CHƯƠNG 16

     huyện của Huệ:
Em tên là Huệ. Nguyễn Thị Huệ.
Em sinh ra ở làng, cả đời chỉ biết ruộng đồng. Học tới lớp Mười trường huyện, bố em bảo, con gái thời nay học nhiều làm quái gì! Em biết, vì sao bố em nói vậy! Nhà những sáu miệng ăn. Em là con cả. Dưới em còn ba đứa lít nhít nữa, đi học tốn bao nhiêu tiền… Cả làng chỉ làm ruộng, đào đâu ra nhiều tiền? Nhà em có bốn sào ruộng. Một sào đất bãi. Năm nào được mùa, cả hai vụ cũng chỉ được hai ba tấn thóc. Rau mầu, chăn nuôi thêm, gọi là chỉ đủ giật gấu vá vai. Thế là bỏ học.
Năm em mười chín tuổi, anh ấy về nước. Trong con mắt tụi em, những người ở nước ngoài trở về rõ là cực kỳ sung sướng. Ai nấy ăn mặc thật đẹp, tiền tiêu như nước. Có hai tháng, anh ấy xin cưới. Bố mẹ em đồng ý ngay.
Về hình thức, chồng em cũng bình thường. Răng hơi vâu vâu một tí, nhưng bù lại anh ấy rất chiều chuộng em. Con gái như tụi em ở làng, lấy được một người ở thành phố đã là ghê lắm rồi, nay lại lấy chồng làm ăn tận châu Âu, thì may mắn quá! Còn gì bằng? Cha mẹ em hả hê ra mặt.
Năm sau chồng đón em sang Ba Lan.
Tới Ba Lan mới vỡ lẽ ra rằng, anh ấy chẳng phải ông chủ to lớn gì. Chẳng phải như khi ở Việt Nam, mỗi khi tiêu pha, anh ấy cũng phẩy tay bảo: “Cứ vô tư đi! Bằng con trâu rụng một cái lông!“
Trời ơi, mỗi tháng dành ra cho được trăm đo còn khó, nói gì tới tiền trăm, tiền ngàn bỏ lọ! Hàng ngày trong khu bán buôn “Sân vận động”, em cùng anh ấy quần quật từ mờ sáng tới tần khuya. Ai thuê việc gì cũng làm. Tủi thân! Đêm đêm nằm nghĩ, người ta ra nước ngoài, buôn bán tiền như nước, chồng giàu có, lên xe xuống ngựa. Mình mang tiếng đi tây, xoay đủ tiền qua ngày có khi cũng chật vật. Hận, nhớ nhà, khóc suốt. Nhưng trâu buộc cọc rồi!
– Bố em viết thư sang nói như vậy.
Để có tiền thêm, em thổi một thúng xôi bán trong chợ. Cánh tới cất hàng, có người ở xa tới vài trăm cây. Ai cũng vội vôi, vàng vàng! Vì thế bán xôi cũng có đồng ra đồng vào. Nhẽ ra, vợ chồng bảo ban nhau cùng chung lưng lại, chịu khó thu vén cũng có thể dư ra mỗi tháng trăm đô, nhưng anh ấy lại cờ bạc. Nhiều người sang đây đã làm ăn không được, lại rượu chè, cờ bạc. Thời gian rảnh họ cũng buồn, nên tụ tập đánh tiến lên, sóc đia ăn tiền ngay trong khu buôn bán. Có ngày nghỉ hiếm hoi nào, lại rủ rê sát phạt lẫn nhau ở đâu đó, vợ nào biết mà quản lí được? Nói mãi cũng như nước đổ lá khoai. Thế là cái nhau. Người đã dính vào cờ bạc thì mê mẩn lắm, y như có kẻ bỏ bùa mê thuốc lú vào chồng em. Suốt cả năm chẳng có đồng nào gửi về cho cha mẹ. Nhiều lúc nghĩ chán quá! Hồi ở làng, em nổi tiếng là đẹp, bao nhiêu thằng nhòm ngó, chứ ế chỏng ế trơ gì cho cam. Cũng tưởng anh ấy tử tế, làm ăn chí thú nên theo anh ấy sang đây. Năm sau em lại có mang, thành ra vợ chồng đôi khi