Hoàng tới New York vào đầu mùa hạ. Cha mẹ cậu tới Mỹ với nhiệm kì công tác của họ nhiều năm nên họ quyết định mang theo cậu, tất nhiên là tốn kém và cậu bé không thể quen ngay được với đất nước mới toanh này. Thật đến là vô cùng lạ với thành phố New York, bởi ngay tuần đầu tại nơi ở mới cậu đã kiếm được tới ba mươi nhăm con tem có chữ New in trên hình những đứa trẻ ba màu da khác nhau khuôn mặt rất thân thiện.
Việc học tập tất nhiên có khó khăn một chút, nhất là năm đầu tiên để tập nói và viết, nhưng rồi sẽ đâu vào đấy, như lời bà Robeca giáo viên đã nói với mẹ cậu. Nếu ai hỏi rằng, cậu có thích thú tới Mỹ không, cậu sẽ ngay tắp lự trả lời: “Thích chứ”. Còn gì sung sướng hơn là được ở với cha mẹ cậu, hàng ngày không phải lo lắng vì bất cứ điều gì, ví như đi học, ở đây đúng là một trò giải trí. Việc ăn uống như ở Việt Nam là chán nhất, bởi vì sống với bà nội được chiều nên cậu lười cả khi ăn. Khi cậu được mẹ phân công giúp bà thu dọn bát đĩa, cậu thấy thà đi làm việc nào đó nặng nhọc hơn, như chẻ củi giúp bà chẳng hạn. Còn ở đây, cậu chỉ có trách nhiệm ăn đồ trong các bọc nylon hay giấy màu và tống vỏ vào thùng rác.
Tất cả đều hài lòng! Việc không hài lòng Hoàng phảí giấu nhẹm đi, ví dụ không hề có lắm bạn như hồi ở Việt Nam, lại nữa, phải học tụt xuống hai lớp. Đôi khi cũng chợt nhớ một bầu trời mênh mông và cánh đồng xanh luôn rì rào gió thổi. Một thoáng nào đó thôi, đấy là thời cậu ở với bà ở ngoại thành Hà Nội. Bố mẹ thường xuyên đi nước ngoài, ông thì mất lâu rồi. Cậu chỉ còn biết ông qua tấm ảnh thờ. Ông là liệt sĩ. Bà thường hay kể về ông rằng, ông hi sinh ở chiến trường và chưa tìm thấy hài cốt. Những tấm huân chương của ông để lại và khuôn mặt với nụ cười của ông rất hiền. Nó thích hơn là, khi bà kể về những con vật nơi quê hương. Những con vật trong các câu chuyện cổ tích và cả những con vật hoang dại nhỏ bé có mặt khắp trên cánh đồng mà bà lại rất tường tận và nó cũng thường cùng bọn trẻ trong xóm hay săn đuổi.
Chính đó trở thành lợi thế của Hoàng, khi cậu nói với một thằng bạn mới quen để khoe, có chuyện mà kể về nơi cậu từng sống, một xứ sở tất nhiên là xa lạ với đứa bạn ở nước Mỹ. Thật là chán khi ai đó chả có cái gì mà kể. Đúng là, không nên để ai coi thường mình, cha cậu dặn vậy, dẫu chưa có ai coi thường cậu ra mặt, nhưng khi cậu như con chim chích bay trong thành phố sôi động này thì nên thận trọng là hơn. New York, đúng là một thành phố vĩ đại, nhưng không nên nghĩ nó quan trọng quá, hơn cái bản quán gốc gác mà chính cậu tự biết là nghèo lắm. Đó là tâm trạng hiện tại của cậu.
Mãi tới gần nửa năm đầu tiên ở Mỹ học lại từ lớp năm, cậu mới phát hiện ra cùng khu nhà có thằng Jazc khi trên một đường đi học về. Chúng làm quen với nhau lúc cùng bước vào cầu thang máy. Cậu chuyện quen biết giản đơn, nên bè nên bạn, khi Jazc đã giúp nó rất tự nhiên, nhặt hộ nó chồng sách vở đổ tung ra, lại khuân hộ tới tận cửa. Không ai hiểu vì sao, khi Hoàng nhấc lên chồng sách nặng bước vào thang máy đã xổ ra tung trên sàn cầu thang bữa ấy.
Jazc năm nay 11 tuổi, ở tít trên tầng lầu 52. “Trên đó rất nhiều gió. Mày có lên đấy với tao không?” Chúng rủ nhau như vậy vào chiều thứ sáu tuần đầu của mùa hè năm nay. “Tất nhiên. Thế mày không sợ cha mẹ mắng à?”. “Không.” Jazc nói. Cha mẹ tao đi cả ngày. Nhà chỉ có tao. Ba giờ kém hai phút thì có thằng Vandam. Vandam là ai? Nó là em tao. Mày có biết tại sao nó tên là Vandam không? Không à? Vandam chính là tên tao đặt cho nó đấy. Vandam vô địch! Thằng Jazc dơ nắm tay dứ dứ vào không khí. Thì ra nó rất mê gã Vandam. “Thế mày đến từ đâu?" “Việt Nam” Nguyễn bảo. “Việt Nam, nó ở đâu?” Jazc nhăn mặt ra vẻ suy nghĩ như cha nó vẫn làm. “Xa lắm!” Nguyễn cũng chỉ biết trả lời vậy. Cậu khoát tay chỉ về một phía mà bản thân cũng chả hiểu nổi là có thể đi từ phía ấy để tới Việt Nam. Câu chuyện chỉ tới vậy, bởi cửa thang máy tầng số 17 đã mở để Jazc đi tiếp. Lúc cửa thang máy sập lại, cậu kịp nhìn thấy thằng Jazc còn cười rất tươi và tiếng chào của đứa bạn cùng nhà mới quen kịp vọt ra: Bye! Bye!
