Dịch giả: Hoàng Khoa Khôi
PHỤ THÊM
Lá thư cuối cùng của Ađônphơ Giôphê


Chủ Nghĩa Bônapác, Khủng Hoảng Chế Độ

Ađônphơ Giôphê (Adolf Joffe) là một trong những người có năng lực nhất sống bên cạnh Lênin thời cách mạng và đã dành tất cả đời mình cho phong trào cộng sản. Anh tham gia tích cực cuộc cách mạng 1905, đầu tiên bị bắt giam, sau đó bị đem đi đày ở Xiberi và bị bắt làm lao động khổ sai. Sau cách mạng tháng mười, trong đó anh đóng một vai trò bậc nhất, Lênin chỉ định anh vào hai chức vụ ngoại giao lúc đó coi là quan trọng nhất đối với nước Nga xô viết: Bá linh - anh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Nga ở Bơret Litôp - rồi Tôkiô (Đông kinh). Anh tự sát ngày 16 tháng 11 năm 1927 bằng một phát súng lục vào thái dương. Người ta tìm thấy trên người anh lá thư sau:
Gửi Lêông Trôtki
Lêông Đaviđôvit,
Suốt đời tôi, tôi luôn luôn có ý nghĩ con người chính trị cần hiểu lúc nào là lúc phải ra đi cũng như một diễn viên rời khỏi sân khấu và thà rời sớm hơn còn hơn là muộn.
Trong hơn ba mươi năm tôi đã chấp nhận ý kiến đời người có ý nghĩa được bao nhiêu là trong chừng mực phục vụ cho một cái gì vô cùng tận. Đối với chúng ta, nhân loại là cái vô cùng tận ấy. Mọi cái khác là hữu hạn và phụng sự cho cái hữu hạn là không có nghĩa. Ngay cả nếu một ngày kia, nhân loại thừa nhận một cái ý nghĩa cao hơn bản thân mình, ý nghĩa ấy cũng chỉ trở thành hiện thực trong một tương lai xa xăm đến mức nhân loại đối với chúng ta vẫn là một cái gì hoàn toàn vô cùng tận. Nếu cũng như tôi, người ta tin vào tiến bộ, người ta có thể chấp nhận rằng khi đến giờ hành tinh của chúng ta tan biến thì nhân loại đã từ lâu tìm cách di cư trên những hành tinh trẻ hơn. Chính trong quan niệm đó mà tôi, ngày lại ngày, đặt ý nghĩa của cuộc đời. Và ngày nay, khi tôi nhìn lại quá khứ của mình, hai mươi bảy năm tôi đứng trong hàng ngũ của đảng ta, tôi nghĩ có thể nói một cách đúng đắn rằng, trong suốt cuộc đời có ý thức của tôi, tôi vẫn trung thành với triết lý đó. Tôi lúc nào cũng sống theo châm ngôn: làm việc và chiến đấu vì lợi ích của nhân loại. Vì thế tôi có quyền nói mỗi ngày của đời tôi đã có ý nghĩa.
Nhưng hình như nay đã đến lúc đời tôi mất ý nghĩa và vì thế tôi cảm thấy có bổn phận chấm dứt nó.
Từ nhiều năm, những người lãnh đạo hiện nay của đảng ta, trung thành với phương hướng của họ, không cho những người trong phái đối lập một chức vụ nào, đã không cho phép tôi có một hoạt động nào, về chính trị cũng như trong công tác xô viết, tương xứng với khả năng của tôi. Đồng chí biết đấy, đã từ một năm nay, bộ chính trị đã cấm tôi mọi công tác chính trị, vì tôi đã tham gia phái đối lập. Tình trạng sức khoẻ của tôi không ngừng tồi tệ hơn. Ngày 20 tháng 9, vì những lí do tôi không được biết, ủy ban y học của ban chấp hành trung ương đưa tôi cho các nhà chuyên môn khám bệnh. Những người này đã tuyên bố thẳng với tôi là sức khoẻ của tôi còn tệ hơn tôi tưởng và tôi không nên ở thêm một ngày nào nữa ở Matxcơva, hay một giờ nào nữa mà không điều trị, và tôi phải đi ngay ra nước ngoài, trong một nhà điều dưỡng thích đáng.
