Trần Tuấn Mẫn dịch
Chương 15
Suối Nguồn Thực Sự Của Thịnh Vượng Hay Kinh Tế Học Vô Giới Hạn

Nếu bạn nghĩ đến toàn bộ khái niệm về mọi hệ thống kinh tế từ chủ nghĩa tư bản đến chủ nghĩa cộng sản, thì tất cả đều rút lại đến chỗ chúng ta chia sẻ các tài nguyên, sự giàu có của chúng ta như thế nào. Bao nhiêu cho tôi, bao nhiêu cho bạn và những nguyên tắc để phân chia những gì chúng ta có. Và nếu bạn suy nghĩ sâu hơn một chút về khái niệm ấy, tất cả các hệ thống của chúng ta đều dứt khoát có chung hai tiền đề này - có một cái "tôi" và "bạn" tách biệt để "chia sẻ" các tài vật; và chúng ta phải hình dung ra một hệ thống để chia sẻ các tài vật, vì các tài vật thì có giới hạn. Vâng, như chúng ta đã giải thích, bây giờ bạn có thể gạt ngay cả hai tiền đề ấy ra. Để thấy rõ hơn, chúng ta hãy quay trở lại kinh Năng đoạn kim cương để lắng nghe một số lời cuối cùng phát xuất từ trí tuệ của Đức Phật:
Tại sao như vậy? Này Tu-bồ-đề, hãy nghĩ đến hàng núi công đức được thu nhập bởi bất cứ vị chiến thánh nào thực hiện hành động bố thí không do dự. Này Tu-bồ-đề, công đức này không phải là thứ gì đó mà ông từng có thể dễ dàng đo lường được.
Như thường lệ, chúng ta hãy nhờ vào sự giải thích lời dạy trên của Choney Lama. Người ta có thể phải chấp nhận rằng một người còn bị kẹt trong xiềng xích của sự thủ chấp cái ý tưởng rằng các sự vật có một tính chất cố hữu nào đó của chính chúng thì người ấy vẫn thu thập một núi lớn công đức qua những hành động bố thí hay những gì đại loại như thế.
Nhưng giả sử một người tự giải thoát khỏi xiềng xích ấy và tiếp tục thực hiện cũng chính những hành động bố thí ấy và chính những gì đại loại như thế. Công đức của người này chắc chắn sẽ lớn hơn trước rất nhiều. Và chính là để nhấn mạnh điểm này nên Đức Phật dạy: Tại sao như vậy? Này Tu- bồ-đề hãy nghĩ đến hàng núi công đức được thu thập bởi bất cứ vị chiến thánh nào thực hiện hành động bố thí không do dự. Công đức này không phải là thứ gì đó mà ông từng có thể dễ dàng đo lường được cái giới hạn của nó; thực vậy, quả là hoàn toàn khó đo lường.
Và Đức Phật dạy tiếp:
Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ thế nào? Có dễ đo lường tất cả không gian trong vũ trụ về phía đông của chúng ta không?
Và Tu-bồ-đề đáp,
Bạch Thế Tôn, không.
Đức Thế Tôn lại bảo:
Vậy thì có dễ đo lường tất cả không gian trong vũ trụ về phía Nam của chúng ta, hay về phía Bắc của chúng ta, hay ở phía Trên chúng ta, hay phía Dưới chúng ta hay bất cứ phương nào ở Giũa không? Có dễ đo lường tất cả không gian trong vũ trụ theo bất cứ phương nào trong 10 phương từ chỗ chúng ta đang đứng đây không?
Và Tu-bồ-đề đáp,
Bạch Thế Tôn, không.
Cuối cùng Thế Tôn dạy,
Vậy thì, này Tu-bồ-đề, thật không hề dễ dàng khi đo lường hàng núi công đức được thu thập bởi bất cứ vị chiến thánh nào thực hiện hành động bố thí không do dự.
