PHỤ LỤC

- Phận mệnh sách vở viết về nhà Tây Sơn. (Quách Tấn)
- Ảnh hưởng Tây Sơn trong gia đình họ Quách. (Quách Tấn)
- Trích thư Nguyễn Hiến Lê về Nhà Tây Sơn.
- Cảm tưởng sau khi đọc Nhà Tây Sơn. (Nguyễn Ðồng)
- Trích thư của Giản Chi về Nhà Tây Sơn.
- Trích thư của Quách Tạo về Nhà Tây Sơn.

PHẬN MỆNH SÁCH VỞ

VIẾT VỀ NHÀ TÂY SƠN
Bà thân tôi thuộc sử Tây Sơn như các nhà Nho thuộc sử Hán, Ðường. Ðó là nhờ trong Từ đường họ Quách có hai bộ sử chép tay về nhà Tây Sơn, Tây Sơn Dã sử và Tây Sơn Liệt truyện.
Hai bộ sách này là sách cấm. Lúc ông nội tôi còn sống thì ông giữ. Trừ ông thân bà thân và các bác tôi ra, không ai được mượn đọc. Ông nội tôi qua đời, sách vở đều dồn về Từ đường. Hai bộ sử ấy cũng được ông bác ở Từ đường là bác Quách Lý Ðạo cất giấu cẩn thận.
Khoảng đầu thập niên 1920, sợ sách để lâu ngày bị mối mọt, bác tôi đem tất cả sách treo trên các giá trong nhà lẫm ra phơi. Tình cờ một ông khách đến chơi. Ông khách là người quen tên Mạc Viên tục gọi là Xã Suyền ở thôn Kiên Mỹ. Từ đường họ Quách ở Thuận Nghĩa nằm về phía đông Kiên Mỹ, cho nên Xã Suyền cùng bác tôi thường qua lại với nhau. Thấy bác tôi đương trở sách, Xã Suyền bèn giúp tay. Trông thấy hai bộ sử Tây Sơn, Xã Suyền hỏi mượn. Bác tôi tìm lời thoái thác. Xã Suyền giận dữ nói:
- Ðồ hung của dữ đó quý báu gì mà làm bộ! Ðoạn bỏ ra về.
Mấy hôm sau viên tri huyện Bình Khê là Hoàng Yến cỡi ngựa xuống Từ đường họ Quách, 1 tên lính đánh trống cán đi trước, 1 tên lính nữa cầm hèo tua theo sau. Không biết việc gì mà quan đến nhà, bác tôi hết sức lo sợ. Quan vào nhà, đãi trà không uống, đãi rượu không uống, nghiêm nghị nói:
- Nhà ông có hai bộ sử Tây Sơn, tôi muốn mượn xem ít hôm có được chăng? Bác tôi rụng rời chân tay! Ðứng sững không mở miệng được! Quan thét:
- Sao không đáp? Vào lấy ra đây. Mau! Như một cái máy, bác tôi vào lấy hai bộ sách ra, hai tay dâng lên, cả mình run lẩy bẩy, áo ướt đầm mồ hôi. Hoàng Yến lấy sách, không nói không rằng, bước lên ngựa ra về, trống cán đi trước, hèo tua theo sau, thái độ hách dịch.
Lúc bấy giờ ông thân tôi làm việc ở hãng dệt Délignon ở Phú Phong. Bác tôi liền đến cầu cứu. Qua thái độ và hành động của viên tri huyện, ông thân tôi đoán biết rằng y viên chỉ muốn làm tiền chớ không cố ý làm hại. Sau khi thảo luận cùng bác tôi, nên lấy của che thân, bác tôi liền đi nhờ tay chuyên môn lo thu xếp công việc.
Quan đòi 2 cây bạc, tức 100 đồng bạc Ðông Dương.Bác tôi phải bán ruộng..., việc mới yên.
Năm 1947, tôi gặp ông Hoàng Yến trong một cuộc hội nghị Liên Hiệp Quốc Dân tại Bình Khê. Tôi có hỏi thăm về hai bộ sử ấy. Ông đáp:
Lâu quá ai nhớ được. Mà giữ làm gì những thứ sách ấy.Hoàng Yến là một người có học, bên chữ Hán đậu Phó Bảng, bên chữ Pháp đậu bằng Cao đẳng Tiểu học (Primaire supérieur), mà không biết quý sách, đối với tôi thật là một điều bất ngờ! Cũng may không phải là người Bình Ðịnh.
Trong thập niên 1960, sau ngày Ðền Tây Sơn được nhân dân Bình Khê xây cất xong, Hồ Hữu Tường ra dự lễ lạc thành, có tìm được một bộ Tây Sơn Dã Sử ở Cây Da Tuy Phước. Tôi nghe nói, muốn tìm họ Hồ để xem thử phải bộ sách của Từ đường họ Quách chăng, nhưng chưa có dịp. Không biết bộ sách ấy hiện nay có còn chăng và nằm vào tay ai. Ngoài hai bộ Tây Sơn Dã Sử, Tây Sơn Liệt Truyện, khuyết danh tác giả, Bình Ðịnh còn có:
- Cân Quắc Anh Hùng truyện của cụ Nguyễn Bá Huân.
- Tây Sơn Văn Thần truyện của cụ Nguyễn Bá Huân.
- Tây Sơn Lương Tướng truyện của cụ Nguyễn Trọng Trì.
- Tây Sơn Danh Tướng Chinh Nam truyện của cụ Nguyễn Trọng Trì.
- Ngụy Triều Chư Tướng truyện của cụ Nguyễn Khuê.
Các tác giả đều là người trong một nhà ở Vân Sơn huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Cụ Nguyễn Khuê đậu ba khoa tú tài thời Minh Mạng, Thiệu Trị, hay chữ nổi tiếng. Cụ Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì là con, đều học cụ mà thi đậu Cử nhân dưới triều Tự Ðức.
Cụ Tú Khuê soạn Ngụy Triều Chư Tướng truyện, cụ Nguyễn Trọng Trì (tục gọi là cụ Nghè Trì, vì cụ có làm việc ở nội các cuối triều Tự Ðức) bảo: Tây Sơn há phải là ngụy triều hay sao?. Bởi thế cụ mới soạn tập Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện, chép kỹ hành trạng các tướng tài đã giúp nhà Tây Sơn dựng nghiệp.
Còn Cân Quắc Anh Hùng Truyện và Tây Sơn Danh Tướng Chinh Nam của cụ Huân và cụ Trì ghi chép sự tích Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng. Hai tập ấy bổ khuyết tập Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện vì trong tập này không nói đến chiến công của ba tướng họ Bùi, họ Trần, họ Võ.
Những bộ sách nói trên, sau khi các tác giả qua đời, đều giao cho bà Tú Năm con gái cụ Nghè Nguyễn Trọng Trì, làm dâu nhà họ Ðào ở Phú Phong (Bình Khê) giữ. Nhưng thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954), ở Phú Phong thường bị tản cư vì giặc ở An Khê thường xuống phá rối, bà Tú bèn đem về Vân Sơn những bộ sử ấy và hơn 100 vở tuồng hát bội do cụ Nghè sưu tầm có, do cụ sáng tác có, giao lại cho người con trai cụ Nghè là ông Tám Chu (em ruột bà Tú) để tránh nạn binh hỏa. Ai ngờ...! Lúc bấy giờ đương lúc khan giấy hút thuốc, ông Tám Chu, người vô học, lần lượt xé quấn thuốc và bán cho người quấn thuốc sạch trơn! Tránh lửa binh gặp lửa thuốc! Lửa tàn bạo cũng như lửa ngu dốt đều là con cháu của lửa Tần.
Nhưng văn chương chưa đến nỗi vô mệnh: Gần đây có người tìm thấy tại nhà của võ sư Hồ Ngạnh - một tay vô địch về roi ở Bình Khê, sau khi họ Hồ tạ thế - một hòm sách chữ Hán, trong đó có một số sách của họ Nguyễn Vân Sơn, như Tây Sơn Văn Thần truyện, Tây Sơn Lương Tướng truyện... Song sách vừa bước chân đến Quy Nhơn liền gặp rủi, phải trở vào danh sơn để đợi người tri kỷ.
Hùng khí Tây Sơn vẫn còn.

