Dịch giả:Đào Đăng Vỹ
- 4 -

     àn ăn đã dọn. Mụ Sylvie đang nấu sữa. Bà Vanquer nhen lò sưởi, Vautrin vừa giúp sức vừa ngâm nga luôn mồm:
“Ta đã đi cùng thiên hạ
“Người ta đã thấy ta khắp nơi...
Lúc vừa sắp đặt đâu vào đấy cả, thì bà Couture và cô Taillefer về.
- Bà đi đâu về sớm thế, bà bạn đẹp đẽ của tôi? Bà Vanquer hỏi bà Couture.
- Chúng tôi vừa đi lễ ở Saint Étienne du Mont. Hôm nay, chúng tôi chẳng phải đi lại nhà ông Taillefer là gì? Khổ cho con nhỏ tôi quá, nó run như tàu lá. Bà Couture vừa nói vừa ngồi trước lò sưởi và đưa đôi giày gần miệng lò, làm đôi giày phát lên khói.
- Cô Victorine sưởi đi, cô. Bà Vanquer nói.
Ông Vautrin vừa đầy cái ghế tới cho cô thiếu nữ mồ côi, vừa bảo:
- Cô à, cầu Chúa làm cho lòng ông cụ nhà cô cảm động là một điều hay. Nhưng thế không đủ cô cần có một người bạn đến nói thẳng vào mặt con cá lợn ấy cho nó biết. Một lão dã man, người ta bảo giàu có đến ba triệu, mà lão không cho cô chút của hồi môn nào. Thời này, một thiếu nữ đẹp cũng cần của hồi môn.
- Khốn nạn cho cô bé! - Bà Vanquer nói - Cưng ơi, ông già quỷ quái của cưng. Vui lòng tự đưa tai nạn đến cho mình đấy.
Nghe mấy tiếng này, cô Victorine rướm nước mắt, và bà Couture ra dấu cho bà Vanquer nín lại.
- Nếu chúng tôi có thể gặp được ông ta, có thể nói chuyện với ông ta, đưa cho ông ta lá thơ cuối cùng của vợ ông ta viết cho ông (bà quả phụ của uỷ viên chuẩn chi nói). Chẳng lúc nào tôi đám liều bỏ thơ vào nhà Bưu điện, ông ta biết chữ tôi.
- Ôi đàn bà ngây thơ, khốn khổ và bị ngược đãi (ông Vautrin chặn nói to lên). Tình cảnh các người như vậy đó. Để vài ngày nữa tôi sẽ can thiệp vào việc các người, thì đâu sẽ vào đấy cả.
Cặp mắt đẫy lệ và thành khẩn nhìn ông Vautrin, mà ông này chẳng chút xúc động, cô Victorine nói:
- Thưa ông, nếu ông có cách lại gần cha tôi, nhờ ông nói giùm là tình thương yêu của cha tôi và danh dự của mẹ tôi đối với tôi còn quý hơn tất cả những của cải ở đời này. Nếu ông làm cha tôi dịu bớt lòng khắc nghiệt, tôi sẽ cầu nguyện Chúa cho ông. Chắc chắn là lòng tri ân của tôi...
Ông Vautrin lại ngân nga với giọng mỉa mai:
- Ta đã đi cùng thiên hạ...
Ngay lúc ấy ông Goriot, cô Michonneau, ông Poiret vừa đi xuống có lẽ do mùi thịt cừu chiên bơ của mụ Sylvie lôi cuốn họ. Lúc bẩy người khách trọ chào nhau và ngồi vào bàn, đồng hồ gõ mười giờ: tiếng bước của chàng sinh viên nghe vang dội ngoài đường.
- A! ông Eugène, hôm nay ông dùng bữa với mọi người. - Mụ Sylvie nói.
Chàng sinh viên chào các khách trọ, và lại ngồi bên ông Goriot. Chàng lấy rất nhiều thịt cừu và cắt miếng bánh mì to mà bà Vanquer luôn luôn liếc mắt đo chừng. Chàng nói:
- Tôi vừa có một chuyện phiêu lưu kỳ thú.
Cô Taillefer bẽn lẽn nhìn thanh niên.
- Một cuộc phiêu lưu? - ông Poiret hỏi.
- Ủa thì sao ông lại lấy làm lạ, ông già kia. Ông Vautrin nói. Thanh niên đẹp đẽ thì phải có cuộc phiêu lưu chứ.