Chúng gặp nhau liên tục vào các bữa ăn trưa sau đó. Đấy là căng tin, sân sau của trường học. Hoàng nhận ra Jazc là đứa mau miệng và rất hay hỏi: Có cần giúp gì không? Thằng bạn Mỹ kéo ghế ngồi cạnh Hoàng chủ động, Hoàng tỏ ra lịch sự hơn khi múc súp đưa lên miệng. Cậu cảm thấy nên cẩn thận vì mẹ đã dặn “Ngay tới cả khi ăn, cũng đừng để người ta nhận ra là chúng ta có cách ăn khác vì xuất phát từ kiểu đánh chén khác.” Tiếng thìa chạm nhẹ vào đĩa súp. Thằng Hoàng hơi xấu hổ, ngước mắt nhìn đứa bạn Mỹ. Thế nào? Có chuyện gì mới không? Jazc lên tiếng thực ra, Hoàng chỉ thấp hơn nó thôi chứ tự cảm thấy nó hơn hẳn Jazc bắt đầu từ buổi hôm nay về độ khôn nhậy của một kẻ biết là thằng bạn mình tuy học cùng hệ lớp năm nhưng kém tuổi mình. “Tao muốn nói với mày là thành phố này rộng lớn như vậy nhưng chúng.mày không hề có thú vật như ở quê tao”. “Thế à?” Jazc thực sự tỏ ra muốn nghe chuyện. “Ừ! Mày có biết con cuốc không?” Hoàng bắt đầu và đẩy cái đĩa kem ra khỏi cái khay: “Mày ăn đi, tao không muốn ăn cái của nợ này, cái này cho bé bi.” “Mày nói gì!” Jazc hỏi: “Con gì cơ? Sao mà thành phố lại có thể có thú vật? Không xạo đấy chứ?” Thằng Jazc nhận đĩa kem của Hoàng. Nó vẫn thích món tráng miệng bằng chuối tiêu rán tưới kem hơn, nếu phải trả tiền. Nhưng tội gì, đây tuy không có chuối tiêu rán nhưng là của biếu. Trong khi đó Hoàng trợn mắt, giải thích: “Không phải đi đâu cả, ở ngay cạnh nhà tao, bên nhà là cánh đồng. Người ta trồng lúa, gạo. Mày biết không?” Thằng Jazc lắc đầu. Lúa gạo thì nó biết cũng chỉ trên phim ảnh, nước Mỹ trồng lúa gạo nhiều như lúa mì, nhưng ngay ở thành phố mà trồng lúa gạo thì lạ.- Lại có thú nữa! Nó nghĩ, Hà Nội chắc giống như châu Phi mà nó đã nhìn thấy thế giới động vật trong nhiều thước phim chiếu ở chương trình du lịch. “Mày không hiểu tao rồi! Chỗ tao có những con cuốc than đen chân hồng và sống chung với gà!” “Mày nuôi nó à?” Jazc hỏi. “Không, đó là thứ hoang dã, mày biết không?” Thằng Jazc nhăn mũi “Mày nói gì? Con đó tên là gì?”
Thằng Hoàng không thể nói con cuốc là gì vì thực chất nó không tìm ra cái tên tương đương. Hoàng đáp ngay: “Tất nhiên là thú hoang, không ai nuôi nó cả, nhưng tao vẫn cho nó ăn chung với bầy gà nhà của bà tao.”. “Thế hả, thế là gà hoang. Được rồi. Mày viết tên con vật đó vào đây!” Jazc đưa cho Hoàng quyển vở. Jazc tính, tối nay về bật máy lên ấn một cái, sau khi đề tên, và sẽ in ra cái ảnh con vật có tên là cuốc. Nó đúng là một loại gà hoang mà ở những bìa rừng trảng cỏ trên thảo nguyên không thiếu. Nó cười, Jazc sẽ làm điều đó, để chứng minh cho thằng Hoàng là cái gì cũng không cho ai bịp Jazc cả. Nước Mỹ sẽ có tất và biết hết. “Năm mươi cent nhé, mai tao sẽ cho mày biết thế nào là con cuốc của mày.” “Sao? Cược hả. Ừ!” Thằng Hoàng rướn đôi lông mày lên nó có trong túi những năm đôla, chứ năm mươi cent thì bõ bèn gì. Hoàng vốn là đứa hào phóng từ trong bụng mẹ, tỏ ra phớt tỉnh cái lời thách thức của đứa bạn. “Tao trả cho mày một đô”. Chúng tạm biệt nhau sau bữa ăn trưa ở căng tin nhà trường và vỗ tay vào nhau, hệt như trên phim, khi người ta như đã thân quen nhau từ lâu rồi.
Đúng ra là Hoàng đã hứng lên mà kể như thế chứ nó chưa hề nhìn thấy cuốc. Bởi chính nó chỉ biết về con cuốc thân đen, chân hồng, mỏ đỏ qua bà nó tả. Còn thực tế thì đã rất nhiều lần rình rập trên cánh đồng nhưng nó chưa bao giờ nhìn rõ ràng một chú cuốc. “Khó lắm cháu ạ, nó lủi nhanh lắm!” Bà nó nói thế lại càng làm Hoàng tò mò và bỏ ra mấy buổỉ chiều để rình ở thửa ruộng nước nghe nói có nhiều hang cuốc. Suốt cả tháng chẳng thấy gì cả! Một chiều sẩm, ven con đầm, thấy thoắt cái bóng con chim đen đen lủi nhanh qua những bụi niễng. Nó có cảm giác, đó là con vật nó đang săn tìm. Đuổi qua đám sậy thấy mất hút. Chờ mãi đến tận khi trăng lên, từ mặt đầm hơi sương lờ phờ bồng bềnh trào dâng tựa khói lướt, chỉ nghe tiếng ếch, tiếng giun dế ran ran. Hoàng suýt dậm chân. Và nó giật thót mình. Con vật thoắt vút khỏi đám sậy niễng, chập chờn đập đôi cánh, khi thoáng khi hiện, chơi vơi mất hút trong màn sương. Hoàng về, nó mang cả vào giấc mơ đêm ấy, tiếng đập phần phật cánh bay sắc mầu tía và xám. Đây là con vịt trời, hoặc một con bói cá! Một thằng bạn nó nghe kể đã nói vậy. Nó cãi, rõ là con vật ấy từ đó bay lên và không hề thấy gì nữa. Chả nhẽ con cuốc có thể biến ngay thành con vịt trời nhanh tới vậy?
