Dịch giả: Hoàng Khoa Khôi
PHỤ LỤC
1 - “Chủ Nghĩa Xã Hội Riêng Trong Một Nước”



Chủ Nghĩa Bônapác, Khủng Hoảng Chế Độ

 Những khuynh hướng phản động tự cấp tự túc là một phản xạ tự vệ của chủ nghĩa tư bản già cỗi trước bài toán do lịch sử đặt ra là giải thoát nền kinh tế khỏi những giây trói của chế độ tư hữu và Nhà nước quốc gia và tổ chức nó theo một kế hoạch toàn bộ, trên toàn thế giới.
“Bản tuyên ngôn các quyền của nhân dân lao động và nhân dân bị bóc lột” do Lênin thảo và Hội đồng dân ủy đưa ra Quốc hội lập hiến phê chuẩn, trong những ngày giờ tồn tại ngắn ngủi của Quốc hội này, xác định “mục tiêu chủ yếu” của chế độ mới bằng những lời lẽ như sau: “thiết lập một xã hội xã hội chủ nghĩa và tranh đấu cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước”. Như vậy, chủ nghĩa quốc tế cách mạng đã được tuyên bố trong một tài liệu cơ bản của chế độ mới. Lúc đó, không ai dám đặt vấn đề một cách nào khác. Tháng tư 1924, ba tháng sau khi Lênin mất, Stalin còn viết trong bài sưu tập của mình về những cơ sở của chủ nghĩa Lênin: “Chỉ cần những cố gắng của một nước là lật đổ được giai cấp tư sản, lịch sử cuộc cách mạng của chúng ta đã dạy cho biết như thế. Để giành thắng lợi hoàn toàn cho chủ nghĩa xã hội, để tổ chức nền sản xuất xã hội chủ nghĩa, những cố gắng của một nước riêng lẻ, nhất là một nước nông nghiệp như nước chúng ta không đủ; cần phải có những cố gắng hợp lại của vô sản nhiều nước tiên tiến”. Những dòng viết này không cần phải bình luận. Nhưng bản in có những dòng này đã không được lưu hành nữa. Những thất bại lớn của giai cấp vô sản châu Âu và những thành công đầu tiên, tuy còn nhỏ bé, của kinh tế xô viết gợi cho Stalin, mùa thu 1924, ý kiến sứ mệnh lịch sử của tầng lớp quan liêu là xây dựng chủ nghĩa xã hội trong riêng một nước. Một cuộc tranh luận mở ra chung quanh vấn đề này, có vẻ là kinh viện đối với nhiều đầu óc thiển cận. Nhưng thật ra đã biểu hiện bước đầu suy thoái của Đệ tam Quốc tế và chuẩn bị sự ra đời của Đệ tứ Quốc tế.
Cựu đảng viên cộng sản Pêtơrôp mà chúng ta đã biết, ngày nay là dân ngoại kiều bạch vệ, kể lại trong các hồi ký của anh ta sự phản ứng mạnh mẽ của những cán bộ quản lý thanh niên đối với quan niệm buộc Liên xô phải tùy thuộc vào cách mạng quốc tế. “Sao thế! Chúng ta tự mình không đem lại nổi hạnh phúc cho nước chúng ta hay sao? Nếu theo Mác là phải khác, chúng ta không phải là mácxít nữa, chúng ta là những người bônsêvích Nga, thế thôi!” Kèm vào hồi ký về những cuộc tranh luận các năm 1923 -1926, Pêtơrôp thêm: “Bây giờ tôi không thể không nghĩ rằng lý thuyết chủ nghĩa xã hội thành công trong riêng một nước không phải chỉ là một sự sáng tạo của Stalin”. Đúng lắm! Nó diễn đạt rất đúng cảm tưởng của giới quan liêu; khi nói về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, họ hiểu đó là thắng lợi của chính họ.
