Trần Tuấn Mẫn dịch
Chương 8
Hành Động Của Sự Thật

Bằng những phước lạc của Đấng Tối Thắng
Và các con trai, con gái của Ngài không bao giờ có thể thất bại;
Bằng năng lực của tiềm năng và những gì chúng ta thấy là hoàn toàn tổng hợp;
Bằng sức mạnh của bản chất thâm sâu nhất của các sự vật
Và chân lý: tất cả các sự vật đều tùy thuộc vào các nhận thức;
Và bằng mãnh lực của sự thật về những gì chúng ta mong cầu một cách thật thâm sâu ở đây trong tâm chúng ta
Mong sao điều mà chúng ta cầu xin sẽ đến
Đúng như chúng ta hi vọng, viên mãn trọn vẹn.
Những dòng sau đây diễn tả điều mà những người Tây Tạng gọi là hành động của sự thật:
Nếu điều tôi đã làm là đúng sự thực
Thì mong sao những điều này sẽ xảy ra
Hãy nói thẳng ra cho rõ. Trong kinh doanh, chúng ta thường gặp những người tốt, những người chân thực lại phải chịu gian truân vất vả. Và chúng ta gặp những người ích kỷ, tham lam, vô đạo đức lại là những người kiếm tiền rất dễ. Thế thì điều này thích ứng thế nào với tất cả những gì mà chúng ta đã nêu ra ở đây?
"Tại sao kẻ xấu lại thịnh đạt" như Kinh thánh đã nêu, và tại sao những người chân thực lại có vẻ như không được thịnh đạt, điều này được giải thích rất đơn giản trong hệ thống sau đây. Ở đây có một số nguyên lý căn bản:
1 Nguyên nhân xuất hiện trước kết quả
Điều này quá rõ ràng đến nỗi, cũng như với hầu hết mọi sự việc rõ ràng, chúng ta hoàn toàn không thấy nó. Nếu ai đó đang làm ra tiền bạc dồi dào, thì - theo như tất cả những gì mà chúng ta đã nói trên đây - điều này xuất phát từ những dấu ấn trong tâm người ấy do người ấy đã đặt vào đó sự quảng đại trong quá khứ. Thế thì sự thành công hiện nay xuất phát từ sự việc trong quá khứ đã duy trì một trạng thái tâm quảng đại.
Điều này không nhất thiết có nghĩa là một người hưởng được sự thành công giờ đây đang có một trạng thái tâm quảng đại, chẳng khác gì sự hiện diện của một cái bánh nhân táo trên bàn nhà bếp của bạn nghĩa là có một cây táo bắt đầu lớn lên dưới nền nhà bếp. Cái bánh nhân táo là kết quả của một cây táo đã lớn sẵn rồi; và một cây táo bây giờ bắt đầu lớn lên là nguyên nhân của những trái táo chưa xuất hiện.
Và điều luôn luôn hợp lý là một doanh nhân thành đạt có thể đang hưởng kết quả của những dấu ấn thuộc về sự quảng đại đã được gieo trong quá khứ, và đồng thời đang gieo những dấu ấn mới về sự tổn hại tài chính trong tương lai - bởi sự tham lam hay keo kiệt hiện tại.
2. Nguyên nhân thì nhỏ hơn kết quả
Hãy nhớ rằng những dấu ấn được gieo trong những trường hợp đặc biệt chứa đầy sức mạnh - một hành vi thiện nhỏ được thực hiện bằng lòng từ bi mãnh liệt, hay một món quà nhỏ tặng ai khi họ đang hết sức cần - có một sức mạnh to lớn; và rằng tất cả mọi dấu ấn đều tạo ra sức mạnh theo cấp số mũ suốt thời gian chúng ấp ủ trong tiềm thức. Một người bây giờ đang hưởng giàu sang tột độ có thể trước kia đã làm một điều thiện nhỏ nhặt nào đó đối với một người khác trong những điều kiện như thế này, có gì lạ đâu.
3. Các sự việc lớn lên cần có thời gian
Các dấu ấn cũng vận hành như cây cối vậy, chớ nghi ngờ điều ấy. Không có ai gieo vài hạt giống hoa trong vườn mình vào ngày thứ Hai, rồi sang ngày thứ Ba, đứng suốt ngày trong vườn mà chờ hoa nở, tức giận và chán nản khi đến chiều tối vẫn chưa thấy hoa.
Tôi đã cố trình bày ý tưởng của tôi trong cuốn sách này theo một cách càng hiện đại càng tốt, trong khi vẫn gắn chặt với ý nghĩa của kinh điển nguyên gốc. Nhưng ở đây có một chi tiết cần phải được chấp nhận trước - một chi tiết sẽ không quá phổ biến trong cái vùng McDonald° của chúng ta về lối suy nghĩ. Việc gieo trồng và chăm sóc các dấu ấn tâm linh cần phải có thời gian và sự kiên trì. Tôi đã thuyết giảng hệ thống này cho rất nhiều người, và một phần trong số họ luôn bỏ dở nửa chừng qua việc thực tập. Việc theo đúng những nguyên tắc đã được phác thảo trong cuốn sách này phải được thực hiện trên một căn bản liên tục trong nhiều tháng trước khi bạn có thể nhìn thấy những kết quả cụ thể.
°Tên của một hàng cung cấp thực phẩm ăn nhanh (fast food). Ở đây trỏ sư lười biếng, muốn có ngay, không cần công sức hay suy nghĩ.
