CHƯƠNG 17

     ăm ngày sau đám tang của Hùng, Budapest bừng nắng. Buổi trưa, không một gợn mây, trời rõ nắng là nắng. Nắng vàng ươm, trời ấm lên rõ rệt. Người ta cứ ngỡ như mùa thu bất ngờ quay trở lại.
Để giết thời gian chờ đợi, mong ai nấy bớt đi u buồn, Huệ đưa Quyên và Thanh Vân đi thăm vài nơi trong thành phố. Tới cây cầu Margaret Bridge, họ đi bộ từ phố Dozsa Guoerge u’t xuống phố Korepesi u’t. Tại một ngã ba, Huệ dừng lại khá lâu. Nom cô ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Dường như cô đang muốn tìm lại điều gì ở nơi đó. Lát sau cô ngậm ngùi bảo, chính chỗ này đây, anh Hùng dắt tay em qua đường, tới bãi để ô tô. Đó là ngày đầu tiên em về nhà anh ấy. Quyên nhớ ra, từ lúc ra khỏi nhà đi chơi, đi đâu Huệ cũng bảo, em và anh Hùng từng đi qua đây. Có một thời gian không dài sống với Hùng mà cô ấy đã có bao nhiêu kỉ niệm!
Người ta, khi thương yêu nhau, sao tâm trạng giống nhau vậy! Anh Hùng từng đã dẫn Quyên đi một vòng, dạo chơi trong đường rừng quanh ngôi nhà gỗ, đạp chân trên cái thảm lá vàng ươm, quanh co nơi biên giới… Nhớ về buổi chiều dạo chơi cuối cùng, duy nhất ấy, Quyên hiểu, anh mong cô có giây phút thảnh thơi, tươi đẹp, để một chút thôi nhớ về anh. Quyên đoán vậy, bởi buổi tối trước, Hùng có nói, người ta muốn nhớ thương nơi đâu, cái gì, vùng đất nào, con người nào, phải có kỉ niệm! Hôm nay đây, Huệ nhớ kĩ từng dấu chân của Hùng nơi thành phố diễm lệ này. Tình yêu mấy khi bằng phẳng, có bao nhiêu dòng chẽ như ngã ba sông kia? Tất cả đã xa rồi! Trên cây cầu Margaret, Quyên lặng lẽ, đăm đăm nhìn xuống dòng sông trôi, âm thầm suy cảm.
Thương thực lòng, anh Hùng ơi! Mọi cái gì thuộc về vật chất đều có thể huỷ diệt, trôi theo thời gian, chẳng thể quay lại. Nhưng có lẽ, nỗi nhớ về nhau, về những điều tử tế và tốt đẹp, em chẳng khi nào quên anh đâu! Cũng như hôm nay, chỉ một dấu chân vô hình nho nhỏ, với Huệ lại có sức sống kì lạ làm sao?
Cũng trên cây cầu có thể nhìn thấy ngã ba con sông chảy qua Budapest, Quyên giật mình khi chợt nhìn thấy một người Phi nom giống Kumar đi qua nơi họ ngồi. Cô thì thầm nói với Thanh Vân “Con không nhớ Papa à?“
– Con nhớ chứ. Trong đầu con đây này! – Điệu bộ Thanh Vân như người lớn, nó lắc lư, nhún nhảy và chỉ vào đầu, rồi nhoẻn miệng cười.
– Bao giờ Papa tới hả mami? – Nó hỏi.
Quyên im lặng. Thanh Vân nũng nịu:
– Mami! Mami nói đi! Papa bây giờ ở đâu?
Quyên ngồi xuống, vuốt tóc nó, ôm con vào lòng. Gió trên cây cầu thổi mơn man thoa trên làn má Quyên. Khi hai mẹ con đứng lên, vịn vào thanh ngang trên cầu cùng nhìn ra xa xa, tà áo man-to dài đến chân của cô và con bay chấp chới. Cảnh trí ấy, nhìn từ xa, bóng nọ hằn lên trời xanh, nom sinh động, tựa như một tượng đài Mẹ con bên nhau. Không hiểu sao khi ấy, cô lại nói đùa với Thanh Vân:
– Papa Kumar của con đang ở trên trời!
Giờ này, không biết anh ấy có nhớ tới mình không? Anh ấy sẽ nhớ tới mình! – Quyên tin chắc chắn như vậy. – Không biết anh ấy và mẹ anh nói chuyện tới đâu rồi?
Quyên lục túc lấy điện thoại, bấm số. Trời đất ơi, máy của cô là loại trả tiền trước, tài khoản đã hết sạch tiền lúc nào mà cô chẳng để ý. “Không ở Đức, sao cô có thể tìm chỗ nào để nạp tiền được?” Quyên nhìn màn hình, những chục cú phôn Kumar gọi nhỡ. “Thôi, để về nước sẽ gọi cho anh ấy. Chắc giờ đây, Kumar đã đọc thư và anh ấy sẽ hiểu, thông cảm cho mẹ con cô cả thôi.” Quyên tin là như vậy! Tâm trạng ấy của Quyên cũng dễ hiểu. Cô nửa muốn gọi cho Kumar khi thực sự nhớ anh, lại nửa không muốn gọi khi đinh ninh rằng, cạnh Kumar khi đó còn có người mẹ của anh. Quyên không hề biết, Kumar của cô đã được sự đồng ý của mẹ anh đi tìm hai mẹ con cô. Quyên tắt nguồn điện máy điện thoại, thả nó vào túi sách.
