Chương 14 & 15

    
Không gian trà đạo bao giờ cũng lắng đọng.
Câu nói của Phúc Vương khiến người đối diện khó mà trả lời nếu họ không phải dạng người dám nói thẳng, nói thật.
Mãn Ngọc nhớ đến Thường Như, nàng tự hỏi nếu là Thường Như thì sẽ trả lời Phúc Vương như thế nào?
Hồi lâu sau nàng mới nói: cám ơn ngài đã tiếp đón tôi long trọng như vậy – Người thật, Tiệc thật, Quà thật – tuy nhiên điều tôi cần bây giờ là một lời Nói Thật.
Phúc Vương: bất cứ điều gì cô cứ nói.
Mãn Ngọc: tôi đến đây chỉ để tìm một người bạn, huynh ấy là một người làm vườn bình thường. Nếu tôi đoán không lầm thì ngài đã từng gặp huynh ấy.
Phúc Vương: vì sao cô nghĩ như thế?
Mãn Ngọc: tôi chỉ nói với mọi người là “tìm một người bạn làm vườn” chứ chưa hề nói hai tiếng “nhà quê” bao giờ. Sao ngài lại biết huynh ấy có bề ngoài nom quê mùa?
Phúc Vương chống chế: ta chỉ đoán thế…
Mãn Ngọc: đã xem là bạn bè thì không phân biệt…
Nguyễn Vọng dù sao cũng là một Đại học sĩ, anh ta nghe thế liền lên tiếng: cô ta nói rất đúng, tại sao lại không thể tìm một người bạn? dù cho người đó chỉ là một người làm vườn bình thường?
Mãn Ngọc: huynh ấy với tôi là bạn bè tri kỷ, hơn nữa đã từng cứu mạng tôi, và dù cho huynh ấy có quê mùa dân dã đi nữa thì tôi vẫn hãnh diện khi có một người bạn như vậy.
Trần Hoành là chủ của các sòng bạc, gã chỉ quen nhìn nhận cuộc đời qua các sới bạc, không nhịn được thốt lên: cô hãy nhìn những tỳ nữ xung quanh, họ vô cùng xinh đẹp, khoác trên người nhưng trang phục đắt tiền nhất, họ vinh dự lắm mới được vào làm ở Vô Thường Đình này… họ có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến vị trí của cô ngày hôm nay, được ngưỡng mộ và trọng vọng như thế, cô hãy hiểu điều đó.
Gã muốn Mãn Ngọc hiểu rằng cơ hội của nàng đang đến, nếu biết tận dụng…
Mãn Ngọc lại không hiểu, nàng nói: tôi chỉ muốn tìm người ấy và trở về Mãn Đình Viện, tôi không hứng thú chốn Kinh Thành này.
Ngô Văn đỡ lời Trần Hoành: tòa lâu đài tôi tặng cô có khu vườn lớn gấp mười lần Mãn Đình Viện. Cô xứng đáng được sống ở đó với đội ngũ những người làm vườn lão luyện, với những cây Mãn Đình Hồng luôn là những cây hoa đẹp nhất.
Mãn Ngọc: cảm ơn ngài với thịnh tình như vậy, nhưng tôi vẫn muốn sống ở trang viện của mình, với những người bạn của mình hơn…
Đặng Hào lên tiếng: một người đẹp và tài giỏi như cô không nên chôn đời mình ở một nơi heo hút như thế. Cô nên biết có những thương nhân làm việc cần mẫn cả đời cũng không dám mơ sờ đến chiếc du thuyền chứ đừng nói là sở hữu nó. Vậy mà giờ đây cô có thể du ngoạn khắp dòng sông Ngân trong sự trầm trồ và ngưỡng mộ của hàng vạn người trên chiếc du thuyền màu hồng lộng lẫy…
Trịnh Xuất tiếp lời: cô có thể sở hữu những bảo vật trân quý nhất mà các mệnh phụ, những quý cô, mỹ nữ đẹp nhất Kinh Thành này chỉ dám đứng xa mà ngó…
Xem ra Mãn Ngọc có tất cả chỉ trong một khoảnh khắc.
Nhưng nàng lại nói: các ngài không hiểu thế nào là tình bạn hay sao?
Vũ Tam Gia bây giờ mới cất tiếng, lão là chủ ngân hàng, là kẻ có đầu óc nhất:
Cô cứ nhận tất cả và sau đó đi tìm người bạn của cô, đâu có ai ngăn cản điều đó? Cô có thể đón người làm vườn may mắn lên cỗ xe tứ mã và cùng anh ta đi dạo xung quanh Kinh Thành này. Cùng ăn uống ở những nhà hàng sang trọng nhất, mặc những bộ quần áo đắt giá và về sống ở lâu đài hùng vĩ nhất…
Lão hiểu rõ nếu Mãn Ngọc chấp nhận một cuộc sống xa hoa, chẳng mấy chốc tay làm vườn nào đó sẽ bị ra rìa.
Mãn Ngọc khó mà từ chối, nàng nhìn Phúc Vương và nói: ở đây tất cả đều là thật – người thật, tiệc thật, quà thật – nhưng cái tôi cần là một lời nói thật thì lại không có. Các ngài muốn dùng những lời hoa mỹ để ngăn cản tôi đến với người bạn cũ? Cho hỏi mục đích sau cùng của các ngài là gì?
Dường như có gió thổi trong trà thất.
