Trần Tuấn Mẫn dịch
Chương 13
Mục Tiêu 3 Nhìn Lại Và Biết Rằng Thế Là Đủ

Shirley

Đến đây, cuộc hành trình xuyên qua trí tuệ của kinh Năng đoạn kim cương đã đưa chúng ta đi qua hai vùng đất lớn. Một là thế giới của tiềm năng và của các dấu ấn trong tâm, hai là cấu trúc của chính cái thực tại xung quanh chúng ta, được làm bằng một bức màn trống, trên đó nhận thức của chúng ta soi rọi hình ảnh của thành công hay thất bại trong kinh doanh và cuộc sống, hoàn toàn tùy thuộc vào việc chúng ta đã cư xử như thế nào đối với người khác trong quá khứ. Tóm lại, chúng ta đã biết tiền bạc phát sinh từ đâu, và đã được trao một phương pháp thật sự rõ ràng để kiếm được tiền bạc.
Tiền bạc tự nó chẳng có nghĩa gì nếu chúng ta không thể sử dụng nó; và chúng ta cũng đã học làm sao để duy trì thân tâm lành mạnh và sáng suốt cá khi ở trong lẫn khi ra khỏi văn phòng - làm sao để giữ cho sự nghiệp của chúng ta trải qua năm này đến năm khác luôn tràn đầy sức trẻ và sự sáng tạo. Tuy nhiên, ở đây cuối cùng chúng ta phải nói đến một điều không thể tránh khỏi, tức là bất kể bạn đã thành công lớn đến đâu, và duy trì được trái tim trong sáng đề hưởng thụ nó một cách thích đáng, một ngày kia bạn cũng phải đi đến chỗ chấm dứt việc kinh doanh và thậm chí cuộc đời của bạn nữa. Trong truyền thống Phật giáo, một nhà kinh doanh không thực thành công không phải vì vị ấy đã làm ra nhiều tiền, cũng không phải vì vị ấy đã làm ra nhiều tiền và biết cách thụ hưởng tiền ấy một cách trọn vẹn. Lúc chấm dứt cũng quan trọng như lúc khởi đầu và lúc giữa; bạn phải có khả năng chấm dứt, một sự chấm dứt không thể tránh khỏi được, và quay nhìn lại cuộc đời bạn trong doanh nghiệp và thành thật bảo rằng thế là hoàn toàn xứng đáng - rằng tất cả những giờ và những năm căng thẳng, cố gắng của bạn đã có một ý nghĩa thật sự nào đó.
Cái quyết định để chắc chắn rằng việc kinh doanh của bạn có một ý nghĩa và lợi ích thực sự nào đó trong đời cũng không thể đến với bạn nếu bạn không biết nhìn cuộc đời và nghề nghiệp của bạn từ góc độ của sự chấm dứt không thể tránh được của nó. Bạn không thể quả quyết rằng cuộc đời mình có ý nghĩa nếu bạn không thể nhìn thấy chính mình trong những giờ cuối cùng của cuộc đời mình, nếu bạn không thể tự mình mang đôi giày kia của tương lai và thực hiện một sự nhìn lại những gì bạn đã làm với cuộc đời của bạn. Và do đó, chương này nói về Shirley.
Để đến với Shirley, chúng ta phải quay trở lại với kinh Năng đoạn kim cương. Có lẽ những dòng nổi tiếng nhất của cuốn kinh là những dòng được tìm thấy ở ngay cuối kinh, được gọi là chung là "Kệ về Vô thường" (Verse on Impermanence), được coi là rất quan trọng trong giới Phật giáo đến nỗi các nhà sư Tây Tạng được yêu cầu tụng nó vào ngày Rằm và mồng Một, không được bỏ qua. Bài kệ như sau:
Hãy học để nhìn thấy rằng mọi sự vật
Được tạo ra bởi các nguyên nhân
Thì giống như một ngôi sao
Một chướng ngại trong mắt bạn,
Một cây đèn, một ảo ảnh,
Sương mù hay bong bóng
Một giấc mộng hay ánh chớp,
Hay một đám mây.
Choney Lama lại một lần nữa giải thích bài kệ này (các từ gốc được in đậm), Ngài không chỉ nhận ra một chỉ giáo về vô thường mà còn nhận ra một sự liên kết chặt chẽ với ý niệm về cái tiềm năng trong các sự vật hay cái không.
Đây là một tổng kết nêu rõ rằng mọi sự vật được tạo ra bởi các nguyên nhân thì không có tự tính và cũng đều vô thường. Tất cả điều này được chứa đựng trong bài kệ về "ngôi sao, một trở ngại trong mắt bạn, một ngọn đèn", và các thứ còn lại.
Chúng ta có thể lấy ngũ uẩn của một người - cái thân thể vật lý và vân vân - hay bất cứ sự vật nào như thế để làm thí dụ. Tất cả những thứ này được miêu tả trong các ẩn dụ sau đây.
