Dịch giả: Hoàng Khoa Khôi
- 2 -
SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ NHỮNG “DÍCH DẮC” (NGOẮT NGOÉO) CỦA LÃNH ĐẠO



“Chủ Nghĩa Cộng Sản Thời Chiến”, Chính Sách Tân Kinh Tế (NEP), Và Chính Sách Đối Với Phú Nông (Kulak)

Đường cong biểu diễn sự phát triển của kinh tế xô viết còn xa mới đi lên một cách đều đặn. Trong mười tám năm lịch sử của chế độ mới, người ta có thể phân biệt rõ ràng nhiều giai đoạn, đánh dấu bằng những cuộc khủng hoảng sâu sắc. Một cái nhìn tổng quát ngắn về lịch sử kinh tế của Liên xô, xem xét mối liên quan với đường lối chính trị của chính phủ đối với chúng ta là cần thiết cho sự chẩn đoán cũng như sự dự đoán. Ba năm sau cách mạng là những năm của một cuộc nội chiến rõ nét và kịch liệt. Đời sống kinh tế lúc đó hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của các mặt trận. Trước tình hình quá ít ỏi về tài nguyên, đời sống văn hóa bị đẩy vào hàng thứ yếu mà đặc điểm là sự mở rộng táo bạo của tư duy sáng tạo và trước hết là tư tưởng của Lênin. Đó là giai đoạn được gọi là “Chủ nghĩa cộng sản thời chiến” (1918-1921), đi song song anh dũng với “Chủ nghĩa xã hội thời chiến” của các nước tư bản. Các mục tiêu kinh tế của chính quyền xô viết chủ yếu tập trung vào việc ủng hộ công nghiệp chiến tranh và trông vào những kho dự trữ nghèo nàn hiện có để chống nạn đói kém và cứu đám dân thành thị khỏi chết đói. Xét đến cùng, chủ nghĩa cộng sản thời chiến là sự qui định việc tiêu thụ trong một pháo đài bị phong tỏa.
Tuy nhiên phải thừa nhận rằng những ý đồ ban đầu của nó còn rộng lớn hơn. Chính phủ xô viết hy vọng và mưu tính rút ra từ những điều qui định một nền kinh tế chỉ huy trong lĩnh vực tiêu thụ cũng như trong lĩnh vực sản xuất. Nói cách khác, họ nghĩ có thể từ từ, không thay đổi hệ thống, chuyển từ chế độ cộng sản thời chiến sang chủ nghĩa cộng sản thực sự. Chương trình đảng bônsêvich được thông qua năm 1919 nói: “Trong lĩnh vực phân phối, chính quyền xô viết kiên trì thay thế sự buôn bán bằng sự phân phối sản phẩm tổ chức theo qui mô quốc gia, trên kế hoạch của tổng thể.”
Nhưng sự xung đột ngày càng gay gắt giữa thực tiễn và chương trình của chủ nghĩa cộng sản thời chiến: sản xuất không ngừng đi xuống, không chỉ do hậu quả của chiến tranh mà còn do thiếu sự kích thích của lợi ích cá nhân đối với người sản xuất. Thành phố đòi hỏi nông thôn lúa mì và nguyên liệu, không đổi lại cho họ gì hơn những tờ giấy in màu có tô vẽ mà theo thói quen từ cổ lai vẫn gọi là giấy bạc. Người mugích (nông dân) đem chôn những dự trữ của mình. Chính phủ phải phái từng đội công nhân vũ trang đi sục lúa. Người mugích gieo ít đi. Sản xuất công nghiệp năm 1921, năm tiếp liền sau cuộc nội chiến, nơi cao nhất chỉ bằng một phần năm trước chiến tranh. Sản xuất thép rơi từ 4.200.000 tấn xuống 183.000 tấn, tức là hai mươi ba lần kém hơn. Tổng thu hoạch mùa màng rơi từ 801 triệu tạ xuống 503 năm 1922. Đói kinh khủng. Ngoại thương trượt từ 2.900 triệu rúp xuống 30 triệu. Sự phá hoại các lực lượng sản xuất vượt tất cả những lần mà lịch sử từng biết. Đất nước cùng với chính quyền, đứng trên bờ vực thẳm.
Những hy vọng hão huyền của chủ nghĩa cộng sản thời chiến sau đó được đưa ra phê phán cực kỳ nghiêm khắc và đúng đắn, về rất nhiều mặt. Sai lầm về lý luận của đảng cầm quyền hoàn toàn không hiểu được nếu người ta quên rằng hồi đó mọi tính toán đều dựa vào sự trông chờ một cuộc thắng lợi tương lai của cách mạng ở phương Tây. Về vấn đề thực phẩm và nguyên liệu, người ta coi như một điều tất nhiên giai cấp vô sản Đức, khi thắng lợi, sẽ tiếp tế cho nước Nga xô viết máy, hàng công nghiệp và còn cung cấp cho hàng vạn công nhân tay nghề cao, kỹ thuật viên và cán bộ tổ chức. Chắc chắn, nếu cách mạng thắng ở Đức - chỉ có đảng xã hội-dân chủ mới làm cản trở thắng lợi đó - sự phát triển kinh tế của Liên xô và cả của Đức, sẽ đi những bước khổng lồ, khiến cho số phận của châu Âu và thế giới sẽ có một cục diện thuận lợi khác hẳn. Tuy nhiên, có thể nói một cách hoàn toàn chắc chắn rằng dù trong giả thuyết may mắn đó, cũng phải từ bỏ cách phân phối sản phẩm qua tay Nhà nước và trở về với phương pháp thương nghiệp.
Lênin nêu sự cần thiết phải thiết lập lại thị trường do sự tồn tại trong nước hàng triệu nông dân làm ăn riêng lẻ, quen xác định những quan hệ của họ với môi trường xung quanh bằng buôn bán. Sự lưu thông hàng hóa phải là “mối hàn” giữa những người nông dân và công nghiệp quốc hữu hóa. Công thức lý thuyết của “mối hàn” ấy rất đơn giản: công nghiệp phải cung cấp cho nông thôn những hàng hóa cần thiết với những giá khiến cho Nhà nước có thể từ bỏ việc trưng thu những sản phẩm của nông nghiệp.
Không còn nghi ngờ gì nữa, sự lành mạnh hóa và ổn định các mối quan hệ kinh tế với nông thôn là nhiệm vụ cần kíp nhất và gai góc nhất của chính sách Tân Kinh Tế (NEP). Kinh nghiệm cho thấy chính công nghiệp, mặc dầu đã được xã hội hóa, cũng cần những phương pháp tính toán tiền nong do chủ nghĩa tư bản xây dựng nên. Kế hoạch không thể chỉ dựng trên những dữ kiện của trí tuệ. Luật cung cầu đối với nó còn lâu dài vẫn là cơ sở vật chất cần thiết và là cái hiệu chỉnh để cứu nguy.
