Dịch giả: Hoàng Khoa Khôi
- 8 -
CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO VÀ QUÂN ĐỘI



Từ Cách Mạng Thế Giới Đến Nguyên Trạng (Statu quo)

Chính sách ngoại giao bao giờ và ở đâu cũng là sự tiếp nối của đường lối đối nội, bởi lẽ nó là đường lối của cùng một giai cấp thống trị và theo đuổi cùng những chủ đích của giai cấp này. Sự suy thoái của đẳng cấp lãnh đạo ở Liên xô không thể không kéo theo một sự thay đổi tương ứng những chủ đích và phương pháp của ngoại giao xô viết. “Lý thuyết” chủ nghĩa xã hội trong riêng một nước, lần đầu tiên được nêu ra vào mùa thu năm 1924, có ý nghĩa là sự mong muốn tước bỏ đường lối ngoại giao Liên xô ra khỏi chương trình cách mạng quốc tế. Tuy nhiên đẳng cấp quan liêu không muốn cắt đứt quan hệ với Quốc tế cộng sản vì như thế Quốc tế này có thể trở thành một tổ chức đối lập toàn cầu, từ đó sẽ có những hậu quả khá thiệt hại cho tương quan các lực lượng ở Liên xô. Ngược lại, đường lối của Kơremlanh càng đi xa khỏi chủ nghĩa quốc tế trước đây, những người lãnh đạo càng bám chặt vào tay lái Đệ tam Quốc tế. Vẫn với các tên gọi xưa kia, Quốc tế cộng sản có nhiệm vụ phục vụ những mục tiêu mới. Mục tiêu mới đòi hỏi những con người mới. Từ năm 1923, lịch sử Quốc tế cộng sản là lịch sử đổi mới bộ tham mưu của nó ở Matxcơva và các bộ tham mưu ở các phân bộ quốc gia bằng những cuộc cách mạng cung đình, những cuộc thanh lọc có chỉ huy, những vụ khai trừ v.v… Hiện nay Quốc tế cộng sản chỉ còn là một bộ máy hoàn toàn ngoan ngoãn, sẵn sàng theo mọi dích dắc, phục vụ cho chính sách ngoại giao của Liên xô.[1]
Đẳng cấp quan liêu không chỉ đoạn tuyệt với quá khứ, nó còn mất cả năng khiếu rút những bài học chính yếu. Bài học là chính quyền xô viết không thể đứng được mười hai tháng nếu không có sự ủng hộ trực tiếp của giai cấp vô sản thế giới, trước nhất là vô sản châu Âu, và phong trào cách mạng nhân dân các nước thuộc địa. Chủ nghĩa quân phiệt Áo-Đức không thể đẩy đến cùng cuộc tấn công vào nước Nga xô viết bởi vì nó cảm thấy hơi thở nóng bỏng của cách mạng trên gáy nó. Các cuộc cách mạng Đức và Áo-Hung đã hủy bỏ hoà ước Bơret-Litôp (Brest-Litovsk) sau chín tháng. Cuộc nổi loạn của hạm đội Hắc hải, tháng tư 1919, buộc chính phủ Đệ tam Cộng hòa Pháp phải từ bỏ việc tấn công vào miền nam đất nước Liên xô. Chính do áp lực trực tiếp của công nhân Anh mà chính phủ Anh đã phải rút khỏi miền bắc tháng chín 1919. Năm 1920, sau việc hồng quân rút lui trước Vacxôvi, chỉ nhờ có một làn sóng cách mạng phản đối mạnh mẽ mới ngăn cản được các nước Liên minh giúp Ba lan giáng cho các xô viết Nga một đòn thất bại quyết định. Huân tước Cớcdon (Lord Curzon), năm 1923, khi đưa tối hậu thư cho Matxcơva đã bị trói tay vì sự kháng cự của các tổ chức công nhân ở Anh. Những sự kiện đặc biệt ấy không đứng biệt lập với nhau. Chúng đặc trưng cho giai đoạn đầu tiên, khó khăn nhất, của sự tồn tại các xô viết. Dù cách mạng chưa thắng được ở đâu, ngoài nước Nga, những hy vọng đặt vào nó (cách mạng) không phải là vô nghĩa.
Chính phủ xô viết từ đó ký những hiệp ước với các quốc gia tư sản: hiệp ước Bờrêt Litốp tháng ba 1918; hiệp ước với Ettôni tháng hai 1920; hiệp ước Riga với Ba lan tháng mười 1920; hiệp ước Rapalô (Rapallo) với Đức tháng tư 1922 và những ký kết ngoại giao khác ít quan trọng. Tuy nhiên không bao giờ chính phủ Matxcơva hoặc một thành viên trong đó lại coi những người tư sản ký kết với mình là những “người bạn của hòa bình”, càng không chủ trương cho các đảng cộng sản Đức, Ettôni hoặc Ba lan ủng hộ bằng lá phiếu các chính phủ tư sản đó. Chính vấn đề đó lại có một tầm quan trọng quyết định trong sự giáo huấn cách mạng quần chúng. Chính quyền xô viết không thể không ký hòa ước Bơret-Litôp cũng như những người đình công kiệt sức không thể khước từ những điều kiện khắc nghiệt của chủ, nhưng sự tán thành của đảng Xã hội-dân chủ Đức đối với Hiệp ước ấy, dưới hình thức giả dối bỏ phiếu trắng, đã bị những người bônsêvích phản đối, coi như ủng hộ bọn ăn cướp và hành động bạo lực của chúng. Dù rằng hiệp ước Rapalô, bốn năm sau, được ký trên cơ sở một sự bình đẳng hình thức giữa đôi bên, đảng cộng sản Đức lúc đó nếu biểu thị sự tín nhiệm vào đường lối ngoại giao của nước mình, chắc sẽ là bị trục xuất ngay khỏi Quốc tế cộng sản. Tư tưởng chủ đạo của đường lối ngoại giao Liên xô là các ký kết thương mại, ngoại giao, quân sự của Nhà nước xô viết với các đế quốc, những ký kết không thể tránh khỏi, không thể tạo ra lý do nào ngăn hãm hoặc làm yếu đi hoạt động của giai cấp vô sản trong các nước tư bản ký kết. Số phận của Nhà nước lao động cuối cùng chỉ có thể bảo đảm bằng sự phát triển của cách mạng thế giới. Trong thời kỳ chuẩn bị hội nghị Giênơ (Gênes), khi Sisêrin (Tchitchérine) đề nghị đưa một vài sửa đổi “dân chủ” vào hiến pháp xô viết để thỏa mãn “công luận” Mỹ, Lênin, trong bức công hàm ngày 23 tháng giêng 1922, nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ngay không trì hoãn Sisêrin vào nghỉ trong một viện điều dưỡng. Nói thí dụ, nếu có ai hồi đó muốn lấy lòng đế quốc bằng cách tham gia một hiệp ước trống rỗng và giả dối như hiệp ước Kenlô (Kellog), hoặc làm giảm bớt hoạt động của Quốc tế cộng sản, Lênin chắc sẽ không quên đề nghị tống kẻ có đầu óc canh tân ấy vào nhà thương điên – và chắc chắn ông sẽ không bị phản đối trong bộ chính trị.
Thời đó, những người lãnh đạo tỏ ra đặc biệt cứng rắn trong những gì thuộc về ảo tưởng hòa bình chủ nghĩa đủ loại như hội Quốc liên, an ninh tập thể, trọng tài, giải trừ binh bị v.v… chỉ coi đó là những thủ đoạn ru ngủ sự cảnh giác của quần chúng công nhân để rồi trói tay họ khi chiến tranh bùng nổ. Chương trình của đảng do Lênin vạch ra và được đại hội 1919 chấp nhận, về vấn đề này, có đoạn viết, không chút lẫn lộn: “Áp lực ngày càng tăng của giai cấp vô sản và nhất là thắng lợi của vô sản trong một số nước làm tăng sức kháng cự của bọn bóc lột và đẩy tư bản quốc tế đến những hình thức liên kết mới (Hội Quốc liên, v.v…) tổ chức có hệ thống sự bóc lột nhân dân thế giới trên qui mô toàn cầu, trước hết là tìm cách đàn áp phong trào cách mạng vô sản của tất cả các nước. Tất cả những cái đó không tránh khỏi kéo theo những cuộc nội chiến trong một số nước, đồng lượt với những cuộc chiến tranh cách mạng tự bảo vệ của các nước vô sản và các dân tộc bị áp bức nổi dậy chống các nước đế quốc. Trong những điều kiện ấy, các khẩu hiệu của hòa bình chủ nghĩa như là giải trừ binh bị quốc tế trong chế độ tư bản, các tòa án làm trọng tài, v.v… không những mang tính không tưởng phản động mà đối với những người lao động còn là sự lừa bịp hiển nhiên nhằm tước vũ khí của họ và khiến họ từ bỏ nhiệm vụ tước bỏ vũ khí bọn bóc lột”. Những dòng chữ ấy trong chương trình bônsêvích như đã tiên đoán và phê phán thẳng tay đường lối đối ngoại của Liên xô hiện nay, đường lối của Quốc tế cộng sản và của các “người bạn” hòa bình chủ nghĩa của họ trong khắp năm châu…
Sau một thời kỳ can thiệp và bao vây, áp lực kinh tế và quân sự của thế giới tư bản đối với Liên bang xô viết đã nhẹ đi nhiều, không như người ta đã lo ngại. Châu Âu vẫn còn sống trong khung cảnh của cuộc chiến tranh vừa qua chứ không trong khung cảnh của cuộc chiến tranh sắp tới. Tiếp đến là một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cực kỳ trầm trọng, nhấn chìm các giai cấp thống trị trên thế giới trong sự mệt mỏi rã rời. Tình hình đó cho phép Liên xô rảnh tay làm cuộc thí nghiệm với kế hoạch năm năm lần thứ nhất, đất nước lại rơi vào tình trạng nội chiến, đói kém và dịch bệnh. Những năm đầu của kế hoạch năm năm lần thứ hai mang lại một sự cải tiến rõ rệt tình hình trong nước, giữa lúc bắt đầu giảm nhẹ cơn khủng hoảng trong các nước tư bản; những hy vọng, tham vọng, nôn nóng lại được phục hồi, cuối cùng là việc vũ trang tái hoạt. Dưới mắt chúng tôi, nguy cơ một cuộc tấn công phối hợp vào Liên xô chỉ có tính chất cụ thể khi Liên xô vẫn còn lẻ loi; khi “phần sáu của địa cầu” một phần lớn vẫn còn là vương quốc của sự man rợ cổ sơ: khi năng suất lao động ở đó, mặc dù có quốc hữu hóa các phương tiện sản xuất, vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với các nước tư bản; cuối cùng, khi – và đây là sự việc chính - những đội ngũ của vô sản thế giới bị đánh bại, thiếu tự tin và thiếu sự lãnh đạo chắc chắn. Cho nên cuộc cách mạng Tháng mười mà những người lãnh đạo nó coi là giai đoạn mở đầu của cách mạng thế giới, do tình thế, phải tạm thời coi là một nhân tố tự thân, cuộc cách mạng đó đã vạch rõ, trong giai đoạn mới này của lịch sử, sự lệ thuộc của nó vào tình hình phát triển của phong trào quốc tế. Một lần nữa lại càng tỏ rõ câu hỏi lịch sử “ai sẽ thắng?” không thể giải quyết được trong phạm vi biên giới quốc gia; rằng những thành công hay thất bại trong một nước chỉ là để chuẩn bị những điều kiện nhiều hoặc ít thuận lợi cho một giải pháp quốc tế của vấn đề.
Công bằng mà nói, đẳng cấp quan liêu xô viết đã có một kinh nghiệm dồi dào trong việc dẫn đạo quần chúng, hoặc để ru ngủ, hoặc để chia rẽ, làm yếu họ, hoặc đơn thuần lừa phỉnh để rồi chuyên chế đối với họ. Nhưng chính cũng vì lẽ đó, bọn quan liêu đã mất hết khả năng giáo dục cách mạng cho quần chúng. Đã bóp nghẹt tính tự phát sáng kiến của quần chúng trong nước mình, họ (bọn quan liêu) không thể gây được trên thế giới tư duy phê phán và tinh thần táo bạo cách mạng. Với tư cách lãnh đạo và đặc quyền, họ đánh giá cao sự ủng hộ và tình hữu nghị của bọn cấp tiến tư sản, nghị viện cải lương, quan liêu công đoàn phương Tây hơn là sự ủng hộ của công nhân lao động cách xa họ một vực thẳm. Lúc này không phải lúc viết lịch sử sự xuống dốc và suy thoái của Đệ tam Quốc tế, đề tài này tác giả đã dành ra nhiều bài nghiên cứu đặc biệt, đã được dịch ra trong hầu hết thứ tiếng các nước văn minh. Sự việc cần nói tới là với tư cách người lãnh đạo Quốc tế cộng sản, đẳng cấp quan liêu xô viết, dốt nát và vô trách nhiệm, bảo thủ và thấm sâu một tinh thần quốc gia thiển cận, chỉ đem lại cho phong trào công nhân thế giới những tai ương chướng họa. Như một thứ quả báo lịch sử, vị trí quốc tế của Liên xô trong giờ phút hiện nay được quyết định bởi những thất bại của vô sản thế giới hơn là những kết quả thắng lợi của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước riêng lẻ. Chỉ cần nhắc lại sự thất bại của cách mạng Trung quốc năm 1925-27 đã cởi trói cho chủ nghĩa quân phiệt Nhật bản ở Viễn đông và sự thất bại của giai cấp vô sản Đức đã dẫn đến thắng lợi của Hitle và sự vũ trang điên cuồng của Đệ tam Raisơ (Reich) - đế chính Đức - tất cả, đều là những kết quả của đường lối của Quốc tế cộng sản.
