Trần Tuấn Mẫn dịch
Chương 10
Mỗi Năm Mỗi Sáng Suốt Và Khỏe Mạnh Hơn

Nếu bạn vẫn tiếp tục thực hiện cuốn sổ sáu-thời và thời gian tĩnh lặng của bạn, chẳng bao lâu bạn sẽ nhận thấy những ngày làm việc của bạn dần dần thay đổi. Chậm chạp nhưng chắc chắn, việc bạn không chịu kéo dài mãi cái vòng tiêu cực sẽ bắt đầu làm trong sạch thế giới của bạn, từng chút một, từng góc một. Đầu tiên, một vấn đề mất đi, và rồi một vấn đề nữa cũng mất; người gây phiền bực trở thành một người bạn; một người gây phiền bực khác bị thuyên chuyển, một người khác nữa thuyên chuyển qua một công ty khác, và cuối cùng bạn bắt đầu thấy vây quanh bạn là những người mà bạn ưa thích, còn công việc trở nên thuận lợi và thành công hơn. Thời gian tĩnh lặng vào buổi sáng ngoài việc tạo cho bạn những lý lẽ xác đáng cho cả một đời phải xử lý những vấn đề tại nơi làm việc, còn có hiệu lực làm cho tâm bạn luôn luôn thỏa mãn và an tịnh hơn nhiều.
Trong chương này và chương kế tiếp, tôi xin đi sâu hơn vào sự việc, bạn làm sao để có thể thọ hưởng tối đa từ sự thành công của bạn - và đặc biệt hơn, làm sao để chắc chắn rằng thân thể cũng lành mạnh như tâm của bạn khi bạn thụ hưởng thành công đó. Một sự việc đáng buồn của đời sống kinh doanh là khi người ta đã thực sự "tạo ra" công ty, đó cũng là lúc họ hy sinh sức khỏe và hạnh phúc, đời sống gia đình. Ở đây, chúng ta sắp bàn một chút về việc bạn làm sao để có cái bánh và làm sao để ăn nó nữa: để trở thành vị giám đốc thành công nhất trong công ty, và đồng thời là người có sức khỏe tốt nhất. Một cách nghịch lý, điều tốt nhất mà bạn có thể làm để giữ cho thân thể bạn khỏe mạnh và trẻ trung là chăm sóc tâm của bạn, bảo vệ tâm khỏi những gì mà các bậc thầy Tây Tạng gọi là những "thảm trạng tâm linh" (mental afflictions).
Định nghĩa về một "thảm trạng tâm linh" trong triết học Phật giáo cổ là "bất cứ tình cảm nào quấy động sự an tịnh tâm của người cảm nhận nó". Bạn có thể gọi nó là một “ý nghĩ xấu”. Có hàng ngàn loại thảm trạng tâm linh khác nhau, nhưng cuối cùng rút lại thành sáu loại xấu nhất: thích cái gì đó một cách sai lầm, không thích điều gì đó một cách sai lầm; kiêu mạn; không hiểu các sự việc thực sự vận hành như thế nào, dễ nghi ngờ các sự thật quan trọng; và quan điểm sai lạc về thế giới.
Thích và không thích các sự vật một cách "sai lầm" có một ý nghĩa đặc biệt. Trái với một số diễn dịch sai lạc về tư tưởng của Đức Phật, thích hay không thích các sự vật thì chẳng sai lầm chút nào. Chẳng hạn, bạn nên yêu quý gia đình, các vị thầy của bạn và điều thiện; Đức Phật ưa thích nhìn thấy chúng ta hạnh phúc; và Đức Phật không thích chúng ta cứ tự làm khổ mình mãi. Nếu bạn thích một thứ gì đó khiến cho bạn phải điên đảo hay ép buộc bạn phải làm tổn hại ai đó để đạt được mục đích, thì đấy là một "thảm trạng tâm linh". Chúng ta có thể gọi nó là sự ưa thích "ngu xuẩn", vì làm tổn hại ai đó để có được thứ gì đó cho chính bạn là cách tốt nhất để không có được thứ ấy cho chính bạn.
Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây trong chương này nhằm nghiên cứu về những thảm trạng tâm linh. Khi chúng vận hành để làm tổn hại sức khỏe của bạn dần dần khi bạn làm việc tại văn phòng. Có những tư liệu cổ bí mật được cất giữ trong dãy núi Himalaya miêu tả rõ ràng hơn về việc những ý nghĩ tiêu cực này tác động đến thân thể bạn như thế nào; đủ để bảo rằng chính cái quá trình già nua được nối kết mật thiết với những ý nghĩ xấu. Tức là mỗi khi bạn cảm thấy điên đảo ở nơi làm việc, mỗi khi bạn nóng giận hay phiền bực, mỗi khi bạn ghen tỵ với một phó chủ tịch khác hay gì đó đại loại như thế, một cái gì đó bên trong thân thể của bạn bị va chạm; một hay hai sợi tóc xám đi, một nếp nhăn lún sâu; tim của bạn suy yếu thêm một chút. Cuối cùng, tất cả gộp chung lại làm cho bạn già đi và mất thêm sức mạnh mà bạn đã có lúc còn trẻ. Cuối cùng, các sách này bảo, đó là nguyên nhân gây ra cái chết của bạn.
Và mục đích của chương này là chỉ cho bạn vài manh mối đề xử lý những ý nghĩ này. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách quay trở về kinh Năng đoạn kim cương, ở chỗ Đức Phật đang miêu tả một tình huống mà Ngài đã trải qua cách nhiều đời trước. Câu chuyện như sau: Đức Phật (trong một tiền kiếp) đã là một nhà sư với cái tên là Nhẫn Nhục Sư. Một hôm, Ngài đi vào rừng ngồi thiền định, lưng tựa vào một gốc cây, tại nơi mà vua xứ Kalingka và đoàn tùy tùng sẽ đến để săn bắn. Hoàng hậu và đoàn tùy tùng riêng của bà hôm ấy cũng đi hái hoa và thăm rừng trong khi chồng bà và những người tùy tùng đang săn bắn và đang đuổi tìm một con mồi.
Do đó, hoàng hậu vào một khoảng trống của rừng và thấy vị sư đang ngồi thiền. Bà là người mộ đạo sâu đậm, và vẫn mong chờ có dịp may để hỏi một vị thầy cao trọng về một số vấn đề tâm linh quan trọng. Thế là bà làm gián đoạn việc thiền định của vị sư và vị này cố gắng hết sức để trả lời từng câu hỏi của bà.
Trong lúc đó, nhà vua và những người đi săn của ông đang đuổi theo một con nai và con nai bỗng chạy vào chỗ rừng trống ấy. Nhà vua từ trên ngựa nhìn xuống và thấy hoàng hậu của ông đang say sưa nói chuyện với vị sư ông cho rằng ở đây đang diễn ra trò lăng nhăng bậy bạ, và ra lệnh cho người của ông trói vị thánh sư vào cọc, dang thẳng tay chân trên mặt đất. Chầm chậm, ông tiến hành cắt rời các ngón tay của nhà sư, từng khớp một, cùng với các ngón chân và các phần khác của thân thể Ngài.
Sau đây là cách miêu tả sự việc ấy trong Năng đoạn kim cương lời lẽ hơi bí ẩn, nhưng bạn chớ bối rối - chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ nó và bạn sẽ hiểu được nó trọn vẹn khi chúng ta đọc hết chương này.
Tại sao như vậy? Này Tu-bồ-đề, vì đã có một lần vua xứ Kalingka cắt đứt các phần chính, và các phần phụ tay chân của thân thể ta - Vào lúc ấy không một ý niệm nào về tự ngã, hay về một chúng sanh hữu tình hay về một chúng sanh hay về một con người nào trong tâm ta - Ta đã không có một ý niệm nào hết. Nhưng cũng không phải ta không có một ý niêm nào hết.
Ở đây, trước hết chúng ta được ngài Choney Lama giải thích về những gì Đức Phật đang thuyết giảng: hãy nhớ rằng các từ trong chính kinh Năng đoạn kim cương được in bằng chữ đậm:
Vì lý do gì mà như vậy? Này Tu-bồ-đề, vì cách đây lâu lắm, đã có một lần vua xứ Kalingka đã nghi ngờ rằng Ta đã tư thông với vợ ông ta. Và do đó, ông đã cắt các phần chính và các phần phụ của tay chân của thân thể Ta (các phần phụ ở đây nhằm trỏ các ngón tay, ngón chân.)
Vào lúc ấy, Ta tu hạnh nhẫn nhục, giữ tâm Ta vào sự hiểu biết rằng không có sự hiện hữu cố hữu nào bên trong một trong ba yếu tố của hành động nhẫn nhục. Vì Ta tập trung vào cái "tôi” hiện hữu bằng danh xưng, không một ý niệm nào mà theo đó Ta tin có một cái "tôi" nào đó thực sự hiện hữu vào trong tâm Ta: và do đó Ta không có một ý niệm nào về cái gì cả, từ một cái “tự ngã” thực sự hiện hữu cho đến một "Con người" thực sự hiện hữu.
