có hai thằng con trai là quá đủ đâu cần đến một thằng thứ ba". Thằng con út cười toe toét: "Thế là số bố may mắn đấy, bố luôn luôn gặp may mà, thời này mà bố mẹ có trong nhà những hai thằng viên chức ăn lương tháng thì có muốn ăn bát phở mỗi sáng cũng phải tính toán". Nó nói một cách trắng trợn, một cách đáng ghét nhưng chả lẽ lại bảo không đúng? Trong thời gian phải rời Hà Nội đi đến những nơi sơ tán, mỗi gia đình phải làm thêm bao nhiêu việc mà chỉ có hai vợ chồng, các con đều còn nhỏ cả. Trong khu tập thể tai hoạ đã giáng xuống hai nhà trong những ngày này, một bà bị bom trên cầu phao sông Hồng trên đường đi thăm con, một bà bị xe quân sự cán chết ở Phùng trên đường về Hà Nội. Hai người đàn ông với một lũ con dại, với một đống công việc, không có người chia sẻ, mắt trõm sâu, môi nhợt trắng, mặt mũi lem nhem những râu ria không kịp cạo, nhìn vào mặt bạn hắn muốn ứa nước mắt. Còn hắn, hắn vẫn là người sung sướng. Lúc con còn nhỏ thì mẹ chồng chia sẻ mọi khó nhọc với con dâu để hắn yên tâm đi viết. Lúc con đã lớn thì con thay mẹ hầu bố để bố ngồi viết. Ngồi viết mà được con hầu cơm, hầu đào hầm nơi ở, hầu đun nước nóng để bố tắm một tuần hai lần khi trời vào rét và cũng một tuần hai lần giặt quân áo cho bố. Ðợt sơ tán thứ nhất hắn còn phải đạp xe đến cơ quan của vợ đưa tiền hàng tháng và nhiều thứ lặt vặt, đợt sơ tán thứ hai mọi sự đi lại hắn đều nhờ con cả. Hắn chỉ có một việc ban ngày ngồi viết, tối đến thì ngồi tán chuyện nhân tình thế thái với ông giáo chủ nhà, nguyên chủ tịch xã những năm đánh Pháp, mới trở lại nghề gõ đầu trẻ khoảng mươi năm nay. Cả hai ông bà đều ăn nói nhỏ nhẹ, cử chỉ khoan thai, đều thưa dạ với nhau, kính nhau như khách, thoạt nhìn hắn cũng ngượng, hơi khó chịu, với những người ruột thịt mà còn gò bó thế thì cái phần tự do của mình được dùng vào lúc nào. Nhưng ở lâu lại thấy chỉ có sự kính trọng lẫn nhau mới tạo được sự gắn bó và ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên với truyền thống của gia đình, bất chấp mọi thay đổi của thời cuộc. Người ở nông thôn mà xem ra cách sống lại văn minh hơn nhiều gia đình ở Hà Nội. Như gia đình của hắn chẳng hạn, gia đình trí thức mà sống buông tuồng, tuỳ tiện, bắt đầu từ chính người chủ gia đình, rồi đến vợ con cũng quen theo cách sống đó, cười nói rất to, gắt gỏng nhau cũng rất to, ăn cơm trải chiếu dưới đất, nồi nhỏ đặt giữa, nồi lớn đặt cạnh mâm, vừa ăn vừa dặn bảo công việc, nhồm nhoàm, hể hả, mồ hôi chảy nhễ nhại trên mặt bố mặt con như gia đình của mọi người lao động. Hắn thích thế, hắn tự hào được sống như thế vì hắn là nhà văn của giai cấp vô sản, thù ghét mọi biểu hiện của tầng lớp quí tộc và tư sản. Về già hắn mới biết, ở các xã hội trước, giai cấp vô sản là tầng lớp nghèo khổ nhất nên không làm chủ được vận mệnh của mình, tất cả đều tuỳ thuộc vào sự may rủi. Công ăn việc làm, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, nuôi dạy con cái ăn học gặp cơ may thì mọi sự trót lọt, không gặp may thì gia đình chia ly, con cái mỗi đứa đi một phương kiếm sống hoặc phải đi ăn đi ở cho những người giầu có trong họ, có chí và có điều kiện