Dịch giả: Hằng Hà Sa và Bích Ty
XVI & XVII & XVIII & XIX

    
ột tuần sau khi hý viện bị đóng cửa, có một viên sĩ quan bước vào nhà Eddy, nét mặt có vẻ vui sướng và dễ thương, trong bộ đồng phục màu xanh da trời và mang huy hiệu phi công. Hắn nói ngay với Eddy:
- Tôi muốn đến thăm căn nhà nầy.
Và không chờ Eddy trả lời gì, hắn nhìn ngay vào phòng khách bên cạnh và hít hà ra vẻ thích thú lắm:
- Thật là một căn nhà tráng lệ, có bao  nhiêu phòng tất cả, thưa cô?
- Mời ông ngồi xuống đã.
Eddy muốn ngăn cản hắn đi vào phòng khác nên nàng mời hắn ngồi, nhưng viên sĩ quan tiến về phía cửa sổ.
- Chà cô có một khu vườn đẹp quá, thật là tráng lệ.
Vừa nói thế, hắn vừa móc trong túi ra một mảnh giấy và trao cho Eddy:
- Tôi là Trung úy phi công Varlaam. Bộ kiến thiết đã cho tôi căn nhà này của cô.
Eddy cầm mảnh giấy có tiêu đề và đóng dấu hẳn hoi ; đúng là lệnh tịch thu nhà nàng. Tay nàng run lên. Nàng thừa biết thế nào nhà cửa của người Do thái cũng bị tịch thu, nhưng không ngờ nàng bị tước mất nhà sớm đến thế nầy.
Nàng nhìn thẳng vào đôi mắt mở lớn của viên phi công và nói :
- Thưa trung úy, làm sao ông có thể đuổi người ta ra khỏi nhà để vào ở cho đành. Đó là một điều mà tôi không thể làm nổi.
Hắn đỏ mặt và nói :
- Tôi mong cô tha lỗi. Như tất cả mọi Sĩ quan chính phủ đã cấp cho tôi một căn nhà. Và tôi được mời đến xem thử tôi có vừa ý căn nhà nầy hay không. Đó là những sự kiện đã xẩy ra. Nhưng tôi không có ý đuổi air a khỏi nhà nầy cả. Xin lỗi cô, tôi cứ tưởng là  nhà nầy không có ai ở.
- Vâng, người ta đã xem nhà nầy như là vô chủ bởi vì là nhà của một người Do thái. Đúng thế, một gian nhà do người Do thái ở được coi như là một gian nhà trống, dù là một gian nhà do chính cha ông tôi tạo ra.
Varlaam nghiêng đầu chào:
- Đó không phải là lỗi tại tôi. Một lần nữa xin cô tha lỗi. Hoàn toàn không phải do nơi tôi.
Và hắn bỏ đi.
 
XVII
Ngày ngày Eddy Thall chờ lệng dọn nhà. Cái chết của Lidia, chuyện đóng cửa hý viện, chuyện xa rời Tinka, tất cả điều đó không làm cho nàng đau khổ bằng lệnh tịch thu nhà nàng, bởi lẽ căn nhà là nơi trú ẩn mà người ta có thể trốn vào đó để đau khổ. Thế mà nay nàng phải bỏ nó mà đi.
Trong lúc đó Max Reingold vẫn bình tĩnh ngồi đó, trên ghế bành với cặp da, áo quần thẳng nếp, kính gọng vàng như thường lệ. Ông bàn chuyện cùng nàng với tất cả thản nhiên như khi ông đang để cập đến những điều nhỏ mọn chứ không xem như là đang nói đến chuyện quan hệ cho cả cuộc đời của hai người. Ông thản nhiên như đang tính toán một việc gì, bàn cãi như khi đang làm một phép tính cộng hay tính trừ; thản nhiên, khách quan ông ta bảo Eddy:
- Điều may mắn duy nhất còn lại là chúng ta mở cửa lại hý viện. Vâng, mở cửa hý viện Eddy con ạ, năm lần lớn hơn, cho năm ngàn khán giả. Bác đã chuẩn bị sẵn sàng chương trình.