Trả lời câu hỏi của tôi: “Tôi đi chữa bệnh ở nước ngoài thì có may mắn gì hơn và tôi có thể điều trị ở nước Nga được không, mà không phải bỏ công việc của tôi,” các thầy thuốc và phụ tá, thầy thuốc đương nhiệm của ban chấp hành trung ương và giám đốc bệnh viện của Kơremlanh đồng thanh nói các viện điều dưỡng Nga tuyệt đối không thể chữa được cho tôi và tôi phải điều trị ở phương Tây. Họ còn nói thêm, nếu tôi theo lời khuyên của họ, chắc chắn tôi sẽ không làm việc được trong một thời gian dài.
Sau đó, mặc dù ủy ban y tế của ban chấp hành trung ương đã tự ý có sáng kiến khám bệnh cho tôi, ban ấy vẫn không có một cuộc vận động nào để tôi được đi ra nước ngoài hay điều trị trong nước. Trái lại, viên dược sĩ của Kơremlanh, cho đến nay vẫn cho tôi thuốc theo đơn, bị cấm không được làm việc đó nữa. Như vậy tôi bị cấm dùng những thuốc mà tôi được hưởng không mất tiền cho đến đó. Hình như việc đó ra vào lúc nhóm đang cầm quyền bắt đầu áp dụng giải pháp của họ đối với các đảng viên phái đối lập: đánh phe đối lập vào cơ thể (nguyên văn: vào bụng).
Chừng nào tôi còn tạm làm việc, cái đó không sao cả; nhưng vì sức khoẻ của tôi ngày càng tồi tệ, vợ tôi tìm đến ủy ban y học của ban chấp hành trung ương và tìm riêng bác sĩ Sêmackô (Semechko), người lúc nào cũng khẳng định trước mặt mọi người không được sao nhãng một tí gì để “cứu đội cận vệ già;” nhưng vợ tôi không nhận được câu trả lời và dù đã làm đủ mọi cách cũng chỉ mới nhận được một đoạn trích quyết định của ủy ban. Người ta liệt kê trong đó các bệnh kinh niên của tôi và người ta khẳng định trong đó tôi phải đi khoảng chừng một năm nằm ở “một viện điều dưỡng như viện của giáo sư Rietlanđơ” (Riedlander).
Đến nay đã tám ngày rồi tôi phải nằm giường hoàn toàn, bởi vì những chứng bệnh kinh niên của tôi, trong những tình huống như thế, cố nhiên chỉ nặng thêm và đặc biệt chứng tệ hại nhất trong đó, bệnh viêm nhiều dây thần kinh cố hữu của tôi, lại trở thành cấp tính, gây cho tôi những đau đớn hầu như không chịu nổi và làm cho tôi không thể bước được. Đã chín ngày tôi không có cách gì điều trị cả, và vấn đề tôi đi ra nước ngoài không thấy đặt trở lại. Không một thầy thuốc nào của ban chấp hành trung ương đến thăm tôi. Giáo sư Đaviđenkô (Davidenko) và bác sĩ Lêvin (Levine) được gọi đến đầu giường tôi kê đơn những thứ lặt vặt, rõ ràng không thể chữa được và thừa nhận không thể làm gì hơn và việc đi ra nước ngoài là cấp thiết. Bác sĩ Lêvin có nói với vợ tôi, vấn đề khó khăn thêm vì ủy ban nghĩ rằng tất nhiên vợ tôi sẽ muốn đi theo tôi “như thế sẽ tốn kém quá”. Vợ tôi trả lời rằng mặc dầu tình trạng bi thảm của tôi, vợ tôi sẽ không xin đi theo, sẽ không có vợ tôi và cũng sẽ không có ai đi theo tôi. Bác sĩ Levin nói với chúng tôi, nếu như thế công việc có thể sắp xếp được. Hôm nay ông nhắc lại các thầy thuốc không thể làm gì được, phương thuốc duy nhất còn lại cho tôi là phải đi ngay ra nước ngoài. Thế rồi chiều nay, thầy thuốc của ban chấp hành trung ương, đồng chí Pôchiomcơrin (Potiomkrine) đã thông báo cho vợ tôi quyết định của ủy ban y tế ban chấp hành trung ương nói sẽ không gửi tôi ra nước ngoài mà sẽ chữa bệnh cho tôi ở nước Nga. Lý do là các nhà chuyên môn dự đoán phải một thời kỳ điều trị dài ở nước ngoài, còn ngắn hạn thì vô ích, ban chấp hành trung ương chỉ có thể cấp cho tôi 1000 đôla để tôi điều trị và không thể cho hơn.
