Dịch giả: Khánh Giang
- 10 -

    
àng đến ngày lễ, lòng người càng rạo rực. Đặc biệt là lễ 1 – 5. Bởi đấy là ngày lễ của mùa Xuân. Sau ngày lễ là cả một mùa hè vui chơi thoải mái.
Khắp thành phố cờ treo rợp trời, những hàng bóng điện đủ màu, nhấp nháy. Trên các quảng trường người ta trưng bày những quả địa cầu to lớn với các con tàu vũ trụ bay quanh. Trong các sân nhà đã vang lên những tiếng khóc của trẻ thơ vì chúng đã làm nổ những quả bóng đầu tiên.
Trong các trường học trẻ em tích cực chuẩn bị cho ngày lễ. Chúng đọc thơ, tập hát, chuẩn bị biểu diễn văn nghệ. Chúng viết lên bảng đen những dòng chữ: “Ngày cuối năm – ngày lười học, đề nghị các thầy cô đừng làm khổ học trò”. Các giáo viên cũng chẳng giận gì chúng – chính bản thân họ cũng mong chóng đến ngày 1 – 5.
Chỉ mỗi mình Tôlic là sợ ngày lễ của người lao động. Con người vĩ đại Anatôli Rưzcôp – người chiến thắng sư tử, một cầu thủ khúc côn cầu tài ba, lực sĩ mạnh nhất của hành tinh – bỗng hèn nhát như một đứa trẻ chưa đến trường. Nó có thể bẻ gãy một khúc gỗ lớn, có thể dễ dàng thắng cờ nhà vô địch Bôtvinnhic. Nhưng bên cạnh Tôlic là những con người bình thường. Và nếu như ai đấy sau mười năm tập luyện trở thành một người chơi cờ nổi tiếng thì đó là một chuyện hoàn toàn bình thường. Riếng Tôlic chỉ biết thực hiện mỗi điều huyền bí. Điều đó thất là nguy hiểm. Tôlic bắt đầu lo lắng.
Tất nhiên, hộp diêm vẫn ở trong tay nó. Chỉ cần bỏ ra vài que diêm là mọi người sẽ quên ngay rằng trên thế giới này có một thầy phù thủy là Tôlic Rưzcôp và sẽ không chú ý đến những trò kỳ lạ của nó nữa. Nhưng trò kỳ lạ chỉ hấp dẫn khi người ta chú ý. Và sẽ buồn biết mấy khi sức mạnh và lòng dũng cảm của anh không ai biết đến và kinh ngạc. Sẽ buồn lắm nếu những điểm 5 của anh không được ai khen. Thật là thú vị bởi Tritra giờ không dám tới gần Tôlic! Và nếu để cho Tritra quên đi tất cả thì Tôlic sẽ được ăn bạt tay của nó ngay trong ngày đầu tiên!
Không! Làm một thầy phù thủy dù sao vẫn thích hơn! Thật là tuyệt diệu khi chỉ cần khẽ đưa tay là có thể làm được những điều mà người khác phải tốn cả năm trời! Cứ để cho mọi người thèm muốn!
Nhưng phải biểu diễn cái gì đây trong hội diễn nhà trường sắp tới? Ngày 1 – 5 đến ngơi rồi mà Tôlic chưa nghĩ ra được một điều gì. Bàn bạc được với Misca thì hay biết mấy, nhưng lại phải kể cho nó nghe tất cả. Thêm vào đó gần đây Misca thường nhìn nó với ánh mắt khác thường – có lẽ nó thèm được như Tôlic. Phải như thế mới được! Cứ để cho nó thèm muốn! Còn ở hội diễn nhất định Tôlic sẽ có tiết mục, như đã hứa với Lêna Seglôva.
Nó sẽ không biểu diễn những điều kỳ lạ mà sẽ tự đọc một bài thơ nào đó trong tập “Dòng sông quê hương”. Tôlic học bài thơ trong hai ngày. Nó đã quên cách học bài nên đã qua hai ngày mà vẫn không tài nào thuộc hết một bài thơ ngắn. Nhưng Tôlic quyết không dùng tới diêm thần, và cố học cho thuộc nửa bài – theo nó, chừng ấy là đủ rồi.