Những người không thể thành công với những nguyên tắc này thì luôn luôn bởi một trong hai lý do. Họ đã không tuân theo chúng trong một thời gian đủ lâu, hoặc họ đã không tuân theo chúng một cách đúng đắn (và thường thì tin rằng họ đang tuân theo chúng một cách đúng đắn, cho đến khi họ thực sự tĩnh tâm suy nghĩ về điều ấy). Hãy nhớ rằng những dấu ấn tâm linh đang được gieo theo tỷ lệ sáu mươi lăm dấu ấn trên mỗi giây. Một vài ý định cao quý trong suốt một ngày bực bội tinh thần và phiền hà vì những sự việc và những người xung quanh bạn thực tế chẳng có kết quả gì đáng kể và bạn cũng chớ nên mong đợi chúng có những kết quả như thế.
Những Phật tử đầu tiên của Tây Tạng là những người Kadampa - họ là những con người giản dị, chăn nuôi súc vật, thợ mộc và tiểu nông, yêu thích những ý tưởng mới như cá yêu thích nước, bằng một cách đơn giản nhưng tinh tế. Họ thường mang một bao nhỏ đựng sỏi, phân nửa sỏi trắng và phân nửa sỏi đen. Mỗi khi họ có một ý nghĩ rất tốt, hay nói lời gì rất tích cực với một người khác, hay làm một việc thiện đối với ai, họ sẽ lấy một viên sỏi trắng ra và bỏ nó vào trong túi bên trái chẳng hạn. Mỗi khi họ có một ý nghĩ tiêu cực về ai đó, nói hay làm điều gì không tốt đối với một người khác, họ sẽ lấy một viên sỏi đen ra khỏi bao và bỏ nó vào trong túi bên phải.
Vào cuối ngày, ngay trước khi đi ngủ, họ lấy hết sỏi ra khỏi hai túi và đếm số sỏi đen và sỏi trắng. Họ biết ngay, như bạn cũng sẽ biết, rằng những viên sỏi đen thì nhiều hơn nhiều những viên sỏi trắng. Điều này không phải để nói rằng tất cả chúng ta đều xấu và rằng chúng ta phải luôn luôn cảm thấy mình tội lỗi và bẩn thỉu - nó chỉ có nghĩa là cái điều kiện căn bản của hầu hết tâm người ta ở trong cái góc này của vũ trụ (và có nhiều góc khác nữa) vẫn vận hành như vậy. Tuy nhiên, một tính chất rất, rất quan trọng của tâm chúng ta - và bạn có thể thấy điều này là đúng - rõ ràng chúng có thể được huấn luyện. Bằng một ít thực hành, tâm của bạn có thể học được hầu hết mọi sự, chỉ có điều bạn phải hết sức chuyên tâm.
4. Cần có một phương cách theo dõi
Đơn vị Kim cương của Andin International vốn ở tầng thứ tư của tòa cao ốc Manhattan. Một cơ sở lớn chế tạo đồ trang sức khởi đầu ở tầng trệt, và từ khi mở rộng ra đến các nước ngoài thì nó tăng lên đến vài tầng trên nữa. Làm ra đồ trang sức không như làm ra một chiếc xe với hàng ngàn bộ phận chuyển động. Thường chỉ có hai phần: cái khung gắn và viên đá.
Tuy nhiên, cũng lạ là biết bao nhiêu công đoạn mà một chiếc nhẫn kim cương phải trải qua để vào đến cửa hàng của bạn. Nó khởi đầu từ việc làm sao để bán cho chạy; ai đó nghĩ ra một kiểu mẫu mới rồi phác họa nó cho người thiết kế. Rồi người thiết kế đem mẫu phác họa kia mà thực hiện thành một bản vẽ đúng kích cỡ món đồ, trình nó cho những người có thẩm quyền, điều chỉnh nó một chút rồi chuyển nó sang một nhà chuyên môn.
Nhà chuyên môn về các chi tiết kỹ thuật nhìn món đồ theo một quan điểm khoa học chuyên ngành. Cái thân sườn có đủ mạnh để chịu đựng những va chạm thường gặp không? (Có lần một khách hàng tiu nghỉu mang trả lại cho chúng tôi một chiếc nhẫn, bảo rằng nó được làm không cẩn thận, nhưng khi bị hỏi dồn thì bà ta thú nhận rằng bà đã lỡ để nó bị nắp bồn cầu rơi xuống đập vào khi bà ta đang rửa chén. Tất nhiên, dù sao thì chúng tôi cũng đổi cái nhẫn khác cho bà ta). Có đủ kim loại quanh viên đá để giữ cho nó khỏi rơi ra không? Nó có thể được sản xuất đại trà một cách suôn sẻ không? Có đủ ánh sáng vào trong viên đá từ các mặt cắt và phía sau để cho nó có thể lấp lánh đúng mức không?...
Thế rồi món đồ lại chuyển sang một nhà định giá để người này quyết định xem nó có tính khả thi về mặt kinh tế hay không. Khách hàng có hoảng lên nếu phải bỏ tiền ra hay không? Viên kim cương được nhìn ra có lớn bằng nó, hoặc lớn hơn nó không? Giá bán món hàng này so với giá bán của các món hàng tương tự trên thị trường như thế nào? Liệu chúng tôi có thể xén bớt chút vàng ở đâu đó mà không làm thay đổi kiểu dáng, hay không làm món đồ rơi ra từng mảnh trên ngón tay của ai đó hay không? Nếu làm một lúc nhiều món đồ như thế này rồi cất vào kho chứa thì có thể có những rủi ro gì?
