Trần Tuấn Mẫn dịch
Chương 12
Tính Không Của Các Vấn Đề

Sẽ là thiếu sót nếu bàn luận về việc giữ sức khỏe cho thân và tâm của bạn trong khi bạn kiếm tiền nếu như không nói đến một kỹ thuật Phật giáo cổ được gọi là “chuyển các vấn đề thành những cơ hội". Điều này có thể được thực hiện trên hai cấp độ: trực tiếp và tối hậu.
Bạn có nhớ câu chuyện ở Chương 10, chúng tôi đã mua 10 ngàn ca-ra kim cương và hầu như đã làm phá sản công ty không? Điều cốt yếu ở đấy là xử lý một cách thành công trước sự phê phán gay gắt của ông chủ, cố gắng ngăn chặn sự nóng giận và phiền bực của bạn, ngay cả trước khi chúng có thì giờ hình thành đẩy đủ trong tâm bạn trong ít giây đầu tiên khi bạn bị quát tháo. Kết quả trực tiếp là bạn ra khỏi phòng ông chủ với một tâm trạng sáng sủa, được trang bị và sẵn sàng xử lý vấn đề trước mắt và giải quyết nó. Kết quả về lâu dài là bạn không còn gieo những dấu ấn mới trong tâm bạn để nhìn thấy một ông chủ nóng giận: Từ đấy trở đi, cuộc sống văn phòng của bạn sắp trở nên càng lúc càng suôn sẻ hơn.
Hãy giả sử chúng ta bình tĩnh bước ra khỏi văn phòng - tuy nhiên, phải làm gì với 10 ngàn ca-ra kim cương dư thừa đây? Trong một ý nghĩa trực tiếp, ở đây bạn bảo vệ tâm bạn, và về lâu dài bạn tránh được sự hao mòn mà thân thể bạn phải chịu thêm, bằng cách đặt các ý nghĩa của bạn đúng vào cái không hay cái tiềm năng vốn có trong bất cứ vấn đề nào. Cái không này có nghĩa vấn đề là một vấn đề chỉ khi nào các dấu ấn của bạn khiến cho bạn nhận thức nó là một vấn đề. Biết về cái không này cho phép bạn chuyển bất cứ vấn đề nào thành một cơ hội.
Điều quan trọng là phải hiểu được rằng 10 ngàn ca-ra có thể được xem một cách họp lý và đúng đắn như là một vấn đề hay như là sự khởi đầu của một cơ hội mới. Việc xem chúng như là một vấn đề sẽ làm cho bạn bối rối. Về mặt tâm lý, nó sẽ đặt bạn vào một vị thế tự vệ và sự phá bỏ tính sáng tạo của bạn. Hãy quyết định rằng bạn hẳn đã có một ý tưởng chết người vào tuần trước và đã cần 10 ngàn ca-ra để quyết thực hiện cho được; quả thật rằng bây giờ bạn không nhớ cái ý tưởng tuyệt vời của bạn là gì. Thế thì hãy hình dung nó ra.
Một chiến lược mà chúng tôi thường sử dụng tại Tập đoàn Andin là thiết kế lại một sản phẩm cho thích hợp với nguyên vật liệu mà chúng tôi đã lỡ mua thừa ra. Không hốt hoảng trước tình trạng này có nghĩa là bạn tránh phải cột chặt cái không gian tâm thức sáng tạo quý báu (có thể làm trì hoãn việc bạn có được cái ý tưởng sắp giải quyết được vấn đề); nó cũng ngăn ngừa được những dấu ấn tiêu cực có thể qua vài ngày hay vài tuần sắp tới sẽ nổi lên cái tâm ý thức và thực sự ngăn chặn bạn nhận thức được cơ hội. Cho nên, điều quan trọng là phải bình tĩnh và tập trung vào việc nhớ lại, thật sự tôi sắp làm gì với 10 ngàn ca-ra kia? Hãy giả dụ tất cả những viên đá này là một hỗn hợp nhỏ màu nâu như nước rửa chén bát, hay một mớ hỗn độn gồm đủ loại hình dạng và kiểu cắt. Đây là thứ khó bán nhất trên thị trường, những viên sỏi nhỏ này chỉ dùng để đính vào mũi khoan giếng dầu tức là, cho đến khi những người buôn bán kim cương khôn ngoan người Ấn Độ nghĩ ra một cách để cắt chúng cho rẻ tiền. Và bây giờ chúng đang đi vào trong cái "trái tim một ca- ra" nổi tiếng.