Ngày 29 – 4. Đến sáu giờ chiều trong trường đã tụ họp đầy đủ các bậc phụ huynh học sinh. Trong lúc bọn trẻ chuẩn bị bàn ghế thì các bậc cha mẹ đi lại trong hành lang làm quen với nhau. Các ông bố trầm tĩnh như những học trò lớn tuổi, đứng hút thuốc ở cuối hành lang. Ba Tôlic nhanh chóng làm quen với một ông “ghiền” bóng đá, hai người cùng giơ chân múa tay ra hiệu phải đá phạt trực tiếp như thế nào.
Phía sân khác Lêna Seglôva, giống như một cái dù trong chiếc váy ni lông của mình, kéo lưng Tôlic:
- Cậu sẽ biểu diễn cái gì?
- Đọc thơ – Tôlic trả lời – Bài “Mênh mông đất nước tôi”
- Đây là bài thơ!
- Không sao, Tôlic nói – hoàn toàn nghiêm chỉnh!
Ai đó gọi Lêna và cô bé chạy đi, Tôlic liếc nhìn Lênha Travin với cây viôlông trên tay.
- Sẽ kéo viôlông?
Lênha kinh khỉnh nhìn Tôlic, vuốt vuốt mấy ngón tay nghệ sĩ của mình.
- Cậu kéo in ít – Tôlic khuyên – chứ không bọn ruồi ngạt thở đấy.
- Tớ phải bình tĩnh trước khi biểu diễn, chứ không thì …
- Thì sau khi biểu diễn vậy – Tôlic khuyên, nhưng ngay lúc đó nó nhớ ra mình là một con người vĩ đại, nên thôi không khiêu khích. Tốn nước bọt làm gì với một kẻ yếu hèn như Travin.
Khi màn mở, các bậc cha mẹ vỗ tay nồng nhiệt, mặc dầu trên sân khấu trống trơn. Sau đó Seglôva bước ra, tươi cười tuyên bố:
- Chương trình biểu diễn của học sinh cấp 1 chào mừng ngày 1 – 5 bắt đầu.
Seglôva chưa kịp nói tiếp thì bỗng em gái lớp một đã chạy ra sân khấu. Chúng múa điệu polca. Một em gái hình như bị lộn. Lúc thì em chụm lại, lúc quay tròn một mình, lúc thì đột nhiên đứng lại ngơ ngác nhìn các bạn của mình.
Phía dưới có tiếng cười. Chỉ đến khi kết thúc mọi người mới hiểu rằng em bé cố tình làm như vậy. Em đóng vai cô bé lơ đãng.
Tiết mục được vỗ tay rất lâu. Một phụ nữ vỗ tay đến lỗi bị bật ra khỏi ghế. Sau đó mới biết đấy là mẹ của em gái kia.
Tiếp theo là Lênha Travin. Nó bước ra sân khấu và trân trọng cúi chào. Mọi người lại vỗ tay. Nó bắt đầu kéo một bản nhạc trầm buồn. Và Lênha dường như cũng buồn theo. Nhìn điệu bộ và tiếng nhạc của Lênha, Tôlic tự nhiên thấy khô cổ, run chân. Tiết mục tiếp theo là của nó. Sẽ tốt hơn nếu như thằng Travin bất hạnh kia chơi một bản khác. Chẳng hạn như bài hát trong phim “Người lưỡng cư”, “Này, chàng thủy thủ, chàng bơi sao lâu vậy …”. Bài hát ấy đến bọn lớp một cũng biết. Bài hát rất nhộn. Người nghe sẽ thấy thoải mái, vui tươi. Nhưng Travin lại chơi một bản nhạc quá buồn. Đã thế người ta lại còn vỗ tay rất lâu. Có một ông bố còn kêu to “lại! lại!”. Cuối cùng mới biết đó là ba Lênha Travin.
