Bắt trộm

Tôi về quê ngoại nghỉ hè, bao giờ cũng trúng vào mùa vớt cá lia thia. Khi ấy, lúa hè thu đã cắt về nhà, người lớn dành nguyên cánh đồng mênh mông nằm đón mưa xuống, nổi nước để con nít theo bọt trắng vớt cá về nuôi làm cá kiểng, cá chọi.
Vớt cá lia thia dễ lắm, cứ cầm cái rổ xinh xinh xúc ngang xúc dọc các dấu chân trâu ngập nước. Gặp vũng trâu đầu thì hè nhau tát cho tới khi cá búng lách tách trên sình. Những con trống rực rỡ, đuôi với vi dài như những lá cờ phước nhuộm năm bảy màu. Cá mái thì không đẹp bằng, lại không biết đá nhưng tôi cũng bắt về nuôi, không biết đá thì làm việc khác.
Hết hè, về Sa Đéc nhập học tôi lựa một cặp cá đẹp nhất mang theo, thấy vậy má nói:
ở dưới ấy chỉ có hai cha con, ba nuôi con đã vất vả, hơi sức đâu nuôi cá!
Tự con nuôi! Cá ăn trùng chỉ, trứng nước, loăng quăng vớt dưới cống chứ có ăn cơm đâu mà phiền tới ba. Với lại con đã hứa mang cá lia thia về làm quà cho các bạn lớp con.
Có hai con thế kia, ai cho ai đừng?
Hai con nhưng có trống có mái má ơi, cá của con đẻ cả bầy cho má coi.
A! thôi thì tùy, muốn làm bà mụ cá thì làm!
Má không cản nữa, thế là trong căn phòng của tôi dưới Sa Đéc có thêm một cái lu, như cái giếng nổi bên kệ sách để nuôi cá đẻ. Ba chẳng để tôi vất vả một mình vì ba cũng muốn được xem cá đẻ. Cứ ngơi tay bút là ba lại tới mở lu thăm xem cá đẻ chưa. Rất tiếc, đến hôm cả đẻ ba lại mắc lên lớp dạy học, không được ở nhà, tôi đành phải làm một bài văn miệng, kể ba nghe:
Cá lia thia đẻ như múa. Múa đôi quấn lấy nhau. Cá mái tới đâu là cá trống theo tới đó, phun bọt để kịp đỡ trứng cá mái đẻ ra, khẽ đặt vào cái lá rong đuôi chó. Con nào cũng phùng mang. Chắc là đau lắm nhưng không thấy kêu ầm ĩ như gà cục tác. Cá đẻ nhiều trứng lắm ba ơi, trứng mà nở hết, cả lớp con nuôi mệt nghỉ.
Cỡ một tuần thì cá nở. Cá mới nở nhỏ li ti, phải đứng bên nhau từng đám mới làm thành một vệt mờ mờ trong nước. Cá lớn nhanh lắm. Khi cá đã thành hình cá, đã phân biệt được trống mái, tôi lựa những con to khỏe nhất, nhốt riêng từng con vào các keo thủy tinh đựng chao. Thứ keo ấy thì nhà tôi nhiều lắm, nhiều đến độ những keo nuôi cá phải xếp xuống gầm giường mới đủ chổ.
Bữa nào đi học về tôi cũng vào ngay gầm giường thăm nuôi. Cho tới ngày cá đã lớn gần thành cá đá, sắp đem cho được thì xảy ra chuyện mất trộm. Bữa thì một, bữa cả hai con không cánh mà bay. Tức thật, muốn thì xin chứ sao lại ăn trộm. Tôi quyết vạch mặt kẻ xấu chơi.
Sáng thứ năm nghỉ học, tôi khép hờ cửa, nằm trong nhà phục kích. Chẳng mấy chốc, tên trộm không biết từ lối nào xuất hiện ngay trước mắt tôi. Hắn bò đến dãy keo nuôi cá, ghé mắt vào miệng keo nhìn ngó rồi thò đuôi vào ngoáy ngoáy. Vâng, thò đuôi vì đó là một con thằn lằn. Chú cá non nớt tưởng khúc đuôi là một con trùng béo mập liền dớp lấy, cắn chặt, thế là con thằn lằn kẻ trộm giật phắt cái đuôi như giật cần câu, ném con cá xuống đất, chạy xô lại định ăn sống nuốt tươi. Đúng lúc ấy tôi lao tới, đầu đụng giát giường cái rầm nhưng tay vẫn kịp chụp xuống. Tiếc quá! Chỉ chụp được cái đuôi tang vật, còn têm kẻ trộm phóng như bay lên trần nhà.
Từ đó, những cái keo nuôi cá được đậy kín. Cả câu chuyện về cuộc điều tra dưới gầm giường kia cũng được giữ kín, kín bưng từ khúc đầu cho tới khúc cuối đứt đuôi con thằn lằn