Thị trường hợp pháp hóa bắt đầu phát huy tác dụng của mình với sự hỗ trợ của một hệ thống tiền tệ được chấn chỉnh lại. Ngay từ 1923, với sự thúc đẩy đầu tiên đến từ nông thôn, công nghiệp phục hồi và biểu thị ngay một sự hoạt động sôi nổi. Chỉ cần chỉ ra rằng sản xuất tăng gấp đôi năm 1922 và 1923 và năm 1926 đạt mức trước chiến tranh, có nghĩa là gấp năm lần kể từ 1921. Mùa màng cũng tăng song song nhưng với mức độ kém hơn.
Kể từ năm mấu chốt 1923, những bất đồng quan điểm về quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, bất đồng đã biểu hiện từ trước, trầm trọng thêm trong đảng lãnh đạo. Trong một nước đã cạn nguồn dự trữ và kho tàng, công nghiệp chỉ có thể phát triển bằng cách vay của nông dân ngũ cốc và nguyên liệu. Nhưng những “món vay cưỡng ép” quá to bóp nghẹt tính kích thích sức lao động: người nông dân, không tin ở cuộc sống sung sướng đi sau, trả lời sự trưng dụng lúa mì bằng sự đình gieo hạt. Những sự đi vay quá nhỏ đe dọa kéo theo sự trì trệ: không nhận được hàng công nghiệp, người nông dân chỉ làm việc để thỏa mãn nhu cầu của chính mình và trở về với những hình thức thủ công nghiệp cũ. Những bất đồng quan điểm trong đảng bắt đầu bằng vấn đề xét xem cần lấy gì ở nông thôn cho công nghiệp để tiến tới một cân bằng năng động. Những vấn đề về cấu trúc xã hội của nông thôn làm phức tạp thêm cuộc tranh luận.
Mùa xuân 1923 tại đại hội đảng, đại diện cho phái đối lập cánh tả[1] - lúc đó còn chưa mang tên gọi này - giải thích sự chênh lệch giữa các giá hàng công nghiệp và các giá hàng nông nghiệp bằng một biểu đồ đáng lo ngại. Hiện tượng này được gọi tên là “cánh kéo”, sau này đi vào từ vựng của thế giới. Báo cáo viên nói: nếu công nghiệp tiếp tục cứ chậm tiến, cánh kéo càng mở rộng ra, sự đoạn tuyệt giữa thành thị và nông thôn là không tránh khỏi.
Người nông dân phân biệt rất rõ cuộc cách mạng dân chủ ruộng đất do những người bônsêvich thực hiện và đường lối chính trị của những người này muốn đem lại một nền móng cho chủ nghĩa xã hội. Sự trưng dụng những đất đai của tư nhân và của Nhà nước mang lại cho nông dân hơn nửa tỉ rúp vàng một năm. Nhưng những người nông dân đã mất số tiền đó và số tiền lớn hơn thế nhiều, do những giá hàng cao của nền công nghiệp quốc hữu hóa. Chừng nào quyết toán giữa hai cuộc cách mạng, dân chủ và xã hội chủ nghĩa, chằng chịt với nhau do múi buộc Tháng mười, kết liễu bằng một sự thất thiệt cho nông dân mỗi năm vài trăm triệu rúp, liên minh giữa hai giai cấp vẫn cứ là mơ hồ.
Sự chia vụn ruộng đất, do quá khứ để lại, tăng lên với sự kiện cách mạng Tháng mười, con số những mảnh đất trong mười năm cuối tiến từ 16 lên 25 triệu, điều này lẽ tự nhiên làm tăng khuynh hướng của đa số nông dân chỉ cần thỏa mãn những nhu cầu của bản thân họ. Đây là một trong những nguyên nhân của sự khan hiếm nông sản.
Sự sản xuất hàng hóa tất nhiên làm nảy sinh bọn bóc lột. Lần lần với sự phục hồi của thôn quê, sự phân hóa tăng lên trong lòng quần chúng nông dân: người ta đi theo con đường cũ của sự phát triển dễ dàng. Anh kulak - phú nông - làm giàu nhanh hơn sự tiến bộ của công nghiệp. Đường lối của chính phủ mà khẩu hiệu là “Quay về với nông thôn!” thực tế làm lợi cho kulak. Thuế nông nghiệp đối với bần nông nặng hơn rất nhiều so với những anh giàu có, ngoài ra bọn này còn rút mất phần tính túy của tín dụng Nhà nước. Lúa dư thừa, chủ yếu chỉ có phú nông lớn mới có, dùng để nô lệ hóa người nghèo và bán với giá đầu cơ cho tiểu tư sản thành thị. Bukharin (Boukharine), lúc đó là lý thuyết gia của phân số lãnh đạo, quẳng vào nông thôn khẩu hiệu nổi tiếng: “Các anh hãy làm giàu đi!” Về mặt lý thuyết, điều đó có nghĩa là sự đồng hóa dần dần những người kulak vào chủ nghĩa xã hội. Trên thực hành, điều đó có nghĩa là sự làm giàu của thiểu số trên lưng tối đại đa số.
Chính phủ bị cầm tù vì chính đường lối của mình, buộc phải lùi từng bước trước giai cấp tiểu tư sản nông thôn. Sự sử dụng nhân công trả lương trong nông nghiệp và sự thuê đất được hợp pháp hóa năm 1925. Quần chúng nông dân chia làm hai cực: anh tư bản nhỏ và anh làm thuê công nhật. Nhà nước không có hàng công nghiệp, do đó bị loại trừ khỏi thị trường nông thôn. Một nhân vật trung gian xuất hiện như mọc dưới đất lên giữa anh kulak và anh tiểu chủ thủ công. Những nhà máy của Nhà nước cũng phải ngày càng nhiều hơn dựa vào con buôn để tìm nguyên liệu. Đâu đâu người ta cũng cảm thấy ngọn triều tư bản chủ nghĩa đang dâng. Tất cả những ai có suy nghĩ đều dễ thấy sự biến đổi các hình thái tư hữu còn xa mới giải quyết dứt khoát được vấn đề chủ nghĩa xã hội và chỉ mới là đặt vấn đề.
Năm 1925, trong khi chính sách ưu đãi kulak đang lúc cực thịnh, Stalin bắt đầu chuẩn bị việc xóa bỏ quốc hữu hóa ruộng đất. Một nhà báo xô viết đặt câu hỏi: “Phải chăng, vì lợi ích của nông nghiệp, sẽ giao cho mỗi nông dân mảnh đất trong mười năm?” - Stalin trả lời: “Sẽ giao cho cả đến bốn mươi năm!” Dân ủy nông nghiệp nước cộng hòa Giêocgi, theo chỉ thị riêng của Stalin, đề nghị dự luật về xóa bỏ quốc hữu hóa ruộng đất. Mục đích là để đem lại niềm tin vào tương lai cho người chủ trại. Ngay từ mùa xuân 1926, gần 60% lúa mì bán ra nằm trong tay 6% nông dân, Nhà nước thiếu ngũ cốc cho ngoại thương và cho cả nhu cầu trong nước. Hàng xuất cảng ít đến mức vô nghĩa buộc Nhà nước phải thôi nhập cảng hàng công nghiệp và hạn chế đến mức thấp nhất việc nhập cảng nguyên liệu và máy móc.