Mùa hoa sen Ất Sửu (1985)

QUÁCH TẤN

ẢNH HƯỞNG TÂY SƠN
TRONG GIA ÐÌNH HỌ QUÁCH
Ông thân tôi, Quách Phương Xuân, thông Pháp văn (đậu bằng Thành Chung - Primaire Complémentaire) nhưng chỉ đọc được viết được chữ Hán. Còn bà thân tôi lại giỏi chữ Hán và chỉ biết đọc biết viết chữ Quốc ngữ. Tánh hai ông bà tương phản. Bà thân tôi thì nghiêm nghị. Ông thân tôi lại ưa hài hước, mọi việc trên đời không coi việc gì là quan trọng, cả đến cái CHẾT.
Tôi lại có 3 ông cậu rất yêu quý ông thân bà thân tôi:
- Cậu chánh tổng Trần Trác, con trưởng bác ruột của bà thân tôi.
- Cậu tú Trần Khương, em ruột cậu Chánh.
- Cậu cửu Ðoàn Nhuận, anh con bà cô ruột của bà thân tôi.
Ba cậu chỉ hơn kém ông thân tôi một vài tuổi và đều ở Trường Ðịnh. Những lúc rảnh rang ba cậu thường đến chuyện trò cùng hai thân tôi. Vì từ nhỏ đến lớn ba cậu lo học để đi thi, sử chỉ đọc Hán, Ðường, chớ không thông sử Việt Nam, nhất là sử Tây Sơn, khi nói chuyện thường bị bà thân tôi đả kích. Nhưng ba cậu tánh hiền lành lại thương em, nên không bao giờ giận. ột hôm nhân bàn về nhà Tây Sơn, ông thân tôi nói:
- Sự nghiệp nhà Tây Sơn nay không còn gì hết. Vua Quang Trung còn để lại được tiếng Anh Hùng Áo Vải. Vua Thái Ðức còn để lại được câu nói chí tình Bì oa chử nhục, đệ tâm hà nhẫn.
Lúc ấy có đủ ba cậu tôi. Tuy ngồi chung với nhau một chiếu, song giữa cậu Chánh và cậu Tú có điều xích mích nhau vì binh vợ mà đầu mối bất hòa là do mợ Chánh gây ra. Nhân đó bà thân tôi bèn diễn nôm lời nói của Vua Thái Ðức:
Lỗi lầm anh vẫn là anh Nồi da xáo thịt sao đành hỡi em.Vừa dịch vừa khóc. Ông thân tôi cùng ba cậu cũng khóc theo. Từ đó gia đình cậu Chánh và cậu Tú trở lại hòa thuận như cũ. à câu Nồi da xáo thịt trở thành câu hát ru con của những bà mẹ hiền trong thôn Trường Ðịnh.