Thật buồn cho mẹ con Quyên, khi họ chẳng hề biết: ngay hôm sau, khi cô và con cùng Minh chuẩn bị lên máy bay về quê hương thì Kumar của cô đang trên chuyến tầu nhanh tiến dần vào nhà ga Budapest.

*

Thật ra, thoạt đầu Quyên không muốn báo cho ai ở Việt Nam biết việc cô trở về. Cô ra đi với chồng, có biết bao sự việc phức tạp đã xảy ra sau đó, nay trở về, có thời gian đâu mà thanh minh! Nhất là cô sợ mẹ lại thổn thức mất ngủ. Nhưng còn lọ tro của Hùng sẽ giải quyết ra sao? Tục lệ ở Việt Nam, cô và Minh biết rõ, không ai cho phép mang lọ tro của một người như Hùng về nhà. Cô và Minh cũng cố gắng “hết nước hết cái” truy tìm ở tất cả các giấy tờ, vẫn không thể biết chính xác địa chỉ, quê quán Hùng ở đâu. Trên tất cả các loại hồ sơ, giấy tờ của Hùng để lại, chỉ thấy ghi vài dòng chung chung: Nguyễn Văn Hùng. Nơi sinh Thái Bình. Thái Bình thì có hàng vạn người tha hương, bạt xứ, biết tìm nơi chôn nhau cắt rốn chính xác của anh ở đâu!? Hoá ra, bao nhiêu năm nay, Hùng là người không một địa chỉ cụ thể. Cũng nghe Minh nói, từ ngày cha mẹ Hùng mất, vợ chồng bỏ nhau, Hùng chẳng liên lạc với bất kì ai trong nước. Anh là một kẻ không xuất xứ, một loại người vô tăm tích, ngoài cái quốc tịch Việt Nam!
Vậy có thể an táng Hùng tại đâu? Người thì bảo, gọi điện về cho ai đó quen biết, tìm mối manh mà chôn ở khu Bất Bạt hay Thanh Tước. Kẻ thì bảo, mua một khoảnh nào đó tại Thái Bình. Ô kìa, sao đơn giản thế? Ai sẽ hương khói hàng năm cho anh ấy yên nằm, ấm áp? Hay lại như bao nấm mồ hoang lạnh và nay mai sẽ lại mất hút, lại là đống đất vô tăm tích? Quyên nghĩ nát cả óc. Trong đêm, Quyệt chợt nhớ tới cái mảnh vườn của bà nội để lại. Khoảnh địa táng ở góc vườn quy tập mồ mả ông bà và cha Quyên ở đó. Quyên nhỏm dậy nhìn sang bên cạnh. Thanh Vân đang ngủ, miệng nó như hé cười. Quyên thấy nó có nét vừa giống Hùng ở khuôn mặt thanh thanh, cái mũi cao và thẳng, lại giống mẹ cô ở cái miệng luôn tươi. Môi nó mọng và đầy đặn, chứ không như cái miệng nhỏ khem khép của Hùng.
Sớm sau, Quyên gọi điện về nhà, trình bày với mẹ tất cả vướng mắc đang làm cho cô không có phương cách giải quyết, khi mẹ con cô muốn về thăm bà: “Con có mang theo tro cốt của bố Thanh Vân mẹ à! Anh ấy tên Hùng. Con biết, tục lệ ở ta không cho mang anh ấy vào nhà. Chúng con không thể để anh ấy ở lại đây. Càng không muốn an táng anh ấy ở tận đẩu tận đâu, không ai thân thích. Mẹ xem có giúp tụi con an táng ở đâu cho Thanh Vân sau này khi tới thăm bố, nó không tủi hờn…” Bên kia, mẹ cô im lặng nghe. Có lúc Quyên suýt oà khóc, khi phải nhớ lại, suy tính, chắp mối từng sự kiện, để kể cho mẹ. Tất nhiên cô giấu kín những việc tày trời Hùng đã gây ra cho cô ở khu rừng biên giới. Giải thích việc có con, cô chỉ nói vẻn vẹn, con bị kẹt ở biên giới gần một năm và đã nhờ cậy anh Hùng. Thế thôi, đó là lần đầu tiên trong đời, cô đã nói dối mẹ.
Thuật xong mọi việc, cô thở hắt ra. Nhẹ cả người! Minh và Huệ ngồi kế bên. Cả hai dường như cùng nín thở.
Mẹ cô im lặng vài giây rồi hẹn:
– Con đợi mẹ một hai ngày nữa, mẹ sẽ tìm cách giúp con!
