Dịch giả: Hằng Hà Sa và Bích Ty
VI & VII & VIII & IX & X
CUỐN SÁCH CỦA SỰ CHIẾN THẮNG

     rong đám đông có kẻ la lên: 
- Người ta đã bắt được một số gián điệp Sô Viết. Boris sợ toát mồ hôi, hắn đứng như dán lưng vào tường, núp sâu trong bóng tối. Hắn đặt bộ máy phát thanh trong phòng. Nếu hệ thống đó bị phát giác, thì hành tung bí mật của Boris bị bại lộ, công tác của hắn đành chấm dứt. Hắn sẽ bị bắt và bị xử tử. 
Boris trà trộn vào đám đông. Lúc còi báo động chấm dứt thì một hàng rào cảnh sát đã có trước cổng ra vào. Đội cứu hỏa mang xuống một người đàn bà già nua trên băng ca. Đám đông thấy Boris mang y phục sĩ quan bèn nhường chỗ cho hắn đi ngay. Thế là Boris đành phải đứng cạnh hàng rào cảnh sát và cạnh băng ca người đàn bà bị cháy. Viên biện lý tòa án quân sự đã lập biên bản xong:
- Ngay sau khi báo động người ta đã cho chúng tôi biết là có một người làm hiệu bằng đèn bấm trên lầu căn nhà nầy. Chúng tôi đã đến tận nơi ngay, nhưng lúc đó, bom đã trút xuống căn nhà. Người làm hiệu đã chết trong đống gạch vụn, tay vẫn còn cầm cây đèn. 
Viên cảnh binh chỉ người đàn bà nằm trên cáng: 
- Không còn nghi ngờ gì nữa, chính là bà nầy đã ra dấu cho máy bay.
Người gác dan rẽ đám đông đi vào, trả lời ngay: 
- Đúng là Tinka Neva, tôi biết bà ta rõ lắm. Bà thuê một căn trong nhà nầy. 
Boris nhìn kỹ người chết. Đúng bà già hắn đã thấy ở quán lúc mới có báo động, trong lúc người gác dan giải thích tiếp. 
- Đó là một người ở của một gia đình Do Thái, gia đình Thall. Sau khi bà chủ đi, Tinka ở lại trong căn nhà và luôn luôn say sưa. Đúng là Tinka Neva rồi đó. 
Trong lúc cảnh sát rọi đèn để xem rõ mặt Tinka, người gác dan quả quyết: 
- Tôi biết chắc là bà ta không phải cộng sản. Không ai nghĩ Tinka là cộng sản, ai cũng tin là bà chỉ là một người say rượu không hơn không kém.
Boris nhìn kỹ mặt viên biện lý tòa án. Hắn nhớ đến trường võ bị Hoàng gia, và giật mình, người nầy chính là bạn cũ của hắn năm xưa, đúng là Pierre Pillat. Hắn bước đi lập tức, và trà trộn ngay trong đám đông. Mọi người đang bàn tán về Tinka Neva như là một nữ gián điệp cộng sản. Boris lắng nghe những câu chuyện đang trao đổi: 
- Nếu bà ấy không phải là gián điệp cộng sản thì tiền đâu mà bà ấy uống rượu suốt ngày như thế được? 
Một giọng nói quả quyết: 
- Cứ mỗi lần có báo động, Tinka Neva lại lên mái nhà. Tôi đã để ý đến cái đèn quá lớn đó của bà ta, đúng là đèn ấy đã làm hiệu cho máy bay Sô Viết.