Phản bội cách mạng thế giới, nhưng tự cho là bị cách mạng thế giới phản bội, đẳng cấp quan liêu tecmido tự đặt cho mình mục tiêu chính là “trung hòa” giai cấp tư sản. Nhằm mục tiêu đó, họ phải tỏ vẻ bề ngoài ôn hòa và vững chắc của con người đứng ra bảo vệ trật tự. Nưng để tỏ vẻ lâu dài phải tiến đến đó thật sự. Sự chuyển hóa hữu cơ của giới lãnh đạo đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho việc đó. Cứ lùi dần trước những hậu quả của sai lầm bản thân, đẳng cấp quan liêu cuối cùng đi đến chỗ, để bảo đảm an ninh cho Liên xô, phải quan niệm sự toàn vẹn của Liên xô trong hệ thống nguyên trạng (statu quo) của Tây Âu. Còn gì tốt hơn một hiệp ước vĩnh viễn không xâm phạm giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản? Công thức hiện nay của đường lối đối ngoại chính thức, viết bằng tiếng nói ước lệ mà giới ngoại giao xô viết và Quốc tế cộng sản vừa công bố, đáng lẽ phải nói bằng tiếng nói cách mạng, thì lại viết: “Chúng tôi không muốn một tấc đất nào của nước ngoài, nhưng chúng tôi cũng không nhường ai một tấc đất của chúng tôi”. Làm như là những cuộc xung đột chỉ đơn thuần về đất đai chứ không phải cuộc đấu tranh thế giới giữa hai hệ thống không thể dung hòa!
Khi Liên xô tưởng là khôn ngoan nhường cho Nhật bản con đường sắt phía đông Trung quốc, hành động yếu đuối ấy, do kết quả thất bại của cuộc cách mạng Trung quốc, lại được ca ngợi là một biểu thị của sức mạnh và là điều bảo đảm cho sự phục vụ hòa bình. Thật ra là giao nộp cho quân thù một con đường chiến lược cực kỳ quan trọng, chính phủ xô viết tạo điều kiện cho Nhật bản sau này xâm lược dễ dàng phần bắc Trung quốc và xâm phạm vào Mông cổ. Sự hy sinh bắt buộc không phải là sự trung hòa một hiểm họa, may lắm nó chỉ là một bước dừng ngắn hạn; và nó kích thích đến tột độ sự tham lam của đám lộng quyền quân phiệt ở Đông kinh.
Vấn đề Mông cổ là vấn đề các vị trí chiến lược tiên tiến của Nhật bản trong cuộc chiến tranh với Liên xô. Chính phủ Liên xô lần này buộc phải tuyên bố trả lời bằng chiến tranh nếu có sự xâm lược Mông cổ. Nhưng ở đây không phải là bảo vệ “lãnh thổ chúng ta”: Mông cổ là một quốc gia độc lập. Bảo vệ biên giới Liên xô một cách thụ động, có thể coi là đủ, khi biên giới đó không bị đe dọa một cách thật sự. Nhưng bảo vệ Liên xô thật sự là phải làm yếu các chỗ đứng của chủ nghĩa đế quốc, và củng cố vị trí của giai cấp vô sản và các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Một tương quan lực lượng bất lợi có thể dẫn chúng ta đến chỗ phải nhường rất nhiều đất đai lãnh thổ, như lúc phải ký hòa ước Bơret-Litôp, rồi đến hòa ước Riga và cuối cùng khi phải nhượng đường sắt phía đông Trung quốc. Cuộc chiến đấu để thay đổi thuận lợi tương quan lực lượng thế giới đặt cho Nhà nước lao động nhiệm vụ thường xuyên, là phải giúp đỡ các phong trào giải phóng dân tộc, nhiệm vụ chủ yếu và đúng là không dung hòa được với đường lối bảo vệ tình hình nguyên trạng (statu quo).
 
Hội Quốc Liên Và Quốc Tế Cộng Sản
 
Do thắng lợi của Đức quốc xã, sự xích lại gần với Pháp, chẳng bao lâu thể hiện bằng một hiệp ước quân sự, có lợi cho Pháp, là người chủ yếu gìn giữ tình hình nguyên trạng, nhiều hơn là có lợi cho Liên xô. Theo hiệp ước đó, sự viện trợ quân sự của Liên xô cho Pháp hứa không điều kiện; ngược lại, sự viện trợ của Pháp cho Liên xô phải chịu điều kiện có sự đồng ý trước của Anh và Ý, điều này mở ra một môi trường không giới hạn cho những mưu đồ chống Liên xô. Trong dịp quân đội Hitle tiến vào vùng sông Ranh, các sự kiện đã chứng tỏ nếu Matxcơva tỏ ra cứng rắn hơn, có thể buộc Pháp phải có những đảm bảo chắc chắn hơn, nếu như các hiệp ước có tác động bảo đảm, trong một thời kỳ có những bước ngoặt đột ngột, khủng hoảng ngoại giao thường xuyên, xích lại gần nhau và đoạn tuyệt. Nhưng không phải là lần đầu, người ta thấy ngoại giao Liên xô tỏ thái độ cứng rắn trong cuộc đấu tranh với lao động nước mình ngàn lần hơn là trong các cuộc thương thuyết với các nhà ngoại giao tư sản.
Luận chứng cho rằng sự viện trợ của Liên xô đối với Pháp sẽ ít hiệu lực vì thiếu một đường biên giới chung giữa Liên xô và Đức (Reich) không thể coi là nghiêm chỉnh. Ở trường hợp Đức xâm lược Liên xô, kẻ xâm lược tự nhiên sẽ tìm ra đường biên giới cần thiết. Ở trường hợp Đức xâm lược Áo, Tiệp khắc, Pháp, Ba lan không thể đứng trung lập lấy một ngày; nếu Ba lan làm tròn nghĩa vụ đồng minh đối với Pháp, họ sẽ phải mở ngay biên giới cho hồng quân; nếu ngược lại, Ba lan xé hiệp ước liên minh, họ sẽ trở thành kẻ trợ thủ của Đức và Liên xô tìm ra cái “biên giới chung” chẳng khó khăn gì. Vả lại các “biên giới” hải phận và không phận trong chiến tranh tương lai sẽ đóng một vai trò cũng lớn như các đường biên giới trên đất liền.
Việc Liên xô nhập hội Quốc liên được trình bày trong nước, xuyên qua một cuộc tuyên truyền xứng với Gơben (Goebbels), như là một thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và là kết quả của “áp lực” vô sản thế giới, thật ra nó được chấp thuận là sau khi giai cấp tư sản nhận thấy hiểm họa cách mạng đã suy yếu tới cùng cực. Đó không phải là thắng lợi của Liên xô mà là sự đầu hàng của đẳng cấp quan liêu tecmido trước thể chế ở Giơnevơ, một thể chế đã bị phá hoại sâu sắc mà cương lĩnh bônsêvích đã cho chúng ta biết, “đem mọi cố gắng trực tiếp để đàn áp các phong trào cách mạng”. Cái gì đã thay đổi căn bản từ ngày hiến chương của chủ nghĩa bônsêvích được chấp nhận? Bản chất của hội Quốc liên? Chức năng của hòa bình chủ nghĩa trong xã hội tư bản? Hay đường lối chính trị của Liên xô? Đặt vấn đề là đã trả lời.
Kinh nghiệm đã nhanh chóng chứng tỏ sự tham gia hội Quốc liên không đem lại lợi ích thực tiễn có thể được bảo đảm bằng những hiệp ước riêng lẻ với các quốc gia tư sản, mà ngược lại, đặt ra những hạn chế và nghĩa vụ mà Liên xô phải thực hiện chu đáo vì cái uy tín bảo thủ mới mẻ của mình. Sự cần thiết phải thích ứng đường lối của mình với chính trị của Pháp và các đồng minh đã buộc Liên xô phải có một thái độ hết sức mâu thuẫn trong cuộc xung đột Ý - Á (Abixini). Trong khi Lítvinôp (Litvinov), cái bóng của Lavan (Laval) ở Giơnevơ, nói lên lòng biết ơn đối với nhà ngoại giao Pháp và Anh vì những cố gắng “đem lại hòa bình”, đã kết thúc may mắn bằng sự chiếm lĩnh Abixini, dầu lửa ở Côcadơ của Liên xô tiếp tục cung ứng cho hạm đội Ý. Người ta có thể hiểu rằng chính phủ Matxcơva tránh bãi bỏ công khai một hiệp định thương mại nhưng các công đoàn xô viết hoàn toàn không buộc phải tôn trọng các công việc của bộ ngoại thương. Trên thực tế, sự ngừng xuất cảng dầu lửa xô viết sang Ý, theo quyết định của các công đoàn xô viết, chắc chắn sẽ là khởi điểm cả một phong trào tẩy chay quốc tế có hiệu lực hơn rất nhiều những “trừng phạt” xảo trá, tính toán của các nhà ngoại giao và pháp lý đã thỏa thuận với Muytxôlini (Mussolini). Và nếu các công đoàn xô viết năm 1926 công khai góp quỹ hàng triệu rúp để ủng hộ cuộc đình công các thợ mỏ Anh, lần này tuyệt đối không làm gì cả là vì tầng lớp quan liêu lãnh đạo đã cấm họ mọi sáng kiến như thế, chủ yếu là để làm vừa lòng Pháp. Nhưng trong cuộc chiến tranh sắp tới, không một liên minh quân sự nào bù được cho Liên xô sự mất tín nhiệm của nhân dân các thuộc địa và quần chúng cần lao nói chung.
Lẽ nào người ta lại không hiểu điều đó ở Kơremlanh? Cơ quan không chính thức ở Matxcơva trả lời chúng ta: “Mục đích chủ yếu của phát xít Đức là cô lập Liên xô.. Thế ư? Nhưng Liên xô ngày nay có nhiều bạn hơn lúc nào hết trên thế giới” [Tin Tức, (Izvestia) 17 tháng chín 1935]. Giai cấp vô sản Ý ở dưới gót sắt của chủ nghĩa phát xít; cách mạng Trung quốc bị đánh bại; giai cấp vô sản Đức bị đánh bại sâu sắc đến mức các cuộc bầu cử của Hitle không gặp một sự phản kháng nào của vô sản; giai cấp vô sản Áo bị trói chặt tay chân; các đảng cách mạng vùng Ban căng bị đặt ngoài vòng pháp luật; ở Pháp và Tây ban nha công nhân là chiếc xe moóc chạy sau giai cấp tư sản cấp tiến. Thế mà chính phủ xô viết, từ khi vào Hội Quốc liên có “nhiều bạn hơn bao giờ hết trên thế giới”! Cái lối khoe khoang, thoạt nhìn có vẻ khuếch đại, sẽ hết tính chất khoe khoang nếu ta gắn nó không phải với Nhà nước lao động mà với những người lãnh đạo nó. Bởi vì đúng là những thất bại đau xót của vô sản thế giới đã cho phép tầng lớp quan liêu xô viết tiếm quyền trong đất nước của mình và ít nhiều thu được cảm tình của “công luận” các nước tư bản. Quốc tế cộng sản càng ít khả năng đe dọa các vị trí của tư bản, chính phủ ở Kơremlanh càng dễ thân thiện với giai cấp tư sản Pháp, Tiệp và các nước khác. Như vậy sức mạnh của quan liêu, bên trong cũng như bên ngoài, tiến theo tỷ lệ đảo ngược với sức mạnh của Liên xô, quốc gia xã hội chủ nghĩa và nền móng của cách mạng vô sản. Nhưng đây mới là mặt phải của chiếc mề đay; còn mặt trái nữa.
Tháng mười một 1934, Lôi Gioocgiơ (Lloyd George), người mà lời nói và hành động luôn luôn thay đổi, nhưng không thiếu những ánh chớp thông minh sáng suốt, đã nhắc nhở Hạ nghị viện về việc lên án nước Đức phát xít đang trở thành thành trì vững chắc nhất của châu Âu đứng trước chủ nghĩa cộng sản. “Một ngày kia chúng ta sẽ chào họ là bạn!” Lời nói đầy ý nghĩa! Những lời khen nửa bao dung, nửa mỉa mai của giai cấp tư sản thế giới đối với Kơremlanh không bảo đảm hòa bình chút nào, cũng không làm giảm nhẹ nguy cơ chiến tranh chút nào. Giai cấp tư sản thế giới quan tâm đến sự tiến hóa của chế độ quan liêu Liên xô đặc biệt dưới góc độ thay đổi các hình thái sở hữu. Napôlêông đệ nhất, mặc dù đã ly khai hoàn toàn với các truyền thống Giacôbanh, lên ngôi vua và phục hồi đạo thiên chúa, vẫn là đối tượng căm thù của tất cả các giai cấp phong kiến thống trị châu Âu, bởi vì ông ta tiếp tục bảo vệ chế độ sở hữu mới sinh ra từ cách mạng. Chừng nào độc quyền ngoại thương chưa bị hủy bỏ, chừng nào các quyền của tư bản chưa được phục hồi, mặc cho những người lãnh đạo khéo léo đến đâu, trước mắt giai cấp tư sản toàn thế giới, Liên xô vẫn là một kẻ thù không thể giải hòa và Đức quốc xã vẫn là một người bạn, không phải của hôm nay thì ít ra cũng là của ngày mai. Trong cuộc thương thuyết giữa Bactu (Barthou) và Lavan (Laval) và Matxcơva, giai cấp đại tư sản Pháp nhất thiết cự tuyệt không chơi con bài Liên xô mặc dù tính nghiêm trọng của hiểm họa Hitle và chuyển biến đột ngột của đảng cộng sản Pháp sang chủ nghĩa yêu nước. Sau việc ký hiệp ước Pháp-Xô, Lavan bị cánh tả lên án đã đem bóng ma Matxcơva ra dọa Bá linh, nhưng thực tế là tìm cách xích lại gần Bá linh và La mã chống lại Matxcơva. Những lời phẩm bình ấy có lẽ đã đi trước sự việc một chút nhưng không mâu thuẫn tí nào với tiến trình bình thường của sự việc.