nặng nhẹ, cũng có lúc hòn bấc nói hòn chì đáp lại, mất cả mặt mà vẫn phải ăn ở với nhau. Có con nhiều lần em cũng nhẹ nhàng khuyên nhủ, song anh ấy vẫn thói nào tật ấy. Lại vặc nhau. Một lần thua bạc nhiều, cay cú, anh ấy đánh rất to để thua tiếp, nợ hơn mười ngàn đô. Thế là mấy tháng không gì trả tiền nhà, chủ nhà nó đuổi. Một người bạn thương mẹ con em, cho về ở tạm trong tầng hầm nhà chị ấy. Em hận lắm. Năm ấy tuyết rất lớn. Con em ốm mà anh ấy vẫn đi suốt đêm, gọi mấy cũng không thèm nhấc máy. Trưa hôm sau trở về. quần áo toàn mùi lạ! Vừa trách mấy câu, anh ấy đã chửi ầm lên, rồi tát em mấy cái. Uất ức bao lâu không chịu được, thế là em cầm ngay cái khoá cửa. Định doạ thôi, chọi dứ một cái, không may đúng vào trán. Máu chảy ra đầm đìa … Anh ấy lu la ầm lên là em giết chồng. Cả làng người Việt cũng kháo nhau như vậy. Chẳng còn mặt mũi nào nhìn ai cả. Nếu chỉ có vậy thôi cũng chưa thể bỏ nhau đâu. Biết lỗi, hàng ngày em vẫn cơm nước chu đáo, quỳ xuống lạy sống anh ấy. Nhưng chồng em bắt đầu bỏ đi qua đêm liên miên. Hỏi mấy người bạn mới biết, anh vẫn đi lại với bạn gái trước đây, thời “lao động xuất khẩu” đã từng ăn ở với nhau. Chia tay! Sao mà chịu được!
Về Việt Nam thì lấy gì mà sống? Mặt mũi nào nhìn làng nước? Ở lại, không chồng, con mọn xoay sở làm sao? Em gửi cháu về Việt Nam cho ông bà ngoại, rồi quay lại Ba Lan.
Phục thù!
Em vẫn bán xôi ở chợ.
Duyên số cả! Mùa hè năm ấy, em gặp một người chuyên đánh hàng chuyến. Anh ấy tới mua xôi, mê em, rủ em đi làm chung, cùng đi đánh hàng sang Hung và vài nước khác. Thú thật, em cũng không rõ anh ta lắm, chỉ biết anh ấy nhiều tiền và giao du rất rộng. Làm ăn với nhau nửa năm, em cũng được anh ấy cho dăm ngàn, bắt đầu có tiền gửi về cho ông bà nuôi cháu. Thôi thì nhắm mắt đưa chân vào cái cảnh già nhân ngãi non vợ chồng vậy, chứ tính ra sao bây giờ.
Chớm đông năm ngoái, chúng em đánh hàng áo giả da. Cú đầu ăn lắm. Anh vay nóng hơn trăm ngàn đánh quả quyết định, ai dè hàng Tàu ập về đột ngột. Nó nhái y sì kiểu dáng, mà giá lại bèo vô cùng! Mấy chục ngàn chiếc áo phải bán đổ bán tháo như cho. Lỗ chỏng vó ba bốn công-tơ-nơ. Mà lại chính người Việt mình chỉ điểm, mách nước, cung cấp mẫu hàng cho bọn họ phá tụi em mới đau chứ!
Không còn tiền trả người cho vay, sợ bị trừng phạt theo luật giang hồ, anh bỏ trốn sang Nga. Đúng vào khi khốn khó vậy, anh ấy lăn ra ốm.
Thì ra trong cảnh lang thang, nước trong nước ngoài, ăn chung ở chạ bao năm, anh ấy nhiễm HIV từ lâu mà không biết. Sang Nga trốn nợ, khi bệnh AIDS vào giai đoạn cuối, phát nhanh ghê gớm. Tiền nong nợ nần không thể trả được, không có cơ hội làm lại, vừa tiếc của, vừa bị bệnh nan y, anh ấy tự sát. Trước khi chết, anh ấy gửi thư cho em, khuyên em nên đi khám bệnh.