- Hôm qua, tôi đi dự buổi dạ vũ ở nhà bà nữ Tử tước De Beauséant, một người bà con của tôỉ. Bà ta có một ngôi nhà nguy nga tráng lệ, các phòng ở đều phủ gấm lụa. Bà ta đã hiến chúng tôi một dạ hội huy hoàng diễm tuyệt, tôi đã vui chơi như một vị Vương(16)...
- Tiểu Vương(17) - ông Vautrin đứt ngang anh ta để nói chen vào.
- Thưa ông, ông muốn nói gì vậy? Eugène kịch liệt nói lại.
- Tôi nói “Tiểu”, vì các tiểu vương(18) mới chơi bời hơn các đại vương.
- Đúng rồi: tôi còn muốn làm một tiểu vương hay một chim hồng tước vô tư lự(19) còn hơn là làm một ông vua. Ông Poiret, người hay đạp đuôi theo người khác, nói thế.
Nhưng chàng sinh viên chặn lời ngay.
- Sau rốt tôi đã khiêu vũ với một thiếu phụ đẹp nhất ở buổi dạ vũ, một nữ Bá tước thật là kiều diễm, một con người kỳ diệu tôi chẳng bao giờ thấy được. Bà ta cài trên đầu một vành hoa đào, lại cắm bên mình một chùm hoa rất đẹp, với những đoá hoa thiên nhiên thơm ngào ngạt. Ồ, nhưng các người phải thấy cô ta, chớ khó mà tả được một người đàn bà linh động trong cuộc vũ. Ẩy thế, mà sáng nay, tôi lại gặp bà bá tước thần tiên kia đi bộ phía đường Sa thạch, vào khoảng chín giờ. Ối! tim tôi nó đập làm sao, tôi tưởng tượng...
- Bà ta đang đi lại đây! Ông Vautrin nói, vừa nhìn chàng sinh viên với một cái nhìn sâu sắc. Nhưng không, chắc chắn bà ta đang đi lại cha Gobseck, lão cho vay nặng lãi. Nếu anh moi tìm trong tim các phụ nữ ở Paris anh sẽ thấy ở đó hình ảnh anh cho vay nặng lãi trước người nhân tình. Nữ bá tước của anh tên là Anastasie de Restaud và ở tại đường Helder.
Nghe tên đó, chàng sinh viên nhìn ông Vautrin trừng trừng, ông già Goriot bỗng ngẫng đầu lên và nhìn hai người với cặp mắt sáng ngời và đầy vẻ lo âu, làm các khách trọ đều ngạc nhiên.
- Thằng Christophe đến chậm quá rồi, con gái ta đã đến đó trước nó! - ông Goriot gào lên một cách đau đớn.
- Tôi đoán được mà. Ông Vautrin nghiêng nói nhỏ vào tai bà Vanquer.
Ông Goriot ăn như cái máy, mà cũng chẳng biết là ăn những món gì.
- Ông Vautrin, ai có thể nói tên nàng với ông thế?
Eugène hỏi:
- À ha! đó rồi. Cha Goriot cũng biết đấy, tại sao tôi lại không có thể biết?
- Ông Goriot biết à? Chàng sinh viên kêu lên.
- Cái gì? Ồng già khốn nạn nói. Tối hôm qua nó trông đẹp lắm sao?
- Ai?
- Bà De Restaud.
- Ông xem lão già bủn xỉn không? Xem cặp mắt lão sáng rực lên. Bà Vauquer nói với ông Vautrin.
- Ông ta nuôi cô gái ấy sao? Cô Michonneau hỏi nhỏ chàng sinh viên.
- À vâng, nàng đẹp quá chừng. Chàng Eugène trả lời ông Goriot, ông ta đang nhìn chàng một cách khát khao. Nếu bà De Beauséant không có mặt thì nàng đã là hoa hậu của buổi dạ hội rồi. Tất cả thanh niên đều chỉ chăm chú nhìn nàng, tôi là người thứ mười hai trong danh sách khiêu vũ của nàng, và nàng đã nhảy tất cả các bài đôi vũ. Các phụ nữ khác đã tức khùng lên. Nếu hôm qua có người sung sướng trên đời, tất là nàng đó. Người ta đã nói rất có lý là chẳng có gì đẹp bằng con thuyền buồm đang lướt, con ngựa đang phi và người thiếu nữ đang khiêu vũ.