Dù người ta có ý kiến như thế nào về lợi và hại của hiệp ước Pháp-Xô, không có đường lối cách mạng nghiêm chỉnh nào có thể phủ nhận Nhà nước xô viết cái quyền tìm một chỗ dựa tạm thời bằng những hiệp định ký kết với các đế quốc này hay đế quốc khác. Điều cần thiết là phải nêu cho quần chúng thấy thật rõ ràng và trung thực vị trí của một hiệp định chiến thuật như thế nào trong hệ thống toàn bộ các lực lượng lịch sử. Đặc biệt, hoàn toàn không cần phải dựa vào mâu thuẫn giữa Pháp và Đức để lý tưởng hóa đồng minh tư sản hoặc lý tưởng hóa mưu mô nhất thời của đế quốc được ngụy trang bởi Hội Quốc liên. Thế nhưng ngoại giao của Liên xô, theo sau nó là của Đệ tam quốc tế, chuyển có hệ thống những đồng minh nhất thời của Matxcơva thành những “người bạn của hòa bình”, lừa dối công nhân trong khi nói về “an ninh tập thể” và về “giải trừ binh bị” và từ đó trở thành một chi nhánh chính trị của đế quốc trong lòng quần chúng lao động.
Cuộc phỏng vấn đáng ghi nhớ Stalin trả lời ông Rôi Hauớc (Roy Howard), chủ tịch hội báo chí Cơrưp-Hauớc (Scripps-Howard Newspapers), ngày 1 tháng ba 1935, là một tài liệu vô giá. Nó chứng tỏ sự mù quáng của quan liêu trong những vấn đề quan trọng của chính trị thế giới và sự giả dối của những quan hệ giữa các thủ lĩnh Liên xô và phong trào lao động thế giới. Về câu hỏi: “Chiến tranh có phải là không tránh khỏi không”? Stalin trả lời: “Tôi cho rằng lập trường của những người bạn của Hòa bình đang được củng cố; họ có thể làm việc giữa ban ngày, họ được dư luận quần chúng ủng hộ, họ có những phương tiện như là Hội Quốc liên”. Chẳng có một tý ý nghĩa gì thực tiễn trong những lời nói này! Các quốc gia tư sản không hề có chia ra là “bạn” và “thù” của hòa bình; lại càng không có “hòa bình” tự thân nó. Mỗi nước đế quốc thì quan tâm duy trì hòa bình của họ và càng quan tâm hơn khi cái hòa bình ấy trở tành gánh nặng cho các địch thủ của họ. Công thức chung cho Stalin, Banđuynh (Baldwin), Lêông Bơlom (Léon Blum) và những người khác: “Hòa bình sẽ thật sự được bảo đảm nếu tất cả các quốc gia nhóm họp lại trong Hội Quốc liên để bảo vệ nó”. Câu nói ấy chỉ có nghĩa hòa bình sẽ được bảo đảm nếu không có lý do gì để xâm phạm đến nó. Ý kiến đó nhất định là đúng nhưng không có gì phong phú. Các cường quốc đứng ngoài Hội Quốc liên rõ ràng thích tự do hoạt động hơn là cái khái niệm trừu tượng: “hòa bình”. Tại sao họ thích tự do hoạt động? Sẽ đến lúc họ chứng tỏ cho ta thấy những quốc gia xin rút khỏi Hội Quốc liên như Nhật bản và Đức, hoặc “xin ra” tạm thời như Ý, đều có những lý do đầy đủ. Sự ly khai của họ với Hội Quốc liên chỉ làm thay đổi hình thức ngoại giao của những mâu thuẫn hiện có, nhưng không đụng đến những mâu thuẫn ấy về cơ bản và cũng không đụng đến bản chất của Hội Quốc liên. Những người yêu công bằng, thề trung thành tuyệt đối với Hội Quốc liên có ý đồ kiên định lợi dụng hội này để duy trì nền hòa bình của họ. Nhưng không có sự đồng thuận giữa họ với nhau. Anh thì sẵn sàng kéo dài hòa bình bằng cách hy sinh quyền lợi của Pháp ở châu Âu hoặc châu Phi. Pháp thì sẵn sàng hy sinh sự an ninh giao thông đường biển của đế quốc Anh để được sự ủng hộ của Ý. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của mình, mỗi cường quốc lại sẵn sàng cần đến chiến tranh, một cuộc chiến tranh, đối với họ, lẽ cố nhiên sẽ là chiến tranh chính đáng nhất trong các cuộc chiến tranh. Cuối cùng các tiểu nhược quốc không còn cách nào hơn là tìm nơi ẩn nấp dưới mái nhà của Hội Quốc liên, và sẽ đứng không phải về phía hòa bình mà về phía nhóm mạnh nhất trong chiến tranh.
Hội Quốc liên bảo vệ nguyên trạng, đó không phải là tổ chức của “hòa bình” mà là của bạo lực đế quốc, một thiểu số chống lại tối đại đa số nhân loại. “Trật tự” ấy chỉ duy trì được bằng những cuộc chiến tranh lớn, nhỏ, không ngừng, hôm nay ở các nước thuộc địa, ngày mai giữa các chính quốc. Sự trung thành của đế quốc vào nguyên trạng chỉ có tính chất ước lệ, tạm thời và hạn chế. Nước Ý hôm qua tán thành nguyên trạng ở châu Âu, nhưng không ở châu Phi; ngày mai đường lối chính trị của nước ấy ở châu Âu sẽ như thế nào, chưa ai biết. Nhưng sự thay đổi các biên giới ở châu Phi đã vang dội đến châu Âu. Hitle chỉ tự cho phép đưa quân vào vùng sông Ranh bởi vì Muytxôlini đã lấn chiếm Etiôpi. Khó mà tính được nước Ý vào trong số những người “bạn” của hòa bình. Tuy nhiên, Pháp quan tâm đến tình bạn Ý nhiều hơn là tình bạn Liên xô. Anh, về phía mình, lại tìm tình bạn của Đức. Các nhóm đổi thay, các tham vọng vẫn tồn tại. Thực tế, nhiệm vụ những người thuộc phái nguyên trạng là tìm trong Hội Quốc liên sự sắp xếp lực lượng thuận lợi nhất và sự ngụy trang tiện lợi nhất cho sự chuẩn bị một cuộc chiến tranh sắp tới. Ai sẽ mở đầu chiến tranh và khi nào, cái đó sẽ tùy thuộc những tình huống phụ, nhưng sẽ phải có người mở đầu, bởi vì nguyên trạng chỉ là một kho thuốc súng khổng lồ.
Chương trình “giải trừ binh bị” chỉ là một ảo tưởng tai hại bậc nhất chừng nào còn tồn tại những mâu thuẫn đế quốc. Nếu nó có được thực hiện bằng những công ước - giả thiết thật là hoang tưởng! – nó cũng không thể ngăn cản chiến tranh. Không phải vì bọn đế quốc có vũ khí mà chúng làm chiến tranh; ngược lại, chúng rèn vũ khí khi chúng cần làm chiến tranh. Kỹ thuật hiện đại tạo ra khả năng tái thiết vũ khí cực kỳ nhanh. Tất cả các công ước giải trừ binh bị hoặc hạn chế vũ trang sẽ không ngăn được các nhà máy chiến tranh, các phòng thí nghiệm, các công nghiệp tư bản vẫn giữ lại được toàn bộ tiềm năng của chúng. Nước Đức bị tước vũ khí dưới sự kiểm soát chặt chẽ của những nước đã thắng nó (tiện thể xin nói, đó là hình thức duy nhất “giải trừ binh bị” thật sự), nhờ có nền công nghiệp hùng mạnh của nó, lại trở lại thành thành trì của chủ nghĩa quân phiệt châu Âu. Đến lượt nó, nó lại chuẩn bị “tước vũ khí” vài nước láng giềng với nó. Tư tưởng “giải trừ binh bị lũy tiến” chỉ còn là sự cố gắng giảm bớt trong thời bình những chi phí quân sự quá đáng; đó là vấn đề ngân quỹ chứ không phải lòng yêu chuộng hòa bình. Và tư tưởng ấy cũng tỏ ra không thực hiện được! Do sự khác nhau về vị trí địa lý, về lực lượng kinh tế và no nê về thuộc địa, mọi qui phạm giải trừ binh bị sẽ kéo theo một thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho những người này và có hại cho những người khác. Đó là sự bí lối của những cố gắng ở Giơnevơ. Trong gần hai mươi năm, những cuộc thương thuyết và đàm luận về giải trừ binh bị chỉ đem đến một sự đua tranh vũ trang mới, vượt xa mọi tình hình đã thấy cho đến nay. Xây dựng đường lối cách mạng của giai cấp vô sản trên chương trình giải trừ binh bị, thì không những là xây dựng nó trên cát, mà còn là xây dựng nó trên màn khói che phủ chủ nghĩa quân phiệt.
Việc đẩy lui đấu tranh giai cấp nhường chỗ cho chiến tranh đế quốc chỉ làm được với sự giúp đỡ của những người lãnh đạo các tổ chức quần chúng lao động. Các khẩu hiệu đã cho phép năm 1914 đưa việc ấy đến thành công tốt đẹp; cuộc “chiến tranh cuối cùng”, cuộc “chiến tranh chống chủ nghĩa quân phiệt Phổ”, cuộc “chiến tranh của dân chủ” đã mất hẳn giá trị lịch sử sau hai mươi năm qua. “An ninh tập thể” và “giải trừ binh bị toàn bộ” được nêu ra thay thế các khẩu hiệu cũ. Lấy cớ ủng hộ Hội Quốc liên, những người cầm đầu các tổ chức công nhân châu Âu chuẩn bị tái bản “liên minh thiêng liêng”, cần thiết đối với chiến tranh không kém các xe tăng, máy bay và hơi độc “bị nghiêm cấm”.
Đệ tam Quốc tế sinh ra từ sự phản kháng quyết liệt chống chủ nghĩa xã hội ái quốc. Nhưng cơ sở cách mạng mà cách mạng Tháng mười thổi vào cho nó đã bị tiêu tan từ lâu. Quốc tế cộng sản ngày nay núp dưới sự bảo trợ của Hội Quốc liên giống như Đệ nhị Quốc tế, nhưng với một bộ mặt trơ trẽn hơn. Khi nhà xã hội Anh, Xtappo Cơrứp (Stafford Cripps) gọi Hội Quốc liên là một tổ chức quốc tế của những tên tướng cướp, nói như thế tất nhiên là thiếu lễ độ nhưng không sai sự thật, tờ Thời Báo (Times) hỏi mỉa mai: “như thế thì cắt nghĩa thế nào việc Liên xô nhập Hội Quốc liên?” Không dễ trả lời. Tầng lớp quan liêu Matxcơva đã nối giáo mạnh mẽ cho chủ nghĩa xã hội quốc gia, cái thứ mà cách mạng Tháng mười hồi đó đã giáng cho một đòn chí tử.
Ông Rôi Hauớc (Roy Howard) cũng cố gắng tìm một giải thích về vấn đề này. Ông đã hỏi Stalin: “Các kế hoạch và ý đồ của ngài về cách mạng thế giới đến nay như thế nào”? - “Chúng tôi chưa bao giờ có những mưu đồ như vậy”. – “Thế nhưng…” – “Đó là kết quả của một sự hiểu lầm”. – “Một sự hiểu lầm bi thảm”? – “Không, hài hước hay đúng hơn bi hài kịch”. Chúng tôi trích nguyên văn. “Tư tưởng của nhân dân xô viết có gì nguy hiểm (Stalin nói tiếp) cho các quốc gia láng giềng, khi các quốc gia ấy thật sự đã có địa vị vững vàng”? Phóng viên có thể hỏi thêm ở đây: “Nếu chưa thật vững vàng thì sao”? Nhưng Stalin đã có một luận chứng khác yên tâm hơn: “Xuất cảng cách mạng là chuyện nói đùa. Mỗi nước có thể làm cách mạng nếu họ muốn, nhưng nếu họ không muốn, sẽ không có cách mạng. Như nước chúng tôi muốn làm cách mạng thì chúng tôi đã làm…” Chúng tôi trích nguyên văn. Từ lý thuyết thực hiện chủ nghĩa xã hội trong riêng một nước, bước sang lý thuyết cách mạng trong riêng một nước. Nhưng như vậy thì Quốc tế cộng sản lập ra để làm gì? Phóng viên có thể hỏi như vậy, nếu ông ta đẩy xa hơn sự tò mò. Những lời giải thích làm yên tâm của Stalin, được công nhân cũng như tư bản đọc, chứa đựng đầy rẫy những khiếm khuyết. Trước khi “nước chúng tôi” muốn làm cách mạng, chúng tôi đã nhập cảng những tư tưởng mácxit vay mượn của các nước và chúng tôi đã thừa hưởng được kinh nghiệm nước ngoài… Trong hàng chục năm chúng tôi đã có một bộ phận di cư cách mạng ở nước ngoài điều khiển cuộc đấu tranh ở trong nước Nga. Chúng tôi đã được sự ủng hộ tinh thần và vật chất của các tổ chức công nhân châu Âu và châu Mỹ. Sau ngày thắng lợi, năm 1919, chúng tôi đã tổ chức Quốc tế cộng sản. Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố, rằng vô sản ở nước đã làm cách mạng thắng lợi phải giúp sức về mặt tinh thần cho các giai cấp bị áp bức ở các nước khác nổi dậy, và không chỉ trong địa hạt tư tưởng mà nếu có thể, với cả vũ khí cầm tay. Chúng tôi không chỉ có tuyên bố. Chúng tôi đã ủng hộ bằng sức mạnh của vũ khí công nhân Phần lan, Lettôni, Ettôni, Gơrudia. Chúng tôi đã cố gắng đưa hồng quân tiến về Vacxôvi, tạo cho vô sản Ba lan cơ hội nổi dậy. Chúng tôi đã gửi những người tổ chức và huấn luyện quân sự cho các nhà cách mạng Trung quốc. Năm 1926 chúng tôi đã góp hàng triệu rúp cho những công nhân đình công Anh. Thế mà bây giờ chỉ là một sự hiểu lầm. Bi kịch? Không, hài kịch. Stalin không lầm khi nói cuộc sống ở Liên xô đã trở nên “vui vẻ”: bản thân Quốc tế cộng sản, từ tư cách nghiêm túc đã trở thành nhân vật hài hước.