Một số ý ở đây thì khá rõ, nhưng ít nhất cũng có một ý không rõ lắm. Trước hết, Đức Phật đang cố miêu tả cho chúng ta cái ý niệm rằng "công đức" hay sự thiện lành hay năng lực của một số dấu ấn trong tâm có thể là vô giới hạn. Thứ đến, Ngài đang bảo rằng, để cho cái năng lực này là vô giới hạn, chúng ta, những "doanh nhân chiến sĩ" phải "thực hiện cái hành động bố thí không do dự". Nhưng bố thí không do dự có nghĩa là cái quái gì, và một vị "chiến thánh" là gì nhỉ? Câu trả lời cho cả hai câu hỏi này là toàn bộ cái căn bản của cái mà chúng ta gọi là Kinh tế học Vô giới hạn.
Chúng ta sẽ bắt đầu bằng "bố thí không do dự". Đây quả đúng là một tổng kết của tất cả những ý niệm mà chúng ta đã bàn đến rồi. Bất cứ một doanh nhân giỏi giang nào cũng đều chấp nhận cái sự thật về tính ngẫu nhiên bề ngoài của các chiến lược kinh doanh: Đôi khi một biện pháp tài chánh thận trọng lại thất bại, và đôi khi nó lại là cách duy nhất để tiến hành mọi việc tốt đẹp; đôi khi một biện pháp tài chánh táo bạo lại thành công, và đôi khi nó lại đưa đến tai họa. Cùng một chiến lược cho các doanh nhân khôn khéo và các doanh nhân không khôn khéo: Một số doanh nhân khôn khéo thành công, một số doanh nhân khôn khéo thất bại; một số doanh nhân không khôn khéo thất bại; nhưng một số doanh nhân không khôn khéo thành công. Nếu chúng ta thực sự thành thật với chính mình thì không một tiêu chuẩn thông thường nào có vẻ tiến hành theo một cách cụ thể rõ ràng hay có thể đoán định trước cả. Đối với một trạng thái tâm Phật giáo, trước hết, đây là một sự xác quyết rằng chúng ta đã không tìm thấy được cái nguyên nhân thực sự của sự giàu có. Chúng ta không thực sự biết cái gì đã tạo ra nó.
Nếu suy nghĩ thật cẩn thận, bạn có thể nhìn thấy một sự thật sâu xa trong chính sự phân chia tài sản giữa mọi người trong chính thế giới của chúng ta. Tài sản đến và đi như những con người đặc biệt đến với quyền lực và rồi chết đi; nó đến và đi như toàn bộ các quốc gia và đế quốc khởi lên và suy tàn, nó có vẻ như lan rộng khắp cả thế giới trong các thời kỳ cực thịnh và rồi co rút lại trong các thời kỳ suy tàn hay chiến tranh. Những phát minh đặc biệt - như thuốc kháng sinh, súng ống hay máy vi tính cá nhân - chỉ có thể trong vài năm, tạo ra một cách hữu hiệu một sự gia tăng hay giảm thiểu về sự an lành, cái của cải “tuyệt đối" của toàn bộ dân số thế giới. Điều tôi đang muốn nói là: Khối lượng tài sản là không cố định và chưa từng bao giờ cố định. Nó dao động. Điều này gieo nghi ngờ vào toàn bộ quan niệm cho rằng trên thế giới có rất nhiều tài sản, nhiều tài nguyên; và rằng chúng ta chỉ cần tìm ra cho được một hệ thống chuẩn để phân chia những gì mà chúng ta có sẵn. Có lẽ có một khả năng hình dung ra cái nguyên nhân thực sự của sự thịnh vượng thì chúng ta có thể gia tăng toàn bộ cái khối lượng của nó trên thế giới, tức là, có lẽ mọi người đều có thể có đủ, hoặc có thể có nhiều hơn. Tôi nghĩ chúng ta đã hiểu khá rõ rằng một ông chủ quát tháo là điều gì đó do các nhận thức của chính chúng ta tạo ra. Ở đây chúng ta hãy điểm lại lập luận này một lần nữa. Thực tế thì một ông chủ quát tháo thực sự chỉ là một bộ sưu tập các màu sắc (hầu như đỏ!), hình tướng (hầu như nhằm vào bạn), mức độ (hầu như lớn), và các nguyên âm, phụ âm (chữ cái a, b, c đến với bạn theo một dòng khá ổn định). Tâm của bạn, dưới ảnh hưởng của các dấu ấn mà bạn đã gieo từ trước đó được vận hành để diễn dịch hình tướng và những âm thanh ấy thành một ông chủ quát tháo, gây phiền bực.