Vào lúc ấy, Ta đã không hề có ý niệm nào về bất cứ ý niệm nào cho rằng có cái gì đó đang thực sự hiện hữu. Tuy nhiên, đồng thời cũng không phải là Ta đã không hề có ý niệm nào khác về danh xưng.
Những gì mà ngài Tu-bồ-đề nói ở đây là như sau? Con đã có được cái ý tưởng rằng con nên trì giữ sự nhẫn nhục: con có được cái ý tưởng rằng phải sẵn sàng nhận lấy khổ đau, và không bị rối rắm vì sự tổn hại gây ra cho con. Và con đã có được loại ý niệm mà theo đó con càng khẳng định rằng con đã biết cách nhận thức rằng không một đối tượng hiện hữu nào có sự hiện hữu thực sự nào của riêng nó.
Kế đến, Đức Phật tự giáng rõ:
Tại sao như vậy? Này Tu-bồ-đề, hãy giả sử rằng vào lúc ấy một ý niệm nào đó về tự ngã đã vào trong tâm Ta. Thế thì cái ý tưởng làm tổn hại ai đó cũng đã vào trong tâm Ta nữa.
Và giả sử cái ý niệm về một chúng sanh hữu tình nào đó, cái ý niệm về một chúng sanh nào đó và cái ý niệm về một người nào đó đã vào trong tâm Ta và vì như vậy, cái ý tưởng làm tổn hại ai đó cũng phải đi vào trong tâm Ta nữa.
Choney Lama giải rõ:
Đây là lý do tại sao như vậy. Hãy giả sử rằng vào lúc ấy một ý niệm nào đó về tự ngã mà theo đó Ta nghĩ đến "cái tôi" như là đang hiện hữu một cách tối hậu, đã vào trong tâm Ta. Hoặc hãy giả sử một ý niệm nào đó trong những ý niệm khác đã nêu trên đi vào trong tâm Ta. Thế thì cái ý tưởng làm tổn hại ai đó cũng đã vào trong tâm Ta nữa; nhưng thật ra nó đã không vào.
Hình như các dòng trên có thể được tóm gọn lại đại khái như sau:
Nhà vua đã cắt đứt các ngón tay, ngón chân và các phần khác của thân thể Ta như là một hình phạt về điều mà Ta đã không hề làm. Nếu như Ta đã xem một người nào đó trong chúng ta là một con người thì có thể Ta đã nóng giận và cái ý tưởng có thể đã xảy ra trong tâm Ta nhầm cố làm tổn hại người ấy. Nhưng Ta đã không có ý tưởng nào như thế cả, và do đó Ta đã có thể giữ mình khỏi nóng giận.
Đây là một việc khá nặng nề. Nó đã có liên quan gì đến việc không hủy hoại thân thể của bạn tại văn phòng do cứ buông mình theo những tình cảm tiêu cực? Trước hết, chúng ta sẽ nói về hai cách khác nhau mà bạn có thể đã hiểu nhầm những dòng này (chúng đã bị hiểu nhầm qua nhiều thế kỷ nay), và rồi sẽ chuyển sang giải thích ý nghĩa thực sự của chúng.
Có một nhận thức sai lạc khá phổ biến khởi đầu từ những cuốn sách Phật học như cuốn sách này; từ những người bảo rằng không có "Tự ngã” hay "người". Người ta dùng nó để muốn nói rằng có một nơi chốn mà bạn có thể vào khi bạn đang có một vấn đề, một nơi chốn thật trống rỗng hoặc bạn thấy mọi sự đều không thực, và rồi vấn đề sẽ mất đi, hoặc bạn không ràng buộc mình vào vấn đề ấy. Những người như thế có thể bảo rằng nếu bạn đang có một vấn đề với ai đó, và người ấy đang giận dỗi bạn, thì bạn có thể vờ xem như người ấy không có ở đó, hoặc từ chối nghĩ về họ, và thế là bạn sẽ không còn có vấn đề nào nữa. Họ nghĩ đây là cái ý nghĩa mà ta muốn trỏ khi ta nói về “vô ngã" mà ở đây, Đức Phật vẫn gọi là "không có chúng sinh hữu tình nào, không có chúng sinh nào và không có người nào".