Những ngôi sao xuất hiện vào ban đêm còn ban ngày thì chúng biến mất. Ngũ uẩn của một người và các sự vật khác được tạo ra bởi các nguyên nhân cũng y như vậy. Nếu tâm của một người ngập đầy tối tăm của si muội thì những ngôi sao hay các uẩn này sẽ xuất hiện trong một ý nghĩa tối hậu. Tuy nhiên, hãy giả thử rằng mặt trời mọc lên - mặt trời của trí tuệ nhận thức rằng không có gì hiện hữu trong chính nó và do chính nó. Thế là những thứ này không còn hiện hữu trong một ý nghĩa tối hậu và cố hữu nữa. Do đó, chúng ta nên xem các thứ này giống như một ngôi sao.
Giả sử như đôi mắt của bạn có vấn đề vì một chướng ngại trong đó - vì các hạt bụi hay gì đó đại loại như vậy. Cái sự vật mà bạn đang cố gắng nhìn bấy giờ sẽ không giống như thể cách thực sự của nó. Đúng hơn, bạn sẽ nhìn thấy nó theo một cách khác. Con mắt của tâm cũng giống như thế, nó gặp chướng ngại vì si muội: Sự vật được tạo ra bởi các nguyên nhân xuất hiện đối với cái tâm này như là một cái gì khác hơn cái thực trạng của chúng.
Ngọn lửa của một cây đèn dầu cháy lên là nhờ một miếng bấc mảnh dẻ và rồi nhanh chóng tắt đi. Các sự vật được tạo nên, mỗi sự vật đều được tạo thành các nguyên nhân và điều kiện (nhân duyên) khác nhau của nó, cũng trải qua một quá trình liên tục của sự sinh khởi và nhanh chóng hủy diệt.
Ảo ảnh là một cái gì đó khác với cái đang thực sự ở đó. Các sự vật được tạo nên bơi các nguyên nhân cũng có vẻ hiện hữu trong chính chúng và do chính chúng, đối với một trạng thái lầm lạc của tâm.
Sương mù tan biến một cách nhanh chóng; các sự vật có nguyên nhân (hữu vi) cũng giống như thế - chúng tiêu mất rất nhanh, thậm chí không kéo dài qua đến khoảnh khắc thứ hai của sự hiện hữu của chúng.
Bong bóng xuất hiện một cách bất ngờ vì nước bị quấy lên hay gì đó giống như thế, và rồi chúng vỡ ra và cũng đột ngột biến mất. Các sự vật được tạo ra cũng vận hành giống như thế: khi những điều kiện tụ họp lại, chúng đột nhiên xuất hiện và rồi chúng tiêu mất đi cũng đột ngột như lúc xuất hiện.
Những giấc mộng là một thí dụ của sự nhận thức sai lạc do giấc ngủ gây ra. Các sự vật được tạo ra bởi các nguyên nhân cũng bị hiểu sai lạc - chúng có vẻ như hiện hữu thực sự đối với cái tâm bị sự si muội tác động (về tiềm năng).
Ánh chớp loé sáng rồi tắt đi một cách nhanh chóng. Các sự vật được tạo ra cũng sinh khởi rồi tiêu diệt đi một cách nhanh chóng tùy theo các điều kiện tập hợp để tạo ra chúng.
Mây là thứ tụ tập và phân tán trên bầu trời tùy theo ước muốn của loài rồng, hay cái gì đó đại loại như thế. Các sự vật được tạo ra bởi các nguyên nhân cũng giống như thế; tùy theo ảnh hưởng của các dấu ấn, chúng sinh rồi diệt.
Mỗi một ẩn dụ trên đây đều nhằm diễn tả cái thể cách về việc không một sự vật nào vốn do các nguyên nhân tạo ra lại có được sự hiện hữu trong chính nó và do chính nó.
Sự giải thích được nêu ra đây áp dụng vào các sự vật được tạo ra bơi các nguyên nhân như là toàn bộ một nhóm.
Một ứng dụng hẹp hơn được Sư Long Thọ (Nagarjuna) trích dẫn từ kinh:
Cái Thân xác này là do một cái bong bóng hình thành,
Và các cảm thọ giống như bọt sóng,
Phân biệt chính là một huyễn tưởng,
Và các uẩn kia giống như thân cây rỗng;
Thức uẩn tựa như một ảo ảnh -
Đó là điều người anh họ của Mặt trời đã nói.
(Đây là năm phần (ngũ uẩn) của một người đã nêu trên; "người Anh họ của Mặt trời" là một cái tên khác trỏ cho Đức Phật)
Sư Kamalashila kết hợp ba ẩn dụ cuối với ba thì (quá khứ, hiện tại và vị lai); như thế là có hơi khác với sự giải thích ở đây, nhưng cả hai cách giải thích không hề trái ngược nhau.
Nói tóm lại, Đức Phật dạy chúng ta rằng chúng ta nên "thấy rằng từng sự vật và mọi sự vật được tạo ra bởi các nguyên nhân thì vô thường, và không có một tự tính nào cả, tất cả đều giống như chính thí dụ được nêu trên". Chúng ta cũng nên xem những dòng này như là trỏ đến cả sự không có một bản chất cố hữu ở con người và không có một bản chất như thế ở các sự vật.
