Dịch giả: Hằng Hà Sa và Bích Ty
CUỐN SÁCH KẾT THÚC I & II & III

    
Boris Bodnariuk trốn khỏi Ba Lê nhờ số tiền của giáo sư Voivod. Hắn định báo tin cho Bucarest biết nhưng sau hắn đổi ý, nên bí mật trở về không cho ai hay để còn đóng bản án viên thống chế đã cưng con chó như một nhà đại tư bản. 
Hắn băng qua nước Pháp, nước Đức. Trước khi đến vùng Sô Viết, hắn bị lính Mỹ bắt, bị đem đến cho Aurel Popesco nhận diện, tra hỏi, đánh đập và trước khi kiệt sức hắn ta thu hết tận lực vượt ngục như thế đồng nghĩa với tự tử, nhưng hắn đã thành công. 
Bám dưới một toa xe lửa chở hàng, hắn đã đến được đất Lỗ ma ni, băng qua Hung gia lợi, Ba lan. Hắn chỉ muốn đến Bucarest nhưng tàu lửa lại đứng ở phía Bắc đất Lỗ. Hắn đến trình diện viên cảnh sát trưởng Molda, đó là mảnh đất Lỗ đầu tiên do hắn cộng sản hóa. Nông dân đang cầm quyền ở mỗi làng. Đất hoang đã biến thành những nông trường tập thể. Đã có những con đường mới, khu kỹ nghệ. Nông dân đã biến thành thợ thuyền.
Boris Bodnariuk trông thấy tất cả quang cảnh đó lúc đi ngang qua làng Molda, hắn rất hài lòng. Ở Molda, đã có một xưởng đóng đồ hộp, nhiều máy cày, một nhà tù bằng gạch và một phi trường. Boris hỏi: 
- Nói với chỉ huy trưởng của các anh là Boris Bodnariuk đã đến đây và cần được đưa đi Bucarest gấp. Tôi giao lại biên bản này cho các anh và tôi ngồi chờ ở đây. Tôi không thể đi một mình đến Bucarest được nữa. 
Boris ăn mặc rách rưới. Áo choàng đã rách nát. Không có áo sơ mi. Nhưng hắn rất sung sướng được thấy lại các đồng chí cộng sản của hắn. 
Nghĩa là được về nhà. Chung quanh không còn kẻ thù nữa. Nhưng thiếu ăn lâu quá, hắn gần kiệt lực.
Viên cảnh sát trưởng thông báo cho cấp trên, nhường phòng mình cho Boris ở, cung phụng đầy đủ thức ăn thức mặc cho Boris, gọi bác sĩ săn sóc sức khỏe. Nhưng Boris chỉ cần ăn uống và ngủ mà thôi. Hắn hơi sốt và cảm thấy kiệt lực. 
Cảnh sát trưởng ở Molda là một người Nga còn trẻ. Anh ta rất sung sướng là Boris đến đây, vì khó mà làm thân với một người quan trọng như Boris. Anh ta thừa biết là nhờ Boris, địa vị anh ta có thể thay đổi, nên anh ta lại càng săn sóc cho Boris hơn. Ngày hôm sau, lúc Boris chưa ngủ dậy, anh ta đã lên tỉnh nhận lệnh cấp trên. Viên giám đốc cảnh sát địa phương đã cho Bucarest biết tin về Boris. Kết quả vài giờ sau là Bucarest không cho máy bay hay xe hồng thập tự để mang Boris đi. Và có lệnh: «Bộ chỉ huy đã ra lệnh lập thủ tục thường lệ để nhận diện người tự cho là Boris Bodnariuk. Anh cứ dùng biện pháp thông thường, lệnh cấp trên đấy».
Viên cảnh sát ở Molda hỏi lại: 
- Đồng chí cho là hắn không phải Boris Bodnariuk? 
- Anh được lệnh là phải truy ra tên thật của hắn và làm bản tường trình hằng tháng. Thế thôi. Tôi không muốn bình luận gì thêm nữa, nhưng nếu đã là lệnh trên thì có nghĩa là thằng đó không có liên quan gì đến cái tên Boris Bodnariuk cả, hắn là một tên lừa bịp. 
Viên cảnh sát trưởng trở về sở, mặt hầm hầm giận dữ. Dù Boris còn ngủ, anh ta cũng gọi lên hỏi cung. 
Boris bây giờ đã mặc áo mới, cạo râu, tắm rửa sạch sẽ, mặt mày tươi tỉnh sau một giấc ngủ ngon lành. Từ khi trốn khỏi bệnh viện người Mỹ, chưa bao giờ Boris ngủ một đêm yên ổn như thế, nên hắn lấy lại sức khỏe rất nhanh. Hắn mỉm cười định ngồi xuống ghế. Nhưng đã bị quát: 
- Ai cho phép anh ngồi xuống ghế? 
Boris mới được đối xử rất tử tế ngày hôm qua nên nghe thế lại tưởng là một câu nói đùa, hắn mỉm cười. Tức thì bị viên cảnh sát bạt tai. Boris tức giận cắn môi. Một giòng máu chảy xuống cằm. Hắn cảm thấy trong miệng cái hương vị kẹo ho như lúc hắn đang rơi từ trên máy bay xuống. Viên cảnh sát trưởng nói: 
- Đừng có trêu tôi, tôi chỉ muốn anh khai thật. 
