Dịch giả: Hoàng Khoa Khôi
- 5 -
TECMIĐO[1] XÔ VIẾT


Tại Sao Stalin Đã Thắng?

Sử gia viết về Liên Xô không thể không kết luận rằng đường lối của tầng lớp quan liêu lãnh đạo, trong các vấn đề lớn, chứa đầy mâu thuẫn và làm thành một loạt những đường “dích dắc” (ngoắt ngoéo). Giải thích hoặc biện hộ cho những “dích dắc” ấy bằng sự “thay đổi của tình thế” thì rõ ràng là không ổn. Lãnh đạo, ít ra trong một chừng mực nào, cũng phải dự kiến. Nhóm Stalin không dự cảm được chút nào những kết quả không tránh được của sự phát triển đã áp đảo lại họ nhiều lần. Họ chỉ chống lại bằng những phản xạ hành chính, tạo ra sau đó lý thuyết của những bước ngoặt, không hề nghĩ đến trước đó họ đã thuyết giảng những gì. Những sự việc và tư liệu không chối cãi được cũng buộc nhà sử gia phải kết luận rằng phía đối lập cánh tả đã phân tích những quá trình đang diễn ra trong nước đúng hơn rất nhiều và dự kiến tốt hơn nhiều những chuyển biến sau này.
Thoạt nhìn điều khẳng định ấy có vẻ mâu thuẫn với sự việc đơn giản là phân số của đảng ít khả năng dự kiến nhất lại thắng lợi không ngừng, còn nhóm sáng suốt hơn, lại đi từ thất bại này đến thất bại khác. Ý kiến phản bác đó là tự nhiên và chỉ có sức thuyết phục đối với những ai, vận dụng tư duy thuần lý vào chính trị, chỉ thấy ở đó một cuộc tranh luận lô gích hoặc như một ván cờ. Nhưng đấu tranh chính trị xét đến cùng là đấu tranh của những quyền lợi và lực lượng, chứ không phải của những luận điểm. Phẩm chất của những người lãnh đạo là yếu tố không phải là không quan trọng, nhưng không phải là yếu tố duy nhất, cũng không phải là yếu tố quyết định. Ngoài ra mỗi bên đối lập đòi hỏi những lãnh tụ theo hình ảnh của họ.
Nếu cách mạng Tháng hai (ở Nga) đã đưa Kêrenski và Sêrêtenli (Tseretelli) lên nắm quyền, không phải là những người này “thông minh hơn” hoặc “tài giỏi hơn” đám cận thần của Nga hoàng mà là họ đại diện, ít ra là tạm thời, cho quần chúng nhân dân cách mạng đang trỗi dậy chống chế độ cũ. Nếu Kêrenski đã có thể buộc Lênin sống trong vòng bất hợp pháp và đẩy vào tù những lãnh tụ bônsêvich khác, không phải là những phẩm chất cá nhân của ông ta đã khiến cho ông ta hơn được những người kia mà là do đại đa số công nhân, và binh lính trong những ngày đó còn đi theo giai cấp tiểu tư sản yêu nước. Cái “hơn” cá nhân của Kêrenski, nếu dùng chữ ấy không sai chỗ, đúng là ở chỗ ông ta không thấy được xa hơn đại đa số. Đến lượt những người bônsêvich chiến thắng nền dân chủ tiểu tư sản, không phải nhờ ở tính ưu việt của các lãnh tụ của họ mà nhờ ở sự tập hợp lại các lực lượng, giai cấp vô sản cuối cùng đã lôi kéo được giai cấp nông dân bất bình chống lại giai cấp tư sản.
Sự liên tục của các giai đoạn cuộc đại cách mạng Pháp, lúc lên cũng như lúc xuống, cũng chứng tỏ rõ ràng sức mạnh của những “thủ lĩnh” và những “anh hùng” trước hết là ở sự tương hợp ăn nhịp của họ với tính chất các giai cấp và tầng lớp xã hội ủng hộ họ; do cái mối tương hợp ấy chứ không phải do những tài ba tuyệt đối nhất của họ đã cho phép mỗi người trong họ ghi dấu ấn nhân cách của mình trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Trong sự lần lượt lên nắm quyền của những Mirabo (Mirabeau), Bơritxô (Brissot), Rôbetspie (Robespierre), Bara (Barras), Bônapactơ (Bonaparte) có một sự chính đáng khách quan, mạnh hơn rất nhiều so với những nét riêng biệt của mỗi nhân vật chủ chốt trong lịch sử.
Mọi người đều biết cho đến nay tất cả các cuộc cách mạng đều gây ra sau chúng những trào lưu phản động và cả những cuộc phản cách mạng; đúng là những cuộc phản cách mạng chưa bao giờ lôi đất nước trở về điểm xuất phát, nhưng bao giờ cũng cướp đoạt được của đất nước phần lớn những chiến quả đã giành được. Theo lệ thường, những người tiền phong, những người khởi xướng, những người cầm đầu quần chúng trong giai đoạn thứ nhất là những nạn nhân của đợt sóng phản động đầu tiên, trong lúc người ta thấy xuất hiện ở hàng đầu những người hôm qua còn đứng ở hàng thứ, những người này bắt tay với những kẻ thù hôm trước của cách mạng. Những cuộc đọ kiếm bi thảm của các vai trò chính trên sân khấu chính trị che giấu những bước trượt trong tương quan giữa các giai cấp, và - điều này cũng không kém quan trọng - những thay đổi sâu sắc trong tâm lý quần chúng, hôm qua còn mang tính cách mạng…
Trả lời nhiều đồng chí đã ngạc nhiên hỏi về hoạt động của đảng bônsêvich và giai cấp công nhân, sáng kiến cách mạng của họ, niềm tự hào, nguồn gốc bình dân của họ ngày nay thế nào, thay vì những phẩm chất ấy, từ đâu mọc ra ngần ấy thứ xấu xa, hèn hạ, nhút nhát, tâm lý ngoi lên, Racôpski (Rakovski) nêu lên những diễn biến của cách mạng Pháp thế kỷ XVIII và câu chuyện Babớp (Babeuf), ra khỏi nhà tù tu viện (Abbaye), cũng sửng sốt tự hỏi dân chúng anh hùng các ngoại ô Pari bây giờ như thế nào. Cách mạng là một hiện tượng nuôi sống nhiều nghị lực cá nhân và tập thể. Cân não không chịu đựng nổi, lương tâm ngã gục, tư chất hao mòn. Các sự kiện diễn ra nhanh quá khiến cho những sinh lực mới không kịp trỗi dậy bù cho những hao mòn mất mát. Đói khát, thất nghiệp, tổn thất về đội ngũ cán bộ cách mạng, sự loại trừ quần chúng ra khỏi những cương vị lãnh đạo, tất cả đã dẫn đến một sự suy kiệt thể xác và tinh thần sâu sắc của các vùng ngoại ô đến nỗi phải hơn ba mươi năm sau mới đứng dậy được.
Sự khẳng định mang tính tiên đề của các nhà báo Xô viết cho rằng những quy luật của các cuộc cách mạng tư sản “không” vận dụng được vào cách mạng vô sản, là không có một nội dung khoa học nào cả. Tính chất vô sản của cách mạng Tháng mười là do tình hình thế giới và do một tương quan nào đó của các lực lượng trong nước mà có. Nhưng ở Nga, bản thân các giai cấp đã hình thành trong lòng xã hội man rợ của thời Sa hoàng và một chế độ tư bản lạc hậu, và không được chuẩn bị sẵn sàng làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Không những thế mà còn hoàn toàn ngược lại: giai cấp vô sản Nga, còn lạc hậu về nhiều mặt, chỉ trong vài tháng, đã có bước nhảy chưa từng có trong lịch sử, từ một đế chế bán phong kiến sang nền chuyên chính xã hội chủ nghĩa. Chính vì thế mà trong giai cấp lao động, phe phản động nhất định đòi khuếch trương quyền của chúng. Nó (phe phản động) lớn lên trong những cuộc chiến tranh tiếp theo. Những điều kiện bên ngoài và các sự kiện không ngừng tiếp sức cho nó. Cuộc can thiệp này tiếp theo cuộc can thiệp khác. Các nước phương Tây không giúp đỡ trực tiếp. Thay vì hy vọng ấm no, đất nước lại lâm vào cảnh khốn cùng lâu dài. Những đại biểu ưu tú nhất của giai cấp công nhân đã chết trong nội chiến hoặc lên được vài bậc thì xa rời quần chúng. Sau một thời gian căng thẳng ghê gớm về sức lực, hy vọng và ảo vọng, bỗng đến một giai đoạn dài mệt mỏi, suy sút và vỡ mộng. Sự thoái trào của niềm “tự hào nhân dân” có hậu quả đem lại một cao trào của tư tưởng cơ hội ngoi lên và tâm lý hèn hạ, sợ sệt. Những ngọn triều ấy đưa tới chính quyền một tầng lớp lãnh đạo mới.
