Dịch giả: Hoàng Khoa Khôi
Mục Tiêu Của Công Trình Này

Thế giới tư bản bắt đầu tảng lờ không chú ý đến những thắng lợi kinh tế của chế độ xô viết, bằng chứng thực nghiệm sức sống của các phương pháp xã hội chủ nghĩa. Trước nhịp điệu phát triển công nghiệp chưa từng có trong lịch sử, các nhà bác học kinh tế phục vụ tư bản thường cố giữ một thái độ im lặng sâu sắc hoặc chỉ nêu lên “Sự bóc lột thái quá” những người nông dân. Nhưng như thế họ lại bỏ mất một cơ hội rất tốt giải thích cho chúng ta biết tại sao sự bóc lột vô hạn độ những người nông dân ở Trung quốc, Nhật bản, Ấn độ lại không kéo theo một sự phát triển công nghiệp nhanh chóng ít nhiều giống như ở Liên xô.
Tuy nhiên các sự việc vẫn tiếp tục phát huy tác dụng. Thư viện các nước văn minh chứa đầy các tác phẩm viết về Liên xô. Điều này không lạ: những hiện tượng như thế không phải thường xảy ra. Loại văn chứa đựng một thứ hận thù mù quáng với Liên xô chiếm một vị trí ngày càng nhỏ đi; ngược lại, một phần rất lớn những tác phẩm gần đây ngày càng tỏ rõ mối thiện cảm, nếu không nói là sự thán phục Liên xô. Ta chỉ có thể càng hoan nghênh sự có nhiều những tác phẩm thân Liên xô, coi đó là dấu hiệu tiến bộ về tiếng tăm của một quốc gia mới ngoi lên. Vả lại, lý tưởng hóa Liên xô thì còn hay gấp vạn lần so với lý tưởng hóa nước Ý phát xít. Nhưng người đọc không thể tìm thấy được trong những trang sách ấy một sự đánh giá khoa học về những gì thực tế đã diễn ra trên đất nước của cách mạng Tháng mười.
Các tác phẩm của “những người bạn của Liên xô” chia làm ba loại lớn. Loại văn báo chí của những tay tài tử, loại mô tả, loại văn phóng sự “cánh tả” - ít hoặc nhiều đã viết ra số lượng lớn nhất của sách và bài báo. Bên cạnh đó, mặc dầu có ý đồ cao hơn, là những tác phẩm của “chủ nghĩa cộng sản” nhân văn trữ tình và có xu hướng hòa bình. Phần thứ ba dành cho những bản sơ đồ hóa về kinh tế, trong tinh thần Đức cổ của chủ nghĩa xã hội dạy trong các trường đại học. Lu-i Phisơ (Louis Fisher) và Đuyarăngti (Duranty) được mọi người biết là đại điện cho loại hình tác giả thứ nhất. Bacbuyt (Barbusse) và Rômanh Rôlăng (Romain Rolland) đại diện rõ nhất cho loại hình những “người bạn nhân văn”: Không phải là không có lý do, trước khi đến với Stalin, người này đã viết Cuộc Đời Chúa Kitô và người kia, một Tiểu Sử Của Găngđi (Gandhi). Cuối cùng, chủ nghĩa xã hội bảo thủ và thông thái rởm có cặp sử gia cổ điển Oep (Webb) viết không biết mỏi là những đại diện có thẩm quyền nhất.
Cái nối liền ba loại hình tác giả rất khác nhau ấy là sự tôn sùng sự việc đã rồi và thiên về những sự khái quát hóa làm yên tâm mọi người. Tất cả các tác giả ấy không có sức để vươn lên chống lại chủ nghĩa tư bản nước mình. Họ lại càng phải dựa vào một cuộc cách mạng của nước ngoài, vả chăng đã được lắng dịu. Trước cuộc cách mạng Tháng mười và nhiều năm sau đó, không một ai trong họ, không một ai là bậc tiền nhân tinh thần của họ, đã tự hỏi một cách nghiêm chỉnh chủ nghĩa xã hội có thể đến thế gian này bằng con đường nào. Họ lại càng dễ dàng nhận ra chủ nghĩa xã hội trong những gì đang diễn ra ở Liên xô, điều đó đem đến cho họ dáng dấp những con người tiến bộ đi với thời đại và một thứ sức mạnh tinh thần mà không ràng buộc họ với cái gì cả. Tác phẩm của họ, một thứ tác phẩm của trầm tư và chiêm ngưỡng, mang sắc thái lạc quan, hoàn toàn không có sức công phá, chỉ thấy được những điều phiền nhiễu ở trong quá khứ, làm yên tâm cân não người đọc đang sẵn sàng chào đón. Tự nhiên hình thành một trường phái quốc tế có thể gọi là trường phái của “Chủ nghĩa bônsêvích dùng cho giai cấp tư sản sáng suốt” hoặc trong một nghĩa hẹp hơn, trường phái của “Chủ nghĩa xã hội của những du khách cấp tiến.”