Stalin sẽ thuyết phục được người đối thoại với y hơn nếu, thay vì vu khống quá khứ, y khẳng định rõ ràng sự đối lập giữa đường lối Técmiđo và đường lối Tháng mười. Y có thể nói: “Dưới mắt Lênin, Hội Quốc liên sinh ra để chuẩn bị những cuộc chiến tranh đế quốc. Chúng tôi lại thấy đó là công cụ của hòa bình. Lênin coi các cuộc chiến tranh cách mạng là không tránh khỏi. Chúng tôi coi việc xuất cảng cách mạng là chuyện đùa. Lênin bài xích sự liên minh giữa vô sản và tư bản đế quốc như một sự phản bội. Chúng tôi lại dốc hết sức lực để đẩy vô sản quốc tế đến chỗ đó. Lênin chế nhạo khẩu hiệu giải trừ binh bị trong chế độ tư bản, coi đó là sự lừa phỉnh đối với những người lao động. Chúng tôi xây dựng tất cả đường lối chúng tôi trên khẩu hiệu đó”. Và Stalin có thể kết luận: “Sự hiểu lầm bi – hài của các anh là ở chỗ các anh tưởng chúng tôi là những kẻ kế tục chủ nghĩa bônsêvích trong khi chúng tôi là những người đã đào mồ chôn nó”.
 
Hồng Quân Và Học Thuyết Của Nó
 
Người lính Nga thuở xưa, rèn luyện trong những điều kiện gia trưởng của cảnh “thanh bình” làng xóm, nổi bật nhất ở tinh thần theo bầy một cách mù quáng. Xuvôrôp (Souvorov), đại nguyên soái các đạo quân của Catơrin II và Pôn đệ nhất, là bậc thầy không ai chối cãi của các đạo quân nông nô. Cuộc đại cách mạng Pháp thanh toán vĩnh viễn nghệ thuật quân sự của châu Âu cổ và nước Nga hoàng. Đúng là sau này đế chế còn thêm vào lịch sử những cuộc đánh chiếm lớn, nhưng không còn những trận chiến thắng đối với quân đội các nước văn minh. Phải có những chiến bại trong những cuộc chiến tranh với nước ngoài và những cuộc vật lộn bên trong mới tôi luyện lại được tính cách dân tộc của quân đội Nga; Hồng quân chỉ có thể sinh ra trên một cơ sở xã hội và tâm lý mới. Tính thụ động, tinh thần theo bầy và sự qui phục thiên nhiên, trong các thế hệ trẻ, phải nhường chỗ cho sự táo bạo và coi trọng kỹ thuật. Đồng thời với sự thức tỉnh ý thức cá nhân, trình độ văn hóa cũng tiến hơn. Những người không biết chữ được gọi tòng quân ngày càng ít đi; hồng quân không giải ngũ cho người nào không biết đọc biết viết. Tất cả các môn thể thao được luyện tập say sưa và lan ra cả ngoài quân đội. Huy hiệu bắn súng giỏi trở thành phổ biến trong viên chức, công nhân, sinh viên. Các giày trượt tuyết mùa đông đem lại cho các đơn vị quân đội một tính cơ động trước kia không có. Những kết quả đáng chú ý đã đạt được trong nhảy dù, tàu lượn, tàu bay. Những chiến tích của hàng không ở Bắc cực và trên tầng bình lưu có luôn trong đầu óc mọi người. Tất cả những dãy đỉnh cao ấy hợp thành cả một dãy cao đã đạt được.
Không cần lý tưởng hóa tổ chức hoặc các phẩm chất tác chiến của hồng quân trong cuộc nội chiến. Những năm ấy đối với những cán bộ trẻ là những năm thử lửa lớn. Những người lính thường của quân đội Nga hoàng, những hạ sĩ, thiếu úy tự phát hiện ra là những người biết tổ chức và biết chỉ huy; nghị lực của họ được tôi luyện trong những trận đánh lớn. Những người tự học ấy thường hay bị đánh bại, nhưng cuối cùng họ đánh thắng. Những người giỏi nhất trong bọn họ sau đó đi vào học tập chăm chỉ. Những nhà chỉ huy quân sự hiện nay, tất cả đã qua trường học của nội chiến, đa số đã tốt nghiệp Học viện quân sự hoặc theo những quá trình bổ túc đặc biệt. Gần một nửa sĩ quan cao cấp đã được tiếp thu một sự giáo dục quân sự thích đáng, những người khác, một sự giáo dục trung bình. Lý thuyết đã cho họ một kỷ luật cần thiết trong tư duy nhưng không giết mất tính táo bạo được khơi lên vì những cuộc hành quân đầy kịch tính trong nội chiến. Thế hệ ấy ngày nay nằm trong khoảng bốn mươi và năm mươi tuổi, tuổi của sự cân bằng các lực lượng thể xác và tinh thần, sáng kiến táo bạo dựa trên kinh nghiệm và không bị kinh nghiệm kéo trì lại.
Đảng, đoàn thanh niên cộng sản, các công đoàn, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ đối với chủ nghĩa xã hội, họp thành vô số cán bộ quản lý thành thạo trong việc điều khiển những khối lượng người và hàng hóa và đồng nhất hóa với Nhà nước, đó là những kho dự trữ tự nhiên những cán bộ quân đội. Sự chuẩn bị cho thanh niên làm nghĩa vụ quân sự lại là một kho dự trữ khác. Sinh viên họp thành những binh đoàn trường học, ở trường hợp động viên, có thể trở thành những trường chuẩn úy. Để thấy được tầm quan trọng của những kho dự trữ này chỉ cần nêu ra con số sinh viên tốt nghiệp các trường đại học lúc này hàng năm đạt 80.000, tổng số sinh viên vượt quá nửa triệu và tổng số học sinh của tất cả các trường học đến gần hai mươi tám triệu.
Trong lĩnh vực kinh tế và nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, cuộc cách mạng xã hội đã bảo đảm cho quốc phòng những lợi thế mà nước Nga xưa không nghĩ đến. Các phương pháp lập kế hoạch trong thực tế có nghĩa là sự động viên công nghiệp, và cho phép được sử dụng ở phương diện quốc phòng từ lúc xây dựng và thiết bị các nhà máy mới. Người ta có thể coi tương quan giữa lực lượng nhân sự và lực lượng kỹ thuật của hồng quân ngang tầm các quân đội tiên tiến nhất phương Tây. Sự đổi mới vũ khí pháo binh thực hiện với một thành công quyết định trong thời kỳ đầu của kế hoạch năm năm. Những khoản tiền khổng lồ được dành cho việc đóng những ôtô bọc thép và xe tải, xe tăng và máy bay. Đất nước có gần nửa triệu máy kéo và còn phải làm ra 60.000 chiếc năm 1936, với tổng công suất 8,5 triệu mã lực. Việc làm chiến xa cũng tiến hành song song. Dự kiến từ ba mươi đến bốn mươi lăm chiến xa một kilômét trận tuyến khi có động viên.
Sau cuộc đại chiến, hạm đội từ 548.000 tấn năm 1917 tụt xuống 82.000 tấn năm 1928. Phải bắt đầu lại từ đầu. Tháng giêng 1936, Tukhatsepski (Toukhatchevsky) tuyên bố ở Ban thường vụ: “Chúng ta tạo ra một hạm đội hùng mạnh, tập trung những cố gắng đầu tiên vào tàu ngầm”. Phải công nhận là bộ tư lệnh hải quân Nhật có thông tin đầy đủ về những thành công đạt được trong lĩnh vực này. Hiện nay biển Ban tích là mục tiêu của một sự chú ý tương tự. Tuy nhiên trong những năm tới, hạm đội ngoài biển chỉ có thể đóng một vai phụ trong việc phòng thủ bờ biển.
Ngược lại, hạm đội không quân đã phát triển tốt đẹp. Cách đây hơn hai năm, một đoàn kỹ thuật viên hàng không Pháp phát biểu trên báo về vấn đề này, biểu lộ “sự ngạc nhiên và thán phục của họ”. Đặc biệt họ đã tin chắc rằng hồng quân chế tạo ngày càng nhiều những máy bay ném bom hạng nặng, bán kính hoạt động 1.200 và 1.500 kilômét. Trường hợp có xung đột ở Viễn đông, các trung tâm chính trị và kinh tế của Nhật bản sẽ bị đe dọa bởi không quân thuộc hải phận Vlađivôttôc. Các tin tức đưa lên báo chí cho biết kế hoạch năm năm dự kiến thành lập sáu mươi hai trung đoàn không quân, có thể đưa ra chiến đấu năm nghìn máy bay (cho năm 1935). Không có lý do gì để nghi ngờ sự thực hiện của kế hoạch đó và rất có thể nó đã được thực hiện vượt kế hoạch.
Hàng không không thể tách rời khỏi một lĩnh vực công nghiệp xưa kia không có ở Nga và đã có những bước tiến bộ rất lớn thời gian gần đây: hóa học. Ai cũng biết chính phủ xô viết cũng như mọi chính phủ khác không tin một giây phút những “cấm đoán” nhắc đi nhắc lại về chiến tranh hơi độc. Sự nghiệp của những người khai hóa Ý ở Abixini, một lần nữa đã chứng tỏ những giới hạn nhân đạo của quân ăn cướp quốc tế đi xa đến đâu. Người ta có thể nghĩ rằng hồng quân đã được đề phòng để chống những tai họa bất ngờ của chiến tranh hóa học hay chiến tranh vi khuẩn - địa hạt bí mật nhất và khủng khiếp nhất của việc vũ trang – ngang tầm với các quân đội phương Tây.
Chất lượng các sản phẩm của công nghiệp chiến tranh là điều còn đáng nghi ngờ. Nhân thể chúng tôi xin nhắc lại các phương tiện sản xuất ở Liên xô có chất lượng tốt hơn các hàng tiêu dùng. Ở đâu mà các đơn đặt hàng phải qua các nhóm có ảnh hưởng của đẳng cấp quan liêu lãnh đạo, chất lượng của sản phẩm vượt lên rõ ràng trình độ thông thường, trình độ này vốn rất thấp. Các cơ quan chiến tranh là những khách hàng có ảnh hưởng nhất của công nghiệp. Vậy chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy các máy móc để phá hoại lại có chất lượng cao hơn hàng tiêu dùng và cả các phương tiện sản xuất. Tuy nhiên, công nghiệp chiến tranh vẫn là một bộ phận của công nghiệp nói chung và phản ánh, dù có giảm đi, tất cả các khuyết điểm của nó. Vôrôsilốp và Tukhatsepski không bỏ một cơ hội để nói công khai với các cán bộ quản lý: “Chúng tôi không phải lúc nào cũng hài lòng về chất lượng sản phẩm mà các anh đem đến cho hồng quân”. Có thể nghĩ rằng người ta phải nói bằng những lời lẽ rõ hơn giữa những người lãnh đạo quốc phòng với nhau. Theo lệ chung, cung ứng của cục hậu cần thì chất lượng thấp hơn cung ứng về vũ khí và đạn dược. Giày bốt thì không tốt bằng súng liên thanh. Động cơ máy bay, mặc dầu những tiến bộ lớn đã đạt được, vẫn còn lạc hậu so với những loại tốt nhất của phương Tây. Mục tiêu cũ - tiến tới gần nhất trình độ đạt được của quân thù sau này - vẫn tồn tại, nhìn về mặt kỹ thuật chiến tranh.
Tình hình trong nông nghiệp kém hơn. Ở Matxcơva người ta thường xuyên nhắc lại rằng thu nhập của công nghiệp đã vượt thu nhập của nông nghiệp, nên ở Liên xô ưu thế đã chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp. Thực ra, các tỷ lệ mới về thu nhập được quyết định do sự lớn mạnh của công nghiệp, cho dù rất quan trọng, ít hơn là do trình độ hết sức thấp của nông nghiệp. Một trong các nguyên nhân của thái độ mềm mỏng đến lạ kỳ mà ngoại giao Liên xô đã tỏ ra đối với Nhật bản là do vấn đề tiếp tế đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên ba năm gần đây đã có một tiến bộ thật sự và cho phép xây dựng những cơ sở tiếp tế quan trọng cho việc bảo vệ vùng Viễn Đông.
Có vẻ như là ngược đời, chính việc thiếu ngựa mới là điểm yếu nhất của quân đội. Công cuộc tập thể hóa toàn bộ đã gây ra sự mất mát gần 55% số ngựa. Thế mà mặc dầu đã cơ giới hóa, quân đội hiện nay cứ ba người lính cần phải có một con ngựa, như thời Napôlêông. Một bước ngoặt thuận lợi đã được đánh dấu trong năm qua về mặt này, số ngựa bắt đầu tăng lên. Dù sao, ngay cả nếu chiến tranh sẽ nổ ra trong vài tháng, một đất nước 170 triệu dân vẫn có khả năng động viên vật tư và số ngựa cần thiết cho mặt trận, như thế lẽ tự nhiên, sẽ gây ra thiệt hại cho nhân dân. Nhưng ở trường hợp chiến tranh quần chúng nhân dân tất cả mọi nước nói chung đều không có thể chờ đón gì khác ngoài cái đói, hơi ngạt và dịch bệnh.