Nghe tin ấy, em rụng rời và đi xét nghiệm. Khủng khiếp quá, cái cảm giác khi cầm giấy xét nghiệm dương tính chị ạ. Anh ấy thân một mình, em đây còn một đứa con ở Việt Nam, Em chán đời quá! Cũng không đóng tiền bảo hiểm nên chẳng dám đi chữa bệnh. Sợ nhất là tâm lí, lộ ra bị AIDS, em sẽ bị cả cộng đồng dè bỉu, khinh bỉ, ghê tởm. Cứ lang thang… Em uống rượu, hút thuốc và đi ăn cắp trong các siêu thị. Em nghĩ, em chết thôi, trước sau chết thôi! Cố kiếm lấy dăm ngàn gửi về đỡ cho ông bà nuôi con em, rồi chết! Bây giờ thân một mình, một thúng xôi, bán mỗi ngày, lờ lãi hai ba chục đô! Con em còn kia, em chết bỏ lại gánh nặng cho ông bà. Ăn cắp là cách nhanh nhất để có tiền! Hai ba tháng trôi dạt, nhìn vào ga bến bãi… nơi nơi mới thấy, lắm kẻ ăn cắp lắm! Mỗi đứa một kiểu ăn cắp. Đâu chẳng vậy! Em và bọn móc túi ở các nhà ga chỉ là bọn cắp vặt thôi! Cắp vặt thì dặt dẹo qua ngày! Kẻ cắp lớn, cướp nhà băng, cướp lớn mới có tiền, mà em thì thân cô thế cô, sao có tiền nhanh hơn cái chết đang vùn vụt tới, biết rõ nó đến trong từng tích tắc.
Hai ba tháng kham khổ, chiu lủi, có bữa ngủ chung ngủ chạ với bọn ngẫn bản địa suốt ngày say sỉn, người em bạt đi, khô quắt như cây muồng muồng héo. Một lần, vừa lấy được vài thỏi son, dăm típ kem chống nhăn cao cấp đút vào túi, vào cả áo trong, thì bị phát hiện. Nhân viên cửa hàng túm em ở bên ngoài quầy trả tiền. Em dứt được ra, bỏ chạy. Đường phố khi ấy dòng người cuồn cuộn cuốn. Em lẫn vào họ. Cứ chạy, chạy đến khi mệt quá, dừng lại một góc khuất, nơi lên xuống S Bahn, rồi ngã lăn ra. Cũng không biết em chết giấc bao lâu. Có ai đó lay em dậy. Mở mắt ra thấy anh Hùng ngồi trước em rồi.
Tỉnh dậy. Nhìn thấy lơ mơ khuôn mặt anh Hùng, thoáng nghĩ: làm quái gì mà nhìn tao như vậy? Chó! Lại một thằng chó. Đấy là khi người ta mơ mơ màng màng, không còn biết gì, quên phắt khi ấy mình đã thân tàn ma dại. Tại sao lại nhớ đôi mắt chó? Hồi bên Ba Lan bán xôi, da dẻ còn mỡ lắm, cúi xuống đơm xôi, thể nào cũng có thằng nhìn trộm qua cổ áo. Có thằng đểu còn thả tiền vào đấy rồi hô hố cười. Về sau, anh Hùng kể, đôi mắt em bấy giờ nhìn anh cô hồn. Cũng chỉ cô hồn có vài giây thôi, vì em sực nhớ ra, vừa chạy cảnh sát, đầu còn ong ong… Khốn nạn! Khi người ta ý thức rõ cái sự tàn lụi của chính mình, trước một kẻ khác giới, trong hoàn cảnh như em bấy giờ, thì thực thảm hại, ê chề quá. Quê em, người ta có câu: Đẻ con khôn mắt 1, rười rượi/Đẻ con dại thảm hại cái 1. Giá mà có mẹ em ở đó, phải chứng kiến cái cảnh em đi ăn cắp, chạy trốn để ngồi trước một người đàn ông Việt, trong dạng thảm hại như vậy, chắc bà sẽ chửi cho đúng câu như vậy!
Rõ ràng, trước mặt em không phải là chó. Đôi mắt người ta nhìn mình như thăm hỏi, muốn chia sẻ, giúp đỡ, không để cáng, ấy là đôi mắt đàn ông. Thế là em oà khóc. Khóc thật sự và có lẽ đến chục phút, anh ấy để mặc em khóc chán khóc chê. “Rồi, khóc đủ chưa? Đứng dậy theo anh!” Anh Hùng nói vậy mà em cứ như bị thôi miên, đứng lên, theo chân anh vào một tiệm cà-phê dưới tầng hầm nhà ga. Tại quán cà-phê đó, em kể cho anh Hùng nghe hết mọi việc. Hoá ra ânh ấy cũng biết em từ ngày còn cặp bồ, đánh hàng xuyên biên giới. Nhìn thân hình tiều tuỵ của em, nghe chuyện em kể, đôi mắt anh ấy dân dấn như chực khóc. Mãi sau này, thân nhau rồi, có bận em trêu: “Mặt mũi đàn ông, phong trần, tưởng anh hùng lắm, thế mà cũng hèn!” Anh ấy cười, nom thật hiền khô và bảo: “Anh thế đấy! Cô thử bảo ai cầm dao, gí súng doạ anh, xem anh có hèn không.” Đàn ông ấy mà, khổ đau nhiều, oan trái lắm, mà có biết khóc được, thì dù mặt mũi có ghê gớm đến đâu cũng chỉ là cái vỏ che chắn cho một trái tim dễ vỡ mà thôi!
