Chương 11


Chương 3

Ngay sau khi thành lập ĐCSTQ, Liên Xô đã bí mật xây dựng một trại huấn luyện lính Trung quốc ở Siberia. Liên Xô cũng bí mật thành lập một tổ chức tình báo với rất nhiều nhân viên của họ, theo kiểu KGB (Komitet Gosudarstvennoi Bezopasnosti) và GRU (Glavnoye Razvedovatelnoye Upravlenie, Main Intelligence Directorate), ở Quảng đông, Thượng Hải và Bắc Kinh. Ngày 3-6-1921, hai nhân viên tình báo thuộc Ban Viễn Đông của Cộng sản Quốc tế đệ tam, Nikolsky và Maring, tới Thượng Hải yêu cầu ĐCSTQ tổ chức đại hội đảng lần thứ nhất. Khi đó ĐCSTQ đã thành lập được 7 cơ sở, mỗi cơ sở được gửi hai đại biểu tham dự đại hội, và được cung cấp 200 quan chi phí di chuyển. Số tiền 200 quan thời đó là rất lớn, bằng hai năm lương của Mao. Đại diện Trường Sa là Mao Trạch đông và một người bạn thân của ông tên Ho Shu-heng. Đây là bằng cớ đầu tiên Mao nhận tiền của Liên Xô. Đại hội ĐCSTQ lần đầu này chỉ có 13 đại biểu, đại diện cho 57 đảng viên, gồm toàn ký giả, sinh viên và thầy giáo. Không có ai là công nhân. Ở đại hội này Mao hoàn toàn chìm lỉm, hầu như ông không có phát biểu gì. Khi đại hội chấm dứt, mỗi đại biểu được phát 50 quan nữa để đi về và Mao đã dùng số tiền này để đi thăm cảnh ở Hàng châu và người bạn gái Si-Yung ở Nam kinh, dù lúc đó Mao vừa lấy người vợ thứ hai.
Người vợ thứ hai này tên là Dương Khai Tuệ, con gái của một người thầy cũ của Mao. Dựa vào những bài thơ Mao viết khi tán tỉnh Dương Khai Tuệ, ta có thể đoán biết là Mao thật lòng yêu Dương Khai Tuệ dù rằng tình yêu này chắc hẳn đã kết thúc sau ngày cưới. Dương Khai Tuệ để lại một cuốn nhật ký trong đó bà bày tỏ tình yêu với Mao một cách sâu sắc. Bà có 3 con với Mao. Sau khi bị Mao bỏ rơi bà bị quân Tưởng bắt, và được đề nghị nếu chấp thuận công khai tuyên bố ly dị Mao thì sẽ được tha bằng không thì sẽ bị xử tử. Bà từ chối và bị xử tử ngày 14-11-1930 cùng với đứa con lớn, lúc đó mới 8 tuổi. Cũng cần biết là dù yêu Mao sâu sắc, Dương Khai Tuệ lại rất khinh bỉ CNCS.
Sau đại hội, Mao được trả lương 60 quan một tháng, và sau này tăng lên đến 100 rồi có lúc lên tới 170 quan. Việc nhận tiền Liên Xô đã làm nhiều đảng viên bức xức, nhưng Mao thì không. Trong một lá thư gửi cho bạn, ông viết-1920, khi đang làm hiệu trưởng một trường tiểu học: "Đời sống thật là thê thảm. Mỗi ngày tôi phải liên tục làm việc từ ba tới bốn tiếng không được nghỉ", và sau khi đi dự hội nghị về ông viết: "Bây giờ tôi sống rất hạnh phúc. Thời gian trong ngày tôi chỉ dùng để ăn và chăm sóc sức khoẻ. Thiệt đã".
Tháng 1-1923 với ý đồ xâm nhập Quốc dân đảng TQ Liên Xô ra lịnh cho tất cả đảng viên ĐCSTQ phải gia nhập Quốc dân đảng. Rất nhiều đảng viên ĐCSTQ chống lại lịnh này, nhưng Mao thì tóm ngay lấy cơ hội này mà gia nhập Quốc dân đảng. Mao thủ đắc hai điều lợi: phía Liên Xô thì coi Mao là kẻ biết vâng lời, do đó đã thăng chức cho Mao làm phụ tá cho Tổng bí thư đảng lúc ấy là giáo sư Trần Độc Tú; Phía Quốc dân đảng thì cũng bổ nhiệm Mao vào 1 trong 16 người dự khuyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc dân đảng. Chỉ trong vòng một năm cái đảng cộng sản TQ nhỏ xíu đã giành được những vị trí béo bở trong Quốc dân đảng, thế nhưng sự tận tụy của Mao với Quốc dân đảng đã có phản ứng ngược: Mao bị tố cáo là "cơ hội" và "hữu khuynh", vì thế Mao bị thanh trừng khỏi Uỷ ban Trung ương ĐCSTQ, và cũng không được mời tham dự hội nghị đảng vào năm sau, 1925.