Dịch giả: Hằng Hà Sa và Bích Ty
XXIV & XXV & XXVI

     ax Reingold đã hoàn tất chương trình. Ông đã đóng cửa nhà của Eddy Thall và trả lại chìa khóa. Ông chỉ tiếc là Pillat đã không đến để cùng đi thăm Tinka Neva, nhưng dù sao ông cũng có ý đợi Pillat, nghĩa là ông đã làm tròn phận sự. Bây giờ ông đang ở ngoài đường và tìm cách ra ga cho kịp chuyến tàu đi Constantza khởi hành vào lúc 9 giờ. Ông tìm một chiếc taxi, nhưng được người ta cho hay là cách mạng bùng nổ, Taxi không được phép chạy. Cả tàu điện cũng thế. Chúng tôi đang ở trong tình trạng báo động.
Max đành đi bộ ra ga. Ông rất hài lòng vì hành lý ông đã gởi từ ban sáng trên chuyến tàu mà Eddy, Rebecca và Esther đã đi. Chỉ có một cái cặp nhỏ trên tay thôi, nên bây giờ Max có thể thong thả đi ra ga xe lửa. 
Chỉ trong 15 phút nữa mình sẽ đến sân ga ở miền Bắc.» Vừa đi vừa nghĩ như thế, Max không cần bước vội, dù ông thừa biết là đảng «Thiên thần của lửa» có ý định khởi xướng cuộc cách mạng đổ máu đêm nay. Cả thành phố đều biết điều đó. Nhưng ở đâu cũng có lính, quân cảnh và cảnh sát. Tướng Roshu đã biết tôn trọng luật lệ, quân đội trung thành với ông ta. Max yên lòng bước đi và hài lòng vì đã ra đi kịp đêm nay.
«Ngày mai có thể là chậm mất. Đêm nay tướng Roshu làm chủ tình thế, điều nầy rõ ràng quá. Nhưng ngày mai biết đâu được? Ngày mai quân phản loạn có thể thắng thế. Mà ngày mai thì mình đã lênh đênh trên mặt biển rồi. Nghĩ thế mà Max mỉm cười. 
Nhưng bỗng có một giọng nói trẻ trung: 
- Do Thái?
Rồi một thanh niên khác rọi đèn vào mặt ông làm nỗi bật hẳn cái lỗ mũi Do Thái, đầu tóc màu hung và những đốm lấm tấm màu hung trên khuôn mặt ông.
Max muốn đưa tấm vé xe lửa ra. Ông muốn nói với họ là ông sẽ lên xe lửa, sẽ rời xứ nầy ngày mai. Ông muốn chỉ cho họ xem tấm vé lên tàu thủy, giấy phép rời Lỗ ma ni. Cái gì ông cũng có trong túi cả. Nhưng mà không có thì giờ để nói một câu nào cả. 
Một người thanh niên đã bảo với người cầm đèn bấm: 
- Nào mang nó đi, Do Thái chắc chắn rồi đó. 
Nhiều thanh niên mang súng ống hẳn hoi vây quanh Max. Bên lề đường một chiếc cam nhông đã đậu sẵn. Rồi Max có cảm tưởng bị đẩy đi. Ông phải leo lên xe. Không còn lý do nào để kháng cự hay năn nỉ. Xe cam nhông đầy nhóc; lúc đã vào bên trong Max tưởng như mình đang bị đè bẹp ra. Max vẫn thầm nhủ: Không có hoàn cảnh nào mà không có lối thoát nếu người ta bình tĩnh. Giữ được bình tĩnh mình sẽ ra khỏi đây và đi chuyến tàu 9 giờ. Nếu mình biết giữ bình tĩnh, nếu mình nhanh trí một chút, mình đã nói với họ là mình không phải Do Thái. Nhưng đã lỡ rồi phải tự lo liệu đi thì vừa. Muốn thế thì phải bình tĩnh. Nghĩ như thế, Max qui tu hết cả ý chí để tạo cơ hội, bắt đầu bằng cách thở dài hơi, ông dang hai tay ra để thở mạnh hơn nữa. Có tiếng súng nổ gần xe cam nhông, và có tiếng la «đồ sát nhân, sát nhân», tiếp theo là tiếng rơi bịch xuống đất của một xác người gần bánh xe. Max nghĩ đến chuyện khác. Ông phải quên đi tất cả những gì đang xảy ra chung quanh để không nghe tiếng rên xiết, tiếng van xin, vì tất cả thứ đó làm ông ta mất tinh thần. Rồi ông thầm nghĩ: 
- Điều chính yếu là mình phải tự xem như là kẻ ngoại cuộc với hoàn cảnh nầy.