Làm trở ngại công cuộc công nghiệp hóa và gây tác hại cho đại đa số nông dân, đường lối ưu đãi phú nông, ngay từ 1924-1926, bộc lộ rõ rệt những hậu quả chính trị: gây một niềm tin tưởng đặc biệt cho giai cấp tiểu tư sản thành thị và nông thôn. Nó dẫn đến việc số người này nắm được nhiều xô viết địa phương; nó tăng cường sức mạnh và củng cố bộ máy quan liêu, ngày càng đè nặng lên giai cấp công nhân; nó kéo theo sau sự xóa bỏ hoàn toàn mọi hình thái dân chủ trong đảng và trong xã hội xô viết. Sức mạnh tăng lên của phú nông làm cho Dinôviep (Zinoviev) và Kamênep (Kamenev), hai thành viên quan trọng của nhóm lãnh đạo hoảng sợ - và chắc chắn không phải là điều ngẫu nhiên - họ cũng là chủ tịch của xô viết của hai trung tâm vô sản quan trọng nhất, Lêningơrat (Leningrad) và Matxcơva. Nhưng các tỉnh và nhất là bọn quan liêu ủng hộ Stalin. Đường lối khích lệ trại chủ lớn đã thắng. Dinôviep và Kamênep, theo sau là những người cùng phái với họ, năm 1926 bắt tay với phái đối lập năm 1923 (gọi là “Trốtki” - Troskyite).
Lẽ tự nhiên phân số lãnh đạo không khi nào ruồng bỏ “nguyên lý” hợp tác hóa nông nghiệp. Nhưng người ta đẩy lùi nó ra xa hàng chục năm. Năm 1927, dân ủy tương lai về nông nghiệp Zacốplép (Yakovlev) viết rằng sự biến đổi xã hội chủ nghĩa ở nông thôn chỉ có thể thực hiện bằng công cộng hóa “lẽ tự nhiên không phải trong một, hai hoặc ba năm và có lẽ cũng không phải trong mười năm...”. “Những nông trường tập thể và làng xã, - ông ta viết trong một đoạn sau, - vẫn còn và chắc chắn vẫn còn lâu dài là những ốc đảo nhỏ giữa những mảnh đất bị chia vụn...”. Thật thế, chỉ mới có 0,8% hộ nông dân tổ chức làm ăn tập thể.
Trong đảng, cuộc đấu tranh cho cái mạo nhận là “Đường lối chính cương” nổ bùng công khai năm 1923 và kể từ 1926 trở thành đặc biệt gay gắt và sôi nổi. Trong cương lĩnh rộng lớn của mình bao quát tất cả vấn đề kinh tế và chính trị, phía đối lập viết: “Đảng phải không khoan nhượng lên án một khuynh hướng dẫn đến sự xóa bỏ hoặc làm yếu việc quốc hữu hóa ruộng đất, là một trong những nền móng của chuyên chính vô sản”. Về điểm đó, phái đối lập đã giành được thắng lợi, những mưu toan đánh thẳng vào việc quốc hữu hóa ruộng đất đã phải dừng. Nhưng không phải chỉ có vấn đề hình thức của sở hữu ruộng đất.
Cương lĩnh của phái đối lập còn nói “Trước tầm quan trọng ngày càng lớn của các trại cá nhân ở nông thôn, ta phải chống lại bằng sự tăng trưởng nhanh hơn của các tổ chức làm ăn tập thể. Dứt khoát mỗi năm cần phải cấp những khoản tiền quan trọng ủng hộ bần nông tổ chức làm ăn tập thể”. “Toàn bộ hoạt động của hợp tác xã phải thấm nhuần ý thức cần thiết biến sản xuất nhỏ thành sản xuất lớn tập thể”. Người ta ngoan cố coi là không tưởng trong một tương lai gần mọi chương trình lớn về tập thể hóa. Trong việc chuẩn bị cho đại hội XV của đảng nhằm khai trừ phái đối lập, chủ tịch tương lai Hội đồng dân ủy Môlôtôp nhắc lại: “Trong những điều kiện hiện tại, người ta không thể để mình rơi (!) xuống mức những ảo tưởng của bần nông về tập thể hóa quảng đại quần chúng”. Lúc ấy là cuối năm 1927. Và phân số lãnh đạo vẫn còn rất xa đường lối của họ sẽ phải làm ở nông thôn!
Những năm ấy (1923-28) cũng là những năm đấu tranh của liên minh nắm chính quyền (Stalin, Môlôtôp, Rưcôp (Rykov), Tomski, Bukharin; Dinôviep và Kamênep đã chuyển sang phía tả đối lập (đầu năm 1926) chống với những người “siêu công nghiệp hóa” tán thành kế hoạch. Sử gia tương lai không khỏi ngạc nhiên khi nhận thấy sự ngờ vực thiếu thiện chí của những người cầm đầu chính phủ một quốc gia xã hội chủ nghĩa đối với mọi sáng kiến kinh tế táo bạo. Nhịp điệu công nghiệp hóa theo kinh nghiệm, được tăng trưởng nhanh do những thúc đẩy bên ngoài, mọi tính toán đều phải đột ngột sửa lại một cách thô bạo trong tiến trình công tác, theo một sự gia tăng cực độ về tổng chi phí. Kể từ 1923, khi phái đối lập đã đòi hỏi một kế hoạch năm năm, đề nghị này được tiếp đón bằng những lời nhạo báng giống như anh tiểu tư sản sợ “nhảy vào khoảng hư vô”. Tháng tư năm 1927, trong hội nghị toàn thể ban chấp hành trung ương, Stalin còn khẳng định rằng, đối với chúng ta, việc dự tính xây dựng nhà máy điện lớn Đơniép (Dniéper) cũng như đối với người mugích (nông dân) đáng lẽ mua một con bò cái lại đi mua một cái máy hát. Câu cách ngôn ấy tóm tắt cả một chương trình. Không phải là thừa, nếu cần nhắc lại việc báo chí tư sản toàn cầu, tiếp theo là báo chí xã hội chủ nghĩa, lặp lại một cách thích thú những lời buộc tội công khai chống lại cánh tả đối lập về tội đưa chủ nghĩa lãng mạn vào trong công nghiệp.