Đến lượt Tôlic bước ra sân khấu. Nó thấy ba nó ngồi ở hàng đầu, đang nói chuyện gì đó với thầy hiệu trưởng. Tôlci lo lắng. Bởi thầy hiểu trưởng có thể kể với ba về con sư tử và những chuyện khác của nó. Tôlic đứng im nhìn ba, cố nghe ba nói cái gì. Nó hoàn toàn quên là mình đang đứng trên sân khấu. Mọi người vỗ tay động viên nó. Tôlic ngạc nhiên nhìn xuống hội trường và nhớ ra là nó phải đọc thơ.
- mênh mông đất nước của tôi – Tôlic run run đọc rồi im bặt.
Cả hội trường im lặng chờ đợi.
- Rừng xanh … xanh … Rừng xah – Tôlic hét to và lại đứng im. Nó quên mất lời.
- Biển rộng – giọng ai đó nhắc khẽ từ phía dưới..
- Biển rộng – Tôlic nói theo
- Bạt ngàn!
- Bạt ngàn – Tôlic lặp lại.
- Màu xanh! – Cũng giọng đó nhưng to hơn vẻ tinh nghịch.
- Màu xanh … - Tôlic đồng ý.
Cả hội trường cười ồ. Ba ngừng nói chuyện với thầy hiệu trưởng. Tôlic hoảng sợ - nó đã quên biến bài thơ. Chỉ còn đường chuồn là thượng sách. Nhưng như thế, mọi vinh quang của Tôlic sẽ mất đi trong chốc lát. Tôlic thử nhớ lại một bài thơ khác những bài học trước đây thì nó đã quên, còn những bài mới đây thì nó chỉ nhớ lại khi phải trả lời.
Tôlic đứng há miệng giữa sân khấu chiếu sáng rực rỡ. Phía sau tấm màn Lêna hồi hộp lo lắng. Bên cạnh chiếc pianô thằng Travin đưa tay che miệng, cười khì khì. Còn phía dưới hội trường thì các bậc phụ huynh bấm mấy đứa trẻ không được cuời to làm Tôlic mất bình tĩnh.
Và Tôlic bỗng nhớ ra! Nó nhớ một bài thơ nó và Misca cùng “sáng tác”, nhưng chưa xong. Ý thơ bắt trước thơ của Puskin. Nhưng dù sao cũng còn hơn là im lặng.
- Có cây đa xanh đứng giữa cánh đồng … - Tôlic nói.
Cả hội trường im lặng.
- Một chiếc ô tô vàng đậu trên cành đa ấy.
- Và đêm ngày chú mèo bác học.
- Nuôi con mình bằng dòng sữa tươi ngon …
Ở phía dưới có tiếng thầm thì. Tôlic không để ý, tiếp tục đọc tiếp những câu nảy ra trong đầu nó.
- Ở đất này chú là Chúa tể.
- Ngay cả voi rừng chú cũng bắt về đây.
- Trên những con đường chưa hề quen biết.
- Mấy cô lạc đà nhảy trong đôi dép …
Không nhịn được đầu tiên là mấy đứa bé. Chúng cười khà khà và người lớn cũng cười theo. Còn Tôlic lại tưởng rằng họ cười tán thưởng, nó rán sức đọc to:
- Trong những chùm mây trước mắt nhân dân.
- Chú ếch con trở thành khách bộ hành …
Tiếng cười nói ầm ĩ, không ai nghe thấy Tôlic đọc gì.
Cả người lớn và trẻ con cùng cười nghiêng ngả. Chỉ một mình ba Tôlic là không cười. Mặt ông thất sắc. Ông nhìn các phía, dường như muốn tìm một cái cửa để trốn ra ngoài. Và cho đến lúc này khi nhìn về phía ba, Tôlic mới hiểu là tất cả mọi người đang cười nó, đang cười Tôlic.
Đỏ mặt vị xấu hổ, Tôlic chạy bổ ra phía sau sân khấu. Như một con lốc, nó lao qua một nhóm học sinh lớp một đang chuẩn bị biểu diễn, đá ngã một cậu bé và một em gái, đẩy Lêna Seglôva đang định giữ nó lại. Lêna bị bay gần ba thước trong không khí, rơi lên một cái bàn lớn, ngồi khóc. Còn Tôlic chạy thẳng về hành lang.