*

Lại một hôm, vào khoảng giữa năm 1926, bà thân tôi đòi cắt lưỡi em tôi là Quách Tạo. guyên năm ấy Tạo vừa đậu Primaire, được bà thân tôi rất chiều. Tạo nằm nơi giường kê gần cửa sổ nhà dưới, hát nghêu ngao những câu hát trong tuồng Võ Tánh Tự Thiêu mà nhà trường Quy Nhơn tổ chức để lấy tiền cứu tế. Tạo hát đến câu:...Lũ Tây Sơn muông cẩu... thì thình lình nghe tiếng bà thân tôi gọi một cách giận dữ:
- Hỷ, le cái lưỡi tao coi[104].Tạo giật mình quay lại. Bà thân tôi đương ngồi vá áo nơi góc giường, ngừng tay nhìn Tạo một cách nghiêm nghị. Trước đôi mắt nghiêm lẫn giận của mẹ, Tạo cảm thấy rờn rợn, nhưng không hiểu duyên do, còn đương ngơ ngác, thì bà xẵng giọng nhắc:
- Le lưỡi ra.
Tạo vội ngồi dậy, lè lưỡi. Bà đưa một tay chụp lưỡi Tạo, một tay chụp cây kéo làm cách chụp lưỡi để cắt. Tạo hết hồn vội bước xuống giường. Bà hét:
- Tao cắt lưỡi mầy đi! Ai dạy mầy hát như vậy? Tạo lúc bấy giờ mới 14 tuổi, sợ quá òa lên khóc, rồi thưa:
- Ðó là bài hát cải lương, các anh lớn ở trường hát cứu tế. Bà trừng mắt nói:
- Ai hát mặc nẫu, mầy không được bắt chước. Tao còn nghe câu hát đó, tao cắt lưỡi đi. Không hiểu tại sao hát câu đó lại làm cho mẹ giận, nhưng không dám hỏi, mà cũng không dám hát nữa dù là hát một mình. Mãi khi lớn lên, biết rõ lịch sử nước nhà, mới hiểu được tấm lòng tôn kính tuyệt đối của bà thân tôi cũng như của phụ huynh Bình Khê đối với Tây Sơn Tam Kiệt, và mới thấy rõ mình đã vô tình và ngu dốt xúc phạm một cách thô bạo như thế nào!

*

Cậu tú Trần Khương mượn được một quyển sử nói về triều Nguyễn, đọc xong nói chuyện cùng hai cậu và hai thân tôi. Trong khi nói chuyện, cậu Tú theo sách gọi Gia Long bằng Ðức Thế Tổ và gọi ba Vua Tây Sơn là Ngụy Tây. Bà thân tôi phản đối:
- Nguyễn Ánh thì gọi là Nguyễn Ánh, có kính nể lắm thì gọi là Gia Long, chớ sao lại gọi Ðức Thế Tổ? Còn NGỤY là cái gì? Cậu Tú thất kinh, đương ngồi trên phản liền nhảy xuống đất chạy bụm miệng bà thân tôi:
- Vách có tai, ở tù mọt gông, cô ơi! Thái độ cậu tôi làm cho bà thân tôi bật cười. Ông thân tôi cũng cười:
- Nhà tôi tuổi tý mà lại gan hùm, còn anh tú tên Khương nên thích yên ổn. Như thế là vui. Nhân nhà tôi đã hỏi Ngụy là gì, thì chúng ta thử bàn xem. Ba Vua Tây Sơn có phải là Ngụy chăng.
Cậu cửu Ðoàn Nhuận nói:
- Ðược làm vua thua làm giặc. Giặc là Ngụy. Nhà Nguyễn được, nhà Tây Sơn thua, thì nhà Nguyễn gọi nhà Tây Sơn là Ngụy là phải rồi. Bà thân tôi bẻ:
- Chúng ta có phải nhà Nguyễn đâu mà cũng gọi nhà Tây Sơn là Ngụy Tây? Cậu chánh Trần Trác nói:
- Thì ăn cây nào rào cây nấy chứ. Bà thân tôi đáp:
- Chúng ta có ăn cây nào của nhà Nguyễn đâu mà lo rào? Cậu Chánh có ý bất bình:
- Ðất của Vua chùa của làng, cây nào mọc trên đất này lại không phải là cây nhà Nguyễn. Ông thân tôi giảng hòa:
- Bàn để cho vỡ lẽ chớ không phải để tranh hơn thua. Chúng ta hãy dựa vào sách vở của cố nhân để lại mà bàn cho ra chân ngụy. Cậu tú Khương nói:
- Thầy Thông[105] luận như vậy rất hợp ý tôi. Xin thầy nói tiếp. Cậu Cửu, cậu Chánh cũng biểu đồng. Ông thân tôi tiếp:
- Các sử gia Tàu cũng như ta chia các nhà vua ra Chính thống và Ngụy triều. Nhà nào có công đánh giặc dựng nước, hoặc được chính thức kế truyền, được thần dân đều tùng phục, thì gọi là Chính thống. Còn nhà nào làm tôi cướp ngôi vua, hay xưng đế xưng vương ở nơi núi non, rồikéo quân đánh chiếm nước..., thì gọi là Ngụy triều. Nhà Ðinh, nhà Hậu Lê đánh giặc dựng nghiệp, nhà Lý, nhà Trần được truyền ngôi, sử gọi là Chính thống. Họ Hồ họ Mạc soán đoạt ngôi nhà Trần, nhà Lê thì gọi là Ngụy triều. Còn nhà Tây Sơn diệt bọn tham ô của Trịnh, Nguyễn để cứu dân, đánh đuổi quân Xiêm trong Nam, đánh đuổi quân Tàu ngoài Bắc, cứu nước ra khỏi nạn xâm lăng, rồi lên làm vua, thống nhất đất nước, từ Bắc đến Nam đều thần phục. Như thế sao gọi là Ngụy? Ðến như Nguyễn Phúc Ánh vì quyền lợi riêng, đã rước voi Xiêm, rồi cõng rắn Pháp về dày xéo quê cha đất tổ. Như thế đối với dân tộc Việt Nam có công hay có tội, mà chúng ta phải tôn thờ? Ba cậu tôi vốn là người có học thức nên lẽ phải dễ lọt tai thấm lòng. Từ ấy đối với nhà Tây Sơn rất mực tôn kính. Lòng tôn kính lại càng tăng càng vững sau khi bà thân tôi cho biết thêm rằng họ Trần có nhiều người ra phò nhà Tây Sơn lập được công lớn. Một vị chết chôn tại Gò Xoài ở đầu thôn Trường Ðịnh. Ngôi mộ bằng vôi to lớn và rất kiên cố. Có bia đá xanh ghi đủ tên họ chức tước, nhưng khi nhà Tây Sơn bị dứt thì phá bia cũ thay bia mới, lấy tên bà họ Mạc để tránh sự trả thù của Gia Long. Mộ ấy hiện còn, và Từ đường cao của họ Trần lo việc giỗ chạp.

