Chương 12 & 13

    
Ánh thu tàn úa buông lơi,
Gió mùa đông đã chớm nơi thềm nhà…
Bây giờ đã là tiết Lập Đông, trời se se lạnh, mưa phùn lất phất, Mãn Ngọc gọi các gia viên đến để dặn dò công việc chăm sóc Mãn Đình Viện, nàng quyết định lên đường.
Nàng muốn sống bình yên, nhưng giờ thì không được nữa. 
Thảo nguyên bát ngát một màu xanh, nơi đó thật thanh bình, nhưng cũng ẩn chứa bao điều bất trắc.
Mãn Ngọc đi đêm ngày không nghỉ, qua bao ngọn đồi, bao triền núi, bao vùng đất lạ… một ngày kia nàng thấy xa xa sáng rực ánh vàng chói lọi.
Sinh Tử Hoàng Kiều.
Muốn vào được Kinh Thành thì phải vượt qua được cây cầu… đó là sự thách thức đối với tất cả cao thủ trên thảo nguyên, và hơn nữa là cả thế giới này… 
Mãn Ngọc từ từ tiến lại, nàng đặt chân lên chiếc cầu huyền thoại, không hề biết rằng Thường Như và Liệt Hỏa Trường Hận đã từng thất bại ở đây.
Muốn vượt qua Sinh Tử Hoàng Kiều quả là vô cùng khó.
Giữa cầu có hai kẻ chặn đường.
Hai người khổng lồ râu rậm, chính là Song Báo.
Lang Nha Báo đã bị đày xuống Luyện Ngục, hai kẻ còn lại là Lưu Tinh Báo và Thiết Tử Báo. Tuy đã bị mất cái thế kiềng ba chân, nhưng muốn vượt qua được Song Báo cũng không phải dễ dàng.
Mãn Ngọc đứng trước họ, đã nhỏ bé càng thêm nhỏ bé.
Màu hồng của nàng càng sáng lên trên chiếc cầu vàng chói.
Một người nói: ta là Bắc Phương Lưu Tinh Báo, còn đây là Thiết Tử Báo, chắc cô đã nghe danh.
Mãn Ngọc gật đầu, thực ra nàng chẳng biết ai…
Lưu Tinh Báo: cô nên quay trở về, nơi này không dành cho những người như cô.
Mãn Ngọc: tôi đến đây để tìm một người bạn.
Lưu Tinh Báo: khó mà có thể tìm bạn bè ở những nơi như thế này, đối với cô đó chính là con đường chết.
Có vẻ Lưu Tinh Báo biết rất rõ về Mãn Ngọc.
Gã là một thương nhân lăn lộn trên thảo nguyên nhiều năm, tất nhiên mọi xó xỉnh nào cũng phải biết, Mãn Đình Viện đâu có gì xa lạ.
Thiết Tử Báo bây giờ mới lên tiếng: bọn ta chiến đấu vì tiền, nhưng không phải vì thế mà không phân biệt đúng sai.
Song Báo có thể không là những người lương thiện, nhưng chắc chắn luôn là những kẻ sòng phẳng.
“Sòng phẳng là tri kỷ” – đó là câu cửa miệng của những thương nhân. Khi nói ra những lời đó là họ muốn thể hiện sự sòng phẳng đối với Mãn Ngọc, một sự sòng phẳng về tinh thần.
Tiếp theo không phải là lời nói suông nữa mà là tiếng rít của vũ khí.
Mãn Ngọc đã hạ quyết tâm, không lùi bước trước bất kỳ trở ngại nào. Kinh Hồng Kiếm là một dải cầu vồng bảy sắc, không nao núng trước hai vũ khí hạng nặng là Lưu Tinh Chùy và Thiết Tử Quải.
Vài chục chiêu đã trôi qua, Mãn Ngọc phát hiện ra càng đánh lâu thì nàng càng có lợi thế.
Song Báo ngày càng trở nên chậm chạp. Sử vũ khí nặng thì phải đánh nhanh, rút gọn, nhưng họ không làm được điều đó, họ không thể đánh trúng Mãn Ngọc được.
Lưu Tinh Báo thở phì phò, Lưu Tinh Chùy đánh vào thành cầu phát ra những tiếng ầm ầm dễ sợ. Thiết Tử Báo còn tệ hơn nữa, gió lạnh của tiết lập đông cũng không ngăn cản được những giọt mồ hôi tuôn chảy trên mặt gã, Thiết Tử Quải trở nên quờ quạng.
Họ cùng dừng tay lại.
Mãn Ngọc: tôi đến đây để tìm một người bạn chứ không phải là để giết người.
Nàng vẫn ung dung, chưa có vẻ gì là mệt mỏi.  
Song Báo dường như cũng không cố đánh, kẻ thuê họ có lẽ cũng chỉ cần đến đó… bởi vì cánh cổng Kinh Thành đang từ từ mở rộng… Mãn Ngọc thấy một phú gia áo gấm hoa lệ, mập mạp phương phi, có gương mặt tươi cười như ông Thần Tài, dẫn theo cả một đoàn người.  
Người áo gấm: ta là Phúc Vương, chủ nhân của Phúc Lạc Thành, rất hân hạnh được đón tiếp khách quý – nữ hiệp Mãn Ngọc, chủ nhân của Mãn Đình Viện với Kinh Hồng Kiếm nổi tiếng.
Phúc Vương: mấy ai có thể vượt qua Sinh Tử Hoàng Kiều? cô đã đến được đây thì có gì mà phải vội, việc đâu còn có đó. Đã là khách quý của Phúc Vương thì có việc gì nơi Kinh Thành này mà không làm được? Trước tiên tôi muốn mời cô đến Đệ Nhất Tửu Lâu để uống rượu và đàm đạo đã… 
Mãn Ngọc: tôi không uống rượu, chỉ uống trà thôi.
