Dịch giả: Hằng Hà Sa và Bích Ty
XIII & XVI & XV

     iên đại sứ Đức bảo :
- Đây là một ân huệ hoàn toàn đặc biệt đấy.
Trao cho Ante Petrovici tờ giấy phép vào trại Auschwitz, ông ta nói tiếp :
- Cách đây bốn tuần, Lidia Petrovici bị giam ở Đức. Nhưng bà sẽ được phóng thích và có thể trở về với ông lúc nào ông đến lãnh. Tôi hy vọng là ông sẽ gặp bà khoẻ mạnh. Nhưng tôi yêu cầu ông giữ bí mật hoàn toàn. Những đặc ân này phải giữ kín đấy. Thôi chúc bác sĩ may mắn.
Thế là Ante Petrovici sang Đức ngay ngày hôm đó. Một tuần trôi qua kể từ ngày Milostiva tự tử, Ivo bị ám sát và Milan Paternik bị cách chức – Ante Petrovici cũng không muốn làm bộ trưởng nội vụ nữa, ông đã xin từ chức nhưng không được chấp thuận. Dù thế nào, ông ta cũng theo dõi dấu vết của Lidia, biết được bà đang bị giữ ở trại Auschwitz và đã được chấp thuận trả tự do. Ông tức tốc sang Đức ngay.
Từ hai năm nay, ông ta không hề nghĩ đến Lidia. Nhưng bây giờ thì khác. Lần cuối cùng khi hai người vừa ly dị, nàng đã nói : « Em sẽ ra ngoại quốc. » Rồi chiến tranh bùng nổ, Ante Petrovici giữ chức Bộ trưởng nội vụ và không nghe gì về Lidia nữa.
Ante thắc mắc : « Tại sao Lidia chẳng cần gì đến mình cả?»
« Với chức vụ bộ trưởng, đúng ra mình đã giúp đỡ nàng ít nhiều, nhưng tại nàng giữ hành tung bí mật quá. Dù sao, nàng cũng là vợ mình ». Tuy nhiên Ante không hiểu nổi tại sao nàng lại ghét bỏ mình. Có lẽ tại mình tham gia một chính phủ có chủ trương giết Do Thái chăng. Nhưng mình có hợp tác trong vụ đó đâu. Mình chỉ chuyên về hành chánh mà thôi.
« Thực ra, Lidia vẫn có quyền hận mình, hay nàng có ghét mình chăng nữa thì cũng hợp lý. Ngay cả không hợp tác, mình cũng đã nằm trong thành phần những kẻ sáng lập một thứ xã hội mới. Để thực hiện thứ trật tự mới đó cho cả Âu châu, những « chuyên viên chính trị đó », đã loại trừ một vài chủng tộc như Tziganes và Do Thái, mình cũng đã hoạt động cho thứ trật tự mới đó, thứ trật tự đó chống lại chính con người. » Nên Lidia đã ghét mình, mình đã góp phần vào công cuộc giết người để tạo nên thứ trật tự mới của xã hội Âu Châu. Đó là một tội ác lớn lao nhất đời. Nếu còn nói chuyện với nhau, và nàng có tỏ ra khinh bỉ mình thì cũng là một điều dễ hiểu. Cũng như nàng đã từng xin ngoại quốc giúp đỡ mà không hề mở miệng yêu cầu mình một điều gì cả.
Ante đem theo trong xe nhiều thứ, nào thức ăn, nào thuốc men, áo quần, mền mùng. Tất cả để cho Lidia. Ông ta vội vã qua Đức. Chưa bao giờ ông vội vã như thế, nên khi ông đến Auschwitz, ông ta hầu như hoàn toàn kiệt sức. Ante muốn giải thoát Lidia vài phút sớm hơn. Chậm giây nào để Lidia phải chịu khổ trong cảnh tù đày là lỗi của Ante.
- Thưa ông, bà Lidia Petrovici vừa mới chết.
Nghe thế, Ante đứng lặng người trước viên chỉ huy trại giam đang cầm giấy tờ phóng thích của Lidia.
Thật tai hại, nếu ông đến đây sớm hơn chừng một tuần thì bà ấy còn sống. Tai hại quá, một lệnh phóng thích như thế này thật quá đặc biệt. Tiếc thay lệnh đó đến với một tù nhân đã chết.
- Tôi có thể mang xác về chôn cất ở xứ sở được không ?
- Thưa ông, tù nhân chết trong trại giam đều bị đốt, đó là một thông lệ chung.
Ante muốn bỏ đi. Nhưng ông chỉ huy trại giam xếp lệnh phóng thích Lidia vào hồ sơ. Theo đúng luật lệ hành chánh. Ông ta phải giữ giấy tờ đó lại.
- Bà ấy không để lại thư từ hay vật gì sau khi chết ?
Viên trại trưởng mỉm cười mỉa mai :
- Thưa ông, rất tiếc tù nhân ở đây không có lệ gởi thư.