Thế là anh ấy lái ô-tô đưa em về nhà.
Hôm sau anh Hùng đưa em đi trình diện tổ chức phòng chống AISD của thành phố. Đầu tiên em cũng ngại quá, vì ngượng vô cùng. Nhưng anh dỗ dành và nói: “Cô dở hơi bỏ mẹ! Cái thằng tiếp cô, giảng giải cho tụi mình, nom lịch sự thế, com-lê, cà-vạt, cổ cao áo trắng cũng dính si-đa đấy. Người ta, những người hiểu biết ấy mà, chẳng ai khinh bỉ cô đâu!” Lại bảo:
– Cô muốn chết thì chết quách đi như con chó ghẻ đi hoang, biết đâm đầu vào xe hoả tự tử, là rảnh nợ mình cô, nhưng còn ai nuôi cô nữa?
Ai nuôi con mình nữa? Câu hỏi ấy làm em trằn trọc mấy đêm. Anh ấy nói đúng. Hoá ra trên đời này, chết có khi dễ hơn khi phải sống để dũng cảm vượt qua mọi khó khăn vì người khác, vì con mình, vì cha mẹ mình. Trả lời được câu hỏi ấy, tự nhiên em bớt ngượng. Em điện về, kể rõ sự việc với mẹ em. May quá, cháu nó đi khám, âm tính. Từ đó em ở lại với anh Hùng. Thời gian trôi đi, em dần hồi người, có da có thịt, dần bình tĩnh lại. Em nghe lời anh thường xuyên tới phòng chữa trị. Nhưng điều đáng mừng nhất là em bỏ đi cái mặc cảm: mình là của nợ của thiên hạ. Anh Hùng giấu kín việc em bị bệnh. Anh bảo ban em buôn bán, nhiều việc trong cách bán hoa. Công việc bán hoa cũng khá vất vả. Anh Hùng đi lại khó khăn, tập tễnh cái chân gỗ mà vẫn phải tuần hai lần đi mua hoa. Dậy rõ sớm, lạnh mấy cũng đi từ ba giờ để chọn được hoa tươi. Thương anh, em nói ra miệng. Nghe xong anh bảo, cô thương anh, tập lái xe đi. Vận động nhiều, buồn chỉ đủ buồn thôi, chắc còn sống dai hơn cả anh. Biết mèo nào cắn mỉu nào?
Không chỉ cơm nước, giặt giũ, chợ búa… em học cách giữ hoa tươi lâu. Bán hoa thì việc bó hoa là khó nhất. Làm sao cho nó lạ, nó đẹp, đúng cái nhìn, ý thích của người châu Âu. Được vài ngày, thấy em tập bó hoá, anh ấy cấm, vì khi người ta bó hoa, hay bị gai nhọn đâm vào gây chảy máu. Phát hiện ra điều đó, anh Hùng không để em bán hoa nữa mà chuyển sang bán quầy báo và đồ lưu niệm. Anh bảo, em đỡ anh là tốt, nhưng nên đề phòng lây nhiễm cho khách hàng. Con người ta lương thiện, văn minh là ở chỗ, làm bất kì cái gì cũng đừng để người khách ảnh hưởng, thiệt hại… Anh ấy rất nghiêm khắc, hàng tối bắt em học tiếng Hung. Anh ấy luôn động viên em và một hôm nói, anh rồi cũng chết thôi, để lại cửa hàng này cho em kiếm tiền nuôi con. Hình như anh ấy linh tính điều gì đó đang tới, hay anh ấy biết điều gì đó bất ổn mà giấu em. Một tối tự nhiên anh ấy kể chuyện cho em nghe cuộc đời anh.
Hoá ra anh ấy cũng có cuộc sống ê chề quá, gian khổ quá. Anh ấy kể cho em nghe về vợ cũ của anh, về chị và những dằn vặt đau đớn của anh bao nhiêu năm qua. Em chỉ biết nghe! Thương anh, nhưng chỉ dám ngồi im lặng nghe.