Món đồ này là một của trời cho đối với các nhà buôn bán kim cương và các xưởng chế tạo kim hoàn đang kẹt cứng vì những số lượng lớn những viên đá hỗn độn; và chúng tôi ở Tập đoàn Andin đã đưa cái ý niệm này đến chỗ biểu hiện cao nhất của nó. Trước hết, bạn đổ tất cả các viên đá (ở đây chúng ta đang nói một triệu mẩu vụn kim cương) vào trong những cái rây lọc kim cương, hãy đập vào những ống sắt bé xíu suốt ngày bằng những thanh kim loại nhỏ, và đẩy kim cương qua một loạt các lỗ nhỏ, những lỗ này - cuối cùng - dồn các mẩu lấp lánh li ti cùng kích cỡ vào cùng một đống nhỏ. Thế rồi, bạn thực hiện một công việc rất tinh tế với cái cân kim cương siêu hạng để suy đoán ra trọng lượng trung bình của mỗi viên đá trong mỗi đống (hãy nhớ là bạn đang nói cái gì đó khoảng một phần triệu cân Anh mỗi viên kim cương).
Bạn có được chừng năm đống như thế, với những viên đá chỉ khác nhau về kích cỡ khi nhìn qua kính hiển vi. Rồi bạn lấy một món trang sức bằng vàng thô (dùng để gắn vào dây chuyền đeo cổ) có 50 lỗ nhỏ được khắc vào nó ở khắp bề mặt, bỏ vào trong những cái chén nhỏ, toàn bộ kết quả xuất hiện là mẩu vụn kim cương được gắn sâu trong vàng ròng, vàng này làm giảm đi cái màu nâu nước rửa chén bát của những viên đá. Bạn ngồi đấy với một máy tính và hình dung ra phải tập họp 50 viên đá từ năm đống kia như thế nào để có trọn vẹn một trọng lượng là 99,5% của một ca-ra, hoặc xem trọng lượng tối thiểu nào hợp quy định cho một ca-ra vào thời điểm ấy. Kết quả vào cuối ngày là tạo ra kim cương lấp lánh tuyệt đẹp mà bạn có thể bán với giá rất cao do đã kiểm tra chính xác về các thành phần: về vàng và các hạt kim cương. Điều chủ yếu là khi món hàng này được bán chạy ở các cửa hàng thì đúng là bạn đã biến lỗi lầm của mười ngàn ca-ra thành ra một vố bở 10 ngàn ca-ra. Bạn biết sau đó sự việc ra sao rồi đấy. Ông chủ bảo bạn đi kiếm cho được 10 ngàn ca-ra khác đúng cùng loại ấy, và có thể bạn không thể làm lại như thế được.
Nhưng điểm chính của bài tập thì rõ ràng. Mọi sự vật hiện hữu trên đời đều là không. Điều này có nghĩa là không một sự vật nào là tốt hay xấu từ phía chính nó, phương thuốc của một người là thuốc độc của người khác. Một sự vật trở thành tốt hay xấu tùy theo nhận thức của bạn, và những nhận thức này nhất định tuân theo lệnh của các dấu ấn tốt hay xấu mà bạn đã gieo vào tâm bạn trong quá khứ. Các vấn đề không phải là vấn đề từ phía của chính chúng. Đúng ra là, có cái gì đó trong tâm bạn khiến bạn nhìn thấy các vấn đề là một vấn đề. Mọi vấn đề đều có thể được chuyển thành một cơ hội, vì không có vấn đề nào là ở trong chính nó và của chính nó.