Nghe thế Edy rướn người lên một chúy? Max tiếp tục:
- Chúng ta còn điều may mắn đó, nhưng không phải ở xứ nầy. Chúng ta sẽ mở lại hý viện ở thủ đô Tel Aviv, tại Palestine. Và như thế chỉ còn một giải pháp độc nhất là chúng ta di cư.
Mắt Eddy Thall sang lên một chút xong lại buồn bã trở lại ngay. Max vẫn nói: Ở xứ Lỗ này chúng ta không còn làm gì được nữa? Tình trạng đã như thế này: hý viện bị đóng cửa, nhà cửa bị tịch thu, người ở bị đuổi ra khỏi nhà. Chẳng bao lâu họ sẽ nhốt mình vào trại tập trung; rồi đốt cháy trong những lò hỏa thiêu như câu chuyện đó xẩy ra ở các nước khác. Với lại, đây cũng không phải là quốc gia chúng ta, chúng ta là người Do thái, tổ quốc chúng ta là xứ Palestine. Cho nên giải pháp độc nhất là hungg ta phải di cư”.
Eddy Thall vẫn chưa nói gì. Max nói tiếp:
- Con không bằng lòng ư? Ít người Do thái hiện nay được may mắn di cư lắm. Thế mà chúng ta có thể di cư được.
- Thưa bác, con muốn suy nghĩ thêm chút nữa bởi vì có nhiều việc mà chúng ta khổ sở lắm mới từ bỏ được.
- Thế nhưng, chỉ phải rời khỏi nơi đây, con mới từ bỏ được khủng bố và nhục nhã.
- Con không muốn rời bỏ Lỗ Ma Ni. Con sinh ra ở đây và đã xem xứ nầy như quê hương. Mà quê hương cũng giống như một người đàn bà bác đã cưới làm vợ. Cho đến ngày nào đó, nàng đang hoàn toàn xa lạ với bác. Nhưng lúc nào nàng đã trở thành vợ bác thì bác sẽ yêu nàng hơn tất cả mọi người, hơn cả mẹ già của bác, hơn cả chị em ruột thịt của bác. Với nàng, bác có thể từ bỏ hết. Đối với quê hương cũng như thế. Dù đó là một xứ lạ. Đó là đất đai bác đang sống và bác khó lòng bỏ mà đi nơi khác được nữa. Lỗ ma Ni là nơi con đã sinh ra. Nó còn thân thuộc hơn cả chính tổ quốc của con là xứ Palestine nữa.
Max Reingold đứng dậy :
- Lý luận của con có vẻ hợp lý. Nhưng con suy nghĩ kỹ đi. Bác vẫn tin di cư là lối thoát duy nhất cho chúng ta. Và chúng ta chỉ còn giải pháp đó mà thôi.
 
XVIII
 
Eddy nói có vẻ van nài :
- Tôi cho vú một căn gác nhỏ, tôi van vú đừng vào nhà tôi nữa, nếu cảnh sát biết được vú ở đây, họ sẽ tưởng là vú còn phục dịch cho tôi thì phiền lắm.
Tinka đang đứng ở gần cửa, bà lên tiếng :
- Quan tòa Pillat không thể giúp tôi được gì sao ?
- Vú à, không ai có thể giúp đỡ chúng ta để chống lại luật pháp cả. Luật pháp còn hung bạo hơn cả thú dữ nữa.
- Nhưng tôi làm gì cho hết ngày đây.
Tinka nhìn Eddy trừng trừng và hỏi như thế.
- Thì vú cứ lên trên gác đi. Và làm việc. Nếu vú chán thì đi xem hát bóng.
Tinka lại khóc nức nở. Đi xem hát bóng ngay trong giờ làm việc như những người đàn bà hư hỏng thật là nhục nhã.
Tinka có thể làm bất cứ việc gì nhưng mà đi xem hát bóng vào sáng thứ ba chẳng hạn thì thực bà không tài nào làm như thế được. Nên vừa bước ra cửa bà vừa khóc ; lên nhà bà, bà uể oải nhúng áo quần bẩn vào chậu nước. Vào lúc đó, có tiếng gõ cửa. Hai người cảnh sát bước vào. Họ quan sát kỹ lưỡng các bức tường. Một trong hai người đến gần chậu áo quần, cầm cái áo cụt bằng vải thô lên xem, trong lúc Tinka nói gần như quát :
- Các ông không biết hổ thẹn khi dí mũi vào chậu áo quần của tôi sao.