Sự giải ngũ một đạo hồng quân năm triệu người đóng một vai trò to lớn trong việc hình thành đẳng cấp quan liêu. Các tướng tá đã đánh thắng trở về nắm những cương vị quan trọng trong các Xô viết địa phương, trong sản xuất, trường học và ở đâu họ cũng khăng khăng áp đặt cái chế độ đã giúp họ đánh thắng trong nội chiến. Ở đâu quần chúng cũng dần dần bị loại khỏi việc tham gia thật sự vào chính quyền.
Hiện tượng trong lòng giai cấp vô sản ấy làm nảy sinh những hy vọng lớn và một niềm tin vững chắc trong giai cấp tiểu tư sản thành thị và nông thôn, càng ngày càng mạnh dạn hướng về một cuộc sống mới theo tiếng gọi của chính sách Tân kinh tế. Bọn quan liêu trẻ, hình thành lúc ban đầu để phục vụ giai cấp vô sản, tự thấy mình đóng vai trò trọng tài giữa các giai cấp. Ngày này qua tháng khác, chúng giành lấy quyền tự chủ nhiều hơn.
Tình hình quốc tế tác động mạnh mẽ theo cùng một hướng. Lớp quan liêu Xô viết ngày càng tự tin, tự đại song song với những thất bại ngày càng nặng nề của giai cấp công nhân thế giới. Giữa hai sự kiện đó, mối quan hệ không chỉ là thời gian, mà còn là quan hệ nhân quả và hỗ tương: sự lãnh đạo quan liêu phong trào lao động góp phần vào những thất bại; những thất bại lại củng cố chế độ quan liêu. Cuộc thất bại của khởi nghĩa Bungari và sự tháo lui không vinh dự của công nhân Đức năm 1923, cuộc thất bại nổi dậy ở Ettôni năm 1924, sự phá hoại bội phản của tổng bãi công ở Anh và hành động không xứng đáng của những người cộng sản Ba Lan đứng trước vụ đảo chính của Pinxuytki (Pilsudsky) năm 1926, cuộc thất bại khủng khiếp của cách mạng Trung Quốc năm 1927, những thất bại còn nghiêm trọng hơn nối tiếp theo ở Đức và ở Áo – đó là những tai ương lịch sử đã làm suy sụp lòng tin của quần chúng vào cách mạng thế giới và cho phép chế độ quan liêu Xô viết vươn lên ngày càng cao như một ngọn hải đăng soi đường cứu nguy.
Về nguyên nhân những thất bại của vô sản thế giới trong mười ba năm gần đây, tác giả buộc phải dựa vào những tác phẩm trước đây của mình trong đó đã cố gắng làm nổi bật vai trò tai hại của những lãnh tụ bảo thủ ở Cơremlanh đối với phong trào cách mạng các nước. Cái chúng ta chú ý đặc biệt ở đây là sự kiện hiển nhiên không chối cãi được: những thất bại liên tiếp của cách mạng ở Châu Âu và Châu Á vừa làm yếu vị trí quốc tế của Liên xô, vừa củng cố một cách lạ thường chế độ quan liêu Xô viết. Đặc biệt có hai ngày tháng đáng ghi nhớ trong cái chuỗi lịch sử ấy. Trong nửa cuối của năm 1923, công nhân Xô viết đặc biệt chú ý và say sưa theo dõi tình hình nước Đức, ở đó giai cấp vô sản hầu như sắp đưa tay ra nắm chính quyền; sự tháo lui hoảng sợ của Đảng cộng sản Đức là một thất vọng nặng nề đối với quần chúng công nhân Liên xô. Phái quan liêu Xô viết liền phát động ngay chiến dịch chống thuyết “cách mạng thường trực” và giáng cho phe đối lập cánh tả một đòn thất bại nặng nề đầu tiên. Năm 1926-27, nhân dân Liên xô lại một lần nữa dạt dào hy vọng; lần này mọi cặp mắt đều nhìn về phương Đông, nơi đang diễn ra tấm thảm kịch cách mạng Trung Quốc. Phe đối lập cánh tả đã hồi sức sau những lần thất bại và tuyển thêm được những chiến sĩ mới. Cuối năm 1927, cách mạng Trung Quốc bị dẹp tan do tay đao phủ Tưởng Giới Thạch, một tay sát nhân mà ban lãnh đạo Quốc tế Cộng sản đã đem công nhân và nông dân Trung Quốc nộp mạng cho y. Một làn sóng giá lạnh thất vọng lướt qua trên đám quần chúng Liên xô. Sau một chiến dịch điên cuồng trên báo chí và trong các hội nghị, bè lũ quan liêu quyết định tiến hành bắt bớ hàng loạt những người đối lập (1928).
Đúng là hàng vạn chiến sĩ cách mạng đã tập hợp dưới lá cờ những người bônsêvich – lêninit. Công nhân nhìn phái đối lập với một thiện cảm chắc chắn. Nhưng là một thiện cảm thụ động, bởi vì người ta đã không tin có thể thay đổi được tình hình bằng đấu tranh. Trong khi đó bọn quan liêu nói quả quyết: “Phái đối lập đang chuẩn bị để ném chúng ta vào một cuộc chiến tranh cách mạng cho cách mạng thế giới. Đảo lộn như thế là đủ rồi! Chúng ta xứng đáng được nghỉ ngơi đôi chút. Chúng ta sẽ xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở quê hương chúng ta. Các đồng chí hãy tin vào chúng tôi là những lãnh tụ của các đồng chí!” Việc tuyên truyền cho sự nghỉ ngơi, gắn chặt khối viên chức với quân nhân, chắc chắn sẽ tìm được sự hưởng ứng ở những người công nhân mệt mỏi và còn hơn nữa, ở quần chúng nông dân. Người ta tự hỏi không biết có phải phái đối lập sẵn sàng hy sinh quyền lợi của Liên xô cho “cách mạng thường trực” hay không? Thực ra chính những quyền lợi sinh tử của Liên xô mới đang bị đe dọa. Trong mười năm, đường lối sai lầm của Quốc tế Cộng sản đã bảo đảm thắng lợi cho Hítle ở Đức, có nghĩa là một nguy cơ chiến tranh nghiêm trọng ở phía Tây; một đường lối không kém sai lầm đã làm cho chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản mạnh lên, làm tiến lại gần hơn mối nguy cơ ở phía Đông. Nhưng đặc điểm chủ yếu của những thời kỳ phản động là do sự thiếu can đảm về mặt tư tưởng.
Phái đối lập bị cô lập. Phái quan liêu biết đánh vào sắt khi sắt còn đỏ. Biết lợi dụng sự hoảng loạn và thụ động của giới cần lao, đẩy những người lạc hậu nhất chống đối những người tiên tiến nhất, không ngần ngại dựa vào phú nông và nói chung dựa vào đồng minh tiểu tư sản, phái quan liêu chỉ trong vài năm đã thắng được bộ phận tiền phong của giai cấp vô sản.
