Dịch giả: Hằng Hà Sa và Bích Ty
III & IV & V

    
ột quân nhân trong bộ quân phục màu xanh nước biển đang tiến vào phòng khách, nơi mà một giờ trước đây hai người cảnh sát đã đến. Tinka nói ngay:
- Chắc là tại tôi nữa đây, cô Eddy, thà tôi chết đi cho rảnh còn hơn gây cho cô bao nhiêu là lo lắng. Hồi sáng đã có hai người cảnh sát đến lập biên bản, bây giờ đến lượt một ông quan tòa quân đội nữa. Eddy, cô tha lỗi cho tôi.
- Tinka, yên đi nào!
Eddy vừa nói thế vừa bước ra phòng khách. Viên sĩ quan – nút áo vàng, cầu vai vàng – nghiêng mình chào Eddy một cách bối rối và e dè. Eddy biết thế vì nàng đã học được ở kịch nghệ cách xét đoán để biết một người nào đang tự chủ hay đang mất tinh thần. Người lạ mặt nói:
- Thưa cô, tôi mạn phép đến thăm cô. Tôi là đại úy thẩm phán Pierre Pillat. Tôi chắc là cô đã nhận được thư tôi rồi ?
Trong lúc Eddy tiếp tục nhìn khẩu súng lục và lon cấp bật, Pillat có vẻ muốn thanh minh :
- Tôi chỉ ở trong quân đội tạm thời thôi, vì tôi bị động viên.
- Thư ông làm tôi cảm động. Xin thành thực cảm ơn ông. Eddy nói thế.
Nàng mời Pillat ngồi. Cả hai đều cảm thấy câu chuyện khó khăn như là đang gặp nhau cách đây 15 năm.
- Tôi cần thú nhận với cô một điều, Pillat nói, là tôi nợ cô nhiều lắm. Bởi vì trường võ bị Hoàng gia Kichiev, chúng tôi phải chịu đựng một thứ kỷ luật sắt giống như kỷ luật quân đội ở nước Phổ. Chương trình học lại khó khăn. Không có cách nào trốn ra khỏi trường học được dù chúng tôi cố hết sức. Cho nên chúng tôi chỉ sống bằng mộng mà thôi. Bức ảnh của cô là một dịp để tôi mơ mộng. Mỗi đêm tôi mơ đến cô, như thế thật là đẹp …
Nói xong Pillat đỏ mặt.
‘’ Nếu tôi ở ngoại trú thì điều đó có lẽ không xẩy ra. Nhưng những đứa trẻ còn vị thành niên bị nhốt trong trại lính thì không thể sống mà không mơ mộng. Bức ảnh đã bị nhàu đi, xin lỗi cô, bởi vì mỗi ngày người ta đều khám túi, khám sách vở. Tôi phải dấu nó trong bao thuốc lá để khỏi bị tịch thu. Đúng là một nguy hiểm thường xuyên nếu cô bị tịch thu khỏi tay tôi … xin lỗi cô tôi muốn nói đến tấm ảnh của cô cơ !’’
Và chàng cười, Eddy nhìn đăm đăm vào cầu vai vàng có số hoàng gia, nhìn vào súng lục, dao găm mà Pillat đang đeo, tượng trưng cho sức mạnh và quyền uy.
‘‘ Cô có biết hồi tôi 15 tuổi tôi mơ gì không ? Tôi nguyện sẽ cưới cô làm vợ khi lớn lên và không yêu ai nữa cả. Tôi đã nghĩ lại điều đó đêm qua lúc ở hý viện. Tôi ngưỡng mộ cô hết lòng. Cô thật là phi thường trong vai hoàng hậu Saba. Vâng, phi thường. Xem vở kịch xong tôi bèn trở về kiếm bức ảnh và gởi hoàn lại cho cô.