Boris cố nhớ lấy cái tên Tinka Neva, mà hắn mới nghe lần đầu. Trong hai danh sách đảng viên cộng sản ở Bucarest, không có ai có mang tên Tinka Neva, nhưng đám đông vẫn cứ bàn tán về bà ấy, làm Boris lại nhìn kỹ một lần nữa người đàn bà đó, trong lúc Pierre Pillat nói với cảnh sát: 
- Tinka có thể là một điệp viên Sô Viết, nhưng cũng có thể chỉ là trường hợp lẩm cẩm của một người đàn bà già nua và say sưa. Tôi có biết Tinka Neva, nên riêng tôi không tin bà ấy là một nhân viên Sô Viết. Chúng ta cứ cố tìm ra ánh sáng xem sao. Chúng tôi sẽ lập biên bản vụ nầy.
Boris bước lên phòng, mọi vật còn y nguyên, chỉ trừ những căn phòng ở phía Bắc đã bị phá hủy. Nhưng trong nhà hắn, bức tường không hư hại, bộ máy phát tin vẫn còn tại chỗ, tiền bạc giấy tờ cũng không hề mất mát. Trong chốc lát, vừa cởi áo, Boris vừa nghĩ đến người bạn đồng học, Pierre Pillat, nay đã trở thành biện lý tòa án quân đội, nghĩ đến người đàn bà mang tên Tinka Neva cùng những lời bàn tán sự việc vừa xảy ra. Trước mắt hắn, xuất hiện một người đàn bà nhân công với bộ mặt đầy nét nhăn, nhợt nhạt, với đầu tóc bạc phơ mang chiếc khăn tay cột tận cổ, và Boris thầm nghĩ: 
- Đúng là bộ mặt muôn đời của một công nhân. Ngay cả nếu bà ta chỉ cầm đèn lên lầu vì vô tình hay vì say sưa, hành động của bà vẫn có một giá trị từ đó mình có thể tạo ra một huyền thoại. 
Boris nghĩ đến các hoạt động bí mật của mình, đến sự bất động của quần chúng, cùng sự hững hờ của giai cấp công nhân. Hắn cho là quần chúng Âu Châu cần có những anh hùng mới thức tỉnh được, mới dấn thân được, cũng như thuyền cần đến cánh buồm vậy.
Cho nên hắn viết ngay một bản phúc trình bằng một giọng văn rắn rỏi. Hắn nói đến những người vô sản đang bị giai cấp trưởng giả phát xít ở Âu Châu đàn áp, nói đến Hồng quân đang chờ dịp để giải phóng công nhân. «Tinka Neva, một nữ công nhân già nua thất nghiệp đã lâu đang ở tại Bucarest, đường Apolodor, số nhà 165, vì quá đau khổ nên ban đêm đã cầm đèn lên mái nhà làm hiệu cho máy bay Sô Viết đến giải phóng tổ quốc. Bà ta đã chết ngay trên nóc nhà cao, nhưng bà đã chứng tỏ sức mạnh phi thường của giai cấp thợ thuyền đã tranh đấu chống lại xã hội trưởng giả và phát xít. Bà đã nêu gương sáng cho công nhân toàn thế giới. Tinka Neva là một nữ anh hùng, là vị thánh tử đạo, là vị đại diện cho giai cấp thợ thuyền
Boris Bodnariuk viết rất dài, đó là bản phúc trình dài nhất của hắn từ khi hắn rút lui vào bóng tối để hoạt động. Cho nên, lúc trời sáng, bước xuống đường, bắt chuyện với người gác dan, với người lối xóm, Boris mừng rỡ thấy mọi người tin chắc Tinka là một nhân viên Sô Viết, nếu không thế thì tại sao bà ấy lại lên mái nhà làm hiệu cho máy bay địch. Boris gởi ngay bản phúc trình đi Ankara và từ đó đến Mạc Tư Khoa, tất cả báo chí thế giới đều dành những cột lớn để kể lại cuộc tranh đấu anh hùng của Tinka Neva, chỉ một mình bà đã dẫn đạo cuộc chiến đấu chống quốc xã, chống phát xít, chống tất cả mọi kẻ thù để dành lấy tự do. 