theo học thì học cũng giỏi, nhiều người rất giỏi, còn tự buông thả thì suốt đời vô học. Do nghèo đói nên gia đình thiếu kỷ cương, gặp đâu hay đó vì không thể tính trước, không có điều kiện để tính trước bất cứ việc gì sinh ra thói quen tuỳ tiện, rồi do quá túng thiếu, do buồn chán không tìm được lối thoát lại sinh ra cờ bạc, nghiện hút. Một gia đình như thế rất hiếm hoi sinh được nhân tài, vì nhân tài cũng như thiên tài đều phải được nuôi dưỡng, được chăm bón trong những môi trường thuận lợi. Chả nói đâu xa cứ lấy ngay chính hắn làm một ví dụ, người như hắn nếu không gặp được thời thế đổi thay thì suốt đời chỉ là anh làm công, lại nhút nhát, lại kém tháo vát thì chỉ làm thằng gác đêm tại các biệt thự hay các công sở ở Hà Nội. Cách mạng đã đưa hắn lên thành một người có danh vọng, nhưng cách mạng không thể thay đổi được nếp sống buông tuồng, tuỳ tiện từ nhỏ của một gia đình không có người đàn ông làm chủ, không có nguồn thu lợi nào bền vững đủ để tính toán được những việc của tương lai, cũng không có truyền thống học hành, giao tiếp và một nếp sống căn cơ như những gia đình đã nhiều đời ở Hà Nội. Hắn là người gặp thời mà nên. Thời thế có thể thay đổi vị trí xã hội của hắn nhưng không thể thay đổi được nếp nhà của hắn. Bây giờ hắn đã là người có danh, ngấp nghé tầng lớp thượng lưu của xã hội nhưng nhìn vào những ngày giỗ tết của nhà hắn thì vẫn là một gia đình bình dân thuộc tầng lớp nghèo của xã hội, cỗ bàn bát nháo, cúng kiếng bát nháo, cha con vợ chồng trò chuyện với nhau cũng bát nháo. Muốn thành một gia đình có nền nếp kỷ cương thì phải bắt đầu từ đời hắn ngay từ những năm hắn mới lập gia đình. Cũng vẫn còn chưa quen, hắn chưa quen, vợ hắn càng không quen nên phải có ý thức nhắc nhau cho trở thành thói quen. Sang đời con hắn may ra mới bắt đầu thuần thục, đến đời các cháu hắn mới trở thành thói quen, sống khác đi, xử sự khác đi là không thể làm đượ, không thể chịu nổi. Hắn có một người bạn lớn tuổi, biết nhau từ thời đầu chống Pháp, là đồng hương, đồng đội, về sau còn là người cùng một cơ quan, đó là nhà thơ XuânThiêm. Chồng là con ông ấm, vợ là con ông tuần, một đời khổ sở vì cái lý lịch quan lại nên cả vợ lẫn chồng đều cố gắng tự cải tạo thành người bình dân để khỏi bị chú ý. Nhưng tới ở đâu dầu chỉ là một căn phòng rất chật hẹp bà vợ vẫn phải mua mấy thước vải xô may rèm che các cửa sổ. Dẫu đã là người của giới lao động họ vẫn không thể quen sống trống trải, sống toang hoác không có một tí gì riêng tư để giữ kín. Con cái những gia đình sống không có kỷ cương chúng chỉ sợ có pháp luật, nếu lừa được pháp luật, hối lộ được pháp luật thì mọi cái đều có thể đối với chúng, kể cả hiếp người, giết người. Lại trở lại gia đình ông giáo. Lần sơ tán thứ nhất thì người con trai thứ hai của ông (con bà cả đã mất) vừa lên đường đi bộ đội, ở một đơn vị cao xạ đóng tận mãi Quảng Bình. Lần sơ tán thứ hai hắn vẫn ở nhà ông nhưng ông già đi, buồn hơn vì đứa con ở pháo cao xạ đã hy sinh vào giữa năm 1968 ở Ninh Bình. Anh trai nó cũng chuẩn bị lên đường theo đoàn cán bộ giáo dục của tỉnh vào miền đông Nam Bộ. Bữa cơm chia tay bố con, hắn cũng