- Trong thư ông có nói đến một người khác cũng hâm mộ tôi… Anh ấy tên là gì nhỉ, hình như là Boris …
- Boris Bodnar. Hắn biến mất từ hồi 15 tuổi. Hắn có bảo với tôi là hắn sang Nga. Từ đó tôi không được tin hắn nữa. Tuy nhiên tôi vẫn cố tìm hiểu về hắn. Tôi có viết thư cho em hắn. Đã có một thảm kịch xẩy ra giữa hai anh em. Khi còn nhỏ, Boris đã chọc thủng mắt em hắn, nên cha mẹ hắn không cho hưởng gia tài nữa. Angelo, em hắn, sau đó đi tu và cũng không biết gì về Boris nữa. Cho đến nay, không còn ai biết tin gì về hắn nữa.
Lúc đang nói, Pillat cố nhìn vào phòng ngủ qua cánh cửa hé mở.
Eddy có cảm tưởng là chàng đang nhìn những bức thư dưới tấm khăn giường. Nàng lấy làm lo ngại nên nói ngay:
- Tôi còn phải đi tập dượt bây giờ, nếu ông muốn, chúng ta có thể gặp nhau lại vào một dịp khác.
Nàng nhìn đồng hồ. Nhưng Pillat vẫn ngồi yên, chàng đang chú ý đến căn phòng. Nỗi lo ngại của Eddy lớn dần. Nàng đâm ra nghi ngờ, sợ rằng cuộc viếng thăm của viên thẩm phán này có một lý do nghề nghiệp.
Pillat hơi khó chịu:
- Tôi còn vài việc phải nói với cô nữa. Như cô đã biết tôi là một viên chưởng lý cho quân đội. Ở chức vị đó tôi biết được nhiều chuyện lắm.
- Như thế, ông đến đây để lập biên bản? À, thì ra bức thư và tấm ảnh chỉ là một cái cớ. Vậy bây giờ ông có thể bắt đầu lập biên bản đi là vừa.
Nói xong Eddy đứng dậy, giận run người.
Pillat bình tỉnh bảo:
- Không hẳn là một biên bản. Tôi chỉ biết là cô có quen với một người đàn bà tên Lidia Petrovici ở Nam tư.
Eddy tức giận đến tột độ. Nàng muốn quăng một cái gì vào đầu viên sĩ quan nọ đã khéo bịa ra một chuyện tình để vào nhà nàng lập biên bản về Lidia Petrovici.
Pillat vẫn vô tình nói tiếp :
- Cách đây không lâu, ban phản tình báo của chúng tôi đã bắt được một kẻ thù, một tên gián điệp làm công chức ở sở hỏa xa. Người ta đã giao cho tôi trường hợp đó. Trong nhiều thứ bắt được ở biên giới, có một gói quà gởi cho bà Lidia Petrovici, dưới tên bà Debora Paternik. Bị cáo khai là gói quà đó do cô gởi. Gói quà không có gì đáng sợ cả, chỉ gồm thuốc trị lao phổi, sinh tố, sô cô la, cà phê, và một ít áo quần. Vả lại đó là gói quà độc nhất toàn đồ không nguy hiểm tịch thu nơi tên gián điệp đó. Tôi đã không viết tên cô trong bản cáo trạng. Tôi mang kiện hàng trả lại cho cô. Tôi chỉ mong giúp cô một việc nhỏ nhặt.
Pillat mở cặp rút kiện hàng đặt lên bàn, trong lúc Eddy thú thật :
- Chính tôi đã gởi gói quà đó. Lidia Petrovici là em họ tôi đang bị bệnh lao. Đúng ra tôi không có quyền gởi quà choc ô ấy, nhưng tôi vẫn giữ bí mật gởi. Đó là lỗi độc nhất mà tôi phạm phải.
- Thưa cô, đó không phải là một tội trạng. Vả lại như tôi đã nói từ lúc mới vào đây, là tôi đến đây không phải với tư cách một viên chưởng lý.
