Dịch giả: Hoàng Khoa Khôi
PHỤ LỤC (2)
2- Những “Người Bạn” Của Liên Xô



Chủ Nghĩa Bônapác, Khủng Hoảng Chế Độ

  Lần đầu tiên, một chính phủ có thế lực “tưới” ra nước ngoài, không phải báo chí theo truyền thống cánh hữu, mà báo chí cánh tả và cả cực tả. Cảm tình của quần chúng đối với cuộc cách mạng lớn nhất trong các cuộc cách mạng được tập hợp rất tài tình theo hướng của giới quan liêu. Báo chí “cảm tình” mất dần dần lúc nào không biết quyền nói ra những gì có thể xúc phạm tới các nhà lãnh đạo Liên Xô. Những sách vở không vừa ý Kơremlanh được tiếp đón bằng một sự im lặng triệt để. Những lời tán tụng ồn ào và không có tí tài năng nào được dịch ra nhiều thứ tiếng. Chúng tôi tránh không nêu trong sách này những tác phẩm điển hình về những “người bạn” của Liên Xô, chúng tôi ưu tiên chọn những nguyên bản thô thiển hơn là những phiên bản nước ngoài. Văn học của những người “bạn” Liên Xô, kể cả văn học của Quốc tế cộng sản là bộ phận nhạt nhẽo nhất, tầm thường nhất của thứ văn học này, tuy nhiên tính ra mét khối có thể làm thành một khối lượng khá đồ sộ và đóng một vai trò không nhỏ bé về chính trị. Để kết luận cũng cần dành cho nó vài trang.
Cuốn sách của tác giả Oép, Chủ Nghĩa Cộng Sản Xô Viết, vừa được đánh giá là một cống hiến to lớn vào di sản tư tưởng. Đáng lẽ nói những gì đã được làm và thực tiễn đang chuyển biến theo hướng nào, các tác giả này dùng 1500 trang để trình bày những cái đang dự định làm trong các cơ quan hoặc được công bố trong các đạo luật. Kết luận của họ là chủ nghĩa cộng sản sẽ được thực hiện ở Liên xô khi các kế hoạch và ý đồ được chuyển sang lĩnh vực thực tế. Đó là nội dung của một cuốn sách làm mệt người đọc, sao chép các báo cáo ở các dinh chưởng ấn Mátxcơva và các bài báo viết vào các kỳ khánh tiết...
Tình hữu nghị của người ta đối với giới quan liêu xô viết không phục vụ cách mạng vô sản; đúng hơn lại có tác động chống lại nó. Hẳn rằng các tác giả Oép sẵn sàng nhìn nhận hệ thống xô viết một ngày kia sẽ lan tràn khắp thế giới. “Nhưng bằng cách nào, bao giờ, có những sửa đổi gì, bằng một cuộc cách mạng bạo lực, hay bằng một sự thâm nhập hòa bình, mô phỏng có ý thức, là các câu hỏi chúng tôi không thể trả lời”.( But how, when, with that modifications, and whether through violent revolution or by pieceful penetration, or even by conscious imitation, are questions we cannot answer”- đã dịch ở trên). Lối tránh né ngoại giao ấy, thực tế là một câu trả lời không che đậy và nêu lên đặc tính của những “người bạn”, cho ta biết tình bạn của họ đến đâu. Nếu mọi người đều trả lời câu hỏi về cách mạng như trên, thí dụ như trước năm 1917, thì sẽ không có Nhà nước xô viết ngày đó và các người “bạn” Anh Quốc sẽ hướng tình cảm của họ về những đối tượng khác...
Các tác giả Oép tuyên bố, coi như là một sự dĩ nhiên, không nên đặt hy vọng vào những cuộc cách mạng ở châu Âu trong một tương lai gần gũi; họ thấy trong luận điểm ấy một bằng chứng bảo vệ cho sự chính lý của học thuyết chủ nghĩa xã hội trong riêng một nước. Với tất cả uy tín của những người coi cách mạng tháng Mười là một sự bất ngờ, hơn nữa, một điều khó coi, họ thuyết giáo cho chúng ta sự cần thiết phải xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi biên giới của Liên Xô, vì không còn viễn ảnh nào khác. Vì lẽ đó, người ta phải cố ráng và lễ độ lắm mới không khỏi nhún vai. Chúng ta chỉ có thể tranh luận với các tác giả Oép về sự cần thiết và cách thức chuẩn bị một cuộc cách mạng ở nước Anh chứ không về việc xây dựng các nhà máy hoặc việc dùng phân hóa học ở Liên Xô. Nhưng ở điểm cụ thể đó, các nhà xã hội học thông thái của chúng ta tuyên bố không đủ thẩm quyền. Và ngay vấn đề đó đối với họ cũng mâu thuẫn với “khoa học”.