Một đêm trăng nữa, chợt nghe thấy tiếng kêu lạ cạnh bờ ruộng nước rất gần nhà. Tiếng kêu thon thót giữa đêm thanh vắng. Thủng thoẳng, hoang dại, khắc khoải như tiếng âm hồn trong những câu chuyện của bà: cuốc… cuốc... “Con cuốc bà ơi!” Nó thầm thì. “Đúng nó đấy!” Bà nghiêng tai nghe. Thằng Hoàng lao khỏi bàn học như tên bắn, chạy ra ngoài đồng. Đêm rất lặng và trăng soi vằng vặc, trôi ngang là những áng mây tơ. Nó chạy một hơi trên những bờ cỏ đã ướt đẫm sương: Tiếng kêu bỗng nhiên bặt tắt. Nó suýt phát khóc, vì chỉ thấy những con cào cào ma thi thoảng tanh tách bay ào lên và trăm ngán đốm xanh lẹt, lập lòe trên bờ đầm đen bí hiểm. Nó đã nằm nín thở, bò, căng mắt trong đêm, cố đợi một lát rồi bỗng thấy chờn chợn, chạy thốc tháo về với bà.
Hè nữa, ấy là dịp bố mẹ đi công tác biền biệt ở nước ngoài trở về, nó chợt lại nghe tiếng cuốc khi họ đang thì thào bàn việc tìm kiếm hài cốt của ông nó đã bao năm. Nó không thể ngủ được nghĩ miên man tới câu chuyện cổ tích của bà kể về sự tích con cuốc. Có thật như lời bà, con cuốc chính là linh hồn những người nhớ nước, vì nước tới chết đã hoá thân như chuyện kể của bà nó không? Tại sao có tiếng kêu mà chẳng bao giờ thấy nó? Hay con cuốc trên cánh đồng của nó cũng không có thực, chỉ là những linh hồn mà. Tiếng kêu kia chính là linh hồn con người có thật, còn con cuốc thì hoàn toàn không có. Nếu thế thì đáng sợ quá. Hay là linh hồn ông nó đã biến thành cuốc về kêu trên cánh đồng làng, cho nên bố mẹ và bà đã tốn rất nhiều thời gian mà họ chẳng bao giờ tìm thấy xương cốt của ông nó. Như vậy thì tội cho ông nó quá. Cứ suốt đêm lang thang và kêu mãi...
°

*

Buổi tối hôm đó thằng Jazc chợt nhớ tới Hoàng. Đấy là lúc cha nó, một chuyên gia tin học đang dán mắt vào tivi theo dõi tình hình chiến tranh ở đâu đó. Nó rướn cặp mắt xanh biếc hỏi mẹ: “Việt Nam ở đầu?" Sao con lại hỏi thế?” Mẹ nó giật mình quay lại nhìn Jazc. “Có một thằng Việt Nam mới tới đây. Nó kể về những con cuốc!”. “Nó ở đâu?" Mẹ Jazc đưa cái giấy lau nơi khăn bàn của Jazc vừa rớt xuống mấy giọt sữa. “Nó ở tầng 17.”. “Tầng l7? Con không được chơi với nó nhé!” “Tại sao hả mẹ!” “Không tại sao gì cả. Nói chung, người Châu Á và người Ả Rập là một bọn nguy hiểm.” Thằng bé cúi mặt xuống uống nốt li sữa và tiếp tục đuổi theo ý nghĩ về đứa bạn thấp hơn nó tới năm phân... Trong khi đó, mẹ nó bắt đầu băn khoăn trước câu hỏi của đứa con cưng. Có thực nó là Việt Nam? Bà gặng và lo âu khi Jazc bảo: “Thật?”
Mẹ Jazc cũng chưa khi nào tới Việt Nam, và bà không biết một tí gì về cái xứ sở ấy cả, nhưng những câu chuyện của cha bà về những năm tháng chiến tranh ở đó thực hãi hùng. Bà chợt nhớ tới chiếc chân giả với dáng đi chung chiêng của ông với vết sẹo gồm nhiều bướu thịt phồng lên nơi đầu gối cụt. Bà thấy chúng mỗi lần cha bà tháo chiếc chân giả bằng nhựa ra, gác đùi lên một cái ghế bên cạnh. Chiếc chân giả đó của hãng Đại Bàng, nó giống hệt chân thật, từ mafu da tới sự cử động rất nhẹ nhàng, bởi nó được chế tại nước Mỹ, bằng công nghệ tiên tiến nhất dành cho những sản phẩm thuộc thế kỉ 21.