Nhờ thông tấn xã TASS và báo chí Hoa Kỳ, Tinka Neva trong một tuần đã trở thành cái tên quen thuộc của thính giả bốn phương. Bà đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các bài nói về tranh đấu và tự do. Tinka Neva trở thành ngọn cờ cho những quốc gia đồng minh.

VII

 
Trong lúc mà xã hội văn minh Tây phương nói về Tinka Neva như là một tượng trưng cho tự do, trong lúc mà các nhà soạn nhạc, các tác giả báo chí dùng tên bà như là một vị nữ thánh và các tập san đã dùng những số tiền khổng lồ để kiếm cho ra một bức ảnh của vị anh hùng chống phát xít đã chết trên mái nhà trung tâm thành phố, thân thể của Tinka Neva được chở đến nhà xác của thủ đô Bucarest. Ở đó người ta lột hết áo quần bà, khám da, khám tóc, khám đến những móng tay. Ở đó người ta cắt xác Tinka Neva thành từng mảnh nhỏ ở trên bàn khám nghiệm tử thi. Người ta cặm cụi xem từng miếng gan, trái tim, bộ óc, buồng phổi của bà, người ta đem từng bộ phận ra cân, cân xong lại đem nấu, pha máu, bỏ vào ống nghiệm. Chết đã ba ngày, thân thể Tinka vẫn trần truồng, vẫn còn bị cắt thành từng miếng trong phòng khám tử thi. Một người đàn bà sợ các thứ giấy tờ, sợ các cơ quan công quyền, một người đàn bà suốt 60 năm chưa hề bước chân lên cân bao giờ, bây giờ lại bị người ta cắt từng mảnh cơ thể bỏ lên cân, cân gan, não tủy, cân tim đã ngừng đập, bị người ta soi mói tất cả những gì bà đã có trong bao tử, trong ruột non, trong bọng đái, tất cả những gì bà đã ăn, đã uống. Trong lúc cơ thể bà bị lột trần như thế thì tên bà lại đuoc nhắc nhở trên khắp tất cả đài phát thanh bằng tất cả ngôn ngữ của loài người, tên bà được loan đi trên khắp các làn sóng điện, cho nên nếu bà còn sống biết được cuộc phiêu lưu bẩn thỉu đó, bà cũng sẽ chết mất vì hổ thẹn.
May thay Tinka Neva đã chết, đã không còn biết những gì đang xảy ra trên trái đất nầy nữa. Sau khi chết đi, chắc chắn bà bước lên ngưỡng cửa thiên đàng, nơi đó, có thánh Pierre đang cầm chìa khóa nơi tay. Suốt đời, Tinka đặt hết tin tưởng vào trời đất, tin có địa ngục, tin có thánh Pierre. Cho nên sau khi chết đi, bà cũng chỉ biết có thánh Pierre thôi. Và nếu ngài hỏi bà «Tinka Neva, con có ý định gì khi con cầm đèn lên mái nhà lúc đang có còi báo động?», thì bà cũng sẽ thản nhiên trả lời: «Con không lên mái nhà, thưa ngài, con chỉ lên lầu thượng, vì muốn vào phòng con ở bên kia, con phải đi ngang qua lầu thượng. Một người đàn bà già nua như con muốn đi trong đêm tối phải cầm đèn, nhưng con không ngờ là chính lúc đó, máy bay oanh tạc trông thấy con».
 - Thế con có uống rượu không? 
Nghe câu hỏi đó, Tinka hơi cúi đầu và trả lời: 
- Nếu con không uống rượu, con đã không cầm đèn đi như thế. 
Và bà sẽ nói thêm: 
- Thưa ngài, con uống vì buồn phiền quá. Sau khi chủ con, cô Eddy Thall bỏ đi, con đã khóc bao nhiêu ngày đêm, nên con đã uống rượu để giải sầu, con không uống vì trác táng, thưa ngài con chỉ uống vì buồn phiền thôi...
