Gặp lại con dế ấy

Ngày cuối cùng đài truyền hình phát sóng thử nghiệm cũng là ngày đầu tiên của mùa dế năm nay. Cái phòng thu mới cất giữa đồng, chưa xây hàng rào, chưa gắn máy lạnh, không cần mời cũng đón tiếp một chú dế. Nếu là dế cơm, dế mọi, dế nhủi thì chẳng có chuyện gì, đây lại là chú dế đá thứ thiệt, có tiếng gáy vang như một thứ nhạc cụ điện tử. Và vì vậy, cứ hứng lên là anh chàng tự ý ghi âm vào chương trình, không đếm xỉa gì tới cây đũa của người nhạc trưởng. Và tất nhiên, trong bản tổng phổ làm gì có tiếng dế gáy. Cả buổi thu không xong một bài. Cả buổi không ai tìm ra chỗ núp của chú dế. Cứ im tiếng nhạc là tiếng gáy cũng im, không biết đâu mà lần. Tình hình bế tắc tới mức, ba phải đem chuyện ấy về nhà than thở trong bữa cơm chiều.
Tối nay ba cho con theo, con bắt dế cho.
ừ nhỉ. Có vậy mà không nghĩ ra, con thiếu gì dế gáy, cứ đem vào phòng thu mà dụ cái con mất trật tự ấy rồi "tiêu diệt gọn" chứ gì.
Nói đoạn, ba đứng ngay dậy, chạy lại cái kệ nơi tôi xếp những lồng nhỏ xíu, nhốt đội dế đá của mình. Con dế nhất đội trưởng, phải đổi bằng mười hòn bi ve. Một con dế đẹp tới mức có tay bán dế chuyên nghiệp ngoài chợ dế gạ mua lại mà không được. Ba cúi nhìn con dế như nhìn một vị cứu tinh.
Làm như ba tính, không được. Dế trống chỉ gáy kêu dế mái thôi. Hai con dế trống không gọi nhau ra đá. Nhưng con có cách!
Tôi nghĩ, vào đây hẳn phải là con dế mê âm nhạc mà chú Pau-tốp-ki đã nhìn thấy trong kẽ nứt cái lò sưởi lát gạch men của một nhạc sĩ thiên tài bên xứ tuyết ngay bờ biển Bắc. Chuyện này, suốt ba tháng hè ba đã đọc cho tối viết chính tả, viết bằng hết, viết đi viết lại, chẳng còn gì lạ. Lạ là nó đi cách nào từ đấy sang đây? Mà sang để chi? Nếu tính thi giọng gáy thì phải sang nước ý mới phải chứ. ở đó hàng năm người ta vẫn tổ chức những kỳ thi quốc gia lựa con dế gáy con hay nhất. Hay ông nhạc sĩ đã chết, cái lò sưởi lạnh lẽo tới không chịu nổi và con dế phải qua xứ nắng quê mình để sưởi? Nhưng nếu đúng là con dế ấy thì cứ đứng rình bên dàn đèn, say nhạc thế nào nó cũng ra.
Mọi dự diễn tiến y như dự đoán. Sau khi vang lên tiếng sáo lảnh lót, tiếng vi-ô-lông nỉ non, tiếng ghi ta kể lể thì từ một ống tuýp gắn trong dàn đèn nặng hàng tấn, con dế ca sĩ bò ra, không thèm để ý tới bàn tay tôi đã đưa lên, nó nhe nanh, rung đôi cánh mun, làm một hơi dài những tiếng tờ rích... tờ rích...
Tôi chụp tay xuống kể cũng hơi mạnh. Nhưng biết làm sao! Cho tới khi hai đỉnh sọ màu cánh dán của con dế đã khuất trong cái vỏ hộp quẹt, nó vẫn hát. Điều này khiến cho tất cả các nhạc công khoái chí, chơi tùy hứng thêm một phút nữa cho dù chú nhạc trưởng đã thở phào rất to, vứt cây đũa chỉ huy xuống giá nhạc.
Tôi đã thả con dế ca sĩ vào vườn nhà ngoại. Tối nào ngoại cũng đờn cò, mà ngoài vườn không có kỉ luật phòng thu, dế thả sức hòa giọng. Kể từ bữa có con dế, tối nào ngoại cũng cò cử một bài hát xưa cũ theo điệu xẩm công xang sừ xang cống hò, có con là con dế mèn...