Cả hai cùng yên lặng. Gói quà đựng thuốc ngừa lao, thuốc chống suy nhược và thiếu máu, một ít sinh tố và chiếc áo choàng đang nằm trên bàn giữa Eddy và Pillat. Eddy bảo :
- Ở xứ những người Slaves miền Nam, tất cả người Do thái đều bị đày ải, hay là bị ám sát. Em họ tôi, một người chơi vĩ cầm nổi tiếng trên thế giới, đã thoát được, ít nhất là cho đến bây giờ, và đang sống dưới một tên giả, trong một làng hẻo lánh. Thỉnh thoảng tôi gởi một ít thuốc uống qua trung gian bà Debora Paternik, hiện là người đở đầu cho những người bị đàn áp và là vợ của quốc trưởng Nam tư. Pillat bảo :
- Tôi cảm thấy có lỗi với cô nếu gói quà đó không đến nơi được, vì vậy tôi mới xin lỗi bằng cách giới thiệu với cô một người làm ở sở hoả xa, ông ta sẽ đem kiện hàng ấy đến cho em cô. Anh ta tên là Daniel Motok. Có lẽ ngày mai tôi sẽ bảo anh ta đến đây.
Pillat đứng dậy chào ra về. Eddy nói vọng theo :
- Ông nhớ trở lại chơi nghe. Chúng ta sẽ nói nhiều hơn về thời thơ ấu. Lần này thì chính tôi muốn thoát khỏi thực tế, ông hiểu không, tâm trạng tôi lúc này cũng giống như hồi ông mơ mộng bằng bức ảnh của tôi. Cho nên ông nhớ trở lại nghe. Nhưng tôi van ông đừng mang quân phục. Tôi rất sung sướng được thấy ông mặc quần áo dân sự ; đừng mang quân phục đấy nghe.
 
IV
- Thưa bà tôi là Daniel Motok, nhân viên hỏa xa, người mà ông Pillat đã giới thiệu trước với bà.
Mang cà vạt xám, đeo găng tay, áo choàng đen, Daniel Motok đứng thẳng người trước mặt Eddy Thall.
Nàng mời ngồi và Motok bảo ngay :
- Ông Pillat có cho tôi hay là bà có một kiện hàng cần gởi ?
Gói quà gồm có thuốc men và áo quần cho Lidia Petrovici đã sẵn sàng trên bàn. Motok kín đáo nhìn và kiếm địa chỉ, Eddy bảo :
- Ông chỉ cần giao cho người bồi phòng của bà Milostiva Debora Paternik và dặn ‘‘gói quà này của Lidia.’’ Thế là đủ.
Motok cất kiện hàng vào va li xong đứng dậy và sửa soạn ra về. Eddy dặn thêm :
- Tôi xin ông trao tận tay người bồi phòng tên Ivo Dopplhof. Đó là một ông già tóc đã bạc. Ông có thể nhận ra ông ấy dễ dàng. Vả lại, đó là người bồi phòng độc nhất ở với bà Debora Paternik, trong bất cứ trường hợp nào, xin ông đừng đưa cho lính gác cổng, ngay cả lúc họ yêu cầu.
Motok gật đầu, tỏ ý sẽ thi hành đúng đắn sứ mạng được giao phó. Eddy nói tiếp :
- Tôi tin là ông Pillat đã cho ông biết mọi chi tiết. Trong gói này chỉ có thuốc men cho một người em họ tôi đang bị bệnh, ngoài ra không có gì khác nữa. Bà Debora Paternik là vợ của Quốc trưởng xứ Nam tư.
- Vâng, thưa bà tôi đã được biết rõ.
Motok vừa trả lời vừa cầm tay lấy va ly. Eddy hỏi :
- Tôi phải trả ông bao nhiêu, thưa ông ?
- Dạ thưa không có gì. Trái lại, thật là một vinh dự lớn lao cho tôi được giúp bà một việc nhỏ mọn này.
Nói thế nhưng Motok biết rằng sẽ thất lễ với Eddy nếu mình từ chối hẳn, nên Motok bảo ngay :
- Nhưng bà muốn trả công cho tôi thì tôi xin nhận một giấy mời dự buổi trình diễn vỡ tuồng Hoàng hậu Saba vào tối thứ sáu. Vào lúc đó tôi sẽ báo tin cho bà hay là món quà đã được trao tận tay hay chưa.
Bỏ vào túi tấm danh thiếp có chữ ký của Eddy Thall để được vào cửa hý viện vào tối thứ sáu sắp đến, Motok bảo :
- Tôi sẽ trở về hồi 7 giờ tối thứ sáu. Thế là còn thừa thì giờ để tôi về nhà, thay áo quần, vì xuất hát 9 giờ mới bắt đầu. Xin cảm ơn bà nhiều lắm.