Gió này là gió Thảo Nguyên, gió này là gió từ Phương Nam thổi lại…
Giữa trời đất bao la,
Tan rồi lại hợp, hợp rồi lại tan,
Kẻ thù và bạn hữu thật khó mà phân biệt…
Mãn Ngọc nói tiếp: tôi nghĩ các ngài sẽ không thẳng thắn trả lời câu hỏi này, vì thế tôi hẹn với các ngài ở Quảng Trường – ở nơi rộng lớn và mênh mông nhất Kinh Thành, nơi duy nhất mà Công Lí và Tự Do còn có thể cất được tiếng nói - trước sau gì những mưu đồ đen tối rồi sẽ phải lộ diện và sẽ phải trả giá…
15
Khi Thường Như tỉnh lại, nàng thấy mình đang ở một nơi xa lạ, xung quanh là tuyết phủ và làn sương mờ ảo, một cành cây khô đang rung rinh trong gió.
Phía xa xa có một người đứng, nàng nhận thấy mình chưa gặp người này lần nào.
Người đó quay lại, tiến đến gần và nói “Chào cô… ta là Phiêu Vân Tử”
Phiêu Vân Tử - Thường Như nhớ là Vũ Tuân đã từng nhắc đến tên người này.
Phiêu Vân Tử để tóc dài, mặc chiếc áo đạo bào màu xám… ông ta là người cùng thời với Ngư Phúc, nghĩa là đã già rồi… nhưng không hiểu sao lại nom rất trẻ, có lẽ cuộc sống trên núi cao, lạnh lẽo làm người ta trẻ lâu như vậy.
Thường Như hỏi: đây là nơi nào?
Phiêu Vân Tử: đây là đỉnh của núi Vua.
Thường Như: phải chăng ông đã cứu tôi.
Phiêu Vân Tử: không phải.
Thường Như: vậy sao tôi lại ở đây?
Phiêu Vân Tử: có một người mang cô đến đây.
Nàng hỏi Phiêu Vân Tử: người đó có xưng danh không? 
Phiêu Vân Tử: “mọi điều trong cuộc sống đều là định mệnh” – người đó nói xong rồi đi mất, ta chưa bao giờ thấy ai biến đi nhanh như vậy.
Thường Như đứng trên đỉnh núi Vua, tà áo trắng của nàng như hòa lẫn vào màn sương tuyết, nàng ngước mặt đón làn gió lạnh…
Nàng thấy một thanh đao cắm trên vách đá, chính là thanh Yến Nguyệt Đao của Vũ Tuân, bao năm trôi qua nó vẫn nằm ở đó.
Phiêu Vân Tử cất lời cảm khái: “Hào kiệt đi rồi đao để lại”
Thường Như muốn khóc mà không khóc được, nàng sợ nước mắt sẽ phá đi cái không khí trong ngần này.
Phiêu Vân Tử: ta tưởng là chắc thắng rồi nên xông tới, không ngờ thanh đao nhỏ của Vũ Tuân đã kề vào cổ. Sau việc đó hai chúng ta kết thành bạn thân, và ta mới hiểu rằng Vũ Tuân thực sự không phải là một kẻ tàn ác, hay một tay sai mù quáng, y là một người yêu ghét rất phân minh.
Lão trầm ngâm nói tiếp: ta khuyên y nên rời bỏ Kinh Thành, y nói sẽ từ bỏ ngay khi có dịp, và lần gặp cô chính là một cơ may…
Thường Như chìm vào suy tưởng.
Ông ta dừng lại nhìn Thường Như, ngạc nhiên: sao cô lại xúc động thế?
Môi Thường Như  hơi run rẩy: thanh kiếm bằng gỗ…?
Phiêu Vân Tử: thanh kiếm gỗ đó không phải là kiếm thường, đó là một bảo kiếm tên Thiết Huyền Kiếm.
Ông ta có phần ngạc nhiên khi thấy Thường Như xúc động như vậy, nhưng cũng nói tiếp: Bọn ta hào khí ngất trời, lúc nào cũng đi đầu trong bất cứ việc gì, đặc biệt là Cuồng Kiếm Vô Song. Trong năm người bọn ta thì y trẻ tuổi nhất, đó là một thanh niên đẹp trai, hào hoa phong nhã, kiếm thuật cao siêu… nhưng bản tính dễ tin người nên vì thế lọt vào bẫy của Dịch Hoàng.
Thường Như: Dịch Hoàng?
Phiêu Vân Tử  gật đầu: Dịch Hoàng là một kẻ thâm trầm, tàn bạo, sẵn sàng bất chấp thủ đoạn khi làm một công việc gì đó. Hắn kết làm huynh đệ “đồng sinh đồng tử” với Cuồng Kiếm Vô Song, mượn tay y làm đủ thứ chuyện, đến khi Cuồng Kiếm Vô Song phát hiện ra thì tay đã dính máu rồi… y bỏ đi biệt tích, bọn ta sau này cũng lần lượt ra đi cả… chỉ còn có Dịch Hoàng là ở lại.
Thường Như: không lẽ không làm gì được hắn sao?
Phiêu Vân Tử cười: Dịch Hoàng  ngày càng trở nên hùng mạnh, đó chính là kẻ sau này mọi người gọi là… Minh Chủ.
Thường Như bất giác chảy nước mắt… nàng đã hiểu Cuồng Kiếm Vô Song là ai rồi, nàng cũng hiểu vì sao y lại chạy trốn tình yêu và hạnh phúc, dằn vặt và tự làm khổ mình như vậy.
Phiêu Vân Tử thở dài, lão buồn bã nói: một mình ta đâu có thể chống lại những thế lực to lớn, nếu không muốn bị giết chết hoặc thành kẻ đồng lõa thì ta chỉ có thể chui nhủi một thân một mình mà thôi.
Ta náu mình trong động nguyệt hang tà,
Và đêm đêm giữa canh trường khuya lạnh,
Ta lê gót giữa trời như băng thạch,
Lạnh lùng nhìn lữ khách chốn đầu non,
Trong mắt ta lửa địa ngục chập chờn…