Sau đó, một hay hai món đồ được thực sự chế tạo và thử nghiệm. Quá trình đúc vàng cho chiếc nhẫn quả thực đã thay đổi từ thời những người thợ kim hoàn Ai Cập cách đây nhiều ngàn năm. Việc đúc vàng như thế được gọi là quá trình sáp- bị-mất; nó bắt đầu bằng người làm mẫu, người này lấy bản vẽ và cần thận nặn một hình mẫu bằng sáp đặc biệt mịn và cứng.
Hình mẫu sáp này được nhúng vào một khuôn nhỏ chứa cao su lỏng, khuôn cao su lỏng này cứng lại quanh sáp. Một người thợ cắt khuôn dùng một con dao giải phẫu rất mảnh và cẩn thận cắt ngang từ mặt bên của khuôn cao su, giống như ổ bánh mì nhồi thịt băm cho đến khi có thể cẩn thận lấy được sáp gốc ra. Thế rồi một cái rãnh được khoét ra từ một mặt bên của khuôn cao su, từ trên bề mặt xuống tới cái hốc hình chiếc nhẫn được tạo ra khi sáp đã được lấy ra. Đây sẽ là cái khuôn để đúc các bản sao bằng sáp của hình mẫu đầu tiên. Các phần mới chế tạo này cũng được gọi một cách đơn giản là "sáp”.
Một chuyên gia bơm sáp lấy hai phần của cái khuôn mới buộc lại với nhau bằng một băng cao su thật chắc, rồi áp chặt cái rãnh vào đầu núm của một máy phun sáp nóng do áp lực. Sáp chảy xuống rãnh, vào trong cái hốc hình chiếc nhẫn và làm đầy hốc. Khi sáp nguội, băng cao su bật ra, và rồi sáp được khéo léo lấy ra khỏi khuôn. Nếu có những vết trầy xước nào hay những sơ suất khác trong sáp, một người hoàn chỉnh sáp sẽ dùng một bàn chải nhỏ mà xoa chúng cho mịn, làm như thế thì dễ hơn nhiều so với sau đó, khi món đồ là vàng.
Kế đến một người tạo cây lấy một nắm sáp mà gắn chúng vào một cái cần sáp; các sáp chìa ra khỏi cái cần giống như các cành của một cây Noel, được nối với cần bằng cái cành con bằng sáp được tạo ra khi sáp bị đẩy xuống rãnh của khuôn (cành con này được gọi là "phần thừa”). Toàn bộ cái cây được đặt lún vào một thùng nhỏ đựng thạch cao nhão, đặt ngược đầu đáy của cần quay lên bề mặt.
Sau khi thạch cao đã cứng lại, thùng được đặt vào một cái lò nung đặc biệt và cái cây sáp bị chảy ra. Thế là chỉ còn lại thạch cao với một hệ thống gồm các rãnh rỗng dẫn đến các hốc có hình giống như những chiếc nhẫn sẽ hình thành. Một người thợ đúc đến và bắt đầu trộn các chất kim loại cho đúng màu sắc và độ cứng của chiếc nhẫn: Các chất kim loại này được chứa trong một cái túi vải gồm những cục nhỏ vàng hay bạc nguyên chất.
Thách thức đối với người đúc là không có cách gì để pha trộn thật đúng về màu sắc, dáng vẻ và độ mạnh của món đồ được hoàn thành. Có tính quyết định hơn nữa chính xác là tỷ lệ đúng của vàng và các kim loại khác phải đạt đến một sự pha trộn đúng 14 hay 18 ca-ra; tức là 14/24 vàng hay 18/24 vàng, và không được hơn kém chút nào. Vì đây là một trong những chìa khóa đưa đến lợi nhuận của một công ty kim hoàn. Giá lao động trong các thị trường chính trên khắp thế giới đều như nhau; giá vàng thì hoàn toàn được ấn định, và mọi người đều hi vọng cùng trả như nhau về thuế trực thu, gián thu...
Cho nên, vấn đề duy nhất là bạn có thể kiểm soát chặt chẽ như thế nào về các thứ như tỷ lệ bách phân vàng trong chiếc nhẫn của bạn: bạn phải thực hiện theo quy định 14/24 vàng - 14 ca-ra, nếu bạn đang bán loại này - nếu không, bạn sẽ bị mất uy tín trên thị trường. Mặt khác, bạn cố gắng để không thực hiện quá 14/24 chút xíu nào, nếu không thì bạn sẽ mất nhiều tiền vì phần trội ấy. Ngày nay có nhiều máy phân tích quang phổ rất tinh chuyên được người ta sử dụng trong thương mại với giá hàng trăm ngàn đô la, nhưng chúng có thể cho bạn một cách chính xác bạn phải làm như thế nào để số sai biệt của chiết nhẫn xuống còn một phần trăm khi hoàn tất.