Thực tâm mà nói, em yêu anh ấy, yêu lắm! Bởi anh Hùng thật sự là một người đàn ông. Em nghĩ, ngoài cha mẹ em ra trên cõi đời này, chẳng ai đối xử tốt với em như anh ấy. Nhưng em biết, anh ấy không yêu em! Anh ấy chỉ yêu chị thôi! Anh ấy thuộc từng cử chỉ, điệu bộ của chị, nhớ cả cái lọn tóc đen thấm lại ánh ánh nâu, hai cuộn búp thường xoã trên bờ vai chị… Em thề, em chưa thấy có người đàn ông nào yêu như vậy! Si mê quá, cuồng say quá! Tự dung, em lại thấy ghét chị. Ghét sự thực. Mà không phải chỉ ghét. Em căm thù chị! Căm thù một cách cay đắng. Dù chưa gặp chị bao giờ. Em xấu xa quá, phải không? Biết làm sao? Tâm địa đàn bà… Rồi một tối khác, em làm chả xương sông, Tuyết rơi mù mịt ngoài cửa sổ. Hai anh em chuốc rượu nhau. Anh Hùng uống hơi quá chén. Rồi anh ấy khóc. Trời ơi, anh ấy khóc.
– Anh không tốt đẹp tử tế như em nghĩ đâu!
Anh là một thằng khốn nạn! Đúng là một thằng khốn nạn! Nhưng mà, cô ấy đẹp quá. Đẹp dã mãn! Đẹp không thể chịu nổi. Giá như anh là một khúc gỗ mục? Ừ, giá như anh là một khúc gỗ mục thì hay biết bao nhiêu, vì như thế, anh đã trở thành một kẻ tử tế và, biết đâu cô ấy sẽ yêu anh. Nhưng không! – Anh ấy lắc đầu buồn bã – Anh lại là một con người. Một thằng đàn ông hoàn toàn khoẻ khoắn và lành mạnh. Khốn nạn!
Anh lại khóc. Đập đầu vào tường mà khóc. Anh ấy không say rượu đâu. Không say!
– Em biết không? Đàn bà đẹp dễ sợ. Nhưng có người đẹp, làm cho người ta muốn yêu. Yêu đến lú lẫn, để người ta muốn chiếm đoạt, muốn hiếp. Cô ấy là như thế đấy. Và anh đã biến thành súc vật. Cô ấy không bao giờ tha thứ cho anh cả. Trời đất ơi!
Bao năm tháng rồi, anh ấy luôn bị giày vò, ân hận về những gĩ đã gây nên cho chị. Anh ấy luôn nghĩ tới con, tới chị. Và, mỗi khi nhắc đến chị, anh ấy lại bảo, chẳng bao giờ cô ấy tha thứ cho mình! Chị ơi, có lẽ, ở một con người qua bao nhiêu phong trần như anh ấy. Cũng chính sự thanh cao cho anh ấy còn biết tin và hy vọng, chờ đợi! Em biết anh ấy mà. Không còn sự đau đớn nào hơn thế! Tuần gần đây, khi đã rất yếu, sắp mất, anh ấy vẫn hy vọng, vẫn tin chị sẽ tới, Thanh Vân sẽ tới. Cứ nhắc đến việc chị và con của anh ấy sẽ tới là anh ấy tỏ ra muốn sống lắm. Kì lạ thật!
Như vậy là rõ rồi! Quyên yên lặng đứng dậy bước ra ban công, để mình Minh ngồi lại an ủi Huệ. Gió lạnh ngoài ban công quất vào mặt giúp cô đỡ chấn động, bởi nếu còn ngồi bên Huệ, suýt nữa cô oà khóc. Trong màn trời đêm thăm thẳm, cô tưởng thấy khuôn mặt của Hùng, lúc anh ấy quỳ xuống, ôm lấy cô, áp tai vào bụng cô, trên cái thảm lá xơ xác vàng khô của mùa đông năm ấy. Cô nhớ, khi anh áp tai vào nghe tiếng tim của con anh, khuôn mặt đàn ông phong trần chợt trở nên thơ dại như đứa trẻ, đáng thương làm sao. Cái phần tử tế và tốt đẹp nhất của anh chưa khi nào bị thui chột, dù số phận có lúc đẩy anh tới tận chân tường.