Cuộc đại cách mạng Pháp tạo ra quân đội bằng cách kết hợp các đơn vị mới với các đội quân tiền tuyến của quân đội hoàng gia. Cách mạng Tháng mười thanh toán hoàn toàn quân đội của chế độ cũ. Hồng quân là một sáng tạo mới bắt đầu từ cơ sở. Sinh ra đồng thời với chế độ xô viết, nó cùng chia sẻ mọi bước thăng trầm. Tính ưu việt không so được giữa nó với quân đội Sa hoàng chủ yếu là sự biến đổi sâu sắc của xã hội. Nó cũng không tránh được sự suy thoái của chế độ xô viết; ngược lại, sự suy thoái này lại được biểu hiện đầy đủ nhất trong quân đội. Trước khi thử xác định vai trò có thể xảy ra của hồng quân trong tai biến sắp đến, chúng ta phải dừng lại một lúc xem xét sự tiến hóa của những tư tưởng chủ đạo và cấu trúc của nó.
Sắc lệnh của hội đồng dân ủy ngày 12 tháng giêng 1918 tuyên bố xây dựng một đạo quân thưòng trực, định ra mục đích của nó bằng những lời lẽ sau: “Chính quyền chuyển sang tay các giai cấp cần lao bị bóc lột cần thiết có một đạo quân mới, là thành trì của chính quyền xô viết… và là chỗ dựa của cách mạng xã hội chủ nghĩa tương lai ở châu Âu”. Ngày mồng 1 tháng năm, nhắc lại “lời thề xã hội chủ nghĩa” và văn bản được giữ lại từ 1918 và vẫn còn đến nay, những người lính hồng quân trẻ tự nguyện “đứng trước các giai cấp cần lao Nga và thế giới” chiến đấu “cho chủ nghĩa xã hội và tình huynh đệ của các dân tộc, không tiếc sức lực và mạng sống của mình”.
Ngày nay khi Stalin nói rằng chủ nghĩa quốc tế cách mạng là một “sự hiểu lầm hài hước”, Stalin, như trong nhiều việc khác, thiếu kính trọng đối với những sắc lệnh cơ bản của chính quyền xô viết, sắc lệnh mà ngày hôm nay vẫn chưa hủy bỏ.
Cố nhiên quân đội được nuôi dưỡng cùng những tư tưởng với đảng và Nhà nước. Pháp lý, báo chí, sự sôi động của quần chúng đều thấm nhuần một tinh thần cách mạng thế giới, coi như là một mục tiêu. Nhiều phen cương lĩnh của chủ nghĩa quốc tế cách mạng mang theo những hình thức thái quá trong các cơ chế chiến tranh.
Gutxep, (Goussiev) một thời gian là tổng cục trưởng tổng cục chính trị trong quân đội và sau này là một trong những người cộng tác gần gũi nhất với Stalin, năm 1921, viết trong một tạp chí quân đội: “Chúng tôi chuẩn bị cho quân đội của giai cấp vô sản… không những để chống phản cách mạng, tư sản và phong kiến, mà còn làm những cuộc chiến tranh cách mạng (tự vệ và tiến công) chống những cường quốc đế quốc chủ nghĩa”. Gutxep trách cứ thủ lĩnh hồng quân chuẩn bị không đầy đủ để quân đội ấy làm các nhiệm vụ quốc tế của nó.[2] Tác giả cuốn sách này viết trên báo giải thích với đồng chí Gutxep rằng lực lượng vũ trang nước ngoài, trong các cuộc cách mạng, chỉ đóng một vai trò trợ thủ, không phải vai trò chính; nó chỉ có thể làm cho kết thúc được nhanh và thắng lợi dễ hơn, nếu có được những điều kiện thuận lợi. “Sự can thiệp vũ trang có tác dụng như là cái mỏ vịt (cái cặp thai) của bà đỡ; dùng đúng lúc, nó có thể rút ngắn cơn đau đẻ; dùng sớm quá, nó chỉ đi đến chỗ làm sẩy thai” (5 tháng chạp 1929). Rất tiếc chúng tôi không thể trình bày ở đây như thế nào cho thích hợp lịch sử những tư tưởng của cái chương mục quan trọng này. Nhưng chúng ta ghi nhớ rằng Tukhatsepski, ngày nay là nguyên soái, năm 1921, đề nghị tại đại hội Quốc tế cộng sản, lập bên cạnh cơ quan Quốc tế cộng sản một “bộ tham mưu quốc tế”: bức thư thú vị ấy hồi đó được công bố trong một tập bài nhan đề Cuộc chiến tranh các giai cấp. Có năng khiếu chỉ huy nhưng quá hăng hái, vị tướng ấy cần đọc một bài báo trả lời ông ta rằng “bộ tham mưu quốc tế chỉ có thể tạo dựng bằng những bộ tham mưu quốc gia của những Nhà nước vô sản khác nhau; nếu không phải vậy, một bộ tham mưu quốc tế không tránh khỏi trở thành hài hước”. Stalin tránh hết sức sự xác định thái độ của mình trong các vấn đề nguyên lý, nhất là các vấn đề mới, nhưng nhiều người trong số chiến hữu sau này của y, trong những năm đó, đứng về “phía tả” của lãnh đạo đảng và quân đội. Tư tưởng của họ gồm nhiều sự cực đoan ngây ngô hoặc “những sự hiểu lầm hài hước”, nếu người ta ưa dùng câu này. Không có cái đó, một cuộc đại cách mạng có thể làm được không? Chúng tôi đã từng chỉ trích những tư tưởng “biếm họa” cực đoan trong quan niệm quốc tế vô sản, trước khi quay mũi giáo chống cái lý thuyết cũng không kém phần “biếm họa” và lố lăng của “chủ nghĩa xã hội thành công trong riêng một nước”.
Ngược lại với những quan niệm hình thành sau khi nhìn lại dĩ vãng, sinh hoạt tư tưởng bônsêvích rất sôi nổi đúng vào lúc gian nan nhất của cuộc nội chiến. Những cuộc tranh luận rộng rãi nối tiếp nhau ở tất cả các cấp bộ đảng, Nhà nước hoặc quân đội, nhất là về các vấn đề quân sự; đường lối của những người lãnh đạo được đưa ra phê phán tự do và nhiều khi rất ác liệt. Trong tờ tạp chí quân đội có ảnh hưởng nhất hồi đó, thủ lĩnh quân đội[3] viết về sự kiểm duyệt quá nghiêm khắc: “Tôi công nhận kiểm duyệt đã làm nhiều bậy bạ và tôi thấy rất cần thiết phải nhắc vị đáng kính ấy nên khiêm tốn hơn. Kiểm duyệt có nhiệm vụ giữ gìn những bí mật của chiến tranh... Ngoài ra chẳng có gì liên quan đến kiểm duyệt cả” (23 tháng hai 1919).
Câu chuyện lập bộ tham mưu quốc tế không có quan trọng mấy trong cuộc đấu tranh tư tưởng, cuộc đấu tranh này, tuy không ra khỏi giới hạn của kỷ luật hành động, đã dẫn đến sự hình thành một nhóm đối lập trong quân đội, ít ra là trong các giới lãnh đạo. Trường phái “học thuyết vô sản của chiến tranh” trong đó có Phơrundê (Frounzé), Tukhatsepski, Gutxep, Vôrôsilôp (Vorochilov) và những người khác, xuất phát từ niềm tin tiên nghiệm (a priori) cho rằng hồng quân, trong mục đích chính trị và cấu trúc của nó, cũng như trong chiến lược và sách lược của nó, không có cái gì là giống với các quân đội quốc gia của một nước tư bản. Về mọi mặt, giai cấp thống trị mới cần có một hệ thống chính trị riêng biệt. Cần phải sáng tạo. Trong cuộc nội chiến, người ta chỉ mới đưa ra những lời phản đối trên nguyên tắc, chống sử dụng các tướng tá tức các sĩ quan cũ của quân đội Sa hoàng và công kích việc ban chỉ huy cấp trên đấu tranh với những ứng tác địa phương và những vi phạm kỷ luật không ngừng. Nhân danh những nguyên lý “vận hành” và “tấn công”, nêu lên thành mệnh lệnh tuyệt đối, những người xướng xuất tư duy mới lại còn muốn lên án sự tổ chức tập trung của quân đội, cho rằng lối tổ chức tập trung đó ngăn cản sáng kiến cách mạng trên các chiến trường quốc tế. Xét đến cùng đó là một ý kiến muốn nâng cao các tác chiến du kích buổi đầu của nội chiến lên tầm một hệ thống lâu dài và phổ biến. Có những tướng tá bày tỏ nhiệt tình với học thuyết mới đến mức không muốn nghiên cứu học thuyết cũ nữa. Xaritxin (Tsaritsyne ngày nay là Stalingơrat) là trung tâm chính của những tư tưởng ấy, Budienni (Boudienny), Vôrôsilôp (và sau đó, Stalin) bắt đầu hoạt động quân sự cũng ở đấy.
Chỉ sau khi hòa bình đã trở lại, người ta mới sắp xếp tập hợp những khuynh hướng canh tân ấy thành một học thuyết. Một trong những tướng giỏi của thời nội chiến, một người tù khổ sai chính trị cũ, Phơrundê đã có sáng kiến đó, được sự ủng hộ của Vôrôsilôp và một phần của Tukhatsepski. Xét đến cùng học thuyết “vô sản và chiến tranh” rất giống học thuyết “văn hóa vô sản”, nó hoàn toàn nhất trí về tính cách sơ lược và siêu hình. Một vài công trình của các tác giả ấy để lại, chứa đựng rất ít phương thức thực tiễn và hoàn toàn không có gì mới. Những phương thức đó suy diễn từ một định nghĩa rập khuôn về giai cấp vô sản, giai cấp quốc tế đang thời tiến công, có nghĩa là một suy diễn tư duy trừu tượng thuộc tâm lý chứ không xuất phát từ những điều kiện thực tế của không gian và thời gian. Chủ nghĩa Mác được suy tôn trong từng hàng chữ nhưng thật ra đã nhường chỗ cho chủ nghĩa duy tâm thuần túy. Căn cứ vào tính chân thật của sự lạc hướng đó, ta thấy ngay đó là mầm mống của sự tự mãn quan liêu muốn và bắt người khác phải công nhận họ có khả năng làm ra những chuyện thần kỳ lịch sử trong mọi lĩnh vực, không cần có sự chẩn bị đặc biệt và không cần cả đến cơ sở vật chất.
Thủ lĩnh quân đội[4] thời đó đã trả lời Phơrundê: “Về phía tôi, tôi cũng tin rằng nếu một nước có một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phát triển buộc phải có chiến tranh với một nước tư sản, chiến lược của nó có thể sẽ có một bộ mặt khác hẳn. Nhưng chúng ta không có lý do gì tưởng tượng ngày hôm nay một chiến lược vô sản cho ngày mai. Phát triển được kinh tế xã hội chủ nghĩa, nâng cao được trình độ văn hóa của quần chúng…, chúng ta chắc chắn sẽ làm giàu được nghệ thuật quân sự bằng những phương pháp mới”. Muốn thế, chúng ta hãy học tập có phương pháp các nước tư bản tiên tiến, đừng mưu toan suy diễn “bằng những biện pháp lôgích, từ bản chất cách mạng của giai cấp vô sản tìm ra một chiến lược mới” (mồng 1 tháng tư 1922). Acsimet (Archimède) hứa nhấc bổng quả đất, miễn người ta cho ông ta một điểm tựa. Nói hay lắm. Nhưng nếu người ta cho ông điểm tựa, ông sẽ thấy còn thiếu đòn bẩy. Cách mạng thành công cho chúng ta một điểm tựa mới. Nhưng muốn nhấc bổng thế giới, còn phải có những đòn bẩy.
“Học thuyết vô sản chiến tranh” bị đảng khước từ cũng như chị cả của nó là học thuyết về “văn hóa vô sản”. Sau đó số phận của chúng lại khác nhau. Stalin và Bukharin lại giương ngọn cờ “văn hóa vô sản”, không có kết quả đáng kể, trong bảy năm từ khi tuyên bố chủ nghĩa xã hội thành công trong riêng một nước, đến khi thanh toán tất cả các giai cấp (1924 – 1931). “Học thuyết vô sản về chiến tranh”, ngược lại, không hề có sự hồi sinh, mặc dầu những người xướng xuất cũ đã khá nhanh chóng nắm được chính quyền. Sự khác nhau về số phận của hai học thuyết rất bà con với nhau ấy biểu hiện nét rất đặc thù của xã hội xô viết. “Văn hóa vô sản” bao hàm những yếu tố không đo lường được và tầng lớp quan liêu ban bố cái đó rộng rãi cho giai cấp vô sản, bù cho việc họ đã gạt bỏ thô bạo vô sản ra khỏi chính quyền. Học thuyết quân sự trái lại đụng chạm thiết thân đến quyền lợi quốc phòng và quyền lợi của tầng lớp lãnh đạo. Không còn chỗ cho những mơ tưởng ngông cuồng. Những cựu địch thủ của việc sử dụng các cựu tướng tá (Sa hoàng) trong một thời gian đã trở thành tướng tá; những người xướng xuất bộ tham mưu quốc tế đã dịu đi dưới sự bảo trợ của “bộ tham mưu trong riêng một nước”, học thuyết “an ninh tập thể” thay thế học thuyết “chiến tranh các giai cấp”; viễn cảnh cách mạng thế giới nhường chỗ cho việc tôn sùng nguyên trạng. Để gây lòng tin cho những đồng minh giả thiết và đừng chọc tức quá quân thù, phải làm ra vẻ hết sức giống quân đội tư bản và bằng mọi giá không khác biệt đối với họ. Tuy nhiên, những thay đổi về học thuyết và về bộ mặt lại che lấp những quá trình xã hội có tầm quan trọng lịch sử. Năm 1935 đánh dấu trong hàng ngũ quân đội một cuộc đảo chính kép: đối với hệ thống dân quân tự vệ và đối với cán bộ.