Sẽ rất ngây thơ nếu tưởng rằng Stalin, vốn chưa được quần chúng biết tới, từ hậu trường đột nhiên bước ra sân khấu với một kế hoạch chiến lược có sẵn. Không! Trước khi Stalin nhận thấy lối đi của mình, lớp quan liêu đã nhận ra Stalin. Y đã cho họ mọi sự bảo đảm mà họ chờ đợi: uy tín của một người bônsêvich cựu trào, có tính cương quyết, có bộ óc thiển cận, có mối liên hệ mật thiết với các cơ quan, nguồn ảnh hưởng cá nhân duy nhất của Stalin. Ngay lúc đầu, chính y cũng ngạc nhiên đứng trước thành công của mình. Đó là sự nhất trí tán thành của một tầng lớp lãnh đạo mới đang tìm lối thoát ly khỏi những nguyên lý cũ như sự kiểm soát của quần chúng và đang cần có một trọng tài chắc chắn trong những công việc nội bộ. Là nhân vật đứng hàng thứ hai đối với quần chúng và cách mạng, Stalin vượt lên đóng vai trò lãnh tụ hiển nhiên của phái quan liêu tecmiđo, người số một trong những người tecmiđo (Tháng nóng).
Chẳng mấy lúc mà ta thấy tầng lớp lãnh đạo mới này phát hiện tư tưởng riêng của họ, tình cảm riêng của họ và cái quan trọng hơn hết, quyền lợi riêng của họ. Tuyệt đại đa số lớp quan liêu thế hệ hiện nay, trong cách mạng Tháng mười, đứng ở bên kia chiến lũy (chỉ nói riêng số chính khách Xô viết, đó là trường hợp của các ông Tôrôianôpski (Troyarovski), Maiski (Mayski), Pôchemkin (Potemkine), Xurit (Souritz), Khinsuc (Khintchouk) và những người khác…) hoặc, trong trường hợp khá hơn, đứng ngoài cuộc chiến đấu. Số quan liêu hiện nay, trong các ngày Tháng mười đã đi theo những người bônsêvich, phần lớn lúc đó không có vai trò quan trọng. Còn bọn quan liêu trẻ, chúng được huấn luyện và lựa chọn do bọn già và thường khi là trong đám con cháu của họ. Những người ấy đâu có muốn làm cách mạng Tháng mười. Họ càng có lý do lợi dụng cách mạng.
Lẽ cố nhiên các yếu tố cá nhân không phải là không có ảnh hưởng trong sự tiếp diễn đó của các chương lịch sử. Điều chắc chắn là bệnh tình và cái chết của Lênin đã đẩy nhanh sự kết thúc. Nếu Lênin sống lâu hơn, bước tiến của bọn quan liêu quyền thế sẽ chậm hơn, ít ra trong những năm đầu. Nhưng từ 1926, Cơrupcaia (Kroupskaia)[2] đã nói với những người đối lập cánh tả: “Nếu Lênin còn sống, chắc chắn sẽ bị ở tù”. Những dự kiến và những điều e ngại của Lênin đang còn nóng hổi trong tâm trí của nữ đồng chí ấy và đồng chí ấy không lầm về khả năng của Lênin đứng trước những sóng gió ngược chiều của lịch sử.
Bọn quan liêu không chỉ thắng đối lập cánh tả, họ còn thắng cả đảng bônsêvich. Họ đã thắng chương trình của Lênin khẳng định cái nguy cơ chính trong sự biến đổi các cơ quan Nhà nước “từ đầy tớ của xã hội thành ông chủ của xã hội”. Họ đã thắng tất cả địch thủ của họ – phái đối lập, đảng của Lênin – không phải bằng luận điểm, bằng tư tưởng, mà bằng cách đè bẹp dưới trọng lượng xã hội của họ. Phần thân sau xe bọc chì nặng hơn cái đầu của cách mạng. Đó là cách giải thích Tecmiđo Xô viết (Tháng nóng Xô viết).
Sự Thoái Hóa Của Đảng Bônsêvich
Đảng Bônsêvich đã chuẩn bị và giành được thắng lợi Tháng mười. Đảng đã xây dựng nên Nhà nước Xô viết, cho nó một rường cột vững chắc. Sự thoái hóa của đảng là nguyên nhân và hậu quả của sự quan liêu hóa Nhà nước. Cũng cần phải làm sáng tỏ, dù là tóm tắt, sự việc đã diễn ra như thế nào.
Chế độ nội bộ của đảng bônsêvich được đặc trưng bằng phương pháp dân chủ tập trung. Sự kết hợp của hai khái niệm ấy không bao hàm một mâu thuẫn nào. Đảng chăm lo sao cho những đường biên của mình bao giờ cũng rạch ròi, nhưng đảng muốn rằng những ai đã đi vào bên trong những đường biên ấy có thực sự quyền được xác định phương hướng chính trị của đảng. Sự tự do phê bình và đấu tranh tư tưởng là nội dung không thể xâm phạm được của nền dân chủ của đảng. Lý thuyết hiện nay tuyên bố rằng chủ nghĩa bônsêvich không chấp nhận sự tồn tại những phe phái là trái với thực tiễn. Đó là một huyền thuyết của thời suy thoái. Lịch sử của chủ nghĩa bônsêvich thực tế là lịch sử cuộc đấu tranh giữa các phe phái. Làm sao một tổ chức thật sự cách mạng tự cho mình mục đích đảo lộn thế giới, tập hợp dưới ngọn cờ của mình những người phủ định, những người nổi dậy, những chiến sĩ tuyệt đối can trường, lại có thể tồn tại và phát triển mà không có đấu tranh tư tưởng, không có nhóm, phái tạm thời? Sự lãnh đạo sáng suốt của đảng nhiều lần đã giảm nhẹ và rút ngắn các cuộc đấu tranh nhóm, phái, nhưng không thể làm hơn thế. Ban chấp hành trung ương dựa trên cái nền tảng sôi sục ấy, rút ra từ đó khả năng mạnh dạn quyết định và ra lệnh. Tính đúng đắn hiển nhiên của những quan điểm của trung ương ở mỗi giai đoạn hiểm nguy trao cho trung ương một uy quyền lớn, nó là cái vốn tinh thần rất quý của sự tập trung.
Chế độ của đảng bônsêvich, nhất là trước lúc nắm được chính quyền, hoàn toàn trái hẳn với chế độ hiện nay của Quốc tế Cộng sản, chủ trương bổ nhiệm các “lãnh tụ” theo tôn ti trật tự, qui định những bước ngoặt theo lệnh trên, những cơ quan không bị ai kiểm soát coi thường cơ sở, phục tùng Cờremlanh một cách thấp hèn. Trong những năm đầu sau khi nắm được chính quyền, khi đảng bắt đầu phủ một lớp rỉ quan liêu, bất cứ người bônsêvich nào, Stalin cũng như ai khác, sẽ coi là vu khống bỉ ổi kẻ nào dám chiếu lên màn ảnh hình ảnh của đảng như mười hoặc mười lăm năm sau này.
Lênin và những đồng chí thân cận luôn luôn lo lắng hàng đầu việc phòng ngừa cho hàng ngũ của đảng bônsêvich tránh khỏi những tệ lậu của chính quyền. Tuy nhiên sự kết nối mật thiết và đôi khi sự phối hợp các cơ quan của đảng và Nhà nước ngay từ những năm đầu gây ra thiệt hại không thể chối cãi cho sự tự do và mềm dẻo của chế độ nội bộ đảng. Nền dân chủ co lại cùng với sự gia tăng của các khó khăn. Đảng muốn, và ban đầu hy vọng, gìn giữ sự tự do đấu tranh chính trị trong khuôn khổ các Xô viết. Cuộc nội chiến đem đến cho niềm hy vọng đó một sự hiệu chỉnh nghiêm khắc, các đảng đối lập lần lượt bị giải thể. Các thủ lĩnh của chủ nghĩa bônsêvich coi những phương sách đó – những phương sách mâu thuẫn hiển nhiên với tinh thần dân chủ Xô viết – không phải là những quyết định có tính nguyên lý mà là những bức thiết mang tính giai đoạn của quốc phòng.