Cách đây ít lâu, khi tôi ở nước ngoài, người ta đã đề nghị tôi 20000 đôla để in các hồi ký của tôi; nhưng những hồi ký này phải qua sự kiểm duyệt của bộ chính trị và tôi biết ở đất nước chúng ta, người ta giả mạo, xuyên tạc biết bao nhiêu lịch sử đảng và cách mạng; tôi không muốn tiếp tay cho một sự giả mạo như thế. Tất cả công việc kiểm duyệt của bộ chính trị chỉ là cấm tôi đánh giá trung thực những nhân vật và hành động của họ - những người lãnh đạo chân chính của cách mạng cũng như những kẻ khoe khoang là đã làm những việc đó. Vậy ngày nay tôi không còn khả năng nào để chữa bệnh, ngoài tiền của ban chấp hành trung ương cấp cho và ban chấp hành thì sau hai mươi bảy năm công tác cách mạng của tôi, không thể đánh giá đời tôi và sức khoẻ của tôi cao hơn 1000 đô la. Cho nên, như tôi đã nói, đã đến lúc phải chấm dứt đời tôi. Tôi biết rằng ý kiến chung của đảng không chấp nhận việc tự sát; nhưng tôi tin không một ai hiểu tình thế của tôi lại có thể buộc tội tôi. Nếu tôi mạnh khoẻ, tôi sẽ đủ sức khoẻ và nghị lực chiến đấu chống lại tình hình hiện có trong đảng; nhưng trong trường hợp của tôi, tôi không thể chịu đựng nổi một tình trạng đã rồi; đảng chấp nhận trong im lặng việc khai trừ đồng chí, cho dù tôi tin tưởng sâu sắc rằng sớm hoặc muộn, sẽ nổ ra một cuộc khủng hoảng buộc đảng phải tống khứ những tên đã nhúng vào một việc bỉ ổi như thế này.
Với ý nghĩa ấy, cái chết của tôi là một lời phản kháng những kẻ đã đưa đảng đi xa đến nỗi không còn sức để phản ứng một điều nhục nhã như thế.
Nếu tôi được phép so sánh một việc lớn với một việc nhỏ, tôi sẽ nói rằng sự kiện lịch sử quan trọng bậc nhất, là việc khai trừ đồng chí và đồng chí Dinôviep, một sự khai trừ không tránh khỏi mở ra một giai đoạn tecmido trong cuộc cách mạng của chúng ta, và sau hai mươi bảy năm hoạt động ở những cương vị quan trọng, tôi không còn việc nào khác để làm, ngoài việc cho một phát súng vào đầu, hai việc ấy minh họa cho cùng một ý nghĩa: chế độ hiện hành của đảng ta. Và cả hai sự kiện ấy, nhỏ và lớn, đều đẩy đảng vào con đường tecmido.