Anh ta bấm chuông, một người lính bước vào chào Boris trước tiên, nhưng khi thấy hắn đứng yên mặt đầy máu, người lính biết là mình lầm nên hổ thẹn rút tay về và quay nhìn cảnh sát trưởng. Anh này ra lệnh: 
- Cởi hết áo quần cà vạt của hắn ra. Cởi hết. Và cho hắn mặc lại áo quần rách rưới của hắn. Rồi dẫn hắn về nhà giam. Với mục đích gì mầy tự khai mầy là nguyên bộ trưởng tên là Bodnariuk?
- Tôi không nói láo. Tôi chính là Boris Bodnariuk. 
Viên cảnh sát trưởng đứng bật dậy và muốn đánh hắn thêm nữa. Người lính đã lấy áo quần rách cho Boris và trở vô ra lệnh: 
- Cởi hết áo quần và giày dép ra mầy. 
Boris tuân lệnh, xong hắn mang đôi ủng rách nát cố hữu của hắn, quàng chiếc áo choàng da vào, quấn cái khăn đỏ quanh cổ, mặc chiếc quần đen đã thủng nhiều chỗ. 
- Nào khai đi chứ. 
Máu chảy xuống cằm hắn cũng đỏ như chiếc khăn choàng cổ xưa kia của hắn, bây giờ chiếc khăn đó không còn có màu gì nữa vì đã quá bẩn. Trong bộ áo quần rách rưới, lần đầu tiên trong đời, Boris cảm thấy nhục nhã hết chỗ nói. Cố bình tĩnh hắn nói: 
- Tôi chỉ là nạn nhân của sự hiểu lầm. Tôi chính là Boris Bodnariuk và tôi chỉ nói sự thật mà thôi. 
Viên cảnh sát trưởng nhìn vào bức ảnh Boris trên một tờ báo cũ và so sánh với nét mặt kẻ đối diện. Có nhiều nét giống nhau, nhưng chưa đủ để chứng tỏ người nầy là Boris. 
- Tao muốn mày nói thật, tao không muốn các ông chỉ huy của tao chê cười. Hôm qua nói chuyện tao thấy mày không đến nổi chó má lắm. Mày lại thông minh hơn nhiều đứa khác nữa. Mày hãy nói thật là tại sao mày tự nhận là nguyên bộ trưởng bộ chiến tranh Boris Bodnariuk. Với mục đích gì mày bày đặt ra chuyện giả danh này? 
- Tôi khai thật mà.
- Nếu mày là Boris, Bucarest đã gởi máy bay đến đây kiếm mày, nhưng Bucarest đã không gởi máy bay, xe hơi đến đây mà lại còn yêu cầu nhận diện mày, mày hiểu chưa? Mày là ai? Một ông bộ trưởng dù là có tội cũng vẫn được dẫn đến Bucarest hay Mạc tư khoa để lập biên bản. Nếu có tội thật người ta sẽ treo cổ. Còn mày, người ta ra lệnh giữ mày lại đây để nhận diện mày. Lệnh này không áp dụng cho một ông nguyên bộ trưởng được. Tao chỉ muốn mày nói thật thôi. 
Viên cảnh sát trưởng tiến đến gần Boris: 
- Người ta cũng không cho tao áp đúng biện pháp gì đặc biệt với mày cả, chỉ cho áp dụng biện pháp thông thường thôi. 
- Nhưng các ông đã lầm, lầm to mà.
- Không có lầm lẫn gì cả, sự lầm lẫn duy nhất là do tao, tao đã lầm mà tin mày nói thật ngày hôm qua. Một sự lầm lẫn lớn lao trong nghề của tao. 
Boris lại lảo đảo vì hai cái tát tai nảy lửa. Xong viên cảnh sát trưởng tiếp tục đấm vào đầu Boris, hắn ngã xuống và tiếp tục nhận thêm những cái đá vào đầu, vào ngực. Hắn cảm thấy đầu nhọn đôi ủng đá hắn như có hơi nóng của bàn chân ở bên trong. 
- Tao muốn mày nói thật. 
Nhưng Boris chỉ còn cảm thấy lờ mờ là người ta đang nâng hắn lên để mang hắn ra ngoài, đặt một tấm ván lên ngực hắn cho xương sườn khỏi gãy và một người lính bước lên trên tấm ván như muốn nghiền nát hắn ra.
Boris không hiểu hình phạt đó kéo dài bao lâu. Lúc tỉnh dậy thì thấy mình ngồi trên ghế và tiếp tục bị đánh đá. Những cú đá làm hắn đau đớn như là những thỏi sắt nung đỏ dí vào người hắn, đau đến tận não tủy. Chỉ lúc hắn ngã xuống đất thì sức nóng đó mới dần dần biến mất. 
Viên cảnh sát trưởng lập lại: 
- Tao muốn mày khai thật. 
Câu nói đó hành hạ Boris cũng như những cú đá trên thân thể hắn.
- Nếu mày không nói thật tao sẽ giết mày, giết ngay tại đây. Và không ai biết tao đã giết mày cả, muốn sống nói ngay đi. 
Boris muốn nói lại rằng đây là một sự lầm lẫn, nhưng hắn kiệt lực rồi. Vả lại, hắn cũng không hiểu có phải là một sự lầm lẫn hay không. Hắn chỉ còn biết một điều là hắn không thể chịu đựng được nữa và chỉ muốn chết mà thôi. 