Sự lớn lên nhanh chóng của đảng cầm quyền, trước tình thế mới mẻ và lớn lao của các nhiệm vụ, không tránh khỏi làm nảy sinh những bất đồng quan điểm. Những trào lưu chống đối, ngấm ngầm trong nước, gây áp lực bằng nhiều cách lên đảng duy nhất hợp pháp, làm nghiêm trọng thêm tính gay gắt giữa các đấu tranh phe phái. Vào giai đoạn cuối của cuộc nội chiến, cuộc đấu tranh ấy mãnh liệt đến mức đe dọa làm lung lay chính quyền. Tháng ba 1921, đương lúc có cuộc nổi dậy ở Cơrôngstat (Cronstadt) lôi cuốn không ít người bônsêvich, đại hội X của đảng buộc phải cấm chỉ các phe nhóm, có nghĩa là mở rộng chế độ chính trị của Nhà nước sang đến sinh hoạt nội bộ của đảng lãnh đạo. Xin nhắc lại, sự cấm đoán những phe nhóm phải coi là một phương sách đặc biệt cần loại bỏ ngay, khi có một sự cải tiến đáng kể về tình hình. Vả lại ban chấp hành trung ương tỏ ra hết sức thận trọng khi áp dụng đạo luật mới này và đặc biệt rất chăm lo không bóp nghẹt sinh hoạt nội bộ đảng.
Nhưng những cái gì trong ý định ban đầu chỉ là biện pháp bức thiết tạm thời trước những tình huống khó khăn, thì nay lại rất hợp khẩu vị quan liêu; họ nhìn sinh hoạt nội bộ của đảng hoàn toàn dưới góc độ thuận tiện cho người cầm quyền. Ngay từ 1922, sức khỏe của Lênin tạm thời khá lên, Lênin hoảng sợ trước sự lớn lên đầy đe dọa của nạn quan liêu và chuẩn bị một cuộc tấn công vào nhóm Stalin, nhóm này đã trở thành cái cột trụ bộ máy đảng, trước khi chiếm lấy cái cột trụ bộ máy Nhà nước. Cuộc tấn công thứ hai của bệnh tật rồi cái chết không cho Lênin khả năng đọ sức với bọn quan liêu phản động.
Tất cả những cố gắng của Stalin, và có một lúc cũng là cố gắng của Dinôviep và Kamênep, nhằm giải thoát bộ máy đảng khỏi sự kiểm tra của các đảng viên. Trong cuộc đấu tranh ấy cho “sự ổn định” của ban chấp hành trung ương, Stalin là người nhất quán hơn hết và kiên định hơn hết trong đám các đồng minh của y. Stalin chẳng cần quay lưng với những vấn đề quốc tế vì y không bao giờ chú ý tới. Tâm lý tiểu tư sản của tầng lớp lãnh đạo mới là tâm lý của Stalin. Y tin tưởng sâu sắc rằng việc xây dựng chủ nghĩa xã hội là thuộc lĩnh vực quốc gia và hành chính. Y coi Quốc tế Cộng sản là một cái “bất lợi cần thiết” và phải tìm cách lợi dụng triệt để cho chính sách đối ngoại của Liên xô. Trước mắt y, đảng chỉ đáng giá như là một cơ quan biết tùng phục.
Đồng lượt với lý thuyết “chủ nghĩa xã hội thành công trong một nước”, một lý thuyết khác cũng được lập nên cho bọn quan liêu sử dụng. Theo lý thuyết này thì đối với chủ nghĩa bônsêvich, ban chấp hành trung ương là tất cả, đảng không là gì hết. Lý thuyết thứ hai ấy được thực hiện thành công hơn lý thuyết thứ nhất. Lợi dụng cái chết của Lênin, phái quan liêu bắt đầu mở chiến dịch tuyển người vào đảng, mệnh danh là “khóa Lênin”. Cánh cửa của đảng được canh giữ cẩn mật cho đến đó, bỗng mở toang: lao động, công nhân, viên chức lọt vào hàng mảng. Về mặt chính trị, vấn đề là làm tiêu tan bộ phận tiền phong cách mạng trong một chất liệu nhân sự thiếu kinh nghiệm và nhân cách, ngược lại chỉ biết vâng lời thủ trưởng. Ý đồ đó đã thành công. Giải thoát bọn quan liêu khỏi sự giám sát của bộ phận tiền phong vô sản, “khóa Lênin” đã đánh một đòn chí tử vào đảng của Lênin. Các văn phòng của đảng đã giành được sự độc lập mà họ cần có. Sự tập trung dân chủ nhường chỗ cho sự tập trung quan liêu. Các cơ quan của đảng được thay đổi triệt để từ trên xuống dưới. Vâng lời là đạo đức chính của người đảng viên bônsêvich. Dưới ngọn cờ chống phái đối lập, người ta thay thế những người cách mạng bằng những viên chức. Lịch sử của đảng bônsêvich trở thành lịch sử sự suy thoái nhanh chóng của đảng.
Ý nghĩa chính trị của cuộc đấu tranh hiện hành bị tối đi nhiều, bởi lẽ những người lãnh đạo của ba khuynh hướng, hữu, trung và tả đều thuộc bộ tham mưu là bộ chính trị ở Cờremlanh: nhiều đầu óc thiển cận tưởng đó là những hiềm khích cá nhân, là sự giành giật vai trò “kế nghiệp” của Lênin. Nhưng dưới một nền độc tài sắt, những mâu thuẫn xã hội ban đầu chỉ có thể biểu hiện trong thực tế qua các thể chế của đảng cầm quyền. Biết bao người tecmiđo xuất thân từ đảng Giacôbanh[3] mà Bônapăctơ (Bonaparte) buổi đầu cũng là một thành viên; và cũng trong đám cựu Giacôbanh mà vị Tổng tài thứ nhất và sau đó, hoàng đế nước Pháp, đã chọn lựa những tôi tớ trung thành nhất. Thời thế đổi thay, những người Giacôbanh, kể cả những người Giacôbanh của thế kỷ XX, càng đổi thay với thời thế.
Bộ chính trị thời Lênin nay chỉ còn có Stalin: hai thành viên trong đó, Dinôviep và Kamênep, những người trong những năm dài ở ngoại quốc đã cộng tác mật thiết nhất với Lênin, trong lúc tôi đang viết những dòng này, đang phải trả giá mười năm tù hãm vì một tội ác mà họ không làm; ba người nữa, Rưcôp, Bukharin và Tômski hoàn toàn bị gạt ra khỏi chính quyền mặc dầu người ta đã thưởng cho sự nhẫn nhục của ba người đó bằng cách giao cho những chức vụ thứ yếu, cuối cùng, tác giả của những dòng này thì bị đi đày. Cơrupcaia quả phụ của Lênin, bị nghi ngờ, dù đã cố gắng vẫn không biết thích nghi với Tecmiđo.
Trong lịch sử đảng, những thành viên hiện nay của bộ chính trị chỉ giữ những vị trí thứ yếu. Nếu trong những năm đầu của cách mạng, có ai tiên đoán họ sẽ lên được tới vị trí ngày nay thì chắc họ sẽ phải sửng sốt. Các thông lệ khẳng định bộ chính trị lúc nào cũng đúng, và không ai có thể có lý hơn bộ chính trị, càng được tăng gia áp dụng. Nhưng bộ chính trị lại không thể đúng hơn và trái với Stalin, Stalin thì không thể sai lầm, do đó không thể trái với chính mình.
Yêu sách đòi đảng trở về với dân chủ vào thời đó là yêu sách cương quyết nhất, tuyệt vọng nhất trong các yêu sách của các nhóm đối lập. Cương lĩnh năm 1927 của phái đối lập cánh tả đòi đưa vào bộ luật hình sự mục “trừng trị, như một tội phạm nghiêm trọng đối với Nhà nước, mọi sự hành hạ, ngược đãi trực tiếp hoặc gián tiếp người công nhân vì những lời nói phê bình của họ”. Sau này người ta lại thấy trong bộ luật hình sự một mục áp dụng cho sự đối lập.
Về nền dân chủ của đảng, chỉ còn lại những kỷ niệm trong ký ức của thế hệ già. Với thế hệ này, nền dân chủ của các Xô viết, nghiệp đoàn, hợp tác xã, tổ chức thể thao và văn hóa đã tan biến. Hệ thống tôn ti thứ bậc các bí thư trị vì lên tất cả. Chế độ mang tính chất cực quyền trước khi từ ngữ ấy đến với chúng ta từ nước Đức. Năm 1928 Racôpski viết: “Bằng những phương pháp làm bại hoại tinh thần, biến những người cộng sản có tư duy thành người máy, giết chết nghị lực, cá tính, nhân cách, bè đảng thống trị đã trở thành một chính thể đầu sỏ không thể bãi miễn và bất khả xâm phạm; và nó đã chiếm chỗ của giai cấp và đảng”. Từ ngày những dòng chữ bất bình này được viết ra, sự suy thoái đã tiến triển hết sức sâu rộng. Công an Ghêpêu (Guépéou) đã trở thành yếu tố quyết định trong sinh hoạt nội bộ của đảng. Tháng ba năm 1936, nếu Môlôtôp đã có thể tự ca ngợi trước một nhà báo Pháp rằng trong đảng cầm quyền không còn có đấu tranh phe phái, thì lý do duy nhất là vì các bất đồng quan điểm đã được giải quyết bằng sự can thiệp của bộ máy công an chính trị. Đảng bônsêvich cựu truyền đã chết, không còn sức mạnh nào làm nó sống trở lại được.