Trong khi đảng tranh cãi ầm ĩ, người nông dân trả lời việc thiếu hàng công nghiệp bằng một cuộc đình công ngày càng dai dẳng: họ không chịu mang lúa ra chợ và tăng diện gieo giống. Cánh hữu (Rưcôp, Tômski, Bukharin) lúc đó lên giọng, đòi mở rộng tự do hơn cho các xu hướng tư bản chủ nghĩa ở nông thôn: nâng giá lúa mì, cho dù biện pháp đó có làm chậm sự phát triển của công nghiệp. Do đường lối như thế, giải pháp duy nhất là nhập cảng hàng công nghiệp đổi bằng những nguyên liệu mà các chủ trại cho xuất khẩu. Như thế, đáng lẽ nối kinh tế nông dân với công nghiệp xã hội chủ nghĩa thì lại nối người phú nông với chủ nghĩa tư bản thế giới. Chẳng phải làm cách mạng Tháng mười làm gì nữa.
Trong hội nghị đảng năm 1926, đại diện phái đối lập[2] phản bác: “Sự đẩy nhanh công nghiệp hóa và đặc biệt sự đánh thuế mạnh hơn vào phú nông sẽ đem lại nhiều hàng hóa hơn và như thế có thể hạ giá hàng... Công nhân được lợi ở chỗ đó, và đa số nông dân cũng vậy... Chúng ta quay về với nông thôn không có nghĩa là quay lưng với công nghiệp mà có nghĩa là hướng công nghiệp về nông thôn bởi vì nông thôn chẳng cần gì ngắm bộ mặt một Nhà nước không có công nghiệp.”
Để trả lời chúng tôi, Stalin đã nghiền nát những “Kế hoạch quái đản của phái đối lập”; công nghiệp không được “vượt lên trước nhiều quá, xa rời nông nghiệp và nhịp điệu tích lũy của đất nước chúng ta”. Những nghị quyết của đảng tiếp tục nhắc lại những chân lý sơ đẳng về sự thích nghi thụ động với nhu cầu của các chủ trại mới giàu lên. Đại hội thứ XV của đảng cộng sản, họp tháng mười hai 1927, để đánh bại hoàn toàn phái “siêu công nghiệp hóa,” đưa ra lời cảnh cáo về “nguy cơ đầu tư quá lớn cho công cuộc xây dựng công nghiệp.” Phân số lãnh đạo vẫn chưa muốn thấy những nguy cơ khác.
Năm kinh tế 1927-28 kết thúc thời kỳ gọi là phục hồi trong đó công nghiệp công tác chủ yếu với thiết bị trước cách mạng và nông nghiệp với cơ sở vật chất cũ của mình. Sự tiến triển sau này đòi hỏi một công cuộc xây dựng công nghiệp rộng lớn. Không thể quản lý lần mò, không kế hoạch.
Những khả năng giả định của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đã được phái đối lập phân tích từ 1923-1925. Kết luận chung mà phái này đã đi đến là sau khi sử dụng đến cùng kiệt khả năng của thiết bị cũ do giai cấp tư sản để lại, công nghiệp xô viết có thể, nhờ tích lũy xã hội chủ nghĩa, có một nhịp độ tăng trưởng mà chủ nghĩa tư bản hoàn toàn không vươn tới được. Các thủ lĩnh của phân số lãnh đạo công khai chế nhạo các hệ số từ 15 đến 18% đã được thận trọng đề ra như là một bản nhạc kỳ quái của một tương lai xa lạ. Cuộc đấu tranh chống “chủ nghĩa trôtki” hồi đó là như vậy.
Chương trình chính thức phác thảo đầu tiên của kế hoạch năm năm, làm cuối năm 1927, với một tinh thần co cụm, không đáng đếm xỉa. Sự sản xuất công nghiệp hàng năm gia tăng theo một đường cong nhỏ mọn từ 4% đến 9%. Trong năm năm, mức tiêu thụ cá nhân chỉ tăng 12%! Sự dè dặt đến mức không tin là có được của quan niệm ấy càng nổi bật rõ hơn trong ngân sách Nhà nước, vào thời gian cuối năm năm, chỉ choán có 16% thu nhập quốc dân, trong khi ngân sách nước Nga của Sa hoàng tuy không nghĩ đến việc xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa, đã chiếm tới 18% của thu nhập đó! Có lẽ cũng không thừa mà nói thêm rằng các tác giả của kế hoạch này, các kỹ sư và nhà kinh tế, vài năm sau đây, sẽ bị tòa án kết án rất nặng về tội phá hoại, tuân theo chỉ thị của một cường quốc nước ngoài. Những người bị kết tội ấy có thể trả lời rằng, nếu họ dám nói, khi xây dựng kế hoạch, họ đã hoàn toàn nhất trí với “đường lối chính cương” của bộ chính trị mà họ đã tiếp thu được sự hướng dẫn.
Sự đấu tranh giữa các khuynh hướng được diễn ra bằng ngôn ngữ của các con số. Bản cương lĩnh của phái đối lập nói “Xây dựng để kỷ niệm mười năm cách mạng Tháng mười với một kế hoạch tầm thường đến thế, bi quan một cách sâu sắc đến thế, trong thực tế là phản lại chủ nghĩa xã hội.” Một năm sau, Bộ chính trị phê chuẩn một dự án mới về kế hoạch năm năm, với mức tăng bình quân hàng năm của sản xuất lên 9%. Sự phát triển trong thực tế biểu thị một xu hướng cố tình tiến sát đến các hệ số của những người “siêu công nghiệp hóa” đã nêu lên. Lại một năm sau nữa, khi đường lối của chính phủ đã căn bản thay đổi, ủy ban kế hoạch quyết định một dự án thứ ba mà tính năng động trùng lặp một cách kỳ lạ với những tiên đoán giả thuyết của phái đối lập năm 1925.
Ta thấy đó, lịch sử đích thực về đường lối kinh tế của Liên xô rất khác với huyền thoại nêu ra của phái nắm quyền. Đáng phàn nàn những tác giả đáng trọng như vợ chồng ông Oep (Webb) không biết được gì về chỗ đó.
Bước Ngoặt Vội Vàng: “Kế Hoạch Năm Năm Trong Bốn Năm” Và “Tập Thể Hóa Toàn Bộ”
Sự thoái thoát do dự trước hiện tượng làm riêng lẻ của nông dân, sự hoài nghi đối với các kế hoạch lớn, sự bảo vệ việc phát triển cầm chừng, chậm chạp, sự coi thường vấn đề quốc tế, đó là những yếu tố, tập hợp lại, làm thành lý thuyết “chủ nghĩa xã hội thành công trong một nước,” được Stalin nêu lên lần đầu tiên mùa thu 1924, sau cuộc thất bại của giai cấp vô sản ở Đức. Đừng có nóng vội trong công cuộc công nghiệp hóa, đừng có gây lộn với anh nông dân, đừng có tính đến cách mạng thế giới và trước nhất, cần bảo vệ chính quyền quan liêu khỏi mọi sự phê phán! Sự phân hóa các giai cấp trong nông dân chỉ là chuyện bịa đặt của phái đối lập. Zacôplep (Yakovlev), con người đã có lần chúng ta nêu tên, đã phế bỏ Cục thống kê trung ương vì những họa đồ Cục này nêu ra đã để cho phú nông chiếm một chỗ lớn hơn là chính quyền muốn. Trong khi các nhà lãnh đạo tuôn ra hàng tràng những lời khẳng định trấn an về sự đã xóa bỏ nạn thiếu hàng hóa, “nhịp điệu bình yên của sự phát triển” sắp đến, sự dự trữ ngũ cốc từ nay được “đều” hơn v.v... anh phú nông mạnh lên, lôi kéo anh trung nông theo mình và từ chối không chuyển mì cho thành phố. Tháng giêng năm 1928, giai cấp công nhân đứng trước một nạn đói ghê gớm. Lịch sử đôi khi có những lối nói đùa tàn bạo. Đúng vào các ngày mà anh phú nông nắm lấy cuống họng của cách mạng, những đại diện của phái đối lập cánh tả bị ném vào nhà tù hoặc đày đi Xibêri (Siberie) vì tội đã “gieo hoảng loạn” bằng bóng ma của anh kulak!