Lúc mở mắt, hắn đã thấy mình đang nằm trong xà lim, trên nền xi măng. Xà lim không có giường hay cái gì khác nữa. Chỉ là bốn bức tường và nền xi măng lạnh lẽo, mà hắn đang nằm trên đó. Hắn đưa mắt nhìn quanh. Đã từ lâu, hắn không hề nhìn gì cả, không nhìn lại hai tay hay nét mặt của chính hắn. Hắn đưa tay lên sờ mặt, sờ môi hắn. Hắn thấy đúng là mặt hắn, môi hắn nhưng sao chúng xa lạ đến thế. Trán, mắt, môi, má, ngực đều sưng vù lên và nhức nhối không tưởng được. Sờ mắt trái, Boris thấy đã mù rồi. Thì ra hắn thấy ánh sáng bên ngoài chỉ với một mắt phải thôi.
Trên tường xà lim, ai đã vẽ vào đấy mấy dấu thập tự và cái tên Iléana Kostaky. Boris không thèm nhìn nữa. Hắn biết là nông dân vùng này bị tù thường vẽ dấu thập tự lên tường. 
Cửa xà lim mở, Boris cảm thấy bị nâng cao và đưa vào văn phòng cảnh sát trưởng. Ông này đã lấy lại bình tĩnh, nhìn cách ăn mặc cũ kỹ của Boris. Khăn choàng bẩn thỉu, ngón chân thò ra khỏi mũi giày đã há mồm. Râu tóc không cạo, mình mẩy đầy máu, mắt trái đã hư, vết sẹo trên trán hình như lớn và đỏ hơn. 
- Nào nói lại đi, đồng chí... Boris Bodnariuk. Đúng là cái tên mà mày đã chọn cho mày phải không? 
- Vâng, đúng là tên tôi.
- Hừ, một cái tên lừng lẫy trong lịch sử đảng cộng sản. Đó là cái tên của một vị nguyên bộ trưởng bộ chiến tranh, cái tên của một anh hùng đấu tranh giai cấp, của một vị tướng lãnh Hồng quân. Một cái tên có trên khắp báo chí. Có khó gì mà không tìm ra được một cái tên như thế. Chúng ta nên trở về lại với sự việc thực tế hơn và giải quyết dần từng việc một thì hơn. 
Boris thu hết tàn lực của mình. Hắn không nghĩ đến cá nhân hắn, hắn chỉ cần làm sáng tỏ vụ nầy. Nên hắn chăm chú nghe. 
- Lúc vừa mới đến đây, mày đã có khai nhiều điều, lập lại đi coi thử. 
- Sau khi trốn khỏi trại tù người Mỹ ở Heidelberg, tôi đã bám vào xe lửa bí mật trở về đây. Trong biên bản mà tôi đưa cho ông để ông gởi về trung ương, tôi đã kể hết các công việc tôi làm suốt thời gian từ khi tôi bị tai nạn máy bay cho đến bây giờ. Vả lại, câu chuyện cũng dễ, anh có thể nhận diện tôi qua các cộng sự viên của tôi, so sánh tôi với các tấm hình từ trước của tôi, mọi người đều biết mặt tôi mà. Người ta cũng còn có thể nhận ra tôi bằng giọng nói qua điện thoại. Mặt tôi hơi đổi khác từ khi tôi bị tai nạn nhưng đó không phải là một trở ngại lớn lao trong việc nhận diện. Tôi yêu cầu điều tra và gởi tôi về Bucarest để tôi hoàn thành sứ mạng của tôi. 
- Tao đọc trong tờ khai của mầy như thế này: «Sứ mạng của tôi (loại trừ viên thống chế những người Slaves miền Nam) đã bị thất bại vì tai nạn máy bay bất ngờ. Tôi là người sống sót duy nhất. Ở quân y viện mà người ta mang tôi lại đó, tôi bỗng thấy một bạn học cũ của tôi tên Pierre Pillat cũng đến đó. Tôi ngờ là người ta đem hắn đến nhận diện tôi nên tôi đã trốn khỏi nhà thương vì các sĩ quan Sô Viết ở Vienne có đến thăm tối hôm trước và ra lệnh không được để cho họ nhận diện. Tôi trốn qua Pháp. Lúc đó tôi đổi tên là Boris Neva như là các sĩ quan Sô Viết yêu cầu. Tôi tuân lệnh và chỉ tiết lộ tên thật của tôi một khi đã đến được vùng Sô Viết ở Molda. Tôi phải tức tốc từ Paris trở về đây để hoàn tất nhiệm vụ tôi trong bản cáo trạng giả của tên thống chế trưởng giả».
Viên cảnh sát hỏi: 
- Nhiệm vụ đó như thế nào? 
- Đó là nhiệm vụ của đảng giao phó và tôi đã được các sĩ quan Sô Viết đến thăm tôi cho hay ở nhà thương. Tôi đóng vai bị cáo trong bản án đó. Tôi phải tự thú để đưa ra ánh sáng tất cả sự phản bội của viên thống chế trưởng giả đó. Tôi đã cố hy sinh mọi sự để đừng đến trễ. Tôi biết là vì ích lợi cho đảng nên phải tổ chức gấp bản án đó. Và tôi hy vọng là sẽ đến Bucarest đúng lúc. Tôi hy sinh tất cả cho đảng.