Cho nên, nếu Tinka gặp được thánh Pierre ở bên kia thế giới như bà hằng ao ước lúc còn sống, ngài sẽ đặt bàn tay thân yêu lên vai bà và sắp bà vào hạng những kẻ khốn khổ nhưng tâm hồn trong sạch, vì thật nếu có một cõi thiên đàng thì cõi đó phải được dành riêng cho họ. Tinka Neva cũng sẽ được giảm tội, cái tội đã làm cho hai người bị dập nát trong cuộc dội bom thành phố Bucarest.

VIII

 
Eddy Thall chưa lành bệnh hẳn, Ivan đành ngủ ở phòng làm việc để nhường giường cho nàng, hắn trở thành y tá riêng cho nàng và săn sóc nàng như săn sóc một người em gái, hắn đau khổ không ít khi thấy nàng ho ra máu dính cả lên gối. Nhưng hắn giấu hết mọi việc, bởi nếu hắn khai rằng Eddy bị bệnh, nàng sẽ bị chuyển sang bệnh xá, và một lúc đã vào đó, không ai có thể sống sót được, cứ mỗi ngày người ta lại khiêng ra ngoài chừng mười xác chết trần truồng và vứt vào hố công cộng. Cho nên Ivan vẫn khai với thượng cấp là Eddy lo việc quét tước cho văn phòng để đợi ngày toàn thắng. Mỗi ngày hắn mang tin chiến trận cho Eddy. Một hôm, hắn bảo: 
- Quân đội Sô Viết đã chiếm Bucarest.
Thật là một biến cố lớn lao đối với Eddy, nên nàng khóc lên vì sung sướng. Nhưng chiến thắng vẫn chưa đến, vì còn một số các nước khác cần chinh phục. Tuy nhiên tù nhân vẫn còn nuôi hy vọng. Hàng ngàn người Do Thái hùng hục làm việc trên mảnh đất băng giá nầy, gồng gánh, đẩy những toa xe chở đầy quặng sắt. Mọi người trong hàng ngàn người đó đều có cảm tưởng mình là một người lính đang chiến đấu trong hàng ngũ của 52 quốc gia cho vinh quang và tự do. Cho nên dù cho thân thể đã già nua, đầy mụt nhọt và chí rận còn bị hành hạ bằng lạnh lẽo và đói khát, mọi người đều tự khuyến khích mình bằng niềm hy vọng đó, như là trên một cuộc hành trình tuyệt vọng, người ta vẫn vỗ về con ngựa bằng mấy tiếng: Nào, cố lên chút nữa, chút nữa, xem...».
Một đêm nọ, Eddy Thall nằm mơ thấy Tinka Neva, rồi Lidia Petrovici và bà Debra Paternik. Đất bỗng nứt ra, và các nắp hầm mở rộng. Người Do Thái choàng hết dậy để mừng chiến thắng. Esther và Rebecca mặc lễ phục bồng bềnh trên sóng của biển Đen. Trên bệ cao, Churchill, Roosevelt và Staline đang mỉm cười tuyên dương công trạng những kẻ đã sống dậy từ lòng đất, từ biển cả, từ trong những đống tro tàn, những kẻ đã liều mình đóng góp cho vinh quang. Churchill hút xì gà và Roosevelt mang cà vạt màu vàng chói. Họ ngồi chễm chệ như những vị thánh có hào quang chói sáng để ngỏ lời cùng người Do Thái rằng: «Các bạn đã chiến đấu trong các hầm mỏ, trong ngục tù, trong sa mạc cho thắng lợi chung».
Thực là một giấc mơ đẹp, Eddy muốn mơ mãi như th!!!15215_14.htm!!! Đã xem 22200 lần.

Đánh máy: Nguyễn Đ Thanh & Ct.Ly
Nguồn: Nhà xuất bản Lá Bối ngày 7- 10- 1968
casau - VNthuquan.net
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 15 tháng 10 năm 2014