Thế là Ante đành bỏ đi. Vừa đi vừa lẩm bẩm : « Đúng là loại trừ hoàn toàn. Lidia đã bị loại trừ, bị đốt thành than, thành tro bụi, không còn một dấu tích gì nữa. Một hột nút áo cũng không còn ».
XIV
Daniel Motok đến nhà Pierre Pillat và muốn kể hết các chuyện đã xảy ra, bởi báo chí không hề đề cập gì rõ ràng cả. Người ta chỉ nói là tướnng Milan Peternick, giám đốc cảnh sát quốc gia đã bị thay thế. Chỉ có thế thôi. Và rải rác trên các báo chí, người ta đọc được tin Milostiva Debora Paternick vợ của quốc trưởng và là người cộng tác đắc lực nhất của quốc trưởng vừa mới từ trần. Không có tin gì về cái chết của Ivo Doppelhof.
Cầm gói quà của Eddy gởi cho Lidia trên tay, Motok muốn gặp Pillat ngay để kể cho ông ta biết chuyện hắn đến quốc gia người Slaves như thế nào, đến biệt thự Milostiva chỉ gặp lính gác và người chết ở bên trong ra sao, kể chuyện người bồi phòng đã trốn tránh và bị giết trong trường hợp nào.
Và Motok muốn bảo với Pillat : «Tôi không thể đến nhà Eddy Thall để trả lại gói quà này đâu, bởi vì tôi không còn lòng dạ nào kể cho bà ấy nghe câu chuyện hãi hùng vừa xảy ra. Nhờ ông đi hộ cho». Nhưng Pillat không có nhà. Nhìn đồng hồ thì đã 8 giờ tối. Sực nhớ đến tấm danh thiếp của Eddy, Motok nghĩ bụng :
- Thôi mình cứ đến hý viện vậy. Và không cần xem diễn kịch. Mệt quá rồi, nhưng đằng nào cũng phải đến để trả lại gói quà, thế thôi.
Motok gọi tắc xi đi về hý viện. Đến nơi đã thiếu 15 phút đầy 9 giờ. Thế mà cửa lớn còn đóng. Hý viện tối om. Bước lên tam cấp, hắn cố mở cửa chính của hý viện rộng thênh thang. Cửa vẫn đóng. Đặt gói quà xuống bậc thềm, Motok quẹt một cây diêm và tự nhủ «Nếu có trình diễn như thường lệ vào lúc 9 giờ thì vào giờ này hý viện đã mở cửa rồi chứ !»
Ánh sáng cây diêm cho phép Motok đọc một mảnh giấy dán trước cửa có hàng chữ hoa : «Hý viện Eddy Thall ngưng trình diễn tạm thời.»
Motok muốn hiểu lý do tại sao, nhưng chẳng ai ở đó để hỏi cả. Motok lại tự an ủi : “May mà chỉ mới tạm ngưng thôi.”
Trước khi bỏ đi, Motok muốn chắc có đúng như vậy không, hắn bèn quẹt thêm một cây diêm nữa, dòng chữ hoa hiện ra trên mảnh giấy dán ở cửa «Hý viện Eddy Thall ngưng … » chỉ đọc được như thế thì cây diêm tắt. Mảnh giấy chìm trong bóng tối, nhưng chắc chắn là Motok đã đọc đúng. Những buổi trình diễn của hý viện Eddy Thall đã ngưng.
XV
Eddy nói với Tinka :
- Tinka, vú phải ráng lên. Chúng ta không có quyền để thay đổi một điều gì cả. Tôi đã thử hết cách rồi, nhưng người ta vẫn không cho phép tôi để vú làm việc ở đây. Vú phải đi, nếu không cả hai chúng ta phải vào tù. Không một người Do Thái nào có quyền nuôi người giúp việc có đạo Thiên chúa.
Tinka đứng trước mặt Eddy Thall, trong căn phòng mà bà không có quyền quét tước, đã mấy ngày nay. Kể từ ngày bà đi vắng, sàn nhà không được đánh bóng, bụi bám đầy sách vở không ai lau chùi. Nhận xét đó đủ làm cho bà khổ tâm, bởi lẽ không làm những công việc thường nhật đó, bà cảm thấy đời sống của bà không được quân bình nữa.
Eddy nói tiếp :
- Vú cầm lấy gói giấy tờ nầy đi. Vú có cả một cuốn sổ ngân hàng nữa đó. Vú có thể rút tiền ra tiêu lúc nào cần. Tôi đã trả cho vú một năm lương chứ không phải chỉ 3 tháng như luật lệ bắt buộc đâu. Vú có đủ giấy tờ trong gói nầy như trích lục khai sinh, bản sao rửa tội. Vâng, đủ cả đấy.
Eddy đưa gói giấy cho Tinka. Bà chưa bào giờ giữ giấy tờ đó trong người cả, lúc nào cũng nhét trong hộc bàn bởi có lúc nào bà cần đến chúng đâu. Cho nên, Eddy đưa cho bà, bà bỗng nức nở khóc:
- Cô muốn tôi làm gì với những thứ nầy?
- Thì mỗi công dân phải có giấy tờ chứ.