Viên cảnh sát trưởng mỉa mai:
- Chúng tao biết hết câu chuyện đó. Mày phải đóng vai chính trong vở kịch tội ác của viên thống chế đó ư? Mày tin là Sô Viết cần ngụy tạo những tên phản bội và những bản án giả mạo? Làm sao mày có thể khai như thế được nhỉ? Mày tin là Sô Viết dùng những kẻ vô tội để đóng vai bị cáo trong những tấm hài kịch đó sao? Như thế là mày đã lập lại những lời tuyên truyền chống cộng sản, đó là một cử chỉ thách đố và phỉ báng. 
- Một vài tên phản bội đã trốn thoát được như Trotzky và tên thống chế đó chẳng hạn. Dù vậy, chúng phải được phán xét và kết án, nhu cầu chính trị đòi hỏi như thế. Và vì chúng không thể hiện diện trước tòa án Sô Viết, người ta phải kêu gọi những kẻ tình nguyện tự kết án dù cho có bị xử tử chăng nữa để nhân dân có thể theo dõi tiến trình của việc phản bội như thế nào. Đó là một hệ thống rất có hiệu quả. Đó không phải là một sự hèn hạ mà là một bằng chứng của sức mạnh Sô Viết. Người ta luôn luôn kiếm được những thành phần ưu tú dám hy sinh đời mình để tự kết án, hầu làm sáng tỏ cho dư luận quần chúng những đoạn chính của tội phản bội.
- Đúng là giọng điệu tuyên truyền phản động. Sô Viết không bao giờ ngụy tạo những bản án như vậy. Sô Viết luôn luôn bắt giữ và phán xét những thủ phạm thật sự. Ai nói ngược lại là một kẻ thù phản động. Từ lâu Sô Viết đã bắt hết lũ phản bội theo phe viên thống chế trưởng giả. Đã bắt được kẻ phản động thật sự thì còn ngụy tạo bản án để kết tội kẻ khác làm gì?
- Những kẻ tòng phạm với viên thống chế đó đã trốn qua biên giới mất rồi. 
- Từ năm 1942, cảnh sát Sô Viết đã theo dõi tất cả những tòng phạm cũ của viên thống chế đó. Chúng bị kiểm soát rất gắt gao, cho đến các cuộc điện đàm cũng bị thu băng. Cho nên không đứa nào trốn thoát, tất cả đều bị bắt. Và thủ phạm chính là tên Rajk người Hung gia lợi. Báo chí nào cũng có đăng lời khai của nó cả. Đọc đi. 
Boris đọc những tít lớn trên báo chí để trên bàn viên cảnh sát. Ông này đàn áp tiếp: 
- Rajk đã hoàn toàn thú tội. Tại sao mày bảo là Sô Viết muốn ngụy tạo một bản án sau khi Rajk đã bị bắt và đã thú nhận tất cả tội lỗi, làm sao mày biện hộ cho lời khai của mày? 
Ở trang đầu, Boris thấy ảnh của Rajk đứng trước các quan toà. Thì ra chẳng ai khác hơn là một bạn đồng học của hắn ở Budapest. Rajk khai: 
«Tôi là thủ phạm đã âm mưu với tên thống chế những người Slaves miền Nam để thành lập một Liên minh Đông nam Âu châu đặt dưới sự cai trị của Anh Mỹ.» 
- Mày thấy là sự phản bội của tên thống chế đó đã xảy ra ngay tại trung tâm Budapest chưa? Sô Viết đã biết hắn từ bao năm nay rồi. Sô Viết khôn ngoan lắm, đúng lúc đã chín mùi, Sô Viết bắt hết lũ âm mưu. Rajk thú nhận tất cả rồi. 
Boris là bạn thân của Rajk. Cả hai cùng theo học ở Hàn lâm viện đỏ Mạc tư khoa. Sau đó cả hai vẫn thường gặp nhau ở các hội nghị. Rajk là một người công sản chính tông, Boris không bao giờ nghi ngờ hắn điều gì, Rajk cũng trung thành với chủ nghĩa cộng sản như hắn. Boris thầm nghĩ: «Trong lúc mình trốn khỏi bệnh viện mà không ai biết đến nữa, Sô Viết đã tưởng là mình chết rồi. Thế mà phải thực hiện cho bằng được bản cáo trạng đó, Điện Cẩm Linh đã chỉ định một người anh hùng khác. Rajk đã nhận sứ mạng đóng tuồng thay mình, tự nhận bị cáo đồng lõa với viên thống chế trưởng giả. Bản cáo trạng được gởi từ Bucarest sang Budapest, chỉ vì mình không còn ở đó được nữa. Rajk chỉ là một kẻ nhị trùng với mình. Và người ta tổ chức ở Budapest thay vì làm ở Bucarest như lúc đầu». 
Boris không suy nghĩ lâu thêm nữa, hắn sung sướng là vai trò của hắn đã có người thay thế cũng không kém khéo léo, vì Rajk là một thành phần tài ba. Rajk không phải là một kẻ phản bội, anh ta là một người hùng. Viên cảnh sát nhắc lại: 
- Tên Rajk đã từ lâu là một điệp viên của tụi tư bản, bây giờ hắn đã thú nhận rồi. 
Boris vẫn suy nghĩ: «Đáng lý là người ta nói về mình như thế đó. Ai cũng tưởng mình là thủ phạm chính. Quần chúng tin như thế. Bản cáo trạng thật là hiệu quả. Quần chúng tin như thế, chỉ có Rajk và mình mới biết đâu là sự thật. 
- Nào, bây giờ mày có nhận là mày nói dối chưa, rằng câu chuyện bản cáo trạng là do mày bịa ra chưa? 