Chính phủ cố trình bày việc đình công về lúa mì như là chỉ do sự hiềm khích của anh kulak (nhưng anh kulak ở đâu mà ra?) đối với Nhà nước xã hội chủ nghĩa, có nghĩa sự việc xảy ra là do những động cơ chính trị. Nhưng anh nông dân giàu có thì ít chú ý về thứ “chủ nghĩa lý tưởng” ấy. Nếu anh ta giấu bột mì của anh ta là vì đem bán đi thì không có lợi. Cũng với lý do đó, anh khuếch trương được ảnh hưởng trong nông thôn. Những biện pháp đàn áp, rõ ràng không đủ để chống lại sự phá hoại của phú nông, cho nên cần phải thay đổi đường lối. Và những thái độ chần chừ thì lại cứ kéo dài.
Rưcôp, lúc đó đứng đầu chính phủ, không phải là người duy nhất tuyên bố, tháng bảy 1928, rằng “sự phát triển của hiện tượng làm riêng lẻ trong nông dân là nhiệm vụ quan trọng nhất của đảng”. Stalin cũng hưởng ứng. Và nói: “Có những người nghĩ rằng sự trồng trọt trên những mảnh đất riêng đã hết thời và không đáng khuyến khích nữa... Những ý kiến ấy không có gì ăn nhập với đường lối chung của đảng ta”. Không đầy một năm sau, đường lối chung của đảng không còn gì ăn nhập với những lời tuyên bố nói trên nữa: bình minh của thời kỳ tập thể hóa toàn bộ đã nổi dậy ở chân trời.
Phương hướng mới rút ra từ những phương sách kinh nghiệm chủ nghĩa cũng như phương hướng trước, sau một cuộc đấu tranh ngấm ngầm sâu sắc trong ban lãnh đạo chính phủ. “Các nhóm cánh hữu và cánh giữa đoàn kết lại với nhau vì cùng chung một mối hiềm khích với phái đối lập, và khi sự thanh trừ phái này làm xong, nhất định sẽ xảy ra sự xung đột giữa họ với nhau.” Lời cảnh cáo ấy đã được đưa ra trong cương lãnh của phái đối lập. Mà sự việc đã diễn ra đúng như vậy. Những thủ lĩnh của khối cầm đầu chính phủ đang ở giai đoạn phân hủy, khăng khăng không chịu thừa nhận lời tiên đoán ấy của phái đối lập mà thực tế đã kiểm chứng, như bao lời dự đoán khác. Ngày 19 tháng mười 1928, Stalin còn tuyên bố: “Đã đến lúc phải chấm dứt những chuyện phao đồn về sự hiện diện của một cánh hữu trong bộ chính trị của ban chấp hành trung ương đảng”. Tuy nhiên cả hai nhóm đều lần mò, thăm dò các cơ quan của đảng. Đảng sống trong tình trạng ngột ngạt, dư luận xì xào và phỏng đoán. Vài tháng trôi qua, báo chí công khai viết với một giọng trâng tráo quen thuộc, rằng Rưcốp, người cầm đầu chính phủ “đầu cơ, lợi dụng những khó khăn của chính quyền xô viết,” rằng Bukharin, người lãnh đạo Quốc tế cộng sản, đã lộ ra là “tay sai của bọn tự do tư sản”, rằng Tômski, chủ tịch hội đồng trung ương các công đoàn, chỉ là một tên công liên (trade-unioniste) khốn nạn. Cả ba, Rưkôp, Bukharin và Tômski đều ở trong bộ chính trị. Nếu, trong cuộc đấu tranh trước đây chống phái đối lập cánh tả người ta sử dụng những vũ khí mượn trong kho của cánh hữu, thì bây giờ Bukharin có thể, không nói sai sự thật, buộc tội Stalin đã sử dụng từng đoạn trong cương lĩnh của phái đã bị lên án để chống cánh hữu.
Mặc dù thế nào, bước ngoặt đã thực hiện. Khẩu hiệu “Các anh hãy làm giàu đi!” và lý thuyết về sự tiếp nhận không màu sắc anh phú nông vào chủ nghĩa xã hội đã bị bác bỏ, tuy có chậm, nhưng lại càng kiên quyết hơn. Công nghiệp hoá được đưa vào chương trình nghị sự. Sự cầu an tự mãn nhường chỗ cho một sự ồn ào hoảng loạn. Khẩu hiệu của Lênin, hầu như đã bị quên, “đuổi kịp và vượt” nay được bổ sung bằng những lời: “trong thời hạn ngắn nhất.” Kế hoạch năm năm tối thiểu đã được đại hội đảng thông qua trên nguyên lý nhường chỗ cho một kế hoạch mới mà những yếu tố chính hoàn toàn mượn của cương lĩnh phái đối lập cánh tả vừa bị đánh bại hôm qua. Nhà máy điện Đơniep mới hôm qua còn bị so sánh với cái máy hát nay được hoàn toàn chú ý.
Từ những thành công đầu tiên, một chỉ thị mới được tung ra: hoàn thành kế hoạch năm năm trong bốn năm. Bọn kinh nghiệm chủ nghĩa điên đầu tưởng rằng từ nay cái gì chúng cũng làm được. Như đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử, chủ nghĩa cơ hội biến thành cái nghịch lại với nó, là chủ nghĩa phiêu lưu. Bộ chính trị, sẵn sàng trong những năm 1923-28 thích nghi với triết lý Bukharin về “bước đi của con rùa”, ngày nay nhẹ nhàng chuyển sang mức tiến từ 20 đến 30% hàng năm, lấy bất cứ thành công nhất thời nào làm tiêu chuẩn và không nhìn đến mối liên quan phụ thuộc lẫn nhau giữa các ngành kinh tế. Những mảnh giấy con con in màu bịt lấy những lỗ hổng tài chính của kế hoạch. Trong thời gian đầu kế hoạch năm năm, tiền giấy lưu hành từ 1,7 tỉ rúp lên 5,5 - rồi vươn tới vào đầu thời kỳ thứ hai 8,4 tỷ. Bộ máy quan liêu không những chỉ gạt bỏ sự kiểm tra của quần chúng mà công cuộc công nghiệp hóa hết tốc độ là một gánh nặng không chịu đựng nổi, nó còn thoát ly ra khỏi sự kiểm tra tự động của đồng secvôniet.[3] Hệ thống tài chính được củng cố hồi đầu thời kỳ Tân kinh tế (NEP) nay bị lung lay đến tận nền móng. Nhưng hiểm họa lớn nhất, cho chế độ cũng như cho kế hoạch, xuất hiện từ phía nông thôn.