Chúng tôi đã sử dụng một máy phân tích như thế để xác định xem một nhà cung cấp người Thái Lan có làm đủ vàng trong các món đồ của chúng tôi hay không và ông đã ngẩn người ra khi chúng tôi nói rằng ông cho quá nhiều vàng. Bạn thấy đấy, bạn muốn những người cung cấp của bạn cũng được lời nữa, nếu không, họ sẽ nâng giá hàng của họ đối với bạn, và sự yếu kém của họ khiến bạn kém khả năng cạnh tranh hơn trong thị trường.
Các kim loại để pha chế được trộn lẫn và nấu chảy thành một chất lỏng, rồi được dùng áp suất để bơm vào trong các rãnh của thạch cao. Khi vàng nguội, thạch cao được đập vỡ, còn lại một cây Noel bằng vàng có những chiếc nhẫn ở cuối các cành thay vì các món trang hoàng Noel. Bây giờ “nhà kim hoàn" vào cuộc, một cái tên chẳng dinh dáng gì với một người điều hành một cửa hàng kim hoàn. Trong một xưởng chế tạo kim hoàn, đây là người cắt và giũa vàng sau khi việc đúc đã được thực hiện.
Người thợ kim hoàn dùng vài miếng sắt nặng, hoặc có thể một dụng cụ cắt dùng hơi cắt ngón tay bạn ra làm đôi cũng như nó cắt một miếng vàng, và bắt đầu cắt các chiếc nhẫn ra khỏi nhánh của cái cây. Mục đích ở đây khá đơn giản: Cắt đủ sát để chiếc nhẫn được hoàn tất không để một phần dôi dư, nhưng lại không quá sát đến nỗi chiếc nhẫn đính hôn của bà Smith có chỗ lõm ở mặt này hay mặt kia. Bây giờ những chiếc nhẫn đã trở thành những đồ vật mà chúng tôi gọi là "đồ đúc" và chúng sắp được đem bỏ vào máy quậy suốt đêm.
Khi cái cây bằng vàng nguội đi, trở lại nhiệt độ của thạch cao, mặt ngoài đã hơi bị oxy hóa và mang một lớp da rất xấu, giống như vỏ cây. Cho nên các đồ đúc vào lúc này không phải là những chiếc nhẫn bé nhỏ đáng yêu mà bạn thường liên tưởng đến vàng; chúng là những vật nhỏ bị đốt cháy xám xịt cần phải được bóc đi vài micron lóp ngoài. Cho nên, bạn nhúng chúng trong axít thật đậm và axênic, hoặc bỏ chúng vào trong một cái máy quậy. Máy quậy là hình viên trụ hay bánh xe nhỏ chứa kim loại đặc biệt hay những cục plastic, được trộn lẫn trong một chất nước sệt. Bạn bỏ vào trong đó một số đồ đúc được cắt ra khỏi các cây, mở máy quậy và cứ để cho nó chạy đến sáng hôm sau. Mọi quá trình được thực hiện ban đêm mà không cần phải trông coi thì rất được ưa chuộng vì hạn chót từ khi đặt hàng đến khi giao nhận cho khách hàng có thể được tính bằng giờ.
Các đồ đúc có màu xám xịt và được đưa đến người lắp đặt. Những người lắp đặt thuộc loại người lạ kỳ, tự thành một nhóm riêng. Thường thì họ là những anh chàng dễ thương, to lớn, ngồi trên những chiếc ghế đẩu chỉ cao một hay hai inch so với mặt đất. (Điều này khiến họ luôn luôn giữ thẳng lưng trong khi làm việc). Trước mặt họ là một chiếc bàn và một hệ thống phức tạp gồm các tay khoan có nhiều lưỡi khoan.
Người lắp đặt nhận một túi nhỏ đựng kim cương từ phòng ban đá quý và đổ chúng vào trong một cái ly nhỏ. Rồi anh ta lấy khoan mà mở rộng một cái lỗ thật nhỏ trên món đồ đúc để gắn viên đá vào; điều này có thể đưa đến việc lỡ tay khoan một lỗ mới hoặc khía vào một răng ngạnh đã có sẵn được tạo nên từ giai đoạn thiết kế. Kế đến, anh ta lấy một hình nón nhỏ xíu bằng sáp và gắn đỉnh của viên kim cương vào đầu nhọn của hình nón; tương tự như làm thăng bằng một trái táo trên đầu một chiếc gậy. Anh khéo léo lật hình nón lại và gắn viên đá vào trong cái lỗ, mắt nhìn qua tấm che mặt như thể anh là một nhà phẫu thuật tim. Những người lắp đặt phải có bàn tay vững vàng trong công việc.
Rồi anh ta lấy một dụng cụ trông giống như cái mở đồ hộp và ấn vàng lên trên viên đá. Điều này đòi hỏi một lực dứt khoát, trực tiếp và nhiều người lắp đặt trông giống như những con khỉ đột từ thắt lưng trở lên. Tuy nhiên, sức mạnh ở đây còn đòi hỏi cả xúc giác nữa, vì ở công đoạn này một viên đá có thể bị nứt mẻ hay bị vỡ, và người lắp đặt phải trả một phần hao tổn về mỗi viên đá mà anh ta làm hư hỏng. Một số người lắp đặt phải trả nhiều tiền chính vì những rủi ro khi cố lắp đặt một số loại đá nào đó. Chẳng hạn, hơn một phần tư các viên ngọc lục bảo được dùng trong một xưởng chế tạo kim hoàn có thể bị hư hại ở giai đoạn này vì chúng là loại mềm nhất trong tất cả các loại châu ngọc.