Chính vì lẽ đó, bà mẹ Jazc khi tắt đèn phòng ngủ của hai đứa trẻ, Vandam và Jazc, vẫn trằn trọc mãi. Bà có cảm giác hình như có điều nguy hiểm mơ hồ từ đâu đang đe doạ con bà, mà chính bà không rõ. Bà vừa nhắm mắt thiu thiu lại choàng tỉnh vì thấy hiện lên một người da vàng, đội. mũ vải và cầm khẩu súng liên thanh bước vào thang máy với con bà. Bà quay lại phía chồng: “Ông có biết ở ngôi nhà này có một gia đình Việt Nam không?” Người chồng nghe tiếng vợ, chợt quay lưng, quay sang trái, nhưng đôi mắt vẫn nhắm tịt: “Em nói gì thế? Việt Nam? Đâu ra? Điều đó anh chưa khi nào nhìn thấy. Đấy là đôi vợ chồng người Nhật chứ. Bọn họ để xe vào hầm ở ngay trước xe nhà ta. Thôi ngủ đi. Ngày mai anh sẽ hỏi đồn cảnh sát.” “Không! Việt Nam mà. Em không an tâm tí nào cả. Họ ở tầng 17, Jazc nó nói vậy.”
Ngày mai không có chuyện cha Jazc tới đồn cảnh sát. Cả nhà đi nghỉ cuối tuần ở trang trại của họ, cách khu nhà gần trăm dặm Anh. Tại đó, thằng Jazc đi câu và ăn bánh mì quệt mứt trên ghế xích đu mà cha nó làm bằng những đoạn bồ đào cứng. Thằng Vandam thì suốt cả ngày trong ngôi nhà gỗ với mẹ nó và chơi những bài trên màn hình trực tuyến cùng thằng bạn ảo. Jazc giật được con cá, cậu lấy thước ra đo và thả nó xuống nước khi thấy chú cá chưa đủ độ lớn quy định. Đúng lúc cậu thả con cá nhỏ xuống nước thì cậu nghe thấy tiếng súng ở cánh rừng bên trái cậu vọng lên.
“Đoành đoành!” Lại hai phát đạn nữa lên tiếng. Jazc bỏ cần câu, chạy về phía ấy. Jazc đứng lại, nó thấy cha từ ven rừng bước ra, đi ủng, ông cầm trên tay hai con chim dính đạn. Jazc chợt hiểu và không biết vì sao nó nhớ tới câu chuyện của Hoàng. Nó chạy nhanh tới bên người cha và hét lên: “Cha làm cái gì thế? Tại sao cha lại bắn chúng?” Thằng Jazc bật ra câu hỏi nghiêm chỉnh. Người cha nhún vai. Chính bản thân ông cũng biết là ông không cần thịt chim đến mức phải nổ súng để hạ sát hai con gà hoang này. Nhưng đó là “một thói quen của một sự vui chơi bị lãng quên mà ngấm vào máu con người vốn từ thời cổ khi con người phải giết thú hoang để lấy thịt.” Đấy là sau đó hơn một tuần bà giáo của Jazc đả giải thích như vậy. “Điều ấy, chỉ có những nhà nhân chủng học mới lí giải nổi, còn hiện tại, người Mỹ thừa thịt mà đa số vẫn thấy cần phải nổ súng để tìm kiếm chiến thắng. Chiến thắng, đó là một khoái cảm đáng lưu ý của thời đại chúng ta, chí ra là cho nước Mỹ giàu có, thừa thãi vật chất”. “Vì ra hai phát đạn giết hai con chim nhỏ thực sự mang lại khoảng khắc khoái cảm về chiến thắng chứ không phải thảm sát để lấy lợi từ hai trăm gam thịt.” Những kiểu lí luận như thế của người lớn rõ ràng là khó chấp nhận với một đứa như Jazc. Nó khó hiểu khi những người lớn có nhiều cách lí giải về một hành vi của họ. “Cũng thế cho nên nước Mỹ của chúng ta có rất nhiều đảng phái”. Bà giáo nói rõ thêm với Jazc nhưng nó thấy mọi lời nói ấy đều chả có ý nghĩa gì với khu rừng và con suối của nó cả. Người ta thích giết nhau, tàn sát tất cả không chỉ bằng súng săn! Sau vụ Tháp đôi, nó đã nghe người ta kháo nhau như vậy...
Họ đi vào nhà, thằng Jazc không muốn câu nữa. Nó chán nản ngồi vào bàn một cách bực bội ra mặt. “Sao thế?” Mẹ nó hỏi. “Cha đã bắn bọn gà hoang mẹ ạ. Không chừng đó chính là con cuốc của thằng Hoàng!” “Con cuốc nào?” Bà mẹ hốt hoảng nghe đứa con nói. “Mẹ nhìn kìa, tay cha có máu.” Thằng Jazc lại nói. Bấy giờ cậu em Vandam mới rời ghế và hốt hoảng níu lấy áo mẹ. Quả thực, trên ống tay áo người cha khi ấy có một vết máu còn tươi lắm.
°

*

Bọn chúng ngồi trên thành lan can của đường tàu điện ngầm ngay sát cổng trường. Jazc móc trong cặp ra tấm ảnh mà Vandam, em nó chụp con chim cha nó bắn hạ trong vỉa rừng. Vandam in từ máy lade của nó theo yêu cầu ông anh. Tấm ảnh rất nét. “Đây có phải là con cuốc của mày không?” Jazc hỏi. Thằng Hoàng ngó vào tấm ảnh. Con vật trong ảnh rất thảm hại, nghẹo đầu, vết máu đỏ rất rõ còn bết trên vòng cườm của nó. “Không. Không phải con cuốc! Trả tao 50 cent đây!” Hoàng cười. Tao đã bảo, lông nó đen, chân hồng và không có vòng cườm ở cổ như con này.
