- 1 -

Trên đời này còn có hai dạng người…
Dạng thứ nhất là người chẳng có tài sản, địa vị gì cả, nhưng luôn tỏ ra là mình có tất cả. Họ luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người, sẵn sàng cho bạn mượn tiền… chỉ rất tiếc là họ không có tiền và cũng chẳng có cái gì để giúp mọi người được.
Còn dạng người thứ hai thì ngược lại, họ có tất cả nhưng chẳng muốn giúp ai cả, hễ cứ mở miệng ra là than nghèo, kể khổ… làm như sắp có kẻ đến mượn tiền của họ không bằng.
Giả sử hai dạng người này mà gặp nhau, cùng ngồi với nhau ở một nơi nào đó thì sao nhỉ?
…………………………..
 
Hồ Vũ chắc thuộc dạng người thứ nhất, bởi vì y vốn dĩ là giáo viên tiểu học ở một trường làng. Khỏi phải nói thì ai cũng biết giáo viên trường làng khó có thể giàu được, nếu không muốn nói là thuộc dạng nghèo.
Nhưng Hồ Vũ sống rất hào sảng, vì thế mà y có khá nhiều bạn bè, hơn nữa y lại được thừa hưởng một miếng đất của ông bà để lại sát ngay bên dòng sông Đồng Nai, có người thuê lại miếng đất này để khai thác cát xây dựng.
Người đó là Kình Khá.
Mọi người chỉ đơn giản gọi y là Bác Kình.
Bác Kình chắc thuộc dạng người thứ hai vì y rất giàu có, có đến mấy cái Xáng-cạp, một chiếc Tàu kéo và bốn chiếc Sà-lan chở cát. Y cũng có đến bốn bà vợ, tỉ lệ với bốn chiếc Sà-lan của y. Vì thế Bác Kình luôn than nghèo kể khổ chuyện phải nuôi tới những bốn bà... Vài ba tháng y mới trả tiền thuê đất cho Hồ Vũ một lần, những lần đó y đều chờ để Hồ Vũ dẫn đi uống rượu. Hồ Vũ có tiền rủng rỉnh trong túi thì rất sẵn sàng mời bạn bè. Bố mẹ đã mất, cũng chẳng có anh chị em gì, vì thế đối với y chỉ có bạn bè là tất cả…
Bác Kình tỏ ra là người rất tự tin.
Nói chung thì bất cứ người đàn ông nào mà tiền chật túi thì đều tỏ ra tự tin như vậy.
Hồ Vũ cũng thế, hôm nay y rất tự tin vì trong túi rủng rỉnh có tiền.
Cả hai cùng ngồi ở một cái quán rất quen thân, bởi vì đó là quán của Bác Kình, đúng ra là quán của bà vợ thứ ba của y. Bác Kình đâu có thể để tiền của mình lại chảy ra ngoài được?
Một người đàn ông tự tin như Bác Kình thì khi nói chuyện tất phải đầy sức mạnh, khi cả hai đã hơi ngà ngà, y lè nhè với Hồ Vũ:
- Đm… anh nói cho chú biết… Sống trên đời này đừng có tin vào bất cứ thằng nào… có tiền là có tất cả, kể cả bạn bè. Có tiền, vung một cái, em út bám đầy như đỉa - Có tiền, vung một cái, đàn em tứ phía, được ca tụng, nịnh bợ tận mây xanh. Như con vợ anh đó, anh lo cho nó đủ thứ, nhà cửa này, hàng quán này, thế mà nó làm ăn thua lỗ anh cứ phải bù tiền hoài. Mà bán đắt thế này thì lỗ làm sao được, chẳng qua là nó mang tiền về cúng cho gia đình nhà nó… anh cứ là chửi nó như con chó…
“Con chó” của Bác Kình đâu có phải thuộc dạng tầm thường, mà là đẹp vô cùng, có thể nói là đẹp lộng lẫy thì mới đúng. Bà ta mặc một bộ bà ba mút-sơ-lin đời mới, cổ tròn xẻ rộng, tà ngắn xẻ cao phô diễn mọi đường cong của cơ thể, vừa kín đáo mà vừa lộ liễu. Cổ tay đeo một bộ vòng Ci-men cầu hai chục chiếc vàng chói sáng, mấy ngón tay xỏ vài chiếc nhẫn đính hột xoàn to tổ bố, còn trên cổ là một sợi dây chuyền rất khủng có hình ông phật Di-lặc bằng cẩm thạch đang cười tích toát.