Thế nhưng đấy hoàn toàn không phải là ý mà Đức Phật muốn trỏ và nó cũng chẳng giúp ích gì cho bạn khi thể hiện những tình cảm tiêu cực ở nơi làm việc. Chẳng hạn, nó không giúp ích gì trong việc cố gắng tưởng tượng một cảm nhận tiêu cực nào đó không xảy ra, hoặc bạn thực sự không cảm nhận nó, hoặc bạn có thể tách bạn ra khỏi nó. Khi bạn đang ngồi trên ghế tại một phòng khám nha khoa để khoan một cái chân răng, vị nha sĩ chạm vào một dây thần kinh - hoặc khi bạn bị căng tay chân vào cọc nằm trên mặt đất và ai đó từ từ cắt các ngón tay, ngón chân của bạn và những gì còn lại - bạn khó có thể bằng cách nào đó tưởng tượng ra rằng người ấy không có ở đó và bạn không có ở đây. Bạn hãy thử mà xem. Đó không phải là điều mà Đức Phật muốn nói.
Phần về "không có một ý niệm nào" cũng dễ gây hiểu lầm nữa. Người ta đã đọc những dòng như thế này và đã nghĩ rằng mục đích của một nỗ lực Phật giáo để giải quyết một tình trạng khó khăn là ngồi và cố không nghĩ gì cả: cố làm trống cái tâm, không để có bất cứ ý tưởng nào, hoặc có thể nhìn thấy các ý tưởng vẫn diễn tiến nhưng bằng cách nào đó, không nghe theo chúng hoặc không nối kết với chúng. Điều này cũng lại hoàn toàn không phải ý mà Đức Phật muốn trỏ. Bạn cũng có thể thử nghiệm điều này nữa, lần tới bạn có một cái răng phải khoan đấy. Nó chẳng giúp gì đâu. Đây không phải là cách để chấm dứt sự đau đớn. Thế thì thực sự Đức Phật muốn dạy điều gì?
Chúng ta hãy đi vào một tình huống thực sự trong ngành kinh doanh kim cương; chiến trường của bạn sắp là phòng họp ban Giám đốc hay tầng trệt của nhà xưởng, do đó chúng ta có thể lấy một thí dụ thực sự từ một ngành kinh doanh thực sự. Trong khi, tôi đang làm việc với chức vụ một phó chủ tịch ở Tập đoàn Andin, tôi thường hay trở lại châu Á để đến tu viện Tây Tạng mà tôi đã tu học tại đấy. Tôi tiến hành một thỏa thuận với những người chủ sở hữu, nhóm Azrielant, theo đó tôi phải giữ liên lạc bằng điện thoại và phải sẵn sàng tổ chức những lần mua kim cương, thí dụ từ Bombay (không cách xa tu viện quá) hay từ Bỉ.
"Giữ liên lạc" vào lúc ấy không phải là chuyện dễ: Tu viện khởi đầu là vài căn lều giữa một khu rừng rậm ở phía Nam Ấn Độ, gồm khoảng một trăm vị tăng từ Tây Tạng sang. Vào lúc tôi đến đó để bắt đầu tu học, ở đấy có vài trăm vị tăng và một phòng họp khiêm tốn, cùng với những ngôi lều tranh đơn sơ cho chư Tăng. Máy điện thoại gần nhất mà bạn có thể dùng để gọi đến Hoa Kỳ thì ở Madakeri, cách đó khoảng ba giờ đi xe. Một cuộc gọi ngắn để "giữ liên lạc" cũng phải mất hầu như cả ngày, nếu mọi chuyện êm xuôi.
Thế là, tôi đang ở trong một ngôi nhà nhỏ bằng đất tít trên đỉnh một ngọn núi trong một khu rừng ở Ấn Độ, cúi người xuống một máy điện thoại cũ, cố gắng nghe những gì Ofer đang hét lên phía bên đầu dây, từ các văn phòng kính thoải mái nhìn qua những ngọn đèn của Trung tâm Thương mại Thế giới và sông Hudson:
"Chúng ta cần đá quý! Hãy đặt hàng thật nhiều vào! Phải có 10 ngàn ca-ra tại New York trong vòng 10 ngày! Hãy gọi Bombay! Hay gọi Antwerp! Hãy tiến hành đi!"