Nó rẽ vào góc nhà, đâm phải một cái gì mềm và dừng lại.
Trước mặt nó là cô Anna Gavrilôvna đang đứng tha thít vì đau.
Tôlic nghĩ rằng, bây giờ khi chính nó làm hỏng buổi văn nghệ, và suýt nữa thì đã ngã Anna Gavrilôvna, sẽ không ai có thể tha thứ cho nó được. Nó nhanh chóng đút tay vào túi, đụng hộp diêm kêu sột soạt. Nhưng Anna Gavrilôvna nói:
- Đừng khóc, em. Có gì đặc biệt đâu.
- Tôlic ngước mắt, nghi ngờ nhìn Anna Gavrilôvna, nó nghĩ rằng cô giáo cũng đang cười nó. Cô Anna mỉm cười độ lượng nhưng dường như phải cố gắng lắm, có lẽ cô đau quá, bởi Tôlic húc đầu vào chính giữa bụng cô.
- Chẳng có gì đặc biệt – cô giáo lặp lại – Đơn giản là em quá hồi hộp nên không nhớ ra. Điều đó trong đời người ai cũng mắc phải ít ra là một lần. Như cô chẳng hạn, lần đầu tiên lên lớp, cô cũng quên hết và chạy ra khỏi lớp, như em bây giờ vậy.
- Họ cười em … - Tôlic nói trong tiếng nấc.
- Còn em, chẳng lẽ em không cười? Thử tưởng tượng là em đang ngồi dưới hội trường, còn trên sân khấu là mấy con lạc đà mang dép nhảy.
Tôlic mỉm cười và rút tay ra khỏi túi.
- Nhưng em sẽ không quay lại sân khấu.
- Không ai bắt ép em. Hãy bình tĩnh đi về nhà. Và nhớ lời cô nói: không có gì xảy ra đặc biệt.
- Nhưng em sẽ bị phạt vì làm hỏng buổi văn nghệ.
- Em chẳng làm hỏng đâu. Tiết mục tiếp theo đang được trình diễn đấy thôi.
Tôlic nhìn theo Anna Gavrilôvna và nghĩ rằng, mọi chuyện không phải dễ dàng bỏ qua nếu cô giáo biết được Lêna Seglôva bị bay như thế nào trong không khí. Nhưng Tôlic không cho mình là có lỗi. Điều đó xảy ra tình cờ, chẳng qua vì nó là một người mạnh nhất thế giới. Biết Lêna không bao giờ học lại thầy cô, Tôlic thấy yên tâm.
Nhưng dù sao Tôlic cũng cảm thấy buồn chán sau cuộc nói chuyện với Anna Gavrlôva. Dường như nó đã phạm một lỗi lầm không thể chối cãi được. Và cô giáo không là mắng mà còn động viên, làm nó cũng buồn thêm. Đi xuống cầu thang Tôlic thử nhớ lại xem nó đã phạm lỗi gì trước Anna Gavrilôvna nhưng không tài nào nhớ được.
Để đề phòng mọi bất trắc, Tôlic dừng lại ở chân cầu thang, lưỡng lự đưa tay vào túi, bẻ một que diêm và lẩm bẩm:
- Hãy để cho Anna Gavrilôvna qua khỏi, nếu như tôi làm cô đau.
Nhưng Tôlic cũng chưa tin rằng đây là lỗi chính của nó trước cô giáo. Nó không thể nghĩ ra lỗi chính là gì. Nhưng điều đó cũng không quan trọng lắm. Khi nào hộp diêm thần còn trong túi thì lỗi lầm cũng dễ sửa chữa như khi gây ra nó.
Tôlic mở cửa ra đường phố và đứng chết lặng.
Trước cổng trường, chắp tay ra sau lưng, ba đi lui đi tới.
- Đi lại đây – ba vẫy tay.
- Làm gì? – Tôlic lo lắng hỏi.
- Sẽ biết để làm gì – ba nói úp mở.