Chương 11


Chương 43

Tháng 9-1958 một hỏa tiễn của Mỹ bắn đi từ Đài Loan rớt xuống TQ không phát nổ. Khrusev yêu cầu TQ cho người Nga khám xét hỏa tiễn này. TQ trả lời là họ không tìm được nó. Khrusev đe doạ sẽ ngưng công trình làm hoả tiễn R-12, chiếc hoả tiễn được tìm thấy ngay, thế nhưng hệ thống hướng dẫn hoả tiễn bay đã bị tháo mất. Đánh giá là TQ chỉ muốn lợi dụng Liên xô giúp họ chế vũ khí nặng để thống trị thế giới, đích thân Khrusev ra lệnh làm chậm lại tiến trình chế bom nguyên tử, và ngày 20-6-1959 thì ngừng hẳn. (Nhưng khi đó TQ đã học và có được phần cơ bản của bom).
Tháng 9 năm đó Khrusev qua thăm Mỹ. Khrusev đánh giá là có thể chung sống hoà bình với phương tây. Mao lại đánh giá sách lược mới của Liên xô sẽ là một cơ hội cho TQ lãnh đạo khối Cộng sản, thay Liên xô, trong 8 năm. Ông ban lệnh tiếp tục vắt sữa Liên xô mà đừng cho họ biết ý đồ của mình, trong khi đó phải tuyên truyền chủ nghĩa Mao-ít làm khuôn mẫu cho các quốc gia khác.
Để truyền bá chủ nghĩa Mao-ít Mao phải bưng bít sự thật là dân TQ đang chết đói. Chỉ có cán bộ ngoại giao TQ mới được xuất ngoại. Khi được hỏi bởi lãnh tụ cánh tả Pháp Francois Mitterand (sau này thành tổng thống Pháp) là ở TQ có nạn đói không. Mao lạnh lùng trả lời: "Tôi lập lại một lần nữa, hãy nghe cho rõ: TQ không có nạn đói". Mitterand tin thật. Ngay cả Pierre Trudeau (sau này là thủ tướng Canada) cũng tin thật. Bản báo cáo của CIA Mỹ cũng viết là "có một sự tăng triển rất đáng chú ý về hàng sản xuất của TQ). Con bài Edgar Snow (cùng với hai văn sĩ khác là Han Suyin và Felix Greene) cũng được sử dụng lại để đánh bóng chế độ.
Đối ngoại, Mao không ngần ngại sử dụng tiền bạc để mua chuộc các chính quyền cộng sản khác (như Cuba và Albania), cũng như để giúp thành lập các phong trào cộng sản theo Mao ở các quốc gia khác. Sau này một cán bộ tình báo CIA của Mỹ tiết lộ là ông ta khám phá ra một cách rất dễ dàng để xâm nhập TQ là chỉ cần thành lập một đảng Mao-ít, thì ngay lập tức sẽ nhận được viện trợ của Mao và sẽ được mời đi thăm TQ.
Một cuộc hội nghị thượng đỉnh 4 nưóc Mỹ, Anh, Pháp và Nga được triệu tập, dự trù tổ chức tại Paris ngày 16-5-1960. Mao không được mời. Mao tố cáo Liên xô đi theo chủ nghĩa xét lại. (Thế nhưng chỉ hai tuần trước ngày hội nghị, một chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ bị bắn rơi ở Nga. Khi Tổng thống Mỹ Eisenhower từ chối xin lỗi, Khrusev tuyên bố không đi dự hội nghị và vì thế hội nghị tan vỡ). Đối lại, Khrusev huỷ bỏ đồng loạt một số công trình lớn Liên xô đang xây dựng cho TQ, mà Mao sau này đổ thừa là làm tê liệt nền kinh tế của TQ khiến gây ra nạn đói ở TQ.
Tháng 10-1962 Khrusev bí mật gài hoả tiễn có gắn đầu đạn nguyên tử ở Cuba. Khi đó Mao đang chuẩn bị một cuộc chiến tranh biên giới với Ấn độ nên cả hai lại quay ra ủng hộ nhau. Ngày 20-10 Mao hạ lệnh tấn công. Quân đội TQ tiến sâu vào lãnh thổ Ấn tới 150 cây số, và sau khi chứng tỏ sức mạnh quân sự của mình hơn Ấn độ, Mao cho triệt thoái quân về. Ngày 22-10 Tổng thống Mỹ Kennedy công bố tối hậu thư đòi Khrusev rút hoả tiễn về và hạ lệnh phong toả bờ biển Cuba. Cả thế giới hồi hộp theo dõi hai cường quốc nguyên tử. Ngày 28-10 Khrusev ban lệnh rút hoả tiễn về sau khi Kennedy đồng ý không xâm lăng Cuba. Tháng 7-1963 Khrusev ký hiệp ước chống thử bom nguyên tử với Anh và Mỹ, nới rộng thêm sự rạn nứt giữa hai quốc gia cộng sản. Mao gia tăng cuộc khẩu chiến: ông mạnh miệng tố cáo Khrusev là "đồ xét lại".