*

- Bà thân tôi hết lòng kính phục Vua Quang Trung, nhưng có lần nói cùng ông thân tôi và ba cậu:
- Vua Quang Trung có công lớn trong việc dựng nước, song cũng có phần trách nhiệm trong việc mất nước. Ba cậu tôi, cả ông thân tôi đều ngạc nhiên, vì xưa nay chưa nghe ai nói. Bà thân tôi tiếp:
- Nếu Vua Quang Trung đừng nghe lời bà họ Bùi truất ngôi Thái tử của con trưởng dòng đích là Nguyễn Quang Thùy đã được Vua Càn Long phong Thế tử, thì ngôi cửu ngũ đâu có lọt vào tay Nguyễn Quang Toản con dòng kế, mới 13 tuổi, khiến sanh việc lủng củng trong triều, làm cho thế nước mỗi ngày một yếu. Tiếp đến việc cháu giết bác để cướp đất đai làm cho môi hở răng lạnh. Ông thân tôi khen là một khám phá mới. Nhưng ba cậu tôi nói:
- Mất nước là cơ trời.Nguyễn Quang Thùy lên ngôi chưa chắc đã giữ nước khỏi lọt vào tay nhà Nguyễn. Bà thân tôi cãi:
- Ý dân là ý trời. Nguyễn Quang Toản quá trẻ không phân được phải quấy, nghe lời bọn nịnh thần làm mất lòng dân, nên khi Phúc Ánh đánh mạnh, phía Tây Sơn không được dân ủng hộ, tức là Trời không thương. Còn Nguyễn Quang Thùy khi Vua Quang Trung băng thì đã 23, 24 tuổi và đã từng tham dự việc quân việc dân. Lại là người có đức. Bằng cớ:
+ Khi có người cho biết rằng vua cha đã đưa em mình lên ngôi Thái tử thay mình thì thản nhiên đáp: Tôi lên ngôi hay em tôi lên ngôi cũng thế thôi. miễn sao nước thạnh vượng, nhà được vững bền là được. Bá Di, Thúc Tề ngày xưa cũng không hơn.
+ Khi vua cha thăng hà, phò vua em vẫn hết lòng hết sức.
Ðến lúc sa cơ thì tuẫn tiết chớ không như Nguyễn Quang Toản cam chịu nhục dưới tay quân thù. Nếu Vua Quang Trung để cho Nguyễn Quang Thùy nối ngôi thì Bùi Ðắc Tuyên đâu có cơ hội làm mưa làm gió, đâu có việc công thần sát hại lẫn nhau, đâu có việc Lê Trung bị giết oan, Lê Chất bỏ Tây Sơn đem những cơ mật trong thủy quân vào nói hết cho Phúc Ánh biết, đâu có chuyện bọn tham quan ô lại thừa cơ cấp trên lộn xộn mà ra tay bóc lột nhân dân...
Cậu Tú và cậu Cửu mất trước ông thân tôi năm 1923, trước sau mấy tháng. Khi tôi khôn lớn, bà thân tôi thường đem sự tích nhà Tây Sơn kể cho tôi và em tôi nghe. Và sau khi bà thân tôi qua đời (1928), gặp tôi cậu Chánh và người em rể của cậu là dượng Bùi Sơn Nhi ở thôn Xuân Hòa (Bình Khê) thường nhắc nhở đến bà và hết lời ca tụng[106]. Những lời bình luận của bà thân tôi về nhà Tây Sơn thường được cậu Trần Trác và dượng Bùi Sơn Nhi đem ra làm giai thoại.

Mùa hoa sen Ất Sửu (1985)