Từ người lắp đặt, chiếc nhẫn được chuyển qua người đánh bóng, người này đánh bóng vàng cho đến khi vàng sáng óng ánh và xóa bỏ những vết chạm do người lắp đặt vô ý để lại trên món đồ. Thế rồi món đồ được đưa vào quá trình tẩy rửa bằng siêu âm cực mạnh để tấy sạch các đá mạt từ bánh xe của người đánh bóng bám vào và đồng thời va đập vào viên đá vài ngàn lần để phòng trường hợp một thiếu niên hiếu động đeo nó trong vài tháng đầu sau khi mua. Nếu viên đá không rơi ra ngoài thì chiếc nhẫn đã có thể đeo được.
Mặc dù có nhiều công đoạn trong quá trình chế tạo một chiếc nhẫn kim cương hơn bạn có thể từng suy đoán, thật ra gộp chung lại cũng chỉ có hai phần mà thôi. Thế mà lạ thay trong một xưởng bình thường có thể có 30% của toàn bộ số nhẫn được sản xuất sẽ phải bị làm lại một số một số công đoạn vì một vấn đề chất lượng nào đó. Tiền lời trên mỗi chiếc nhẫn chỉ là vài Mỹ kim, và mỗi lần một món đồ bị trả về để làm lại thì nó có chi phí nhiều hơn toàn bộ tiền lời, và nói một cách lịch sự thì bạn sẽ cấp miễn phí chiếc nhẫn cho khách hàng.
Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trong phòng họp ban Giám đốc với 12 vị Phó Chủ tịch và những chủ sở hữu, hàng trăm chiếc nhẫn lóng lánh xinh xắn với vô số màu sắc: hoàng ngọc, hồng ngọc, đa sắc ngọc, ngọc trai, và tử thạch phủ đầy mặt bàn. Và mỗi chiếc nhẫn đều có chỗ trầy xước nào đó khiến nó trở thành không còn giá trị gì để được gởi đến cho khách hàng. Mỗi chiếc sẽ phải bị thải bỏ, thật là một quá trình bi thảm khi phải đem cái tạo vật đáng yêu, cùng với tất cả mồ hôi và xương máu mà bạn đã đầu tư khi chế tạo nó mà ném vào một nồi axít đang sôi để hòa tan vàng và giữ lại viên ngọc (vàng sẽ được lọc ra khỏi axít và được dùng lại).
Sau hai giờ bàn cãi sôi nổi (không ai muốn công nhận rằng những chỗ trầy xước được tạo ra trong một phòng ban thuộc đơn vị của mình), bạn có được cái ý kiến khá rõ ràng về việc những trầy xước phát sinh từ đâu. Bây giờ thì cái phòng ban kia hẳn có những nhân viên khá ngang bướng có thể nghĩ cách tạo ra một số vết trầy xước mới trên những chiếc nhẫn nếu bạn công khai trách mắng họ về phẩm chất yếu kém của họ. Cho nên, ở tập đoàn Andin chúng tôi đã vạch ra phương cách sau đây được gọi một cách đơn giản là "đếm".
Bạn chuyển lời xuống những người có văn hóa của phòng ban rằng bạn muốn có số lượng chiếc nhẫn phát xuất từ phòng ban của họ có mang loại trầy xước đặc biệt này. Bạn chỉ muốn các vết trầy xước được theo dõi mà thôi. Không buộc tội, không khiển trách, không trừng phạt - chỉ để cho chúng tôi được biết trên giấy tờ mỗi tuần có bao nhiêu chiếc nhẫn phát xuất từ phòng ban này có vết trầy xước.
Bạn biết những gì xảy ra rồi đấy. Một khi việc theo dõi bắt đầu, các vết trầy xước ngưng đi vài ngày và không ai cảm thấy phiền bực gì cả. Đạt được kết quả mà không có sự quy lỗi lầm vì lỗi lầm phần lớn đều đưa tới những vấn đề mới. Bây giờ, điều này có liên hệ gì tới những dấu ấn tâm linh?
Bạn có thể hiểu cái lý thuyết ở đây một cách hoàn toàn chính xác: Các sự việc có cái năng lực tiềm tàng này là nơi chúng đã có thể trở thành một cái gì đó, và những dấu ấn mà tôi đã đặt trong tâm tôi trong quá khứ tác động vào tiềm năng này và quyết định cái thể cách nhìn một sự việc của tôi, thậm chí tới những ý nghĩ riêng của tôi. Thế nhưng cái khả năng thực sự để tiếp tục theo đúng sự hiểu biết này và chuyển nó trở thành thành công trong việc kinh doanh của chính bạn lại là một việc hoàn toàn khác. Cách tốt nhất để thực hiện điều này chỉ đơn giản là thiết lập một phương cách theo dõi - không có sự phê phán hay trách móc - mà bạn chỉ dùng để ghi nhận bạn đang như thế nào, trên một căn bản cố định.
Ở Tây Tạng, phương cách theo dõi này được gọi là tundruk, hay "sáu lần mỗi ngày", chúng tôi gọi nó là cuốn sổ sáu-thời. Nếu bạn theo phương cách này, bạn sẽ đạt kết quả. Nếu bạn không theo, bạn sẽ không đạt kết quả. Sau đây là một trong những điều quan trọng nhất trong cuốn sách này - vì vậy hãy lắng nghe, nếu bạn thực sự muốn thành công.