Song song với sự suy thoái chính trị của đảng, sự hủ hóa của bọn quan liêu không ai được quyền giám sát, càng tiến triển sâu sắc thêm. Áp dụng cho bọn công thức cao cấp đặc quyền đặc lợi, danh từ “xốp bua” (sovnour) – tư sản Xô viết - đã sớm đi vào từ vựng của công nhân. Với chính sách Tân kinh tế, các khuynh hướng tư sản được một mảnh đất thuận lợi hơn. Tháng ba 1922, Lênin đã cảnh tỉnh đại hội XI của đảng về sự hủ hóa của các giới lãnh đạo. Ông nói: nhiều lần đã xảy ra trong lịch sử, người chiến thắng lại tiếp thu cái văn minh của kẻ chiến bại, nếu nền văn minh này cao hơn. Chắc chắn là nền văn hóa của bọn tư sản và quan liêu Nga còn bần cùng lắm. Nhưng, than ôi! Các tầng lớp lãnh đạo mới đã phải nhường bước trước nền văn hóa ấy. “Bốn nghìn bảy trăm người cộng sản phụ trách điều khiển bộ máy chính phủ ở Matxcơva. Ai điều khiển và ai bị điều khiển? Tôi ngờ lắm nếu nói là người cộng sản điều khiển…” Từ đó, Lênin không còn dịp phát biểu trong các đại hội của đảng nữa. Nhưng trong những tháng cuối đời mình, tất cả tư tưởng của Lênin hướng về phía cần thiết phải đề phòng và vũ trang cho công nhân chống áp bức, độc đoán và sự hủ hóa của tầng lớp quan liêu. Nhưng Lênin chỉ mới quan sát những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh đó.
Cơritchian Racôpski (Christian Rakovsky), cựu chủ tịch Hội đồng dân ủy nhân dân Ucơraina (Ukraine), sau này là đại sứ Xô viết ở Luân Đôn và Pari, bị đi đày, năm 1928 gửi cho bạn bè một bài nghiên cứu ngắn về chế độ quan liêu mà chúng tôi đã viện dẫn vài dòng ở trên, bởi vì bài này là bài viết tốt nhất về vấn đề này[4]. Racôpski viết: “Trong tinh thần của Lênin và của tất cả chúng ta, mục tiêu của sự lãnh đạo của đảng chính là phòng ngừa cho đảng và giai cấp công nhân khỏi bị tan rã vì bởi các đặc quyền, lợi lộc, ân huệ là đặc thù của quyền lực, phòng ngừa mọi sự tiếp cận với những tàn dư của quý tộc cũ và giai cấp tiểu tư sản cũ, phòng ngừa ảnh hưởng làm bại hoại tinh thần, do chính sách Tân kinh tế, sức quyến rũ của các tập tục tư bản và ý thức hệ của chúng… Phải nói thẳng thắn, minh bạch, thật to rằng nhiệm vụ đó, các cơ quan của đảng không làm tròn, trong hai vai trò phòng ngừa và giáo dục, đảng đã tỏ ra bất lực hoàn toàn, đã phá sản, đã làm sai nhiệm vụ…”
Đúng là Racôpski sau này bị phái quan liêu đàn áp đánh gục, đã phủ nhận những lời phê phán của mình. Nhưng trong gọng kìm của tòa án Giáo hội, ông già bảy mươi Galilê (Galilée) buộc phải từ bỏ hệ thống Cơpecnich (Copernic), điều đó không ngăn cản được trái đất vẫn quay. Chúng ta không tin ở lời tự phủ nhận của ông già sáu mươi Racôpski bởi vì chính ông đã nhiều lần phân tích thẳng thừng những lời phủ nhận cùng loại. Lời phê phán chính trị của ông đã tìm thấy ở các sự kiện khách quan một nền móng vững chắc hơn là tính kiên định chủ quan của ông.
Việc nắm được chính quyền không chỉ thay đổi thái độ của giai cấp vô sản đối với các giai cấp khác, nó thay đổi cả cấu trúc bên trong của nó. Việc thi hành quyền lực trở thành công việc chuyên môn của một đẳng cấp xã hội nhất định, càng có ý thức cao hơn về sứ mệnh của mình, càng nóng lòng muốn giải quyết dứt khoát “vấn đề xã hội” của mình. “Trong Nhà nước vô sản, các đảng viên của đảng lãnh đạo không được phép tích lũy tư bản, sự phân biệt lúc đầu chỉ là chức vụ, rồi nó trở thành có tính chất xã hội. Tôi không nói nó trở thành phân hóa giai cấp, tôi nói nó trở thành phân hóa xã hội…” Racôpski giải thích: “Vị trí xã hội của một người cộng sản được sử dụng ô tô, nhà đẹp, nghỉ phép đều đặn và được lĩnh lương cao nhất do đảng định ra, khác với vị trí của người cộng sản làm trong hầm mỏ than, kiếm được 50 đến 60 rúp một tháng.”
Nêu lên những nguyên nhân suy thoái của những người Giacôbanh cầm quyền, sự làm giàu, sự cung cấp của Nhà nước.v.v… Racôpski nhắc lại một nhận xét thú vị của Babơp về vai trò trong sự biến đổi đó của các bà quý tộc rất được những người Giacôbanh săn đón. Babơp kêu lên: “Các ngài làm gì thế, hỡi các ngài bình dân thấp hèn kia? Hôm nay các bà ấy ôm các ngài, ngày mai các bà ấy cắt họng các ngài đấy…” Nhìn bản thống kê các bà vợ các lãnh tụ ở Liên xô, ta sẽ thấy một bức tranh tương tự. Xôtnôpski (Sosnovky), nhà báo Xô viết nổi tiếng, chỉ ra vai trò “nhân tố gara-ôtô” (gara: nhà để xe) trong sự hình thành chế độ quan liêu. Đúng là cùng với Racôpski, Xôtnôpski đã hối lỗi và từ Xibêri được tha trở về. Lề thói của bọn quan liêu không vì thế mà cải tiến. Trái lại, sự hối cải của một Xôtnôpski chứng tỏ bước tiến của sự bại hoại tinh thần, đạo đức.
Những bài báo cũ viết tay của Xôtnôpski vừa mới thảo ra đã được chuyền từ tay này sang tay khác, đúng là chứa đựng những tình tiết bất hủ của đời sống các lãnh tụ mới, chứng tỏ kẻ chiến thắng đã tiếp thu lối sống của kẻ chiến bại đến mức độ nào. Không trở lại với những năm tháng đã qua – năm 1934, Xôtnôpski cuối cùng đã đổi ngọn roi lấy cây đàn lia (từ phê bình sang ca ngợi) – chúng ta hãy dừng ở những thí dụ gần đây mượn trong báo chí Xô viết, không chọn những cái “thái quá” mà những sự việc bình thường, được dư luận khắp nơi thừa nhận.
Giám đốc một nhà máy ở Matxcơva, một người cộng sản có tên tuổi, ca ngợi trong tờ Sự Thật sự phát triển văn hóa trong nhà máy của ông. Một người thợ máy gọi dây nói: “Đồng chí ra lệnh cho tôi dừng búa hay cứ tiếp tục?” Ông nói: “Tôi trả lời: mày chờ một chút…” Người thợ máy nói rất lễ phép với ông giám đốc, ông giám đốc mày tao với người thợ máy. Và việc đối thoại xấu hổ ấy không có được trong một nước tư bản văn minh, ông giám đốc kể lại như một chuyện bình thường! Ban biên tập không phản đối, vì không có nhận xét gì; độc giả không phản đối, vì đã có thói quen. Chúng ta cũng đừng nên ngạc nhiên: trong các cuộc yết kiến trọng thể ở Kơremlanh, các “lãnh tụ” và ủy viên dân ủy mày tao với các thuộc viên, giám đốc nhà máy, chủ tịch nông trường, cai và thợ được mời đến để nhận huân chương. Có cần nhắc lại một trong những khẩu hiệu cách mạng phổ biến nhất dưới chế độ cũ là đòi chấm dứt việc các thủ trưởng mày tao với các thuộc viên?