Motok bước ra cửa. Lúc nào cũng chững chạc. Cách đi đứng, ăn mặc, nói năng của Motok thật giống như một chiếc đồng hồ và thời khắc của các chuyến xe lửa. Eddy gọi điện thoại cho Pillat báo tin là Motok đã đến và để luôn thể cảm ơn Pillat :
- Đây là lần đầu tiên tôi gởi một gói quà cho Lidia mà không hề sợ hãi bì biết chắc là nó sẽ đến đúng chỗ. Xin càm ơn ông nhiều lắm.
- Motok là một người đáng tin cậy. Pillat trả lời qua máy điện thoại.
Trong thời gian đó, Motok đứng lại trước cửa, gài lại găng tay. Motok lúc nào cũng đàng hoàng và không muốn có một bê bối nào trên người.
 
V
Con chắc là mọi chuyện sẽ yên ổn. Con vừa bị một vài chuyện phiền phức nhưng qua hết rồi.
Eddy Thall đang ngồi, hai chân thu lại trong ghế bành như nàng vẫn làm thế mỗi lúc có chuyện gì vừa ý. Max Reingold đang đứng đối diện với cặp kính viền vàng, áo quần tuyệt hảo, kín đáo, đắt tiền, hệt như một ông chủ ngân hàng. Đó là viên quản đốc của hý viện Thall, ông vừa là người cộng tác vừa là bạn thân của thân phụ Eddy Thall.
- Thưa bác, nguyên một điều bác đến thăm con mà không báo trước cũng đủ làm con sung sướng rồi. Nhiều ngày nay con khổ sở quá. Người ta thúc dục con đuổi Tinka. Người ta tịch thu một gói hàng con gởi cho Lidia, vì người đưa thư là một tên gián điệp. Đáng lý con đã bị liên lụy, cảnh sát đã đến đây. Nhưng mọi sự yên ổn hết. Mọi sự lại sắp tiến hành đều đặn như cũ. Bác lại đến đây nữa, bây giờ con sung sướng quá, thật sung sướng …
Max Reingold ái ngại :
- Con ạ, bác không muốn ở đây lâu, bác còn vài việc phải làm. Bác rất tiếc đã đến đây làm hỏng niềm vui thú của con. Nhưng bác không biết làm sao hơn được ; con ạ, người ta buộc mình đóng cửa hý viện.
Eddy đứng bật dậy. Max vẫn tiếp tục :
- Những hý viện Do thái thường phải trả một số thuế phụ. Đó chỉ là chuyện cũ. Trước kia có thể nộp thuế trể hay nhiều khi được miễn hẳn. Nhưng bây giờ hoàn toàn khác. Bác được lệnh của bộ nội vụ phải trả thuế trong 48 tiếng đồng hồ hai triệu lei hay là phải đóng cửa. Hoặc thế này hoặc thế kia. Bác đành đóng cửa vậy. Vì chúng ta làm gì có nhiều tiền đến thế và cũng không được triển hạn nữa.
Max Reingold đứng dậy và muốn đi :
- Không còn chi để phải bàn cãi nữa cả, nên bác cũng không ở lại đây làm gì. Đã quá rõ ràng lắm rồi. Chiều nay con lại ăn cơm với bác. Rebecca và Esther gởi lời chào con.
Esther là con của Max, Rebecca là vợ. Eddy thương họ lắm, nhưng bây giờ nàng không thể nghĩ đến họ được nữa.
- Còn một giải pháp là phải tiếp tục trình diễn bằng tiếng Do thái. Nhưng khốn nỗi, dù là gốc Do thái diễn viên của mình không hề biết tiếng Do thái. Khán giả cũng thế. Cho nên phải đóng cửa.
Eddy cố giữ Max lại. Max hôn trán nàng và vẫn gọi nàng là Liebes Kind, con thân yêu, như cha nàng từng gọi nàng như thế. Và ông ra về. Đến trước cửa ông còn ngoảnh lại bảo :
- Eddy, có hai người khách muốn gặp con đấy.
Max để cửa mở cho hai người khách vào nhà