Bạn hãy mua cho mình một cuốn sổ nhỏ để ghi chép kế hoạch hàng ngày mà bạn có thể cất trong túi. Sau đó, hãy đọc lại hết 46 vấn đề kinh doanh ở chương trước và tìm ba vấn đề đặc biệt liên quan đến bạn. Đây là ba vấn đề lớn nhất của bạn, và đây là những gì mà bạn sắp tập trung vào. Khi một vấn đề không còn nữa hay đạt đến một tình trạng cái thiện nào đó, hãy thay nó bằng vấn đề lớn nhất thứ tư của bạn trong bản danh sách...
Hãy chia một ít trang của cuốn kế hoạch hàng ngày thành sáu phần và viết khoảng năm hay sáu câu ở mỗi phần. Hãy đánh số các phần ấy, rồi hãy viết vài từ để nhắc nhở cho chính bạn về cách giải quyết cho từng vấn đề, mỗi cách giải quyết được ghi trong mỗi phần của ba phần đầu. Thế rồi bạn hãy lập lại quá trình này đối với ba phần kế tiếp. Ba phần đầu được sử dụng trước buổi trưa; ba phần thứ hai dành cho sau buổi trưa.
Mỗi lần trước khi đi làm vào buổi sáng, hãy kiểm tra lại cách giải quyết trong phần thứ nhất. Ví dụ bạn đang bị rắc rối giống vấn đề kinh doanh # 36: Mọi người ở trong và ngoài công ty hình như làm cho bạn lầm lạc. Cách giải quyết cho vấn đề này, bạn nhớ đấy, là phải cẩn thận tránh việc tự hào và sự mong muốn không lành mạnh về điều được ghi nhận. Nói một cách tích cực, đó là lắng nghe và học hỏi từ mọi người xung quanh bạn, và tìm cách chuyển sự ghi nhận sang những người xung quanh bạn xứng đáng với nó.
Bây giờ bên trái của phần ấy bạn hãy ghi một dấu "cộng", và bạn hãy viết kế bên dấu ấy một điều mà bạn đã nghĩ, nói, hay làm trong ngày hôm trước... gần nhất với sự thành công trong vấn đề đặc biệt này. Có lẽ bạn cần thời gian để suy nghĩ về một điều tốt nào đó mà một nhân viên đang làm một cách đều đặn, và đã không tỏ ra chút biết ơn nào về việc người ấy đã làm. Đừng viết một câu chuyện dài dòng, nếu không, bạn sẽ mệt mỏi để theo dõi, rồi bỏ qua nó đi. Chỉ cần bạn bỏ ra vài giây thành thực tự phản tỉnh, rồi viết gì đó ngắn và nhanh.
Ở đây không có những cái chung chung. Chúng ta không muốn đọc thấy: "Đối với mọi người ở nơi làm việc, tôi là một anh chàng khá tốt bụng". Chúng ta muốn đọc thấy: "Vào lúc 3h 15 ngay thứ Ba, tôi đến bàn làm việc của Susan và cảm ơn cô ta trước mọi người về việc cô đã lập những bản kiểm kê thật tốt, thật suôn sẻ trong sáu tháng vừa qua". Loại theo dõi một cách có ý thức này về những thành công nhỏ của bạn tạo ra những dấu ấn tốt rất mạnh trong tâm bạn và chẳng bao lâu. bạn sẽ nhận thấy rằng, cái vấn đề người ta làm cho bạn lầm lạc đã bắt đầu tan biến, một cách dứt khoát và chắc chắn bạn cũng chẳng phải lưu ý đến những gì đang xảy ra.
Bấy giờ dưới dấu "cộng" bạn ghi một dấu “trừ”, và tìm xem hôm trước hay hôm trước nữa điều gì bạn đã không làm thật tốt. Chẳng hạn, bạn có thể viết: "Ngày hôm qua mình đã không chịu nghe đề nghị của Mark về các phương sách mua hàng, khi đứng cạnh bàn làm việc của anh ta vào lúc hai giờ rưỡi”. Lại nữa, hãy chuyên chú - đó là cách duy nhất mà cuốn sổ sáu-thời có hiệu quả. Hãy nhớ rằng những dấu ấn lớn lên trong thời gian chúng được ấp ủ trong tiềm thức: Những kết quá lớn sẽ đến, ngay cả từ những dấu ấn nhỏ, nhưng chúng phải được chuyên chú.
Cuối cùng, bạn hãy ghi một chữ "làm" nho nhỏ bên dưới dấu trừ. Đay là một chương trình trắc nghiệm trong ngày, cái gì dễ nhưng rất có tính biểu tượng cho sự thay đổi mà bạn muốn thực hiện trong chính bạn. Nó có thể đơn giản như "Hãy nghĩ đến hai đề nghị hay mà Robert đã nêu ra", hoặc hôm nay, ít ra là hãy cảm ơn một người trong phòng ban đá quý có màu”. Hãy chắc chắn rằng những chữ "làm" là khiêm tốn; và thực sự ra hãy chắc chắn rằng mọi điều mà bạn ghi trong cuốn sổ sáu-thời đều ngắn gọn và tươi tắn - bạn là một người bận rộn, và nếu bạn làm cho nó thành một câu chuyện dài thì cuối cùng thế nào bạn cũng đuối sức mà dứt bỏ.