Lênin rất ghét bọn tư sản bảo thủ tự cho mình là những người có óc xã hội và đặt biệt là bọn pha-biêng (sử gia cổ điển) Anh. Bảng tra theo thứ tự chữ cái các tác giả được nêu lên trong các tác phẩm của ông chứng tỏ sự xung khắc suốt đời của ông đối với các tác giả Oép: năm 1907, lần đầu tiên, Lênin coi họ “là những kẻ tán tụng ngớ ngẩn của tầng lớp tiểu tư sản Anh kém cỏi”, họ “trình bày phong trào hiến chương, giai đoạn cách mạng của phong trào công nhân Anh, như một trò trẻ đơn giản”. Thế nhưng không có phong trào hiến chương, không thể có công xã Pari; không có phong trào hiến chương và công xã Pari, không bao giờ có Tháng mười. Các tác giả Oép chỉ thấy ở Liên xô những cơ chế hành chính và những kế hoạch quan liêu, họ không thấy phong trào hiến chương, công xã, cách mạng Tháng mười. Cách mạng hoàn toàn xa lạ đối với họ nếu không phải là một “trò chơi vô nghĩa”.
Mọi người đều biết, Lênin không nể nang đối với lối xã giao ấu trĩ và lúc nào cũng thẳng thắn phát biểu trong các cuộc bút chiến với những người cơ hội. Những từ ngữ thóa mạ của ông (“những tên bồi của giai cấp tư sản”, “phản bội”, “tâm hồn đê tiện”, v.v...) trong nhiều năm đã nói lên sự đánh giá đã suy nghĩ chín chắn về các tác giả Oép, những kẻ tuyên truyền cho chủ nghĩa pha-biêng (fabianisme), tức là những người tôn thờ các cổ truyền và chịu khuất phục những cái đã có. Không thể có sự thay đổi sâu sắc trong tư tưởng các tác giả Oép trong những năm gần đây. Cặp pha-biêng này, trong chiến tranh đã ủng hộ giai cấp tư sản của họ và sau này nhận chức huân tước Patsphin (Passfield) tự tay nhà vua trao, không chối bỏ, không cải chính điều gì, họ đã đến với chủ nghĩa cộng sản trong riêng một nước, vả lại là một nước ngoài. Xitnây Oép ( Sidney Webb) là bộ trưởng bộ thuộc địa, điều đó có nghĩa là tên trưởng cai ngục của đế Quốc Anh, đúng lúc ông ta xán lại gần giới quan liêu xô viết và nhận của họ những tư liệu cho công cuộc sưu tầm đồ sộ của ông ta.
Từ 1923, các tác giả Oép không thấy khác gì nhau lắm giữa chế độ bônsêvich và chế độ Sa hoàng.[1] Ngược lại, họ thừa nhận không hạn chế nền “dân chủ” của Stalin. Chúng ta không cần tìm thấy ở đó những mâu thuẫn. Bọn phabiêng bất bình khi thấy nhân dân cách mạng tước tự do của những “người học thức”, nhưng họ lại cho là điều tự nhiên khi bọn quan liêu tước tự do của giai cấp vô sản. Đó chẳng phải là chức năng cổ truyền của bọn quan liêu đảng lao động Anh hay sao? Các tác giả Oép quả quyết nói phê bình được hoàn toàn tự do ở Liên Xô. Thật là hài hước. Họ nghiêm chỉnh nêu lên phương pháp “tự phê” được áp dụng như một lao dịch và lúc nào cũng định trước mục tiêu và các giới hạn của nó.
Ngây thơ chăng? Cả Angghen và Lênin không ai coi Xitnây Oép là ngây thơ. Tư cách đáng kính thì đúng hơn. Các tác giả Oép trình bày một chế độ đã thiết lập và những vị thượng khách đáng mến. Họ không tán thành sự phê phán macxit những gì đang có. Họ tự coi như có bổn phận bảo vệ di sản cách mạng Tháng mười chống lại phái đối lập cánh tả. Để cho đầy đủ hơn, chúng tôi xin chỉ ra rằng chính phủ đảng lao động Anh, người đã ban cho Xitnây Oép huân tước Patsphin, chính là người thời đó đã từ chối cấp giấy thị lực vào nước Anh cho tác giả cuốn sách này. Xitnây Oép lúc đó đang soạn cuốn sách của ông ta, bảo vệ Liên Xô trong lĩnh vực lý thuyết và đế quốc của Anh hoàng trong lĩnh vực thực tiễn. Và đó là một vinh dự cho ông ta vì ông ta vẫn trung thành với chính mình trong cả hai trường hợp.