Vautrin nói:
- Hôm qua ở trên đầu bánh xe, nơi nhà một nữ công tước; sáng hôm nay dưới bậc thấp cầu thang tại nhà gã cho vay nợ. Đó, các phụ nữ Paris là vậy đó. Nếu các đấng phu quân không theo nổi cái xa xỉ cuồng dại của họ, là họ bán mình ngay. Nếu họ không biết bán mình, thì họ xẻ ruột mẹ họ ra để lấy được của mà lòe thiên hạ. Họ làm đủ được trăm nghìn cách mà. Biết rồi, biết rồi mà!
Gương mặt ông già Goriot đã sáng rực lên như mặt trời một ngày nắng to lúc nghe anh sinh viên nói, bỗng trở lại ủ rũ buồn rầu lúc chàng Vautrin thổ lộ lời phê bình trên.
Bà Vauquer hỏi:
- Ủa, còn câu chuyện phiêu lưu cậu sinh viên ra sao? Cậu có nói gì với nàng chăng? Cậu có hỏi nàng muốn học Luật chăng?
- Nàng đâu thấy tôi. Nhưng bắt gặp một thiếu phụ kiều diễm nhất Paris ở con đường Sa thạch, một thiếu phụ có lẽ ở dạ hội đến hai giờ sáng mới về nhà, thế có lạ lùng không? Chỉ có Paris mới có những cuộc phiêu lưu như thế.
- Ôi! còn biết bao là chuyện kỳ quặc hơn nữa!
Ông Vautrin nói.
- Cô Taillefer nãy giờ chẳng chú ý gì nghe chuyện. Nàng mải lo nghĩ về một mưu toan nàng định thực hành, Bà Couture ra dấu cho nàng đứng dậy để đi mặc áo. Lúc hai người đi ra, ông Goriot cũng bắt chước theo.
- Đấy, các người thấy không? Rõ ràng là lão già đã phá sản vì các cô ấy rồi. Bà Vauquer nói với Vautrin và các khách trọ còn lại.
Chàng sinh viên vội la lên:
- Chẳng ai có thể làm cho tôi tin được nữ hầu tước De Restaud là người của ông già Goriot.
Ông Vautrin lại chặn anh ta:
- Nhưng chúng tôi có cần cho cậu tin đâu. Cậu còn quá trẻ để hiểu rõ Paris. Sau này cậu sẽ biết là ở đây có những bọn mà chúng tôi gọi là những người nhiều dục vọng…
Cô Michonneau nhìn ông Vautrin với cái nhìn sành thạo, sau câu nói ấy, người ta có thể tưởng tượng như một con ngựa trận lúc nghe tiếng kèn.
- A ha! Ông Vautrin la lên rồi nín lại để liếc nhìn cô ta một cách sâu sắc. Chúng ta, ai mà chẳng có chút dục tình riêng của ta nhỉ?
Cô gái già vội cụp mắt xuống như một nữ tu sĩ lúc nhìn thấy tượng thánh.
- Ấy, những người đã ôm lấy một ý tưởng gì là không rời ra nữa. Họ chỉ khao khát uống thứ nước ở một giếng nào thôi, dẫu nước ấy có thối chăng nữa. Để uống được thứ nước ấy, họ có thể bán vợ đợ con họ đi, họ có thể bán cả linh hồn họ cho ma vương cũng được. Đối với một bọn người, cái giếng ấy là cờ bạc, là thị trường chứng khoán, là những sưu tập tranh ảnh hay sưu tập côn trùng, là âm nhạc; đối với bọn khác, đó là một người đàn bà biết xào nấu cho họ những món ăn ngon, với bọn này, ta có thể hiến cho họ tất cả đàn bà trên vũ trụ, họ đếch cần, họ chỉ thích cái người đã thoả mãn thị dục của họ. Lắm lúc, người đàn bà ấy cũng chẳng thương yêu gì họ, mà còn bạc đãi họ, và bắt họ trả từng chút xíu thoả thích bằng những giá rất đắt, ấy thế mà mấy chàng hề chúng ta không ngán, và có thể đem cầm đến chiếc mền cuối cùng để đem cho người yêu đồng tiền cuối cùng của họ. Ông già Goriot thuộc về hạng người ấy đấy. Bà bá tước khai thác ông