Thằng Jazc móc túi lấy ra đồng xu, sòng phẳng dúi vào tay Hoàng. “Tao nhất quyết đòi lại trong một dịp gần đây.” Nó nói với Hoàng. “Mày sẽ hối hận đấy!” Nước Mỹ không có gì là không có, không thấy. Có điều, có thể chúng đã bị bắn ráo cả trước khi chúng tao biết là cần phải vui vẻ với súc vật.” Cái câu này là câu của bà giáo hôm qua nói. Jazc hơi ngượng khi muốn nói lại câu không phải của nó, nhưng nó không thú nhận điều ấy, mặt chỉ hơi xịu xuống. Thằng Hoàng ngần ngừ một lát rồi trả lại Jazc tấm ảnh và bước xuống mặt đường. “Đi về nhà thôi. Tao trả mày tiền. Chúng ta còn cơ hội.” Đây là lần đầu tiên ở thành phố xa lạ này Hoàng hành xử như người lớn, khước từ một món được cuộc chưa rõ ràng, chưa kết cục cuối cùng. Hoàng do dự nhận thấy cả hai đứa đều không biết con vật đó là con gì. Nhỡ là con cuốc thật thì bất nhẫn quá. Nó không dám lừa dối một đứa bạn như Jazc, nhưng thâm tâm vẫn cố gắng không tin đó là con cuốc. Không thể có con cuốc thực, nhất là ở đây là nước Mỹ. Nó chợt nhớ tới những việc liên quan tới con vật ấy ở quê nhà.
Chúng lên tàu đi về nhà. Trên đường về, Hoàng kể cho Jazc về mùa lúa chín trên cánh đồng và nhiều trò chơi của nó. Hoàng nói, trong gió ăm ắp mùi thơm! Jazc hỏi, thơm như mùi gì. Thằng Hoàng nói bừa là mùi lúa thơm rất giống mùi cốm. “Mùi cốm là mùi gì” Jazc lại hỏi. Thằng Hoàng không có từ cốm của tiếng Mỹ. Nó nói bừa: “Đó là mùi giống như mùi bánh chín, táo chín, hay đại loại cái gì thơm hơn cả cái đang chín.” Thế là cơn đói xồng xộc kéo tới với Jazc vì nó vốn luôn háu đói. Hoàng còn kể cả việc nướng những con vật có cánh cứng trong bếp lửa mà nhai làm Jazc rùng mình. Thì cũng kinh thật! Jazc hình dung ra hình ảnh của những người da đỏ trong các bộ phim chiếu ở trung tâm giáo dục thanh thiếu nhi miễn phí. Hoàng bảo Jazc, không việc gì phải sợ. “Đấy là những con châu chấu hay tương tự như vậy, bụng có mùi thơm vô cùng. Nó tên là gì nhỉ?” Hoàng vỗ tay vào trán hai lần: “Phải rồi, đó là con cà cuống!” Lại một cái tên mới lạ hoắc với Jazc. Thế thì Hoàng đúng là một tay chơi da đỏ thực sự.
- Nhưng mày có tin là bọn tao bây giờ cũng đang cấm việc giết thú vật một cách bừa bãi không? – Hoàng chợt hỏi thằng bạn. – Có một nhà văn già lắm ở quê tao viết hẳn một cuốn sách về con dế. Con dế mày biết không? Chúng tao chỉ bắn chim và giết gà, chó, bò ngựa khi đói thôi. – Hoàng nói hoàn toàn theo bản năng hay là lời nói ấy giống như sự giải thích của cô giáo vừa nói với Jazc chiều hôm qua? Bố ai hiểu được, Jazc nghĩ. Nhưng rõ ràng là mọi am hiểu của thằng bạn Việt Nam về cuộc sống cũng làm cho thằng Jazc thấy thích thú. “Tao không hề lừa dối mày đâu, Jazc ạ. Chúng tao có một cánh đồng đầy cả cuốc và rắn. Nhưng ở quê tao, người ta chưa thừa thãi thịt và còn thích thưởng thức chúng, thành ra bây giờ quê tao còn có cả quán thú rừng nữa.” Đây là sự thực mà thằng Hoàng muốn chia sẻ với người bạn của nó trên đường về sau khi chúng vò nát tấm ảnh chụp hai chú chim lạ bị giết và ném vào thùng rác công cộng.
Quả thật khi đó Hoàng thoảng buồn khi cố gắng diễn tả mọi điều cho đứa bạn biết về quê hương nó. Tự nhiên, nó kể miên man sang chuyện ông nó bị giết trong chiến tranh, bởi nó tự lí giải nhiều suy luận của nó về cái chết của ông khi có thể liên quan tới những con cuốc. Nhưng chuyện này thằng Jazc lại nghi ngờ, câu chuyện đến là trừu tượng. Sao một loài vật lại biến hoá từ những linh hồn con người? Đấy là một câu chuyện phịa! Hết sức vớ vẩn của mày tự nghĩ ra! Lần đầu tiên Jazc phản ứng mạnh như thế và tí nữa chúng cãi nhau to, nếu thằng Hoàng không tự kiềm chế vì bấy nay Hoàng biết thằng Jazc rất tốt và thực sự thân thiện với nó.
Chúng ta, bạn đọc hãy cùng tôi ý thức rõ hơn là, nước Mỹ hiện nay đứng đầu thế giới về nhiều sức mạnh. Chính vì thế, bọn trẻ không thể bịa tạc gì hơn những điều gì mà tâm hồn của chúng chứa đựng, cất giấu hay sự việc đã xảy ra trên thế gian này với chúng, vẫn phải thấy hiện thực hiển nhiên, phải rõ ràng như ban ngày, có thể ve vuốt hay hít ngửi, sờ mó vào chúng.
Thằng Jazc vẫn hậm hực.Có thể là câu chuyện giữa chúng sẽ nổ rả một trận đôi co mới, nhưng điều bất ngờ trong chớp mắt đã xảy ra, khi chúng bước ra khỏi xe điện ngầm thì vừa vặn New York lâm vào tình trạng mất điện đã chấm dứt cuộc cãi vã trên. Chúng lập tức quên ngay những câu chuyện vừa trao đổi khi thấy trước mắt bao cảnh tượng khác thường. Nhạy cảm hơn, thằng Hoàng phát hiện điều đó, khi thấy mọi sự nháo nhào ngay trên cửa đi vào ngôi nhà của chúng ở. Người ta từ trong những lỗ hầm túa ra đường phố và thất thanh kêu. Mất điện! Mất điện! Khủng bố! Chúa ơi hãy cứu chúng con! Đại loại là chúng nghe vô khối tiếng kêu hỗn loạn tương tự như vậy.