Bây giờ, 10 ngàn ca-ra của loại đá đặc biệt này có thể có nghĩa là một triệu viên kim cương nhỏ, và đối với mỗi viên mà bạn thực sự mua trên thị trường, có thể bạn phải nhìn vào hai hay ba viên để chọn lựa. Do đó quá đúng là bạn kiểm tra vài triệu viên kim cương trong 10 ngày. Giả sử, bạn cần mười giây để nhặt một viên đá lên và ngắm nhìn nó bằng kính lúp. Điều này có nghĩa là sáu viên đá một phút, và 360 viên đá một giờ đối với một người. Giả sử bạn có thể tiếp tục như thế trong năm giờ mỗi ngày mà hoàn toàn không dời mất đi chỗ khác - thì quả đúng là bạn có thể kiểm tra tối đa hai ngàn viên mỗi ngày. Do đó, bạn cần có ít nhất là một ngàn ngày công từ trong nhóm người của bạn tập hợp lại để hoàn tất đơn đặt hàng. Cho nên tôi hỏi lại:
"10 ngàn ca-ra, đúng không, Ofer? Ông chắc chắn là - 10 ngàn chứ?”.
"Vâng vâng, đúng thế. Tiến hành ngay đêm nay đi! Hãy gọi điện thoại, hãy đánh thức mọi người trên thế giới, không sao đâu! Chúc may mắn!".
Tôi ghi vào nhật ký số lượng và loại đá cần có và rồi tiếp tục trải qua nhiều giờ cố gắng tiếp xúc với tất cả những người mua quốc tế khắp thế giới. Vào lúc tôi chấm dứt cuộc trao đổi điện thoại ở Madakeri thì trời cũng đã gần như tối; tôi bước ra một khu vườn nhỏ nhìn qua một thung lũng hùng vĩ đẹp tuyệt vời, thưởng thức không khí buổi tối, mùi thơm của hoa dại Ấn Độ và ngắm nhìn những vì sao xuất hiện. Tôi cảm thấy dễ chịu, cái cảm giác dễ chịu của việc giữ lời hứa làm một điều gì đó dù cho đó là một nỗi khổ đau khi làm như thế. Thế rồi, tôi bước vào trong cái xe cũ kỹ, ọp ẹp của tu viện, rồi quay trở về để học thật nghiêm túc thêm một tuần nữa với một số vị Lạt-ma lớn nhất trên thế giới.
Vào lúc các viên kim cương từ khắp thế giới đổ dồn vào trụ sở New York, tôi cũng về đến đây, người đầy bụi bặm và rám nắng. Ofer gọi tôi lên văn phòng của ông, và tôi thong thả đi vào với sự tự tin của một ủy viên điều hành đã giao hàng, mặc cho mọi sự. Tôi ngồi xuống và chờ những lời khen ngợi.
"Chuyện gì xảy ra trên thế giới thế?” Ông ta bắt đầu.
"Ông muốn nói gì chứ?”
“Làm gì với tất cả số kim cương này đây? Anh có biết rằng anh đang gây trở ngại cho lực lượng tiền mặt không? Anh làm sao vậy, hở anh khùng?”
Bạn biết cái cảm giác ấy đấy. Cái cảm giác chìm lặng. Đấy quả không phải là một sự sai lạc trong trao đổi thông tin hay một sai lầm kinh doanh khác - đấy là một lời tuyên bố trọn vẹn về tình trạng của thế giới, thế giới của chúng tôi. Tại sao mọi việc lại không diễn tiến đúng như mong muốn? Tôi nghĩ rằng ngay bây giờ, bạn đang hiểu vấn đề rồi đấy. Nhưng hãy theo dõi tiếp câu chuyện.
"Khoan đã nào, Ofer. Ông đã bảo tôi mua số kim cương ấy - ông nói với tôi là ông cần 10 ngàn ca-ra càng sớm càng tốt".
“10 ngàn ca-ra! Anh có nhầm không đấy! Tôi đã bảo với anh 1 ngàn! Anh đang nói gì đấy? Có đời thuở nào tôi lại đặt 10 ngàn ca-ra chứ!”
“Nhưng ông đã bảo tôi mua mười ngàn. Tôi đã hỏi ông hai hay ba lần mà. Tôi đã ghi ngay vào trong nhật ký của tôi trong khi ông đang nói trong điện thoại. Xem đi, nó rành rành đây này - ghi là 10 ngàn".
"Làm sao tôi biết được anh đã ghi lúc nào chứ? Có thể nó đã được ghi vào sáng nay? Tôi không bao giờ nói mười ngàn cả. Ai bảo là 10 ngàn chứ?”