Bài kệ vừa được nêu chủ yếu nhằm trỏ đến sự vô thường của một người - đến cái sự việc rằng, như là những cá thể, chúng ta phải đi đến chấm dứt sự nghiệp cũng như chấm dứt đời sống của chúng ta. Để đi đến một cấp độ sâu hơn (không phải đây chính là mục tiêu của chúng ta), điều này cũng có thể được giải thích bằng các dấu ấn và cái tiềm năng. Tức là, có những dấu ấn trong tâm chúng ta tạo ra các nhận thức của chúng ta về thế giới xung quanh, và cả về chính thân và tâm của chúng ta. Các dấu ấn này giống như bất cứ một hình thức nào khác của năng lượng - giống như bất cứ thứ gì khác từng được làm cho vận động qua các hoàn cảnh và điều kiện.
Hãy nói thẳng ra, các sự vật được vận động, một số sự vật như các dấu ấn khiến cho các sự vật khác như thế giới xung quanh chúng ta và chính thân tâm chúng ta xuất hiện, điều này nhất thiết có nghĩa là các sự vật ấy phải đi đến chỗ chấm dứt bởi chúng đã bắt đầu. Theo Phật giáo, để cho một sự vật chấm dứt, chẳng cần gì khác hơn là khiến cho nó bắt đầu. Khi chơi bóng chày, cái giây phút mà bạn đánh vào trái bóng, bạn đoán chắc rằng trái bóng thế nào cũng sẽ dừng lại ở đâu đó. Sự nghiệp kinh doanh của bạn cũng sẽ chấm dứt vì bạn đã bắt đầu. Cuộc đời bạn sẽ chấm dứt vì bạn đã được sinh ra, và chẳng cần một lý do nào khác nữa. Hãy cố gắng để đảm bảo rằng cuộc đời và doanh nghiệp của bạn rốt cuộc sẽ có một ý nghĩa nào đó bởi vì chắc chắn rằng một ngày kia chúng sẽ chấm dứt.
Ngày tôi bước vào tập đoàn Andin để đảm nhận công việc đầu tiên của mình, tôi đã gặp Shirley; cũng chẳng khó khăn gì, vì bà ta, ngoài tôi ra, là nhân viên duy nhất lúc bấy giờ. Tôi vừa ra khỏi tám năm chuyên tâm vào học tập và thiền định trong một tu viện nhỏ với thầy của tôi; sự ồn ào và nặng mùi của New York quả là có thể làm tôi muốn nôn mửa khi phải ngồi trên xe buýt suốt gần hai giờ mỗi buổi sáng, thế nhưng chỉ cần quan sát Shirley đi lại làm việc suốt ngày cũng có thể giúp bạn làm cân bằng mọi việc. Bà là một phụ nữ Jamaica mạnh mẽ, với mái tóc đen buông xoá và một nụ cười tươi tắn cởi mở. Lớn lên ở Arizona, tôi chưa bao giờ gặp người nào sinh ra từ vùng đảo, và tôi rất xúc động khi nhìn thấy "ánh nắng sinh động" này bước lên bước xuống các hành lang, hát một bài hát dễ thương nào đó bằng giọng Anh trầm bổng đáng yêu. Shirley và chồng là Ted nhanh chóng trở nên thân thuộc với chúng tôi; chúng tôi đã chịu khổ cùng với các người chủ sở hữu, Ofer và Aya, khi tập đoàn Andin cất cánh, tăng gấp đôi và gấp ba doanh số bán hầu như hàng năm ấy, cho đến khi đạt đến khối lượng hiện nay là hơn 100 triệu đô la mỗi năm. Lúc ấy cả Shirley và tôi đều điều hành các đơn vị lớn của công ty; bà là điều hành đơn vị phân phối, còn tôi thì đơn vị kim cương.
Ai cũng biết bản chất tươi vui cố hữu của Shirley cũng như tình yêu mà bà thể hiện đối với mọi người xung quanh; chúng tôi có thể làm việc đến một hai giờ sáng và bà vẫn vui tươi vào cuối ngày cũng như lúc đầu ngày. Đôi môi bà luôn cất tiếng hát, thậm chí dưới áp lực của sự điều động gần một trăm nhân viên, đóng gói hàng, gửi đi mười ngàn món đồ trang sức đẹp đẽ mỗi ngày, chạy đua với những thời hạn cuối cùng không thể thay đổi được. Bà có thể là người đầu tiên đến và là nhân viên cuối cùng rời trụ sở và có thể hi sinh cho những người đồng nghiệp của bà; điều này và những đặc điểm khác khiến bà có được lòng trung thành vững mạnh và tình yêu của bất cứ ai đã làm việc với bà. Cái sức mạnh bên trong chiếu ra từ đôi mắt bà và niềm tin sâu sắc đối với Cơ- đốc giáo sinh động của bà, đã làm cho bà thành một biểu tượng của sức mạnh cho tất cả chúng tôi.