ta, vì ông là người kín đáo. Cái xã hội thượng lưu đẹp đẽ là vậy đó! Ồng già chất phác khốn nạn chỉ nghĩ đến người đẹp. Ngoài cái dục vọng này, các người xem, ông ta chỉ là một con vật cục súc. Nhưng để ông vào chương mục kia, gương mặt ông ta chói ngời lên như một hạt kim cương. Có khó gì mà không đoán được cái bí ẩn này. Sáng hôm nay, ông ta đem đồ bạc đi nấu đúc lại, rồi tôi thấy ông ta vào nhà cha Gobseck ở đường Sa thạch. Các người nghe kỹ nhé! Lúc về đây ông ta sai thằng ngáo Christophe lại nhà bà nữ Bá tước De Restaud, mà thằng Christophe đã cho ta xem địa chỉ trên cái thơ và trong thơ này có một hối phiếu có ký trả tiền rồi. Nếu bà bá tước cũng đi lại nhà lão cho vay thì rõ ràng là có việc khẩn cấp rồi, Ông già Goriot đã bỏ tiền cho cô nàng. Không cần phải chắp nối hai ý tưởng để thấy rõ. Sự việc này chứng tỏ cho anh sinh viên trẻ tuổi của ta thấy rằng trong lúc bà bá tước phu nhân của anh cười cợt, nhảy nhót, làm đủ trò khỉ, đu đưa những cánh hoa đào và cầm vén áo lên, là lúc bà ta đang đi phải đôi giày quá chật như người ta thường nói và bà ta đang nghĩ(20) đến những hối phiếu phải trả của bà ta, hay của nhân tình bà ta.
- Ồng làm cho tôi nóng tiết muốn biết sự thật về việc này. Mai tôi sẽ lại nhà bà De Restaud. - Anh chàng Eugène gầm lên.
Ồng Poiret đệm vào.
- Phải rồi, mai anh phải lại nhà bà De Restaud mới được.
- Có lẽ ở đấy anh sẽ gặp ông già Goriot đến nhận phần thưởng của sự vồn vã của của ông ta.
Eugène lại nói với một vẻ ghê tởm:
- Nhưng vậy thì thành Paris của các người là một đống bùn dơ chứ gì!
- Và một đống bùn dơ kỳ cục nữa! ông Vautrin lại nói. Ở đây, ai lên xe xuống ngựa mà nhơ bẩn là người tử tế, ai đi bộ mà nhơ bẩn đồ trộm cắp. Ai giật một chút gì là bị đưa ra Toà như một vật kỳ lạ. Ai ăn cướp cả triệu lại được các khách thính xem như là một người đạo đức. Ta phải trả ba chục triệu cho sở Cảnh sát và cho Toà án để bảo tồn cái luân lý ấy đó! Thật là tốt đẹp!
- Sao, ông già Goriot đã đem nấu bộ đồ dọn ăn của ông rồi sao? Bà Vauquer hỏi.
- Có phải trên nắp bộ đồ ăn có hai con bồ câu không? - Eugène nói.
- Đúng rồi.
- Vậy thì ông ta rất quý những đồ này. Ông ta khóc lúc đã nhồi vặn xong cái bát và cái đĩa. Tôi ngẫu nhiên nhìn thấy ông ta lúc ấy.
- Ông ta quý những cái ấy như đời sống ông ta vậy. - Bà Vauquer trả lời.
Vautrin la ầm lên:
- Thấy chưa, xem ông già say mê biết là nhường nào. Cô ả kia biết cách mơn trớn tâm hồn ông già mà.
Chàng sinh viên đi lên phòng trọ, ông Vautrin đi ra ngoài. Một lúc sau, bà Couture và cô Victorine lên một xe ngựa mà mụ Sylvie đã gọi đến cho. Ông Poiret đưa tay cho cô Michonneau, và hai người đi dạo vườn Bách thảo trong hai giờ đẹp trong ngày.
Mụ Sylvie nói:
- Thế là hai người họ như đã thành vợ chồng rồi nhé. Hôm nay là lần đầu họ cùng đi ra với nhau đấy. Hai người gầy khô đến nỗi nếu họ đụng vào nhau chắc phải phát cháy như cái bật lửa.
Bi Vauquer cười:
- Coi chừng cái khăn trùm cô ta, lại cháy như cái bùi nhùi.