Ngay lập tức, thằng Jazc móc túi lấy điện thoại hỏi về trung tâm tư vấn cho thanh thiếu niên để mong lời giải đáp. Thưa rằng chỉ có tiếng “tút tút” mà không thấy một ai có thể hầu chuyện bọn trẻ. Riêng Hoàng của chúng ta thì chả biết sợ là gì. Nó dường như không hề có ý thức cầu viện một ai, kể cả việc cái thẻ điện từ của nó khi lướt trên phím ở cửa ra vào nhà không tác dụng nữa. “Chạy lên nhà tớ, trèo qua cửa sổ phòng tắm Jazc ơi.” Nó thét lên thích thú, vì trong khoảnh khắc này, nó bỗng cảm thấy đây là lúc nó là người lớn thủ lĩnh hơn thằng bạn Mỹ kia.
Khi đó là thời điểm mới hoảng loạn trong ngôi nhà chúng ở. Ngôi nhà cao hơn cả những đám mây mùa hạ nặng trĩu hơi nước, việc đi tới và lui của cầu thang máy hoàn toàn bị đứt nghẹn. Thằng Jazc chạy theo Hoàng như một cái máy và vượt lên trên Hoàng như nhiều lần. Chúng phải nghỉ lấy sức tới sáu bảy lần gì đó và ngay nơi nghỉ ở tầng 15, thằng Jazc chợt nghe rõ tiếng gọi rất quen thuộc của thằng Vandam, em trai nó. May mà nơi đó có nhiều ánh sáng do người ta lắp tại đấy những tấm thủy tinh lớn. Jazc tìm ngay thấy cánh cửa đang khép kín, nơi vọng ra tiếng của thằng em đang thật thanh đấm cửa và gọi mẹ, gọi anh. Cầu thang máy ngay kề đó chứ đâu xa. Jazc hét lên. “Tao đây. Đừng sợ và la lên như thế!”
Nói vậy nhưng Jazc rất lo lắng khi đưa bàn tay nhỏ bé của nó ấn liên tục vào nút mở mà cánh cửa cầu thang vẫn khép chặt. Nó ra sức đấm vô vọng vào tấm gỗ màu hơi ngà rất cứng.
“Vâng... em... Anh cứu em với!” Tiếng thằng Vandam càng thôi thúc, lọt qua khe hở vọt ra cũng làm cho Hoàng thấy cồn cào, nó dậm chân liên tục: Phải chờ có điện. Hoặc là tìm cách nào lọt vào đứng cạnh Vandam thôi. Nó nghĩ vậy. Nhưng làm sao có thể lọt vào thang máy được. Thằng Hoàng chạy lăng xăng, nó bắt đầu bồn chồn. Tiếng thằng Vandam chợt lịm dần và hai mươi phút trôi qua, bọn trẻ hơi sợ khi không còn nghe thấy tiếng khóc của thằng em chúng nữa.
Gọi lính cứu hoả ngay! Thằng Hoàng chợt nhớ ra lời giảng tại lớp nó mà bất cứ đứa trẻ nào sống ở xã hội văn minh này phải biết. Chúng đồng loạt móc điện thoại di động nhưng không hề có ai đáp lời chúng, hệt như tình cảnh khi nước Mỹ bị tấn công vào hai toà nhà cao nhất của thành phố năm nào. Thằng Jazc thực sự muốn khóc, nhưng nó không thể tỏ ra yếu đuối trước thằng Hoàng.
Phải nói là thời gian chỉ mới hơn tiếng trôi đi nhưng thực sự là cơn thảm hoạ với với thành phố hiện đại tới mức con người đã trở nên nô lệ cho phương tiện kĩ thuật mà chính con người đã sản sinh ra nó. Cũng bởi như thế nên cả hơn chục người lớn tỏ ra rất lúng túng, khi phát hiện ra có một đứa trẻ cần thoát khỏi thang máy, nhưng họ không có một kế hoạch có khả năng để giải cứu cho cậu bé kia. Bấy giờ chính người mẹ của Jazc tìm thấy chúng, bà là nguyên nhân làm cho hành lang nơi có cửa cầu thang máy ì ra, chật chội và ồn ã hơn, khi bà cứ đấm vào cửa thang máy một cách bất lực với đôi bàn tay thanh mảnh. Phải gọi lính cứu hoả tới. Đã nhiều lần vài người đàn ông bình tĩnh hơn kêu lên, nhưng không ai liên lạc được với trung tâm để gọi lính cứu hoả khi chính nơi đó cũng mất điện. “Khốn nạn! Cái gì cũng dùng điện.” Ai đó kêu lên.
Con tôi sẽ chết mất! Mẹ Jazc vẫn rên rỉ khi bà vừa được ngửi long não của một tay bác sĩ nào đó từ tầng 19 mang tới. Họ bất lực đứng trước cửa thang máy giờ đây có thằng bé bị nhốt đã im lặng đáng sợ. Người ta lại lộn xộn một hồi nữa khi mẹ thằng Jazc than thở, rằng Vandam, thằng bé con bà có thể lên cơn hen bất kì. “Em tôi bị giam trong đó sẽ chết!” Thằng Jazc bỗng gào lên như một con chó và chưa khi nào cuống cuồng như vậy.