Tinka nghĩ thật thô thiển. Cả khu phố nầy ai mà không biết đến bà, từ người hàng xóm đến bà bán bánh mì, bán thịt, ai cũng biết bà cả thì bà cần gì đến giấy tờ. Ừ, bà không phải là một người cần đến giấy tờ.
Nhìn gói giấy tờ trên tay, Tinka nức nở khóc. Nước mắt chảy xuống tấm căn cước, ướt luôn cả tấm bản sao rửa tội và trích lục khai sinh.
 Đối với Tinka, cầm những mảnh giấy đó còn nhục nhã hơn là bị đuổi khỏi nhà. Bà cứ nghĩ: “thật là một điều nhục nhã khi phải trở thành một người đàn bà có giấy tờ. Chỉ có những người đàn bà xấu xa mới cần có giấy tờ mà thôi”.
Và bà vứt gói giấy xuống bàn. Từ giờ cho đến lúc chết đi, bà không thể nào chịu nổi một sự nhục nhã như thế. Bà không phạm tội gì cả để bị bắt buộc cầm giấy tờ lúc bà đã 60 tuổi. Bà cứ nghĩ: “Thực là một sự nhục nhã nếu phải trở thành một người đàn bà có giấy tờ”.
Eddy Thall giải thích:
- Nhưng mà bây giờ ai cũng như thế cả. Vú nhìn tôi mà xem, lúc nào tôi cũng mang theo căn cước trong xách tay.
- Nếu người ta muốn xét giấy tờ tôi, xét giấy tờ một người đàn bà già nua như một kẻ trộm cắp hay vô lại thì thà tôi chết đi còn hơn.
Nói xong Tinka lau nước mắt, rồi chợt nhắc Eddy:
- Mai thứ nam rồi đấy cô ạ.
Bởi vì từ 40 năm nay, Tinka lúc nào cũng giặt áo quần vào ngày thứ năm mỗi tuần, đều đặn như thế, không trừ bữa nào cả.
Nhưng Eddy đã vội bảo:
- Vú đâu có quyền tiếp tục làm việc trong nhà tôi nữa, luật lệ bây giờ không cho phép như thế.
- Tôi sẽ làm việc cho vui mà thôi, luật lệ không thể cấm tôi giặt áo quần vào mỗi thứ năm đâu, như tôi đã làm thế suốt đời.
- Tinka, luật lệ cấm điều đó thật đấy. Nếu vú rửa chén bát hôm nay thì ngày mai chúng ta sẽ vào tù như những người phạm tội.
- Nhưng cô tin là cảnh sát sẽ đi soát từng nhà để xem người ta có rửa chén bát hay không sao?
- Vú à, một người có đạo không được giặt áo quần cho một người đàn bà Do Thái. Vú là người có đạo, tôi lại là người Do Thái, đấy tội lỗi do thế mà ra cả.
Giọng Tinka bỗng trở nên chua chát:
- Thưa cô, cảnh sát xứ này đã bắt hết trộm cướp rồi, và bây giờ vì không có việc gì làm nữa, họ bèn vào kiểm soát từng nhà để xem đàn bà có giặt áo quần hay không …
- Nhưng điều đó còn quan trọng hơn cả người phạm tội trộm cắp nữa. Vì nếu vú giặt áo quần cho tôi, vú phạm tội chính trị, một thứ tội nặng hơn tất cả các tội khác trong xứ nầy. Qua làn nước mắt, Tinka nhìn chiếc giường còn bừa bãi ở trong phòng ngủ, và bà hỏi Eddy:
- Thế tôi có được phép trải giường không thưa cô.
- Không, vú à. Tôi đã nói là vú không còn được phép làm bết cứ việc gì trong nhà tôi nữa.
- Thế việc tôi trải giường cũng thuộc về chính trị hay sao?
- Vâng, Tonka à, tất cả đều là chính trị cả …
Tinka nhìn tách trà trên bàn và rụt rè nói với Eddy:
- Cô lúc nào cũng dùng trà vào giờ này. Nếu tôi đi rót trà cho cô thì có gì là chíng trị đâu. Thế giới có phải ai cũng điên hết để cho rằng như thế là chính trị!
- tất cả việc gì do vú làm trong nhà nầy đều được xem như là xâm phạm đạo luật về chủng tộc, nghĩa là vú đã phạm tội thuộc chính trị. Ngay ở trong tách trà cũng có vấn đề chính trị.
- Vậy có lẽ cô muốn đuổi tôi ra khỏi nhà, bởi vì tôi không thể nào hiểu nổi như thế cả. Giặt áo quần, rót trà lau bụi trên sách vở, có gì là chính trị ở trong các công việc đó? Từ khi tôi còn trẻ, tôi đã rửa chén bát, làm bếp, quét nhà, đi chợ và mặc dù thế, tôi không hề dính líu đến chính trị. Trà là trà, không thể là chính trị được. Áo quần là áo quần, không thể là chính trị được, nền nhà là nền nhà …
Nói đến đây Tinka nức nở khóc.