Với tính cách sỗ sàng rất đế vương lạ lùng, những cuộc đối thoại của các lãnh tụ ở Kơremlanh với “nhân dân” chứng tỏ mặc dù có Cách mạng Tháng mười, có quốc hữu hóa các phương tiện sản xuất, có tập thể hóa và sự “thanh toán các kulak về mặt giai cấp”, quan hệ giữa người với người, và kể từ trên đỉnh của kim tự tháp Xô viết, không những còn xa mới vươn tới chủ nghĩa xã hội; trái lại, về nhiều mặt chưa tới được trình độ của các nước văn minh tư bản. Một bước lùi rất lớn đã diễn ra trong lĩnh vực quan trọng này trong vòng những năm gần đây, Técmiđo Xô viết đã tạo cho tầng lớp quan liêu thiếu văn hóa một sự độc lập hoàn toàn, ngoài mọi sự giám sát và dành cho quần chúng sự tuân theo chỉ thị, im lặng và vâng lời, hiển nhiên đó là nguyên nhân của sự trở về với nước Nga man rợ cổ xưa.
Chúng tôi không có ý nghĩ đem đối chiếu khái niệm trừu tượng chuyên chính với khái niệm trừu tượng dân chủ để đo lường tính chất tương phản trên đĩa cân của lý trí thuần túy. Mọi sự đều tương đối trong thế giới này, chỉ có sự đổi thay mới là vĩnh cửu. Sự chuyên chính của đảng bônsêvich là một trong những công cụ mạnh nhất của tiến bộ trong lịch sử. Nhưng ở đây, như lời nhà thơ nói, “lý trí trở thành điên cuồng cái hay thành cái dở” (Vernunft wird Ubsinn, Wohltat Plage). Việc cấm các đảng đối lập kéo theo việc cấm các nhóm, phái; việc cấm các nhóm, phái dẫn đến việc cấm suy nghĩ khác với lãnh đạo là người không thể sai lầm. Quan niệm nguyên khối có tính chất cảnh sát của đảng đem lại hệ quả là sự không bị trừng phạt đối với quan liêu, cái này đến lượt nó trở thành nguyên nhân của mọi sự đồi bại và hủ hóa.
Những Nguyên Nhân Xã Hội Của Tecmiđo
Chúng tôi đã định nghĩa Tecmiđo Xô viết là thắng lợi của bọn quan liêu đối với quần chúng. Chúng tôi đã cố ráng nêu lên những điều kiện lịch sử của thắng lợi đó. Đội ngũ tiền phong cách mạng của vô sản một phần bị thu hút vào các cơ quan Nhà nước và dần dần suy thoái, một phần chết trong nội chiến, một phần bị loại trừ và chà đạp. Quần chúng mệt mỏi và thất vọng trở nên thờ ơ với những gì xảy ra trong các giới lãnh đạo. Những điều kiện ấy, dù là rất quan trọng, hoàn toàn không đủ để giải thích cho chúng ta bằng cách nào tầng lớp quan liêu đã vượt lên trên xã hội, và nắm được lâu dài trong tay vận mệnh của xã hội; chỉ do ý chí của họ mà thôi thì dù sao cũng không đủ; sự hình thành một tầng lớp lãnh đạo mới phải có những nguyên nhân xã hội sâu xa hơn.
Sự mệt mỏi của quần chúng và sự sa đọa của cán bộ trong thế kỷ XVIII cũng đã góp phần vào sự thắng lợi của bọn Giacôbanh Técmiđo. Nhưng một quá trình hữu cơ và lịch sử rộng hơn đã hình thành những hiện tượng tuy là thứ yếu ấy. Những người Giacôbanh dựa vào những tầng lớp dưới của giai cấp tiểu tư sản, được làn sóng mạnh mẽ nâng lên. Thế nhưng cuộc cách mạng Pháp thế kỷ XVIII, đáp ứng sự phát triển của các lực lượng sản xuất, đã kết liễu bằng việc đưa giai cấp tư sản nắm chính quyền. Tecmiđo chỉ là một trong những giai đoạn của cuộc tiến hóa không tránh khỏi ấy. Vậy thì Tecmiđo Xô viết biểu thị một sự bức thiết xã hội nào?
Trong một chương trên chúng tôi đã thử đưa ra một cách giải thích thắng lợi của anh sen đầm. Tình thế bắt buộc chúng tôi phải tiếp tục ở đây việc phân tích những điều kiện của sự chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và vai trò của Nhà nước trong đó. Chúng ta hãy đối chiếu một lần nữa sự dự kiến lý thuyết và thực tế. Năm 1917 Lênin viết về giai đoạn tiếp theo, sau khi cướp được chính quyền: “Vẫn còn cần thiết phải cưỡng bức giai cấp tư sản, nhưng cơ quan của sự cưỡng bức đó đã bao gồm đại đa số nhân dân và không phải là thiểu số nữa như từ trước đến nay… Theo ý nghĩ này, Nhà nước bắt đầu tàn lụi.” Sự tàn lụi ấy biểu thị bằng cách nào? Trước hết bằng cách không do những “thể chế đặc biệt thuộc về phía thiểu số đặc quyền” (viên chức có đặc quyền, chỉ huy quân đội thường trực), mà là do đại đa số có thể tự mình “hoàn thành” các chức năng cưỡng bức. Lênin trong một đoạn xa hơn, nêu lên một luận đề xác đáng dưới dạng tiên đề: “Các chức năng của quyền lực càng thuộc về toàn dân được bao nhiêu thì quyền lực ấy càng kém cần thiết đi bấy nhiêu.” Sự xóa bỏ tư hữu về phương diện sản xuất loại trừ được nhiệm vụ chính của Nhà nước đã được lịch sử xác nhận: sự bảo vệ những quyền lợi sở hữu của thiểu số chống lại tối đại đa số.
Theo Lênin, sự tiêu vong của Nhà nước bắt đầu từ sau ngày trưng dụng tiến hành do những người đi trưng dụng, có nghĩa là trước khi chế độ mới thi hành các nhiệm vụ kinh tế và văn hóa của nó. Mỗi thành công trong sự thực hiện các nhiệm vụ ấy là một giai đoạn mới của sự tiêu tan Nhà nước vào xã hội xã hội chủ nghĩa. Mức độ của sự tiêu tan đó là chỉ số tốt nhất về độ sâu rộng và hiệu quả của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người ta có thể trình bày một định lý xã hội học như sau: sức cưỡng bức của quần chúng trong Nhà nước lao động tiến theo tỷ lệ một chiều với các lực lượng đi đến bóc lột hoặc phục hồi chủ nghĩa tư bản và tỷ lệ ngược chiều với sự đoàn kết xã hội và sự tận tụy chung đối với chế độ mới. Lớp quan liêu – nói cách khác, “những viên chức có đặc lợi đặc quyền và đám chỉ huy quân đội thường trực” – thi hành một loại cưỡng bức mà quần chúng không thể hoặc không muốn áp dụng và nó tác động chống lại họ bằng cách này hay cách khác.
Nếu sức mạnh và tính độc lập của các Xô viết dân chủ vẫn còn duy trì cho đến hôm nay, và đồng thời vẫn tiếp tục sử dụng cưỡng bức như những năm đầu, điều đó cũng đủ làm cho chúng ta lo ngại thật sự. Càng lo ngại hơn nữa là các Xô viết của quần chúng đã vĩnh viễn rời bỏ vũ đài, nhường các chức năng cưỡng bức cho Stalin, Iagôđa (Iagoda) và đồng bọn! Và đâu phải là những chức năng cưỡng bức thường! Để bắt đầu, chúng ta tự hỏi nguyên nhân xã hội nào đã tạo ra sức sống ngoan cố ấy của Nhà nước và trên hết là sự “sen đầm hóa” của nó.