Người cảnh sát vẫn tiếp tục nhắc tấm drap, áo quần, khăn tay, cố xem thử trong đống áo quần bằng vải thô của Tinka có lẫn lộn áo lụa hay áo vải của bà chủ hay không. Nhưng chỉ toàn là áo quần của Tinka thôi.
Bực mình, Tinka đuổi :
- Các ông đi đi, ra khỏi nhà tôi ngay.
Viên cảnh sát phản đối :
- Chúng tôi chỉ biết làm phận sự. Nhưng nếu bà tiếp tục nói như thế thì buộc lòng chúng tôi phải làm một bản cáo trạng về tội bà lăng nhục nhân viên công lực.
Nhưng Tinka vẫn tiếp tục chửi rủa tàn tệ :
- Ngay cả một con chó cũng không đến đây để chúi mũi vào chậu quần áo của một người đàn bà già đang giặt. Nếu đó là phận sự của ngành cảnh sát các ông thì chắc cảnh sát không phải là người.
Hai người cảnh sát bỏ đi qua các phòng khác trong khi Tinka vẫn tiếp tục nói một mình như muốn trút hết cơn giận dữ :
- Nếu cảnh sát chỉ có từng ấy công việc, nếu bây giờ có những luật lệ gởi cảnh sát đi xét áo quần đầy tớ, lục lạo trong những đống áo quần dơ của đầy tớ để tìm ra chính trị thì thôi, thế giới này thật đáng tởm.
Và Tinka khạc đờm vào sau lưng họ như là muốn nhổ đờm lên trên nghành cảnh sát, lên luật lệ và lên tất cả những ai đang làm ra luật lệ hiện hành. Sau đó bà nức nở khóc như đang đưa ma. Mái nhà thấp quá bà có khóc cũng không ai nghe, nhưng khóc được bà thấy nhẹ nhõm như có ai đỡ hộ một gánh nặng trong lòng. Bà lấy lại cam đảm và quyết định sẽ đối phó với cảnh sát, để trả thù cho tất cả những nhục nhã và bất công của họ.
Xuống cầu thang, Tinka vào nhà bếp của Eddy Thall. Vào được đó bà cảm thấy dễ thở quá. Đã một tuần rồi, bà không được vào tận bếp của nhà bà chủ mà bà sống ở đấy suốt đời. Vũ trụ của bà là ở trong căn phòng nầy, với nào là vòi nước, lò lửa, soong chảo, nào là những xó xỉnh đầy chén đĩa và ly tách. Không có công việc bếp núc, đời Tinka không còn ý nghĩa gì nữa. Với bà, đời sống có nghĩa là chợ búa, mua bán với ngày ngày những giỏ đầy nhóc ngò tây, khoai đậu ; đời sống của bà có nghĩa rửa khoai, rửa chén bát, là mùi hành đã thái thật mỏng. Với bà đời sống là cắt cà rốt thành từng khoanh tròn, là giờ ăn với mùi cháo thơm ngát, với thịt rô ti và những thức ăn tráng miệng. Tất cả điều đó đã chấm dứt với Tinka từ một tuần lễ nay, nên đời Tinka hầu như hoàn toàn trống rỗng.
Ở trong bếp, Tinka lại khóc, ngồi xuống chiếc đòn bằng gỗ, Tinka ôm mặt, nhìn soong chảo trên tường sắp ngăn nắp theo thứ tự to nhỏ qua làn nước mắt như qua một cửa kính đọng hơi nước. Bà nhìn lò lửa mà chính tay bà đánh bóng mỗi chiều.
Tinka nhén lửa và có cảm tưởng như được sống lại. Bà lại bắt đầu nấu nước và quét nhà.
Bà tự nghĩ : « Ngay cả nếu mình phải bị tù, hôm nay mình cũng cứ làm việc ở đây như thường ».