Suốt mấy tiếng đồng hồ trôi qua Hoàng vẫn bám sát Jazc. Nó không làm gì hơn được là cố tìm cách bậy cửa nhưng thực đó là một hành động vô nghĩa, khi nhiều người lớn và khỏe hơn chúng nhiều lần đã bó tay. Không hiểu sao khi ấy nó lại dại dột tới bên người mẹ của Vandam và đặt một cánh tay lên vai bà, hệt như những phim nó nhìn thấy khi người lớn muốn thân thiện hay chia sẻ. Hành vi ấy của nó ban đầu làm người mẹ thấy chờn chợn. Bà khẽ rùng mình. Nhưng thằng Hoàng không nhận ra điều đó, nó lại tự nhiên nắm lấy bên tay bà mẹ khi thấy Jazc đưa hai tay nắm lấy tay trái của bà. Lập tức mẹ Jazc cảm giác bàn tay thằng Việt Nam ấy cũng bình thường như bàn tay của Jazc, thậm chí ấm nóng hơn, nhất là trong lúc này.
°

*

Thế rồi cảnh sát cũng tới. Thành phố đã quá nhiều tai nạn khắp mọi nơi và lực lượng cứu hoả không gần bằng đồn cảnh sát, tuy rằng như vậy sự có mặt của cảnh sát làm bà mẹ Jazc tức điên lên vì cho rằng họ đã quá lề mề. Cảnh sát không quen với lối cậy cửa bằng tay, họ cứ lần sờ tấm cửa một cách vụng về làm bà mẹ Jazc và một vài người đã tức điên nói ngay là trò mèo thô bỉ. Một viên cảnh sát xin mọi người hãy kiên nhẫn và bỏ đi, hẹn vài phút quay lại. Thực ra là hơn nửa tiếng, rồi họ cũng khuân lên một cái máy đẩy nhằm kéo banh cửa ra. Nhưng khi máy sắp vận hành thì ai nấy mới ngớ ra là chiếc máy này hoạt động bằng điện! Tiếng mắng nặng nề văng tràn ứ hành lang làm hai tay cảnh sát mặt đỏ nựng mà không thể nhận ra, ai đã thoá mạ họ trong hành lang tối, chật và bí? “Cần phải có điện”. Họ phân bua với đám người bắt đầu có vẻ sẵn sàng làm nổ tung cả toà nhà. Chính khi ấy, thằng Hoàng chợt kéo thốc thằng Jazc chạy nhanh như ma đuổi xuống đường đi bộ.
Chúng lao qua đường rộng mà không gặp trở ngại của xe cộ bởi khi ấy nhiều người tràn ra đường làm nghẹn cả con lộ rộng. Hoàng nhớ ra cái cửa hiệu, từng nhìn thấy những cái cưa, rìu và dao... Chúng gõ rối rít vào cửa tiệm. Người bán hàng thận trọng nhìn chúng qua cửa kính thắp sáng bên trong toàn nến là nến và chúng trông thấy một nòng súng ngắn chín li run rẩy trong tay người bán hàng. “Chúng tôi cần một cái cưa máy!” Thằng Jazc là đứa hét lên đầu tiên khi nhìn thấy cả hơn chục cái cưa máy. “Mở cửa ra!” Hoàng hét to hơn. Tiếng hét của chúng lọt qua cái khe thả thư “Không bán chác gì cả. Mày không thấy là không nơi nào có điện à?” “Không! Em tôi đang kẹt trong cầu thang máy. Nó sắp chết.” Cái cứa bé mở một cách phân vân, đủ cho hai đứa trẻ lách qua, lọt vào trong tiệm. Thằng Jazc móc ra dăm tờ đô la nhàu nát, nó tóm lấy chiếc máy cưa đã cũ: “Chúng tôi chỉ mượn tạm nó.” Gã chủ quán ngớ ra như đứng trước hai kẻ cướp hung hãn. Không có sự phản kháng nào, lại kéo cửa giúp Jazc khi chiếc đòn tay của máy cưa vướng vào cánh cửa ra vào. Chiếc máy thực ra rất nặng. Nhưng khi ấy một con người đang đầy hung hăng thì có đủ sức cầm lấy chiếc máy cưa nhấc cao lên. “Bỏ xuống!” Thằng Hoàng bảo. “Mày không thấy là nó chạy bằng xăng à?" “Tìm ra đâu xăng bây giờ?” “Tới trạm xăng!” “Không có điện thì ai bơm xăng cho chúng ta!” Hoàng nói và lấy một chiếc rìu. Ánh nến lung linh, lưỡi rìu phản ra tia sáng như chớp. Tất nhiên là người chủ quán lấy bằng được ba đôla, đúng giá ghi trên cán rìu. Chúng băng qua đường và leo lên toà nhà nhanh tới phi thường.
Những người lớn, thực ngạc nhiên tới muốn nổ tan con mắt, giạt ra khi thấy hai đứa trẻ lao tới cạnh cửa cầu thang máy. Thằng Hoàng bổ cái thứ nhất vào cửa. Lưỡi thép sắc cắm ngập tới nửa phân và ngoan cố đứng chết lại. Cái sức mạnh đầu tiên của cậu thể hiện đã phản bội lại đôi tay chả mấy sức mạnh của Hoàng. Lập tức Jazc lao vào, mắm môi mắm lợi ra sức kéo thì cái rìu vẫn như mút chặt thêm vào cánh cửa. Bấy giờ trông mẹ Jazc thực đáng thương. Bà gần như quỵ xuống rên rỉ: “Các người đâu, hãy giúp chúng!” Người ta hiểu ra và lao tới, thi nhau bổ rìu vào cánh cửa. Chúng ta không nghe thấy gì hơn ngoài tiếng rìu phằm phằm chém vào cửa thang máy làm bằng gỗ rất chắc của hãng Nea, khoá điện của hãng Boxx và những con lăn với viền thép bọc cửa đề rõ to chữ Nationna in Germany. Cả New York khi ấy tưởng chỉ rền vang tiếng rìu phát ra từ trong hành lang. Sau khoảng hai mươi phút gì đó, người ta kéo cậu bé Vandam mặt mũi tím tái, cậu còn đang co rúm, dán chặt mình vào góc cùng của thang máy, mặt dính đầy vụn gỗ.