Tầm quan trọng của vấn đề này tự nó là điều hiển nhiên: tùy câu trả lời của chúng ta, chúng ta sẽ hoặc phải xét lại triệt để các tư tưởng cổ điển của chúng ta về xã hội xã hội chủ nghĩa nói chung, hoặc phủ nhận cũng triệt để như thế những cách đánh giá công khai hiện nay về Liên xô.
Bây giờ hãy rút ra trong một tờ báo gần đây ở Matxcơva cái đặc trưng hiện nay của chế độ Xô viết, một trong những đặc trưng mà người ta nhắc đi nhắc lại hàng ngày và các học sinh đã học thuộc lòng. “Các giai cấp tư bản ăn bám, địa chủ và phú nông đã vĩnh viễn bị thủ tiêu ở Liên xô và như thế đã chấm dứt vĩnh viễn việc người bóc lột người. Toàn bộ nền kinh tế quốc dân đã trở thành xã hội chủ nghĩa và phong trào stakhanốp lớn lên, chuẩn bị các điều kiện để chuyển từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản.” (Sự Thật, 4 tháng tư 1936). Đúng như thế! Các báo chí thế giới của Quốc tế cộng sản cũng không nói gì khác hơn. Nhưng nếu người ta đã chấm dứt “vĩnh viễn” sự bóc lột, nếu đất nước thật sự đã đi vào con đường cộng sản tức là giai đoạn cao của xã hội xã hội chủ nghĩa thì chỉ còn một việc là vứt quách đi cái áo trói người điên của Nhà nước. Đáng nhẽ thế – và đó là một sự tương phản không thể nào hiểu được – Nhà nước Xô viết lại mang bộ mặt quan liêu và cực quyền.
Người ta cũng có thể làm nổi bật lên cái mâu thuẫn tai hại ấy bằng cách nêu lên số phận của đảng. Câu hỏi có thể đặt ra như sau: Tại sao trong những năm 1917-21, khi các giai cấp thống trị cũ còn kháng cự với vũ khí trong tay, khi bọn đế quốc toàn cầu còn ủng hộ chúng thật sự, khi bọn Kulak có vũ trang phá hoại việc quốc phòng và việc tiếp tế của đất nước, người ta có thể thảo luận tự do trong đảng, không sợ sệt, về mọi vấn đề chính trị nghiêm trọng nhất? Tại sao bây giờ, sau khi đã chấm dứt cuộc can thiệp, giai cấp bóc lột đã bị thất bại, đã tạo ra được những thành công không chối cãi được của công nghiệp hóa, đã tập thể hóa được đại đa số nông dân, người ta không thể thừa nhận một lời phê phán nào đối với những người lãnh đạo không thể bãi miễn? Tại sao bất cứ người bônsêvich nào dám, đúng theo điều lệ của đảng, đòi triệu tập một đại hội liền bị khai trừ ngay? Bất cứ công dân nào dám nói to lên những nghi ngờ về sự bất khả sai lầm của Stalun thì sẽ bị đối xử ngay như một tên bạo loạn? Từ đâu mà có cái sức mạnh đàn áp khủng khiếp, quái gở, không chịu đựng nổi, của cái bộ máy mật vụ ấy?
Lý thuyết không phải là một hối phiếu người ta muốn đòi trả lúc nào cũng được. Nếu nó sai thì phải xét nó lại hoặc bổ sung những chỗ thiếu sót. Chúng ta hãy vén bức màn che những lực lượng xã hội có thật đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa thực tiễn Xô viết và chủ nghĩa mácxít truyền thống. Dù sao, người ta không thể đi lang thang trong đêm tối lẩm nhẩm những câu kinh kệ, có lẽ có ích cho uy tín các lãnh tụ nhưng lại chửi rủa thực tế sống động. Chúng ta sẽ thấy nhờ một thí dụ có sức thuyết phục.
Tháng giêng năm 1936, chủ tịch hội đồng dân ủy nhân dân tuyên bố ở Thường vụ: “Nền kinh tế quốc dân đã trở thành xã hội chủ nghĩa (vỗ tay). Về phương diện đó, chúng ta đã giải quyết vấn đề thanh toán các giai cấp (vỗ tay).” Nhưng quá khứ còn để lại cho chúng ta “những nhân tố hết sức thù địch”, tàn dư của những giai cấp thống trị trước đây. Trong đám lao động ở các nông trường, viên chức Nhà nước, đôi khi cả trong công nhân người ta còn thấy những tên “đầu cơ nhỏ mọn”, những tên “lãng phí của cải Nhà nước và các nông trường tập thể”, những tên “đồn đại những chuyện ngồi lê đôi mách bài xích Xô viết”, v.v… Từ đó phải củng cố chuyên chính hơn nữa. Trái với điều trông đợi của Angghen, Nhà nước công nhân, đáng lẽ “thiếp đi” thì ngày càng phải cảnh giác hơn.
Bức tranh của chủ tịch quốc gia Xô viết vẽ ra đáng lẽ phải làm yên tâm đến cao độ nếu nó không chứa đựng một mâu thuẫn nguy hiểm. Chủ nghĩa xã hội đã được thiết lập hoàn toàn trong nước: “ở phương diện này” các giai cấp đã bị thủ tiêu (nếu ở phương diện đó chúng bị thủ tiêu thì chúng cũng bị thủ tiêu ở bất cứ phương diện nào). Hẳn là sự hài hòa xã hội đó đây còn bị vẩn đục vì những xỉ cặn và tàn tích của quá khứ. Nhưng người ta không thể tưởng tượng được rằng những con người phân tán, hết có quyền lực và tài sản, mơ ước khôi phục lại chế độ tư bản, lại có thể cùng bọn “đầu cơ nhỏ mọn” (không được gọi là bọn đầu cơ cho ngắn gọn hơn) lật đổ các xã hội không giai cấp. Cái gì xem ra cũng tốt hơn. Nhưng một lần nữa, tại sao như vậy vẫn có nền độc tài sắt của bọn quan liêu?
Bọn mơ hồ phản động sẽ phải biến đi dần dần, phải tin là như vậy. Những Xô viết cực kỳ dân chủ sẽ đảm nhận sự thanh toán bọn “đầu cơ nhỏ mọn” và bọn “đặt điều nói xấu”. Năm 1917, Lênin bác lời của bọn lý thuyết gia tư sản và cải lương về vấn đề Nhà nước quan liêu: “Chúng tôi không phải là những người không tưởng, chúng tôi hoàn toàn không chối cãi khả năng và sự không tránh được những hà lạm của những cá nhân và sự cần thiết phải kiềm chế, trấn áp những hà lạm đó… Nhưng để đạt mục đích ấy, hoàn toàn không cần có một bộ máy đàn áp đặc biệt; quần chúng vũ trang là đủ đối với việc này, nhẹ nhàng và dễ dàng như một đám người văn minh can ngăn những kẻ đang đánh nhau hoặc sỉ nhục một người phụ nữ.” Những lời ấy như để bác bỏ những ý kiến của một trong những người kế tục Lênin đứng đầu Nhà nước. Người ta nghiên cứu Lênin trong các trường học, nhưng không nghiên cứu ở hội đồng dân ủy nhân dân. Hoặc những quyết định của một Môlôtôp không thể hiểu được khi nó ngược hẳn với những luận chứng mà Lênin đã sử dụng một cách sắc bén. Mâu thuẫn ấy đã biểu hiện hiển nhiên giữa người sáng lập đảng và những kẻ kế nghiệp! Trong khi Lênin cho rằng không cần có bộ máy quan liêu vẫn có thể thủ tiêu được giai cấp bóc lột, Môlôtôp, để biện hộ cho việc bóp nghẹt mọi sáng kiến của nhân dân bằng bộ máy quan liêu, không tìm ra lý luận nào hơn là những “tàn tích” của các giai cấp bóc lột!