Đối với nhiều người tiểu tư sản không phát biểu bằng bút mực, “tình bạn” gắn bó công khai của họ với Liên xô chứng tỏ họ chia sẻ những giá trị tinh thần cao cả... Việc gia nhập hội Tam điểm (Franc-maçonnerie) hoặc các Câu lạc bộ hòa bình chủ nghĩa cũng khá giống với việc tham gia các hội những người bạn của Liên Xô, bởi vì nó cũng cho phép cùng một lúc sống hai cuộc sống: một cuộc sống bình thường trong vòng những lợi ích thường ngày, một cuộc sống khác cao hơn. Thỉnh thoảng những “người bạn” đến thăm Matxcơva. Họ ghi chú những máy kéo, nhà trẻ, những cuộc duyệt binh, những người đi khai hoang, những người nhảy dù, tóm lại ghi tất cả, trừ ghi sự hiện diện của một lớp quý tộc mới. Những người tốt nhất trong họ nhắm mắt lại vì thù ghét xã hội tư bản. Angđơrê Git (Andre Gide) thành thật thú nhận: “Phần lớn và phần chính là do sự ngu xuẩn và sự gian dối của những lời công kích Liên Xô làm cho chúng ta ngày nay bảo vệ Liên xô một cách ngoan cố.” Sự ngu xuẩn và gian dối của kẻ địch không thể biện hộ cho sự mù quáng của chính chúng ta. Dù sao, quần chúng cần những người bạn có cái nhìn sáng suốt.
Cảm tình của đa số những người tư sản cấp tiến và xã hội-cấp tiến đối với những người lãnh đạo Liên xô có những nguyên nhân không phải không quan trọng. Mặc dù những sự khác biệt về cương lĩnh, những người bảo vệ một sự tiến bộ “đã có hoặc dễ thực hiện”, là đám người chiếm tỷ lệ đông trong đám chính trị gia nhà nghề. Trên hành tinh này số những người cải lương nhiều hơn nhiều so với số những người cách mạng. Số theo thời nhiều hơn số không thỏa hiệp. Phải có những thời kỳ đặc biệt của lịch sử, những người cách mạng mới ra khỏi sự cô độc của họ và bọn cải lương mới trở thành những con cá bị lìa khỏi nước.
Trong giới quan liêu xô viết hiện nay không có một người nào, vào tháng tư 1917 và cả sau đó, lại không coi chuyên chính vô sản ở Nga là một ý nghĩ viển vông (cái điều viển vông ấy lúc đó được gọi là...”chủ nghĩa trốtkit”). Những “người bạn” nước ngoài của Liên xô thuộc thế hệ đàn anh, trong hàng chục năm, đã coi phái mensêvich Nga là “thực tế”, những người cộng tác trong “mặt trận bình dân” với phái tư sản đã khước từ chuyên chính như một sự điên rồ hiển nhiên. Thừa nhận chuyên chính vô sản khi nó đã được thực hiện và cả khi nó bị biến dạng bởi giới quan liêu lại là việc khác. Ở đây, những “người bạn” đúng là đã vươn ngang tầm thời cuộc. Họ không chỉ dừng lại ở chỗ tỏ ra công minh đối với Nhà nước xô viết mà lại còn muốn bảo vệ nó chống lại những kẻ thù của nó; đúng thế, nhưng chống lại những kẻ kéo nó về phía sau thì ít mà chống lại những kẻ chuẩn bị cho nó một tương lai thì nhiều hơn. Những “người bạn” ấy có phải là những người ái quốc tích cực như phái cải lương Anh, Pháp, Bỉ, và các nước khác? Đối với họ thật là thuận lợi để biện bạch cho sự liên minh của họ với giai cấp tư sản bằng cách viện dẫn sự bảo vệ Liên xô. Hay ngược lại, phải chăng họ là những người thất bại chủ nghĩa miễn cưỡng như phái xã hội ái quốc Đức và Áo ngày hôm qua? Trong trường hợp đó, họ hy vọng liên minh Pháp và Liên xô sẽ giúp họ đánh bại Hitle và Sutnit (Schuschnig). Leong Bơlom (Leon Blum) xưa là địch thủ của chủ nghĩa bônsêvich thời kỳ anh dũng và đã mở các chiến dịch chống Liên xô trong tờ báo Bình Dân, nay không in lấy một hàng về những tội ác của giới quan liêu xô viết. Cũng như Moidơ (Moise) của kinh Thánh, thèm thuồng được thấy gương mặt của chúa mà chỉ được quì lạy sau cái mông đít của đức thánh, bọn cải lương, kẻ tôn thờ sự việc đã rồi chỉ có thể biết và thừa nhận cái thân sau của cỗ xe quan liêu xuất phát từ cách mạng.