°

*

Người viết lại câu chuyện này không hề cường điệu thêm một điều gì to tát hơn mọi việc đã xảy ra như vậy. Chỉ biết sau đó tất cả đám người lớn công kênh hai đứa trẻ và chiếc rìu được Jazc đưa cao trên tay chúng.
Dường như khu nhà ấy chả khi nào cùng một lúc ùa xuống cái sảnh ngoài ngôi nhà làm chỗ trò chuyện nếu không có sự cố mất điện. Người ta thấy cậu Hoàng bấy giờ đã thấm mệt, lảo đảo chạy lại với cha mẹ khi nhận ra họ cũng đang nhớn nhác đi tìm cậu. Khi đó, dưới đường đầy ánh sáng, bà mẹ Vandam lúc này đã bình tĩnh lại, nhất là cha Vandam cũng vừa về. Bà chợt nhìn rõ cái chân trái của cậu Hoàng cũng xỏ chiếc giày thuộc hàng chân giả, giống hệt chiếc giày của người cha bà đi, phía chân bị mất ở cuộc chiến Việt Nam. Bà giật thót, thốc gần thằng Jazc và cúi xuống, hỏi rất nhanh: “Jazc. Con có biết thằng bạn của con có cái chân giả không?” “Biết chứ!” Jazc cười thản nhiên: “Phải tôn trọng những người tật nguyền và không được để cho họ biết là mình quá chú ý tới tật nguyền họ phải gánh chịu cơ mà! Ông ngoại vẫn thường nói vậy.” “Đúng, đúng! Nhưng cái chân ấy là cái do hãng mà ông con đã làm. Gần đây, nó chỉ cung cấp thiện nguyện cho những người bị thương trong cuộc chiến ở Việt Nam. Làm sao Hoàng có nó?” Thằng Jazc sững ra một lát, rồi chạy thẳng tới chỗ Hoàng: “Này! Mẹ tớ muốn biết, vì sao cậu bị thương ở Việt Nam?”.
Hoàng thực sự bất ngờ vì câu hỏi ấy. Bởi câu hỏi ấy đã đụng vào nhiều vấn đề còn liên quan tới cái chết của hai người bạn thân nhất ở Việt Nam mà bấy nay Hoàng không muốn nhớ và tiết lộ cho bất kỳ ai. Vâng, buổi chiều đó! Trong đầu nó bỗng hiện ra khối lửa màu da cam của quả bom bi mà máy cày đã xới tung lên khi bọn trẻ đuổi theo con vật mà chúng đinh ninh rằng đó là con cuốc. Nó không muốn nhắc tới cái chân của nó bị dập nát, tướp ra những sợi gân trắng ởn, để nó nhiều năm không được chạy trên đồng làng, dù rằng nó chưa bao giờ trả lời được nhiều câu hỏi còn lửng lờ trong đầu...
Nhưng một người như Jazc thì không nên giấu làm gì. Hoàng chợt quay lại thực tế và cười rất vô tư: “Có gì đâu. Đơn giản thôi mà. Lâu rồi. Tớ đuổi theo một chú cuốc và một quả bom bi đã phát nổ”. “Đơn giản! Đơn giản? Có thật là đơn giản? Sao cánh đồng lại có bom?” Thằng Jazc hỏi giật. “Cũng chả biết nữa. Giản đơn là khi tớ lớn lên, vẫn thấy trên cánh đồng làng, bom bi thi thoảng lại sót nổ.”
Thú thực khi đó thằng Hoàng cười giòn lắm, dẫu là Jazc với Hoàng không thể nào hiểu được vì sao trên thế gian đã lắm việc xảy ra đến như vậy. Do đó thằng Hoàng chỉ kể giản đơn như thế. Nhưng khi lắng nghe rõ cuộc nói chuyện của bọn trẻ, thì người mẹ của Jazc chợt sững người. Bà thoáng rùng mình. Bà muốn nói một lời gì đó với Hoàng mà cổ họng cứ nghẹn lại. Yên lặng. Có nói gì thì khi ấy thằng Hoàng cũng chẳng nghe được, bọn trẻ lại thản nhiên quay về với câu chuyện con cuốc của chúng. “Này Jazc này”, Hoàng nói, “mày phải nhớ là trong tất cả các cánh đồng ở Việt Nam có rất nhiều cuốc và rắn đấy nhé...”
Chính lúc ấy hai viên cảnh sát tiến tới kính cẩn đưa cho cha mẹ chúng tờ biên bản. Và họ cũng mời ngay hai đứa trẻ tới làm chứng làm đứt ngang câu chuyện. Viên cảnh sát đọc to lời ghi để ba nhân chứng cùng cha mẹ của hai đứa trẻ cùng kí vào đó: “Việc phá cửa thực hiện bằng một cái rìu.”
Vâng! Đơn giản thế mà không biết. Nó là chiếc rìu để chỉ chặt cây. Nhưng tổ tiên chúng ta ngày xưa không chỉ để chặt cây. Đúng ra là chúng ta đã hay quên những sự việc tưởng là giản đơn lắm!. Có ai đó kêu lên và giọng đứt đoạn, chìm ngập trong tiếng cười, nói oà ra trên hè đường New York đang ùn ùn dòng người tràn ra tránh nóng từ khắp mọi ngôi nhà cùng đêm xuống.
Xin nhắc lại là chưa bao giờ ở toà nhà ấy người ta có dịp tìm hiểu nhau và thân mến với nhau trên đường phố như mấy ngày đêm đơn giản là mất điện, lịch sử của mùa hè New York 2003, như ngày có câu chuyện trên xảy ra mà tôi ghi lại./.

Xem Tiếp: ----