Max cho là điều trước tiên cần yếu để thoát khỏi sự khó khăn đó là phải có một kế hoạch. Vâng một kế hoạch kỹ lưỡng. Ông nhìn chung quanh và tìm cách tiến về phía cửa xe. Nhưng những người khác lại vừa bị vứt lên xe, ông ta lại bị thối lui. Tất cả người chung quanh ông đều lo sợ và nhốn nháo cả lên. Chỉ có Max vẫn chậm rãi tiến tới, từng ly một, về phía cửa bằng cách lách qua những thân thể chen chúc. Ngay lúc đó, xe bắt đầu chạy hết tốc lực. Ở cửa lên xuống đã có hai thanh niên ôm tiểu liên, nhưng Max biết rằng nếu đã đến gần cửa xe thì lúc nào may mắn cũng có thể đến với ông được cả. Đó là giai đoạn đầu tiên của kế hoạch. 
Khu vực xe vừa đi ngang qua nằm trong tay bọn phản loạn, súng nổ, nhà cháy. Qua ngã tư, người ta nghe tiếng rên than. Những khẩu tiểu liên khạc từng loạt điếc tai.
«Năm 1916, mình đã đánh giặc trong các giao thông hào. Súng nổ không làm cho mình sợ hãi được. Max tự nhủ như vậy và lợi dụng khi xe chồng chềnh để tiến về phía cửa xe. Lúc không còn nghe thấy tiếng súng nữa thì xe đã ra khỏi thành phố. Max muốn định vị trí và chỉ một lúc sau ông đã biết «Mình đang bị đưa đi về phía trại quân lao Jilava. Nhưng trước khi đến đó, phải đi ngang qua một khu rừng. Chừng 500 thước rừng rậm. Ở đó mình có thể thoát thân được bằng cách nhảy ra khỏi xe. Sau đó mình sẽ lên tàu đi Constantza bằng ga Jilava và mình sẽ đến đúng giờ». 
Max đã len đến cửa. Xe đang ở ngay trong rừng. Bỗng có ánh đèn pha quẹt ngang và có người ra lệnh: 
- Dừng lại. 
Chiếc xe thắng gấp. Một đám thanh niên mặt đồng phục vây quanh, một giọng hô to: 
- Xuống hết đi. 
Rồi nhiều tiếng quát khác: 
- Xuống, xuống. 
Max xuống trước tiên. Trời tối như mực. Max tránh những ánh đèn chói mắt. Nhìn vào bức tường nhà lao ngay trước mắt. Phía sau chiếc xe là rừng rậm. Max biết rõ khu rừng này lắm. Trời đang mưa lâm râm, dưới chân đất sền sệt ướt. Max nhìn hàng cây, nhìn những thanh niên mang đuốc, và những người Do Thái còng lùng bước xuống xe. 
Max cố nhìn tất cả hình ảnh đó thật khách quan như lúc đi xem chiếu bóng. «Cần hành động đúng lúc như hồi ở Bourse – ừ, như hồi ở Bourse, bình tĩnh, kiên nhẫn.» Max cố tạo lấy can đảm cho mình. 