Khi nghiên cứu những tình cảm tiêu cực, lúc bạn đang được đào luyện về nghệ thuật tránh những ý nghĩ có thể khiến bạn già đi trước tuổi chính là khoảnh khắc vô cùng quan trọng này. Kinh doanh nói chung cần phải có suy nghĩ, phản ứng mau lẹ, nhưng không gì có thể so sánh với khoảnh khắc này. Có thể bạn có chừng ba giây để tự bảo vệ trước khi bạn bị tấn công bởi một số cảm giác mạnh mẽ về sự phẫn nộ, tổn thương và nóng giận. Bạn sẽ phải dứt khoát, hành động mạnh mẽ trong vòng ba giây, nếu không sẽ quá trễ. Và hành động thì sẽ liên quan đến "vô ngã" và “vô niệm" mà Đức Phật đã dạy. Chúng ta chỉ việc hình dung ra những gì Ngài thực sự muốn nói khi Ngài nêu ra những điều ấy. Hãy nối kết chúng với hoàn cảnh thực tế. Chúng ta sẽ dùng "ba yếu tố" mà Đức Phật đã nêu ra về vị sư bị vua xứ Kalingka chặt đứt các ngón tay.
"Ba yếu tố" nhằm trỏ ba phần của tình hình đang diễn tiến vào lúc này; ông chủ đang quát tháo (Ofer); người phó chủ tịch bị quát tháo (tức là tôi, khổ thay); và sự việc là toàn bộ những gì đang xảy ra. Mỗi yếu tố đều có cái không riêng của nó, hay cái mà chúng ta đã gọi là “tiềm năng”. Thật ra, có cả một đống cái không trong tình huống này đang góp phần vào cái tình thế khó khăn ấy nữa, và đấy là lý do tại sao cái không (hay tiềm năng) của các sự việc lại kỳ diệu đến như thế.
Tiềm năng ở trong ông chủ là gì? Vào lúc ấy ông ta có vẻ khá tồi tệ, nhưng hãy nhớ rằng nếu người cộng sự của ông bước vào - tức là, bà Aya vợ ông - bà ta sẽ bảo rằng ngay lúc này trông ông thật tuyệt, cứu công ty khỏi tay một anh khờ vô trách nhiệm đã đi mua bừa bãi số kim cương mà chúng tôi không cần và không thể trả tiền nổi. Do đó, bản thân ông ấy không phải là một quái vật hay một thiên tài, điều này chỉ phụ thuộc vào đối tượng nhìn. Như trước đây chúng ta đã nói rất nhiều lần, về phần ông ta, ông ta chỉ là trống rỗng hoặc không là ai cả, và ông ta có vẻ hoặc tốt hoặc xấu vào lúc ấy là hoàn toàn tùy thuộc vào loại dấu ấn nào mà tôi đã đặt vào tâm tôi trong quá khứ.
Cũng nên nhớ cái điều kia mà chúng ta luôn luôn nêu ra ở điểm này: Rằng, mặc dù quả thực ngay giờ đây ông ta có vẻ như thế nào là một cái gì đó đang được chính tâm tôi tạo điều kiện và thậm chí tạo ra nữa, điều này không hề có ý nghĩa rằng tôi có thể mong ông ta trở thành một người tốt bụng ngay được. Và sở dĩ như thế là vì tôi (không như vợ ông ta) có những dấu ấn trong tâm đang buộc tôi phải nhìn thấy ông ta ngay bây giờ là một ông chủ rất nóng nảy. Điều tốt nhất bấy giờ tôi có thể làm là phải rất cẩn thận để ngay bây giờ không gieo dấu ấn mới nào trong tâm tôi.
Chúng ta đang nói về loại dấu ấn mới nào đây? Vâng, còn về một dấu ấn khiến bạn nhìn thấy một ông chủ đang quát tháo bạn vì bạn làm đúng điều mà ông ta đã bảo bạn làm thì sao? Và theo cách thế nào mà một người có thể có một dấu ấn như thế? Quả thực chỉ có một cách để có loại dấu ấn này - và có thể là cái dấu ấn khiến người ta quát tháo ai đó như ông chủ của bạn vốn đang cố gắng tuyên bố điều mà ông ta thành thực tin là một lỗi lầm nghiêm trọng và phái trả giá đắt. Vậy thì điều gì được làm vào lúc ấy là điều ngu xuẩn nhất, khi bạn đang bị quát tháo? Bạn đã biết rồi đấy: quát tháo lại.