Tôi còn nhớ lúc vấn đề đầu tiên xảy đến; mọi người bảo có gì đó không ổn cho Shirley, và vì vậy chúng tôi đến thăm bà ở bệnh viện. Đây là một trong những cú sốc sâu xa mà bạn gặp phải khi ai đó mà bạn nghĩ là không thể khuất phục lại tỏ ra còn tệ hơn cả yếu ớt: đây là cái cảm giác mà tôi đã trải qua khi mẹ tôi bị một khối u lớn trên ngực, hay lúc cha tôi bị ngất đi trong cuộc đi săn và bắt đầu rơi xuống một ngọn núi, và tôi một câu bé mười mấy tuổi cố gắng ngăn chặn cái thân thể to lớn của ông lăn khỏi vách đá. Té ra Shirley đã bị tiểu đường khá nghiêm trọng, nhưng tất cả sẽ ổn nếu bà ta nghỉ ngơi một chút, ăn uống đều và dùng thuốc đúng giờ mỗi ngày.
Bạn nên hiểu rằng công ty đang làm nóng bỏng thị trường; chúng tôi là bất khả chiến bại, mở các vùng hoạt động trên cả một thế giới đang không biết phải làm gì cho đúng. Shirley và tôi đạt đến mức mà chúng tôi thu được hàng trăm ngàn, hay thậm chí hàng triệu đô la một giờ. Tiền lương của chúng tôi tăng chóng mặt y như công việc và nhân viên của chúng tôi; chúng tôi trở thành những “vị thần nhỏ" trong "vương quốc" văn phòng, bàn về tương lai với một người hay với tất cả nhân viên suốt bữa ăn trưa, như thể họ là những con búp bê hay những chú lính đồ chơi mà chúng tôi sở hữu, và chuyển dịch đây đó tùy hứng. Andin là một sự đam mê, một người tình ám ảnh tất cả chúng tôi. Công ty đã đặt ra cho chúng tôi những yêu cầu và đã đưa chúng tôi đến những thành tích vượt quá khả năng của chúng tôi chỉ để tưởng thưởng cho chúng tôi tiền bạc mà chúng tôi chưa bao giờ dám mơ thấy. Và Shirley bắt đầu ở lại làm việc càng lúc càng khuya hơn, về mặt nào đó, bà bị mê hoặc, cũng như tất cả chúng tôi.
Không có gì quan trọng bằng công việc. Bà ta có thể thỉnh thoảng bỏ bữa ăn, rồi hành động đó lặp lại thường xuyên hơn. Có thể bà nhớ dùng thuốc, có thể không nhớ, nhưng chuyến gửi hàng đồ sộ đến J.C.Penny phải được khởi sự không phí mất một phút nào. Thời gian làm việc và sự lạm dụng cơ thể của bà đã bắt đầu gây thiệt hại không thể tránh được, nhưng bà không chịu ngưng lại. Tôi nghĩ rằng tôi đã học được một trong những bài học quan trọng nhất về công ty trong thời gian này: Những người công nhân thực sự tốt sẽ tiếp tục làm việc hết mình cho đến khi họ kiệt quệ. Một giám đốc phải có trí tuệ lớn và luôn biết tự kiểm soát để hiểu khi nào cần buộc mọi người ngưng bớt công việc lại, thậm chí ngay cả khi hoạt động của công ty do thế mà bị đình trệ đôi chút.
Thế rồi đến lúc Shirley không đủ sức khỏe để điều động cả bộ phận đông người, nhưng do tình cảm, những người chủ sở hữu đã tạo ra một công việc mới - một phòng ban phục vụ khách hàng - mà bà có thể tiếp tục công việc với nhịp độ chậm hơn. Và rồi bà rời trụ sở chuyển lên New Hampshire để nghỉ ngơi và bắt đầu điều trị những liệu pháp đắt tiền để lọc máu thận. Tập đoàn Andin vẫn tiếp tục tiến triển và khó giữ được liên lạc với bà, ngày của tôi vùn vụt trôi nhanh, đôi khi ba hoặc bốn cú điện thoại gọi cùng một lúc, đá quí đổ đến đơn vị không phải trong các bao bì nhỏ mà trong các giỏ và các thùng - không phải hàng trăm mà là hàng ngàn và hàng chục ngàn. Tuy nhiên, ngày của Shirley thì đang chậm lại.
Lần cuối cùng tôi nói chuyện với bà khi tình cờ tôi gọi điện thoại đến đúng vào lúc bà vừa rời bệnh viện về nhà sau khi hai chân bà bị cắt bỏ. Bà vẫn như mọi khi, hết sức hăng say và lưu tâm đến mọi sự, nói nhiều về tôi hơn là về chính bà. Lần đầu tiên, bà thốt lên rằng không biết bà sẽ trở nên thế nào. Không bao lâu sau, bà qua đời.