Để biện hộ cho sự đoạn tuyệt của ông ta với truyền thống quốc tế mácxít, Stalin còn trâng tráo đến mức cho rằng Mác và Angghen đã không biết có… qui luật phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản, do Lênin khám phá. Lời khẳng định ấy xứng đáng chiếm hàng đầu danh mục những của lạ về tư tưởng. Sự phát triển không đồng đều đánh dấu toàn bộ lịch sử nhân loại và đặc biệt là lịch sử thời kỳ chủ nghĩa tư bản. Năm 1926 nhà viết sử và kinh tế học trẻ Xônxep (Solntsev), một chiến sỹ có năng khiếu khác thường và phẩm chất đạo đức hiếm có, chết trong nhà tù xô viết vì tham gia phái đối lập cánh tả, đã có một ghi chú tuyệt hay về quy luật phát triển không đồng đều như người ta tìm thấy trong tác phẩm của Mác. Công trình ấy lẽ cố nhiên không được công bố ở Liên xô. Do những lý do ngược lại, người ta cấm tác phẩm của một đảng viên xã hội – dân chủ Đức, đã chôn cất và quên đi lâu ngày, tên là Vônma (Volmar), năm 1878, chủ trương “một Nhà nước xã hội chủ nghĩa riêng lẻ” là có thể được – ông ta nhắm nước Đức chứ không phải nước Nga - bằng cách nêu ra “quy luật phát triển không đồng đều” mà người ta nói với chúng ta là vẫn không được biết cho đến thời Lênin.
Gioọc Vônma (Georg Volmar) đã viết: “Chủ nghĩa xã hội đòi hỏi một cách tuyệt đối phải có một nền kinh tế phát triển và nếu chỉ cần có thế, nó sẽ phải đặc biệt mạnh ở nơi nào mà sự phát triển kinh tế cao nhất. Trong thực tế, vấn đề đặt ra hoàn toàn khác. Không chối cãi được, nước Anh là nước tiên tiến nhất về kinh tế, nhưng ta thấy ở đó chủ nghĩa xã hội đóng một vai trò thứ yếu, trong khi ở Đức, một nước kém phát triển hơn, lại trở thành một lực lượng đến mức làm cho cái xã hội cũ không còn được yên ổn…”. Sau khi chỉ ra sức mạnh của những nhân tố lịch sử đã quyết định các sự kiện, Vônma nói tiếp: “Rõ ràng những phản ứng qua lại của một số nhân tố lớn như thế, về phương diện thời gian và hình thái, làm cho không thể có được một sự tiến hóa giống nhau, dù chỉ là trong hai nước, chưa nói là trong tất cả… Chủ nghĩa xã hội cũng tuân theo qui luật đó... Giả thuyết một thắng lợi cùng một lúc của chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước văn minh là giả thuyết không thể có, cũng như không thể có hiện trạng các nước văn minh bắt chước xây dựng một Nhà nước xã hội nghĩa mà tương lai sẽ thành lập. Như vậy chúng ta đi đến kết luận khả năng xây dựng một Nhà nước xã hội chủ nghĩa riêng biệt mà tôi muốn chứng minh, nếu không phải là điều duy nhất, ít nhất cũng là điều sát với thực tế nhiều nhất.” Cuốn sách ấy, viết khi Lênin mới có tám tuổi, giải thích về qui luật phát triển không đồng đều còn đúng hơn nhiều những giải thích của các người kế nghiệp xô viết kể từ mùa thu năm 1924. Cần lưu ý rằng ở đây Vônma, lý thuyết gia hạng hai, chỉ mới nhân dịp bình luận những ý kiến của Angghen mà chúng ta thấy bị qui là không có hiểu biết về điểm này. “Nhà nước xã hội chủ nghĩa riêng biệt” từ lâu đã chuyển từ lĩnh vực giả thuyết lịch sử sang lĩnh vực thực tiễn, không phải ở Đức mà ở Nga. Sự kiện cô lập ấy của nó nói lên sức mạnh tương đối của chủ nghĩa tư bản và cái yếu kém tương đối của chủ nghĩa xã hội. Giữa Nhà nước “xã hội chủ nghĩa” cô lập và xã hội hội chủ nghĩa xóa bỏ vĩnh viễn Nhà nước còn phải vượt qua một khoảng cách lớn, đó là con đường của cách mạng thế giới.