- Tôi công nhận là tôi nói dối. 
Boris biết là mục đích của hắn đã đạt được. 
- Sau một lần nói dối như thế, người ta còn tin gì được ở các lời khai của mày nhỉ?
- Người ta không thế nào tin ở các lời khai của tôi nữa.
- Vâng, thế thì mày ký vào một tờ khai khác là mày công nhân đã bịa câu chuyện bản án. Tao cần hỏi mày một câu nữa: Tên thật của mày là gì? 
Đây là lúc khổ sở nhất trong đời của Boris. Hy sinh đời hắn còn dễ dàng hơn là nói rằng mình là một người khác, nên hắn miễn cưỡng trả lời:
- Tôi tên là Boris Neva. 
Hắn nói không suy nghĩ. Ở Phương Tây, hắn được gọi là Boris Neva, nên hắn lập lại: «Tên thật của tôi là Boris Neva». 
- Đồ ngu, Neva là tên của vị nữ anh hùng. Đó là tên bà tổ trong cuộc cách mạng của chúng ta. Neva không thể là tên của một kẻ du thủ du thực như mày được. 
Boris cắn môi suy nghĩ, cho đến bây giờ hắn không...
THIEU TRANG 496
... người Slaves miền Nam mà cũng từ đó Anatole Barsov đã đào ngũ. Boris nhìn tất cả thứ đó bằng một mắt, mắt trái đã bị hư hẳn. Hắn nghĩ đến Ba Lê, đến Tòa đại sứ Sô Viết mà hắn không thể nào vào tận nơi để tìm cách trở về Bucarest đúng lúc cho bản cáo trạng. Nên hắn đã bị Rajk thay thế. Bản án diễn ra ở Budapest thay vì ở Bucarest. Nhưng có điều hắn không hiểu nổi là tại sao Bucarest nỡ bỏ hắn lại nơi này, trong một làng nhỏ, cho một quân cảnh canh giữ. 
Boris thầm nghĩ: «Chắc là có sự lầm lẫn. Nếu bị nghi ngờ, mình sẽ được dẫn về Bucarest để điều tra rồi sẽ bị xét xử và kết án. Đúng là một sự làm lẫn không còn nghi ngờ gì nữa».
Boris nhìn ra phi trường Piatra. Hắn muốn tìm ra lỗi của hắn vì hắn có mặc cảm phạm tội nhưng hắn không có cách nào chứng mình là mình có lỗi. Hắn nghĩ là bây giờ mình đã ghi tên thật vào danh sách của trại tù là Boris Bodnar, có nghĩa là người ta đã tước hết chức vị và công trạng của hắn rồi. Cấp bậc cũng không còn nữa. Người ta đã lấy luôn cái tên Bodnariuk. Hắn có tên là Boris Bodnar như lúc mới lọt lòng mẹ, cái tên hắn mang lúc mới trốn qua Nga Sô. Bây giờ cũng như hồi đó, hắn cũng rách rưới như khi vừa mới bị đuổi khỏi trường hoàng gia Kichinev. Y hệt như cũ. 
Tất cả những công trình thay đổi khí hậu, thành lập binh chủng nghĩa quân, cộng sản hóa xứ Lỗ ma ni, tổ chức lại hệ thống quân đội đều do Bodnariuk hoàn thành. Hình như Bodnariuk là một ai xa lạ với hắn. Hắn bây giờ là Boris Bodnar, như lúc mới sinh ra, cũng nghèo nàn rách rưới, cũng cô đơn như khi chưa trở thành Bodnariuk. Hắn lấy lại tên cũ như khi chưa có một huyền thoại nào. Thật ra, Boris Bodnariuk là một tên bịa đặt. Chính hắn là Boris Bodnar. Trong xà lim, cô đơn và rách rưới, đau ốm và bị đánh đập, hắn không còn là một con người nữa. Trước đó, hắn là một người, bây giờ hắn đã già nua; thân thể, tâm hồn hắn đang làm cho hắn khổ sở. Hắn tự an ủi: «Chỉ có Boris Bodnar mới là thực sự, và khi mình chết đi, chính Boris Bodnar mới được chôn cất vì Boris Bodnariuk không bao giờ chết cả, vì Boris Bodnariuk chỉ là một huyền thoại không sinh ra nên cũng không chết đi».
Hắn đã phấn đấu vì vinh quang của Boris Bodnariuk, mà đã không làm gì cho Boris Bodnar cả. 
Bỗng có tiếng la trong xà lim bên cạnh. Hai người đàn bà cãi nhau, một trẻ, một già. Người trẻ có vẻ cương quyết. Họ đang đập lộn nhau. Boris lắng nghe lính gác mở cửa. Người trẻ nói: 
- Bà ta muốn mở cửa sổ xà lim, từ khi tôi đến đây, bà ta không chịu đóng cửa bao giờ. 
Người già nói: 
- Nếu các ông đóng cửa tôi sẽ tự tử. Từ bao nhiêu năm bị giam cầm ở đây, tôi chưa bao giờ đóng cửa sổ cả, ngay cả vào mùa đông giá buốt nhất. Thế mà tôi có bị chết cóng đâu. Cô ta còn trẻ, và chỉ mới đến đây vài giờ thì lại càng không thể bị chết cóng cho dù cửa có mở chăng nữa. 
Nói xong bà già khóc.