Nghe tin về cái chết của bà, tôi nhận ra rằng người phụ nữ mà chúng tôi đã kề cận suốt bao năm trời, và đã chia sẻ mọi buồn vui suốt hầu hết những giờ thức trắng, đã không còn nữa và không thể nào ở bên cạnh chúng tôi nữa, lần đầu tiên chúng tôi quay lại nhìn cuộc sống của mình tại công ty, bằng đôi mắt của một người đã đạt đến chỗ ngoặt vĩnh cửu. Không thể tránh khỏi rằng lần đầu tiên, chúng tôi phải tự hỏi xem như thế đã xứng đáng chưa. Đấy đã là trò đùa; còn hơn là trò đùa nữa, đấy là sự ám ảnh; nhưng cái ảo tưởng về sự lớn lao và quan trọng tan biến đi ngay khi ta đối mặt với cái chết, sự ra đi vĩnh viễn của bà đã buộc chúng tôi nghĩ như vậy. Cuộc đấu tranh vì tiền sẽ không bao giờ xảy ra như vậy một lần nữa. Giờ đây cái gì mới là nghiêm trọng. Giờ đây cái gì mới là vĩnh cửu. Chúng tôi đang trải qua cuộc đời thực sự ở đây và cuối cùng chúng tôi sẽ đi ra khỏi cuộc đời. Không ai có thể tiếp tục mà quên rằng - bất kể công ty của chúng tôi lớn mạnh trên thị trường thế nào, và bất kể cái quyền lực và tiền bạc mà chúng tôi có được khi Andin phát triển thì đấy chẳng qua là một giấc mộng phù phiếm tồn tại chỉ vài ngày sau khi chúng tôi nghỉ hưu. Chúng tôi bị buộc phải hỏi tại sao chúng tôi đã ở đấy.
Cách tiếp cận của Phật giáo đối với việc kinh doanh là chúng ta nên đến văn phòng vào mỗi sáng với câu hỏi "Nếu đêm nay ta chết thì ta có trải qua ngày cuối cùng như thế này không?". Đây quả không phải là một cách để bạn tự làm nản lòng mình, hay một lối suy nghĩ bệnh hoạn nào cả. Nó rất thực tiễn, nó giải thoát cho bạn và nó giúp bạn có thể thực sự tự hào vì nó, khi bạn chấm dứt sự nghiệp kinh doanh và quay nhìn lại. Đây là cách nó vận hành.
Có một phương pháp thực hành được gọi là "Thiền quán về cái chết" (Death Meditation) trong các tu viện Tây Tạng. Cái ý niệm mà bạn có trong tâm khi nghe nhóm từ này có thể là hình ảnh bạn nằm trên một nơi lạnh lẽo, với nhiều ống dây được đưa lên mũi, những người thân kêu khóc bên cạnh bạn, và máy kiểm tra tim ngưng hoạt động bằng một tiếng "bíp". Nhưng đây tuyệt chẳng phải là điều chủ yếu. Nói một cách đơn giản, bạn thức dậy vào buổi sáng và vẫn ở trên giường, nằm đấy mà không mở mắt ra. Và bạn tự bảo: "Tối nay ta sẽ chết. Điều gì là điều tốt nhất để làm trong thời gian còn lại của ta?".
Có hai điều sẽ thoáng qua trong tâm bạn. Đấy có thể giống như có được một ngày nghỉ bất ngờ, và vì bạn sắp chết đêm nay thì vâng, có lẽ hãy cố làm điều gì mà bạn vẫn luôn luôn muốn làm, nó hơi bất thường hay có thể hơi nguy hiểm nhưng có vấn đề gì đâu, đêm nay bạn sẽ chết mà! Thế thì tôi giả sử bạn có thể đang bị thôi thúc muốn thực hiện việc nhảy khỏi máy bay và mở dù chậm (Skydiving) vào hôm đó, hoặc có thể đi hát trong một phòng karaoke, hoặc mua vé đắt tiền nhất để xem một vở diễn ở Broadway (giá như có xuất diễn ban ngày).
Việc thực hành Thiền quán về cái chết phải được thực hiện đều đặn, suốt một thời gian dài - có thể mới có được hiệu quả mạnh nhất. Một kết quả dễ nhận thấy nhất là bạn sẽ sắp xếp hợp lý cuộc sống bạn: cắt bỏ những thứ không cần thiết hay làm những gì giúp cho bạn được thư thả. Đây là sự khởi đầu của một loại tự do mới, cả về thể chất lẫn tinh thần. Bạn có bao nhiêu đôi giày? Và các bức ảnh chụp về những kỳ nghỉ của bạn? Khi bạn nghe những câu hỏi này, trong tâm bạn bắt đầu hình dung tất cả những đôi giày khác nhau mà bạn có: Tâm của bạn đi vào trong tủ và ít nhất là nhìn vào đôi mà bạn thường dùng nhất. Và rồi tâm bạn vào một căn phòng nhỏ hay kệ tủ ở đâu đó và nhìn thấy một vài xấp phong bì đựng ảnh; đi vào trong một hoặc hai phong bì; nhìn sơ qua hai tấm ảnh chụp những gì.
Tất cả điều này chứng tỏ rằng, trên một mức độ nào đó, ở đâu đó, bạn đang giữ một bản kiểm kê về những gì bạn sở hữu. Điều này cũng có nghĩa là một phần nào đó ở cái khoảng trống của tâm bạn đang bị chiếm bởi những chi tiết ấy; hãy nhớ rằng tâm cũng giống như ổ cứng của máy vi tính - nó không có nhiều chỗ trống lắm đâu. Bạn biết các máy vi tính bắt đầu hoạt động như thế nào khi các ổ cứng đã gần đầy ắp rồi đấy: các chương trình ngưng vận hành, mọi thứ trở nên chậm hơn, các hệ thống có nguy cơ tan vỡ. Và bạn biết việc sử dụng một máy vi tính mới có nhiều chỗ trong ổ cứng thì thật là buồn cười như thế nào rồi đấy - mọi thứ đều chạy như bay. Ý niệm "Thiền quán về cái chết" phải đi từ điều này đến điều khác. Một cách nhanh chóng, thô sơ để thành tựu việc này là loại bỏ các đồ đạc trong nhà mà bạn không cần hay không dùng. Có thể có tới 75% các đồ vật trong nhà rơi vào trường hợp này - một phương pháp thực tế, thô sơ rất tốt là, tôi có thật sự đã dùng đồ vật này trong khoảng chừng sáu tháng vừa qua không? Nếu không, hãy loại bỏ nó đi.