 
Thanh Toán Các Dân Quân Tự Vệ Và Phục Hồi Các Cấp Bậc
 
Sau gần hai mươi năm cách mạng, các lực lượng vũ trang Liên xô đã đáp ứng đến chừng mực nào so với mẫu hình mong muốn của chương trình đảng bônsêvích?
Phù hợp với cương lĩnh của đảng, quân đội của chuyên chính vô sản phải “có tính giai cấp rõ ràng, có nghĩa là chỉ bao gồm vô sản và nông dân thuộc các tầng lớp bán vô sản của nhân dân nông thôn. Quân đội giai cấp ấy chỉ trở thành dân quân xã hội chủ nghĩa của toàn dân sau khi các giai cấp bị xóa bỏ”. Tạm gác bỏ trong một thời gian quan niệm quân đội đại diện cho toàn dân, đảng vẫn giữ ý kiến xây dựng một hệ thống dân quân tự vệ. Trái lại, một quyết định đại hội VIII của đảng cộng sản nói: “Chúng ta xây dựng dân quân tự vệ trên cơ sở giai cấp và biến chúng thành dân quân tự vệ xã hội chủ nghĩa”. Mục tiêu là tạo ra một đạo quân “càng không có trại lính chừng nào càng hay, đặt quân đội trong những điều kiện gần giống với điều kiện giai cấp công nhân đang lao động”. Các đơn vị khác nhau cuối cùng phải tương ứng với nhà máy, hầm mỏ, đô thị, làng xã và những tổ chức hữu cơ khác “có một sự chỉ huy địa phương và có kho quân trang và tiếp tế địa phương”. Sự kết hợp địa phương, trường học, công nghiệp và thể thao của thanh niên thay cho tinh thần nhà binh trại lính và áp dụng một kỷ luật tự nguyện không cần có một đội ngũ sĩ quan nhà nghề thống trị trong quân đội.
Thích ứng với bản chất xã hội của xã hội chủ nghĩa, dân quân tự vệ đòi hỏi phải có một nền kinh tế tiến bộ. Quân đội nằm trong các trại lính được đặt trong những điều kiện giả tạo; quân đội địa phương nói lên một cách trực tiếp hơn thực trạng của đất nước. Văn hóa càng hậu lạc, thành thị càng khác biệt với nông thôn, dân quân tự vệ càng kém về tính thuần nhất và tổ chức. Sự thiếu đường sắt, đường bộ và đường sông, thiếu các xa lộ, sự kém cỏi về chuyên chở bằng ôtô buộc quân địa phương, trong những tuần đầu nguy kịch và những tháng đầu của chiến tranh, phải chậm trễ cực kỳ. Để bảo vệ khắp biên giới trong thời kỳ động binh cũng như bảo đảm các việc chuyên chở chiến lược và tập trung lực lượng cần thiết phải có một đội quân thường trực đồng thời với các dân quân tự vệ. Hồng quân lúc đầu đã được tổ chức như là một sự thỏa hiệp bắt buộc của hai hệ thống, tuy nhiên đội quân thường trực vẫn phải trội hơn.
Năm 1924, thủ lĩnh quân đội[5] viết: “Lúc nào cũng phải có hai suy nghĩ như sau: nếu sự thiết lập chế độ xô viết lần đầu tiên tạo ra khả năng cho sự tổ chức một hệ thống dân quân tự vệ, thời gian mà chúng ta đến được chỗ đó sẽ được quyết định do trình độ chung của nền văn hóa trong nước - kỹ thuật, giao thông, giáo dục, v.v… - Các cơ sở chính trị của dân quân tự vệ được thiết lập chắc chắn ở nước ta nhưng các cơ sở kinh tế và văn hóa thì rất lạc hậu”. Nếu các điều kiện vật chất mong muốn được thỏa mãn, các đạo quân địa phương không những không nhường bước quân đội thường trực mà còn hơn nó rõ ràng. Liên xô trả giá đắt cho quốc phòng của mình bởi vì quá nghèo để có được một đạo quân địa phương ít tốn kém. Chúng ta đừng có ngạc nhiên: chính vì nghèo mà Liên xô phải trĩu xuống dưới gánh nặng của một đẳng cấp quan liêu đắt giá.
Cũng một vấn đề xuất hiện trước mắt chúng ta, một cách thường kỳ, trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đó là vấn đề mất cân đối giữa cơ sở kinh tế và thượng tầng kiến trúc xã hội. Ở nhà máy, ở nông trường, trong gia đình, trường học, văn học, quân đội, mọi tương quan đều dựa trên mâu thuẫn giữa trình độ thấp (kể cả theo quan điểm tư bản chủ nghĩa) của các lực lượng sản xuất và các hình thức sở hữu chỉ mới xã hội chủ nghĩa trên mặt nguyên tắc.
Những quan hệ xã hội mới thúc đẩy một sự nâng cao văn hóa. Nhưng văn hóa thiếu kém lại hạ thấp các hình thức xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn Liên xô là sự hợp lực của hai khuynh hướng đó. Trong quân đội, nhờ cấu trúc tổ chức của nó biểu hiện rõ ràng, sự hợp lực đó được đo bằng những con số khá chính xác. Tỷ lệ các đơn vị thường trực và địa phương có thể dùng làm chỉ số, đo bước tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Thiên nhiên và lịch sử đã giao cho Liên xô những biên giới bỏ ngỏ, cách nhau 10.000 kilômét, với một dân số thưa thớt và những đường xá xấu. Ngày 15 tháng mười 1924, ban lãnh đạo cũ của quân đội, trong những tháng cuối của hoạt động mình, lại một lần nữa, nhắc nhở nhân dân đừng quên: “Tổ chức dân quân trong một tương lai gần gũi chỉ có thể có một tính cách chuẩn bị cần thiết. Mọi tiến triển theo hướng đó phải căn cứ vào sự kiểm tra chặt chẽ các kết quả đã đạt được”. Nhưng đến năm 1925 lại mở ra một kỷ nguyên mới: những người chủ chốt cũ của “học thuyết vô sản về chiến tranh” lên nắm quyền. Thực tế, quân đội địa phương về căn bản mâu thuẫn với lý tưởng “tấn công” và “vận hành” là lý tưởng của trường phái này. Nhưng dần dần người ta quên mất cách mạng thế giới. Các thủ lĩnh mới hy vọng tránh được chiến tranh bằng cách “trung hòa” giai cấp tư sản. Trong những năm tiếp theo, 74% quân số chuyển sang hệ thống dân quân tự vệ!
Ngày nào nước Đức còn bị tước vũ khí và còn được coi là “bạn”, tổng hành dinh Matxcơva nhận thấy cần phải đối phó với lực lượng các nước láng giềng, Ba lan, Rumani, Lituani, Lettoni, Ettôni, Phần lan, những nước địch thủ ấy chắc sẽ phải được sự hỗ trợ của những cường quốc lớn hơn, đặc biệt là Pháp. Thời kỳ xa xôi ấy (chấm dứt năm 1933), nước Pháp chưa là người bạn trời cho của hòa bình. Tất cả các quốc gia có chung biên giới có thể huy động ra tiền tuyến gần 120 sư đoàn bộ binh, chừng 3.500.000 người. Kế hoạch động viên của hồng quân nhằm tập trung ở biên giới phía tây những lực lượng gần tương đương. Ở Viễn đông, những điều kiện đặc biệt của chiến trường cũng buộc phải tính đến với hàng chục vạn chiến sĩ. Cứ 100 người ở tuyến lửa phải có 75 người thay thế mỗi năm. Hai năm chiến tranh hao tổn cho đất nước - không tính số lính khi ra khỏi bệnh viện lại trở về mặt trận - từ 10 đến 12 triệu người. Hồng quân cho đến năm 1935 chỉ có 562.000 người, kể cả với quân đội Guyêpêu là 620.000 người, trong đó có 40.000 sĩ quan. Xin nhắc lại, trong những lực lượng ấy, 74% thuộc các đơn vị địa phương và chỉ có 26% là các đơn vị tập trung trong các trại lính. Còn mong có bằng chứng nào hơn về thắng lợi của hệ thống dân quân – trong một tỉ lệ không phải 100% mà 74%, nhưng dù sao nó có ý nghĩa “quyết định và không thể thay đổi được”?
Tất cả những tính toán ấy, tự chúng có tính chất mong manh, được đưa ra xem xét khi Hitle lên nắm quyền. Nước Đức vũ trang điên cuồng, và trước hết là để chống Liên xô. Triển vọng chung sống hòa bình với chủ nghĩa tư bản bị xóa mờ ngay. Nguy cơ chiến tranh ngày càng rõ nét buộc chính phủ Liên xô phải thay đổi triệt để cấu trúc của hồng quân, đồng thời đưa quân số lên 1.300.000. Giờ đây, quân đội gồm 77% đơn vị gọi là “cán bộ” và 23% là các đơn vị địa phương! Việc giảm trừ các đơn vị địa phương ấy có nghĩa là từ bỏ quan niệm hệ thống dân quân tự vệ khi người ta nghĩ rằng đây không phải là hòa bình không có bóng mây, mà đúng là khả năng có chiến tranh đã khiến cho việc có quân đội là cần thiết. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, nhất là trong một lĩnh vực quan trọng hơn mọi lĩnh vực nào khác, không có chuyện nói đùa, người ta chỉ giành được “ở chung cuộc và không thể thay đổi” những gì mà cơ sở sản xuất của xã hội có thể bảo đảm.
Sự rơi tụt từ 74% xuống 23% dù sao cũng thái quá. Phải tin rằng nó không thể xảy ra mà không có một áp lực “thân hữu” của bộ tham mưu Pháp. Lại còn có lẽ đúng hơn là đẳng cấp quan liêu đã nhân cơ hội thuận tiện vất đi cho xong cái hệ thống ấy vì lý do chính trị một phần rất lớn. Các đơn vị địa phương theo định nghĩa của nó là phải trực thuộc nhân dân và đứng về quan điểm xã hội chủ nghĩa, đó là lợi thế của dân quân tự vệ; nhưng đó cũng là thế không hay cho quan liêu, đứng về quan điểm của Kơremlanh. Đúng vậy, bởi vì sợ một sự quá gần gũi giữa quân đội và nhân dân mà các nhà cầm quyền các nước tư bản tiên tiến - ở đó về mặt kỹ thuật, hệ thống dân quân hoàn toàn có thể thực hiện được - khước từ việc thành lập dân quân tự vệ. Sự sôi sục trong hồng quân trong thời gian thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất chắc chắn lại tạo thêm một cớ nữa về sự cải tổ các đơn vị quân đội địa phương.
Giả thuyết của chúng tôi chắc chắn sẽ được chứng thực do một biểu đồ cho biết thành phần hồng quân trước và sau cải tổ; nhưng chúng tôi không có biểu đồ ấy và nếu có, chúng tôi cũng không tự cho phép được bình phẩm ở đây. Một việc cũng hiển nhiên, chỉ có thể có một cách giải thích: giữa lúc chính phủ Liên xô giảm đi 51% sự quan trọng đặc biệt của dân quân địa phương, chính phủ lại tái thiết các đơn vị cô dắc là những quân đội địa phương duy nhất dưới chế độ cũ! Kỵ binh bao giờ cũng được ưu đãi và là nhân tố thủ cựu của quân đội. Ngày xưa những người côdắc là bộ phận bảo thủ nhất của kỵ binh. Trong chiến tranh và cách mạng, họ là lực lượng cảnh sát đầu tiên của Sa hoàng, sau này là của Kêrenski. Dưới chế độ xô viết, họ vẫn là những người Văng đêen (bảo hoàng) không có thay đổi. Công cuộc tập thể hóa, tiến hành trong đám họ với một bạo lực đặc biệt, không làm thay đổi tập tục và tâm tính của họ. Ngược lại, luật pháp cho phép họ, với danh nghĩa ngoại lệ, quyền có ngựa. Lẽ tự nhiên, cũng không thiếu những đặc ân khác. Các kỵ sĩ vùng thảo nguyên một lần nữa lại đứng về phía những kẻ có đặc quyền, chống lại những người bất mãn, có còn phải nghi ngờ nữa chăng? Trước những biện pháp đàn áp không ngừng chống đám thanh niên công nhân đối lập, việc tái hiện những quân hàm và những người côdắc đội mũ chiến trở thành một trong những dấu hiệu nổi bật nhất của Técmiđo!
Sắc lệnh thiết lập lại giới sĩ quan với tất cả những vẻ huy hoàng tư sản của nó đã đánh vào các nguyên lý của cách mạng Tháng mười một đòn nặng hơn. Với những khuyết điểm nhưng với cả những ưu điểm vô giá, các cán bộ của hồng quân được trưởng thành trong cách mạng và trong nội chiến. Thanh niên, tuy thiếu sinh hoạt tự do chính trị, vẫn còn cung cấp được những người chỉ huy đỏ tài giỏi. Mặt khác, sự suy thoái dần dần của Nhà nước cũng cảm nhận được trong lĩnh vực chỉ huy. Trong một bài diễn văn công khai, nêu lên những chân lý sơ đẳng về nhiệm vụ người chỉ huy cần phải nêu gương cho cấp dưới, Vôrôsilôp nói: “Rất tiếc là tôi không thể mãn nguyện được”, “khá đông cán bộ thường không theo kịp những tiến bộ” đã thực hiện trong đội ngũ, “những người chỉ huy thường bất lực không đương đầu được với những tình thế mới”,v.v… Những lời thú nhận chua chát ấy của ngưòi đứng cao nhất trong các thủ lĩnh quân đội, ít ra về mặt hình thức, có thể gây lo ngại nhưng không ngạc nhiên: những điều Vôrôsilôp nói về vấn đề chỉ huy có thể áp dụng đối với tất cả đẳng cấp quan liêu. Đúng là diễn giả tự bản thân không công nhận người ta có thể xếp những người lãnh đạo vào đám “chậm tiến”, vì họ quở mắng mọi người ở mọi lúc, mọi chỗ, dồn dập truyền lệnh phải vươn đến ngang tầm trách nhiệm. Nhưng thực tế, đội ngũ các “thủ lĩnh” không ai kiểm soát được – Vôrôsilôp cũng thuộc vào đám người đó – là nguyên nhân chính của những tình trạng chậm tiến, đường mòn, nếp cũ, thói quen và nhiều thứ khác nữa.