Ông phật cũng được bọc vàng rất đẹp.
Hồ Vũ ngồi làm thinh nghe Bác Kình nói, y không hưởng ứng cũng không phản đối, dường như lời nói này tuy thô lỗ nhưng lại là sự thật. “Bà ba” tuy tất bật vẫn thỉnh thoảng lại ghé vào bàn dựa vai kề má với Bác Kình, cười cầu tài và cụng ly với Hồ Vũ.
Gọi là “bà” có vẻ không đúng vì “bà” còn rất trẻ… chừng như hăm bốn tuổi…
Cái quán này đông khách chắc cũng nhờ có “bà ba”, một người lúc nào cũng tươi tắn và sởi lởi.
Bác Kình thì thào: “anh đâu có thèm ghen làm gì, mấy thằng nào mê thì cứ đến đây ăn nhậu rồi nộp tiền cho nó, buổi tối thì nó về ngủ với mình, có mất cái đếch gì?”
Hồ Vũ không trả lời Bác Kình vì y không quan tâm lắm đến vẻ đẹp của “bà ba”, hạng đàn bà này ngoài đường có vô số. Họ có chút nhan sắc, biết cách ăn nói ngọt ngào, dễ dàng moi tiền từ những người đàn ông lắm tiền, nhiều của, mê gái. Họ lê la từ nhà hàng đến khách sạn, đánh đổi cả lòng tự trọng, sẵn sàng quen một người đáng tuổi cha, chú chỉ để được chu cấp vật chất đầy đủ, và vì thế họ dần dần trở nên chai lì và vô cảm.
Hồ Vũ ngồi đây vì y đang chờ đợi một người, một kẻ trọc phú như Bác Kình chỉ giống như con sâu bò trên cái áo…
Con sâu ấy đang ăn uống thật nhiệt tình, đang phun ra đủ thứ tào lao và đang lên mặt dạy dỗ mọi người về cách sống, về cách kiếm tiền.
Hồ Vũ  ngồi chờ mãi…
 
Không có tiền thường bị người khác nhìn với ánh mắt khinh thường, nhưng con người này có một cái dáng vẻ khiến người đối diện phải tôn trọng y mặc dù biết là y nghèo đấy.
Y là Văn Thiên Thành.
Văn Thiên Thành cao lớn, mũi thẳng, mặt vuông chữ điền, bộ râu quai nón còn ánh nét xanh xanh, nửa bên này nhìn cứ như cầu thủ Bagio của xứ Italy, còn nửa bên kia có một cái sẹo bỏng chạy dài bên má, xuống tận đến cổ khiến cho cái cần cổ của y cứ giật giật, vì thế mọi người còn gọi y là “Thành cháy”.
Y là kẻ nửa đẹp nửa xấu, nửa thiện nửa ác…
Hồ Vũ viết về y:
“không là trắng, chẳng là đen,
Chỉ là Thành cháy lem nhem, lờ nhờ.”
Văn Thiên Thành trước đây vốn là chủ lò gạch, sau một tai nạn sập lò làm chết mấy người thợ, bản thân bị bỏng nặng, y phá sản và quyết định chuyển sang nghề khác.
Đang trong tình trạng nợ nần chồng chất mà muốn làm một cái gì đó thì khó biết bao. Thế nhưng y có Hồ Vũ, thông thường thì người ta phải chờ đợi để được mượn tiền, còn Hồ Vũ thì lại phải chờ đợi để đưa tiền cho người khác mượn.
Người đó chính là Văn Thiên Thành.
Y biết rằng tiền trong túi nếu không đưa liền cho họ Văn thì sẽ xài hết.
Bác Kình lại nói: “hôm đó nếu chú không lao vào cứu người thì đâu có bị bỏng nặng như vậy.”