Và hãy nhớ cái người ngồi bên cạnh bạn (vốn có thể không thích bạn lắm), hoặc có thể là bà vợ ông chủ: họ nhìn thấy cũng chính tập hợp các hình tướng và âm thanh ấy như là một cái gì thích thú, một cái gì đúng đắn. Thế thì "sự gây phiền phức" và sự "gây thích thú” không thể là cái gì đó thuộc về ông chủ; nó phải là cái gì đó phát xuất từ đâu khác, vì nếu không phải như thế thì tất cả chúng ta đều sẽ nhận thấy ông chủ hoặc là gây thích thú hoặc là gây phiền bực. Quả thật sự chọn lựa duy nhất là các tính chất gây phiền bực và gây thích thú được áp đặt vào hiện trạng bởi chính tâm của chúng ta. Và cũng rõ ràng rằng đây không phải là cái gì đó mà chúng ta tư nguyện làm. Cái ông chủ quát tháo kia chỉ là một nhận thức do chính tâm chúng ta bố trí, nhưng hình như chúng ta không có năng lực để khiến cái nhận thức vận hành hay ngưng lại. Cái gì đó bên trong tâm chúng ta đang buộc chúng ta phải nhận thức, và đó là những dấu ấn từ phần vô thức xuất hiện ở phần ý thức của tâm chúng ta.
Cuối cùng, khổ thay, rõ ràng rằng dù ông chủ quát tháo thực sự hoàn toàn tự mình hiện hữu ra đó, hoặc ông ta là một kết quả của chính cái tập hợp; thì những nhận thức của tôi chẳng hề có chút ảnh hưởng gì đến cái thực tế của sự hiện hữu của ông ta; tôi muốn nói, trong mỗi trường hợp trên, ông vẫn sắp cắt tiền thưởng kỳ nghỉ của tôi nếu ông ta khùng, hoặc sự khùng của ông ta là một tính chất cố hữu của ông hoặc đó là cái gì đó mà tôi đang cung cấp từ chính cái tâm của tôi. Nhận thức được rằng ông ta như vậy là do sự nhận thức của tôi thì cũng không thay đổi điều gì sắp diễn ra vào lúc ấy, vì điều ấy đang xảy ra sẵn rồi. Nhưng thực ra sự hiểu biết ấy giúp ích nhiều trong việc xác định tôi sắp phản ứng như thế nào đối với cái ông chủ quát tháo này; tức là, tôi có thực sự muốn nhìn thấy ông ta lại như thế này nữa không? Vì điều duy nhất buộc tôi phải làm như thế là tôi có nên đáp lại ông ta bằng cùng cái thứ mà ông ta đang tuôn ra cho tôi giờ đây hay không. Điều duy nhất có thể tạo ra cái nhận thức về một ông chủ quát tháo là một dấu ấn về một ông chủ quát tháo, và điều duy nhất có thể gieo một dấu ấn như thế trong tâm tôi là - bạn đoán ra rồi đấy, quát tháo lại ông chủ. Thế thì điều này có liên hệ gì với kinh tế học?
Nếu toàn bộ lý thuyết này là đúng (và vẫn đang tỏ ra đúng), thì về mặt lý thuyết, tôi có thể ngưng dứt bất cứ ông chủ quát tháo nào trong tương lai nếu tôi hiểu được điều gì đang diễn ra và từ chối quát tháo lại với ông ta. Thế rồi vào một lúc nào đó trong tương lai, ông ta sẽ vào phòng và chúng tôi cả tôi lẫn người ngồi bên cạnh tôi (cái anh chàng chẳng ưa gì tôi lắm và thích thú khi thấy ông chủ quát tháo tôi) - sẽ đều nhận thấy ông ta đáng yêu. Nếu bạn suy nghĩ về điều này một cách cẩn thận, bạn sẽ hiểu được toàn bộ điều này ở đây: Tài sản trong phòng, khối lượng hạnh phúc hay sự an lành trong phòng vừa gấp đôi lên, và mọi người sử dụng nó thoải mái. Điều này không giống như tôi thấy hạnh phúc khi người bạn cùng phòng của tôi phải trả tiền. Giờ đây đã có hai lần hạnh phúc so với trước. Và tiền bạc cũng vận hành theo đúng một cách như vậy.