Boris nghe mấy người lính gác muốn đóng cửa sổ. Người đàn bà già nhảy xổ lại lính gác và đánh họ. Bà ta bị ngã xuống nhưng lại đứng dậy muốn mở cửa sổ. Lính gác đánh bà ta liên tiếp, đấm đá, tát tai. Sau đó họ lôi bà ta ra khỏi xà lim. 
Người đàn bà già đó là Iléana Kostaky. Trước đó, bà ta ở trong xà lim có một mình, và không bao giờ cãi vả với lính gác. Bà hay cầu nguyện, chờ đợi một cách nhẫn nhục. Đêm trước, người ta lại đi bắt người, và đem một người đàn bà khác đến giam chung xà lim với Iléana Kostaky vì thiếu chỗ. 
Boris lắng nghe người đàn bà trẻ nói với lính gác: 
- Bà nầy bảo là chồng bà trốn vào rừng. Bà không hy vọng gì thấy lại chồng bà vì bà bị kết án đến 15 năm, bà biết là thế nào bà cũng chết ở trong tù. Nhưng từ ngày đầu, bà ta đã để cửa sổ mở luôn với hy vọng là nếu chồng bà có chết rồi, linh hồn ông ta sẽ đến đây từ giã bà. Bà ta để cửa sổ là cốt để cho linh hồn chồng bà có thể vào bên trong xà lim được. 
Người ta đã đem bà già trở về sau khi đánh đập tàn nhẫn, họ xích tay chân bà lại để bà khỏi bước đến mở cửa sổ. Nhưng bà ta vẫn la lên: 
- Thế nào tôi cũng mở cửa sổ. Nếu chồng tôi chết, linh hồn ông ta không thể đến từ giã tôi được. Tôi sẽ không biết là ông ta chết nếu linh hồn ông ta phải ở bên ngoài.
Iléana lại van cô gái mở cửa, cô ta từ chối. 
Lính gác cột bà ta vào giường nằm, bà ta vẫn lải nhải: 
- Tôi để cửa sổ bao năm nay mà có chết chóc gì đâu, ngay cả lúc lạnh buốt xương. Tôi không muốn người ta đóng cửa, tôi không muốn bị xa lìa chồng tôi. Ít nhất, vào lúc ông ta chết, tôi muốn linh hồn ông ta về đây bên tôi. Tôi cứ chờ ông ta, nếu đóng cửa, làm thế nào ông ta vào đây được. Có việc gì xảy đến cho ông ta, tôi phải biết chứ. Các ông không có quyền ngăn cách vợ chồng tôi như thế nầy. 
Lũ lính gác và cô gái cười ngặt. Người đàn bà vẫn nói: 
- Tôi phải để cửa sổ chờ chồng tôi. Nếu các ông đóng lại, chồng tôi không đến đây được. 
Boris nằm dài lên giường. Hắn không muốn nghe tiếng rên la của bà già nữa, nhưng hắn nghe tiếng đấm cửa thình thịch bên cạnh. Đã hai giờ trôi qua từ khi bà già bị trói tay vào giường và cửa sổ bị đóng kín. Tiếng cô gái gọi lính gác: 
- Bà già chết rồi; tôi không muốn ở chung với người chết trong xà lim, tôi sợ lắm. 
Iléana đã chết khi lính gác nhất quyết đóng cửa sổ. Bà ta là một bà vợ có bổn phận chờ chồng về. Và vì bà ta không hy vọng thấy ông ta sống sót trở về, nên bà ta chỉ mở cửa để chờ linh hồn người chết. Và khi cửa sổ bị đóng kín, Iléana Kostaky phải chết vì bà ta không còn gì để làm trên trái đất nầy nữa, đời sống bà đã trở thành vô ích, vì không thể chờ chồng đến giờ phút chót. Phận sự làm vợ đã chấm dứt. 
Lính gác đem xác Iléana ra chôn ở khoảng đất băng giá bên cạnh nhà tù. Linh hồn bà, nếu sự thật giống như mơ ước của bà, đã từ giã trái tim bà để đi tìm Ion Kostaky qua bao nhiêu là núi rừng, biển cả, để vĩnh biệt người chồng trên dương thế, nhưng không ai biết được sự thật của những điều đó cả, không người nào, không tu sĩ nào biết được điều đó.
Tất cả nhân chứng và lính gác biết rất ít về cái chết của Iléana Kostaky. Họ chỉ biết rằng tấm thân xác già nua đó được cởi hết xiềng xích và chôn xuống đất lạnh, và trên thân xác không có hòm chôn đó, người ta quăng từng mẫu đất lẫn với những cục tuyết cứng ngắt, rằng mấy sợi xích đã cột tay chân bà bây giờ được chùi rửa sạch sẽ treo kỹ trong nhà gác để dùng cho tù nhân khác. Tất cả chỉ có thế, nhưng rất là ít ỏi, quá ít ỏi để được gọi là tất cả.
 

III
 
Boris đã đạt đến yên tĩnh tâm hồn và sự thanh thản của những kẻ đã từ bỏ đời sống trần gian cho một lý tưởng. Boris đã biết là tất cả vật sở hữu của người cộng sản đều thuộc về đảng. Của cái, vốn liếng văn hóa, áo quần, đời sống và cho đến cái tên của hắn cũng thuộc về đảng. Điều họ bắt lầm hắn hay cố ý bắt hắn cũng chẳng quan hệ gì: đảng có quyền trưng dụng tất cả và hắn không có quyền phàn nàn. Người ta đã rút bớt nơi hắn những điều gì không thuộc về hắn.