Văn Thiên Thành cũng làm thinh không nói gì, hình như bàn nhậu này chỉ có một người độc thoại, và người đó hình như cũng chẳng cần ai nói gì hết – Một mình y nói cho mọi người nghe là quá đủ rồi – Y đương thành công mỹ mãn và vô cùng tự đắc về những gì mình đã làm được.
Văn Thiên Thành không thích Bác Kình cho lắm, nhưng y cũng kính nể Bác Kình vài phần vì đó là một kẻ “tay trắng làm nên” thật sự. Từ một kẻ chân đất áo rách mà làm nên một cơ ngơi như vậy, có được đàn bà đẹp quấn quít như thế thì cái đầu của kẻ đó ắt không phải tầm thường.
Mặc dù y lưu manh thật.
Một kẻ thất học như Bác Kình nếu không lưu manh và thủ đoạn thì sao có thể trở nên giàu có được? Biết bao kẻ đã từng muốn triệt hạ Bác Kình nhưng không hạ nổi y, mà ngược lại, y đã từng bước, từng bước đi lên.
Y nói: “hôm đó nếu chú không lao vào cứu người thì đâu có bị bỏng nặng như vậy.”
Nếu là Bác Kình thì nhất định y sẽ không làm điều đó, nhất định không bị phá sản vậy, và nhất định là không phải đi mượn tiền, và nhất định sẽ…sẽ…
Con người mà càng đông thì lại càng giống như con kiến, có điều con kiến có đường bò của nó, của bầy đàn - còn con người thì lại bò loanh quanh, luẩn quẩn, nói chung là bò quanh mép chảo. Đến một ngày nào đó cái chảo được nung nóng lên và con người tất sẽ phải rơi vào bên trong… Văn Thiên Thành cũng vậy, y muốn thử sức mình ở trong “Chảo lửa”.
Cái “Chảo lửa” đó chính là đất SG hoa lệ quyến rũ, "gái sắc sảo mặn mà, trai đa tài đẹp mã", choáng ngợp và đầy cạm bẫy. Các cô gái quê mà lên trên này thì mười người hết cả mười một đi không trở lại, đam mê cuộc sống phồn hoa, không còn cái ý nghĩ trở về miền quê nghèo nàn ngày nào.
Đối với Hồ Vũ thì cái đất SG cũng không xa lạ gì, có một thời gian y học Cao Đẳng ở trên đó, bây giờ y cũng muốn đi cùng với họ Văn…
Văn Thiên Thành nói “tôi có một người bạn ở nơi đó…”
Hôm đó trời mưa tầm tã, mưa như trút nước ngoài vườn, như đổ nước trong nhà. Những tán lá dừa đong đưa, run rẩy trong cơn gió. Những giọt nước ở chái hiên nhỏ xuống bị gió thổi tạt vào làm cả bên trong và bên ngoài cùng ướt như nhau. Hồ Vũ cũng ướt chèm nhẹp nhưng y lại cảm thấy khoan khoái, y thích dầm mình trong mưa như vậy.
Căn nhà nhỏ của y sát ngay cạnh nơi khai thác cát, chỉ cách một con lạch nhỏ. Ngoài kệ sách và cái bàn, trong nhà có khá nhiều tranh. Hồ Vũ vốn là giáo viên dạy vẽ và nhạc. Thực ra thì nhạc hay họa cần phải có hai người dạy, nhưng ở cái trường nhỏ bé này thì một GV kiêm luôn cả hai… chứ biên chế nhiều quá thì không được mà cũng chẳng có ai nhận dạy nữa.
Chưa có gia đình nên Hồ Vũ ít khi ở nhà, y dành thời gian cho bạn bè hơi bị nhiều. Đôi khi y men theo con lạch, dưới những rặng dừa nước um tùm, ra tuốt  phía đằng sau, đó là nhà của ông Ba Tri, chỉ có hai vợ chồng già và hai người con, sống bằng nghề chăn nuôi và làm ruộng.
Ông Ba Tri nuôi đủ thứ, gà, vịt, ngỗng, heo mọi, cá chép…
Hồ Vũ khoái nhất là chơi với những con heo mọi, chúng rất tinh khôn, suốt ngày thơ thẩn kiếm ăn ngoài vườn, tối tự chui vào chuồng để ngủ và nhảy xuống sình để ngâm khi trời nóng.