Trên tất cả, hãy nhớ tại sao lúc ban đầu bạn giữ cuốn sổ. Đấy không phải là cảm thấy “tội lỗi" về những việc bạn đang làm, không có từ nào trong tiếng Tây Tạng để chỉ "tội lỗi". Sự diễn tả sát nghĩa nhất đối với từ này là "sự ân hận sáng suốt quyết làm các sự việc một cách khác đi". Đây là một nỗ lực rất lạnh lùng và có tính toán để điều chỉnh cái thực tế trước mắt bạn, để làm cho nó thuận lợi hơn và có ý nghĩa hơn - và điều này chẳng có gì sai trái, đặc biệt là nó xảy ra một cách tử tế và tốt lành đối với những người khác. Bây giờ bạn ở trong một công việc phụ thêm là làm vườn tâm thức: Chọn những hạt giống hay những dấu ấn mà bạn muốn đặt vào trong tâm bạn bằng cách nghiên cứu xem những dấu ấn nào tạo ra các sự việc mà bạn muốn đạt được thành tựu - gieo các hạt giống này một cách có ý thức, và rồi ngồi mà hưởng sự thành công tuyệt vời sẽ đến với bạn.
Hãy thực hiện việc ghi vào sổ cách chừng hai giờ trong ngày. Hãy tự mình làm điều này một cách âm thầm (mọi người sẽ nghĩ rằng bạn là một ủy viên quản trị lớn đang kiểm tra cái thời biểu phức tạp của bạn), hoặc nếu có quá nhiều người xung quanh, hoặc quá rối loạn vì điện thoại và các thứ khác thì hãy rời chỗ mà đến một góc yên tĩnh nào đó, gần máy cà phê hay thứ gì đó và thực hiện việc ghi chép. Tôi cũng đã từng xin rút khỏi những cuộc họp mà giả bộ đi vào phòng vệ sinh, để viết ra phần ghi chép kế tiếp của tôi ở đấy.
Điều quan trọng là các phần ghi chép phải được trải ra suốt cá ngày - đó là lý do tại sao cuốn sổ được gọi là "sổ sáu-thời". Ý niệm này là một ý niệm về sự duy trì liên tục, hay bắt gặp chính mình mỗi vài giờ trước khi một điều gì đó rất lớn có thể trở nên sai trái trong tâm bạn. Nếu bạn ghi vào sổ lúc 8 giờ sáng, rồi đừng kéo dài thời gian tạm nghỉ để dùng cà phê lúc 10 giờ 30 sáng và ghi chép vào sồ. Hãy ghi chép một lần vào buổi trưa, một lần vao buổi chiều, và có thể một lần trên đường về. nhà. Vào buổi tối, hãy chấm dứt việc ghi chép bằng lần thứ sáu, và rồi - ngay trước khi đi ngủ - hãy xem xét lại trọn ngày và ghi chép riêng ra về ba sự việc tốt nhất mà bạn đã làm trong ngày và ba sự việc xấu nhất. Hãy nhớ, không phải bạn đang phê phán chính bạn hay đang cảm thấy tội lỗi; bạn chỉ theo dõi những gì bạn đã làm, đã nói và đã nghĩ trong cả ngày. Bằng cách theo dõi, bạn sẽ tự động thay đổi. Bằng cách thay đổi chính cái thực tế của bạn sẽ thay đổi, thành bất cứ điều gì mà bạn đã từng mơ ước. Nếu bạn cứ tiếp tục thực hiện như thế trong mọi lúc thích đáng thì bạn sẽ ngạc nhiên về các kết quả.
5. Việc hiểu rõ bạn đang làm gì sẽ khiến cho điều ấy mạnh hơn rất nhiều
Rồi bạn có thể thấy tại sao những người sống bằng sự chân thật trong đời sống kinh doanh của họ lại có vẻ như không được sự tán thưởng đúng lúc! Bạn phải tốt một cách dứt khoát, trên một căn bản cố định, trong suốt ngày, dù bằng một cách nhỏ nhặt. Và bạn phải tiếp tục như thế trong một thời gian dài. Cuối cùng, bạn phải dành thời gian cho cây lớn lên - vì đây chính là bản chất của Nhân và Quả và của những dấu ấn đang hoạt động trong tiềm năng.
Ở đây còn có một số chi tiết sẽ thúc đẩy quá trình cho nhanh hơn một cách rõ rệt. Nếu bạn hiểu được cái quá trình trong khi bạn đang giữ cuốn sổ sáu-thời, thì cuốn sổ sẽ có hiệu quả tốt hơn nhiều. Tức là, thỉnh thoảng, bạn hãy ngưng một lúc để suy nghĩ về điều gì thực sự đang xảy ra. Bạn đang có một vấn đề trong đời sống kinh doanh của bạn - trong ngay chính cái thị trường, công ty hay phòng ban mà tại đó nhiều người khác không có vấn đề này - vì bạn có những dấu ấn trong tâm của bạn vốn làm cho bạn nhìn thấy các sự việc khác với những người ấy. Và bạn cần phải tìm cho ra những dấu ấn này làm cho chúng mất hết khả năng bằng cách gieo cái dấu ấn ngược lại với chúng.