Lúc đầu, hắn đã tiếc không còn được gọi là Boris Bodnariuk nữa. Nhưng bây giờ hắn đã hãnh diện về điều đó. Đã có bao nhiêu cuộc trưng dụng tên tuổi mà hắn chứng kiến? Thật ra chỉ có cái tên của các anh hùng mới có cái danh dự đó. Khi những anh hùng cộng sản các nước Tây Ban Nha, Đức, Pháp, đến Nga Sô, người ta bắt đầu bằng cách trưng dụng tên của họ. Họ sẽ nhận những tên khác. Những tên do những chiến trận và những chiến công không thuộc về cá nhân mà thuộc về lịch sử và cộng đồng xã hội.
Những người mới đến là những người bằng xương bằng thịt có thể điên rồ, làm bậy như bao nhiêu người khác. Thật là bất công nếu để họ giữ những tên anh hùng mà phạm lỗi lầm với những tên đó. Cho nên phải lột cái tên đi đem vào lịch sử. Người mang cái tên anh hùng đó có thể già nua có thể làm bất cứ điều gì nhưng phải có một cái tên khác chứ không được giữ cái tên đã làm vẻ vang cho lịch sử.
Boris sung sướng với ý nghĩ là tên của hắn sẽ tồn tại trong lịch sử và hắn sẽ tiếp tục sống với một cái tên khác tầm thường không có một huyền thoại nào cả.

* * *
Có ai thì thầm trước cửa hắn: 
- Người ta mới bắt giữ cha Angelo. 
Bước chân xa dần và giọng nói tiếp tục thì thầm ở các cửa xà lim khác. 
- Cha Angelo đã bị bắt. 
Tiếng thì thầm xa dần và mất hẳn ở cuối hành lang. Boris biết là tất cả những người bị giam ở ngục thất Molda đều là kẻ thù của Sô Viết. Hắn không muốn tham dự vào đời sống của họ. Vì họ cũng là kẻ thù của hắn nên hắn lánh xa. Hắn thầm nghĩ: Đó là một mật lệnh của những tên phản động trong tù. Giọng nói tiếp tục thì thầm ở trước cửa đi ngang qua lỗ khóa là cha Angelo đã bị bắt.
Boris áp tai vào tường lắng nghe: Có nhiều tù nhân ở xà lim bên trái nhưng hắn chỉ nghe có một giọng nói: 
- Thưa cha, cha có tin là linh hồn Ion Kostaky sau khi chết sẽ hiện thành bóng ma để từ giã vợ hắn trong tù? Giáo hội có dạy bà ta như vậy không? 
Cha Thomas Skobai trả lời: 
- Chính bà tin thế. 
- Nhưng lòng tin đó có đúng hay chỉ là một sự lầm lẫn? Boris muốn biết vị tu sĩ đó sẽ trả lời như sao. 
- Lòng tin sắt đá của Iléana cho rằng linh hồn người chồng sẽ đến kiếm bà trước khi rời bỏ trần gian, ý chí quyết chờ chồng bên cửa sổ mỗi ngày, đông cũng như hè, đã bắt đầu trong tình yêu thương người chồng, trong sự chung thủy và bổn phận làm vợ của Iléana. Bổn phận đó là chờ đợi, là khổ đau nhưng không bao giờ nản chí trong quên lãng. Đó là những đức tính đẹp nhất của người đàn bà. Nếu những lòng tin tưởng phát xuất từ những đức tính đó mà sai lầm, thì Chúa, đấng toàn năng cũng sẽ tha thứ cho bà, vì bà đã đặt đức tin vào một cái gì sai lầm chỉ vì quá yêu chồng, quá thủy chung và quá kiên nhẫn với chồng. 
Vị tu sĩ nói tiếp: «Lạy Chúa, ban ơn cho Iléana Kostaky và rước linh hồn bà về với thiên đàng nước Chúa, ở đó sẽ không có nước mắt, bóng đêm mà là một cuộc sống vĩnh cửu. Amen». 
Trong xà lim, Boris quyết định nhẫn nhục chịu đựng và chấp nhận cái tên mới của mình mà không hề phản kháng. Trong trường hợp người ta khám phá rằng những gì xảy đến cho hắn từ lúc hắn trở về Lỗ ma ni là kết quả của một sự lầm lẫn thì Sô Viết sẽ gọi hắn lại và sửa sai lầm lẫn. Trong trường hợp mà đó là ý muốn của đảng, là nhu cầu ích lợi cho lịch sử thì hắn sẽ tiếp tục phục vụ dưới một tên mới trong một quốc gia mới cũng với từng đó trung thành và rồi cũng sẽ chiến thắng như trong quá khứ.
Nhưng giọng nói truyền miệng là cha Angelo đã bị bắt không còn là những tiếng thì thầm nữa mà người ta đã la lớn. Đám đông vây quanh. Người ta la ở trong hành lang. 
- Nông dân đến giải thoát cho cha Angelo. 
Và cả trăm ngàn tiếng nói của những nông dân nổi giận, của những người đàn bà chạy lui tới, của người và người đang chen lấn. Cửa nhà giam mở rộng, tường sập, quần chúng đã đến giải thoát cho thánh Angelo. Boris không hề biết đến ông thánh đó. Hắn chỉ nghe tiếng mở khóa cho phòng giam hắn rồi nhiều người vào phòng bảo là hắn đã được tự do. 