Đến bốn giờ chiều, lúc ông Goriot trở về, ông ta thấy cô Victorine với cặp mắt đỏ ngầu dưới ánh sáng hai cây đèn đầy khói. Bà Vauquer đang ngồi nghe nói chuyện về cuộc đi thăm ông Taillefer hồi sáng sớm, cuộc thăm viếng đã không đem lại một kết quả gì. Bực mình phải tiếp con gái ông và bà già kia, ông Taillefer đã để cho hai người vào gặp ông để giảng giải với hai người.
Bà Couture kể lể với bà Vauquer:
- Bà bạn ơi, bà tưởng tượng giùm, ông ta chẳng hề bảo con Victorine ngồi, và nó phải đứng cả buổi. Với tôi, thì ông ta bảo một cách mát mẻ, và cũng không cần nổi giận nữa, rằng tôi khỏi phiền phải đến nhà ông ta và cô gái này, ông cũng chẳng gọi là con ông nữa, đến rầy rà ông (mỗi năm một lần, thật ông là con quỷ sứ mà!) càng thêm tự hại cho cô: mẹ cô lấy chồng không có của hồi môn thì cô cũng có gì mà hy vọng. Ông còn nói những điều quá cay nghiệt làm con nhỏ này phát khóc. Con nhỏ đến quỳ bên chân cha nó, và can đảm nói với ông ta là nó chỉ năn nỉ ông vì mẹ nó, và nó sẽ theo ý ông không kêu nài gì. Nhưng nó cần xin ông hãy đọc giùm tờ di chúc của người khốn nạn đã qua đời. Nó lấy cái thơ và đưa cho ông ta với lời hết sức tốt đẹp và cảm động, không biết nó lấy ở đâu ra, có lẽ Đức Chúa đã gợi cho nó, vì được cảm hứng đến nỗi lúc nghe nó nói, tôi đã khóc như một con vật vậy. Bà có biết trong lúc ấy con người ghê gớm đó làm gì không? Ông ta cắt móng tay! Ông ta cầm lấy cái thư mà trước kia bà Taillefer đã thấm đầy lệ, quẳng lên mặt lò sưởi và nói: “Được rồi!” ông ta muốn đỡ con gái ông dậy, và con này đã nắm lấy tay ông để hôn, nhưng ông rút tay đi. Thế có ác độc không? Thằng con trai ngốc nghếch của ông đi vào trong lúc ấy, và cũng chẳng chào em nó nữa.
- Vậy thì lũ ấy là quỷ sứ hết sao? Ông già Goriot nói.
Bà Couture không để ý đến tiếng ông Goriot kêu lên và nói tiếp:
- Rồi hai cha con chào tôi và xin lỗi để bỏ đi, vì có việc gấp. Đó, câu chuyện thăm viếng của chúng tôi như vậy đó. Ít ra ông ta cũng đã thấy con gái ông. Tôi không biết sao ông ta có thể không nhận nó được như thế, nó giống cha nó như hai giọt nước.
Các khách ăn, vừa nội trú lẫn ngoại trú, kẻ trước người sau lần lượt đến, chào hỏi nhau, trao đổi nhau những chuyện không đâu, những chuyện chứng tỏ, ở vài giai cấp của thủ đô Paris, một khối óc hài hước mà yếu tố chính là sự ngơ ngác và giá trị đặc biệt là ở trong cử chỉ hay giọng nói. Thứ tiếng lóng ấy luôn luôn thay đổi. Cái đùa bỡn làm nguyên tắc cho câu chuyện không lúc nào tồn tại được một tháng. Một biến cố chính trị, một vụ án ở Toà hình, một bài hát dạo, những trò diễu của một nghệ sĩ…, tất cả đều cung dưỡng cho trò đấu trí ấy, trò chơi bằng cách lấy những ý tưởng hay danh từ như lấy những trái cầu để đánh qua trả lại trên cái vợt. Sự sáng chế mới về các tranh quang hoạ (21) đã đem ảo tượng đến một trình độ cao hơn các tranh hoạt hoạ (22) và đã đưa vào các phòng hoạ sĩ lối đùa nghịch nói gì cũng bỏ thêm chữ hoạ vào sau, và lối đùa này đã được một hoạ sĩ trẻ tuổi khách hàng của nhà trọ Vauquer đã đưa vào đây.
- Kìa, ôôông Poiret, mạnh giỏi hoạ ông? Anh chàng nhân viên Viện Bảo tàng nói.