QUÁCH TẤN

Kỳ Ðồng 14-8-84
Mới cách đây 4-5 ngày, tôi nhận được tập Nhà Tây Sơn, trên 10 bài H.P.N.H, 1 bức thư chung cho tôi và Giản Chi với một bức thư riêng cho G.C.... Xin thưa anh rõ kẻo anh mong: Tôi ở đây đã tháng rưỡi, uống thuốc Tây thuốc Bắc mà không thấy khá: Cứ trị được chứng này nó lại sanh chứng khác, ngủ kém, ngại vận động, cứ suốt ngày nằm dài, phải tạ khách vì nói chuyện lâu thì mệt... Không biết tôi còn phải trị bao lâu nữa.
Nhà tôi thì cũng phải đi Y Dược Học Dân Tộc để họ trị cho chứng huyết áp cao... Nhà thì không có ai mà hai vợ chồng đồng đau, thật lúng túng... Ðau thì đau, tôi cũng ráng đọc cho hết
- nếu không thì không yên lòng
- những tập của anh. Về những bài H.P.N.H. tôi chẳng thêm ý gì cả. Về tập Tây Sơn, tôi có đánh dấu bằng viết chì những chỗ đánh máy lầm, sót, chép lầm chữ Hán, và những chữ sai chính tả.
Ngoài ra tôi góp ý với anh mấy điểm này:
1. Bài tựa anh vẫn giữ trọn những ý của anh, nhưng để cậu Giao viết, ký tên thì hơn.
2. Có nhiều bản đồ vẽ sông mà không đề tên. Ví dụ huyện Tuy Viễn, sông Côn, mà tôi không kiếm ra được sông Côn.
3. Trước khi Nguyễn Nhạc ra quân có bài Cáo với quốc dân hoặc bài hịch kể tội chúa Nguyễn không? Bài đó nhờ ông giáo Hiến làm cho được mà.
4. Cần giải thích một số chữ thổ âm như Thao Càn chẳng hạn.
5. Hai bài văn tế dài quá rồi, không cần chép thêm hai bài ngắn nữa.
6. Trang cuối, chê nhà Nguyễn đúng đấy, nhưng nên nương tay với họ một chút, đừng đạp thêm nữa, vì ở trên đã đập họ nhiều quá rồi.
Tập Tây Sơn này viết kỹ lắm, nhất là:
- Nguồn gốc Tây Sơn - Chương 1
- Anh hùng nghĩa sĩ phò tá Tây Sơn - Chương 4
- Cảnh nứt rạn trong nhà Tây Sơn viết rất rõ
- Chương 10
- Quang Trung đại phá quân Thanh đọc thấy hồi hộp và khoái
- Chương 13
- Trần Quang Diệu đánh thành Bình Ðịnh - Chương 20
Lòng dân đối với nhà Tây Sơn - Chương cuối Một đặc điểm nữa là có nhiều bản đồ. Người viết có flamme. Cảm tưởng của tôi là họ Quách ở Bình Ðịnh gần được như họ
Tô ở Tứ Xuyên (Trung Hoa). Họ Tô có 4 người nổi tiếng: Cha, 2 con trai và 1 con gái (Tiểu Muội). Họ Quách cũng có 4 nhà văn, nhà thơ: Anh, ông Tạo, cậu Giao và cháu Mộng Hoa. Một nhà 4 người có văn tài, hiếm đấy.
Mừng rằng cậu Giao hoàn thành một tác phẩm có giá trị. Chỉ buồn một nỗi là bao giờ mới in được. còn 4-5 tập nữa chứ?...