Lêông Đaviđôvit thân mến, chúng ta đã từng đoàn kết với nhau trong mười năm hoạt động chung, và tôi tin ở sợi dây ràng buộc tình bạn giữa chúng ta; và điều đó cho phép tôi, giữa lúc phân ly, nói với đồng chí những điều nhược điểm tôi nhận thấy ở nơi đồng chí.
Tôi không bao giờ nghi ngờ con đường đúng đắn mà đồng chí đang đi và đồng chí biết đấy, đã hơn hai mươi năm, tôi lúc nào cũng đứng về phía đồng chí, kể cả trong vấn đề “cách mạng thường trực.” Nhưng hình như lúc nào tôi cũng thấy đồng chí thiếu cái cứng rắn, cái không nhân nhượng mà Lênin đã chứng tỏ, cái bản lĩnh có thể đứng một mình khi cần thiết và tiếp tục trong cùng hướng đó, bởi vì Lênin tin chắc vào một đa số trong tương lai, một sự thừa nhận trong tương lai tính đúng đắn của những quan điểm của mình. Từ 1905 đồng chí lúc nào cũng đúng về chính trị và cả Lênin cũng nhìn nhận điều đó; tôi thường hay kể với đồng chí chính tôi nghe Lênin nói: năm 1905, chính đồng chí chứ không phải Lênin đúng. Trước giờ chết, người ta không nói dối và hôm nay tôi nhắc lại điều đó.
Nhưng đồng chí thường hay rời khỏi một chỗ đứng đúng để nhằm vào một sự nhất trí của đảng, một sự thỏa hiệp mà đồng chí đánh giá quá cao. Đó là một sai lầm. Tôi xin nhắc lại: Về chính trị, trước đây lúc nào đồng chí cũng đúng và bây giờ đồng chí lại đúng hơn bao giờ hết. Một ngày kia đảng sẽ hiểu ra và lịch sử buộc sẽ phải thừa nhận.
Vậy đồng chí đừng băn khoăn nếu có người bỏ đồng chí mà đi và nhất là nếu đa số không đến với đồng chí nhanh như chúng ta mong muốn. Đồng chí đúng, nhưng thắng lợi chỉ chắc chắn ở chỗ kiên quyết không nhân nhượng, cự tuyệt mọi thỏa hiệp, cũng như bí quyết của những thắng lợi của Vladimia Zlich (Lênin N. D.).
Tôi thường muốn nói những điều trên đây với đồng chí nhưng tôi chỉ quyết định nói ra vào lúc tôi gửi đồng chí lời chào vĩnh biệt.
Tôi chúc đồng chí sức mạnh và can đảm, như đồng chí vẫn thường tỏ ra như thế, và một thắng lợi nhanh chóng. Tôi ôm hôn đồng chí. Vĩnh biệt.
A. Giơphê
T.B. Tôi viết lá thư này trong đêm 15 rạng ngày 16 và hôm nay 16 tháng mười một. Maria Mikhailôpna (Maria Mikhailovna) đã đến ủy ban y tế để xin người ta đưa tôi ra nước ngoài, dù chỉ một tháng hoặc hai. Người ta đã bảo vợ tôi rằng, theo ý kiến các nhà chuyên môn, một sự điều trị ngắn ngày ở nước ngoài là hoàn toàn vô ích; và người ta bảo vợ tôi ủy ban đã quyết định chuyển tôi ngay sang bệnh viện điện Kơremlanh. Như vậy họ đã từ chối cả một chuyến đi ngắn ra nước ngoài cho sức khoẻ tôi khá hơn, trong khi tất cả các thầy thuốc đều đồng ý rằng việc điều trị ở Nga là vô ích.
Vĩnh biệt, Lêông Đaviđôvich thân mến, hãy giữ gìn sức khoẻ, phải cứ như thế, phải kiên trì, và đừng giữ một hiềm khích nào với tôi.
Chú thích:
[1] xem The Decay of Capitalist Civilization, 1923. (Sự Suy Tàn của Văn Minh Tư Bản)