Hắn phải chật vật lắm mới ra ngoài được. Vì hành lang nhà tù đã tràn ngập nông dân. Không có bóng một tên lính gác hay một tên cảnh sát nào cả. Chỉ là đám đông tiến lên như sóng, bẻ cửa, dùng rìu phá tường. Đám đông đã chiếm nhà tù và đang phá nát các bức tường. Mọi người trở ra với một viên gạch trên tay và bỏ lên xe.
Boris theo một lỗ hổng bức tường thoát ra ngoài và cố kiếm đường thoát thân. Đã quen với đám đông trong các cuộc hội hộp, hắn ước lượng 10 ngàn người nông dân đã đến phá nhà tù ở Molda. Tất cả đều cầm gạch đá và các tấm ván của nhà giam mang đi. Có một giọng la to: 
- Thánh Angelo đã được giải thoát. 
Xong, tất cả đám đông quỳ xuống, người nào đứng đâu quỳ xuống đó, tay cầm gạch đá lấy được ở nhà tù. 
Đám đông đã giải thoát cho một tu sĩ còn trẻ. Nông dân khiêng đức cha lên vai về phía xe hơi. Đám đông đã nổi dậy phá ngục giải thoát cho cha Angelo. Boris muốn trông thấy ông ta nhưng vì ông ta ngồi xây lưng về phía Boris nên hắn không nhận ra mặt. Một người đàn bà cạnh Boris lên tiếng: 
- Chúng ta không còn ai để săn sóc những người đau yếu nữa. Thánh Angelo đã an ủi tâm hồn chúng ta, trị bệnh cho chúng ta và cầu nguyện cho chúng ta. Từ bao nhiêu năm nay thánh Angelo là niềm an ủi cho nông dân, thế mà người Sô Viết vào rừng bắt ông ta, thật là quá quắt, Chúa không thể nào cho phép điều đó được, nên bây giờ thánh Angelo lại được tự do. 
Sau khi thánh Angelo đi qua, đám đông lại đứng dậy đi theo sau xe ông ta, xe có đôi ngựa trắng kéo đi chậm chậm trên một con đường rừng hẹp. 
Boris bị chèn lấn khắp nơi. Chỉ có hắn là hai tay không cầm gì. Tất cả người khác đều cầm gạch đá lấy được ở nhà tù. Một người đàn bà bảo hắn: 
- Cầm lấy một viên chứ. 
Bà ta đưa một viên gạch cho Boris và giải thích: 
- Những viên gạch trên tường nhà giam Thánh Angelo đã bị giữ trong đó sẽ đem lại vận may. Ông giữ lấy và để trước nhà hay trên tường.
Boris cầm lấy viên gạch. Chiều cao bức tường thấp xuống thấy rõ. Và nếu mọi nông dân lấy một viên gạch thì trong vài giờ nhà tù ở Molda chỉ còn là một khoảng đất trống. 
Boris đi theo đám đông, đi theo biển người ở sau xe Angelo, để yên cho đám đông vừa xô đẩy vừa ca hát. 
Đoàn xe đi về phía khu rừng. Không có người lính gác nào cả dọc đường. Không có ai ngăn cản sự nổi dậy của nông dân. Đoàn người vẫn tiếp tục vào rừng. 
Boris được mời lên xe đi sâu vào rừng. Trên đường đi, hắn được biết là các giáo đường trong làng lần lượt bị đóng cửa. Những nơi nào còn mở cửa được đều là do các linh mục cộng sản đảm nhiệm. Nông dân đi vào rừng vì có một vị tu sĩ trẻ tên Angelo có thể làm phép lạ, đó là một hình thức tôn giáo mới, mà quần chúng muốn tin như thế. Cho nên khi Sô Viết bắt giữ Thánh Angelo, nông dân các làng đã nổi dậy phá nhà tù để giải thoát cho ông ta. 
Người đàn bà dẫn con ngựa bảo:
- Phép lạ là người ta đã không thấy lính Nga trên đường đi. Đúng là phép lạ của Chúa. Không có lính gác ở nhà tù. Ở Molda, chúng ta không gặp lính hay cảnh sát. Chúa đã làm họ tránh xa để chúng ta giải thoát cho cha Angelo. 
Đoàn xe dừng lại trước một cổng rừng. Boris không biết chuyện gì xảy ra nhưng chỉ nghe mọi người đang hát những bài ca tán tụng Đức Chúa. 
- Ông quỳ xuống đi. Thánh Angelo đang cầu nguyện để cảm tạ Chúa đã cứu ngài khỏi nhà giam cộng sản. 
Boris vâng lời, bước xuống xe và quỳ chung với hàng ngàn người nông dân trong khung cảnh bụi bặm của con đường rừng eo hẹp. Boris thầm nghĩ: 
«Không thể nào một cuộc nổi dậy như thế mà Sô Việt không có biện pháp an ninh. Đúng là một cuộc cách mạng chứ còn gì nữa.» 
Có người nói bên tai hắn:
- Ông giữ viên gạch nầy đi, nếu ông làm mất, ông không bao giờ tìm thấy lại nữa. Người ta đã lấy đến tận nền nhà tù. Không còn lại gì hết. Giữ lấy viên gạch đó nghe. Mất đi uổng lắm đó. 
Boris cầm viên gạch. Chưa bao giờ hắn chứng kiến một cuộc nổi dậy của quần chúng như thế. Muôn người như một.