được mời tham dự. Anh con trai lớn của ông giáo kém hắn mươi tuổi, đã có vợ và hai con nhưng đều là con gái cả. Anh vừa ăn vừa nói chuyện với bố mẹ và mẹ kế, toàn những chuyện đâu đâu không đả động gì tới chuyện đi ở. Người vợ chỉ ngồi xới cơm cho chồng, gắp thức ăn cho bố và hai con, mắt toàn nhìn xuống. Bà mẹ kế cười nói gượng gạo, có lúc bà chống đũa nhìn chằm chằm cô con dâu, vè mắt của bà cứ đỏ dần lên. Lúc tiễn nhau, hắn đứng trong hè nhìn theo hai bố con ông giáo cùng đi ra cổng rồi bất chợt người con trai quay lại ôm chầm lấy bố, dụi đầu vào vai bố và cứ đứng nguyên như thế rất lâu. Người con dâu đi theo cũng quàng tay ôm lấy lưng bố chồng, hai đứa con gái, một đứa ôm chân bố, một đứa ôm chân ông nội. Một gia đình cắn răng chịu đựng mọi đau đớn để những đứa con được làm tròn nghĩa vụ với tổ quốc trong thời chiến.
Từ tháng 3 đến đầu tháng 8, hắn không đi đâu cả, miệt mài ngồi viết cuốn tiểu thuyết Chiến sĩ tại nhà ông giáo. Tháng 9 hắn ôm một cặp bản thảo về Hà Nội đưa cho nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Hai tháng sau nhà xuất bản trả lời nhận in, sẽ đưa vào kế hoạch in quí I năm 1973, khoảng tháng 5 sách sẽ được phát hành. Tết năm Quý Sửu là một cái Tết rất vui, tiền tiêu không thiếu vì hắn đã nhận của nhà xuất bản một khoản tiền ứng trước, đất nước hoà bình, lần này chắc là lâu dài, con cái đã lớn, trước mắt sẽ là những năm an nhàn hơn, hắn sẽ trượt dần vào tuổi 50 một cách êm ái, mãn nguyện vì hắn vốn cũng chả có ước mơ gì quá cao xa ngoài tầm tay với. Nhưng tới giữa tháng 5 thì thằng con khoẻ mạnh nhất, tháo vát nhất và rất yêu bố bị chết đuối ở sông Hồng. Chỉ trong vòng có một tiếng vắng mặt nó mà hoá ra mất nó mãi mãi. Hắn không tin được, không có cách gì khiến hắn tin được hắn đã mất một đứa con, lại là đứa trẻ hắn gửi gắm mọi hy vọng, mọi niềm vui của một đời người. Bỗng chốc mất trắng cả, tất cả trong một sớm một chiều hoá ra vô nghĩa. Hắn vật vã khóc than như đàn bà, ruột quặn đau, cái đau có thật, cái đau sinh lý, dẫn đến nghẹt thở. Mất con đau đớn đến thế ư? Vợ hắn đau đớn đết bật ra sữa non, đái ra máu tươi, nằm lăn lộn ở một góc đường để chờ con từ bờ sông trở về như mọi chiều nó vẫn đi bơi và trở về theo lối ấy. Những lúc tỉnh táo hắn lại chợt nghĩ đến gia đình ông giáo. Ông cũng đã mất một đứa con trai khi nó ở tuổi hăm hai, là lao động nông nghiệp chính của gia đình khi bố mẹ đã già. Nhiều năm sau hắn còn biết người con vào Nam dạy học đã trở về nhà sau ngày đất nước thống nhất, sống với bố mẹ, vợ con được một năm thì bị cảm đột ngột và mất trên đường cáng đến bệnh viện. Chết đột ngột trong dân nay nói là bị cảm mạo phong hàn mà chết, chứ cái chết ấy cũng là bệnh của chiến trường. Một người chết chưa vợ con gì, một người chết mới có hai đứa con gái, ông giáo sẽ không bao giờ có cháu đích tôn nối dõi, một dòng họ bị mất hương khói từ đây. Nghe nói ông gắng gượng sống thêm được vài năm rồi bị liệt, nằm thêm mấy năm nữa mới mất. Một người già hầu một người già nằm bất động trong năm gian nhà vắng lặng, lạnh lẽo, cái buồn ấy là cái buồn thiên cổ, cái buồn của thân phận làm người.