Có ai lại không yêu một không gian thanh bình và hiền hòa như thế?
Ở nơi đó buổi tối giấc ngủ chìm trong tiếng ếch nhái kêu và côn trùng rả rích, bình minh thức dậy trong tiếng chim hót véo von và tiếng lá reo ca…
Hồ Vũ vẽ rất nhiều, y vẽ cảnh bình minh thức dậy trong những giọt sương long lanh, cảnh mặt trời lên chiếu cái ánh nắng vàng tinh khôi qua từng kẽ lá, lấp lánh trên mặt nước. Vẽ cái không khí dường như ấm lên trên từng mái lá, từng bờ đất… cái cầu tre nho nhỏ bắc ngang qua con lạch quanh co. Vẽ buổi hoàng hôn trầm ấm với những hàng mây thẫm đỏ, những tia sáng cuối ngày trải dài theo dòng sông, buồn bã bên những cái cọc gỗ chơ vơ hay một con thuyền đã mục từ lâu.
 
Ông Ba Tri còn có một cô con gái…
Hồ Vũ vẽ cô gái đứng bên ngôi nhà lá đơn sơ trong ánh nắng vàng rực rỡ. Vẽ cô đang ngồi mệt mỏi đan những chiếc thúng để đựng lúa, cái bung, cái lọp để đặt tôm hay cái bội nhốt gà...
Cô gái hiền lành và dịu dàng, có thể nói là cô rất đẹp.
Chỉ đáng tiếc là cô lại bị mù.
Một cơn sốt cao thuở nhỏ đã làm hai mắt cô mờ hẳn và bây giờ chỉ nhìn thấy sự vật như trong làn sương phủ. Có thể vì thế mà cô gái đẹp chịu an phận ở cái nơi nghèo nàn này?
Nếu có một thế giới Tâm linh thì thế giới đó hẳn phải như một dòng sông, luôn tuôn chảy, mãnh liệt và thuần khiết. Dường như những người mù lại có được cái đặc ân là dễ dàng hòa nhập và tắm mình trong dòng sông ấy.
Họ không nhìn được con người, nhưng họ lại Thấy được con người.
Hồ Vũ hay nói chuyện với cô gái, diễn tả cho cô cảnh hoàng hôn dần buông xuống, tưởng ra cái ánh nắng vàng rực rỡ trải trên từng ngọn lá hay lấp lánh trên từng con sóng. Còn cô gái lại kể cho Hồ Vũ nghe về tiếng thì thầm của ngọn gió, tiếng nước vỗ róc rách, hay tiếng gọi của màn đêm…
Hồ Vũ vẫn đi dạy học hàng ngày, y yêu mến những đứa trẻ, cảm thấy thích thú những bức tranh ngô nghê, hồn nhiên và tràn đầy màu sắc. Nhưng đã đến lúc y cảm thấy cần phải từ bỏ tất cả, y muốn đi tìm một chân trời mới, muốn đến một nơi rộng hơn, muốn thể hiện mình ở một nơi cam go hơn, muốn nhìn nhận cuộc sống ở nơi sâu xa nhất.
Đó là điểm y khác với Văn Thiên Thành.
Cũng như Bác Kình, Văn Thiên Thành xác định rất rõ cuộc sống là làm ăn, là làm giàu… Có giàu có rồi thì mới nghĩ đến chuyện gì đó khác được.
Khi Bác Kình còn là một người làm thuê cho ông Mười, còn gọi là ông Mười Cân vì ông là chủ một tiệm chuyên sửa cân thì y nhận ra một điều – đó là tất cả các tiểu thương ngoài chợ, từ bà bán thịt đến ông bán gạo đều mang cân đến cho ông Mười chỉnh sửa, kẻ mua vào chỉnh cân non hơn, kẻ bán ra thì chỉnh cân già đi… từ một người bán hàng rong, mua ve chai cho đến chủ một đại lý lớn đều thấm nhuần cái câu “mua gian bán lận”.
Đó là bài học đầu đời của Bác Kình.