NGUYỄN HIẾN LÊ

(Thư gửi Quách Tấn, Quách Giao trích lục)
CẢM TƯỞNG SAU KHI ÐỌC
NHÀ TÂY SƠN
Hơn mười năm nay, từ ngày tuổi lên trên nhân sinh thất thập, tôi thường buâng khuâng lo nghĩ đến lịch sử nhà Tây Sơn. Tôi sanh trưởng trên đất Tây Sơn. Từ lúc thiếu niên, tôi đã từng được nghe tiên nghiêm và các vị phụ lão có uy danh tỉnh Bình Ðịnh cho nghe, một cách tỷ mỷ sự tích nhà Tây Sơn, hành trạng các anh hùng nghĩa sĩ của tỉnh nhà ra phò tá ba vị anh hùng họ Nguyễn. Có nhiều sự kiện không thấy các quyển sử hành thế ghi chép, hoặc có ghi chép mà ghi chép trái ngược. Các cụ thường phàn nàn về việc thiếu sót và sai lạc này, song không đủ điều kiện để bổ khuyết, đính chính bằng bút mực. Tôi cũng thế. Người trước đã qua, lớp người trên 70 tuổi cũng lần lượt ra đi kẻ sau người trước. Một khi đã ra đi hết, thì những điều được cha ông truyền lại cũng sẽ tiêu tan lần lần. Lớp thanh niên hậu học, muốn tìm, tìm đâu ra? Vì vậy mà tôi đâm lo ngại, lắm đêm không ngủ được.
May sao cháu tôi Quách Giao, đã đỡ được gánh nặng cho lòng tôi. Ðọc đi đọc lại tập nhà Tây Sơn của cháu, tôi hết sức vui mừng! Những sự kiện chính xác có sẵn trong các lịch sử thông dụng xưa nay, đã được cháu Giao thuật lại minh bạch. Những câu chuyện truyền khẩu, những đức tính tài năng, hành trạng của các vị anh hùng nghĩa sĩ phò tá nhà Tây Sơn đều được ghi chép kỹ lưỡng. Phối kiểm với những điều tôi đã được nghe, tôi nhận thấy không có gì để thêm hay bớt, hay sửa chữa. Ðể xác minh một lần nữa, tôi đã đi đến các huyện trong tỉnh, nhưng không tìm thêm được gì khác nữa, chỉ biết được rằng một số nhân vật đời Tây Sơn vẫn còn hậu duệ:
- Họ Võ ở Phú Phong, Bình Khê, tức xã Bình Phú huyện Tây Sơn ngày nay, còn Võ Cán, Võ Thừa Khuông, Võ Thừa Ân ở Phú Mỹ.
- Họ Bùi ở Xuân Hòa (Bình Khê, Tây Sơn) còn Bùi Gia Tưởng, Bùi Thúc Ðình.
- Họ Ðặng ở Dõng Hòa (Bình Thành, Tây Sơn) còn Ðặng Phu, Ðặng Mân.
- Họ Ðinh ở Bình Nghi (Tây Sơn) còn Ðinh Hiên.
- Họ Lê ở Kiên Dõng (Bình Thành, Tây Sơn) trước kia có người cháu 3 đời của tướng Lê Hưng, tục gọi là Ông Dẻo. Ông Dẻo võ giỏi, sức mạnh phi thường. Xuống thành Bình Ðịnh thi võ, 2 tay xách 2 quả tạ, đi quanh thành 3 vòng, rồi ném hai quả tạ tới ngoài mức định đến hàng trăm thước. Nhưng thi mới nửa chừng cáo bệnh bỏ cuộc. Ðến đời ông Dẻo thì họ Lê đã dời nhà xuống Kiên Ngãi cách Kiên Dõng 1 thôn, thôn Kiên Luông. Nhà nghèo, ông Dẻo làm nghề đốn củi, chẻ hom, đương thúng rổ mướn cho các nhà giàu có ở các làng lân cận. Những khi vót nan chẻ hom, ông Dẻo cặp nách một tảng đá xanh vừa dài vừa rộng, đặt dưới bóng cây để ngồi làm việc và để nằm nghỉ ngơi. Cả đời không trọng vọng ai mà cũng không xem thường ai. Với ai cũng nói cười vui vẻ. Ông có người cháu nội tên Tấn, không biết võ nhưng sức khỏe không kém ông. Ông Tấn rất ghét trộm. Hễ nghe ở đâu la ăn trộm thì ông liền xách gậy chạy đến tiếp ứng. Kẻ trộm rất căm. Một đêm tối trời, nghe làng bên cạnh hô hoán, ông Tấn vội chạy tới thì bị mươi người vây đánh chí tử. Từ ấy mang bệnh thổ huyết mà chết. Nếu ông còn sống đến nay thì tuổi chừng trên trăm. Hiện nay không còn con cháu. Ðó là những nhân vật ở Bình Khê.
Còn các vị ở các huyện khác như:
- Ngô Văn Sở ở Bình Thạnh, huyện Tuy Phước, hiện còn Ngô Văn Liêm.
- Ðặng Văn Long ở Cây Da (Tuy Phước) còn Ðặng Hiếu Khẩn, Ðặng Hiếu Trưng.
- Nguyễn Văn Lộc ở Kỳ Sơn không biết có phải là tiền hiền của họ Nguyễn ở Phụng Sơn chăng, vì chưa được xem gia phả.
- Trần Quang Diệu ở Hoài Ân hiện còn phần mộ của các bậc tiền bối, nhưng không còn con cháu, hay là còn mà con cháu không biết đến ông tổ cao đời.
- La Xuân Kiều ở Phù Cát chỉ còn để lại bài thơ Vịnh Hòn Trâu Nằm ở ngoài cửa Phù Ly.
Các nhân vật khác ở trong tỉnh Bình Ðịnh và ở các tỉnh bạn, tôi không tìm được, không biết đâu tìm ra con cháu.
Con cháu của các anh hùng hào kiệt nhà Tây Sơn hiện còn và tôi được biết, không có gì đặc biệt đáng ghi.
Vì nạn trả thù cho chín đời của Gia Long mà những ngoại truyện, dã sử về nhà Tây Sơn, những gia phả của các họ có liên quan đến nhà Tây Sơn đều bị tiêu hủy. Những mồ mả thoát khỏi họa quật phá hầu hết đã thành mả hoang, vì con cháu hoặc bỏ làng đi lánh nạn phương xa, hoặc sợ liên lụy không dám nhìn nhận, lâu ngày trở thành mồ vô chủ, không còn biết là của ai.
Do đó muốn tìm bằng chứng cụ thể cho lời xưa còn truyền lại, thật là thiên nan vạn nan! Những người bóng xế ngàn dâu chúng tôi, nghe truyền sao, truyền lại vậy. Cháu Quách Giao đã ghi chép trung thực mọi chi tiết cần thiết. Cháu lại ra công nghiên cứu thêm những tài liệu đã thu thập được để vừa chứng minh vừa phong phú cho những gì cháu đã nghe truyền lại, kể thật là công phu. Tập văn này biết đâu lại chẳng giúp cho các nhà sử học chuyên môn, khám phá thêm những điều mới mẻ, chính xác, để bổ sung, hiệu đính cho những quyển sử đã lưu hành về nhà Tây Sơn.

Viết tại thôn Phú Hiệp, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn Mùa thu năm Giáp Tý (tháng 8 năm 1984)