Khi thực hành Thiền quán này lâu ngày, bạn sẽ theo kế hoạch mà bắt đầu làm những gì bạn đã làm với các đồ vật của bạn. Nếu thực sự bạn sắp chết đêm nay, bạn có ngồi đọc hết tờ báo Chủ nhật hoặc hầu hết các tạp chí mà bạn đặt mua không? Bạn có lướt hết các kênh TV để tìm kiếm một cách tuyệt vọng tiết mục nào đó, thậm chí không hay lắm không? Bạn có còn đi ra ngoài và trải qua một hay hai giờ ăn trưa hay ăn tối hoặc nói chuyện tầm phào về các giám đốc khác không? Thế thì hãy quyết định: Nếu không phải vào cái ngày tôi chết, thì sao lại không phải bây giờ chứ! Bởi vì, nói thẳng ra, nó có thể thực sự là hôm nay.
Vào một lúc nào đó trong quá trình này, bạn sẽ bắt đầu xét đến chính nghề nghiệp của bạn. Đây có phải thực sự là công việc mà bạn muốn làm nếu đêm nay bạn sắp chết không? Có việc gì khác nữa mà bạn thích làm hơn, nhưng lại ngại làm vì bạn không chắc bạn có thể kiếm đủ tiền từ nó hoặc vì bạn ngại phải làm việc gì đó hoàn toàn mới, hoặc chỉ vì bạn hơi lười biếng mà bạn không chịu làm? Cuộc đời quả là rất ngắn ngủi và những năm làm việc của bạn thì rất giới hạn - những năm của năng lực và sức khỏe tối đa và của sự nhạy bén về tâm trí. Lẽ ra bạn phải làm ít tiền hơn một chút, nếu bạn đã có thể sống mỗi ngày để làm những gì mà bạn thực sự cảm thấy là quan trọng.
Tại diễn biến cuối cùng của Thiền quán về cái chết, lối suy nghĩ này phát triển thành một sự thu hút có tính chất bản năng vào các sự việc trong một đời sống con người vốn là những sự việc thực sự có vẻ đẹp và ý nghĩa lớn lao nhất. Qua một quá trình tư duy và thiền quán, bạn đã đẩy lối suy nghĩ của bạn thẳng đến những gì rất có thể sẽ hiện hữu vào lúc gần cuối của sự nghiệp và của cuộc đời bạn. Có thể bạn đã làm ra khá nhiều tiền. Bạn đã thỏa mãn nhu cầu căn bản của chính bạn, thậm chí một cách sung túc, và cung cấp cho những người trong gia đình bạn. Về mặt nghề nghiệp, bạn đang ở trong một tình trạng giàu có về kinh nghiệm khiến bạn có thể thực hiện thành công hầu hết mọi phần việc, mặc dầu năng lực cơ thể và các sức mạnh tinh thần ở mức độ nào đó có thể hơi kém hơn khi bạn đang sung mãn.
Về mặt tinh thần, đây là điểm chủ yếu, khi những doanh nhân đã thành công trong những năm về cuối bắt đầu bị thu hút vào lòng bác ái. Điều này xảy ra không phải vì họ không có gì khác để làm, mà đúng ra là những người này đã thâu thập được một loại trí tuệ suốt toàn bộ cuộc đời họ vốn đã khẳng định một cách chính xác cái điều duy nhất có ý nghĩa nhất mà bạn có thể làm với tiền bạc, năng lực và kinh nghiệm mà bạn đã tích luỹ. Những người như thế thuộc vấn đề mà ta đã bàn trước đây: Họ đang nhìn lại sự nghiệp của họ từ quan điểm khi chấm dứt sự nghiệp, và bắt đầu cái sự việc không thể tránh khỏi là tự hỏi như thế đã xứng đáng chưa?"
Ý chính ở đây là nhằm dự tính trước bạn sẽ ở đâu trong vài năm nữa và thực hiện những quyết định bây giờ, những quyết định này sẽ cho phép bạn quay lại với niềm vui và sự thỏa mãn trọn vẹn. Việc ý thức rằng bạn sẽ có thể làm như thế không phải làm cho chính cái mục tiêu mà làm cho toàn bộ cuộc hành trình - toàn bộ sự nghiệp của bạn - vui vẻ và thú vị hơn vô cùng. Cho nên, hãy thực hành thiền quán về cái chết ngay bây giờ, tôi chắc rằng cuối cùng bạn sẽ đạt cái trạng thái tâm mà chúng ta sẽ miêu tả trong chương kế tiếp - điều mà chúng ta gọt là "sự trao đổi giữa mình và những người khác".