Bêatơrit (Béatrice) và Xitnây Oep (Sidney Webb) về phía họ, họ cam đoan với chúng ta rằng Mác và Angghen không tin khả năng có thể xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa riêng biệt chỉ vì lý do độc nhất hai ông “đã không bao giờ mơ ước” (neither Marx nor Engels had ever dreamt - cả Mác, cả Angghen, chưa bao giờ mơ ước) có một công cụ mạnh như là sự độc quyền về ngoại thương. Người ta không thể đọc những dòng này mà không cảm thấy phiền muộn đối với những tác giả cao tuổi ấy. Việc quốc hữu hóa các ngân hàng và thương nghiệp, đường sắt và tàu buôn, đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa, cũng thiết yếu như là việc quốc hữu hóa các phương tiện sản xuất, kể cả các phương tiện của các ngành công nghiệp xuất khẩu. Độc quyền ngoại thương chỉ làm cái việc tập trung trong tay Nhà nước các phương tiện vật chất của nhập khẩu và xuất khẩu. Nói rằng Mác và Angghen không mơ ước đến điều đó tức là nói họ không mơ ước có cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tai hại hơn, Vônma lại công nhận độc quyền ngoại thương là một trong những nguồn sống quan trọng nhất của “Nhà nước xã hội chủ nghĩa riêng biệt”. Mác và Angghen có lẽ cần phải học cái bí quyết ở tác giả này nếu không phải là tác giả này đã học được ở Angghen và Mác. “Lý thuyết” chủ nghĩa xã hội thành công trong riêng một nước mà Stalin không trình bày và biện hộ ở đâu cả, qui về một quan niệm xa lạ đối với lịch sử và thật ra cằn cỗi, theo đó những tài nguyên thiên nhiên phong phú của Liên xô cho phép nó xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi biên giới địa lý của nó. Người ta cũng có thể khẳng định một cách tương tự, chủ nghĩa xã hội sẽ thắng nếu dân số thế giới kém hơn mười hai lần dân số hiện có. Thực tế, lý thuyết mới đó tìm cách áp đặt vào ý thức xã hội một hệ tư tưởng cụ thể: cách mạng đã vĩnh viễn hoàn thiện, các mâu thuẫn xã hội giảm đi dần dần: người phú nông sẽ dần dần bị hút vào chủ nghĩa xã hội; nhìn trong toàn bộ và độc lập với các sự kiện bên ngoài, sự tiến hóa sẽ tiến những bước đều đặn và hòa bình. Bukharin, người phát minh ra lý thuyết mới đó, coi như đã được chứng minh không ai bác bẻ được, tuyên bố rằng: “Những khác biệt giai cấp trong đất nước chúng ta hoặc kỹ thuật còn lạc hậu của chúng ta, sẽ không đưa chúng ta đến thất bại; chúng ta có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội trên chính cái nền móng kỹ thuật nghèo nàn ấy; sự tiến triển của chủ nghĩa xã hội ấy sẽ rất chậm, chúng ta sẽ tiến lên theo bước rùa, nhưng chúng ta sẽ xây dựng chủ nghĩa xã hội và sẽ hoàn thành...”. Hãy gạt qua bên ý nghĩ “chủ nghĩa xã hội có thể xây dựng trên một cơ sở kỹ thuật nghèo nàn” và một lần nữa hãy nhớ lấy lời tiên đoán thiên tài của Mác, dạy cho chúng ta biết với một cơ sở kỹ thuật yếu kém “người ta chỉ xã hội hóa cái nhu cầu, sự khan hiếm hàng tiêu dùng cần thiết sẽ tạo nên những cuộc chạy đua tiêu thụ và lôi kéo lại tất cả mớ hỗn độn xưa kia...”