NGUYỄN ÐỒNG

(Quách Giao sao lục)
Khánh Hội, ngày 14-9-1984
Kính gởi anh Quách Trường Xuyên, Thư 23-8-84 (mang tay) của Anh, tôi đã nhận được, với đầu đủ những chương bổ sung H.P.N.H (II). Xin báo tin để Anh mừng, tôi đọc hôm đực, hôm cái, nhưng cũng đã xong tất cả những gì Anh gởi cho tôi, qua Lộc Ðình lần trước, và cụ Ðồng hôm qua... Lộc Ðình đọc Nhà Tây Sơn của Q.G. rất kỹ, không sót chữ nào, những lỗi chính tả đều được đánh dấu ở ngoài lề hết. Duy phần chữ Hán thì tôi phải sửa thêm. Có bài thơ viết sai cả mười mấy chữ, - những chữ tôi còn ngờ chưa kể, nay mai tôi sẽ relever những chữ lầm ấy (Việt và Hán) thành một bản gởi ra Anh. Công việc này mất vài ngày, chứ không hơn, nhưng xin cho đợi hứng.
Nhà Tây Sơn của Quách Giao có giá trị lớn. Nhiều chi tiết mới về dòng dõi anh em Vua Quang Trung. Các tướng tá giúp vị anh hùng này cũng được truyền thần một cách hết sức linh động. Nguyên nhân bất hòa giữa Vua Thái Ðức và Bắc Bình Vương xem ra hữu lý hơn nguyên nhân đã được ghi trong chính sử. Ðiều đáng chú ý nhất là ngọn bút của nhà chép sử trẻ này dạt dào nhiệt tình, đã gây được cảm xúc mạnh nơi người đọc, làm cho người đọc yêu mặn nồng hơn mà ghét cũng ghét cay ghét đắng hơn: Yêu những khí phách hào hùng, những tấm lòng thẳng ngay, chung thủy..., ghét những thói gian ngoan, hèn nhát, những hành động tàn bạo, khát máu, độc ác hơn cả giống sài lang. Tác giả thuật sự cũng rất giỏi, khiến người đọc có lúc hồi hộp như đọc La Quán Trung hay Kim Dung. Ngần ấy thiết tưởng đủ rồi, chả cần cầu viện đến văn phong tiểu thuyết (bắt gặp trong một vài đoạn, tỉ như Quang cảnh thành Quy Nhơn lúc bấy giờ vừa bi vừa hùng - Ðó là ngày 24 tháng 5 năm Tân Dậu (1801)... Bóng chiều tràn ngập núi sông...) vân vân...
Sau chuyện Sử, bây giờ xin trở lại chuyện Thơ.
Ðọc những công trình biên khảo về Thơ của Anh, thứ nhất là Thơ Ðường và Hứng Phấn Nâng Hương (I và II), tôi thật thán phục anh về công phu thi học và về thái độ cẩn nghiêm của Anh trong việc áp dụng Niêm luật thơ Ðường. Ðến khi đọc chương 41/A, tôi cũng thán phục ngọn bút phê bình thơ Ðường rất tinh tế của anh Quách Trường Sa. Tôi e rằng người mới học Thơ, có thể đọc các anh rồi, đâm hoảng, không dám dấn thân nữa...

GIẢN CHI

Quách Giao trích sao.
Hà Nội, 23-8-1984 Kính gởi anh chị, Bạn của cháu Ngọc đã mang đến tập Nhà Tây Sơn của Giao viết và các bài viết lại Hứng Phấn Nâng Hương, đúng như trong thư anh ghi rõ. Tôi đã đóng những trang mới ấy thay vào các trang cũ. Những bài mới, những trang mới viết lại, rõ ràng hơn hẳn và có giá trị tư liệu cũng như văn học cao.
Tập Nhà Tây Sơn viết rất hấp dẫn. Tôi mới đọc qua một lần, thấy có một số chỗ cần trao đổi thêm. Có nhiều điểm rất cụ thể, nhận xét rất chính xác, như vấn đề bất hòa giữa N. Nhạc, N. Huệ, nguyên nhân..., có những việc rất lý thú, rất đau xót, nhất là cuộc đời Diệu, Xuân, Dũng, Long... v.v...
Tôi chưa có thể viết lời góp ý ngay, mà cần phải đọc lại bằng lý trí (vì nay mới đọc bằng tình cảm) nhưng có hai vấn đề cần gợi ý trước:
1.Ðúng như anh nói trong bài giới thiệu: Tập này không thể gọi là một quyền lịch sử vì tài liệu một số lớn chưa được phối kiểm một cách chặt chẽ. Ðó là khoa học. Tuy nhiên nó lại bao gồm rất nhiều tư liệu chính xác mà chính sử không biết hoặc không nêu, hoặc xuyên tạc, hoặc nhầm lẫn. Nó chính xác hơn vì nó được bảo tàng trong ký ức của nhân dân địa phương, nó còn dấu vết tại địa phương. Vì vậy tôi đề nghị anh nên nói rõ hơn trong Tựa, đính chính sai lầm của sách cũ, cũng như các suy đoán theo định kiến của các nhà sử mới.
2. Nói về Nhà Tây Sơn mà rất ít nói những tình cảm Tây Sơn để lại, trong nhân dân địa phương cho đến nay, là một điều thiếu sót. Hình như không phải chỉ Kiên Mỹ thờ ba Vua mà ngay cả ở Vân Tường cũng có việc làm lễ hàng năm.
Cần hỏi lại anh Ðồng xem có biết được bài văn tế mà lý trưởng Kiên Mỹ, đời này sang đời khác, truyền khẩu bí mật cho nhau để đọc khi tế ba Vua. Bài văn tế ấy cho đến đời Xã Suyền chết 1947 mang theo xuống trình Quang Trung. Ðược bài văn ấy là một cống hiến lớn cho lịch sử.
Việc 2 cây Ké, Cầy treo cờ làm lễ xuất quân ở chân đèo An Khê được nhân dân gìn giữ làm vật lưu niệm, mãi đến thời Mỹ mới bị ngụy chặt phá..., cũng đẹp và có ích. Văn của Giao viết giản dị mà hấp dẫn, rành rọt. Có một số địa danh, sự việc cần được bàn kỹ lại.
Lý Tài, Tập Ðình là hai tên tướng giặc Tàu Ô về giúp Tây Sơn, có đóng quân tại Phú Yên, nơi đến nay vẫn còn dấu: Núi Trại Khách ở Ðồng Xuân. Ở đó cũng lưu lại một câu hát đưa em:
- Gió đưa ông đội về Tàu Bà đội ở lại xuống bàu bắt cua Bắt cua làm mắm cho chua Gởi về ông đội khỏi mua tốn tiền. Ðó là sau khi hai tướng tàu bỏ trốn về Hải Nam, vợ me Tàu bỏ lại bị nhân dân chế giễu... 