Khi bạn cho người khác một thứ gì, khi bạn giúp đỡ bất cứ một chúng sinh riêng lẻ nào khác bằng đôi bàn tay của bạn, thời giờ hay tiền bạc của bạn, thì một dấu ấn nào đó được gieo trong tâm bạn; hành động thì luôn luôn được ghi lại bởi cái ý thức về hành động này và ý thức thì lúc nào cũng được mở ra và ghi lại. Dấu ấn này ở lại trong tiềm thức và thâu thập sức lực, lớn mạnh như bất cứ thảo mộc vật lý nào. Vào một lúc nào đó, nó sẽ vươn lên, vào trong cái tâm ý thức của bạn và tô màu - thậm chí cả tạo nên - cái ấn tượng về thế giới xung quanh bạn và thậm chí là cả bạn nữa.
Những cuộc giao dịch và quyết định kinh doanh thì giống như một bức màn trống: dù bạn có nhìn thấy chúng tiến hành hay không, chúng có thành công hay không, đều không được quyết định bởi những yếu tố bên ngoài như môi trường kinh doanh hay sự thông minh của bạn hay khối lượng rủi ro mà bạn chấp nhận, mà chỉ bởi những nhận thức về cuộc giao dịch hay sự quyết định được áp đặt vào bạn do những dấu ấn trong tâm bạn. Những yếu tố bên ngoài không quyết định sự thành công của các giao dịch hay quyết định của bạn khổ thay lại rõ ràng từ nhiều bằng chứng; chẳng hạn, từ những chiến lược kinh doanh như nhau lại không luôn luôn có hiệu quả như nhau - hay (nếu bạn suy nghĩ sâu xa hơn) một số sản phẩm mới thì thành công, một số sản phẩm cũ bắt đầu bị thất bại. Tại sao người ta bỗng dưng lại quyết định rằng một cảnh trong một cuốn sách hài hước của Andy Wathol thì có giá trị, hoặc rằng một bức vẽ của Picasso mà bất cứ một đứa bé nào cũng có thể vẽ được lại vô giá? Tại sao một số bài hát hay tiết mục TV ngốc nghếch lại trở nên ăn khách, trong khi những bài hát, những tiết mục có tư tưởng hơn, lại thất bại ê chề? Có cái gì đó đang diễn ra ở đây. Rốt cuộc, sự thành công không đến từ những gì mà chúng ta vẫn tưởng.
Nay nếu tất cả những lý thuyết này là đúng, thì lý do khiến bất cứ một dự án táo bạo nào (thông minh hay ngốc nghếch) là một thành công và làm ra tiền chỉ là do những dấu ấn tốt trong tâm của người đã sáng tạo ra dự án ấy: những ai thành công thì thấy được chính họ làm ra tiền chỉ bởi vì vào một lúc nào đó trong quá khứ, họ đã gieo trong chính tâm họ một dấu ấn để thấy chính họ làm ra tiền. Và dấu ấn đặc biệt này có thể được gieo chỉ bằng cách cho đi tất cả những gì bạn có thể cho. Như chúng ta đã thấy, sự cho này bắt đầu và cần phải bắt đầu một cách có giới hạn: Những điều tốt nhỏ nhặt được dành cho những người trong chính phòng ban của bạn, hay gia đình bạn, trên cơ sở quan sát họ một cách chặt chẽ để thấy những gì họ muốn và cần.
Thế rồi chúng ta tiến dần một bình diện rộng rãi hơn, ví dụ đến mọi phòng ban trong công ty của bạn, với tặng vật lớn hơn - tiền bạc, thời giờ của bạn và sự chia sẻ tình cảm và nghề nghiệp của bạn, và có thể giúp đỡ bằng cách tư vấn, cho ý kiến cho mọi người. Bạn cũng có thể trao tặng người khác bằng sự thực hành sâu hơn về việc đi vào trong thân thể của những người khác để nhìn thấy những gì họ trông chờ ở bạn. Khi sự bố thí lên đến đỉnh điểm, lòng quảng đại sẽ đạt tới một vị trí mà bạn có thể đầu tư tất cả những tài nguyên và khả năng cá nhân của bạn về tiền bạc, tình cảm và nghề nghiệp, và những tài nguyên, năng lực của công ty bạn vào trong một kế hoạch sáng giá để mang lại hạnh phúc cho toàn bộ gia đình, công ty, cộng đồng, và thậm chí cả thế giới của bạn - vì bạn đã điều chỉnh lại một cách có ý thức các ranh giới của "tôi" để bao gồm tất cả "họ", và về cơ bản, chính bạn đang chăm sóc một cái "tôi” giờ đây lớn hơn (nhiều).