Phúc Vương: vậy thì ta sẽ tổ chức một đại tiệc trà…
13
Đại tiệc trà thì không thể ở Đệ Nhất Tửu Lâu mà Phúc Vương chiêu đãi ở một nơi gọi là Vô Thường Đình.
Vô Thường Đình có những ngọn giả sơn bao phủ, những bụi trúc um tùm bên dòng suối chảy lững lờ, thật là một nơi hài hòa, tĩnh lặng, thanh khiết và sang trọng.
Phúc Vương tỏ ra rất sành về Trà Đạo.
Trà thất là một căn nhà gỗ chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, có những chậu Mãn Đình Hồng đang trổ hoa, bên trong là tám chiếc bàn đá nhỏ.
Mãn Ngọc ngạc nhiên vì có sự chuẩn bị chu đáo đến như vậy.
Phúc Vương ngồi đối diện với Mãn Ngọc, hai bên còn có sáu người nữa - sáu người này chỉ cần nhìn thoáng qua cũng biết là những người không phải tầm thường.
Phúc Vương: giới thiệu với cô đây là những nhân vật nổi tiếng bậc nhất Kinh Thành.
Lão chỉ người ngồi bên trái Mãn Ngọc, người này mặt trắng, trán cao, nom rất thông minh, anh tuấn: đây là Nguyễn Vọng, tài cao học rộng nhất nơi kinh kỳ. Lần đầu gặp gỡ Đại học sĩ thân tặng cô một quyển sách quý có tựa “Tàng Kinh Bí Phổ” để tỏ lòng ngưỡng mộ. 
Quyển Tàng Kinh có bìa bằng vàng được mang lên… xem ra có vẻ cái bìa sách  có khi còn có giá hơn là cái ruột.
Mãn Ngọc là người mê sách, được tặng sách quý tất nhiên nàng không khỏi cảm động.
Phúc Vương chỉ người ngồi bên trái, to lớn, râu rậm: còn đây là Trần Hoành, tuy không biết đánh bạc nhưng lại là chủ nhân của các sòng bạc lớn.
Trần Hoành chỉ tặng một món quà nhỏ mọn là một… xấp chi phiếu để Mãn Ngọc tạm chi tiêu.
Xấp chi phiếu được mang lên, dày cộp, nom cứ như là… cục gạch.
Về khoản đầu tư thì Trần Hoành là số một… bằng chứng là nếu nói về khoản… vợ thì cho họ xếp hàng chắc phải dài cả… trăm thước…
Người ngồi cạnh Nguyễn Vọng tên Ngô Vân, mình cao, tay dài, mặt cũng dài, lão là một đại điền chủ.
Ngô Vân muốn tặng Mãn Ngọc một tòa lâu đài bên dòng sông Ngân.
Quà tặng của lão có thể làm người được tặng… té xỉu, nhưng Mãn Ngọc dường như… không coi trọng lắm, nàng có vẻ dửng dưng làm Ngô Vân hơi phật ý.
Ngô Vân là kẻ hào phóng rất đúng nơi đúng chỗ, còn không thì đố mà lấy của lão được một cắc.
Ngồi cạnh Trần Hoành là Vũ Tam Gia, mặt to tai lớn, chủ ngân hàng. Vũ Tam Gia cũng muốn tặng một cỗ xe tứ mã để Mãn Ngọc có thể đi dạo quanh Kinh Thành.
Mới nói đến đó mà đã nghe bên ngoài tiếng ngựa… hý vang.
So với tài sản của lão thì quà tặng này có phần hơi nhỏ, Phúc Vương ngoài mặt không thể hiện gì nhưng trong bụng không bằng lòng lắm. Mấy tay chủ ngân hàng nào mà không… keo cú cơ chứ?
Người ngồi bên trái Phúc Vương tên Đặng Hào, hồng diện phương phi, chủ của nhiều đội thương thuyền. Đặng Hào muốn tặng Mãn Ngọc một chiếc du thuyền để đi chơi trên sông Ngân trong những đêm trăng.
Nghe đồn Đặng Hào với Phúc Vương như cá với nước – hẳn họ muốn đưa Mãn Ngọc vào cái… ổ nhền nhện trên du thuyền.
Người cuối cùng là Trịnh Xuất, mặt choắt râu chuột, chủ của nhiều tiệm vàng bạc đá quý. Bộ ấm trà bằng ngọc phỉ thúy mà Mãn Ngọc đang dùng chính là món quà ra mắt của ông ta.
Trịnh Xuất là người thâm trầm, nếu không có gì quan trọng thì lấy xà beng… cạy lão cũng không mở miệng.
Tất cả những người này được xem như là thành phần ưu tú nhất Kinh Thành - và hôm nay họ cùng có mặt.
Nếu không phải là Phúc Vương thì có ai làm được điều đó?
Phúc Vương tỏ ra rất tự tin, lão biết không người đàn bà nào là không rung động khi được trọng vọng như vậy, trước những món quà quí giá như thế.
Sau vài tuần trà, lão nói với Mãn Ngọc một câu rất là mạnh bạo:
- Tất cả những người ở đây đều là những danh gia phú quí bậc nhất nơi Kinh Thành. Họ đều muốn kết giao với cô, ngưỡng mộ và sẵn sàng tặng cô những món quà quí giá nhất - Vậy thì cô còn cần tìm một người làm vườn nhà quê để làm gì?