SÁCH THAM KHẢO

1. Ðại Nam chính biên liệt truyện Nguyễn Phương dịch
2. Hoàng Lê Nhất Thống Chí Ngô Tất Tố dịch
3. Ðại Nam Nhất Thống Chí Nguyễn Tạo dịch
4. Tây Sơn lương tướng truyện Nguyễn Trọng Trì
5. Tây Sơn văn thần truyện Nguyễn Bá Huân
6. Nguyễn triều long hưng sự tích Trần Văn Tuân
7. Việt Nam Văn Hiến Sử Lý Văn Hùng,Thôi Triệu Miên
8. Dụ Am Văn Tập PhanHuy Ích
9. Việt Nam sử lược  Trần Trọng Kim
10. Quang Trung Nguyễn Huệ Hoa Bằng
11. Vua Quang Trung Phan Trần Chúc
12. Triều Tây Sơn Phan Trần Chúc
13. La Sơn Phu Tử Hoàng Xuân Hãn
14. Lịch sử Tây Sơn (bản thảo) Bùi Văn Lăng
15. Hùng khí Tây Sơn Lam Giang
16. Sài Gòn xưa và nay Vương Hồng Sến
17. Lịch sử Việt Nam NXB Văn Hóa Hà Nội
18. Thiên tài quân sự Nguyễn Huệ NXB.Quân đội nhân dân
19. Một số trận quyết chiến chiến lược NXB. Quân đội nhân dân
20. Nhân vật Bình Ðịnh Ðặng Quý Ðịch
21. Histoire de I Indochine Lasson
22. Nouvelle des Missions EtrangèresM.dela Bissachères
23. Bulletin de la Sté des Etudes Indochinoises
24. Luận án về Nguyễn Huệ 1753-1788 Trần Gia Phụng
25. Tập san Sử Ðịa đặc khảo về Quang Trung (tập 9-10) năm 1968
26. Tây Sơn nhân vật chí Ðinh Sĩ An
27. Nước non Bình Ðịnh Quách Tấn.
TÁC PHẨM CỦA QUÁCH TẤN
ÐÃ XUẤT BẢN
Thơ:
1. Một Tấm Lòng  1939
2. Mùa Cổ Ðiển 1941 - Tái bản 1960
3. Ðọng Bóng Chiều  1965
4. Mộng Ngân Sơn 1966
5. Giọt trăng 1973
6. Trăng Hoàng Hôn 1999
7. Tố Như Thi (thơ dịch) 1973 - Tái bản 1995
8. Lữ Ðường Thi (thơ dịch) 2000
9. Tuyển thơ 2002
10. Vui Với Trẻ Em 1994
Văn:
1. Trăng Ma Lầu Việt 1942 - Tái bản 2002
2. Nghìn lẻ một đêm (4 tập) 1958 - Tái bản 1994
3. Nước Non Bình Ðịnh 1968 - Tái bản 1999
4. Xứ Trầm Hương 1969 - Tái bản 1992; 2002
5. Ðời Bích Khê (hồi ký) 1971
6. Ðôi nét về Hàn Mặc Tử (hồi ký)  1988
7. Họ Nguyễn thôn Vân Sơn 1988
8. Nhà Tây Sơn (+ Quách Giao) 1988 - Tái bản 1998; 2000; 2001
1998
10. Bước lãng du 1998
1998
1999
13. Trường Xuyên Thi Thoại 2000
14. Bóng Ngày Qua (Bàn Thành Tứ Hữu) 2001
15. Võ Nhân Bình Ðịnh (+ Quách Giao) 2001
16. Những Tấm Gương Xưa 2001
CHƯA XUẤT BẢN
Thơ:
1. Tiếng Vàng Khô  Thơ thất ngôn
2. Nhánh Lục  Thơ lục bát
3. Mây Cổ Tháp Thơ ngũ ngôn
4. Cánh Chim Thu Thơ ngũ ngôn
5. Vị La Phù  Thơ ngẫu chiếm
6. Phấn Bướm Còn Vương Thơ thất ngôn
7. Nửa Rừng Trăng Lạnh Thơ lục bát
Thơ lục bát
9. Trăm Thiên Ðường Luật  Thơ thất ngôn
10. Móc Ðọng Tàu Cau Thơ thất ngôn
11. Áo Ðắp Tâm Tư Thơ thất ngôn
12. Xuân Còn Rơi Rớt Thơ thất ngôn
13. Ngục Trung Nhật Ký Thơ dịch
14. Bóng Hương Xưa (Việt Nam Hán Thi) Thơ dịch
15. Thơ Biền ngẫu Văn tế, Văn bia
Văn:
1. Hương Vườn Cũ Thi thoại
2. Trong Vườn Hoa Thơ Thi thoại
3. Những Bức Thư Thơ (2 Tập) Thi thoại
4. Hứng Phấn Nâng Hương Thi thoại
5. Cảnh Cũ Còn Ðây Du ký
6. Nghìn Lẻ Một Ðêm (4 Tập Tiếp) Thi pháp
8. Bát Canh Tập Tàn Bút ký
9. Tà Bá Nạp Bút ký
10. Những Giấc Mộng Không Mê Bút ký
11. Phong Trào Cần Vương Tỉnh Khánh Hòa Khảo cứu
12. 40 Năm Văn Học Khánh Hòa Khảo cứu
13. Bóng ngày qua (10 tập) Hồi ký
VIẾT CHUNG VỚI QUÁCH GIAO
1. Nhà Tây Sơn
2. Võ Nhân Bình Ðịnh
3. Hát Bội Bình Ðịnh
4. Thi Nhân Bình Ðịnh

Xem Tiếp: ----