Bên phải, bên trái đều có những người đang bước xuống xe. Toàn là người và người. Max cầm chiếc mũ đã bị đè bẹp lúc ở trên xe, thắt lại cà vạt, gài nút áo choàng, cố để đừng làm bẩn đôi giày trong đám cỏ cao ẩm ướt. Không thể làm bẩn chúng được. Max cần giữ một bộ đồ chỉnh tề và đứng đắn bởi vì như thế rất cần cho kế hoạch trốn thoát của ông. Những người Do Thái lúc xuống xe đều lom khom vì sợ hãi. Max đứng thẳng người, ngang nhiên bỏ tay vào túi quần. Ông không muốn giống mấy người kia khom lưng lại vì sợ hãi. Ông thầm nhủ: «Max, nhìn xem, một lát nữa thôi, giờ hành động đã điểm». Chung quanh ông là bóng tôi và mưa phùn. Trong bóng tối, điều làm ông phân biệt được tù nhân và các đảng viên là tù nhân thì khom lưng, các đảng viên «Thiên thần của lửa» thì đứng thẳng người. 
Max bình tĩnh đứng thẳng người xong bước ra khỏi hàng. «Trước tiên cần đứng thẳng và mình đã làm được rồi, sau đó phải có can đảm bước từ nhóm người còng lưng sang nhóm những người đứng thẳng.»
 Nghĩ thế, Max bước một bước. Ông đã xa hẳn những người khom lưng. Nhưng ngay lúc đó một báng súng đập vào ngực ông. Ông thối lui và gấp người lại, phải trở lại hàng ngũ những người khom lưng và Max lại càng khom lưng hơn tất cả những người khác nữa. Cơn đau như xé ngực kéo đến, nhưng ông cũng đứng thẳng người lên. «Nếu mình đứng thẳng được tức là mình sẽ được cứu thoát.» Và ông ta làm được, đứng thẳng được. Nhưng cơn đau lại kéo đến, Max phải dựa vào tường, muốn nghỉ một chốc để lấy lại sức. Bức tường lành lạnh làm ông dễ chịu. 
- Nhanh lên. 
Giọng nói của viên chỉ huy vang lên từ xa. Ông ta đến gần, lũ thanh niên cầm đuốc vây quanh.
Max nghĩ thầm: «Mình phải đứng vào hàng ngũ của họ, phải bước qua nhóm của viên chỉ huy, sau đó mình sẽ thoát thân... Mình sẽ biến vào rừng. Khi đã đứng được vào nhóm của viên chỉ huy thì dễ dàng quá rồi. Nhưng muốn như thế mình phải cố gắng đứng thẳng người như họ. Phía sau họ là khu rừng rậm, qua khu rừng mình sẽ đến đường cái, đi bộ chừng năm phút mình sẽ đến ga Jilava. Đến đó mình sẽ lên xe lửa đi Constantza, rồi từ Constantza, mình xuống tàu thủy đi Israel». 
Viên chỉ huy lại ra lệnh: 
- Nhanh lên. 
Trong hàng ngũ những người đứng thẳng mà Max muốn nhập bọn, đã có tiếng lắp đạn vào súng. Sau đó, có tiếng thử cò súng. Max biết rõ những âm thanh đó. Ông đã từng đánh giặc qua các giao thông hào. Ông vẫn đứng thẳng. Rồi bước một bước ngắn. Chỉ cần có hai thước để bước sang nhóm người đứng thẳng. Trời lại tối như mực. Vấn đề thật giản dị, không nên mất một phút nào cả. Ông ráng bước thêm một bước nữa, nhưng ngay lúc đó, những thanh niên theo lệnh trên lại đứng xa ra vài thước. Giữa những người cầm khí giới và những người khom lưng dựa vào tường còn những hơn mười thước. Trong khoảng cách mười thước đó, không có một bóng người. Họ hoàn toàn cách xa nhau. Max biết rõ là bây giờ không thể qua nhóm bên kia được nữa. Cơ hội đã qua mất rồi, ông phải thay đổi kế hoạch. Rồi như một con mèo, Max nằm nhẹ nhàng xuống đất ấm. Ông biết là tụi chúng sắp bắn, ông phải đào một hố ẩn núp, như ông đã từng làm thế nhiều lần hồi đệ nhất thế chiến 1914. Vâng, đào một hố cá nhân, nhanh lên mới được. Max bắt đầu đào thật nhanh với hai tay mang găng, và tự nhủ:
- Cứ bình tĩnh và thản nhiên. Như thế mình sẽ thoát khỏi bất cứ đường cùng nào. 