Bạn phải đi qua quá trình của diễn tiến về mặt tâm linh trong đời bạn nên bạn có thể quay nhìn lại cuộc đời bạn và biết cách thỏa mãn rằng bạn đã làm những điều quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất, không chỉ với sự nghiệp của bạn mà còn với cả doanh nghiệp nữa. Công ty cũng chẳng khác gì cá nhân. Chúng được sinh ra, chúng sống đời sống của chúng, rồi chúng trì trệ lại và chết, phù hợp với chính cái bản chất của các sự vật. Bạn phải đánh giá doanh nghiệp của bạn từ chính các quan điểm mà bạn đã dùng để đánh giá cuộc đời - bạn phải đi đến cái chết của nó và hãy quay nhìn lại.
Và các công cuộc kinh doanh phải chết - một nhà doanh nghiệp thực sự nhận ra được sự việc này, ngay cả trong khi đang thành công rực rỡ nhất thì đó là một người luôn luôn ở trong một vị trí kinh doanh vững mạnh rất nhiều. Thái độ này giữ cho đầu óc bạn được sáng suốt và những ưu tiên trong đời của bạn được thẳng tiến. Chính Đức Phật đã nhìn vào sự chấm dứt công việc của Ngài một cách sáng suốt - sự chấm dứt của chính Phật giáo - và thường nói đến sự chấm dứt này để giữ sự sáng suốt của Ngài, và sự sáng suốt của các đệ tử của Ngài. Kinh Năng đoạn kim cương gồm một phần khá lớn của một trong những chủ đề ấy; cuộc trao đổi bắt đầu bằng một câu hỏi Đức Phật của ngài Tu-bồ-đề, một vị thiện của trí tuệ giả trang làm một Tỳ-kheo bình thường.
Bạch Thế Tôn, điều gì sẽ xẩy ra trong tương lai, trong thời kỳ của 500 cuối, khi Thánh pháp của Đức Phật đang đi đến chỗ tận diệt? Làm sao có người nào trong thời ấy có thể thấy
một cách đúng đắn ý nghĩa của những lời giảng giải được nêu trong các kinh như kinh này?
Và Thế Tôn đáp:
Này Tu-bồ-đề, ông chớ bao giờ hỏi câu hỏi mà ông vừa hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, trong thời kỳ của năm trăm cuối, khi thánh pháp của Đức Phật đang đi đến chỗ tận diệt? Làm sao có người nào trong thời ấy có thể thấy một cách đúng đắn ý nghĩa của những lời giảng giải được nêu trong các kinh như kinh này?"
Vấn đề là sẽ có hay không có ai trong tương lai tin hay có mối lưu tâm lớn đối với các kinh như kinh này - các kinh giảng giải về bản chất của cái thân của thực tính (pháp thân) và cái thân vật lý của một vị Phật. Để nêu lên vấn đề này, ngài Tu- bồ-đề hỏi các câu hỏi bắt đầu bằng: "Bạch Thế Tôn, điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, trong thời kỳ của năm trăm cuối cùng, khi Thánh pháp của Đức Phật đang đi đến chỗ tận diệt?”
Để trả lời, Thế Tôn dạy: "Này Tu-bồ-đề, ông đừng bao giờ hỏi cái câu hỏi mà ông vừa hỏi”. Điều ngài muốn nói ở đây là
Tu-bồ-đề đừng bao giờ ấp ủ sự nghi ngại khi tự hỏi xem sẽ có hay không có người nào như thế trong tương lai; và nếu không bao giờ có mối nghi này thì Tu-bồ-đề sẽ không bao giờ hỏi câu ấy.
Và Đức Phật dạy:
Này Tu-bồ-đề, trong tương lai, trong thời kỳ của năm trăm cuối cùng khi Thánh Pháp của Đức Phật đang đi đến chỗ tận diệt, sẽ xuất hiện những bậc chiến thánh vốn là những vị đại sĩ có đức độ, có phẩm chất tốt và có trí tuệ.
Và này Tu-bồ-đề, các bậc chiến thánh này là những vị đại sĩ, sẽ không phải là những vị đã từng đảnh lễ một vị Phật duy nhất, hay đã từng thu thập hàng kho đức độ từ một vị Phật duy nhất.
Này Tu-bồ-đề, thật ra chư vị ấy sẽ là những vị đã từng đảnh lễ nhiều trăm ngàn vị Phật, và đã từng thu thập hàng kho đức độ từ nhiều trăm ngàn vị Phật. Các bậc chiến thánh, các đại sĩ như thế sẽ xuất hiện.
Này Tu-bồ-đề, đoạn kinh bảo, trong tương lai, ngay cả khi thánh pháp đang đi đến sự tận diệt, sẽ xuất hiện các bậc chiến thánh vốn là các vị đại sĩ. Chư vị sẽ có cái thành tích phi thường về sự tu tập đạo đức; chư vị sẽ có cái phẩm tốt ấy vốn gồm cái thành tích phi thường về sự tu tập thiền định; và chư vị sẽ có cái thành tích phi thường về sự tu tập trí tuệ.