Hãy thử nghiệm bài tập này. Lần tới, khi một vấn đề kinh doanh xảy ra, lần tới, khi một người cạnh tranh gây cho bạn một loại vấn đề nào đó, hãy giả bộ rằng toàn bộ công ty cạnh tranh gồm các bà mẹ Tiên đỡ đầu có thể thấy được tương lai, thương yêu công ty của bạn, và đang cố gắng tạo cho bạn một sự thành công lớn. Để làm được như thế, họ thấy rằng họ phải đẩy bạn vào một hướng khác với hướng bạn đang đi. Để khiến bạn đi theo hướng ấy, họ phải ngăn chặn sự tiến bộ của bạn theo hướng cũ. Thay vì cảm thấy lo lắng hay bối rối vì những gì bạn chờ xảy ra lại không xảy ra, bạn hãy hoàn toàn sẵn sàng với cái hướng mới - hãy cố gắng nhìn thấy con đường mới mà họ muốn bạn đi, hơn là tiếc nuối quay nhìn lại cái lối đi quen thuộc cũ.
Cách nhìn vào hoàn cảnh như thế này là có thực tiễn không? Có thể là có, có thể là không. Thực sự không quan trọng gì. Kết quả cuối cùng cũng là một, trong bất cứ trường hợp nào. Sự cảm thấy bối rối và băn khoăn gieo những dấu ấn tiêu cực vào tâm bạn; và các khoảng trống tâm thức dành cho sự bối rối có nghĩa là bạn còn có rất ít khoảng trống cho những giải quyết có tính cách sáng tạo. Nó chỉ có thể làm cho các sự việc trở nên xấu hơn mà thôi. Sự tập trung vào việc làm sao để khám phá ra cơ hội tiềm ẩn trong vấn đề làm cho tâm bạn phấn chấn và nó chỉ gieo những dấu ấn tích cực - những dấu ấn sẽ làm cho bạn nhìn thấy một sự thành công trong tương lai. Do đó, nó tạo ra sự sáng suốt toàn hảo để thẳng tiến và nhìn thấy con đường này.
Ở đầu chương này chúng ta đã nói đến hai cấp độ của việc chuyển các vấn đề thành các cơ hội: trực tiếp và tối hậu. Cơ hội tối hậu mà các bạn có thể rút ra từ mọi vấn đề là thấu suốt cái tiềm năng của tất cả các sự việc ngay từ lúc đầu: cái không của chúng. Điều này được thể hiện như thế nào?
Các vấn đề tự chúng là cơ hội cao nhất mà chúng ta có thể có. Trí tuệ của Tây Tạng cổ bảo rằng nếu mọi lúc các sự việc đều suôn sẻ thì đó là điều xấu nhất có thể xảy ra. Sở dĩ như thế là vì chúng ta không bao giờ hỏi tại sao các sự việc thực sự xảy ra cho chúng ta khi chúng đang tốt. Bạn không bao giờ thấy người ta vò đầu bứt tóc mà la lên "tại sao nó lại xảy ra cho tôi chứ" khi thấy điều gì tốt đã xảy ra cho họ. Chúng ta phải chịu khó mà suy nghĩ xem các sự việc phát xuất từ đâu.
Không có gì buồn hơn, không có một vấn đề nào sắp xảy ra lớn hơn, khi một công ty hay một thành viên ban điều hành đã trở nên tự mãn, vì đã đạt thành công liên tục trong suốt một thời gian dài. Công việc kinh doanh luôn luôn thay đổi, và tự mãn không phải là chỗ để từ đó người ta thực hiện một truy tìm sâu xa và khó khăn về việc tại sao các sự việc thật sự xảy ra. Cho nên, quả không phải là một điều gì quá cao xa khi bảo rằng các vấn đề vốn tự nó là cơ hội lớn lao nhất cho chúng ta. Khổ đau thúc đẩy chúng ta tìm ra cái gì thực sự làm xoay chuyển thế giới xung quanh chúng ta, và nếu nó giúp chúng ta khám phá ra những quy luật của tiềm năng và của các dấu ấn, thì nó là điều tốt nhất từng xảy ra đến với chúng ta.