Quân đội chỉ là một nhân tố của xã hội và cũng mắc mọi chứng bệnh của xã hội: nó ốm nhất là khi nhiệt độ lên cao. Nghề binh là nghề quá nghiêm khắc để có thể thích nghi với những ảo tưởng và việc làm man trá. Quân đội của một cuộc cách mạng cần không khí khoáng đạt của sự phê bình. Sự chỉ huy cần có sự kiểm tra dân chủ. Những người tổ chức ra hồng quân thấy rõ ngay từ đầu, sự cần thiết chuẩn bị cuộc bầu cử thủ trưởng. Quyết định chủ chốt của đảng về vấn đề này nói: “Sự lớn lên của tinh thần đồng đội của các đơn vị và sự hình thành ý thức phê bình của binh lính đối với bản thân và các thủ trưởng của họ, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng ngày càng rộng rãi nguyên tắc bầu cử các thủ trưởng”. Nhưng mười lăm năm sau việc chấp nhận kiến nghị này – có thể là thời gian khá đủ để củng cố tinh thần đồng đội và việc tự phê bình - những người lãnh đạo xô viết đi con đường ngược lại.
Tháng chín 1935, thế giới văn minh, bạn cũng như thù, bỗng nhiên được biết, hồng quân từ nay có một hệ đẳng cấp sĩ quan bắt đầu từ thiếu úy đến nguyên soái. Thủ lĩnh thật sự của quân đội, Tukhatsepski, giải thích rằng “việc thiết lập lại các quân hàm tạo ra một cơ sở vững hơn cho cán bộ trong quân đội về mặt kỹ thuật cũng như chỉ huy”. Cách giải thích cố ý nói nước đôi. Sự chỉ huy được vững trước hết nhờ có lòng tin của quân lính. Chính vì thế hồng quân bắt đầu bằng sự thanh toán đội ngũ sĩ quan. Việc thiết lập lại một hệ thống đẳng cấp hoàn toàn không do đòi hỏi của lợi ích quốc phòng. Trong thực tế, cái quan trọng là vị trí chỉ huy chứ không phải quân hàm. Kỹ sư và thầy thuốc không có cấp bậc, xã hội vẫn có cách đặt họ đúng chỗ. Quyền được đứng vào một vị trí chỉ huy được đảm bảo bằng kiến thức, tài năng, tính tình, kinh nghiệm, những nhân tố ấy đòi hỏi một sự đánh giá thường xuyên và đánh giá mỗi cá nhân. Hàm thiếu úy không thêm gì cho sự chỉ huy của tiểu đoàn. Những ngôi sao của các nguyên soái không đem lại cho năm vị thủ lĩnh của hồng quân tài năng mới hoặc có thêm uy quyền. Cái “cơ sở vững chắc” thật ra không phải để đem đến cho quân đội mà cho đội ngũ sĩ quan bằng cái giá họ xa rời quân đội. Sự cải tổ ấy theo đuổi một mục đích hoàn toàn chính trị: cho đội ngũ sĩ quan một trọng lượng xã hội. Tóm lại, Môlôtôp đã nói ra khi ông ta biện hộ cho sắc lệnh bằng nhu cầu “tăng cường sự quan trọng của những cán bộ chỉ huy quân đội”. Làm việc này người ta không chỉ phục hồi lại các quân hàm. Người ta còn vội vã xây dựng các nhà ở cho sĩ quan. Năm 1936, đã dành 47.000 gian phòng cho họ sử dụng; một số tiền chiếm hơn 57% ngân sách so với năm trước dành cho lương bổng của họ. “Tăng cường sự quan trọng của vai trò các cán bộ chỉ huy” có nghĩa là buộc các sĩ quan xích lại gần hơn với các giới lãnh đạo và làm yếu mối liên hệ của họ với quân đội.
Một điều đáng chú ý, những người cải tổ không nghĩ đến việc phải đặt cho các quân hàm những tên gọi mới; ngược lại, rõ ràng họ cố bắt chước phương Tây. Cũng dịp này, họ đã để lộ ra cái gót chân A-xin của họ (tức chỗ yếu) khi họ không dám phục hồi lại hàm tướng (général), vì từ này trong tiếng Nga bao hàm ý nghĩa quá mỉa mai. Báo chí Liên xô, bình luận khóa phong chức năm thống soái – xin ghi chú, được lựa chọn do sự trung thành của họ với Stalin hơn là do tài năng và công trạng – không quên nhắc lại những tồi tệ của quân đội cũ Sa hoàng, như “tinh thần đẳng cấp, sự tôn sùng cấp bậc và sự tôn ti nô lệ của nó”. Nhưng tại sao lại bắt chước nó một cách hèn hạ như thế? Tầng lớp quan liêu đồng thời tạo ra đặc quyền đặc lợi, đồng thời luôn luôn sử dụng những luận chứng xưa kia họ đã dùng để phá hủy các đặc quyền, đặc lợi cũ. Như vậy sự hỗn xược trộn lẫn với sự nhút nhát và bổ sung bằng những điều đạo đức giả ngày càng mạnh.
Sự phục hồi “tinh thần giai cấp, tôn sùng cấp bậc và tôn ti nô lệ” cho dù có bất ngờ, chính phủ dường như không có sự lựa chọn. Sự bổ nhiệm những người chỉ huy căn cứ vào phẩm chất cá nhân của họ chỉ có thể thực hành nếu sự phê bình và sáng kiến được thể hiện tự do trong một quân đội được công luận kiểm soát. Một kỷ luật chặt chẽ rất có thể hòa hợp với một nền dân chủ rộng rãi và còn có thể dựa vào đó. Nhưng không có quân đội nào lại có thể dân chủ hơn cái chế độ nuôi dưỡng nó. Chủ nghĩa quan liêu, với tính thủ cựu và tự mãn, không xuất phát từ những nhu cầu đặc biệt của tổ chức quân sự mà từ những nhu cầu chính trị của những người lãnh đạo.
Những nhu cầu chính trị ấy được thể hiện trong quân đội đầy đủ nhất. Sự phục hồi đẳng cấp sĩ quan, mười tám năm sau khi nó bị cách mạng xóa bỏ, chứng tỏ một cách hùng hồn vực sâu ngăn cách giữa những người lãnh đạo và bị lãnh đạo, quân đội đã mất đi những phẩm chất cơ bản để có thể gọi là hồng quân[6]; thói vô sỉ của bọn quan liêu lấy suy thoái làm cơ sở cho luật lệ.
Báo chí tư sản không lầm về ý nghĩa của cuộc phản cải tổ đó. Tờ Le Temps ngày 25 tháng chín 1935 viết: “Sự thay đổi bên ngoài ấy là một trong những dấu hiệu của cuộc thay đổi sâu sắc đang diễn ra hiện nay trong toàn Liên xô. Chế độ hiện nay được hoàn toàn củng cố đang ổn định dần dần. Những thói quen và tập tục cách mạng, trong gia đình và trong xã hội Liên xô, nhường chỗ cho những tình cảm và phong tục đang ngự trị trong lòng những nước gọi là tư bản. Các xô viết đang tư sản hóa”. Chúng tôi hầu như không hề có gì để thêm vào lời bình phẩm đó.
 
Liên Xô Và Chiến Tranh
Nguy cơ chiến tranh chỉ là một trong những biểu hiện về sự lệ thuộc của Liên xô đối với thế giới, và do đó, là một trong những luận chứng chống lại tính không tưởng của một xã hội xã hội chủ nghĩa đứng riêng lẻ; luận chứng khó đánh bại đó hiện nay đang xuất hiện ở hàng đầu.
Thiết tưởng rất khó dự kiến tất cả các nhân tố gây ra cuộc xô xát sắp tới giữa các dân tộc; nếu có thể dự kiến được, sự xung đột quyền lợi sẽ được giải quyết bằng sự dung hòa theo một lối kế toán ôn hòa nào đó. Có quá nhiều ẩn số trong cái phương trình đẫm máu của chiến tranh. Dù sao Liên xô được thừa hưởng những lợi thế lớn, vừa của quá khứ, vừa do chế độ mới tạo ra. Kinh nghiệm cuộc can thiệp (của các nước ngoài) trong thời kỳ nội chiến đã chứng minh diện tích của Liên xô, cũng như xưa kia đối với nước Nga, tạo ra một ưu thế rất lớn. Nước Hunggary xô viết nhỏ bé bị lật đổ trong vài ngày bởi chủ nghĩa đế quốc nước ngoài, với sự giúp sức của tay độc tài không đúng lúc Belakun. Nước Nga xô viết, mặc dầu ngay từ đầu bị tách khỏi vùng chung quanh nó, đã đề kháng ba năm với bọn can thiệp; có những lúc vùng cách mạng thu lại gần bằng diện tích của đại công quốc (grand duche) Môtcôvi thuở xưa; nhưng diện tích đó cũng được đứng vững và sau đó chiến thắng.
Dự trữ nhân sự là lợi thế to lớn thứ hai. Dân số Liên xô tăng hàng năm ba triệu người, đã vượt 170 triệu. Lớp thanh niên tới tuổi đi lính hiện nay gồm 1.300.000 người. Một sự lựa chọn khắt khe nhất về thể chất và chính trị cũng chỉ loại ra không hơn 400.000 người. Dự trữ, ước tính mười tám hoặc hai mươi triệu người, trong thực tiễn có thể coi như vô tận.
Nhưng thiên nhiên và con người chỉ là nguyên liệu của chiến tranh. “Tiềm lực” quân sự tùy thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế của Nhà nước. Về phương diện đó, những ưu thế của Liên xô lớn vô cùng so với nước Nga cũ. Chúng tôi đã trình bày chính trong lĩnh vực quân sự mà cho tới nay nền kinh tế kế hoạch hóa đã đem lại kết quả khả quan nhất. Công nghiệp hóa những vùng xa xôi, chủ yếu là miền Xibêri, đã đem lại cho các miền thảo nguyên và rừng một tầm quan trọng mới. Tuy nhiên Liên xô vẫn là một nước lạc hậu. Năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm xấu, giao thông vận tải yếu chỉ mới được bù một phần do diện tích, tài nguyên thiên nhiên phong phú và dân số. Thời bình, việc so sánh các lực lượng kinh tế của các hệ thống xã hội đối lập có thể tạm gác - một giai đoạn dài nhưng không phải đến cùng - bởi những sáng kiến chính trị và chủ yếu nhờ độc quyền ngoại thương. Thời chiến, thử thách là trực tiếp, trên các chiến trường. Nguy cơ là từ chỗ đó.
Các cuộc thua trận, dù thông thường chúng gây ra những thay đổi chính trị lớn, nhưng còn xa mới dẫn đến những đảo lộn về kinh tế. Một chế độ xã hội có một trình độ cao về văn hóa và sự giàu có lớn không thể bị lật đổ bằng lưỡi lê. Trái lại, người ta thấy kẻ chiến thắng học theo lề thói của kẻ chiến bại, nếu người này cao hơn người kia trong sự phát triển. Các hình thức sở hữu chỉ có thể thay đổi do chiến tranh khi chúng mâu thuẫn nghiêm trọng với các nền móng kinh tế trong nước. Việc Đức thua trận trong một cuộc chiến tranh với Liên xô sẽ kéo theo không tránh khỏi sự Hitle sụp đổ và cả hệ thống tư bản chủ nghĩa. Mặt khác, người ta cũng không thể nghi ngờ sự thua trận sẽ không tai hại cho những người lãnh đạo Liên xô và cho các nền móng xã hội của nước này. Sự bất ổn của chế độ hiện nay ở Đức là do các lực lượng sản xuất của nó từ lâu đã vượt quá các hình thái sở hữu tư bản chủ nghĩa. Ngược lại, sự bất ổn của chế độ xô viết, lại do các lực lượng sản xuất của nó còn xa mới ngang tầm sở hữu xã hội chủ nghĩa. Nền móng xã hội của Liên xô bị chiến tranh đe dọa vì lẽ ngay trong thời hòa bình chúng đã cần phải có chế độ quan liêu và độc quyền ngoại thương, có nghĩa là vì lý do những sự yếu kém của chúng.
Người ta có thể hy vọng Liên xô ra khỏi được cuộc chiến tranh sắp tới mà không thất trận được không? Chúng ta hãy trả lời rõ ràng cho một câu hỏi đã đặt ra hết sức rõ ràng: nếu chiến tranh chỉ là chiến tranh, thất bại của Liên xô sẽ không tránh khỏi. Về các phương diện kỹ thuật, kinh tế và nghệ thuật quân sự, chủ nghĩa đế quốc vô cùng mạnh hơn Liên xô. Nếu đế quốc không bị tê liệt vì cách mạng ở phương Tây, nó sẽ phá hủy chế độ sinh ra từ cách mạng Tháng mười.