Và ông tiếp tục dùng tay đào đất. Đạn đã bắt đầu nổ, viên nầy đến viên khác. Max đào đất thật nhanh. Tất cả tuỳ thuộc vào tốc độ nên ông đào bằng cả hai tay, đất lại rất mềm và dễ đào vô cùng. Lúc đó, Max đã ấn cái đầu xuống hố được rồi, và ông đào càng lúc càng nhanh, đào trong tuyệt vọng. Đạn réo trên đầu, nổ phía bức tường và dội ngược trở lại. Max lại thầm nhủ: Mình phải làm chủ tình thế, đêm nay mình sẽ đến Constantza, vợ và con gái đang đợi mình, sau đó, ngày mai mình sẽ xuống tàu thủy đi Israel». 
Mấy ngón tay của Max ấn tuyệt vọng vào lòng đất ẩm. Lũ quỷ vẫn tiếp tục bắn. Tiếng la, tiếng thét không dứt. Tiếng rên rỉ, tiếng khóc thảm thiết như chó tru. Max nhất định không để mình bị lôi cuốn vào cái gì đang xảy ra chung quanh, ông chỉ theo kế hoạch của mình thôi, thực hiện kế hoạch và làm chủ tình thế.
Max giấu đầu xuống hố. Ông nghĩ đến sân ga, đến Constantza, đến cuộc hành trình đi Israel, chỉ nghĩ đến những điều làm ông phấn khởi, làm ông nắm vững tình thế, giữ ông ở ngoài sự khủng hoảng, sự giết chóc và tiếng kêu than. 
Vì thế ông nhớ đến hý viện Eddy, đến thủ đô Tel Aviv, đến mảnh đất hứa hẹn... Nhờ thế mà Max tiếp tục đào đất thật nhanh, với tất cả sức lực, với nỗi tuyệt vọng khôn cùng. Đó là những gì ông đã làm, để khỏi đầu hàng hoàn cảnh. Và ngay cả lúc ông bị đạn xuyên qua người, lúc mà đạn xuyên vào bộ óc còn nóng hổi của ông, cũng không hề có trong khói ốc đó một sự sợ hãi, một sự cuống cuồng nào mà chỉ là một nỗi ao ước duy nhất là không thể đầu hàng hoàn cảnh, niềm ao ước đến Constantza đêm đó, nơi mà những người thân nhất đời đang chờ đợi ông: Rebecca, vợ ông, mập mạp và tốt bụng; Esther, con gái ông, đa cảm và xinh xắn; Eddy Thall, nghệ sĩ tên tuổi của ông, hai chiếc tàu Adassa và Euxin, biển Đen và Mảnh đất hứa hẹn của Palestine.
Và Max chết như thế đó. Chết mà không hề nghĩ đến sự chết. Cũng không chấp nhận nó nữa. Tay, đầu, ngực áp lên đất ẩm và nghĩ đến mảnh đất quê hương. 
Mấy tên lính tiếp tục bắn trong vài phút nữa. Sau đó chúng ngưng hẳn. Viên chỉ huy ra lệnh: 
- Vứt xác chết lên xe hết đi. 
Max bây giờ không còn nghe được tiếng ra lệnh đó nữa. Giọng của viên chỉ huy đã khàn. Trời mưa lạnh đã làm khan giọng viên chỉ huy. 
Lũ thanh niên mang súng lên vai, nòng súng còn nóng hổi. Cứ hai đứa mang một xác chết và vứt lên xe như những khúc gỗ được vứt lên những chiếc cam nhông có đèn pha sáng quắt và máy đã nổ sẵn. Có tiếng ra lệnh: 
- Chạy đi.
Những chiếc xe tiến lên, dọc theo bờ tường, đèn pha để sáng. Một toán thanh niên cầm đuốc xem kỹ thử có xác chết nào còn sót lại hay không. 
Viên tài xế lái chiếc xe đầu tiên, chiếc xe có xác của Max Reingold hỏi: 
- Chở đi đâu bây giờ đây? 
