Dịch giả Duyên Hồng
Phần 22

16. Nam nữ yêu nhau và...
Trong một vùng nông thôn lạc hậu, vị bác sĩ đang hết sức giảng giải cho một cặp vợ chồng đã có năm mặt con phải làm như thế nào để tránh thai. Ông lấy chiếc bao tránh thai chụp vào ngón tay cái của mình để làm mẫu và căn dặn họ về sau khi giao hợp thì dùng cái bao tránh thai này, sẽ an toàn. Một năm sau, đứa con thứ sáu của cặp vợ chồng nọ ra đời. Vị bác sĩ đến thăm họ và trách họ vì sao không dùng phương pháp tránh thai. Hai vợ chồng phân bua với bác sĩ: "Chúng tôi cũng làm theo lời chỉ dạy của bác sĩ đấy thôi, lúc đầu chúng tôi cũng chụp nó lên ngón tay cái như vậy, sau đó tôi mới bảo vợ tôi mang thêm một chiếc nữa để kết quả càng thêm được mỹ mãn, nhưng chẳng thấy tác dụng gì cả". Không biết đó là do báo tránh thai hay là do...
Bạn biết nguồn gốc của bao tránh thai không? Có phải bao tránh thai là vạn năng không? Bạn đã biết sử dụng bao tránh thai chưa? Nào, bây giờ chúng ta cùng nhau tìm hiểu vấn đề này nhé.
Nguồn gốc của bao tránh thai
Về nguồn gốc của bao tránh thai, có rất nhiều cách nói khác nhau. Thời Ai Cập cổ đại cũng đã có bút tích liên quan đến nó. Thời đế quốc La Mã, người ta dùng bàng quang của động vật để làm bao tránh thai, ở Trung Quốc và Nhật Bản thì dùng lụa phết dầu để làm bao tránh thai. Một trong những điển tích thú vị nhất là vào thế kỷ 17, hoàng đế Charles Đệ Nhị vốn có rất nhiều cuộc phiêu lưu tình ái, kết quả là ông ta có rất nhiều con và thường có những chàng trai lạ mặt tìm đến để nhận cha. Điều này làm cho hoàng thất vô cùng lo lắng. Để ngăn chặn tình hình con riêng của ông ta ngày một gia tăng, ngự y của ông ta là Condom đã phát minh ra một dụng cụ ngăn chặn tinh trùng nhưng không làm giảm nỗi đam mê của hoàng đế. Condom
phát hiện ra, ruột thừa của động vật ăn cỏ vừa dài lại vừa lớn, nó có khả năng chứa đựng được dương vật của người nam. Thế là ông ta lấy khúc ruột thừa của con dê, cắt thành một đoạn thích hợp rồi đem phơi khô, sau đó xử lí lại bằng dầu và các chất liệu khác làm cho nó có tính đàn hồi, miệng bao còn có dây thắt để đề phòng tinh trùng chảy ra ngoài. Loại bao này đem lại kết quả khả quan, giới vương tôn quí tộc tranh nhau mua về dùng, nhưng giá thành của sản phẩm này rất cao (cứ làm một bao thì phải "hy sinh" một con dê), không phải người dân nào cũng chịu nổi. Mãi cho đến khi công nghệ chế tạo cao su ra đời, người dân bình thường mới có cơ hội sử dụng bao
tránh thai. Ông Condom cũng nhờ phát minh này mà được phong tước. Trong từ vựng tiếng Anh, người ta đã lấy tên ông để đặt tên cho bao cao su.
Người Anh ưa dí dỏm, cố ý gọi bao cao su là "French Letter" vì vỏ của nó gần giống như phong bì của Pháp. Người Pháp cũng không chịu thua, cố ý gọi bao cao su là "Capote Anglaise", tức là "khăn trùm đầu của người Anh". Ở Nhật, ngay từ thời Đức Xuyên đã có bao cao su, người thời đó gọi là "bao căn" ('căn' có nghĩa là dương vật). Đến đời Minh Trị, nó được gọi là "kê đại". Sau khi từ vựng nước ngoài xâm nhập vào Nhật, Sac là danh từ thường dùng để
chỉ bao tránh thai. Bao tránh thai được đưa vào Trung Quốc năm nào thì không có tài liệu nào ghi lại, nhưng có lẽ là những năm các giáo sĩ phương Tây vào Trung Quốc. Ở Đài Loan hiện nay, người ta gọi nó là 'áo mưa' hay 'áo đi đêm'.
Bao tránh thai - muôn hình vạn trạng
Trong những thời kỳ đầu, do kỹ thuật chưa cao, bao tránh thai hơi dầy, gây ngứa. Có một số tu sĩ và giáo phái phản đối nam giới sử dụng bao tránh thai, cho nên bao tránh thai còn chưa được sử dụng rộng rãi lắm. Nhưng khi những bao tránh thai siêu mỏng ra đời, nó đã trở thành dụng cụ ngừa thai được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Để thích ứng với tâm lí và thị hiếu của người tiêu dùng, các loại bao tránh thai được sản xuất ồ ạt với đủ loại màu sắc, mùi vị, hình dạng... từ kiểu dáng trơn đơn giản đến các kiểu hoa văn trên bề mặt, có mùi vị như mùi dâu, bạc hà, quít, táo... Trước ngày lễ Tình Yêu, bao tránh thai hòa tan được làm bằng kẹo là mặt hàng bán khá chạy.
Bao tránh thai dùng cho nữ được chế tạo năm 1988, bề ngoài thì cũng giống như bao tránh thai nam cỡ lớn; trước khi giao hợp, nó được đưa vào trong âm đạo. Tại Thuỵ Sĩ, tỷ lệ nữ giới sử dụng bao tránh thai cao hơn nam giới. Những bao tránh thai siêu mỏng có độ dày 0,05 mm, thuộc loại sử dụng một lần. Tuy nhiên, ở những vùng lạc hậu thì nó có thể được sử dụng lại, thậm chí được đem đi bán dưới dạng second-hand.
Bao tránh thai cũng được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia, khi xuất xưởng cũng được kiểm tra bằng những hình thức như thông điện, thông khí, thông nước. Nếu như chúng ta chỉ kiểm tra bằng mắt thường thì không thể phát hiện những lỗ thủng trên màng bao.