Nếu bạn để tâm bạn đi suốt quá trình này, hay thậm chí một phần khá lớn của quá trình này trong ba giây trước khi sự bực bội và nóng giận quét trôi bạn đi thì có hai điều sẽ xảy ra. Trước hết bạn tránh được một dấu ấn tâm linh có thể gây cho bạn nhiều phiền phức sau này. Hãy tưởng tượng bạn đến lấy một cốc cà-phê trên mé bàn làm việc của bạn và bất ngờ cầm nhầm một cốc axít clohydric (điều có thể thực sự xảy ra trong một xưởng kim hoàn nếu bạn bất cẩn). Bạn đang nói chuyện hăng say với ai đó nên không để ý bạn đưa cốc lên mặt và bắt đầu nghiêng nó, rồi thì giây phút cuối bạn ngửi thấy mùi axít và bỏ cốc xuống tức khắc, thở phào nhẹ nhõm. Thực hiện được sự ngưng phẫn nộ và nóng giận vào giây phút cuối - chiến thắng tâm trong khoảng ba giây ngăn chặn sự nóng giận của bạn và ngăn chặn cái dấu ấn bom định giờ sắp nổ trong tâm bạn - thì chẳng kém gì một sự nhẹ người.
Hãy nhớ rằng, chỉ một lát nóng giận. chỉ một chốc lát làm bùng nổ loại dấu ấn tiêu cực này trong tâm bạn có thể đưa đến nhiều ngày, nhiều tuần hay thậm chí những thời gian lâu hơn trong tương lai khi bạn phải thọ nhận kết quả của dấu ấn này trong thế giới xung quanh bạn. Khi bạn có thế dùng cái trí tuệ cổ này để ngăn chặn dù một khoảnh khắc đơn lẻ của nóng giận, thì toàn bộ nỗ lực mà bạn đã bỏ ra để hiểu những ý tưởng trong cuốn sách này đã mang lại hiệu quả vượt bậc. Bạn đã cứu chính bạn khỏi biết bao phiền phức và khổ đau. Bạn đã dùng một con đường khác, và bạn sẽ không bao giờ gặp tai nạn mà đáng lẻ bạn sắp phải gặp nếu như ngay bây giờ bạn không chịu đổi hướng.
Thế còn "vô ngã" và “vô niệm" thì sao? Giờ đây chúng ta đã xem xét một tình huống thực tế nên mọi thứ trở nên dễ dàng hơn nhiều. "Vô ngã" nghĩa là ông chủ của bạn không có một ngã tính nào - không có bản tính của riêng ông, không có bản tính nào phát xuất từ phía của chính ông, không có bản tính nào mà ông mang khi ông được sinh ra - để là một người cáu giận la lối, dù vào lúc ấy. Nếu ông ta quả có cái bản tính nào như thế, thì ngay cả vợ ông cũng sẽ nhận thấy ông ra cáu giận - nhưng bà ấy đâu có nhận thấy như thế! Do đó, "vô ngã" có nghĩa là bất cứ điều gì bạn nhìn thấy ở ông ta đều phát xuất từ bạn, chứ không phải từ ông ta. Điều này không có nghĩa là, ông ta không hiện hữu, hay vờ xem ông hoàn toàn không có mặt ở đó.
“Vô niệm" có nghĩa là bạn không nghĩ sai về ông ta: Hãy ngưng quan niệm ông ta là cái gì đó xấu từ phía chính ông ta, và bắt đầu nghĩ đến ông ta như một tấm màn trống, tấm màn chiếu ra đầy hình ảnh đẹp đối với vợ ông ta và lại là hình ảnh đáng ghê sợ đối với bạn. Và cái máy chiếu phim dĩ nhiên là tâm bạn được điều khiển bằng điện năng được gọi là “những dấu ấn từ những gì mà bạn đã làm đối với người khác trong quá khứ". Thêm nữa, điều quan trọng ở đây là sẽ chẳng có ích lợi gì khi không nghĩ, không phán đoán điều gì là tốt hay xấu, không ràng buộc vào bất cứ cảm giác hay tình cảm nào của bạn. Hãy nhớ rằng: toàn bộ sự việc này, cách bạn cảm nhận về chính bạn và những người khác; cách ông chủ đối xử với bạn và với người khác (đây là ba yếu tố) chắc chắn là thực. Có những người thực sự bị tổn thương, những công ty sẽ chịu thiệt hại thật sự, những vị phó chủ tịch thực sẽ bị tước mất tiền thưởng về các kỳ nghỉ sắp tới, nhưng lý do gây ra những sự việc này không đúng như bạn thường nghĩ. Tất cả đều xuất phát từ các sự việc mà bạn đã làm trước kia.