Trong thực tế những thủ lĩnh của cộng sản ngày nay cũng thuộc những kiểu người như thế. Sau bao nhiêu vòng xoay và nhào lộn, họ đột nhiên phát hiện ra những lợi ích của chủ nghĩa cơ hội và họ nhập vào đó một cách hồn nhiên như kẻ không biết gì, đó là đặc điểm xưa nay của họ. Sự lệ thuộc của họ đối với những lãnh đạo Kơremlanh không phải lúc nào cũng vô tư. Nó tạo cho họ sự tê liệt không còn một sáng kiến gì nữa. Trước những luận điểm của sự phê phán, họ chỉ trả lời bằng tiếng sủa và gầm gừ; ngược lại, dưới ngọn roi của chủ, người ta thấy họ tỏ ra dấu hiệu mãn nguyện. Những con người không có chỗ nào hấp dẫn ấy, chỉ cần đứng trước một hiểm nguy đầu tiên, sẽ tan ra mọi chân trời, chính họ lại coi chúng tôi là những kẻ “phản cách mạng đến cực điểm”. Biết sao được? Lịch sử, mặc dầu tính nghiêm khắc của nó, cũng không tránh được những đoạn khôi hài.
Những phần tử sáng suốt nhất trong số những “người bạn” phải chịu thừa nhận, ít ra trong lúc trò chuyện, có những vết đen trên mặt trời xô viết, nhưng, thay thế phương pháp biện chứng bằng một sự phân tích theo kiểu định mệnh, họ tự an ủi nói rằng một chút suy thoái quan liêu ít nhiều không tránh khỏi. Thôi được, sự chống lại cái xấu cũng không kém thế. Sự tất yếu có hai vế: một vế của phản động và một vế của tiến bộ. Lịch sử cho chúng ta thấy những người và những đảng cần đến nó theo những hướng ngược nhau, cuối cùng đi đến chỗ đứng ở hai bên của chiến lũy khác nhau.
Lý lẽ cuối cùng của những “người bạn” là bọn phản động sẽ lợi dụng những lời chỉ trích chế độ xô viết. Điều đó không chối cãi được. Rất có thể phản động cũng tìm cách lợi dụng cuốn sách này. Có bao giờ khác được? Tuyên ngôn đảng cộng sản nhắc lại một cách khinh bạc rằng bọn phong kiến phản động sẽ mưu toan lợi dụng sự phê phán của chủ nghĩa xã hội để chống lại chủ nghĩa tư bản kinh tế. Chủ nghĩa xã hội cách mạng không vì thế mà dừng bước đi của mình. Chúng tôi tiếp tục đường đi của chúng tôi. Báo chí cộng sản chắc chắn sẽ đi đến chỗ nói sự phê phán của chúng tôi chuẩn bị cho sự can thiệp vũ trang vào Liên xô! Lẽ cố nhiên, ở chỗ này phải hiểu là các chính phủ tư bản nhờ có sự nghiên cứu của chúng tôi mà hiểu được chế độ quan liêu xô viết đã trở nên như thế nào. Nhưng phải chăng họ ngừng đi tiễu phạt vì nó đã giẫm đạp lên những nguyên lý của Tháng mười? Các nhà luận chiến của Đệ tam Quốc tế không dùng kiếm mà dùng dùi cui hoặc những vũ khí kém sắc nhọn hơn. Sự thật là sự phê phán theo phương pháp macxit, gọi sự việc bằng chính tên của chúng, chỉ làm tăng thêm uy tín của nền ngoại giao bảo thủ của Liên xô trước mắt giai cấp tư sản.
Đối với giai cấp công nhân và những người bạn chân chính mà họ tìm thấy trong đám trí thức, vấn đề lại khác. Ở đây, công trình nghiên cứu của chúng tôi quả có thể làm nảy sinh những hoài nghi và gây ra sự ngờ vực, không phải với cách mạng mà với những kẻ bóp chết cách mạng. Và đó chính là mục tiêu mà chúng tôi tự đề ra. Bởi vì chỉ có sự thật, chứ không phải sự dối trá, mới là động lực của tiến bộ.