Chương 11


Chương 30

Trong khi Tưởng nhu nhược không dám có những quyết định tàn nhẫn, thì Mao lại hoàn toàn khác. Năm 1948 khi Mao tấn chiếm Mãn Châu, Mao đụng độ với tướng Cheng Tung-kuo ở Trường xuân. Cheng nhất định không đầu hàng, dù bị vây hãm tứ phía. Mao ra lệnh không cho một người dân thường nào được thoát, "hãy biến Trường xuân thành một thành phố chết". Lâm Bưu báo cáo như sau: "Hàng ngàn dân chúng vì quá đói phải bỏ thành chạy trốn, họ quỳ mọp xuống van khóc, xin chúng tôi tha cho đi. Nhưng quân sĩ đánh đập, bắt họ quay về thành, kẻ nào không chịu thì bị trói và đốt chết". Sau năm tháng bao vây, con số người chết lên tới 300 ngàn.
Thế nhưng khi những sự tàn khốc do Mao thực hiện được kể lại thì người nghe đều cho đây là sự tuyên truyền dối trá của Quốc dân đảng. Càng chán ghét Quốc dân đảng bao nhiêu, người ta lại càng kỳ vọng Mao sẽ đem đến cho họ một đời sống tốt đẹp hơn.
Ngày 20-4-1949 quân đội Mao qua sông Dương tử tiến vào Nam kinh. Ngày 23 Tưởng bay đi Xi kou thăm mộ mẹ, và sau đó lên tàu đi Thượng Hải, rồi Đài Loan. Tưởng đem theo hầu hết máy bay dân sự, rất nhiều mỹ thuật cổ và một số linh kiện điện tử, nhưng đã để lại hầu như trọn vẹn mọi nhà máy, không phá huỷ, cho Mao.
Ngày 1-10-1949 Mao đứng trên cổng Thiên An môn tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa. Đám đông cả trăm ngàn người hô lớn: "Mao chủ tịch muôn năm".
Điều không ai biết là Mao cần tới gần 6 tháng để chuẩn bị an ninh tối đa cho mình trong ngày tuyên bố thành lập nước. Trong thời gian này vợ Lạc Phủ có tới thăm Giang Thanh và hỏi thăm sức khoẻ Mao, bà này cho biết Mao thường hay run khi gặp kẻ lạ. Mao sợ bị ám sát. Bất cứ chỗ nào Mao muốn tới đều phải có chuyên viên Liên xô tới dò mìn trước, đó là chưa kể hàng ngàn lính TQ được đưa tới đi qua đi lại, vai sát vai: họ được sử dụng làm máy dò mìn "nhân tạo".