- Đến nhà tế sinh. Các anh vứt họ vào nhà tế sinh.
Mấy chiếc xe chạy về hướng nhà tế sinh, chầm chậm, vì đất quá trơn, bánh xe có thể trượt dễ dàng. 
Từ thành phố, nhiều chiếc xe khác tiến về Jilava, chở đầy những người còn sống, chạy ngược chiều với những chiếc xe chở đầy những xác chết. 
Cứ như thế suốt đêm. Những chiếc xe đầy người sống đi vào khu rừng rậm. Và những chiếc xe chở người chết trở về lò sát sinh. 
Người ta chất xác chết vào sân xi măng, chồng lên nhau cho đến lúc nào sân đầy xác. Vào khoảng 3 giờ sáng, một viên chỉ huy đi thị sát. Hắn nhìn xác chết của những người Do Thái chồng lên nhau trong sân nhà tế sinh. Hắn mỉm cười sung sướng, và hỏi: 
- Ai đã ra lệnh đem họ lại đây? 
Có tiếng trả lời ngắn ngủi. 
- Lệnh trên.
- Nhưng tại sao lại đem đến đây, hợp lý ra thì phải đem lại nhà xác hay nghĩa địa chứ. «Không ai biết lệnh xuất phát từ đâu? Hắn tự hỏi như thế.» Họ ở đây thì các anh cởi hết áo quần họ đi. 
Lại thành lập từng toán. Người chết bị lột trần truồng, trần truồng trên đất lạnh. Cảnh tượng thật khủng khiếp nhưng chẳng ai buồn để ý đến. Lũ thanh niên đang lo cởi áo quần người chết, một người hỏi bâng quơ: 
- Có cần treo họ lên móc không nhỉ? 
Thế là người ta móc xác chết lên và treo vào móc. Những xác chết lại nhiều hơn số móc. Trong nhà tế sinh, người ta chỉ giết chừng hàng trăm súc vật trong một ngày, đủ thịt cho cả thành phố dùng. Mà bây giờ lại giết cả hàng ngàn người Do Thái làm sao số móc cho đủ được. Vì thế chỉ có vài trăm xác bị treo vào móc mà thôi. Trên bụng, lưng và ngực của mọi xác đều có đóng dấu như người ta có thói quen đóng dấu vào các súc vật bị giết theo tục lệ Do Thái. Và những xác chết cũng được làm như thế để chứng tỏ rằng họ là người Do Thái.
XXV
 
Sáng thứ bảy. Sau đêm cách mạng, tướng Roshu cho gọi Pillat vào để dặn dò công việc: 
- Anh qua ben sứ quán Đức cho Nam tước Killinger biết là chúng ta đã dẹp được cuộc nổi loạn. Có hàng ngàn người bị ám sát. Những tên sát nhân do Aurel Popesco cầm đầu, đã ăn mặc theo đồng phục của sĩ quan Đức, nên bây giờ chỉ có trốn qua Đức mà thôi. Tôi yêu cầu sứ quán Đức giao họ lại cho tôi bắt giam để tôi có thể xét xử, dù chúng nó có mặc hay không mặc đồng phục do tòa đại sứ Đức cung cấp. 
Pillat vừa nghe vừa ghi chép. Chàng vừa thức trắng đêm qua nên giờ quá mệt mỏi. Roshu dặn tiếp: 
- Ở tòa đại sứ ra, anh nhớ ghé qua nhà tế sinh thành phố. Có hàng ngàn xác Do Thái ở đó. Anh nhớ nhận diện và lập biên bản. Chụp hình quay phim cảnh man rợ đó để mình có bằng chứng kết án tụi sát nhân. Sau đó anh đưa người chết về với gia đình họ để chôn cất y theo luật lệ đòi hỏi.
Pillat vâng lời, đến tòa đại sứ Đức, xong trở về nhà tế sinh. Các con đường chung quanh đó đầy người, quân cảnh không có ai đến gần cả. Pillat nhìn những xác chết trần truồng nằm chết chồng chất lên nhau trên sân xi măng, một số xác chết được treo lên móc thành bốn dãy, chàng bảo: 
- Hạ xác chết xuống đất hết, và chụp hình nhanh lên. 