Chỉ có câu trả lời ngắn thế thôi, mà sau khi Quyên buông máy điện thoại, ba kẻ tha hương ôm chầm lấy nhau. Thanh Vân vừa ở ngoài đường về. Nó chẳng hiểu, mẹ và hai người kia vì sao vừa buồn chưa dứt, nay lại hơn hớn thế kia? Người lớn đôi khi cũng thật trẻ ranh. Họ khác quái gì tụi bạn nó ở trường, hơi một tí thì đập tay chan chát vào nhau, hoặc là ôm chầm lấy nhau thành một khối.
Một ngày trôi qua, rồi một ngày nữa, trong đợi chờ câu trả lời của mẹ, Quyên vô cùng căng thẳng, hồi hộp.
Mẹ có hiểu rõ lời đề nghị của cô không? Với lại, còn họ hàng của cô nữa, liệu mọi người sẽ phản ứng ra sao với việc cô trở về, lại mang theo một lọ tro cốt? Cô và Minh đều biết rằng, giải quyết cho ổn thoả việc an táng Hùng, là cả một vấn đề chẳng hề giản đơn. Nhưng cô vẫn tin, mẹ cô là người luôn tất cả vì cô, luôn che chở cho cô. Bà vẫn thường nói vì con ngon rau là gì. Nhất định mẹ sẽ giúp mình! Quyên hy vọng và tin điều tốt lành sẽ tới với Hùng, với cô, cho cả Huệ và Minh. “Cầu trời cầu Phật! Mẹ ơi, mẹ giúp con nhé!” Đã bao lần trong đêm, cô hướng về phía phương Nam. lẩm nhẩm cầu nguyện như vậy.
Hai ngày chờ đợi căng thẳng với bao nhiêu thấp thỏm rồi cũng qua đi. Quyên hồi hộp nghe tiếng mẹ nói rành rọt qua điện thoại:
– Mẹ đã bàn, thuyết phục được mọi người trong gia đình rồi. Con cứ đưa nó về Việt Nam. Trước kia, mảnh đất ấy, khoảnh địa tàng nhà ta chỉ dành cho người trong gia đình. Nhưng trường hợp các con như vậy, chẳng nhữ lại để bố của Thanh Vân mãi ở lại nơi đất khách… Thôi, cả họ ta đều đồng thuận, coi Hùng như con cái nhà lang bạt và bất hạnh. Làm phúc, không phải tội con ạ!
Quyên lặng người bên máy sau cuộc điện thoại với mẹ. Cô ngồi thần ra một lúc, rồi chạy đi tìm Minh, kể lại cho cậu ta nghe rõ ngọn ngành cuộc nói chuyện qua điện thoại với mẹ cô. Minh cũng bàng hoàng khi nghe Quyên thuật lại mọi việc.
Thế là rõ cả rồi! “Cuối cùng vẫn là mẹ. Mẹ Quyên dang tay đón bình tro của Hùng.” Minh thầm nghĩ.
Ba ngày sau, Minh lấy được vé về Việt Nam. Anh hớn hở cầm vé của hai mẹ con Quyên chạy nhanh về nhà Huệ. Quyên nhận hai chiếc vé máy bay trong tay, thẫn thờ tới vài giây. Thế là sắp được về với mẹ! Cô chẳng ngờ, chuyến đi của cô sang Hung, đỉnh chỉ thăm Hùng vài bữa, lại ngoặt sang một khúc quanh, để trở về quê hương nhanh thế này. Quyên buộc miệng hỏi:
– Bay về Việt Nam hết mấy tiếng?
– Mười bốn tiếng.
Mười bốn tiếng! – Quyên nhẩm tính – Ngày cô đi Nga, máy bay bay hết mười hai tiếng. Từ Nga sang Đức, quãng đường chỉ còn một phần năm, mà cô phải đi hết gần hai tháng. Bây giờ trở về, tất cả quãng đường dài ấy, chỉ bay vẻn vẹn hết mười bốn giờ. Trái đất vẫn như vậy, nào có to lên hay nhỏ đi đâu? Chỉ khác là, càng ngày, bằng với nhiều loại phương tiện hiện đại, người ta có thể vượt qua biên giới của nhiều nước trong một giờ, thậm chí vài khắc. Thế mà giờ đây, ở đâu cũng vậy, anh bạn Minh kia chẳng biết, đâu là nơi bình an cho riêng anh. Chuyến về này, cô sẽ có cảm giác ra sao? Liệu Hà Nội của cô có lạ lẫm với chính cô không? Liệu cô có bị sang chấn tâm lí, để rơi vào tâm trạng như Minh, thấy ở đâu cũng lạc loài không? Hay bởi con người ta, trót đi rồi cứ phải đi mãi, đã lạc loài một lần rồi, sẽ trở thành lạc loài tới chết và một ngày nào đó lại trở về như Hùng, trong chiếc bình gốm kia? Tại sao? Tại sao? Quyên bỗng nhiên thấy buồn vô tận. Ơ kìa, Quyên, mi phải vui lên chứ, sắp trở về gặp mẹ rồi cơ mà! Quyên tự nhủ. Bất giác cô quay sang ôm chặt lấy Thanh Vân.