Hãy nhớ rằng bước cuối cùng này không thể được thực hiện thành công - và thực ra, bạn không thể thực sự đảm bảo đạt đến sự thành công tối hậu về tiền bạc và về cá nhân được miêu tả trong cuốn sách này - nếu như bạn không thực sự bỏ thời gian để hiểu cái nguyên lý của tiềm năng và các dấu ấn vốn tác động vào nó. Chỉ khi ấy bạn mới thực sự nhận ra sự thịnh vượng vô giới hạn có thể được tạo ra bởi sự bố thí như thế nào, và chỉ khi ấy bạn mới có thể thực sự nhận biết "tôi" phải chân chính trở thành một cái gì đó mở rộng ra khỏi cái tự ngã hạn hẹp hiện nay của bạn.
Giả sử một người đã hiểu được tất cả điều này và đã dùng nó để đạt thành công về tiền bạc. Rồi giả sử rằng người ấy đem điều này học được này để chính mình đạt thành công về tiền bạc. Họ giống như hai con người ngồi và quan sát cái ông chủ tuyệt vời vốn đã từng là ông chủ quát tháo. Bây giờ có hai người giàu tại nơi vốn từng chỉ có một người. Và vì tài sản là kết quả của một dấu ấn, vì một sự giao dịch hay quyết định kinh doanh vốn trong tự nó chỉ là trung tính hay trống không hay có tính chất tiềm năng, bỗng nhiên trở nên thành công, cho nên chúng ta có thể bảo rằng sự thịnh vượng mới xuất hiện thật không mất chút chi phí nào so với sự thịnh vượng vốn có tức là, có nhiều gấp đôi sự giàu có, trong ý nghĩa tuyệt đối, so với sự giàu có đã có trước kia. Bây giờ giả sử người thứ hai đi dạy một người thứ ba, và - vâng - bạn được cái hình ảnh này rồi đấy.
Trong ý nghĩ thâm sâu, chúng ta có thể bảo rằng sự việc bây giờ một số người thì giàu có và những người khác thì không là cái bằng chứng rằng - nếu chúng ta đã hiểu cái tình trạng này tự nó đã trở nên như thế nào - mọi người đều có thể giàu có. Nói một cách khác, tài sản có thể là vô giới hạn trong thế giới vì giờ đây tài sản đang bị giới hạn. Bạn có thể vứt bỏ ngay cái ý tưởng về sự phân chia các nguồn tài nguyên có giới hạn, và nhân tiện bạn có thể vứt bỏ cả cái ý tưởng về sự nghèo khó. Tài sản là một sự nhận thức (và do đó là một thực thể) được áp đặt vào bất cứ ai vốn đã thực sự có lòng quảng đại trong quá khứ. Do đó nó vốn sẵn có đối với tất cả mọi người.
Cái tâm - một cái tâm bị làm suy yếu bởi những giá định và xin nói thẳng, những câu chuyện thần tiên của toàn bộ lịch sử văn minh của chúng ta, được trao xuống bởi các bậc cha mẹ đầy thiện chí trong toàn bộ bề dài của nó - ngần ngại trước cái khả năng rằng tất cả mọi người đang sống đều có thể có thừa tài sản. Trạng thái này của tâm bảo rằng đây không phải là cái gì đó đã từng xảy ra trước đây trong lịch sử được ghi chép của chúng ta, và do đó bây giờ nó không thể xảy ra được. Trước đây chúng ta đã từng nghe lý luận này; nó đã không thật thì bây giờ nó không thật. Hãy coi chừng, này Columbus, ông sẽ bị rơi ra khỏi bờ mé đấy, vì thế giới thì phẳng. Và cứ như thế, sắt không thể bắt được trên bầu trời hay nổi được trên nước. Thực tế, tất cả mọi người trên thế giới đều không có quyền như nhau để truy cập thông tin của thế giới chạy qua những đường dây cáp quang được làm bằng thủy tinh hay được phát tỏa xuống từ các vệ tinh nơi mà loài chim bay cao nhất cũng không thể chạm tới. Vậy những điều này phát xuất từ đâu? Há không phải chúng đã thay đổi cái khối lượng tuyệt đối về thịnh vượng trên thế giới đấy sao? Sự thịnh vượng mới phát xuất từ đâu? Bây giờ thì bạn biết rồi đấy.