Và không đợi trả lời, anh ta tiếp luôn với bà Couture và cô Victorine:
- Phu nhân và tiểu thư có điều buồn chắc!
- Nào ta có ăn uống không nào? Horace Bianchon, một sinh viên trường Thuốc bạn của Rastignac la lên. Cái bao tử tôi nó đã trễ xuống tận gót chân rồi!
Ông Vautrin nói:
- Trời lạnh quá hoạ! Xích chút đi cha Goriot! Trời đất ơi! Bàn chân choán cả miệng lò sưởi sao!
- Thưa ngài Vautrin trứ danh, Bianchon nói, sao ngài lại nói “lạnh quá hoạ”? Sai rồi, đúng là “lạnh quá hoá” chứ.
- Không, anh nhân viên Viện Bảo tàng nói, đúng là lạnh quá hoạ theo cái định luật: “Tôi lạnh chân quá hoạ”.
- À! À!
- À! Ngài hầu tước De Rastignac, tiến sĩ Luật vô kỷ luật đây rồi. Bianchon vừa la dội lên vừa đến nắm cổ Rastignac và bóp anh ta đến gần ngạt thở. Ê, ê, các ngươi kia nữa, ê, ê!
Cô Michonneau thong thả bước vào, chào cả mọi người không nói một lời, và đến ngồi bên chỗ ba bà ngồi trước.
Bianchon nói nhỏ với Vautrin:
- Con dơi già này lúc nào cũng làm tôi phát rét. Tôi đang học hệ thống Gall (23), và tôi thấy mụ ta có những cục bướu như lão Judas (24).
- Anh có biết Judas à? Vautrin hỏi.
- Ai mà chả gặp nó! Tôi thề danh dự rằng cô gái già trắng bệch ấy khác gì những con mọt dài kia thế nào cũng có ngày gặm hết cái xà nhà.
- Thật đúng vậy đa, cậu nhỏ. Anh chàng tứ tuần nói vừa chải râu mép.
“Là hoa hồng, nàng chỉ sống như những đoá hồng sống.
“Trong khoảng khắc một buổi trời mai.
- A ha! món súp ngon hoạ đây rồi. Poiret nói lúc thấy thằng Christophe bước vào với tô xúp bưng kính cẩn trên tay.
Bà Vauquer nói:
- Xin lỗi ông, đây là món xúp bắp su đấy ạ.
Mấy chàng thanh niên đều cười ré lên.
- Bại rồi, chú Poiret ơi!
- Bại rồi, chú nhỏ Poiret!
- Ghi hai điểm cho má Vauquer đi! Vautrin nói.
- Có ai để ý đến đám sa mù sáng nay không nhỉ? Anh nhân viên Bảo tàng viện nói.
Bianchon nói:
- Đám sương mù cuồng dại và chưa từng thấy, đám sương mù sầu thảm, ưu phiền, xanh rờn, khó thở, một sương mù Goriot.
- Goriot hoạ, vì không ai thấy gì cả. Nhà hoạ sĩ nói.
- Ê! Đức ông Goriot, người ta đang nói đến ông đây này.
Ngồi ở cuối bàn, gần cửa đem đồ ăn lên, ông Goriot ngẩng đầu lên vừa ngửi miếng bánh mì để dưới khăn ông: đây là một thói cũ của tay buôn lâu lâu lại phát hiện.
Với một giọng chua bao trùm cả tiếng muỗng nĩa chén dĩa lẫn tiếng người, bà Vauquer nói:
- Ơ kìa! Có phải ông cho bánh mì không tốt phỏng?
- Thưa bà, không, trái lại bánh này làm với bột mì ở Etampes, thứ hảo hạng đấy.
- Sao ông biết các điều ấy? Eugène nói.
- Biết được do màu trắng trẻo, do mùi vị.
- Mùi vị của mũi ấy, vì ông ngửi mà. Bà Vauquer nói. Ông trở thành tiết kiệm đến nỗi một ngày kia ông sẽ hít không khí ở nhà bếp cũng đủ no rồi.
- Vậy ông hẳn xin một bằng cấp sáng chế, ông sẽ giàu to. Anh nhân viên Bảo tàng viện la lên.
- Thôi đi, ông ta làm vậy để ta tin ông trước kia là nhà buôn bún. Chàng hoạ sĩ nói.
- Vậy mũi ông là cái bình thí nghiệm sao? Anh nhân viên Bảo tàng hỏi.