Y đã có một bứt phá ngoạn mục để thoát khỏi cái kiếp làm thuê là lấy ngay cô con gái của Mười Cân – Y còn hơn ông ta ở chỗ thay vì chỉ sửa chữa, y chuyển qua “buôn bán các loại cân” và Bác Kình còn rút ra thêm một bài học nữa, đó là “mua rẻ bán đắt”, dìm giá kẻ bán và cắt cổ kẻ mua.
Y giàu lên trông thấy… đến một lúc nào đó thì Mười Cân lại trở thành người làm thuê cho y, cô vợ cưng ngày nào đã biến thành “con vợ già”, và chàng làm thuê Kình Khá nay đã trở thành “Bác Kình”.
Một Bác Kình đang nói thao thao bất tuyệt…
Cho đến tận bây giờ Bác Kình vẫn còn nhớ rõ buổi chiều ngày hôm đó, bởi vì lâu lâu  y vẫn còn kể lại câu chuyện này…
Chiều hôm đó thật là kỳ lạ, ráng chiều không vàng mà lại đỏ au, có con chim đậu trên ngọn cây hót líu lo, líu lo. Bác Kình đang ngồi sửa nốt chiếc cân cuối cùng để chuẩn bị dọn hàng, ông Mười Cân thì đã đi dự đám giỗ từ trưa, phía đằng sau cô con gái đang nấu bếp.
Đang chăm chú sửa cân thì Bác Kình cảm thấy có một đôi mắt đang nhìn y chằm chằm, ngẩng lên thì thấy đó là một ông già mặc một bộ đồ bèo nhèo, cũ kỹ, đeo một cái túi nhỏ, đôi mắt đen đen, buồn buồn, ảm đạm. Là người đã từng vất vả làm thuê làm mướn nên chỉ nhìn sơ là họ Kình đã biết ông già này chắc là đang đói, có lẽ từ sáng đến giờ, cũng có khi là từ tận hôm qua, ông ta chưa có cái gì “bỏ vào bụng”. Thời đó cuộc sống rất khó khăn, nhiều người bị đi kinh tế mới chịu cực chịu khổ không nổi, phải lần mò chui nhủi, đi bộ hàng trăm ki lô mét về lại SG, ông già này chắc không là ngoại lệ.
Lúc đó chắc lòng tốt của chàng trai họ Kình cũng còn to lắm chứ chưa teo tóp như bây giờ nên y đã làm một việc mà sau này y cảm thấy là “hên kinh khủng”, đó là mời ông già ăn vài chén cơm… cũng may là hôm đó không có ông Mười Cân, đúng là cái điềm trời sắp đặt.
Bữa cơm chỉ có Bác Kình, con gái ông Mười và ông già, ông ta quả là quá đói nên không hề khách khí, ăn uống tận tình… ở đời “miếng ăn là miếng tồi tàn”, nhất là cái thời đó - cả hàng triệu con người phải chạy ăn từng bữa - có nhiều người cảm thấy ăn một miếng của người khác là đau khổ lắm - Ông già này cũng thế, chắc lúc trước ông ta cũng không phải là kẻ tầm thường, vì thời thế thay đổi, bể dâu xào xáo nên mới sa cơ lỡ vận mà phải đi ăn mày, ăn chực… những con người như thế khi ăn một của ai thì họ muốn trả mười “ăn quả khế, trả cục vàng”, đó là cái Tâm của những Đại Nhân sống ở trên đời, mà ai may mắn gặp được họ thì có khi thay đổi được cả một kiếp vận.