Và các bậc chiến thánh này vốn là những vị đại sĩ sẽ không phải là những vị đã từng đảnh lễ hay đã từng thu thập hàng kho đức độ từ một vị Phật duy nhất mà thật ra chư vị ấy sẽ là những vị đã từng đảnh lễ và thu thập hàng kho đức độ từ nhiều trăm ngàn vị Phật. Đức Thế Tôn dạy: Đây là điều mà ta có thể nhận thức ngay bây giờ.
Sư Kamalashila giải thích nhóm từ "thời kỳ của năm trăm cuối” như sau:
"Năm trăm ở đây trỏ cho một nhóm năm trăm, nó trỏ cho câu nói nổi tiếng rằng "Giáo pháp của Đức Thế Tôn sẽ tồn tại trong năm lần năm trăm”.
Như thế "năm lần năm trăm” trỏ cho cái khoảng thời gian mà giáo pháp sẽ tồn tại trên đời: 2.500 năm.
Về câu hỏi giáo pháp sẽ tồn tại bao lâu trên đời này, chúng ta thấy một số giải thích khác nhau trong nhiều kinh khác nhau và trong các sớ luận về các kinh ấy. Điều này khẳng định rằng giáo lý của bậc Năng Nhân (Đức Phật) sẽ kéo dài 1000 năm, hay 2000 hay 2500, hay 5000 năm. Tuy nhiên, khi chúng ta xét cái ý tưởng nhằm trỏ vào của chúng, những khẳng định khác nhau này không trái nghịch với nhau.
Lý do không có sự trái nghịch ấy là một số trong những tác phẩm này muốn trỏ cái khoảng thời gian mà người ta sẽ còn đang thành tựu các mục tiêu, hay còn đang tu tập. Và một số tác phẩm khác trỏ cho cái khoảng thời gian mà những ghi chép trong sách vở về cái giáo lý này còn tồn tại trong thế gian của chúng ta. Cuối cùng một số tác phẩm có vẻ nhằm trỏ giáo lý ở Hóa Thổ (the Land of the Realized - Ấn Độ).
Có nhiều thí dụ về các loại thần chiến thánh được nêu ra trong bản kinh. Ở Hóa Thổ, đã có "sáu thứ Báu của cõi Diêm- phù”, và các thứ báu khác giống như thế. Ở Tây Tạng đã có các tôn giả như Sakya Pandita, hay Buton Rinpoche, hay Tam Tôn - vị cha, Je Tsongkapa, và hai vị con trai tinh thần.
Người phương Tây chúng ta ngỡ ngàng khi đọc thấy một cuộc trao đổi mà qua đó vị sáng lập một tôn giáo lớn, vào đúng cái lúc sáng lập tôn giáo ấy, lại nói trước về sự biến mất tôn giáo của Ngài khỏi thế giới vào 2.000 năm sau. Cái xu hướng cố định trong suốt mọi thể chế của chúng ta - doanh nghiệp, chính trị, gia đình, và cá nhân - là tự trong thâm tân của chúng ta, tin rằng bất cứ việc gì đang tiến hành tốt đẹp vào một lúc nhất định nào đó sẽ tiếp tục tiến hành như thế. Tuy nhiên, Phật giáo lại bảo rằng tất cả các sự vật đều được suy động bởi các dấu ấn của chúng ta, bởi nhận thức mà các dấu ấn này áp đặt vào chúng ta. Và các dấu ấn thì giống như những cái cây - các hạt mầm của chúng được gieo, chồi mọc ra, cây lớn lên và nở hoa và chết đi, không tránh khỏi được khi năng lượng của hạt mầm bị cạn kiệt. Một khi thế giới xung quanh chúng ta và chính chúng ta là những nhận thức được bởi cái năng lực của những hạt mầm tâm thức vốn hoạt động đúng y như những hạt mầm vật lý tự nhiên thì chúng ta, như những cá nhân, và cả thế giới này, đương nhiên phải đi đến một sự chấm dứt.
Ngay khi chúng ta đang ở trên đỉnh cao của sự nghiệp, công ty của chúng ta đang thao túng thị trường, chúng ta phải giữ sự hiểu biết này. Để đi suốt cuộc đời và quản lý việc kinh doanh của chúng ta, từ góc độ sáng suốt nhất trong mọi góc độ, bằng tâm thức, chúng ta phải đi thẳng đến cái ngày rút lui, cái ngày của cái chết, cái ngày kết thúc của chính công ty chúng ta, và phải quay nhìn lại điều mà chúng ta đã làm. Phải chăng nó đã xứng đáng? Phải chăng nó đã có ý nghĩa? Phải chăng nó là cách tốt nhất để trải qua một đời người ngắn ngủi và quý báu?
Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét các cách chắc chắn rằng nó đã có ý nghĩa. Và đừng lo; điểm chính ở đây là bạn có thể có cái bánh và có thể ăn nó nữa - mục tiêu là (1) làm ra nhiều tiền bạc; (2) thân thể và tâm trí thật lành mạnh để có thể thực sự hưởng thụ tiền bạc; và (3) sử dụng tiền bạc theo một cách mà bạn có thể nhìn lại và tự hào về cách ấy. Cách tốt nhất để sử dụng tiền bạc cũng chính là cách tốt nhất để điều hành một công ty, gia đình, và cuộc đời bạn.