Tháng tư 1926, phái đối lập cánh tả, trong một phiên họp toàn thể ban chấp hành trung ương, đề nghị bổ sung lý thuyết bước rùa như sau: “sẽ hoàn toàn sai lầm nếu nghĩ rằng chúng ta có thể tiến tới chủ nghĩa xã hội theo một nhịp điệu do chúng ta quyết định một cách độc đoán, trong lúc chúng ta bị chủ nghĩa tư bản bao vây. Sự tiến tới chủ nghĩa xã hội chỉ bảo đảm khi khoảng cách giữa công nghiệp chúng ta và công nghiệp tư bản tiên tiến... giảm đi rõ ràng và cụ thể chứ không lớn lên”. Stalin thấy trong ý kiến bổ sung đó có một sự công kích “che giấu” lý thuyết chủ nghĩa xã hội thành công trong riêng một nước và kiên quyết từ chối không chịu gắn nhịp điệu xây dựng trong nước với các điều kiện quốc tế. Bản tường thuật tốc ký của cuộc tranh luận ghi câu trả lời như sau: “Kẻ nào nêu ra yếu tố quốc tế là không hiểu gì cả về việc vấn đề cần được đặt như thế nào, làm xáo trộn mọi ý kiến, do không hiểu hoặc do cố tình gây sự lộn xộn”. Ý kiến bổ sung của phái đối lập đã bị bác bỏ.
Ảo tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách nhẹ nhàng - theo bước chân rùa - trên một cơ sở nghèo túng, trong lúc bị những kẻ thù mạnh bao vây, không đứng vững được lâu dài trước những lời phê phán. Tháng mười một cùng năm ấy, hội đàm XV của đảng, không có một chút chuẩn bị trong báo chí, thừa nhận cần phải “đuổi kịp trong một thời hạn lịch sử tương đối ngắn nhất (?) và sau đó vượt trình độ công nghiệp các nước tư bản tiên tiến”. Như thế có nghĩa là “vượt” cả phái đối lập cánh tả. Nhưng trong khi tung ra khẩu hiệu “đuổi kịp và vượt” cả thế giới “trong một thời hạn tương đối ngắn nhất”, các lý thuyết gia mới hôm qua còn chủ trương bước chậm chạp của con rùa tự nhiên bị cầm tù bởi “yếu tố quốc tế” mà giới quan liêu sợ như sợ một điều mê tín. Và lời tuyên bố đầu tiên, rõ nhất, của lý thuyết Stalin bị phá sản trong vòng tám tháng.
Tháng ba 1927, trong một tài liệu lưu truyền bất hợp pháp, phái đối lập cánh tả viết: chủ nghĩa xã hội nhất thiết phải “vượt” chủ nghĩa tư bản trong mọi lĩnh vực, “nhưng lúc này không phải là những tương quan nói chung của chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản mà là sự phát triển kinh tế của Liên xô so sánh với sự phát triển kinh tế của Đức, Anh và Mỹ. Phải hiểu một thời hạn lịch sử tối thiểu như thế nào? Chúng ta sẽ vẫn còn xa với trình độ các nước tiên tiến phương Tây trong vòng các kỳ năm năm sắp tới. Trong thời gian đó, cái gì sẽ xảy ra trong thế giới tư bản? Nếu người ta chấp nhận nó có thể còn có một thời kỳ phồn vinh mới vài chục năm nữa, nói chủ nghĩa xã hội trong đất nước lạc hậu của chúng ta sẽ là nói những điều nhạt nhẽo đáng buồn; lúc đó sẽ phải thừa nhận chúng ta đã lầm trong mọi chuyện khi đánh giá thời đại chúng ta là thời đại thối rữa của chế độ tư bản, trong trường hợp này, nước cộng hòa xô viết sẽ là thí nghiệm thứ hai của chuyên chính vô sản, rộng hơn và phong phú hơn thí nghiệm của công xã Pari nhưng cũng chỉ là một thí nghiệm... Tuy nhiên, phải chăng chúng ta có những lý do nghiêm chỉnh để kiên quyết xét lại các giá trị của thời đại chúng ta và ý nghĩa của cách mạng Tháng mười, quan niệm như là một mắt xích của cách mạng quốc tế? Không. Sau khi hoàn thành trong một chừng mực ít nhiều rộng lớn giai đoạn tái thiết của họ (sau chiến tranh), các nước tư bản lại tiếp tục đứng trước tất cả những mâu thuẫn nội bộ và quốc tế của họ, nhưng lại mở rộng ra và nghiêm trọng hơn nhiều. Và đó là cơ sở của cách mạng vô sản. Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội, đó là một việc hiển nhiên. Cái toàn thể phải lớn hơn cái bộ phận, lại một sự kiện nữa chắc chắn hơn, cách mạng đang chuẩn bị ở châu Âu và thế giới. Bộ phận sẽ chỉ có thể thắng với cái toàn thể... Giai cấp vô sản châu Âu về mặt tấn công cướp chính quyền cần ít ngày giờ hơn là chúng ta cần để vượt châu Âu và châu Mỹ về mặt kỹ thuật... Trong thời gian đó, chúng ta phải tuần tự rút ngắn khoảng cách giữa năng suất lao động của chúng ta với các nước khác. Càng tiến lên bao nhiêu, chúng ta càng ít bị đe dọa bấy nhiêu bởi sự cạnh tranh của các giá hàng thấp có thể xảy ra và do đó bởi sự can thiệp vũ trang...của nước ngoài. Càng cải tiến được đời sống công nhân và nông dân bao nhiêu, chúng ta càng thúc đẩy nhanh hơn cuộc cách mạng vô sản ở châu Âu và cuộc cách mạng ấy càng giúp chúng tiến nhanh hơn về mặt kỹ thuật của thế giới, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta càng được bảo đảm hơn, đầy đủ hơn, một nhân tố của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở châu Âu và thế giới”. Tài liệu ấy, như bao nhiêu tài liệu khác, vẫn không được trả lời, trừ phi phải coi những việc khai trừ khỏi đảng và bắt bớ là câu trả lời.
Sau khi đã từ bỏ quan niệm xã hội chủ nghĩa đi chậm như rùa, người ta lại phải đi tới sự từ bỏ cả ý kiến thu hút anh kulak vào chủ nghĩa xã hội. Sự thất bại trong việc đánh vào phú nông bằng các biện pháp hành chính tuy nhiên cũng cung cấp một thức ăn mới cho lý thuyết chủ nghĩa xã hội thành công trong riêng một nước: trong khi các giai cấp “căn bản” đã bị xóa bỏ tức là chủ nghĩa xã hội “căn bản” đã được thực hiện (1931). Đó là sự phục hồi tư tưởng thiết lập xã hội xã hội chủ nghĩa “trên cơ sở nghèo đói”. Chúng ta còn nhớ một nhà báo không chính thức đã giải thích việc thiếu sữa cho trẻ em là do thiếu bò cái chứ không phải do những khuyết điểm của hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Sự quan tâm đến năng suất lao động không cho phép bám lấy những công thức làm yên lòng của năm 1931, mục đích bù lại về tinh thần, cho những sự tàn phá của công cuộc tập thể hóa toàn bộ. Nhân phong trào stakhanốp, Stalin đột nhiên tuyên bố: “Một số người nói chủ nghĩa xã hội có thể củng cố bằng một sự bình đẳng nào đó trong đói nghèo. Nói như thế là sai. Thực tế, chủ nghĩa xã hội chỉ thắng trên cơ sở một năng suất lao động cao hơn so với chế độ tư bản”. Hoàn toàn đúng! Nhưng cương lĩnh mới của đoàn thanh niên cộng sản thông qua tháng tư năm 1935 tại đại hội, cái đại hội đã tước hết những dấu vết cuối cùng quyền hạn chính trị của họ, định nghĩa rạch ròi chế độ xô viết: “Nền kinh tế quốc dân đã trở thành xã hội chủ nghĩa”. Không ai nghĩ đến việc điều chỉnh những quan niệm trái ngược ấy. Chúng được đưa ra lưu hành tùy theo nhu cầu của từng lúc. Chẳng ai dám phát ra một lời phê phán, cho dù thế nào.
Cương lĩnh mới của đoàn thanh niên cộng sản được báo cáo viên biện hộ như sau: “Cương lĩnh trước có một điều khẳng định sai lầm, phản lại chủ nghĩa Lênin một cách sâu sắc, cho là ‘nước Nga chỉ có thể tiến đến chủ nghĩa xã hội bằng cách mạng thế giới’. Điểm đó của cương lĩnh là hoàn toàn sai; những tư tưởng trôtkit được phản ánh trong đó”; những tư tưởng mà chính Stalin còn bảo vệ tháng tư 1924! Bây giờ cần phải giải thích làm sao một cương lĩnh do Bukharin viết năm 1921, được Bộ chính trị duyệt lại với sự cộng tác của Lênin, lại là “trôtkít” sau mười lăm năm và đòi hỏi phải xét lại theo một chiều hướng hoàn toàn ngược lại. Nhưng ở đâu có quyền lợi, ở đấy những luận điểm lôgích trở thành vô nghĩa. Đã thoát ly khỏi giai cấp vô sản nước mình, giới quan liêu không thể thừa nhận Liên xô phải tùy thuộc giai cấp vô sản thế giới.