Vậy chúng ta phải làm gì bây giờ? Cần phải hiểu rõ rằng, nếu bạn phản ứng một cách tiêu cực sau ba giây thì bạn sắp gieo những dấu ấn tiêu cực mới có cùng mùi vị và sẽ phải ăn lại chúng sau nay nữa. Chúng ta đã bàn đến điều này rồi nhưng bây giờ chúng ta hãy nói về những hậu quả trực tiếp của nó. Hãy đối mặt với nó, nổi sung lên chẳng có ích gì.
Một bài kệ nổi tiếng từ trong cuốn sách Phật giáo Ấn Độ cổ cho rằng;
Nếu một tình hình có thể ổn định được
Thì tại sao lại rối loạn lên vì nó?
Nếu một tình hình không thể ổn định được
Thì rối loạn lên có ích gì?
Ở đây, chúng ta đang nói về sự lợi lạc trực tiếp của việc từ chối nóng giận. Sự thử thách quan trọng đã đi qua: Bạn từ chối phản ứng một cách tiêu cực, và nhờ đó tự bảo vệ bạn để chính sự việc này sẽ không xảy ra lại trong tương lai nữa. Bây giờ hãy vào trong tâm bạn và từ chối thậm chí cả một thoáng nóng giận. Thật vậy, hãy tiến xa hơn, và uốn nắn tâm bạn để đưa nó đến một thái độ tích cực. Thay vì tranh cãi về việc mua số kim cương ấy do lỗi của ai, thay vì đấu tranh rằng ai đã gây trở ngại cho lưu lượng tiền mặt, lập tức quay tâm bạn trực tiếp đến cách giải quyết vấn đề. Đây có thể là điểm quan trọng nhất của toàn bộ sự thực hành trong tình huống này: Bạn sẽ nhận thấy rằng, vì đã đẩy lùi được sự nóng giận ngay cả trước khi nó xâm nhập trọn vẹn trong tâm bạn, ngay lập tức bạn có thể chuyển toàn bộ năng lực của bạn vào việc giải quyết vấn đề. Tâm bạn trong sáng. Khuôn mặt bạn tĩnh lặng. Trái tim bạn đang đập bình thường, hơi thở bạn đều đặn.
Đây là tình trạng mà bạn muốn mình có khi phải xử lý một vấn đề nghiêm trọng, và đây tuyệt đối là điều tốt nhất cho thân thể và sức khỏe lâu dài của bạn. Mỗi lần bạn từ chối vài khoảnh khắc nóng giận hay một tình cảm tiêu cực nào khác nữa, bạn đang cộng thêm vào cuộc đời và doanh nghiệp của bạn, nhiều giờ của sức khỏe và hạnh phúc, vì cuối cùng tất cả sẽ gộp chung lại. Và đối với ngành kinh doanh trực tiếp của bạn, bạn sẽ trở nên thông tuệ hơn nhiều để đối mặt với những vấn đề nảy sinh bằng một cái tâm hoàn toàn trong sáng và tĩnh lặng.
Lời khuyên cuối cùng. Có lẽ ngay bây giờ bạn cũng nhận thấy toàn bộ các phương pháp được trình bày trong cuốn sách này rất giống với công việc làm vườn. Cái tiền đề của chúng ta là những vấn đề được tạo ra bởi các hạt mầm hay các dấu ấn mà bạn đã gieo vào tâm bạn trong quá khứ. Một khi các dấu ấn này đã đạt tới một cấp độ nào đó, một khi chúng đang bung ra hay sắp bung ra và lớn lên thành một cái cây, thì dứt khoát là quá chậm để ngăn chặn chúng. Ngược lại, thật là ngây thơ khi nghĩ rằng bạn có thể gieo một hạt mầm vào buổi sáng và chờ mong ngay một kết quả vào buổi chiều.
Vấn đề là bạn cần phải tự rèn luyện mình trước để nhìn nhưng kết quả trực tiếp của các hành động của bạn bằng một thái độ hoài nghi. Bạn có thể làm tĩnh lặng tâm của chính mình ngay và sẵn sàng đối phó với một vấn đề bằng một thái độ hòa nhã mát lạnh, nhưng điều này không có nghĩa rằng mọi người khác trong phòng sẽ lắng tĩnh xuống. Cũng không có nghĩa rằng cách giải quyết mà bạn chợt nghĩ ra trong trạng thái được nguội mát đi của tâm bạn thì nhất thiết sắp có hiệu lực: Đừng quên rằng điều này tùy thuộc vào những hạt mầm đã được gieo từ lâu rồi. Tuy nhiên như thế có nghĩa là bạn đang làm vườn cho Tương lai của bạn, nghĩa là sẽ càng lúc càng ít những tình trạng căng thẳng xảy ra trong thế giới tương lai của bạn.