Biết nó vận hành triệt để như thế nào, chú tâm vào cái thể cách vận hành triệt để của nó sẽ khiến cho nó vận hành triệt để nhanh hơn nhiều và mạnh hơn nhiều. Điều này cũng giải thích tại sao một số người tỏ ra rất chân thực trong kinh doanh lại có vẻ như không gặp tốt lành lắm vào một lúc nhất định nào đó. Nếu bạn sống đời sống kinh doanh dù bằng một nguyên tắc chặt chẽ của đạo đức mà chỉ do bản năng, hay do sự ép buộc mà luật pháp đặt để, hay do lề lối trong ngành nghề của bạn, hay cách cư xử của những người cùng địa vị với bạn, hay chỉ do lời khuyên mạnh mẽ của những người không thể giải thích cho bạn nó vận hành triệt để như thế nào, thì như thế vẫn chưa đủ. Cái thể cách đạo đức của bạn trong cuộc sống và kinh doanh phải được điều động bởi một sự nhận biết rõ ràng và có ý thức về thể loại của những dấu ấn mà sự ứng xử này sẽ gieo trong tiềm thức của bạn, và về việc dấu ấn này sẽ quyết định như thế nào cho chính cái thực tế của sự nghiệp kinh doanh của bạn sau này.
6. Hãy luôn luôn chấm dứt bằng hành động của sự thật
Phần này đưa chúng ta quay trở lại cái hành động của sự thật. Để thành công trong đời sống hay trong kinh doanh, bạn phải có thái độ cư xử chân thực. Hành động phù hợp với sự hiểu biết này, từng giờ, từng ngày lại là một điều khác nữa. Tuy nhiên, biết một cách rõ ràng cái quá trình mà những điều này thục sự vận hành lại thuộc một cấp độ cao hơn. Dù vậy, vẫn có một bước nữa để khiến cái sức mạnh này làm việc ngay cho bạn theo một thể cách mà bạn có thể rõ ràng cho rằng đó là thể cách mới của bạn khi nhìn vào cuộc đời và cư xử trong cuộc đời.
Và đây là cái hành động của sự thật. Hãy xem xét tất cả những gì tích cực mà bạn đã viết ra - trong 24 giờ qua. Hãy suy nghĩ về thể cách mà mỗi cái tích cực ấy đã gieo những dấu ấn rất mạnh mẽ trong tâm bạn để nhìn thấy toàn bộ một thế giới mới trong tương lai, để đạt được thành công trong kinh doanh và trong đời sống của bạn một cách trực tiếp, trên cả những gì mà bây giờ bạn có thể tưởng tượng ra được. Hãy thọ hưởng cả những thành tựu nhỏ nhất trong nỗ lực đi theo con đường của sự chân thực cá nhân trọn vẹn.
Hãy tưởng tượng hàm ý của loại chân thực này. Hãy tưởng tượng bạn nhìn lại công việc của một ngày và bạn có thể nói rằng bạn đã hoàn toàn thành thực trong từng phút của ngày - trong cách bạn hành động đối với những người khác, trong từng lời nói được suy xét cẩn thận mà bạn đã nói với người khác, trong cả những ý nghĩ thâm sâu nhất của bạn. Hãy tốt với mọi người xung quanh bạn, thành thực cá nhân trọn vẹn và trong vị trí hiện tại để nhìn lại và hãy nói: "Vâng, đây quả là một ngày của sự chân thực trọn vẹn”.
Mỗi khi bạn có được một ngày như thế (điều cần được thực tập), hoặc gần như một ngày như thế, bạn hãy tiến đến cái hành động của sự thật. Sự mong rằng năng lực của một hành động của sự thật sẽ đưa tất cả những dấu ấn hiện nay lên đến một cấp độ hoàn toàn mới của sức mạnh. Và sự việc tiến hành như thế này:
Nếu quả thật rằng trong suốt ngày hôm nay tôi đã chú tâm tỉnh giác về tất cả những gì tôi đã nói với những người khác, đã làm đối với những người khác và cả đến những ý nghĩ của tôi về những người khác, và tôi đã theo như thế suốt cả ngày một cách hoàn toàn thành thực đối với mỗi người mà tôi đã tiếp xúc, thì mong sao một năng lực mới được sản sinh. Và bằng sức mạnh của cái năng lực mới này, mong sao tôi và tất cả những người trong thế giới của tôi, qua công việc của chúng tôi sẽ cùng nhau được hạnh phúc là thịnh vượng thực sự.
Khi những người Tây Tạng hoàn tất một hành động của sự thật như thế, họ cũng tưởng tượng rằng những tia mạnh mẽ của ánh sáng rực phát xuất từ trái tim của họ như là mặt trời đang ở trong lồng ngực họ. Họ hình dung rằng ánh sáng chiếu đến mọi người xung quanh họ - trước hết là những người trên xe buýt mà họ đang ngồi trong đó chẳng hạn, và rồi đến mọi người đang về nhà vào lúc ấy, và rồi đến tất cả mọi người đang ở nhà chờ từng người kia về.
Rồi hãy cầu mong cho mỗi người trong họ được thành công trong đời sống và trong công việc mà bạn hi vọng chính bạn đạt được. Nếu những nguyên tắc mà bạn đã đọc thấy ở đây - những khái niệm về khả năng tiềm ẩn và về những dấu ấn trong tâm - là chân thật, thì sự thịnh vượng có thể đến với người nào sử dụng chúng, đồng thời với tất cả chúng ta: Có quá đủ cho mọi người và cái ly của mỗi người sẽ đầy tràn.