Eddy Thall không có nhà. Tinka bèn cầm giỏ đi chợ, hãnh diện được cầm giỏ xuống thang lầu, đi ngang qua các cửa hàng. Ngoài chợ, Tinka mua tất cả những gì có thể mua được, bà tiêu tiền như để sửa soạn một bữa tiệc, bà trả bằng tiền riêng của bà, bằng vốn liếng bà dành dụm bao năm trời. Rồi bà trở về nhà, thức ăn mua trong giỏ bà xem như là những chiến lợi phẩm, nên bà lấy làm kiêu hãnh đã ngang nhiên làm những điều mà luật lệ hiện cấm không cho bà được phép làm. Người cảnh sát gác đường nhìn bà khá lâu và mỉm cười, ông ta biết rõ bà Tinka lắm.
Ngày hôm đó không có vi phạm gì để ghi vào biên bản cả, không có khách hàng nào để thùng trống ở trên lề đường, không có người đầy tớ nào rủ bụi thảm trải nhà qua cửa sổ sau chin giờ sáng, không có xe chở hàng nào dừng ở giữa đường. Tuy nhiên, ông ta phải ghi gì trong biên bản chứ. Bỗng ông ta nảy ra ý kiến: “Mình cứ ghi là Tinka Neva tiếp tục phục dịch cho người Do thái” và như thế ông đi nạp biên bản
Tinka trở về bếp, trút thức ăn trong giỏ ra và bắt đầu rửa rau. Chính lúc đó cảnh sát vào.
- Chủ nhà của bà đâu? Họ hỏi:
- Cô ấy đi vắng rồi.
Tim Tinka đập mạnh, nhưng bà không hề sợ hãi; ở trong bếp, bà bình thản tiếp tục thái cà rốt.
Một người cảnh sát bảo:
- Bà không biết là bà không được làm việc cho người Do Thái sao?
Tinka nhỏ nhẹ trả lời:
- Cô ấy không hề biết là tôi sửa soạn bữa ăn. Hôm nay là lần đầu tiên không hiểu ai xui khiến tôi như thế nầy.
Người cảnh sát ra lệnh:
- Bà đi theo chúng tôi ngay.
Tinka tiếc nuối nhìn những miếng cà rốt đã thái mỏng, những miếng thịt trong chảo, những miếng thịt sắp làm rôti, nhìn son quánh, bếp núc, rồi nhỏ nhẹ nói với hai vị cảnh sát:
- Tôi xin lỗi hai ông.
- Không có gì đâu, bà cứ theo chúng tôi làm tờ khai xong sẽ được thả ngay.
- Tôi đã phạm lỗi, mong hai ông thứ lỗi cho.
Nhưng lúc một trong hai tắt ngọn lửa trên bếp, thì Tinka nổi giận ngay và bà lớn tiếng cãi vả:
- Tại sao hai ông lại dẫn tôi về bót?
Hai người cảnh sát cứ nắm tay bà kéo đi. Tinka cố trì lại và la to. Nhưng hai người đã nhắc bổng bà lên mang ra ngoài.
Tinka la lên một lần nữa nhưng tiếng kêu bị tắc nghẹn. Một bàn tay cứng như sắt bóp miệng bà lại, Tinka muốn cắn vào bàn tay lông lá đó nhưng không thể nào nhếch quai hàm được. Bà chỉ thấy mùi bàn tay sắt đang bóp miệng bà làm bà nghẹt thở. Người ta kéo lê bà ra khỏi hành lang, xuống cầu thang lầu. Thiên hạ hai bên đứng nhìn bà bị kéo đi như một tên ăn trộm. Tinka không còn vùng vẫy được nữa, cánh tay bà đau nhức và bàn tay nhét vào miệng bà làm bà khó chịu vô cùng . Bàn tay sắt đó là bàn tay của cảnh sát.
 
XIX
 
Ngày hôm sau, Eddy Thall được người chung quanh cho biết là Tinka Neva đã bị bắt. Người gác cổng tả lại cảnh vừa qua cho Eddy :
- Chúng khóa miệng bà ấy không cho la to, kéo xếch bà ấy và đánh đập tàn nhẫn. Cô phải đi thăm bà ấy mới được.