Ngày 15 tháng hai 1928, nhờ một bài xã luận báo Sự Thật, nhân dân sửng sốt được biết nông thôn chẳng có chút gì giống với quang cảnh các nhà cầm quyền vẫn mô tả mà lại rất giống với bức tranh mà phái đối lập vừa mới bị đại hội khai trừ vẽ ra. Mới hôm qua báo chí còn hoàn toàn phủ nhận sự tồn tại của anh kulak, hôm nay phát hiện ra anh ta, do một dấu hiệu từ trên, không những trong làng xóm mà cả trong đảng. Người ta thấy rằng các chi bộ đảng thường thường bị điều khiển do những phú nông, có trong tay những nông cụ đủ loại, sử dụng một số nhân công đông đảo, cất giấu hàng trăm, thậm chí hàng ngàn put (rouds) ngũ cốc, ngoài ra còn thấy họ là những địch thủ không thể hòa giải được với chính sách “trôtkit”. Các báo thi nhau đưa tin giật gân về những kulak, bí thư các ban chấp hành địa phương đóng cửa không cho các bần nông và người làm công nhật gia nhập đảng. Tất cả các giá trị cũ bị lật đổ. Các dấu cộngtrừ đem tráo trở đổi ngược.
Để nuôi thành thị, cấp thiết phải lấy ở kulak miếng bánh hàng ngày. Người ta chỉ có thể dùng vũ lực mới làm được việc ấy. Sự tước đoạt các dự trữ ngũ cốc không chỉ của phú nông mà cả của trung nông, được gọi là “biện pháp bất thường” trong lối nói của công báo. Như thế có nghĩa là mai mốt lại trở lại vết xe cũ. Nhưng nông dân không tin ở lời nói hay và họ có lý. Sự trưng dụng cưỡng ép lúa mì làm cho những người nông dân sung túc mất hào hứng mở rộng diện gieo trồng. Người làm công nhật và bần nông không có công ăn việc làm. Nông nghiệp một lần nữa lại đi vào ngõ cụt và Nhà nước cũng đi theo vào đó. Bằng bất cứ giá nào người ta nhận thấy phải thay đổi triệt để “đường lối chính cương”.
Stalin và Môlôtôp vẫn tiếp tục chủ trương giành hàng đầu cho những cách cấy trồng manh mún, nhấn mạnh sự cần thiết mở rộng nhanh chóng diện canh tác của nhà Nước, các nông trường quốc doanh và diện canh tác nông dân tập thể, các nông trường tập thể. Nhưng sự thiếu thốn nghiêm trọng lương thực không cho phép từ bỏ những cuộc hành quân về nông thôn, chương trình vực dậy việc canh tác trên những mảnh đất manh mún, vì vậy bị treo lơ lửng trong khoảng không. Phải “trượt theo đà của tập thể hóa.” Các “biện pháp bất thường” tạm thời dùng để lấy lúa mì, làm nảy sinh điều không ai ngờ đến là chương trình “thanh toán các phú nông về mặt giai cấp.” Những chỉ lệnh mâu thuẫn nhau, còn nhiều hơn các khẩu phần bánh mì, chứng tỏ hiển nhiên sự thiếu mọi chương trình trong nông nghiệp, không phải cho năm năm, mà cả cho năm tháng.
Theo kế hoạch được xây dựng dưới ngọn roi của cơn khủng hoảng về tiếp tế lương thực, nông nghiệp tập thể hóa đến cuối năm thứ năm phải thu hút được gần 20% hộ nông dân. Chương trình ấy thật là to tát nếu người ta biết rằng công cuộc tập thể hóa trong mười năm trước chỉ thu được không đầy 1% số hộ. Nó lại còn được vượt rất xa ngay từ nửa đầu của thời hạn năm năm.
Tháng mười một 1929, Stalin, từ bỏ những do dự của mình, thông báo chấm dứt nền nông nghiệp manh mún: “Từng làng trọn vẹn, từng tổng, cả từng quận, nông dân đi vào nông trang tập thể.” Zacôplep, mới hai năm trước còn chứng minh các nông trang tập thể rất nhiều năm vẫn “còn là những ốc đảo giữa vô số những mảnh vụn”. Hôm nay, với tư cách là dân ủy nông nghiệp, ông ta nhận nhiệm vụ đi “thanh toán Kulak về mặt giai cấp” và áp đặt việc tập thể hóa toàn bộ “trong thời hạn ngắn nhất.” Năm 1929, số hộ vào nông trang tập thể từ 1.7% lên 9%; rồi con số đạt 23,6% năm 1930, 52,7% năm 1931 và 61,5% năm 1932.
Chắc không còn có ai để nhắc lại cái mớ ý kiến tự do bùng nhùng cho rằng sự tập thể hóa toàn bộ chỉ là kết quả của riêng bạo lực. Trong cuộc đấu tranh giành đất vì thiếu đất, nông dân ngày xưa đã nổi dậy chống lãnh chúa và đôi khi đi lập trại chinh phục những vùng hoang; hoặc họ lập những giáo phái, ở đó người mugich bù vào chỗ thiếu đất bằng khoảng trống của trời. Từ khi trưng dụng các đất đai lớn và phân manh mún các mảnh đất nhỏ, sự tập hợp những mảnh đất này thành những mảnh lớn hơn trở thành vấn đề sinh tử cho nông nghiệp, cho toàn thể xã hội.
Nhưng cách nhìn lịch sử chung ấy cũng không giải quyết được gọn vấn đề. Khả năng thực tế của tập thể hóa không thể quyết định bằng tình thế không lối thoát của nông dân, cũng không phải bằng sự kiên quyết của chính phủ; trước hết nó phải được quyết định bằng những phương tiện sản xuất nhất định, có nghĩa là trong chừng mực công nghiệp có thể cung cấp được thiết bị cho nền đại sản xuất nông nghiệp. Những dữ kiện vật chất ấy thiếu. Những nông trường tập thể được tổ chức với một thiết bị nói chung chỉ thích hợp với những mảnh đất vụn. Trong những điều kiện ấy, sự tập thể hóa gấp gáp thái quá là chuyện phiêu lưu.