Qui luật phát triển không đồng đều đi tới kết quả mâu thuẫn giữa kỹ thuật và quan hệ sở hữu của chế độ tư bản, gây ra sự cắt đứt giây chuyền thế giới ở điểm yếu nhất. Tư bản Nga nghèo nàn là người đầu tiên đã trả giá cho những khuyết tật của chủ nghĩa tư bản thế giới. Qui luật phát triển không đồng đều trong suốt trường kỳ lịch sử chắp nối với qui luật phát triển phối hợp. Sự sụp đổ của giai cấp tư sản ở Nga đã dẫn đến chuyên chính vô sản tức là một bước tiến nhảy vọt, đối với những nước tiên tiến, do một nước lạc hậu làm ra. Sự thiết lập những hình thái sở hữu xã hội chủ nghĩa trong một nước lạc hậu vấp phải một nền kỹ thuật và văn hóa quá yếu kém. Bản thân sinh ra từ mâu thuẫn giữa các lực lượng sản xuất thế giới phát triển cao và chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa, cách mạng Tháng mười đến lượt mình lại làm nảy sinh ra những mâu thuẫn giữa các lực lượng sản xuất quốc gia quá non yếu và chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa.
Đúng thế, sự cô lập của Liên xô chưa có ngay những hậu quả nghiêm trọng mà người ta phải lo ngại: thế giới tư bản quá rối loạn và bị tê liệt để có thể biểu lộ tất cả sức mạnh tiềm tàng của mình. Cuộc “hưu chiến” đã kéo dài hơn mọi người lạc quan mong đợi. Nhưng sự cô lập và sự bất lực không lợi dụng được những khả năng của thị trường thế giới, dù trên những cơ sở tư bản (ngoại thương sa xuống một phần tư hoặc một phần năm so với năm 1913), ngoài những chi phí to lớn về quốc phòng, lôi kéo theo một sự phân phối bất lợi nhất về lực lượng sản xuất và sự chậm trễ trong việc nâng cao đời sống quần chúng. Tuy nhiên, cái tai ách quan liêu vẫn là sản phẩm tai hại nhất của tình trạng cô lập.
Các tiêu chuẩn chính trị và pháp lý do cách mạng thiết lập, một mặt có ảnh hưởng tốt đến nền kinh tế lạc hậu, và mặt khác, lại bị tê liệt vì tác động của một môi trường lạc hậu. Liên xô càng nằm lâu trong vòng vây tư bản chủ nghĩa, sự suy thoái của các tế bào xã hội của nó càng sâu sắc. Một sự cô lập không hạn định nhất thiết dẫn đến, không phải sự thiết lập chủ nghĩa cộng sản quốc gia mà sự phục hồi chủ nghĩa tư bản.
Nếu giai cấp tư sản không chịu nhập hóa một cách hòa bình với chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng không thể nhập hóa với hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới. Sự phát triển xã hội chủ nghĩa một cách hòa bình “riêng một nước” không phải là vấn đề thời sự của lịch sử; một dãy dài những cuộc đảo lộn của thế giới đã dự báo: chiến tranh và cách mạng. Những bão táp cũng không thể tránh khỏi trong đời sống nội bộ Liên xô. Trong cuộc đấu tranh cho nền kinh tế kế hoạch hóa, tầng lớp quan liêu đã phải tước quyền sở hữu của anh kulak; trong cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, giai cấp công nhân sẽ phải tước quyền sở hữu của bọn quan liêu, trên nấm mồ của chúng, giai cấp công nhân sẽ đựng một cái bia ghi những câu: “Nơi đây yên nghỉ lý thuyết về chủ nghĩa xã hội trong riêng một nước”.