Ăn uống xong, khi cô con gái mang đồ xuống bếp dọn dẹp, trước khi từ giã, ông già uống miếng nước rồi nói “tôi năm nay đã trên ngũ tuần, qua cái tuổi “tri thiên mệnh” rồi, sắp đến cái tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” mà lại sa cơ nghèo khó, nay được cậu đãi cho một bữa cơm, có được sức đi tiếp mà tìm về mái nhà xưa để có chết cũng cam lòng, thôi thì chẳng có cái gì, tôi chỉ đáp lại bằng một lời khuyên của người đi trước, theo hay không là tùy ở cậu…”
- Ở đời người đàn ông khi trưởng thành lấy vợ là việc tối quan trọng, nếu lấy một người vợ tốt thì có thể được cả sự nghiệp, còn nếu lấy nhằm một người không ra gì thì có thể mất tất cả, vua thì có thể mất nước, tướng thì có thể mất mạng…  Nếu tìm được một người con gái có quý tướng mà lấy làm vợ thì không có gì bằng – Nay tôi thấy cô gái vừa rồi tuy xấu xí nhưng lại có cốt cách, tướng mạo của Rùa Vàng, nếu cậu lấy được làm vợ thì tất sau này đại phú đại quý…
 
Cô con gái của Mười Cân quả là xấu thật, hai mắt hum húp y như mắt rùa, lỗ tai thì nhỏ, tóc thưa mà cằm lẹm, cái mũi thì hin hỉn, miệng thì rộng mà môi trên lại quặp xuống môi dưới, nom gương mặt cô ta giống hệt con rùa. Cái tướng của cô ta mới là xấu tệ, vừa lùn, vừa mập mà lại khum khum… đi đứng thì chậm chà chậm chạp, đúng là tướng của con rùa. Thảo nào mà tuy cô ta con nhà khá giả, quá tuổi cập kê mà chưa thấy có đám nào đến dạm hỏi. Lão Mười Cân lâu lâu còn tặc lưỡi “nhìn nó giống y hệch con gùa… bố thằng nào nó mà thèm lấy”.
Ấy thế mà ông già lại nói cô ta có cái cốt của Rùa Vàng mới lạ chứ? Cô ta chỉ có nước da là sáng hồng và đôi bàn tay, bàn chân thon thả rất đẹp.
Người mà có tướng rùa thì từ mặt mũi đến vóc dáng, cách đi đứng… phải giống hệt con rùa, nhưng nếu nước da mà đen nhẻm, chân tay thô kệch thì là tướng con “Rùa Đen” cực khổ, hạ tiện cả đời. Còn nêu da trắng sáng, tai nhỏ nhưng dái tai lại dày, bàn chân bàn tay thanh quý thì lại là tướng “Rùa Vàng”, vượng phu ích tử. Tướng “Rùa Vàng” khi mới đẻ thì đầu trọc lóc, láng bóng, được ba tháng tuổi nhìn đưa bé nom giống như ông phật con, không khóc, không cười, đặt đâu nằm im đó. Gia đình nào mà đẻ con gái có tướng Rùa Vàng thì đang nghèo sẽ hóa giàu, đang giàu thì sẽ thành đại phú, đại gia… Cha đang làm công chức chính quyền thì tất sẽ được thăng chức, vinh hiển làm quan to… Còn đàn ông mà lấy được họ làm vợ thì sẽ công thành danh toại, phú quý tột bực.
Cô con gái của Mười Cân tuy xấu xí nhưng từ bé lại ở trong nhà, chỉ nấu nướng làm việc vặt chứ đâu có cực khổ chịu mưa nắng gì nên da trắng hồng, chân tay thon nhỏ đẹp đẽ, tai nhỏ mà dái tai dày và có khuyên tròn, đúng là có quý tướng “Rùa Vàng”, thảo nào mà từ khi đẻ con gái lão Mười Cân khá lên thấy rõ, nhưng cái đầu ngu si của lão đâu có biết cái chuyện đó.
Từ lúc nghe ông già nói thì Bác Kình nhìn cô con gái của Mười Cân bằng con mắt khác, lâu lâu y lại giúp cô bưng bê này nọ, hót vào tai cô ta vài câu ong bướm. Cô con gái xấu xí của lão Mười từ lúc dậy thì đến giờ vẫn chưa có mảnh tình vắt vai nào nên con tim thổn thức lắm, nhất là chàng trai họ Kình nom bề ngoài cũng đâu đến nỗi…
Từ khi lấy được cô gái có cái tướng “Rùa Vàng” con của ông chủ Mười Cân, cuộc đời của chàng trai Kình Khá lên hương trông thấy. Vì thế sau này khi nằm ôm mấy cô vợ trẻ đẹp trong vòng tay, mây mưa cho thỏa cái chí của thằng đàn ông lắm tiền nhiều của, Bác Kình vẫn không dám bỏ bà vợ lớn nay đã già nua còm cõi vì sợ sẽ mất đi cái hên ngày nào.