Nhưng càng khó tìm ra những “tàn tich” ấy, bởi vì theo lời nói của các đại diện có thẩm quyền của bộ máy quan liêu, những kẻ thù giai cấp hôm qua đã đồng hóa rất có kết quả vào xã hội Xô viết. Pôstisep (Postychev), một trong ban bí thư trung ương, tháng tư năm 1936, nói ở đại hội các thanh niên cộng sản: “Rất nhiều tên phá hoại đã thành thật hối lỗi… và đi theo hàng ngũ nhân dân Xô viết…”. Căn cứ vào thắng lợi của công cuộc tập thể hóa, “con cái của bọn kulak không phải giơ lưng chịu đòn cho bố mẹ nữa”. Chưa hết: “Chắc chắn anh kulak ngày nay không tin có thể lấy lại vị trí kẻ bóc lột trong làng xóm”. Không phải là không có lý do khi chính phủ bắt đầu bỏ những hạn chế pháp lý về các nguồn gốc xã hội! Nhưng nếu những điều khẳng định của Pôstisep, mà Môlôtôp hoàn toàn tán thành, có một ý nghĩa thì ý nghĩa đó chỉ có thể là: chế độ quan liêu đã trở thành một vật lỗi thời quái đản, và sự cưỡng bức Nhà nước không còn đối tượng nữa trên đất nước Xô viết. Tuy nhiên, cả Môlôtôp lẫn Pôstisep, không ai thừa nhận cái kết luận hết sức lô-gích ấy. Họ thích nắm quyền, dù phải nói dối.
Thực tế, họ không thể từ bỏ được điều đó. Bằng những từ ngữ khách quan: xã hội Xô viết hiện nay không thể từ bỏ được Nhà nước, và ngay cả – trong một chừng mực nào đó – chế độ quan liêu. Nhưng không vì những tàn dư không đáng kể của quá khứ mà vì những khuynh hướng rất mạnh của hiện tại tạo ra tình hình đó. Sự biện hộ cho Nhà nước Xô viết, coi như là một cơ chế cưỡng bức là vì giai đoạn quá độ hiện nay còn đầy rẫy những mâu thuẫn xã hội, những mâu thuẫn này, trong lĩnh vực tiêu thụ – quen thuộc nhất và nhạy cảm nhất đối với mọi người – mang một tính chất cực kỳ nghiêm trọng, luôn luôn đe dọa bộc lộ ra trong lĩnh vực sản xuất. Từ đó chiến thắng của chủ nghĩa xã hội chưa có thể nói là hoàn toàn và bảo đảm chắc chắn.
Cơ sở quyền lực của quan liêu là sự thiếu kém hàng tiêu dùng và cuộc chiến đấu chống mọi người vì đó mà ra. Khi có đủ hàng hóa trong quầy, các xà lan có thể đến lúc nào cũng được. Khi có ít hàng hóa, người mua phải xếp hàng theo đuôi nhau ngoài cửa. Cái đuôi trở thành quá dài, sự có mặt của anh công an là cần thiết để giữ trật tự. Khởi điểm của chế độ quan liêu Xô viết là như vậy. Nó “biết” đưa cho ai và ai còn phải chờ.
Sự cải tiến tình hình vật chất và văn hóa thoạt đầu tưởng như làm giảm bớt sự cần thiết phải có đặc quyền, đặc lợi, thu hẹp lĩnh vực “pháp lý tư sản” và do đó làm hẫng chỗ đứng của chế độ quan liêu, tên bảo vệ của những quyền lợi đó. Nhưng điều ngược lại lại xảy ra: sự lớn lên của các lực lượng sản xuất cho đến nay vẫn kèm theo sự phát triển tột độ của các dạng bất bình đẳng, các đặc lợi đặc quyền và cả chế độ quan liêu. Và không phải là không có lý do.
Rõ ràng trong giai đoạn đầu, chế độ Xô viết có tính chất bình đẳng hơn rất nhiều và ít quan liêu hơn ngày nay. Nhưng cái bình đẳng ấy là cái bình đẳng của sự nghèo nàn chung. Các tài nguyên trong nước eo hẹp đến mức không cho phép các giới ít nhiều được ưu tiên tách rời quần chúng. Đồng lương “bình quân” xóa mất sự kích thích cá nhân, trở thành một trở lực cho sự phát triển lực lượng sản xuất. Kinh tế Xô viết đã ít nhiều ra khỏi chỗ đói nghèo, khiến cho sự tích lũy các chất béo đó – các đặc quyền, đặc lợi – có thể làm được. Tình trạng hiện nay của nền sản xuất còn rất xa mới bảo đảm được cho tất cả mọi người cái cần thiết. Nhưng nó đã có khả năng ban cho thiểu số những lợi lộc quan trọng và biến sự bất bình đẳng thành một nhân tố khích lệ đa số. Đó là lý do đầu tiên tại sao sự gia tăng sản xuất cho đến nay chỉ làm đậm thêm những nét tư sản chứ không phải xã hội chủ nghĩa của Nhà nước.
Lý do đó không duy nhất. Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh nhân tố kinh tế áp dụng các phương pháp tư bản chủ nghĩa về thù lao, còn có tác động của nhân tố chính trị nằm ngay trong bản thân chế độ quan liêu. Tự bản chất nó, chế độ quan liêu đẻ ra và bảo vệ những đặc lợi đặc quyền. Ban đầu nó xuất hiện như một cơ quan tư sản của giai cấp công nhân. Đặt ra và duy trì những đặc quyền của thiểu số, lẽ cố nhiên nó tự giành cho nó phần tốt nhất: kẻ phân phối của cải chẳng bao giờ chịu thiệt. Thành thử do nhu cầu xã hội đã đẻ ra một cơ quan vượt quá chức năng xã hội cần thiết của nó, trở thành một nhân tố tự trị và đồng thời là nguồn gốc của những nguy cơ to lớn cho toàn cơ thể xã hội.
Ý nghĩa của Técmiđo Xô viết bắt đầu đã rõ nét trước mắt chúng ta. Sự nghèo khổ và thiếu văn hóa của quần chúng, một lần nữa, được cụ thể hóa dưới những dạng đáng sợ của một vị thủ lĩnh nắm trong tay một cái dùi cui khỏe. Bị xua đuổi và sỉ nhục xưa kia, chế độ quan liêu từ vị trí là con đòi của xã hội đã trở thành bà chủ. Về xã hội và tinh thần, nó xa rời quần chúng đến mức nó không chịu chấp nhận mọi thứ kiểm tra về hành vi và thu nhập của nó.
Việc bọn quan liêu sợ đứng trước “bọn đầu cơ nhỏ mọn, bọn vô liêm sỉ và bọn chuyên đặt điều nói xấu” thoạt nhìn có vẻ khó hiểu nhưng khi hiểu ra thì lại là tất nhiên. Chưa đủ khả năng để thỏa mãn những nhu cầu sơ đẳng của nhân dân, nền kinh tế Xô viết cứ mỗi bước đi lại đẻ ra những khuynh hướng đầu cơ và sự cố ý làm giả. Mặt khác, những đặc quyền của bọn quý tộc mới xui khiến quần chúng lắng nghe những “dư luận chống Xô viết” tức là mọi lời phê phán, dù nói úp mở, về những nhà cầm quyền độc đoán và tham nhũng. Vậy thì đây không phải là những bóng ma của quá khứ, những tàn dư của một cái gì không còn nữa, nói tóm lại không phải là tuyết của năm qua, mà là những khuynh hướng mới rất mạnh, không ngừng phát triển về tích lũy cá nhân. Một đợt sóng sống thoải mái dễ chịu ban đầu, nhẹ nhàng thôi, chính vì cái nhẹ nhàng của nó, không làm yếu đi mà làm mạnh thêm những khuynh hướng ly tâm ấy. Những kẻ không có đặc quyền ngấm ngầm cảm thấy cần tiết chế không nể nang lòng tham lam của bọn chức sắc mới. Cuộc đấu tranh xã hội lại trầm trọng hơn. Đó là nguồn gốc sức mạnh của quan liêu. Đó cũng là nguồn gốc của những hiểm nguy đe dọa sức mạnh ấy.
Chú thích:
[1] Thermidor (tháng nóng): thời kỳ phản cách mạng trong cách mạng tư sản Pháp.
[2] Vợ của Lênin.
[3] Jacobin (đảng cách mạng trong cách mạng tư sản Pháp).
[4] in lại trong Những Người Bônsêvich Chống Lại Stalin.