Xin ghi nhớ vài điều nữa về phương thức vận hành của Kinh tế học Vô giới hạn, và rồi chúng ta có thể chấm dứt để bạn có thể bỏ cuốn sách xuống, đi ra ngoài và hãy thử thực hiện nó. Quá trình tạo ra tài sản mới sẽ có hiệu quả vô cùng nếu bạn hiểu nó vận hành như thế nào; tức là, bạn phải đọc đi đọc lại cuốn sách này cho đến khi bạn thực sự có được một hình ảnh rõ ràng về cái khả năng tiềm ẩn và những dấu ấn - chúng cùng nhau vận hành như thế nào. Cho đi với nhận thức rằng đó là điều mà Đức Phật muốn trỏ đến khi Ngài dạy, "hãy bố thí không do dự” mà không cần biết các sự vật thực sự vận hành như thế nào. Các kinh điển của trí tuệ bảo rằng, để thực sự lao mình vào công việc này với những nỗ lực không ngừng để vượt thắng nó, bạn phải bắt đầu bằng một niềm tin vững chắc rằng nó sẽ có hiệu quả. Kinh điển bảo rằng bạn chỉ có thể có được niềm tin vững chắc này nếu bạn đã hiểu được một cách hoàn toàn rằng về mặt luận lý, nó thật sự phải có hiệu quả. Và có một chi tiết nữa mà bạn sắp cần.
Bạn còn nhớ về việc bậc "chiến thánh" chứ? Có thể bạn không ngạc nhiên rằng một bậc “chiến thánh" là bất cứ ai đã trải qua ba bước thực hành sự chuyển đổi giữa chính mình và những người khác mà chúng ta đã đề cập ở chương trước đây. Cũng có thể hiểu được điều ấy, phải không? Người duy nhất có thể thực hiện sự bố thí cho những người khác đủ nhiều để gieo được các dấu ấn trong tâm của mình để nhìn thấy một số lớn tài sản đến với họ sau này phải là người đã thực sự không nhìn thấy sự khác nhau nhiều giữa chính mình và những người khác. Người có cơ hội tốt nhất để thực sự quảng đại đối với những người khác là một người đã hiểu được sự bí mật lớn nhất của cuộc đời - suối nguồn lớn nhất của mọi hạnh phúc; một người hiểu được rằng chỉ làm việc vì một cái "tôi", một cái miệng đơn lẻ và một bao tử, thì thật đáng chán, đáng buồn và sai lầm vô cùng đối với toàn bộ mục đích con người của chúng ta.
Thật là vui, thật là một niềm vui chưa được khám phá và bất tận khi mở rộng chính bạn để bao gồm cả thân thể của những người khác và rồi chăm sóc họ. Và nếu tất cả những điều về khả năng tiềm ẩn và những dấu ấn là đúng thì cách tốt nhất để chăm sóc những người khác sẽ là làm cho họ biết cách để chính họ trở nên giàu có, hưởng thụ sự giàu có, và để làm cho sự giàu có này có ý nghĩa. Nếu bạn thật sự nghĩ về điều ấy thì chính hành động chia sẻ tài sản theo cách này - sự hiểu biết làm sao để tạo ra tài sản - là cách thức hiệu nghiệm/ tuyệt đỉnh nhất để gieo hạt mầm trong chính tâm bạn cho sự giàu có mà bạn chưa từng tưởng tượng.
Điều này thuộc vào chủ đề về toàn bộ các hình thức của sự giàu có vượt ngoài những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng được, giống như bước vào một khu vườn để tìm chỉ một bông hoa và rời đi với những báu vật mà ta đã không thể tưởng tượng được khi chúng ta bước vào. Nhưng đó là một đề tài cho sau này.