Chính phủ, ngạc nhiên vì bước ngoặt quá lớn, không có thể và cũng không biết chuẩn bị về mặt chính trị, dù chỉ chút ít thôi, cho sự phát triển mới. Cũng như nông dân, các nhà chức trách ở địa phương không biết người ta yêu cầu họ những gì. Nông dân thì điên đầu bởi những tiếng đồn về “tịch thu gia súc”. Cũng không xa lắm với sự thật, rồi ta sẽ thấy. Ý đồ xưa kia gán cho phái đối lập để nhạo báng những quan điểm của phái này, nay được thực hiện: bộ máy quan liêu “cướp bóc nông thôn”, tập thể hóa đối với nông dân là một sự trưng dụng toàn bộ. Người ta xã hội hóa không những ngựa, bò cái, cừu, lợn mà đến cả gà con. Một người đã chứng kiến tận mắt viết ở nước ngoài “Người ta tịch thu của Kulak đến cả những ủng bằng dạ của trẻ con.” Kết quả của việc này là nông dân bán gia súc hàng loạt với giá thấp hoặc giết nó đi để lấy thịt và da.
Tháng giêng 1930, Anđôrêiep (Andreiev), ủy viên trung ương đảng, vẽ ra tại đại hội Matxcơva bức tranh sau đây của tập thể hóa: một mặt, phong trào tập thể hóa hùng mạnh đã lan ra khắp nước “lôi cuốn trên đường đi mọi trở ngại”; mặt khác, việc nông dân, trước khi vào nông trường tập thể, bán nông cụ, gia súc và cả hạt giống với một tinh thần vị lợi thô thiển “đã đạt những tỷ lệ rõ ràng đáng sợ...” Dù mâu thuẫn, hai điều khẳng định ấy đã xác nhận đúng đắn, từ hai quan điểm đối lập, tính chất truyền nhiễm của công cuộc tập thể hóa, một phương sách tuyệt vọng. Nhà phê bình mà chúng tôi vừa trích dẫn viết: “Công cuộc tập thể hóa toàn bộ đã nhận chìm nền kinh tế vào trong sự khốn cùng từ lâu chưa từng thấy; như có một cuộc chiến tranh ba năm vừa xảy ra ở đó.” 
Đối với hai mươi lăm triệu hộ nông dân lẻ loi, ích kỷ, hôm qua đây còn là động lực duy nhất của nông nghiệp - yếu như con ngựa già của anh mugích, nhưng vẫn là động lực - bộ máy quan liêu mưu toan ngay một lúc thay họ bằng sự điều hành của hai mươi vạn ban quản trị nông trường tập thể, thiếu phương tiện kỹ thuật, thiếu kiến thức nông học và thiếu sự ủng hộ của nông dân. Những hậu quả phá hoại của chính sách phiêu lưu này chẳng mấy chốc đã lộ rõ và kéo dài hàng năm. Tổng thu hoạch ngũ cốc năm 1930 đã đạt 835 triệu tạ, hai năm sau tụt xuống dưới 700 triệu. Hiệu số ấy, tự bản thân nó, chưa phải là một tai họa, nhưng nó biểu thị sự thất thiệt lượng lúa mì cần thiết cho các đô thị, trước khi các đô thị này làm quen với những khẩu phần chết đói. Việc trồng cây công nghiệp lại còn tệ hơn. Trước khi tập thể hóa, sản lượng đường đạt gần 109 triệu pút để rồi hai năm sau, giữa cao trào tập thể hoá, do thiếu củ cải đường, tụt xuống 48 triệu pút, vị chi chưa bằng một nửa. Nhưng cơn bão tai hại nặng nề nhất chuyển qua việc chăn nuôi ở nông thôn. Số ngựa tụt 55%, từ 34,6 triệu con năm 1926 xuống 15,6 triệu con năm 1934, gia súc có sừng tụt từ 30,7 triệu xuống 19,5, vị chi 40%; lợn 55%, cừu 66%. Tổn thất về người - vì đói, rét, dịch bệnh và khủng bố đàn áp - khốn thay không được ghi chính xác như sự thất thiệt về gia súc; nhưng con số phải đến hàng triệu. Trách nhiệm không phải ở chỗ tập thể hóa mà ở những phương pháp mù quáng, liều lĩnh và bạo ngược người ta đem áp dụng. Bộ máy quan liêu chẳng dự kiến được gì trước. Ngay cả đến điều lệ của nông trường tập thể đặt mối liên hệ giữa quyền lợi cá nhân của người nông dân với quyền lợi của tập thể cũng mãi sau khi nông thôn đã bị tàn phá ghê gớm mới được công bố.
Sự áp dụng vội vàng đường lối chính trị mới ấy là do sự cần thiết thoát khỏi mau chóng những hậu quả của đường lối từ 1923-28. Tuy nhiên việc tập thể hóa phải và có thể đi theo một bước đi hợp lý hơn, với những hình thức tính toán kỹ hơn. Làm chủ chính quyền và nắm trong tay công nghiệp, bộ máy quan liêu đáng lẽ phải điều chỉnh được việc tập thể hóa, không để đất nước nằm trên miệng vực thẳm. Người ta cần phải và có thể chọn một bước đi phù hợp hơn với khả năng vật chất và tinh thần của đất nước. Cơ quan ngôn luận ở nước ngoài của phái cánh tả đối lập, viết năm 1930: “Trong những điều kiện quốc gia và quốc tế đầy đủ, tình hình vật chất và kỹ thuật của nông nghiệp có thể thay đổi căn bản trong chừng mười hoặc mười lăm năm và có thể bảo đảm cho công cuộc tập thể hóa một cơ sở trong nền sản xuất. Nhưng trong thời gian từ nay đến khi đó, người ta có thể nhiều lần làm đổ chính quyền xô viết...”
Lời cảnh cáo ấy không phải là quá đáng: chưa bao giờ tư khí tử vong lại sà xuống thấp đến thế trên lãnh thổ của cách mạng Tháng mười như những năm tập thể hóa toàn bộ. Sự công phẫn, thiếu an ninh, sự khủng bố trấn áp chia xé đất nước. Một hệ thống tiền tệ vô tổ chức: sự chồng chéo giữa các giá quá cao do Nhà nước qui định với giá “qui ước” và giá thị trường tự do; sự chuyển từ hình thức và thương mại giả tạo giữa nhà nước và nông dân qua phương pháp đánh thuế bằng ngũ cốc, thịt và sữa, cuộc đấu tranh sống chết chống những vụ ăn cắp thường xuyên tài sản của các nông trường tập thể và sự che giấu những vụ ăn cắp ấy, sự động viên thuần túy quân sự của đảng chống sự phá hoại của Kulak sau khi thanh toán giai cấp Kulak; đồng thời, việc trở lại với hệ thống các sổ lương thực và những khẩu phần chết đói, cuối cùng sự thiết lập lại những giấy thông hành nội địa - tất cả những phương sách ấy đưa đất nước trở lại bầu không khí nội chiến đã kết thúc từ lâu.