Về chỗ đó người ta có thể trả lời rằng chủ nghĩa đế quốc là một điều trừu tượng vì nó bị giằng xé do những mâu thuẫn của chính nó. Đúng như thế; và không có những mâu thuẫn đó, Liên xô đã phải rời bỏ sân khấu từ lâu. Những hiệp ước ngoại giao và quân sự của Liên xô dựa trên những mâu thuẫn ấy. Nhưng người ta sẽ sai lầm tai hại nếu không chịu nhìn nhận tới một giới hạn nào đó những giằng xé kia sẽ phải chấm dứt. Cũng vì vậy, cuộc đấu tranh giữa các đảng phái tư sản và tiểu tư sản, từ những đảng phản động nhất đến những đảng có tính xã hội-dân chủ nhất sẽ dừng lại trước nguy cơ tức thời của cách mạng vô sản; những mâu thuẫn đế quốc chủ nghĩa bao giờ cũng sẽ được giải quyết bằng một cuộc thỏa hiệp để ngăn cản thắng lợi quân sự của Liên xô.
Những hiệp ước ngoại giao chỉ là tờ “giấy lộn”, theo lời nói không phải là không có ý nghĩa của một thủ tướng nước Đức. Không thấy ở đâu viết chúng sẽ tồn tại cho đến lúc có chiến tranh. Không một hiệp ước nào với Liên xô có thể tồn tại đứng trước nguy cơ một cuộc cách mạng sắp xảy ra ở cứ nơi nào tại châu Âu. Chỉ cần cuộc khủng hoảng chính trị ở Tây ban nha (chưa nói tới nước Pháp) bước vào một giai đoạn cách mạng quyết liệt, các chính phủ tư bản sẽ đặt hy vọng vào Hitle – cứu thế, theo gương ông Lôi Gioocgiơ đã phát biểu. Vả lại nếu tình hình không ổn định của Tây ban nha, Pháp, Bỉ kết thúc bằng thắng lợi của phái phản động, các hiệp ước xô viết lại càng không còn dấu vết gì nữa. Cuối cùng, cho là các “giấy lộn” vẫn còn uy lực trong giai đoạn đầu của các hoạt động quân sự, người ta không thể nghi ngờ rằng sự sắp xếp lực lượng trong giai đoạn quyết định lại không do những nhân tố mạnh hơn những điều cam kết long trọng của các nhà ngoại giao, vốn là những tay trở mặt chuyên nghiệp.
Tình hình sẽ thay đổi hoàn toàn nếu các chính phủ tư sản có những bảo đảm vật chất cho họ yên tâm, rằng chính phủ Matxcơva đứng về phía họ, không những trong chiến tranh mà cả trong cuộc đấu tranh giai cấp. Lợi dụng những khó khăn của Liên xô bị rơi vào giữa hai hàng lửa đạn, những “người bạn” tư bản “của hòa bình” lẽ tự nhiên tìm mọi cách để xâm phạm vào độc quyền ngoại thương và các đạo luật xô viết về quyền sở hữu. Phong trào bảo vệ quốc gia lớn lên trong đám người Nga di tản ở Pháp và Tiệp khắc đặt nhiều hy vọng vào đó. Và nếu tính toán rằng cuộc đấu tranh trên thế giới chỉ giải quyết được bằng chiến tranh, các nước đồng minh sẽ có nhiều may mắn đạt được mục đích của họ. Không có sự can thiệp của cách mạng, các nền móng xã hội của Liên xô sẽ phải sụp đổ, thắng hay bại cũng thế.
Cách đây hơn hai năm, một tài liệu – chương trình nhan đề Đệ tứ quốc tế và chiến tranh phác ra viễn cảnh này bằng những lời lẽ sau: “Nhà nước nhận thấy dưới ảnh hưởng nhu cầu bức thiết của hàng hóa thiết dụng bậc nhất, các khuynh hướng cá thể của kinh tế nông thôn sẽ được củng cố và các lực ly tâm tăng gia từ tháng này sang tháng khác trong các nông trường tập thể… Có thể xảy ra… trong bầu không khí sôi động của chiến tranh, lời kêu gọi vốn tư bản của các “đồng minh nước ngoài”, những vi phạm vào độc quyền ngoại thương, sự kiểm soát yếu đi của Nhà nước đối với các đại xí nghiệp, sự cạnh tranh kịch liệt hơn giữa các đại xí nghiệp với nhau, những xung đột giữa các đại xí nghiệp và công nhân v.v… Nói cách khác, một cuộc chiến tranh kéo dài, nếu giai cấp vô sản quốc tế cứ giữ thái độ thụ động, có thể và sẽ nhất định dẫn đến những mâu thuẫn trong nội bộ ở Liên xô mở đường cho một cuộc phản cách mạng bônapactit”. Những sự kiện xảy ra trong hai năm qua chỉ làm tăng lên gấp đôi cái khả năng đó.
Tất cả những điều nói trên không hề buộc phải đi đến những kết luận “bi quan”. Chúng tôi không muốn nhắm mắt trước ưu thế vật chất to lớn của thế giới tư bản, cũng không muốn coi thường tính phản nghịch tất yếu của các “đồng minh” đế quốc, hoặc tự dối mình về những mâu thuẫn trong nội bộ chế độ Liên xô; nhưng chúng tôi cũng không hề có ý đánh giá cao tính vững chắc của hệ thống tư bản chủ nghĩa trong các nước thù địch cũng như trong các nước đồng minh. Trước khi cuộc chiến tranh tiêu hao đem tương quan các lực lượng ra thử thách, nó đặt sự ổn định các chế độ đó vào một sự kiểm tra nghiêm túc. Tất cả các lý thuyết gia đứng đắn của cuộc chém giết sắp tới giữa các dân tộc đều dự đoán khả năng sẽ có các cuộc bùng nổ cách mạng. Ý kiến ấy càng ngày càng được phát biểu trong nhiều giới của những đội quân nhỏ nhà nghề, ý kiến một cuộc đọ sức của anh hùng thời xưa giữa Đavit và Gôliat, và bởi tính kỳ lạ của nó, nó gây ra sự sợ hãi của người ta khi thấy quần chúng cầm vũ khí. Hitle không bỏ lỡ một cơ hội nào để nhấn mạnh ý muốn hòa bình của y khi y nêu ra sự tràn ngập của chủ nghĩa bônsêvich mà chiến tranh sẽ làm xuất hiện ở phương Tây. Lực lượng ngăn cản chiến tranh nổ ra không nằm ở Hội Quốc liên, cũng như không ở các hiệp ước bảo đảm, hay trong các cuộc trưng cầu dân ý hòa bình mà hoàn toàn nằm trong mối lo sợ của các cường quốc đối với cách mạng.
Cũng như mọi hiện tượng khác, các chế độ xã hội phải được đánh giá bằng sự so sánh. Mặc dầu có những mâu thuẫn, chế độ Liên xô, về mặt ổn định, có lợi thế hơn nhiều, so với các chế độ của các nước địch thủ của nó. Bọn quốc xã thống trị được dân tộc Đức cũng là nhờ ở những mâu thuẫn xã hội rất căng thẳng ở nước Đức. Những mâu thuẫn ấy không bị loại bỏ, cũng không giảm bớt; chủ nghĩa phát xít chỉ làm cái việc của viên đá lát đè chúng xuống. Chiến tranh sẽ làm chúng lộ ra. Hitle ít may mắn hơn so với Ghiôm II để đưa chiến tranh đến thắng lợi. Cuối cùng, chỉ một cuộc cách mạng nổ ra kịp thời mới có thể cứu thoát nước Đức khỏi chiến tranh, tránh cho nó một thất bại mới.
Báo chí thế giới trình bày những vụ bộ trưởng Nhật bản bị các sĩ quan ám sát như là những biểu hiện khinh suất của một chủ nghĩa yêu nước cuồng nhiệt. Thật ra, mặc dù ý thức hệ khác nhau, các việc ấy cũng được xếp cùng loại với những quả bom của bọn vô chủ nghĩa Nga ném vào chế độ quan liêu của Nga hoàng. Nhân dân Nhật nghẹt thở dưới hai tròng bóc lột địa chủ châu Á và chủ nghĩa tư bản tối tân. Chỉ cần một buông thả quân sự, Triều tiên, Mãn châu, Trung quốc sẽ vùng lên chống ách bạo tàn Nhật bản. Cuộc chiến tranh sẽ nhấn chìm đế chế Nhật trong một thiên thảm họa xã hội.
Tình hình của Ba lan cũng không tốt gì hơn. Chế độ do Pinxuytski (Pilsudsky) thiết lập, một chế độ khô cằn bậc nhất, không đi tới kết quả làm giảm nhẹ ách nô lệ cho nông dân. Miền tây Ucơrai (xứ Galixi) chịu đựng một sự áp bức tàn bạo, làm thương tổn đến các tình cảm dân tộc của họ. Các cuộc đình công và nổi dậy tiếp nối nhau trong các trung tâm lao động. Giai cấp tư sản Ba lan tìm cách bảo đảm tương lai bằng việc kết liên với Pháp và giao hòa với Đức, càng làm cho chiến tranh mau nổ ra và tiêu vong luôn với nó.
Nguy cơ chiến tranh và nguy cơ bại trận của Liên xô là những thực tế. Nếu cách mạng không ngăn cản được chiến tranh, chiến tranh có thể giúp sức cách mạng. Lần sinh đẻ thứ hai thường thường dễ hơn lần thứ nhất. Trong cuộc chiến tranh sắp tới, cuộc nổi dậy thứ nhất không phải đợi lâu, hai năm rưỡi thôi! Và một khi đã bắt đầu, các cuộc cách mạng sẽ không dừng lại giữa đường. Cuối cùng, số phận của Liên xô sẽ không quyết định trên bản đồ các bộ tham mưu mà trong đấu tranh giai cấp. Chỉ có giai cấp vô sản châu Âu đứng dậy không khoan nhượng chống giai cấp tư sản của mình, kể cả các “bạn hòa bình” của mình, mới có thể ngăn cho Liên xô khỏi bị thua hoặc bị đâm sau lưng bởi những “đồng minh” của mình. Và ngay như Liên xô có thua trận, cũng chỉ là một giai đoạn ngắn, nếu giai cấp vô sản thắng lợi trong những nước khác. Ngược lại, không chiến công nào cứu vãn được di sản của cách mạng Tháng mười, nếu chủ nghĩa đế quốc còn được duy trì trong phần còn lại của thế giới.
Bọn theo đuôi bè lũ quan liêu sẽ nói rằng chúng tôi “đánh giá thấp” các lực lượng bên trong của Liên xô, của hồng quân, v.v… cũng như xưa kia họ nói chúng tôi “phủ nhận” khả năng xây dựng chủ nghĩa trong riêng một nước. Những luận chứng ấy tồi đến mức không cho phép một sự trao đổi quan điểm ít nhiều bổ ích. Không có hồng quân, Liên xô đã bị đánh bại và chia cắt như gương Trung quốc. Chỉ có cuộc trường kỳ kháng chiến anh dũng và ngoan cường của nó mới có thể tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng đấu tranh giai cấp trong các nước đế quốc. Như vậy hồng quân là một nhân tố có tầm quan trọng lịch sử vô giá. Đối với chúng tôi nó chỉ cần đem lại cho cách mạng một sự thúc đẩy mạnh mẽ. Nhưng chỉ cách mạng mới có thể làm được nhiệm vụ chính, nhiệm vụ này vượt quá sức của hồng quân.
Không ai đòi chính phủ xô viết liều lĩnh làm những việc phiêu lưu quốc tế, rời bỏ lý trí, tìm cách đổi chiều hướng các sự kiện quốc tế. Những cố gắng kiểu đó, (đã làm trong quá khứ ở Bungari, Ettôni, Quảng châu…) chỉ có lợi cho bọn phản động và thời đó đã bị phái đối lập cánh tả lên án. Vấn đề là phương hướng toàn bộ của đường lối Liên xô. Mâu thuẫn giữa đường lối đối ngoại của Liên xô và quyền lợi của giai cấp vô sản quốc tế và các dân tộc thuộc địa biểu hiện tệ hại nhất trong việc buộc Quốc tế cộng sản phải phụ thuộc tầng lớp quan liêu bảo thủ và cái tôn giáo mới của nó: tôn thờ sự yên tĩnh.
Không phải dưới ngọn cờ bảo vệ nguyên trạng mà công nhân các nước châu Âu và các dân tộc thuộc địa có thể nổi dậy chống chủ nghĩa đế quốc, cuộc chiến tranh sẽ phải nổ ra và sẽ lật đổ cái nguyên trạng đó, chắc chắn như cái thai đến kỳ sẽ phá vỡ cái nguyên trạng của thời kỳ thai nghén. Những người lao động không có tí quyền lợi nào để bảo vệ các biên giới hiện nay, nhất là ở châu Âu, dù dưới quyền các giai cấp tư sản nước họ, hoặc trong bão tố cách mạng. Sự suy đồi của châu Âu chính là vì về mặt kinh tế nó bị chia ra gần bốn mươi quốc gia hầu khắp là dân tộc, những quốc gia này với những thuế quan, hộ chiếu, hệ thống tiền tệ và quân đội khổng lồ phục vụ cho chủ nghĩa dân tộc, trở thành những trở ngại lớn nhất cho sự phát triển kinh tế của nhân loại và của nền văn minh.
Nhiệm vụ của giai cấp vô sản châu Âu không phải là duy trì các biên giới vĩnh cửu mà là xóa bỏ chúng bằng cách mạng. Nguyên trạng? Không! Hợp chúng quốc xã hội chủ nghĩa châu Âu!
Chú thích:
[1] Quốc tế cộng sản đã bị Stalin giải thể năm 1943.
[2] Hồi đó Trốtski là ủy viên dân ủy bộ chiến tranh và chủ tịch Hội đồng tối cao của chiến tranh.
[3] Vẫn là Trốtski.
[4] Trốtski
[5] Trôtski
[6] Từ đó, nó được gọi là “quân đội Xô viết.”