Chàng bỗng để ý đến xác chết đầu tiên. Đó là xác một người đàn ông trạc 50 tuổi, trần truồng, mang ba khuôn dấu trên ngực, bụng và lưng. Một viên sĩ quan quân cảnh bảo với Pillat: 
- Chúng tôi bắt đầu nhận diện đây. 
Rồi chỉ cái xác chết mà Pillat đang khám và bảo:
- Ví dụ người này dễ nhận diện lắm, vì chúng tôi thấy trong bóp của ông có một vé xe lửa hạng nhì đi Constantza, một vé tàu thủy trên chiếc Adassa đi Tel Aviv và giấy phép rời Lỗ ma ni. Tất cả giấy tờ đều hợp lệ cả. Đáng lẽ ông ta ra đi. Thế mà ông ta lại nằm đây. Cuộc đời thật là lạ lùng, ông tên Max Reingold. 
Pillat khiếp đảm nhìn xác chết. Trên đời, có nhiều xúc động làm người ta mù, điếc, làm cho người ta trở thành tượng đá. Pillat đang ở trong trạng thái đó, và đăm đăm nhìn xác Max bị treo trên móc thịt nhà tế sinh, trần truồng với những khuôn dấu đóng trên da thịt. Trong lúc đó, viên quân cảnh hỏi:
- Chúng tôi có thể trả ông ấy về cho gia đình không? Vì đã nhận diện được, chúng tôi sẽ lập biên bản và trả về cho gia đình, nếu ông cho phép điều đó. 
Pillat chỉ nghe được câu: «Nếu ông cho phép điều đó», rồi vẫn đăm đăm nhìn xác Max, trong khi viên quân cảnh lập lại câu hỏi: 
- Ông có cho phép chúng tôi trả người nầy về cho gia đình không? Pillat gật đầu đồng ý và bảo: 
- Tôi sẽ yêu cầu người ta gởi một quan tòa khác thay tôi. Tôi mệt đuối sức rồi. Đêm qua, tôi không hề chợp mắt được tí nào. 
Sau đó, Pillat rời nhà tế sinh, thất thểu.
XXVI
 
Rebecca, Esther và Eddy Thall đến Constantza giữa trưa trời nắng và mặt biển trong xanh, Eddy bảo: 
- Chúng mình phải đến xem tàu trước tiên đã. 
Ba người đàn bà cùng đi xuống hải cảng. Chỉ toàn là tàu chiến, trong đó nổi bật hẳn hai chiếc vừa mới sơn màu xám mang tên viết bằng màu đen: Adassa và Euxin. 
Eddy hồi hộp, đúng là tàu của nàng sắp đi rồi. Sáng mai tàu sẽ nhổ neo đi Israel. Họ không có quyền vào hẳn trong hải cảng, nhưng ở đằng xa họ có thể trông thấy đoàn thủy thủ chất bao nhiêu thùng hành lý lên Adassa và Euxin. Họ biết là hành lý của họ sẽ được chất lên tàu Adassa. Rebecca dặn dò:
- Đừng quên lời dặn của Max. Chúng ta đi ăn trưa xong phải về nằm nghỉ ngay. Chuyến đi lâu lắm vì Israel còn xa. Chúng ta phải nghỉ dưỡng sức. 
Ba người đàn bà muốn nán lại nhìn hai chiếc tàu sắp chở họ đi, nhưng phải đành trở về khách sạn, ăn trưa và ngủ. Qua khung cửa sổ, họ nhìn thấy hải cảng. Adassa và Euxin quá nhỏ. Đó là hai chiếc tàu cũ được sữa lại, để dành chở 1500 người Do Thái sắp xuống tàu ra đi. Thủy thủ đoàn cũng là người Do Thái cả, để số người đi được đông hơn. Thuyền trưởng cũng là Do Thái nốt. Tối đến, Eddy, Rebecca, Eddy, ra hải cảng ngắm mãi hai chiếc tàu mà không biết ngán, cũng như tất cả những người Do Thái khác. Sau đó họ ra ga xe lửa để đón Max, đến sớm trước cả hai tiếng đồng hồ nên đành phải đi bách bộ trong sân ga để chờ chuyến tàu từ Bucarest đến. Nhưng lúc tàu đến nhìn mặt từng hành khách, họ không tìm thấy Max ở đâu cả.