- Bình gì? Bianchon hỏi.
- Bình mì sợi.
- Bình kèn.
- Bình ngọc.
- Bình trụ.
- Bình dưa chuột.
- Bình chim quạ.
- Bình nài voi.
- Bình hoa hoạ.
Tám câu trả lời từ bốn phía phòng ăn trỗi lên nhạy như một tràng pháo, và càng làm cho buồn cười hơn vì ông già Goriot cứ nhìn các bạn đồng bàn với một vẻ ngây ngô, chẳng khác nào một người có tìm hiểu một ngoại ngữ.
- Bình gì? Ông ta hỏi ông Vautrin ngồi bên cạnh ông.
- Bình chai, chai ở chân ấy mà, bồ! Vautrin vừa trả lời vừa đánh trên đầu ông già một cái làm cái mũ ông chụp xuống tận mặt.
Ông già khốn nạn bị tấn công bất ngờ, sững sốt ngồi im một lúc. Thằng Christophe tưởng ông đã ăn xúp xong, đến mang dĩa ông ta đi ; vì thế lúc ông già Goriot, sau khi kéo mũ lên, và cằm lấy muỗng, thì muỗng ông chỉ gõ lên trên bàn. Các người ngồi đồng bàn đều cười phá lên. Ống già nói:
- Này ông, ông bông đùa dở lắm, và nếu ông còn chụp mũ tôi như vậy nữa thì…
- Thì sao, hử cha? Vautrin chặn hỏi lại.
- Thì một ngày kia ông sẽ trả lại một giá rất đắt.
- Ở âm phủ chắc? Anh hoạ sĩ ngồi ở góc tối, là chỗ để dành cho những trẻ con nghịch ngợm, nói phóng ra.
Vautrin lại hỏi cô Victorine:
- Sao đó cô, cô không ăn gì cả. Ông thân lại ngoan cố phải không?
- Một người khả ố! Bà Couture nói.
- Phải làm cho ông ta biết điều. Ông Vautrin nói.
Rastignac đang ngồi cạnh Bianchon, lên tiếng:
- Nhưng cô có thể kiện ông già về vấn đề cấp dưỡng, vì cô không ăn gì cả. Ê, ê kìa! Các người hãy xem ông già Goriot nhìn cô Victorine kìa.
Ống già nhìn thiếu nữ khốn nạn mà quên cả ăn: một đau khổ chân thành hiện lên vẻ mặt thiếu nữ, sự đau khổ của người con bị bỏ rơi mà vẫn thương cha.
Eugène nói nhỏ:
- Anh bạn, chúng ta đã nhầm lẫn về ông già Goriot. Ông ta không phải một thằng khờ cũng không phải là người yếu ớt. Bạn áp dụng hệ thống Gall với ông ta, rồi cho tôi hay ý kiến bạn về ông ta. Hồi hôm, tôi thấy ông ta bẻ vặn xoắn lại cả cái đĩa bạc lớn, như là đồ bằng sáp vậy. Và trong lúc ấy, vẻ mặt ông ta biểu lộ những tình cảm thật phi thường. Đời ông ta quá bí ẩn và cũng đáng cho ta mất công nghiên cứu. Đúng đấy, Bianchon, cho anh cứ cười nhưng tôi không đùa đâu.
- Người ấy là cả một vấn đề y học, tôi đồng ý, Bianchon nói. Nếu ông ta muốn, tôi sẽ giải phẫu ông.
- Không, rờ đầu ông ta xem.
- Ờ, cái ngơ ngác ông ta có thể truyền nhiễm lắm.
Chú thích
(16) Trong nguyên văn là chữ roi nghĩa: vương, vua
(17) Nguyên văn: telet, tức đoạn cuối của chữ roitelet (tiểu vương).
(18) Nguyên văn: roitelet: tiểu vương; cũng có nghĩa là chim hồng tước.
(19) Nguyên văn: roitelet: tiểu vương; cũng có nghĩa là chim hồng tước.
(20) Nguyên văn “elle était dans sej petits souliers, comme on dit”, nghĩa bóng: ở trong tình trạng khó khăn gay cấn
(21) Diorama: tạm dich là quang hoạ, là bức tranh hoạ theo một phương pháp làm cho mỗi lần chiếu vào một ánh sáng khác lại thấy hình vẽ trong tranh có một kẻ khác.
(22) Panorama.