Sự cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy tồi tệ thêm, tháng này sang tháng khác. Những điều kiện sống không chịu đựng nổi kéo theo sự phân tán của nhân công, những thiếu sót trong công việc, sự làm ăn cẩu thả, phá máy, tỷ lệ phần trăm về làm hỏng cao lên, chất lượng sản phẩm xấu. Hiệu suất lao động trung bình năm 1931 sụt 11,7%. Theo một lời thú nhận mà Môlôtôp để lọt ra và được tất cả báo chí xô viết in lại, sản lượng công nghiệp năm 1932 chỉ tăng 8,5%, thay vì 36% như kế hoạch đã trù tính. Sau đó một ít lâu, thế giới được biết kế hoạch năm năm đã được hoàn thành trong bốn năm ba tháng. Điều đó chỉ có nghĩa là đối với các con số thống kê và dư luận quần chúng, sự vô sỉ và trơ tráo của bộ máy quan liêu không có giới hạn. Nhưng điều quan trọng nhất không ở chỗ đó, vấn đề được thua của ván bài này hoàn toàn không phải là kế hoạch năm năm mà là sự mất còn của chế độ.
Chế độ vẫn đứng vững. Đó là công lao của nó. Sở dĩ như vậy, là vì nó đã mọc rễ sâu trong miếng đất quần chúng và nhờ hoàn cảnh bên ngoài thuận lợi. Trong những năm hỗn loạn về kinh tế và nội chiến ở nông thôn ấy, Liên xô thực tế đã bị tê liệt trước kẻ thù bên ngoài. Sự công phẫn của nông dân lan sang quân đội. Sự thiếu an ninh và ổn định làm mất tinh thần bọn quan liêu và cán bộ chỉ huy. Một cuộc tấn công nào từ phương Tây hoặc phương Đông vào lúc đó có thể có những hậu quả tai hại.
May thay, những năm đầu của cuộc khủng hoảng công nghiệp và thương nghiệp nhận chìm thế giới tư bản trong một sự trông chờ mất hướng. Không ai sẵn sàng làm chiến tranh, không ai dám thử liều làm chiến tranh. Vả lại, không địch thủ nào của Liên xô biết được chính xác tính nghiêm trọng của những sự đảo lộn xã hội làm xáo trộn đất nước xô viết qua những tiếng thanh la chũm chọe của các ban nhạc ca ngợi “đường lối chính cương”.
Chúng tôi hy vọng rằng mặc dầu ngắn, bản nhận xét đại cương lịch sử này chứng tỏ bức tranh lý tưởng về một sự tích luỹ tuần tự và liên tục trong thực tế còn xa mới tiến tới sự phát triển một Nhà nước lao động thực sự. Chúng tôi sẽ rút ra sau, từ một quá khứ chứa nhiều khủng hoảng, những điều chỉ dẫn quan trọng cho tương lai. Theo chúng tôi sự nghiên cứu lịch sử đường lối kinh tế của chính phủ xô viết và những ngoắt ngoéo của đường lối ấy là cần thiết để bài trừ tệ sùng bái cá nhân, đã tìm nguyên nhân của những thắng lợi thật hoặc giả trong những phẩm chất khác thường của những người lãnh đạo, không coi trọng những điều kiện của chế độ sở hữu xã hội do cách mạng tạo ra.
Lẽ tự nhiên những lợi thế khách quan của chế độ xã hội mới cũng được biểu thị ở các phương pháp lãnh đạo; nhưng những phương pháp ấy cũng nói lên không kém, tình trạng kinh tế và văn hóa lạc hậu của đất nước và môi trường tiểu tư sản tỉnh lẻ trong đó các cán bộ lãnh đạo đã được đào tạo.
Người ta sẽ phạm một sai lầm thô thiển nếu từ đó suy diễn rằng đường lối những nhà lãnh đạo xô viết là nhân tố có tầm quan trọng thứ ba. Không có một chính phủ nào khác trên thế giới lại nắm được trong tay vận mệnh của đất nước đến mức độ đó. Thành công hay thất bại của một anh tư bản tùy thuộc trong một chừng mực rất lớn, có khi trong một chừng mực có tính quyết định, dù không hoàn toàn, những phẩm chất cá nhân của anh ta. Mutatis mutandis (thay đổi cái cần phải thay đổi), chính phủ xô viết đối với toàn bộ nền kinh tế tự đặt mình vào tình thế của anh tư bản đối với nhà máy riêng của anh ta. Tính tập trung của nền kinh tế làm cho chính quyền trở thành một nhân tố có tầm quan trọng hơn. Và chính vì thế mà đường lối của chính phủ phải được xem xét, đánh giá không phải trên những bản tổng kết sơ lược, không phải trên như con số trần trụi của thống kê mà trên vai trò đặc biệt của sự dự kiến sáng suốt, và sự lãnh đạo có kế hoạch trong việc thu hoạch các kết quả.
Những ngoắt ngoéo trong đường lối của chính phủ, đồng thời với những mâu thuẫn của tình hình, nói lên sự kém cỏi của những người lãnh đạo trong sự tìm hiểu những mâu thuẫn ấy và đề ra những biện pháp phòng ngừa. Những sai lầm của lãnh đạo không dễ dàng tính bằng phương pháp kế toán. Chỉ một sơ đồ vạch ra những ngoắt ngoéo mới cho phép chúng ta kết luận một cách chắc chắn những sai lầm ấy đã buộc nền kinh tế xô viết phải chịu những tổng chi phí lớn lao.
Đúng là người ta không thể hiểu, nếu chỉ đề cập lịch sử theo quan điểm thuần lý, tại sao và như thế nào phân số nghèo tư tưởng nhất và có nhiều khuyết điểm, sai lầm nhất lại thắng được tất cả các nhóm khác và tập trung trong tay mình một quyền lực không giới hạn. Sự phân tích trong phần sau sẽ cho chúng ta chìa khóa của bí mật này. Chúng ta cũng sẽ thấy các phương pháp quan liêu của chính phủ chuyên chế ngày càng mâu thuẫn với các nhu cầu của nền kinh tế và văn hóa, và tính tất yếu từ đó sẽ làm nảy sinh những khủng hoảng mới và những chấn động mới trong sự phát triển của Liên xô.
Nhưng trước khi đề cập việc nghiên cứu vai trò kép của bộ máy quan liêu “xã hội chủ nghĩa,” chúng tôi phải trả lời câu hỏi sau: vậy thì cán cân tổng quát của thành tựu là gì? Chủ nghĩa xã hội đã có thật chưa? Hoặc, thận trọng hơn: Những thành công kinh tế và văn hóa đạt được có giúp chúng ta chống lại nguy cơ một sự phục hồi tư bản chủ nghĩa được không, cũng như xã hội tư sản ở một giai đoạn nào đó nhờ những thắng lợi của mình đã chống lại được sự phục hồi chế độ phong kiến và nô lệ?
Chú thích:
[1] đó chính là Trôtski (Trotsky)
[2] vẫn chính là Trôtski
[3] đơn vị tiền tệ tạm thời dựa trên giá thạch đen - tchervonietz.