Rebecca lo lắng: 
- Max không bao giờ trễ tàu cả. Chúng tôi lấy nhau đã 24 năm nay, bao giờ Max cũng đúng giờ. Hay có thể Max đã đến mà chúng ta không thấy. 
Họ lại trở về khách sạn, Max vẫn chưa đến. Rebecca muốn gọi điện thoại về Bucarest, nhưng điện thoại viên cho biết: 
- Đường điện thoại liên lạc với thủ đô đã bị cắt đứt, vì đang có cách mạng ở Bucarest. Hỏi về những chuyến tàu sắp đến, thì được trả lời là không có tàu nào được phép rời Bucarest đêm nay. Nhưng ngày mai giao thông lại được tái lập như thường lệ. 
Ba người đàn bà cố giữ bình tĩnh. Họ phải trở về khách sạn lúc 3 giờ sáng và kiên nhẫn chờ ngày mai. Vừa tảng sáng, Rebecca lại ra ga. Bảng thông cáo cho biết tàu từ Bucarest sẽ đến lúc 7 giờ. Họ trở ra hải cảng. Những người Do Thái đang đứng từng hàng đợi để lên cầu xuống tàu thủy. Máy tàu đã lên sức ép. Mọi người đang xôn xao về vụ thanh trừng Bucarest. Thế là lúc bắt đầu chuyến đi đã có lộn xộn, vì bốn người khách vắng mặt, trong số đó có Max Reingold, người đã tổ chức cuộc di cư. Vào giữa trưa máy phóng thanh trên tàu cho biết:
- Adassa đã quá cũ phải đi chậm nên phải rời hải cảng đúng ngọ. Euxin đợi chuyến xe lửa 5 giờ sáng để đón những hành khách còn sót. Sau đó Euxin sẽ bắt kịp Adassa ở ngoài khơi. Rebecca mừng rỡ bảo với Eddy: 
- Thế thì tốt quá. Hành lý của chúng ta để cả trên chiếc Adassa, Bác và Esther sẽ đi trước. Còn cô ở lại để chờ Max cùng đi luôn thể trên chiếc Euxin. Nhờ cô bảo với Max là không có gì đáng ngại cho bác và Esther cả, Max đừng lo lắng gì. Bác sẽ coi sóc hành lý. Cô đừng để Max đi một mình, khoảng tối hai chiếc tàu sẽ gặp nhau ngoài khơi, chúng mình lại cùng ở chung. 
Eddy bước xuống, nàng vẫy khăn từ giã lúc Adassa từ từ rời hải cảng. Tất cả đều khóc và làm dấu tiễn biệt nhau. 
Euxin vẫn buông neo chờ chuyến xe lửa từ Bucarest đến. Eddy ra ga đợi. Nhưng Max vẫn không đến. Trong số bốn người vắng mặt, không một ai đến cả. 
Báo chí, đài phát thanh loan báo những tin tức khủng khiếp về cuộc thanh trừng ở Bucarest. Eddy sợ hãi, nàng phải trở về Euxin. Sự lo lắng đang bao trùm trên tàu. Máy tàu Euxin lại hơi yếu, loa phóng thanh lại loan báo «Euxin sẽ không nhổ neo tối nay». Eddy Thall phải ngủ ở một chiếc võng trên cầu tàu, suốt đêm hôm đó và cả ngày hôm sau, người ta cố để sửa chữa máy tàu, thế mà bốn người vắng mặt vẫn không thấy đến. 
 Sáng đến, thêm một tin tức mới cho biết Adassa đã bị đắm. Euxin không đi được nữa, vì theo lệnh chính quyền, không một chiếc tàu nào chở người Do Thái được phép rời bến.