Chúng tôi không nghĩ đến việc tranh luận với những tác phẩm kiểu ấy, bởi vì chúng không tạo ra những cơ hội nghiêm chỉnh để tranh luận. Các vấn đề kết thúc ở chỗ trong thực tế nó chỉ mới bắt đầu. Mục tiêu của công trình nghiên cứu này là cung cấp một sự đánh giá đúng đắn về cái hiện có để hiểu rõ hơn cái đang làm. Chúng tôi chỉ dừng lại ở ngày đã qua trong chừng mực cần thiết để dự đoán tốt hơn về ngày sắp tới. Bản trình bày của chúng tôi sẽ mang tính chất phê bình. Kẻ nào cúi mình trước sự đã rồi, kẻ đó hoàn toàn không có năng lực để chuẩn bị cho tương lai.
Sự phát triển kinh tế và văn hóa của Liên xô đã trải qua nhiều giai đoạn nhưng chưa đạt, và còn xa mới đạt đến chỗ cân bằng nội bộ. Nếu nghĩ rằng mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là tạo ra một xã hội không giai cấp, dựa trên sự liên kết và thỏa mãn hài hòa mọi nhu cầu, trong ý nghĩa cơ bản ấy thì chưa có một tí xã hội chủ nghĩa nào ở Liên xô. Đúng là những mâu thuẫn trong xã hội xô viết, do bản chất của chúng, khác nhau về căn bản với những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản, nhưng không vì thế mà chúng kém gay gắt. Nó bộc lộ ra bằng sự bất bình đẳng vật chất và văn hóa, bằng sự đàn áp, bằng sự hình thành những nhóm chính trị, bằng sự đấu tranh giữa các phe phái trong đảng. Chế độ cảnh sát, mật vụ bóp nghẹt và làm méo mó cuộc đấu tranh chính trị nhưng không loại trừ được nó. Những tư tưởng bị ngăn cấm cứ từng bước ảnh hưởng đến đường lối chính trị của chính phủ, hoặc nó làm phong phú thêm, hoặc nó cản trở. Trong những điều kiện ấy, phân tích sự phát triển của Liên xô không thể có một lúc nào tách rời những tư tưởng và khẩu hiệu mà dưới đó đã diễn ra trong toàn quốc một cuộc đấu tranh chính trị bị bóp nghẹt nhưng rất sôi nổi. Ở đây lịch sử hòa lẫn với một nền chính trị sống động.
Những kẻ tầm thường “Cánh tả”, tư duy theo lối phải đạo, hợp truyền thống, thích nhắc nhở rằng cần phải hết sức thận trọng trong việc phê phán Liên xô để khỏi hại cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Về phía chúng tôi, chúng tôi không nghĩ rằng Nhà nước xô viết lại mong manh đến thế. Những kẻ thù của Liên xô biết về Liên xô nhiều hơn những người bạn chân chính của Liên xô là những công nhân của tất cả các nước trên thế giới. Bộ tham mưu các nước đế quốc ghi chép tường tận ưu và nhược điểm của Liên xô, và không chỉ căn cứ vào những báo cáo được công bố. Rủi ra, kẻ thù có thể lợi dụng những chỗ yếu của Nhà nước lao động, nhưng chúng không có cách nào lợi dụng được sự phê phán những khuynh hướng của Nhà nước này mà chính chúng cũng coi là những khuynh hướng tích cực.
Sự bất bình của đa số những “người bạn” công khai của Liên Xô đối với những ai phê phán Liên xô thật ra là che giấu sự băn khoăn và tính mong manh yếu ớt của tư duy của họ hơn là sự mong manh của bản thân Liên xô. Vậy thì chúng ta hãy bình thản gạt đi những lời cảnh cáo và những mối lo ngại ấy. Sự việc quyết định, chứ không phải những ảo tưởng. Chúng tôi muốn trình bày một khuôn mặt thật chứ không phải một cái mặt nạ.
 
L.T.
4 tháng tám 1936 
Tái bút: Cuốn sách viết xong và vừa gửi đến nhà xuất bản đúng vào lúc được tin vụ án “Những người khủng bố”[1] ở Matxcơva, vì thế sự việc ấy không được bình phẩm ở đây. Lại càng thấy cần thiết phải nhấn mạnh rằng công trình này giải thích một cách dự báo vụ án “Những người khủng bố” đang diễn ra và cho thấy tính thần bí của nó chỉ là một sự lừa gạt.
 
Tháng chín 1936
Chú thích:
[1] Vụ án tháng tám 1936