Eddy mang gói đồ ăn đến bót cảnh sát và xin được gặp mặt, nhưng ông cảnh sát trưởng bảo :
- Không thể gặp mặt được. Trường hợp của bà Tinka quá nặng. Chúng tôi sẽ đưa bà ấy ra tòa án mặt trận, vì trường hợp nầy thuộc thẩm quyền của quân đội. Chuyện vi phạm đạo luật về chủng tộc vì phục dịch cho người Do thái chỉ là chuyện phụ. Bà ấy đã phạm tội là nhục mạ Hoàng đế. Do đó, bà ấy có thể bị án khổ sai.
Nói xong, ông cò đọc bản cáo trạng cho Eddy nghe :
« Sau khi bị giữ, Tinka Neva đã có lời phỉ báng Hoàng đế trong đó người ta nghe thấy : Hỡi Hoàng đế, nếu mày ra lệnh cho cảnh sát đến kiểm soát áo quần tao đang giặt thì thật là mày còn ngu hơn một con sen nữa. Đó không phải là công việc của một ông Vua. Tao nhổ vào mặt mày bởi vì mày không có gì xứng đáng hơn là được nhổ nước bọt vào mặt. Tao chỉ là một người đàn bà lương thiện. »
Đọc xong, ông cò gấp hồ sơ lại, và nói với Eddy :
- Đó cô xem, có điều gì nặng hơn thế nữa không. tất cả nhân viên kể cả phạm nhân đều nghe bà ấy la to như thế cho đến lúc người ta khóa miệng bà lại. Vâng, cô nghe lại xem : « Hoàng đế, mày còn ngu hơn một con sen nữa và tao nhổ vào mặt mày vì mày không có gì xứng đáng hơn là được nhổ nước bọt vào mặt ». Đó, từng chữ một. Bà ấy phải sẽ bị xử trước tòa án mặt trận, cô không thể nào gặp mặt được.
Eddy Thall đành trở về nhà. Nàng gọi điện thoại van Pillat giúp đỡ gì cho Tinka Neva. Pillat bảo:
- Tôi sẽ xem hồ sơ của bà ấy ngay. Đúng ra, tội xúc phạm hoàng đế sẽ bị khổ sai. Tôi sẽ thu xếp ít nhiều cho trường hợp Tinka. Nhưng hiện giờ không thể nào trả tự do cho bà được. Vâng, không thể nào được. Tôi sẽ đến gặp cô chiều thứ sáu, chúng mình sẽ thăm Tinka một lượt. Bây giờ, tôi được bổ nhiệm vào làm ở văn phòng quốc trưởng, nên bận lắm. Nhưng thứ sáu tới khoảng năm giờ chiều, tôi sẽ ráng đến nhà cô.
- Cám ơn ông nhiều lắm.
- À, này, thế dự tính đi Palestine của cô ra sao rồi. Cô đã dứt khoát chưa?
- Thôi để chúng ta sẽ nói chuyện sau. Cám ơn ông, nhớ thứ sáu đến nhà tôi đấy nghe.
Và nàng gác máy điện thoại, ngồi khóc một mình.
Trong lúc đó, nhân viên công lực cũng vừa chuồi một tấm giấy màu xanh qua cửa sổ vào nhà Eddy. Đó là lệnh gọi của sở cảnh sát về tội Eddy vi phạm luật lệ cấm người Do thái dùng người giúp việc có đạo Thiên chúa.
Lần đầu tiên, Eddy thấy rằng lối thoát duy nhất còn lại là di cư. Và chỉ còn di cư đi Palestine nữa mà thôi. Nên nàng gọi ngay Max Reingold:
- Thưa bác, con đã nhất định muốn đi di cư. Đi đâu cũng được, nhưng càng sớm càng hay.
Nàng muốn kể cho max nghe về chuyện Tinka bị bắt, nàng bị Cảnh sát gọi. Nhưng Max có vẻ hấp tấp:
- Bác đang có hẹn với một vài người để lo việc di cư. Bác cũng biết là thế nào con cũng sẽ quyết định đi. Nên ngay từ đầu bác đã để tên con trước tiên trong danh sách. Tất cả đều được chính phủ chấp thuận. Con không thể nào không dứt khoát được, vì đó là lối thoát duy nhất, không có điều nào khác nữa, vâng lối thoát duy nhất đó con ạ.